NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Định Mệnh, Duyên Số và Thời Vận..


01/15/2011 10:45 am
Tại sao có người đẹp, có người xấu? Tại sao có người yếu, kẻ mạnh? Tại sao có người giàu, có người nghèo? Tại sao có người luôn phải sống trong buồn khổ, có người lại luôn sung sướng và hạnh phúc? Tại sao có người hiền lành, thật thà, có người lại gian dối, xảo quyệt? Tại sao có người thông minh, có người lại tối dạ? ... Hàng muôn ngàn câu hỏi tại sao trong cuộc sống thực tế của thế nhân. Tùy theo trình độ kiến thức, vị trí, hoàn cảnh, mong ước, khát vọng .. v.v của mỗi cá nhân dẫn đến những câu hỏi "tại sao" khác nhau cho từng người. Nhưng một điều rất chắc chắn, là con người, về phương diện này hay phương diện khác, ít hay nhiều, ai cũng có những câu hỏi "tại sao" về những sự kiện xảy ra cho bản thân và xã hội chung quanh mình. Những câu hỏi không trả lời được, không giải đáp được thì dường như cách giải thích dễ nhất là "đổ thừa" cho định mệnh, cho duyên số, cho thời vận .
Suy nghĩ theo các nhà khoa học thì mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân hay lý do cụ thể của nó, những "sự kiện" xảy ra chưa giải thích được là vì kiến thức của con người vẫn chưa đủ để giải thích. Nói cách khác, là kiến thức của nhân loại vẫn còn giới hạn chưa đủ để giải thích tất cả những "hiện tượng" xảy ra trong đời sống của con người và thế giới chung quanh. Phật giáo cũng có quan niệm tương tự như vậy, theo luật nhân quả của đạo Phật thì : "Bất cứ điều gì xảy ra là do một hay nhiều nguyên nhân chứ không phải vì may mắn, vì cơ hội hay do định mệnh." Mọi việc phải có mối liên hệ giữa nhân và quả . Chẳng hạn, bị bệnh là có nhiều nguyên nhân cụ thể. Người bị nhiễm vi trùng và cơ thể của họ phải yếu đi vì chính vi trùng đó đã gây ra bệnh. Có một mối quan hệ xác định giữa nguyên nhân (vi trùng và cơ thể yếu) và kết quả (bệnh) vì chúng ta biết rằng vi trùng đã tấn công vào các tế bào và gây ra bệnh. Sự liên hệ giữa các hiện tượng xảy ra hoặc nguyên nhân và kết quả của tất cả hiện tượng là một phạm trù rất phức tạp và bao quát. Bài viết này chỉ đề cập một cách khái quát đến những quan niệm thông thường về định mệnh, duyên số, thời vận và những phương cách giải quyết thực tế trong khả năng của một người bình thường, như hầu hết chúng ta, có thể làm được trong đời sống hàng ngày.
Quan niệm, mỗi người đều có "số trời định sẵn" và không thể đổi khác được, tiêu biểu như của cụ Tố Như Nguyễn Du đã viết trong "Đoạn Trường Tân Thanh" : "Bắt phong trần phải phong trần; Cho thanh cao mới được phần thanh cao". Số mệnh của Thúy Kiều do "thiên định" là phải như vậy. Nhưng tại sao số mệnh của Thúy Kiều phải như thế? Ai tạo ra hay đặt để số mệnh cho Thuý Kiều? Do tiền thân nghiệp chướng? Hay chỉ do "tình cờ" và có thể xảy đến cho bất cứ cô gái nào khác? Câu trả lời nào có lẽ cũng ngoài tầm hiểu biết "chắc chắn" của đa số chúng ta. Trường hợp của Thúy Kiều có thể chỉ là một câu chuyện văn chương, một phương tiện để diễn tả, chuyên chở quan điểm riêng của Nguyễn Du. Nhưng trong đời sống thực tế thì cũng rất nhiều những trường hợp tương tự như của Thúy Kiều, hoặc thương tâm hơn nữa của những nàng Kiều ở mọi thời đại . Dĩ nhiên, làm thân con gái, chắc chắn là không có ai muốn lâm vào cái cảnh túng quẩn đến nổi phải "bán thân". Chắc chắn là chúng ta, ai cũng muốn thành công và có một cuộc sống sung túc. Nhưng có người thành công, đạt được mục đích mong muốn một cách rất thuận lợi và dễ dàng, có người "làm hết sức" vẫn không toại ý và luôn gặp những khó khăn trở ngại ngoài ý muốn. Dường như giàu, nghèo, sang, hèn cũng đều do số trời. Chẳng hạn như việc trúng số "độc đắc", rất khó tìm một lý do nào khác để giải thích cho hợp lý hơn là "vận may" của người trúng số. Người Á đông tin rằng : "đại phú do thiên, tiểu phú do cần". Chữ "may mắn" (luck) trong tự điển tiếng Anh được định nghĩa như: " may mắn là tin tưởng rằng bất cứ điều gì xảy ra, tốt hoặc xấu, đến với một người trong những diễn biến của các sự việc là do cơ hội, số mệnh hay vận may mà có" ( luck as believing that whatever happens, either good or bad, to a person in the course of events is due to chance, fate or fortune ).
Trong lãnh vực tình cảm , người Á đông tin tưởng có duyên nợ mới thành vợ chồng . Có duyên thì dù xa vạn dặm cũng có thể gặp gỡ, còn không duyên thì có ở gần cũng không gần gũi nhau về tình cảm, luyến ái . "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ; Vô duyên đối diện bất tương phùng". Hoặc như câu ca dao : " Phải duyên thì gắn như keo; Trái duyên đuểnh đoảng như kèo đục vênh ". Trong đời sống tình cảm, có thể nói chữ "duyên" có một vai trò quan trọng không những trong tình yêu mà còn trong nhiều quan hệ tình cảm khác nữa như tri kỹ, tri âm, bạn bè, quen biết ... Mặc dù duyên số là quan trọng, nhưng khi có tình cảm với ai đó, phải tận dụng cơ hội, phải tích cực bày tỏ và tranh thủ "chiếm" tình cảm của đối tượng chứ không nên phó mặc cho chữ duyên và thản nhiên ngồi đợi: "nếu có duyên thì sẽ tới". Vì duyên tới thì duyên cũng có thể đi. Đặc biệt, trong đời sống lứa đôi, cả hai phải nỗ lực để chứng tỏ, ngoài " ý trời" còn là "ý người" nữa. Nói cách khác, cả hai người phải làm cho nhau cảm thấy, đây là một sự lựa chọn nghiêm túc và đúng đắn chứ không phải chỉ do "ý trời" không thôi.
Xin gởi đến các bạn vài mẩu chuyện về "định mệnh" để chúng ta cùng xem và suy gẩm.
Có một nhà tu sĩ Ấn Độ tên là Narada trên một chuyến đi hành hương ở đền thần Vishnu. Trên đường đi hành hương, ông được đón tiếp và tạm trú qua đêm trong một chòi tranh của một cặp vợ chồng hiếm muộn. Trước khi ông tiếp tục lên đường, người chồng nói: "Nhân dịp Ngài đang đi thờ phượng thần Vishnu. Ngài hãy xin Thần cho tôi một đứa con." Narada đã cầu xin với Thần Vishnu như sau: " Xin Thần thương xót vợ chồng đó và ban cho họ một đứa con". Thần Vishnu trả lời, với một giọng chắc nịch: "Định mệnh đã an bài, đôi vợ chồng đó không có con được."
Năm năm sau, Narada đi hành hương nữa và cũng được đôi vợ chồng đó đón tiếp cho trú ngụ. Lần nầy, có hai đứa trẻ nhỏ đang chơi đùa ở trước chòi tranh. Narada hỏi: "Con ai vậy?" Người chồng trả lời: "Con tôi đấy." Narada rất ngạc nhiên vì trái ngược với lời Thần Vishnu nói với ông. Người chồng nói tiếp: "Cách đây năm năm, sau khi ngài rời khỏi chúng tôi, một người hành khất đã đến ngôi làng chúng tôi. Chúng tôi cũng đã cho trọ một đêm và ngày hôm sau, trước khi ra đi, ông đã chúc phúc cho chúng tôi. Đây là kết quả của sự chúc phúc của vị ấy."
Khi đến đền thờ thần Vishnu, Narada đã la lớn ngay từ ngoài cổng: "Phải chăng Ngài đã bảo tôi là định mệnh đã an bài cho vợ chồng đó không có con sao? Nay họ có hai mụn con!" Thần Vishnu nghe câu nói đó đã cười lớn tiếng và nói: "Điều đó chắc chắn phải là việc làm của một vị thánh. Các thánh có năng lực cải đổi số mệnh."
Trong một trận chiến, Nabunaga, một đại tướng Nhật Bản quyết định tấn công địch quân. Về quân số, ông chỉ có "một chọi mười" so với đối phương. Dù Nabunaga tin chắc sẽ thắng, nhưng binh sĩ của ông rất lo sợ. Trên đường đi đến chiến trường, họ đã dừng lại ở một đền thờ Thần Giáo. Sau khi đã cầu nguyện trong đền thờ, Nabunaga đi ra và nói: "Bây giờ, tôi tung một đồng tiền lên. Nếu mặt "ngửa" chúng ta sẽ thắng, nếu mặt "sấp", chúng ta sẽ thua". Ông tung đồng tiền lên và kết quả "ngửa". Các binh sĩ nức lòng chiến đấu nên họ đã thắng địch quân. Ngày hôm sau, một sĩ quan phụ tá nói với Nabunaga: "Không ai có thể cải đổi Số Mệnh được.” Nabunaga trả lời: "Đúng thế!” và đưa cho viên sĩ quan phụ tá xem đồng tiền mà cả hai mặt đều "ngửa".
Dựa vào hai câu chuyện trên thì Ai tạo ra định mệnh? Định mệnh có thể "sửa đổi" được không? Với kiến thức giới hạn của một người bình thường, như đa số chúng ta, cũng khó mà trả lời một cách xác quyết được. Nhưng chắc chắn một điều là "khát vọng có con" của cặp vợ chồng hiếm muộn và "niềm tin tất thắng" của quân Nhật đã đóng một vai trò rất lớn về "kết quả" như đã xảy ra ở hai câu chuyện kể trên.
Lẽ dĩ nhiên, trong cuộc sống chúng ta sẽ luôn có rất nhiều câu hỏi “tại sao” chưa trả lời được. Nhưng có lẽ cách đơn giản và hiệu quả nhất để đối diện với định mệnh là làm hết sức mình trước và chấp nhận định mệnh - "tận nhân lực mới tri thiên mênh"- Nói đến vận may và rủi thì trong cuộc sống hai điều họa phúc cứ xoay vần với nhau, khó mà biết được, nên khi được phước không nên quá vui mừng mà quên đề phòng cái họa sẽ đến, khi gặp điều họa cũng không nên quá buồn rầu đau khổ mà tổn hại tinh thần. Việc đời, hết may tới rủi, hết rủi tới may, chúng ta nên bắt chước Tái ông mà giữ sự thản nhiên trước những biến đổi thăng trầm trong cuộc sống như trong câu chuyện ngụ ngôn : "Tái ông thất mã, an tri họa phúc" (ông lão ở biên giới mất ngựa, biết đâu là họa hay là phúc.)
 
Lý Lạc Long 

Yêu, là đi vào ngõ nhỏ.


Nếu việc đi vào con ngõ nhỏ vẫn còn quá chung, vậy hãy tưởng tượng, yêu, như là đi vào một căn phòng tắt đèn, tối và thứ người ta nhìn thấy chỉ có màu đen.

                         
Yêu, giống như đi vào một con ngõ nhỏ, thật nhỏ. Một khi đã đâm vào, người ta chỉ có thể tiến lên trước mà không có chỗ để quay đầu xe đi ngược lại. Yêu là tiến lên và không ngoái đầu lại (còn nếu có người cứ cố đi lùi ra đằng sau, cái kiểu vừa đi vừa vặn cổ hơn chín mươi độ để nhìn đường đằng sau thì, bước đi, cậu chẳng biết cái gì  về tình yêu cả). Người ta chỉ có thể đi mà không biết mình đang ở đâu nhưng người ta không thể biết mình đang ở đâu nếu họ không đi.

Vì sao đôi khi, người ta vẫn nói yêu mù quáng. Nếu việc đi vào con ngõ nhỏ vẫn còn quá chung, vậy hãy tưởng tượng, yêu, như là đi vào một căn phòng tắt đèn, tối và thứ người ta nhìn thấy chỉ có màu đen.
Tình yêu bắt đầu, hai người cầm tay nhau cùng bước vào căn phòng. Tình yêu lớn dần, căn phòng cũng to ra. Còn yêu, người ta còn nắm tay nhau, còn đi mà không cần ánh sáng, cho dù không biết trước mặt là gì, và điều quan trọng là họ không cần biết, họ thấy hạnh phúc và thấy cần tiếp tục nắm tay, cùng tiếp tục ở bên nhau. Như vậy, yêu đúng là không cần đến đôi mắt, chỉ cần bàn tay, đôi chân và trái tim còn thổn thức.
Tình yêu phai mờ dần, người ta đã không còn nắm tay nhau, vẫn đi bên cạnh nhau. Hết yêu, một người sẽ cố đi nhanh hơn và gọi với ra đằng sau. Lâu dần, khoảng cách lớn dần, tiếng gọi nhỏ dần. Và tới một thời điểm nào đó, người ta chỉ còn đi trong im lặng, đi trong chính khoảng không gian mà tình yêu ngày nào tạo ra và cố tìm được công tắc đèn để nhìn thấy cửa ra.
Yêu, là đi vào ngõ nhỏ...

Gọi mình..



VŨ TRỤ

Tôi trao em một vũ trụ tinh khôi. Vũ trụ vừa mới ra đời sáng nay. Em hãy đưa hai tay ra mà tiếp nhận với một tấm lòng trân trọng. Vũ trụ của riêng em đó. Khi em có bình an, thì vũ trụ cũng bình an. Thương mình, tức là em đang thương yêu cả vũ trụ. Cuộc sống là một trường học, để cho ta tập thương mình. Thương mình, là em cũng đang thương tôi. Những khi em vui, tôi thấy lòng mình tràn ngập ánh sáng.
Từ đây, em là một bà mẹ. Em là mẹ của một vũ trụ nho nhỏ. Không, vũ trụ thì không nhỏ bao giờ. Vũ trụ trương nở, lớn hoài và chứa không biết bao nhiêu điều huyền nhiệm của sự sống. Sáng nay, có một con chim mải mê ca hát. Con chim và tiếng hát tuyệt vời kia cũng thuộc về vũ trụ của em đó thôi. Em có nghe không, tiếng reo mừng của vũ trụ vào lúc ban mai? Tôi vói tay, mở rộng thêm cánh cửa sổ cho nắng ấm tuôn vào. Nhìn nắng mới, tôi lại thấy nụ cười của em.
Em hãy tập thở cho bình an. Em thở vào và nghe cả vũ trụ đang theo hơi thở đi vào hai lá phổi. Em thở ra và nghe cả vũ trụ đang tuôn ra ngoài cõi vô tận, mênh mông. Em thở cho vũ trụ của em. Em đi cho vũ trụ của em. Với từng bước chân bình an đặt trên mặt đất, em đang chăm sóc cho mùa xuân đang trở về trên từng nhánh cây, đọt lá. Có một vũ trụ tinh khôi đang chờ đôi môi em mỉm cười, bình an. Vui nhé em.

TRONG SÁNG

Tâm em là một nguồn suối nước trong. Muôn đời, nguồn tâm ấy không bao giờ vẩn đục. Em đừng bao giờ phân chia tâm mình thành hai bên thiện ác. Trong tình thương chân thật, chúng ta không bao giờ chọn phe. Em phải chọn phe của ai bây giờ? Một lần chọn lựa là một phen sai lầm. Nếu chọn, em chỉ có thể chọn tất cả mà thôi. Chỉ có tất cả mới làm cho trái tim em thoả mãn. Không bao giờ có cái thiện thắng cái ác. Tư tưởng ấy, phải chăng, đã được sinh ra từ sự sợ hãi của con người?
Em vẫn là em. Em không cần chọn lựa. Chỉ cần là em thôi, thì tình thương đã có lối đi rồi. Tất cả mọi cảm xúc, tư tưởng trong tâm em sẽ trôi chảy tự nhiên như một dòng suối trong mát. Em hãy tin tưởng, mà đừng hoang mang, sợ hãi. Em không có phe, và tâm em không phải là một trường tranh đấu. Em trở về ôm lấy trái tim mình mà kêu gọi niềm thương yêu. Thương yêu là chấp nhận, chứ không hề loại trừ.
Loại trừ, có nghĩa là em không còn tha thứ. Em quên rằng tâm em có khả năng vô biên để tha thứ, và bỏ qua. Tha thứ, tâm em trở nên nhẹ nhàng và thư thái. Em không chọn phe, chấp nhận người kia, cũng như chấp nhận trọn con người của mình. Em thấy tâm mình trong sáng. Đó là một nguồn nước trong, chảy mãi về tận cõi vô biên, mênh mông. Mỗi lần tha thứ, em thấy tâm mình mới lại, trong vắt.

GỌI MÌNH

Em gọi tên em cho thật tha thiết suốt một trăm lần không gián đoạn. Gọi để mà nhớ đến một người em thương nhất ở trên thế gian này. Người ấy chính là em. Vậy mà em bỏ quên em. Em để cho thời gian chia cắt con người mình thành từng mảnh nhỏ. Một mảnh trong quá khứ, một mảnh ở trong tương lai. Em hãy gọi em cho thật hết lòng để trở về, mà hạnh phúc với chính mình.
Em gọi em để thấy mình đang có mặt. Em không phải là một tư tưởng. Chỉ có tư tưởng mới tạo ra ảo giác về thời gian và phân chia em thành ra nhiều đoạn khác nhau. Về được với mình rồi, thời gian cũng không còn nữa. Sự sống trôi chảy, mà không cần có thời gian làm thước đo đâu em. Sự sống đi tới, đi lui, đi xuôi, đi ngược mà không phải chảy từ nơi quá khứ về tới chốn tương lai. Về được với chính mình rồi, thì em cũng về được với mẹ đang có mặt trong em.
Đôi mắt em không phải là đôi mắt của mẹ đó sao? Em gọi mình tức là em đang gọi mẹ. Khi nào bất an, em hãy tập thở và đi từng bước khoan thai bằng đôi chân của mẹ. Mẹ không phải là quá khứ. Mẹ không thuộc về thời gian. Mẹ chính là em. Mẹ thuộc về sự sống. Cho nên mẹ không bao giờ mất cả. Và em cũng vậy. Em sẽ không bao giờ mất đi. Bởi vì em thuộc về sự sống thật đẹp. Em hãy gọi tên mình, đi em.

Những biểu hiện lão hóa về tâm lý ..


Có người nhận xét tôi “già không đều”, nhưng tôi quả quyết rằng, đó là lời nhận xét sai. Người ta đến tuổi hoa giáp, cái “già” đến nhanh và biểu hiện rất toàn diện và rõ nét, nhất là về tâm lý.



1.Không còn tham vọng và ý muốn sáng tạo ra cái mới. Cuộc sống thường cảm thấy trống trải, vô vị.
 
2.Đối với những công việc cần phải động não suy nghĩ, bỏ công sức ra nhiều thì tỏ ra lực bất tòng tâm.
 
3.Cứ coi mình là tốp người lạc hậu trước thời đại.
 
4.Cảm thấy người thân và những người xung quanh rất khó hòa hợp với mình, hơn nữa lại muốn sống tách ra khỏi cộng đồng, quần thể.
 
5.Rất thờ ơ và phớt lờ trước những sự việc xảy ra xunh quanh mình.
 
6.Thường kể lể quá khứ của mình không biết chán, mà không cần biết người khác có thích nghe hay không.
 
7.Nếu như cuộc sống không như ý, thường oán trời chẳng ưu ái mình.
 
8.Trước một sự việc bất ngờ xảy ra không tự chủ được, tỏ ra luống cuống không biết phải làm thế nào, cứ chạy quanh.
 
9.Mọi hoạt động trong cuộc sống hằng ngày chỉ xoay quanh bản thân mình.
 
10.Càng ngày càng cố chấp, mọi việc đều coi mình là đúng hết.
 
11.Thường bóp méo, hiểu sai những lời khuyên tốt bụng của người khác. Không chịu nghe theo bất kỳ ý kiến nào của người khác góp ý.
 
12.Luôn cằn nhằn, chê bai, không để tâm nghe ai nói.
 
13.Thường tìm chẳng thấy những thứ do mình cất, có khi tốn rất nhiều công sức mới tìm được, trí nhớ giảm rõ rệt.
 
13.Luôn đắm chìm trong hồi ức quá khứ, và cảm thấy không yên.
 
14.Tự thấy hiệu quả làm việc giảm sút rõ rệt.
 
15.Làm việc gì cũng lề mề và kéo dài hết ngày này sang ngày khác.
 
16.Càng ngày càng cảm thấy hứng thú trước những thứ chẳng còn giá trị và tác dụng gì.
 
17.Ngày càng chán ngán trước những bề bộn công việc trong cuộc sống, thậm chí chẳng sợ.
 
18.Thường tìm cớ lẩn trốn tiếp xúc với người lạ.
 
19.Ngày càng làm việc theo cảm tính, ít lý trí trong lời nói và việc làm.
20.Hay ngủ ngày hơn và thích uống trà đặc cho tỉnh táo.

Bí quyết 90/10..



Bí quyết đó là gì?
10% cuộc đời là những gì xảy ra với bạn.
90% cuộc đời là do những phản ứng của bạn đối với những chuyện xảy ra đó.
Thế nghĩa là sao? Giờ hãy thử xét một ví dụ :
Bạn đang dùng điểm tâm cùng với gia đình. Con gái bạn vô tình làm đổ cà phê lên áo bạn. Chuyện đó xảy ra bất chợt, bạn không kiểm soát được. Điều xảy ra tiếp sau đó là phản ứng thuộc quyền quyết định của bạn. Bạn mắng cháu. Cháu phát khóc. Bạn trách cả vợ mình đã đặt tách cà phê quá gần rìa bàn. Hai người bắt đầu cãi nhau một hồi. Bạn đùng đùng bước lên lầu thay áo. Khi bạn trở xuống con bạn vẫn còn khóc, chưa ăn xong để đi học. Cháu bị lỡ chuyến xe đưa rước. Vợ bạn phải hối hả đi làm. Bạn đi nhanh ra, đưa con gái đến trường. Sợ trễ, bạn chạy xe vượt tốc độ cho phép. Sau khi chịu phạt nặng, bạn đưa con tới trường trễ hết 15 phút. Con bạn chạy nhanh vào lớp không kịp chào bạn. Bạn đến văn phòng trễ 20 phút, lại sực nhớ mình bỏ quên chiếc cặp ở nhà. Ngày của bạn đã bắt đầu một cách thật khủng khiếp. Chuyện càng lúc càng tệ hại tiếp tục xảy ra.
Buổi chiều bạn buồn chán trở về nhà để thấy vợ con không vui vẻ đón mừng mình như ngày hôm trước.
Tại sao bạn có một ngày buồn chán như thế?
Tại tách cà phê chăng?
Tại con gái bạn chăng?
Tại người cảnh sát à?
Hay do bạn gây ra?
Câu trả lời đúng là D. Bạn đã không làm chủ cái 90% thuộc quyền phản ứng của mình. Cách phản ứng chỉ trong năm giây của bạn đã tạo nên một ngày bất hạnh.
Bạn cũng đã có thể phản ứng một cách khác. Khi tách cà phê đổ, cháu bé muốn khóc, bạn đã có thể nói: “Không sao đâu con, lần sau con nên cẩn thận hơn một chút”. Bạn nhẹ nhàng lên lầu thay áo và mang theo chiếc cặp. Bạn xuống nhà vừa kịp vẫy tay chào lại cháu bé lên xe đưa rước. Vợ chồng bạn hôn nhau rồi cùng đi làm. Bạn đến văn phòng sớm năm phút và vui vẻ chào các đồng nghiệp buổi sáng. Có lẽ sếp cũng khen bạn về một ngày làm việc có hiệu quả.
Hãy nhớ rằng phản ứng của bạn rất quan trọng. Chuyện bất ngờ xảy ra chỉ chiếm 10%, quyết định phản ứng của bạn chiếm tới những 90%. Hãy nhớ và áp dụng bí quyết 90/10 cho mọi việc xảy ra trong ngày, bạn sẽ thấy cuộc đời bạn tốt hơn thật nhiều. Chúc bạn thành công!

Có một từ sẽ làm bạn phát ốm...


 Arthur Gordon là một nhà văn nổi tiếng. Ông có nhiều câu nói sâu sắc khiến mọi người khâm phục. Tuy nhiên, ông kể lại rằng bản thân ông học được một bài học lớn trong một trường hợp rất bất ngờ

k7qikanu4itygqp17dfq Có một từ sẽ làm bạn phát ốm
Đó là lần Gordon tới New York để phỏng vấn Tiến sĩ Blanton, cũng là người đồng sáng lập Tổ chức Nghiên cứu Tâm thần học. Trong khi ngồi ở tiệm ăn chờ Tiến sĩ Blanton tới, Gordon suy nghĩ vẩn vơ và bắt đầu nghĩ ngợi về quá khứ của mình, về những việc mình đã và chưa làm được. Và khi Tiến sĩ Blanton tới, ông nhìn thấy Gordon đang ngồi chờ mình với đôi lông mày nhíu lại, mặt mũi buồn bã u ám..
- Có chuyện gì vậy, Arthur? – Tiến sĩ Blanton hỏi ngay khi nhìn thấy Gordon, khiến cho Gordon quên mất rằng mục đích của mình ở đây hôm nay là để… phỏng vấn Tiến sĩ.
- Ừm, tôi chỉ ngồi nghĩ về cuộc sống của mình. Có quá nhiều điều tôi lẽ ra đã làm được rồi. Này, anh biết không, nếu hồi đó tôi cố học thêm chút nữa, có lẽ bây giờ tôi cũng là Tiến sĩ rồi đấy!
Tiến sĩ Blanton mỉm cười, gợi ý:
- Ăn trưa xong chúng ta cùng đến văn phòng của tôi nhé. Tôi có cái này hay lắm.
Sau bữa trưa, tại văn phòng của mình, Tiến sĩ Blanton bật một cuộn băng cassette.

- Anh hãy lắng nghe cuộn băng này. Có ba người khác nhau nói về chính họ. Họ đều là bệnh nhân của tôi và đều cần điều trị tâm lý. Anh nghe kỹ nhé!

Trong suốt một tiếng đồng hồ, nhà văn đáng kính Gordon lắng nghe. Và khi kết thúc, Tiến sĩ Blanton hỏi:
- Anh có thấy ba người này có một điểm chung không?
Arthur Gordon suy nghĩ rồi đáp:
- Tôi chẳng thấy có gì chung cả. Họ có những cuộc sống, cách sống quá khác biệt và những vấn đề họ gặp phải cũng quá khác nhau.
- Thế thì để tôi nói anh nghe – Tiến sĩ tâm lý học nói – Tất cả ba người đều nói rất nhiều lần từ: “Giá như…”, “Nếu mà…”. Những cụm từ này thật sự làm thần kinh người ta phát ốm. Nó chẳng khác gì độc tố, nó làm mọi người đều tiếc nuối, tự trách móc, bi quan… Điều đầu tiên tôi khuyên họ là họ cần học cụm từ: “Lần sau…”. Cụm từ này chỉ tới tương lai, tới một ngày mới, tới sự mạnh mẽ, hồi phục, sửa chữa, hàn gắn… Nếu đã không thay đổi được quá khứ, thì anh nên hướng mắt mình về quá khứ hay tương lai?

“The Pianist in the Shopping Mall” -,Coelho, Paulo




NGƯỜI NHẠC SĨ DƯƠNG CẦM TẠI MỘT TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI

Tôi đang đi dạo một cách lơ đãng trong một trung tâm thương mại với Ursula, một người bạn, là nghệ sĩ vĩ cầm gốc Hungary và hiện nay là một nhạc sĩ chính trong hai dàn nhạc quốc tế. Thình lình, cô nắm chặt tay tôi:
“Lắng nghe kìa!”
Tôi lắng nghe. Tôi nghe tiếng nói của những người lớn, tiếng khóc gào của một đứa trẻ, tiếng ồn từ những máy truyền hình vọng ra từ những cửa hàng bán thiết bị điện, tiếng lách cách của những đôi giày cao gót gõ lên nền gạch hoa, và tiếng nhạc văng vẳng thường nghe trong mọi trung tâm thương mại trên thế giới.
“Tuyệt vời quá phải không?”
Tôi bảo rằng tôi không nghe được gì tuyệt vời hoặc khác thường cả.
“Tiếng dương cầm!”, cô nói, nhìn tôi với một vẻ thất vọng. “Người nhạc sĩ dương cầm thật là tuyệt diệu!”
“Chắc là một đĩa hát.”
“Đừng nói nhảm.”
Khi tôi lắng nghe chăm chú hơn, quả thực, chắc chắn đó là tiếng nhạc sống. Người nghệ sĩ đang chơi một bản sonata của Chopin, và bây giờ, khi tôi có thể tập trung lắng nghe, những nốt nhạc dường như lấn át mọi tiếng động dọc theo các lối đi chen chúc những con người, những cửa hàng, những cuộc trả giá, và mọi thứ mà ai cũng có được, theo như những lời rao hàng, ngoại trừ tôi và bạn. Chúng tôi đi đến khu vực bán thức ăn, nơi đó mọi người đang ăn, uống, nói, cãi nhau, đọc báo, và nơi đó có một trong những điều hấp dẫn đặc biệt mà tất cả các khu thương mại thường ban tặng cho các khách hàng của họ.
Trong trường hợp này, đó là một cây dương cầm và một nhạc sĩ dương cầm.
Người nhạc sĩ dương cầm chơi thêm hai bài sonata của Chopin, rồi những nhạc phẩm khác của Schubert và Mozart. Anh khoảng ba mươi tuổi. Lời yết thị bên cạnh sân khấu giới thiệu rằng anh là một nhạc sĩ nổi tiếng đến từ Georgia, một trong những nước cộng hoà Xô-viết trước kia. Có lẽ anh đã tìm việc làm, không có nơi nào tiếp nhận, anh tuyệt vọng, thôi không tìm việc nữa, và giờ đây anh có mặt tại trung tâm thương mại này.
Thế nhưng tôi không chắc rằng anh thực sự hiện diện ở nơi này: đôi mắt của anh tập trung vào cái thế giới kỳ diệu, nơi mà những bài nhạc được sáng tác; đôi bàn tay của anh chia sẻ cho chúng tôi tất cả tình cảm, tâm hồn, niềm đam mê của anh, những điều tốt đẹp nhất của anh, tất cả những năm tháng của sự rèn luyện, tập trung và kỷ luật của anh.
Có một điều hình như anh không hiểu, rằng không một ai, hoàn toàn không một ai, đến đó để lắng nghe anh; họ đến đó để mua sắm, ăn uống, để tiêu khiển thời gian, để ngắm hàng hoá qua cửa kính, hoặc để gặp gỡ bạn bè. Một vài người dừng lại bên cạnh chúng tôi, nói chuyện ồn ào, rồi đi tiếp. Người nhạc sĩ dương cầm không lưu ý — anh vẫn đang trao đổi với những thiên thần của Mozart. Và anh cũng không lưu ý rằng anh có hai khán giả, một trong hai người đó là một nhạc sĩ vĩ cầm cực kỳ tài ba đang lắng nghe với đôi mắt ngấn lệ.
Tôi nhớ lại, một lần nọ tôi đến nhà thờ và chứng kiến một phụ nữ trẻ đang đánh đàn để dâng tặng lên Thượng Đế, nhưng đó là trong nhà thờ, và tôi phần nào hiểu được. Còn ở đây thì, ngược lại, không một ai lắng nghe, có lẽ cả Thượng Đế cũng không.
Nói thế thì không đúng sự thật. Thượng Đế đang lắng nghe. Thượng Đế đang ở trong tâm hồn và trong đôi tay của người đàn ông này, bởi vì anh đang cống hiến những điều tốt đẹp nhất của anh, bất kể anh có được lưu tâm hay không, bất kể món tiền anh được thù lao là bao nhiêu. Anh đang chơi đàn như anh đang ở trong nhà hát lớn Scala tại Milan hoặc nhà hát lớn Opéra tại Paris. Anh đang chơi đàn vì đó là phận mệnh của anh, niềm vui của anh, và lẽ sống của anh.
Tâm hồn tôi tràn ngập niềm ngưỡng mộ và sự kính trọng sâu sắc đối với một con người, ngay trong khoảnh khắc ấy, đang nhắc nhở tôi một bài học rất quan trọng: rằng mỗi người chúng ta có một sứ mệnh riêng để hoàn thành, và đó là tất cả. Không hề gì nếu những người khác ủng hộ chúng ta hoặc phê phán chúng ta, chẳng màng đến chúng ta hoặc chấp nhận chúng ta — chúng ta thực hiện công việc đó bởi vì nó là phận mệnh của chúng ta trên mặt đất này, và là suối nguồn của mọi niềm vui.
Người nhạc sĩ dương cầm kết thúc với một bài nhạc khác của Mozart và, lần đầu tiên, anh lưu ý đến sự hiện diện của chúng tôi. Anh dè dặt và lịch sự gật đầu chào chúng tôi, và chúng tôi cũng làm như thế. Rồi anh quay trở lại cõi thiên đường của anh, và tốt nhất nên để yên cho anh ở đó, không bị ảnh hưởng bởi thế giới chung quanh, hoặc thậm chí bởi những tiếng vỗ tay khe khẽ của chúng tôi. Anh là một tấm gương cho chúng ta. Bất cứ khi nào chúng ta có cảm giác rằng không ai quan tâm đến điều chúng ta đang làm, chúng ta hãy nghĩ đến người nhạc sĩ dương cầm đó. Anh đang nói chuyện với Thượng Đế xuyên qua công việc của anh, và không có điều gì khác quan trọng cả.

New Age - chạm đến vùng bí ẩn của tâm hồn!

New Age, dòng nhạc sinh ra để kéo con người chậm lại nhưng cũng khiến họ vút lên những cảm xúc thiêng liêng, bình yên trong tâm hồn. 
                                             

Để bắt đầu một "Thời đại mới"...

Bạn có bao giờ lắng nghe thật kỹ tiếng những giọt mưa đầu tiên rơi xuống, hay bất ngờ rùng mình xao xuyến khi có quá nhiều vòm lá sấu cùng ào trút lá xuống con đường, một khoảnh khắc giao mùa trong veo?
Trong khung cảnh ấy, có bao giờ bạn sẽ tự hỏi rằng một khi mình không phải một người quay phim, không phải một nhà thi sĩ, nếu mình là một người chuyên viết nhạc không lời thì mình sẽ phải làm gì để ghi lại cảm xúc đặc biệt khi ấy?
Trong trường hợp này, một nhạc sĩ trường phái cổ điển, hẳn họ sẽ vận dụng kĩ thuật phối khí điêu luyện để tạo ra tiếng mưa bằng những nốt nhạc đàn Harp,đàn Piano, họ giả lập không gian đầy đường lá xao xác bằng sự cộng hưởng nhiều bè của dàn nhạc dây đông người.
Cũng trường hợp này, đối với những nhạc sĩ cận đại viết những khúc ca Jazz, Pop, Rock chẳng hạn, họ cùng với một nghệ sĩ viết lời ca, dùng lối kể chuyện để minh họa cho cảm xúc của họ, các ca khúc đương thời cho tới nay hầu hết đã được tạo nên với cách thức ấy.
                                   


Còn những nhạc sĩ viết nhạc không lời gần đây hơn, họ phải làm gì với những nhạc cụ vốn đặc trưng cho nhịp sống của họ?
Có một trường phái khá tự do, thậm chí nghệ sĩ ấy có thể mang máy thu ra ngoài hiên nhà thu lấy tiếng những giọt nước đang rơi xuống, thu lấy tiếng đám lá xào xạc và họ đưa vào trong tác phẩm âm nhạc mà ta gọi là những "Sound Effect" hiệu ứng âm thanh), người viết nhạc đặt chúng vang lên với một bè nền lung linh của tiếng nhạc dịu dàng đôi lúc bâng khuâng xao xuyến gọi là “Background” (nền), khi ấy hình thành một thứ gọi là “Space” (không gian) của một tác phẩm.
Trong không gian này người nghệ sĩ tô điểm những suy tư khác, gửi gắm một câu chuyện nào đó bằng tiếng các nhạc cụ khác, có thể chỉ là một vài nốt piano, vài tiếng hát u ơ vu vơ. Tác phẩm đã hoàn tất như tình cảm của anh ta sau đó được đặt một cái tên là “Thiên nhiên tháng tư” chẳng hạn.
Người nghe, với cảm quan và kinh nghiệm về những gì có thể xảy ra trong khung cảnh như thế, đón nhận tác phẩm ấy và thả sức tưởng tượng, liên tưởng từ chính kỷ niệm hay kinh nghiệm của mình trong bao nhiều lần tháng tư của riêng họ.

Thế là đủ cho thành công của một tác phẩm dòng nhạc New-Age (Thời đại mới), dòng nhạc bí hiểm mà đôi lúc còn được gọi lẫn lộn với rất nhiều tên gọi khác như âm nhạc không gian, nhạc hòa tấu điện tử, nhạc Thiền, âm nhạc của những cảm xúc siêu nhiên… và đôi lúc dễ nhầm lẫn với World-Music, Electronic, các dòng âm nhạc có pha trộn điện tử khác.Họ được gợi ý như đang xem một bức ảnh hay một cuộc băng hình ghi lại, thấy thanh bình như đọc một bài thơ hay, sự suy tưởng về thời khắc giao mùa, những vận động của đất trời đồng điệu ùa về.

Trí tưởng tượng không giới hạn

Trên đây cũng chỉ là một cách để gợi mở. Nghệ thuật của dòng nhạcNew-Age là vô cùng phong phú và không bao giờ có một phương pháp sáng tạo, bởi chính tư duy tự do trong sáng tạo đã không giới hạn, một lần nữa nó mở ra tiềm năng hoạt động của trí tưởng tượng và điều kiện thực thi của người nghệ sĩ.
Cũng vì thế, dòng nhạc này đã mang một tên gọi có vẻ hơi to tát, thậm chí có những nhà lý luận, người hâm mộ cực đoan phương Tây còn cho rằng âm nhạc chỉ đã trở thành một bộ môn nghệ thuật thực sự từ khi dòng nhạc New-Age ra đời.


New-Age được biết đến tại Mỹ từ khoảng thập kỷ 70, cùng lúc với thời điểm xuất hiện những nhạc cụ điện tử, đặc biệt đàn synthesizer (sau này phát triển lên cao là đàn keyboards) và kỹ thuật thu âm số cho phép nghệ sĩ thu âm nhiều đường âm thanh cho một tác phẩm trong những khoảng thời gian khác nhau. Thế nên, cái tên New-Age có một ý nghĩa đơn giản hơn sự đồn đại về những suy tưởng siêu nhiên mà nhiều người nhắc tới khi cảm nhận dòng nhạc ấy.
Có lẽ cái tên New-Age mang ý nghĩa đánh dấu sự ra đời của một dòng âm nhạc mới dựa trên kỹ nghệ âm nhạc điện tử, điều trước đó chưa thể có được. Sự sáng tạo vì thế thay cho việc tiếp tục đào sâu phát triển chậm rãi ở nơi các thể loại âm nhạc khác lại có một cơ hội tung cánh thoát lên và biến hóa nơi một chân trời mới lạ.

New-Age và cho nó một cảm giác tung cánh. Nơi thế giới dường như bắt đầu chật hẹp đến mức loài người trong suốt thế kỷ 20 đã liên tục sáng chế những con tàu vượt không gian thám hiểm vũ trụ hay các con tàu thám hiểm đáy đại dương, New-Age ra đời chính là cảm hứng tung cánh của một thế hệ âm nhạc chịu ảnh hưởng của công cuộc mở rộng và khám phá không gian, khi niềm tin và những suy tưởng siêu nhiên của loài người đương thời đã trở nên rõ ràng hơn so với thời gian trước đó.
Có lẽ chính vì thế, những tác phẩm âm nhạc New-Age thường có sắc thái lạ lùng, bí ẩn, những viễn tưởng vô cùng khác lạ với âm nhạc ra đời trước đó.
Sau này New-Age phân ra nhiều nhánh, Contemporary Instrumental,Solo Instrumental, Neo-Classical, Celtic…và mỗi nhánh đều có những đặc trưng khá chuyên biệt, về cả nội dung tư tưởng và hình thức âm nhạc.

                                           

Aldo - Silent Star

Một bản guitar solo để relax rất tuyệt với âm hưởng latin đặc trưng của guitar và những nốt khá lạ, cao và gắt (để tạo hiệu ứng "new age").




                                           

YANNI - Midnight Hymn (Beauty water)






Kitaro - After The Rain






Vangelis - Islands Of The Orient


Đâu là happy ending cho một tình yêu?..



Tình yêu như những chùm bong bóng óng ánh sắc màu đang bay lơ lửng giữa không trung. Nó đẹp đẽ và quý giá bởi chính sự mong manh của nó. Còn hôn nhân, nếu không khéo, sẽ là chiếc vợt cố chụp lấy bong bóng-tình yêu, một thứ vốn không thể nắm bắt và rất dễ tan biến.

 

Hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay rằng, đó là khi hai người đến được với nhau, kết thúc bằng một đám cưới hạnh phúc. Và một thời gian sau, cho ra đời một đứa trẻ bụ bẫm, dễ thương... Hai vợ chồng sống hòa thuận, chia ngọt sẻ bùi với nhau...Nhưng, có bao giờ bạn tự hỏi: Cứ phải như vậy thì mới là happy ending cho một tình yêu hay sao?

Tôi đoán rằng không có nhiều người trong chúng ta đặt ra câu hỏi này.Bởi từ trong vô thức, tâm trí chúng ta bị áp đặt thành khuôn mẫu rằng một happy ending thì phải như thế. Từ bố mẹ, họ hàng, bạn bè xung quanh đến những cuốn tiểu thuyết lãng mạn, những bộ phìm tình cảm Hàn Quốc, tất cả đều ám chỉ về một kết cục khả dĩ duy nhất. Và khi một điều gì đó càng được nhiều người xung quanh nói rằng đó là đúng đắn, là lẽ phải, thì càng có nhiều khả năng ta sẽ tin nó là như vậy.

Từ nhận thức mang tính khuôn mẫu đó, đôi trai gái yêu nhau nào không lấy được nhau, thì chúng ta sẽ quả quyết ngay rằng, như vậy nghĩa là họ đã có một kết cuộc buồn, họ đã gặp đau khổ. Nhưng chắc gì đã là như thế!

Theo đạo Phật, mọi sự gặp gỡ, hoàn cảnh ta gặp trong đời đều phụ thuộc vào "nhân duyên tiền định" - kết quả của những gì ta làm từ vô số kiếp trước. Khi các nhân duyên hội đủ, thì ta sẽ gặp gỡ một ai đó mà ta yêu thương. Mối quan hệ đó sẽ đi đến đâu, liệu hai người có đến được với nhau hay không, rất nhiều khi lại không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người trong cuộc. Nên trong tình yêu, người ta thường nói nhiều đến chữ "duyên số" là bởi vậy. 

Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn Cuộc Đời quá phũ phàng với tình yêu, thứ luôn đươc coi là cội người hạnh phúc của con người. Ở đây, chính nhận thức mang tính khuôn mẫu như vừa đề cập ở trên mới là điều làm chúng ta đau khổ. Nếu chúng ta có thể nới lỏng nhận thức của mình, thì chúng ta sẽ thấy rằng bạn Cuộc Đời không hề có ý muốn đối xử tệ với mình, thậm chí còn ngược lại. 

Chúng ta, nhất là những bạn trẻ đang yêu, thường mù quáng tin rằng một đám cưới tưng bừng mới là đỉnh cao hạnh phúc trong tình yêu. Nhưng đáng tiếc là thực tế không phải lúc nào cũng đẹp đẽ như vậy. Ở các nước phương Tây, nơi mà người ta có thể hoàn toàn tự do trong việc kết hôn, tỷ lệ ly hôn đều lên tới 45/100 cặp vợ chồng. Tại sao lại như vậy? Bởi bước vào hôn nhân mà không biết nghệ thuật sống chung, thì sớm hay muộn, chúng ta cũng sẽ phải thốt lên như nhân vật nam trong một vở kịch nổi tiếng của Jean-Paul Sartre: "Người khác là địa ngục." 

Thế thì thực ra, happy ending trong tình yêu đâu nhất thiết phải là một cuộc hôn nhân.Xét cho cùng, thì khao khát được sống trọn đời bên nhau cũng chỉ là để đem đến cho mình và người kia nhiều hạnh phúc nhất có thể. Vậy thì tại sao ngay bây giờ, ta không sống hết mình, cống hiến trọn vẹn cho tình yêu? Để nếu có không đến được với nhau, thì ta cũng sẽ không phải hối tiếc quá nhiều.  

Happy ending đích thực

Tình yêu như những chùm bong bóng óng ánh sắc màu đang bay lơ lửng giữa không trung. Nó đẹp đẽ và quý giá bởi chính sự mong manh của nó. Còn hôn nhân, nếu không khéo, sẽ là chiếc vợt cố chụp lấy bong bóng-tình yêu, một thứ vốn không thể nắm bắt và rất dễ tan biến. 

Thế thì đâu mới là happy ending đích thực cho một tình yêu?

Xin thưa, tiềm tàng ngay trong mỗi tình yêu, đã luôn có một happy ending rồi. Vấn đề là bạn có nhận ra nó hay không mà thôi. Mỗi tình yêu đều đem cho ta cơ hội trải nghiệm mọi cung bậc của cảm xúc: hạnh phúc, bối rối, lo lắng, ghen tuông, khổ đau... Mỗi tình yêu đến là để ta học hỏi được một số điều gì đó giúp ta trưởng thành hơn, để ta biết cách yêu thương chính mình và người khác hơn. Tất cả những điều đó chẳng phải vô cùng quý giá hay sao?

Hiểu như vậy rồi, thì ta có thể mượn lời ca khúc Tóc nâu môi trầm để thực lòng hát: "Tình yêu ta không mong đợi gì, tình yêu đi ta không hề nuối tiếc..."