NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

Quên và Nhớ

Sách Liệt Tử có ghi lại một câu chuyện như sau :

Nước Tống có một người đã đứng tuổi, tự nhiên mắc phải chứng bệnh kỳ lạ, đó là bệnh quên.

Buổi sáng lấy gì của ai, buổi chiều đã quên. Hôm nay ai cho cái gì, ngày mai lại chẳng nhớ. Ra đường quên cả đi, về nhà quên cả ngồi. Trước đã làm gì, bây giờ quên hết. Và hiện nay đang làm gì, sau này cũng chẳng nhớ. Cả nhà rất lo lắng về bệnh tình của anh ta, bèn tìm thầy chạy thuốc, chữa hết mọi cách mà cũng chẳng khỏi.

Sau đó, có ông thầy đồ, người nước Lỗ, nói rằng chữa được. Vợ của người bệnh hứa với ông thầy đồ là nếu chữa lành bệnh cho chồng, thì sẽ chia cho ông phân nửa gia sản.

Trước hết, ông thầy đồ thử anh ta bằng cách lột áo ra để cho bị rét lạnh, thì anh ta xin áo. Bỏ đói không cho ăn, thì anh ta xin ăn. Sai đem vào chỗ tối, thì anh ta xin ra chỗ sáng. Thấy những phản ứng như vậy của người bệnh, ông thầy đồ càng tin tưởng và nhận lời chữa bệnh.

Chẳng ai biết ông thầy đồ đã chữa như thế nào mà sau bảy ngày, anh ta trở lại bình thường. Tuy nhiên, khi tỉnh táo bình thường, anh ta lại sinh nóng giận, chửi vợ đánh con, cầm dao rượt ông thầy đồ đã chữa cho mình.

Những người chung quanh bắt giữ anh ta lại và hỏi lý do tại sao lại làm như thế, thì được anh ta trả lời như sau :

- Lúc trước tôi mắc bệnh quên, thì lòng tôi thảnh thơi khoan khoái, trời đất có còn hay không, tôi chẳng cần biết. Nay hết bệnh, tôi nhớ tất cả mọi sự, cả những chuyện của mấy mươi năm về trước : chuyện vui và chuyện buồn, chuyện yêu và chuyện ghét, chuyện thành công và chuyện thất bại, nên lòng tôi trở nên rối bời, ngổn ngang trăm mối. Chuyện buồn, chuyện ghét và chuyện thất bại thì lại nhớ lâu và nhớ sâu hơn. E rằng sau này những chuyện ấy sẽ bám theo tôi mãi mãi, dù có muốn quên cũng không quên được. Và nếu bị dày vò như vậy, thử hỏi tôi có tức giận được hay không chứ ?

Nghe xong câu chuyện trên, hẳn có người sẽ thầm nghĩ :

- Nếu trí nhớ mà như vậy, thì thà rằng mắc bệnh quên còn hơn.

Tuy nhiên, nghĩ đi thì cũng cần phải nghĩ lại, bởi vì người mắc bệnh quên cũng đau khổ lắm chứ. Gã xin đưa ra một vài trường hợp điển hình.

Trường hợp thứ nhất, đó là bên cạnh nhà gã có một bà cụ, hầu như suốt dọc cuộc đời, bà cụ là một người rất khôn ngoan, ăn nói đâu ra đấy, đúng bài bổn hẳn hoi, khiến mọi người đều phải tâm phục khẩu phục bà cụ sát đất. Bà cụ không những quán xuyến việc nhà một cách tuyệt vời, mà còn tham gia những công tác xã hội, thậm chí lại còn giúp đỡ ông chồng trong những chức vụ mà bàn dân thiên hạ đã tín nhiệm trao cho ông ta, theo kiểu :

- Gái ngoan làm quan thay chồng !

Thế nhưng, vào những tháng năm cuối cùng, bà cụ bỗng dưng quên hết, quên sạch sành sanh, không còn nhớ gì cả, ngay đến con cháu trong nhà bà cụ cũng quên mất tiêu. Có thể nói được rằng "ổ dĩa cứng" trong đầu óc bà cụ đã bị xóa tất tật, hoàn toàn trắng, chẳng còn lưu giữ được bất kỳ một kỷ niệm nào của dĩ vãng và hiện tại.

Bà cụ trở nên như một đứa con nít, ai cho gì thì ăn nấy. Có lúc còn vầy vò cục phân của mình như đứa nhỏ nhào nặn cục đất sét. Tới nhà thờ, bà cụ chen lấn, tiến lên phía trước và thượng cẳng chân hạ cẳng tay với những người chung quanh. Đi tới đâu, hễ thấy guốc dép là bà cụ lẳng lặng xách về nhà. Tội nghiệp cho mấy đứa cháu phải mang đi trả lại cho khổ chủ.

Trường hợp thứ hai, đó là là một anh bạn của gã. (…) anh ta mắc phải chứng bệnh quên. Mấy lần anh ta suýt chết vì tai nạn giao thông, bởi lẽ đang đi ngoài đường, bỗng dưng anh ta quên tiệt, chẳng biết mình đang làm gì, thành thử chiếc xe của anh ta cứ vô tư lao vào lề đường, ủi vô gốc cây, hay hôn vào đít xe khác.

Lần nào đến thăm, anh ta cũng hỏi địa chỉ. Gã thấy anh ta ghi vào sổ hẳn hoi. Thế nhưng, chỉ năm phút sau trong câu chuyện, anh ta cũng lại hỏi địa chỉ và cũng lại ghi vào sổ hẳn hoi. Và lần đến thăm nào cũng vậy.

Trường hợp thứ ba, đó là một anh bạn khác, tên Khánh, người gốc Qui Nhơn. Anh bạn này nổi bật về tính hay quên, nên được thiên hạ ưu ái dành cho cái biệt hiệu rất dễ thương là Khánh Siêu.

Có những lần đi tắm, nhưng anh chàng lại hay quên, nên không mang theo quần áo thay, thành thử khi tắm xong, cứ đứng trong phòng mà la oai oái.

Thiên hạ thì mặc quần đùi trước, rồi mới mặc quần dài sau. Thế nhưng anh chàng lại hay quên, nên mặc quần dài trước, rồi sau mới xỏ quần đùi, thảo nào kéo mãi mà nó chẳng chịu lên.

Sống trong lưu xá, thì giờ nào việc nấy, nhưng anh chàng lại hay quên, nên thường lộn giờ. Trong khi thiên hạ vô lớp học, thì anh chàng lại ung dung xuống nhà cơm. Trong khi thiên hạ xuống nhà cơm, thì anh chàng lại thong thả đến nhà nguyện…Về những chuyện quên của anh chàng, thì nói tới nói lui cũng chẳng bao giờ hết. Đã bảo : Siêu mà !

Sau cùng, trường hợp thứ tư là chính bản thân gã. Với tí tuổi đời đeo nặng trên vai, gã cảm thấy trí nhớ mỗi ngày một cùn. Ngày xưa còn bé thì học đâu nhớ đấy. Còn bây giờ thì học đâu quên đấy.

Thậm chí có những chữ vừa mới bật tự điển xong, thế mà chỉ một lúc sau bỗng dưng quên béng đi mất. Có những người rất thân quen, thế mà bỗng dưng quên mất tên. Lắm lúc phải mất vài ngày cái tên ấy mới "tái xuất giang hồ" trong bộ nhớ của gã.

Tuy nhiên, gã cũng rất lấy làm an ủi, bởi vì có một ông triết gia nào đó đã định nghĩa một cách tối om như sau :

- Trí nhớ ấy hả ? Đó là một khả năng hay quên.

Mà đúng như vậy. Nếu chúng ta nhớ hết mọi chuyện, từ chuyện to cho chí chuyện nhỏ, từ chuyện xảy ra hồi còn bé cho chí chuyện xảy ra bây giờ trong ngày hôm nay, thì đầu óc chúng ta sẽ nổ tung vì không đủ chỗ chứa, hay bản thân chúng ta sẽ hóa điên mất thôi vì tình trạng…quá tải.

Trong những cuộc tiếp xúc, gã ghi nhận được hai trạng thái quên: quên cố tình và quên vô tình.

Trước hết là quên cố tình, khi chúng ta lạm dụng cái quên để thủ lợi cho mình. Chẳng hạn đi siêu thị, chúng ta quên không trả tiền, hay chúng ta không nhớ gì lúc "cầm nhầm" hàng hóa cũng như vật dụng của người khác.

Tiếp đến là quên vô tình, khi chúng ta quên một cách vô tư mà không hề so đo tính toán. Chẳng hạn một anh bạn nhậu ngoắc cần câu, khi tỉnh lại, hỏi gì anh ta cũng chẳng nhớ :

- Tối hôm qua anh đã hứa với tụi này một chầu bia.

Anh ta trả lời :

- Thế à.

Nếu nói tiếp :

- Tối hôm qua, anh đã bảo rằng vợ anh đã khóc với anh.

Anh ta cũng trả lời :

- Thế à.

Và nếu còn tiếp tục hỏi :

- Tối hôm qua, không hiểu tại sao anh đã gục mặt xuống bàn mà chết tại trận, lại suýt nữa còn cho chó ăn chè ?

Anh ta cũng chỉ trả lời :

- Thế à.

Nếu suy nghĩ sâu hơn một tí, gã nhận ra rằng giữa quên và nhớ, chúng ta thường sống theo một nghịch lý như sau :

- Đó là có những điều cần phải nhớ, thì chúng ta lại quên. Trong khi ấy, có những điều cần phải quên, thì chúng ta lại nhớ.

Chẳng hạn chúng ta cần phải nhớ công ơn của cha mẹ, công ơn của thầy cô, cũng như công ơn của biết bao nhiêu vị ân nhân đã âm thầm góp phần xây dựng cuộc đời, thì chúng ta lại quên.

Trong khi đó, những hận thù, những oán ghét, những lỗi phạm của kẻ khác cần phải được quên đi, thì chúng ta lại nhớ mãi, nhớ hoài.

Nghịch lý này cũng giống như nghịch lý mà một cô gái đôi khi đã gặp phải trong khi tập thể dục thẩm mỹ, để có được một thân hình xinh đẹp :

- Đó là có những chỗ cần phải tóp vào, thì nó lại phình ra. Trong khi ấy có những chỗ cần phải phình ra, thì nó lại tóp vào.

Thành thử thay vì ngực nở bụng thon, thì cô gái kém may mắn này lại hóa ra…ngực thon bụng nở.

Sở dĩ chúng ta luôn sống theo cái nghịch lý giữa "quên và nhớ" như trên là vì trong cuộc sống chúng ta thường nhìn thấy những cái xấu, mà ít khi nhìn thấy những cái đẹp của người khác.

Gã xin đưa ra một thí dụ, chẳng hạn như Giáo hội Công giáo. Trải qua dòng lịch sử, Giáo hội đã làm được biết bao nhiêu điều tốt đẹp cho nhân loại, từ văn hóa và nghệ thuật đến luân lý và đạo đức. Những điều tốt đẹp này ít khi được nhắc đến.

Thế nhưng, lỡ có một sai phạm hay một "xì căng đan" nào đó, thì lập tức người ta thổi phồng, người ta la lối, người ta phản đối om xòm…Người ta chỉ nhìn thấy cái rơm cái rác trong mắt người khác, mà quên đi cái xà trong mắt mình.

Hay như một câu danh ngôn đã bảo :

- Một cây ngã đổ sẽ gây ồn ào hơn cả một cánh rừng đang mọc.

Cũng vậy, một tác giả đã viết như sau :

- Thông thường người ta hay chú ý tới vết đen trên trang giấy trắng hơn là nhìn tờ giấy trắng còn một vết đen. Hai cách nhìn, một chiều tiêu cực và một chiều tích cực. Cách nhìn của tiêu cực hướng người ta về vết đen, để rồi không nhìn thấy trang giấy trắng. Cách nhìn tích cực hướng người ta đến trang giấy trắng còn lại một vết đen. Cách nhìn tiêu cực là cách nhìn tẩy chay và phê phán. Còn cách nhìn tích cực là cách nhìn khích lệ và xây dựng.

Có một câu chuyện kể lại rằng :

Vừa đặt chân tới một miền đất mới, các vị sư phải tự tay kiến thiết mọi thứ. Một chú tiểu được trao nhiệm vụ xây một bức tường. Chú tập trung vào công việc, luôn kiểm tra xem những viên gạch đã nằm đúng chỗ hay chưa và hàng gạch có ngay ngắn hay không ?

Công việc tiến triển khá chậm vì chú là một người kỹ lưỡng. Tuy nhiên, chú không lấy đó làm buồn, bởi vì chú biết rằng mình đang xây một bức tường tuyệt đẹp lần đầu tiên trong đời.

Cuối cùng, chú cũng làm xong công việc vào lúc hoàng hôn buông xuống.

Khi đứng lùi ra xa để nhìn ngắm công trình lao động của mình, chú bỗng cảm thấy một cái gì đó bất ổn đập vào mắt : mặc dù chú đã rất cẩn thận khi xây bức tường, nhưng vẫn có hai viên gạch bị nghiêng. Và điều tồi tệ nhất, đó là hai viên gạch ấy lại nằm ngay chính giữa bức tường. Chúng như đôi mắt đang trừng trừng nhìn chú.

Kể từ đó, mỗi khi du khách đến thăm ngôi chùa, chú đều dẫn họ đi khắp nơi, trừ nơi có bức tường.

Ngày kia, hai vị sư già đến tham quan ngôi chùa. Chú đã cố lái họ sang hướng khác, nhưng hai vị sư già vẫn nằng nặc đòi tới xem khu vực có bức tường mà chú đã xây.

Một trong hai vị sư già, khi đứng trước công trình ấy, đã phải thốt lên :

- Ôi bức tường gạch mới đẹp làm sao !

Chú hỏi lại với tất cả sự ngạc nhiên :

- Ngài nói thật chứ ? Ngài không thấy hai viên gạch xấu xí ở ngay giữa bức tường đó sao ?

Một vị sư già từ tốn trả lời :

- Có chứ, nhưng tôi cũng thấy 998 viên gạch còn lại đã ghép thành một bức tường tuyệt vời ra sao.

Nhiều lúc chúng ta đã quá nhạy cảm đối với lầm lỗi của người khác. Khi bắt gặp ai phạm lỗi, chúng ta nhớ kỹ từng chi tiết. Và hễ có ai nhắc đến tên người đó, chúng ta lại nhớ ngay tới lầm lỗi của họ, mà quên bẵng đi mất những điều tốt đẹp họ đã làm.

Người ta thường bảo :

- Dù là một tên tướng cướp, thì trong lồng ngực của hắn cũng có được một mảnh tim vàng.

Thế nhưng, chúng ta chỉ nhìn thấy cái tội cướp của giết người của hắn, mà chẳng bao giờ chịu khám phá ra mảnh tim vàng đang ẩn dấu trong lồng ngực của hắn.

Chúng ta giống như người đeo hai giỏ. Cái giỏ phía trước đựng những sai lỗi của người khác, còn cái giỏ phía sau lưng đựng những sai lỗi của bản thân.

Vì thế, chúng ta thường nhìn thấy rất rõ và nhớ rất kỹ những sai lỗi của người khác, để rồi lên tiếng phê bình và chỉ trích một cách gắt gao.

Còn những sai lỗi của bản thân, chúng ta lại cố tình không nhìn thấy và nếu có nhìn thấy, chúng ta cũng sẽ đưa ra một ngàn lẻ một lý do để bào chữa, để bênh vực. Hay nói cách khác, chúng ta cố tình lờ tít và quên đi những lầm lỗi của bản thân.

Chúng ta thường cư xử khoan dung với bản thân mà nghiêm khắc với người khác, đáng lý ra chúng ta phải cư xử khoan dung với người khác mà nghiêm khắc với chính bản thân mình.

Bây giờ gã xin áp dụng hai phạm trù "quên và nhớ" vào đời sống gia đình, cũng như xã hội.

Trước hết, đó là trong đời sống gia đình.

Những người nhiều kinh nghiệm đã đưa ra một lời khuyên như sau :

- Trước hôn nhân, hãy biết mở to đôi mắt. Còn sau hôn nhân, hãy biết nhắm đôi mắt lại.

Gã thắc mắc và tự hỏi :

- Tại sao lại như thế ?

Trước hôn nhân, đó là thời gian tìm hiểu, chúng ta cần phải mở to đôi mắt, để ghi nhớ những khó khăn, khám phá những khuyết điểm, rồi suy nghĩ, đánh giá và quyết định.

Còn sau hôn nhân, đó là thời gian chung sống, chúng ta cần phải nhắm đôi mắt lại, để nhường nhịn và chịu đựng, để quên đi và tha thứ những lầm lỗi của nhau, nhờ đó tạo được một bầu khí hòa thuận và cảm thông, bởi vì :

- Một sự nhịn là chín sự lành.

Thế nhưng, chúng ta thường hành động trái với lời khuyên quí giá trên, thành thử nhiều cuộc hôn nhân đã thất bại, đã đổ vỡ ê chề.

Thực vậy, trước hôn nhân, vì những lời nói yêu thương đường mật, vì những đam mê tình nóng bỏng thúc đẩy, chúng ta đã nhắm đôi mắt lại, thay vì phải mở to đôi mắt ra. Chúng ta không còn ghi nhớ được những khó khăn, không còn khám phá ra những khuyết điểm và không còn đánh giá đúng mức hoàn cảnh chúng ta đang sống.

Và nếu có mở to đôi mắt, chúng ta cũng chỉ nhìn thấy tình yêu và cuộc sống là một màu hồng rực rỡ, để rồi chúng ta hăm hở bước vào hôn nhân:

- Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,

Thất bát sông cũng lội,

Tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua.

Hay như một bài hát của Trịnh Công sơn :

- Tình yêu như trái phá con tim mù lòa.

Đúng như Thánh Vịnh cũng nói :

- Họ có mắt mà không nhìn, có nhìn thì cũng chẳng thấy.

Còn sau hôn nhân, vì va chạm với thực tế phũ phàng, chúng ta cảm thấy đời không như là mơ. Lúc bấy giờ, thay vì phải nhắm đôi mắt lại, chúng ta lại mở to đôi mắt ra để lúc nào cũng ghi nhận và nhớ kỹ những bất đồng và sai lỗi, những bực bội và tức tối. Tình yêu đang ngả dần sang một màu xám ảm đạm và bắt đầu tàn lụi.

Để cứu vãn cái tình yêu đang bắt đầu tàn lụi ấy, thiết tưởng chúng ta cần phải nhắm đôi mắt lại, có nghĩa là chúng ta cần phải biết tha thứ những lầm lỗi của người khác, cũng như phải biết quên đi những bực bội và tức tối, để cùng nhau xây dựng một cuộc đời chung, một mái ấm gia đình chung.

Tiếp đến, đó là trong cuộc sống xã hội.

Thiết tưởng chúng ta cũng cần phải biết "nhắm và mở", cũng cần phải biết "quên và nhớ".

Thực vậy, chúng ta cần phải biết nhắm đôi mắt lại trước những oán thù và những sai lỗi của người khác, có nghĩa là chúng ta cần phải biết quên đi những oán thù và những sai lỗi ấy.

Có hai người thổ dân Nam Phi rất ghét nhau. Ngày kia, một trong hai người gặp đứa con gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Tên ấy nổi sùng bắt cô bé, lấy dao chặt đứt hai ngón tay rồi thả ra. Cô bé vừa chạy về vừa khóc lóc. Bàn tay máu chảy ròng ròng. Còn tên hung thủ vừa đi vừa la lớn:

- Ta đã trả thù được rồi.

Mười mấy năm sau, ngày kia có một tên ăn mày tới xin bố thí. Người đàn bà nhận ra đó chính là kẻ đã chặt hai ngón tay của mình, vội vàng trở vào nhà, bảo đầy tớ mang sữa bánh ra cho hắn ăn. Khi hắn đã ăn no rồi, người đàn bà liền dơ bàn tay cụt ra cho hắn coi và nói :

- Tôi cũng đã trả thù được rồi.

Tên ăn mày xúc động và bật khóc. Như vậy, người đàn bà đã biết quên đi nỗi oán thù ngày xưa.

Đồng thời, chúng ta còn cần phải biết mở to đôi mắt, có nghĩa là chúng ta phải biết khám phá và ghi nhớ những điều tốt, những điều hay nơi người khác, nhờ đó mà xích lại gần nhau hơn.

Bảo Thúc chết, Quản Trọng thương tiếc khóc như mưa, ướt đẫm cả vạt áo.

Có người hỏi :

- Ông với Bảo Thúc không phải là họ hàng thân thích gì, mà sao ông thương khóc quá như vậy ?

Quản Trọng nói :

- Ngươi không rõ, để ta nói cho mà nghe. Ta lúc nhỏ khốn khổ, thường buôn chung với Bảo Thúc, lúc chia lãi, bao giờ ta cũng lấy phần hơn, mà Bảo Thúc không cho ta là tham, biết ta gặp cảnh quẫn bách bất đắc dĩ phải lấy thế. Ta ở chỗ chợ búa thường bị lắm kẻ nạt dọa, Bảo Thúc không cho ta là nhát, biết ta có lượng bao dung. Ta bàn việc với Bảo Thúc, nhiều khi việc hỏng, Bảo Thúc không cho ta là ngu, biết có lúc may, lúc không may cho nên công việc có lúc thành, lúc bại. Ta ba lần ra làm quan, ba lần bị bãi, Bảo Thúc không cho ta là chẳng ra gì, biết ta chưa gặp thời, chưa tìm được vua giỏi. Ta ba lần đánh nhau thua cả ba, Bảo Thúc không cho ta là bất tài, biết ta còn mẹ già phải phụng dưỡng…Sinh ta ra là cha mẹ, biết được lòng ta là Bảo Thúc. Mà đối với người biết mình, thì mình đem cả tính mệnh ra hiếu còn chưa cho là quá, huống chi thương khóc thế này đã thấm vào đâu.

Tuy nhiên, khám phá ra điều hay, điều tốt nơi người khác rồi ghi nhớ cũng không phải là điều dễ. Phải yêu thương họ, thì chúng ta mới có thể làm được việc ấy, bởi vì khi yêu thương ai, thì:

- Củ ấu cũng tròn và trái bồ hòn cũng ngọt.

Gã Siêu