NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

KHÔNG CÓ GÌ LÀ RÁC CẢ! – THERE IS NO TRASH!



Không có gì là rác cả!” là bài học đầu tiên đại sư Zuigan Goto dạy cho người đệ tử vừa thâu nhận, sau này chính là Thiền sư Soko Morinaga nổi tiếng của xứ Phù Tang.
Sống sót trở về sau chiến tranh tàn khốc giữa thập niên bốn mươi, Soko Morinaga tìm về căn nhà cũ, trực diện với những khó khăn và mất mát tận cùng của đời người. Cha mẹ không còn, anh chị em phân tán, nhà cửa, tiền bạc bị tịch thu. Ông cố ngoi lên bằng ý chí trở lại học đường nhưng đành chào thua cuộc vật lộn cam go đó khi bao tử thường xuyên lên tiếng kêu khóc.
Giữa quạnh hiu đổ nát cả thân và tâm, một sự mầu nhiệm kỳ diệu nào đã dẫn bước chân vô định của Soko tới trước cửa chùa Daishuin ở Tokyo. Ngước nhìn mái chùa rêu phong, lưỡng lự đôi ba phút rồi Soko mạnh dạn bấm chuông. Người mở cửa chính là Đại sư Zuigan Goto. Soko ngỏ lời xin được đại sư thâu nhận làm đệ tử.
Đại sư chỉ hỏi một câu duy nhất:
- Ngươi tin ta chứ? Nếu không tin ta thì có ở đây bao lâu cũng chẳng học được gì, phí công ta thôi.
Soko trả lời:
- Con xin hết lòng tin tưởng sư phụ.
Đại sư mở rộng cửa, lạnh lùng truyền:
- Theo ta.
Soko líu ríu theo vào. Tới góc sân, đại sư chỉ cây chổi tre, ra lệnh:
- Quét dọn vườn.
Trước khi cầm chổi, Soko quỳ xuống bái tạ đại sư đã thâu nhận mình.
Công việc quét vườn thì có chi là khó. Soko hăng hái quét, quét, … và quét. Không bao lâu đã gom được đống rác cao nghệu đầy đất, sỏi, đá vụn và lá khô. Dừng chổi, Soko lễ phép hỏi:
- Bạch thầy, con phải bỏ đống rác này đi đâu ạ?
Bất ngờ, đại sư quát lên:
- Rác? Ngươi nói gì? Không có gì là rác cả!
Soko ngẩn ngơ nhìn đống chiến lợi phẩm, không hiểu đây không là rác thì là gì? Còn đang lúng túng thì đại sư lại bảo:
- Vào nhà kho kia lấy cái bao nhựa lớn ra đây.
Khi Soko tìm được bao nhựa mang ra thì thấy đại sư đang dùng hai tay, gạt đám lá khô sang một bên. Ông lại bảo:
- Mở rộng miệng bao ra.
Soko tuân lời, lẳng lặng theo dõi thầy mình quơ từng ôm lá, bỏ vào bao, thỉnh thoảng lại giậm giậm cho lá xẹp xuống. Cuối cùng, những lá khô trong đống rác đã được nhồi vào bao, cột lại. Soko lại nghe lệnh truyền:
- Đem bao lá này vào nhà kho, để dành đun nước tắm.
Vừa vác bao lá trên vai, Soko vừa nghĩ:
- Còn đống đất đá, không phải rác thì dọn đi đâu?
Ấy thế mà khi ở nhà kho ra, Soko thấy đại sư đang lượm những viên sỏi, đá vụn ra. Trước vẻ ngẩn ngơ của Soko, ông vừa hỏi, vừa sai:
- Có thấy hàng hiên ngay dưới ống máng xối kia không? Có thấy những chỗ bị nước mưa xoáy lồi lõm không? Đem những sỏi, đá vụn này ra, trám vào những chỗ đó.
Soko vừa làm, vừa thán phục thầy mình, vì quả thật, sau khi trám, không những chỗ lồi lõm bằng phẳng mà còn đẹp hẳn lên nữa.
Bây giờ, đống rác (theo Soko) chỉ còn lại đất và rêu. Lần này thì chắc chắn phải hốt, đổ đi rồi. Nhưng kinh ngạc biết bao khi Soko quay lại sân, thấy thầy mình thong thả nhặt từng miếng đất, từng tảng rêu lên tay, rồi chậm rãi nhìn quanh, tìm những khe tường nứt, những chỗ lõm nhỏ trên mặt đất, từ tốn trám vào.
Bây giờ thì đống rác không còn đó. Nhưng cũng không phải là vật phế thải vô dụng gom quẳng đi đâu. Mỗi loại rác, nếu biết tận dụng, sẽ lại trở thành hữu ích.
Nguyên tác Soko MorinagaDiệu Trân dịch
Theo Novice to Master – There is no trash.

BÀI HỌC ĐẠO LÝ
KCGLRC
Thiền sư Soko Morinaga đã bắt đầu bài học nhập môn chỉ bằng niềm tin và lời dạy thật đơn giản rằng “Không có gì là rác cả!”. Vậy mà về sau ngài trở thành thiền sư danh tiếng, Viện trưởng Đại học Hanazono, thuộc tông Lâm Tế Nhật Bản. Phải chăng, niềm tin tuyệt đối vào tương lai tươi sáng và sự tiết kiệm, chắt chiu đã vực dậy một đất nước đổ nát bởi chiến tranh nhanh chóng trở thành siêu cường, và ở một phương diện khác, những đức tính ấy đã un đúc, tạo nên một nhân cách lớn.
Không có gì là rác cả!” tuy đơn giản mà bao hàm một thông điệp về triết lý duyên khởi, trong rác có hoa và trong hoa có rác, rác chính là hoa và hoa chính là rác. Nhờ thấy được sự thật này nên không hề có sự loại bỏ, đối kháng và mâu thuẫn mà hoàn toàn nhuần nhuyễn, tùy thuận, các pháp cùng nương vào nhau để tồn tại và phát triển.
Không có gì là rác cả!” là một tuệ giác lớn. Hãy nhìn thật kỹ, thật sâu sắc vào những bất đồng, những việc không như ý và tất cả những gì được gọi là xấu xa, đáng để loại trừ, vứt bỏ… cho đến khi nào nhận ra “Không có gì là 

rác cả!” để ôm ấp, bao dung và tận dụng hết thảy thì cuộc sống này đẹp biết dường nào!


Ám ảnh về sự khoe khoang.



Buổi họp đầu năm đã trở thành nỗi ám ảnh của tôi, dường như đó là dấu hiệu một năm học mới vô cùng tẻ nhạt đối với tôi.
Hôm ấy, mọi người gặp mặt đầu năm học để họp hội đồng nhưng dường như buổi họp trở thành buổi gặp gỡ để khoe giàu của các “đại gia” (???). Tôi vốn không thích phụ nữ cho lắm, (tất nhiên là ngoại trừ những người tôi yêu thương, quý mến và tôn trọng nhé!), thế mà trong cơ quan đến đâu cũng dễ gặp đàn bà và cái sự khoe khoang, người khoe xe, người khoe quần áo, kẻ khoe cái đầu tóc, kẻ khoe dâu rể mới,... thậm chí có kẻ khoe giàu hộ cho ông nọ bà kia ở tận đẩu tận đâu không liên quan gì đến mình. Ôi, cái bệnh khoe khoang đã trở thành căn bệnh trầm kha trong cái ngôi trường này từ bao giờ thế? Người người khoe giàu, nhà nhà khoe giàu, trẻ khoe, già khoe, họ hồn nhiên khoe mà không hề nghĩ đến có những người phải chạnh lòng khi nghe họ khoe. Đến bác bảo vệ cũng phải lên tiếng. Nực cười quá! Chẳng biết thái độ đối nhân xử thế học vứt đi đâu cả rồi ???
Tôi thầm nghĩ, những ngày tháng Bảy lịch sử này nhiều hoạt động hướng về ngày Thương Binh Liệt Sỹ 27/7, trong khi nhiều người đang tưởng nhớ đến công lao của bao anh hùng liệt sỹ đã hi sinh cuộc sống của bản thân mình cho độc lập mà ở đây sao không thấy ai nghĩ gì??? Trong đầu họ chẳng mảy may nghĩ rằng hôm nay họ được ngồi đấy khoe giàu là họ đang ngồi trên máu xương của lớp lớp người đi trước đã ngả xuống. Tôi cố tìm đâu đó trong những câu chuyện rôm rả ấy xem có ai đó có một ý nghĩ gì về ngày đó không. Tuyệt nhiên không có. Tôi đành bắt chuyện với một người đáng bậc mẹ của tôi và cố tình lái họ sang điều tôi đang suy nghĩ thì điều tôi nhận được là cái nhìn không thiện cảm rồi bị người đó lờ tôi đi nhanh chóng. Chắc trong đầu cho rằng tôi làm bộ. Người phụ nữ ấy trước đây khi con cái còn nhỏ, gia đình khá chật vật vì nuôi con ăn học thì tính tình rất khiêm nhường, cư xử dễ chịu khiến tôi rất tôn trọng. Nhưng nay thì mọi chuyện đã khác hoàn toàn. Người ấy cũng bị bệnh khoe giàu không khác gì họ, mà lại là khoe giàu hộ nữa chứ. Ôi dào...! Thế mới biết rằng không thể tin được rằng bản chất con người là bất biến. Có chăng nó chỉ tiềm ẩn bên trong và khi có cơ hội thì nó bộc phát ra ngoài mà thôi.
Nhiều kẻ suốt ngày quanh quẩn từ nhà ra ngõ, đến trường rồi lại về nhà với những chuyện vặt vãnh trong cuộc sống không thoát khỏi chủ đề cơm áo gạo tiền nhưng cứ tưởng mình hiểu xa biết rộng lắm. Họ nói như thể là biết tuốt, chẳng khác nào kẻ giảng đạo “khẩu thuyết vô bằng”. Tôi nghe và biết rằng họ đang nói dối, họ nói mà còn thấp thỏm lo bị lộ rằng mình đang nói dối. Thật tội nghiệp quá đi!
Tôi vốn là kẻ rất tin tưởng vào những đúc kết của cha ông qua các câu ca dao tục ngữ, nhưng giờ thì tôi băn khoăn đi tìm câu trả lời cho câu tục ngữ “Giàu làm chị, khó làm em”, rằng câu này liệu có đúng trong mọi trường hợp hay không? Cuối cùng tôi khẳng định là không hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp. Ít nhất là với tôi trong cuộc sống và với tôi cả trong công việc. Mấy kẻ “đại gia” trong cơ quan hàng ngày vẫn nhìn tôi là một kẻ “nghèo mạt hạng” (không phải quá nhạy cảm tôi cũng đọc trong mắt họ rõ thấy điều đó) nhưng với tôi, tuyệt nhiên cái sự “đại gia” của họ chẳng hề có ảnh hưởng gì đến bản thân mình cả về chiều hướng tiêu cực lẫn tích cực. Ở đời chẳng ai cho không tôi cái gì và tôi cũng chưa bao giờ nhận không của ai cái gì. Có chăng là sự trao đổi lẫn nhau giữa kẻ có tiền với kẻ nghèo như tôi nhưng là tỷ phú về thời gian và công việc, về mồ hôi nước mắt, về trí tuệ tâm lực với nhau. Người ta giàu về vật chất, tôi giàu về trí tuệ. Đó là một điều chắc chắn. Tôi cũng phải trầy da tróc vảy mới có một điều gì đó. Tính tôi nếu nhận không của ai đó cái gì thì tôi không thể yên lòng hưởng thụ rồi quên đi được. Nhớ có lần vào dịp lũ lụt năm ngoái, lúc mẹ tôi chèo thuyền sang đón tôi về thì gặp một đồng nghiệp trong cơ quan, họ xuống hỏi thăm động viên và đưa mẹ tôi 100k. Thú thật trong lòng tôi lúc ấy không lấy gì làm thoải mái, tủi hơn là vui mừng. Tôi thấy thương mẹ mình lắm. Nước mắt tôi lăn vào trong. Sau đó tôi gọi ngay cho một đồng nghiệp chia sẻ và tỏ rõ quan điểm là tôi không muốn điều đó ở người bạn đồng nghiệp ấy. Bởi người đó với tôi vốn là như mặt trăng với mặt trời, không bao giờ muốn nhìn nhau. Chẳng qua đó là sự bằng mặt giả tạo. Tôi sẽ nhớ rất rõ câu chuyện đó và có cơ hội tôi sẽ trả. Đó là điều tôi cần làm.
Ở cơ quan tôi bây giờ “Âm thịnh, dương suy” trầm trọng. Bọn đàn ông “mặc quần lụa” dạo này có nguy cơ nhiều lên, và đàn bà “Trưng Trắc, Trưng Nhị” cũng ngày càng không ít. Những câu chuyện vui vẻ về cuộc sống ngày càng trở nên hiếm hoi lắm! Họ đến cơ quan ngoài giảng dạy chỉ thấy toàn những toan tính, đố kỵ, hẹp hòi, hơn thua. Quả thật cuộc sống vốn đã nặng nề càng trở nên nặng nề gấp bội với những tư tưởng và con người ấy. Tôi nói vậy không phải nói càn mà hoàn toàn có cơ sở. Tôi ít nhiều cũng có điều để tự hào rằng mình khác họ nhiều. Một người anh thân thiết của tôi ở Mỹ đã viết về tôi: “Với anh, em luôn là một thằng đàn ông đúng nghĩa và có lẽ còn "đàn ông" hơn cả vô số đàn ông trên cõi đời này.  Anh nói như vậy là vì anh nghĩ một người đàn ông đúng nghĩa không thể hẹp hòi và thiển cận đến mức để những suy nghĩ và lời nói của mình làm tổn hại đến người khác cho dù ở bất kỳ cấp độ nào và về mặt tinh thần hay thể xác.  Với ý nghĩ như vậy, nhìn chung quanh, đôi khi anh không thực sự thấy có nhiều "đàn ông".  Vâng! Không chỉ đàn bà mới là những kẻ đáng chê trách, mà ngay cả đàn ông cũng không hơn gì.
Ôi chao cái sự đời...! Đúng như Cụ Nguyễn Du đã viết: “Bắt phong trần phải phong trần / Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.

Với tôi bây giờ bức xúc gì thì viết ra điều đó để xã stress thôi, chẳng có gì phải lo ngại. Từng đi khắp Nam Bắc đến vùng Tây Nguyên xa xôi, từng cống hiến tuổi xuân cho xã hội, từ nơi đô hội phồn hoa đến chốn rừng thiêng nước độc tôi đều nếm trải. Nếm thất bại nhiều hơn thành công, trải chông gai nhiều hơn bằng phẳng. Với tôi bây giờ dường như mọi biến cố trong cuộc đời không còn tác động nhiều đến tâm lý nữa. Tôi muốn làm một kẻ vô cảm trước những cám dỗ vật chất nhưng phải mềm lòng trước những mảnh đời bất hạnh mà thôi.

Nhân đây tặng thêm bài viết hay về sự khoe khoang:



Hình ảnh


Từ đứa nhỏ khoe cái áo mới đến người lớn khoe có cái nhà đẹp, cái xe đắt tiền bản chất không khác nhau (thích được khen). Người Việt chúng ta có rất nhiều thứ để khoe (quần áo, xe cộ, nhà cửa, tiền của, gia thế, địa vị, con cái…). Về khoe quần áo, một bữa tiệc cưới gây ấn tượng mạnh cho tôi mãi đến bây giờ. Bàn tôi có 10 người gồm 5 bà, 2 đứa bé một Việt, một Mỹ với mẹ em và tôi. Ăn chưa hết món thứ nhất thì bà mặc áo dài xanh đứng lên bỏ đi, lúc sau bà ta mặc váy đỏ, sơ – mi đỏ rực rỡ, cổ đeo giây chuyền vàng to bản vàng khè nhí nhảnh đi vào. Bốn bà kia thấy thế lần lượt từng bà đứng lên, bàn ăn lại có 4 bộ quần áo mới xanh xanh, đỏ đỏ. Nhưng chưa hết, ăn xong chừng 3 món hai bà ngồi giữa đứng lên, ba bà nữa đứng lên, làm bàn ăn bỏ trống một nửa. Lúc sau bàn chúng tôi có 5 bộ quần áo mới nữa vàng vàng, xanh xanh, đỏ đỏ; vàng đeo đầy cổ, đeo cả ở 2 tay, 2 chân.

Em bé Mỹ ngồi bên tôi trố mắt ra nhìn, bé hỏi tôi:

- Sao các bà thay đồ hoài vậy?

May lúc ấy ông thợ ảnh đến, tôi nói tránh đi:

- Các bà ấy thay đồ để chụp ảnh. Người Việt Nam thích chụp ảnh!

Tôi còn được nghe nói có những bữa tiệc chẳng những các bà mà cả các ông cũng đi thay bộ mã tới 2, 3 lần. Có lẽ trên thế giới không có người nước nào có lối sống kỳ lạ như vậy. Tại chúng ta mang nhiều mặc cảm đói rách chăng? Có thể thế, cộng thêm tính khoe khoang sẵn có.

Người có tiền thì may, người không có tiền đi thuê ở mấy tiệm đồ cưới, nhưng cũng có những người dám tới mấy tiệm bán quần áo, nữ trang sang trọng của người Mỹ mua về mặc đi ăn đám cưới sau đó đem trả lại lấy tiền về. Lối mua bán kém lương thiện như thế ở đâu cũng thấy nói tới.

Chúng ta có nhiều cái khoe, trong các cuộc gặp gỡ, họp mặt, người ta hay tự giới thiệu tôi là Kỹ sư A và đây, vợ tôi Tiến sĩ M. Ngoài giới thiệu bản thân người ta còn tìm cách để có dịp nào đó trong câu chuyện khoe về gia thế, dòng dõi qúi phái của mình, khoe cái xe Cadillac, Mercedes mới mua ...

Khoe trong chỗ bạn bè quen biết chưa đủ, đôi khi người ta còn viết báo, làm thơ khoe vợ (hay chồng) trước đây nắm chức vụ gì ở Việt Nam, con cái mấy người có bằng bác sĩ, kỹ sư… để bà con xa gần đều biết.

Trong một cuộc hội nghị văn chương có tính cách quốc tế nọ, vị đại biểu Việt Nam thay vì trình bày những vấn đề liên hệ lại tự “giới thiệu” trước đây mình làm gì, sau năm 1975 sang Mỹ học đậu Bachelor rồi đậu tới cả Master. Ông ta quên rằng trong giới văn, thi sĩ người ta không để ý đến bằng cấp mà chú trọng vào tài năng thực sự. Thi hào Nguyễn Du chỉ có bằng Tú Tài, văn hào Anatole France nước Pháp rớt Tú Tài, thi sĩ Tản Đà Việt Nam hình như không có cái bằng nào cả.
Tính khoe khoang của chúng ta thật quá đáng.

Việc khoe khoang cái mình có đã xấu, đã kỳ nhiều người đi xa hơn khoe khoang những cái mình không có để người khác khen hoặc phục nể. Đó là nói khoác, nói không đúng sự thật.

Thời nào và ở đâu chẳng có người nói khoác nhưng ngày xưa người ta nói khoác (nói phét) không hẳn để khoe hão về mình mà nói làm cho người khác ngạc nhiên, nói cho vui nên nói khoác mà có khi vẫn để cho người ta biết mình nói khoác. Mời độc giả đọc bài thơ do Cụ Ôn Như Nguyễn văn Ngọc sưu tập đăng trong Nam Thi Hợp Tuyển (Nhà xuất bản Bốn Phương tái bản, trang 85) để hiểu người xưa nói khoác:

Anh Nói Khoác

Ta con ông Cống, cháu ông Nghè,
Nói có trên trời dưới đất nghe.
Sức khoẻ Hạng Vương cho một búng,
Cờ cao Đế Thích chấp đôi xe.
Nhảy ùm xuống biển lôi tàu lại,
Chạy tốc lên non bắt cọp về.
Độ nọ vào chơi trong nội phủ,
Ba ngàn công chúa phải lòng mê.

Vô Danh




Đọc bài thơ trên chúng ta thấy tức cười, biết là nói khoác nhưng đọc cho vui, đọc để giải trí. Tuy nhiên chẳng ai ưa người chuyên môn nói khoác.

Câu chuyện xưa kể đại khái một ông nói khoác khoe mới trông thấy trái bí to bằng cái nong phơi lúa (đường kính độ 2 mét hay 6 feet). Ông ngồi bên thấy thế nói:

- Bác nói trái bí to bằng cái nong đâu có lớn lắm, hôm trước tôi thấy một cái chảo to bằng cái đình làng mới khiếp chứ!
Ông nói khoác hỏi:

- Bác nói phét rồi, người ta đúc cái chảo quá to như thế để làm gì chứ?

- Ấy, để nấu trái bí của bác!

Ngày nay bản chất của nói khoác thay đổi, danh xưng cũng thay đổi, số người nói khoác tăng lên gấp bội có lẽ do cuộc chiến tàn khốc và kéo dài vừa qua làm xã hội xáo trộn, luân lý đạo đức suy đồi, lòng người đảo điên theo. Người ta nói khoác không phải để vui chơi, đùa giởn như xưa mà nói khoác để lòe người khác, để đề cao mình và nói khoác quá nên kêu là “nổ”. Nổ như đại bác, nổ như kho đạn nổ.

Những năm trước Việt kiều về thăm quê ăn mặc se sua, tay cầm chai nước, vàng đeo đầy người hỏi ra nếu không là bác sĩ thì cũng kỹ sư, luật sư, chức vụ dở lắm cũng giám đốc (manager), tổng giám đốc. Đàn ông nếu trước kia đi lính thì nói khoác là sĩ quan, quan cấp úy thì nói là quan cấp tá. Các bà – bà nào cũng bà úy, bà tá hoặc giám đốc nhà xuất cảng nọ, nhà nhập cảng kia.

Nơi nào càng nhiều người Việt thì bệnh nổ càng nhiều, nhiều nhất ở Mỹ. Ở Mỹ nhiều nhất ở California thứ đến Houston, Dallas….Nhiều người thích khoe khoang, khoác lác đến nỗi năm nào cũng về nước một lần để làm Việt kiều, để có dịp nói khoác, dù thân nhân sống hết ở Mỹ.

Căn bệnh này không phải chỉ người Việt ở nước ngoài mắc phải, trong nước từ Nam chí Bắc đều mắc cả. Đối với chính quyền thì sự khoác lác được nâng lên thành chính sách, đó là tuyên truyền dối trá để lừa gạt dân.

Ít lâu nay cánh Việt kiều về nước bớt nổ vì đồng bào trong nước qua thân nhân, bạn bè (ở nước ngoài) dần dần biết rõ đời sống Việt kiều lam lũ vất vả, tằn tiện dè sẻn từng xu (cent), thức dậy từ 2 giờ sáng xếp hàng tranh mua đồ bán seo (sale) hay lượn vòng cuối tuần mua hàng garare sale!.

Tất nhiên không phải ai cũng đi mua như thế, vả lại mua như thế không phải là xấu. Xấu ở chỗ hay khoác lác để biểu lộ sự giàu có, sang trọng hơn người nhưng thực chất không khá giả gì.

Chúng ta sống không thiết thực, chúng ta sống nông nổi.

Giả vờ thôi anh nhé!


 Giả vờ đụng khẽ tay anh. Nhưng anh phải giữ tay em lại, thật lòng đấy nhé.

Em sẽ làm như vô tình ngồi sát bên anh. Nhưng anh cứ ôm em-giả vờ sợ mất em, anh nhé.
Em sẽ cố tình im lặng. Để anh cuống hỏi “Em đâu…”, thật lòng được không?

Em sẽ giả vờ đau chân để tụt lại phía sau. Nhưng anh phải đợi, đợi em nghiêm túc ấy. Và rụt rè đề nghị: "Thôi, hay là anh cõng…".

Lên xe, em làm như buồn ngủ. Biết em giả vờ rồi nhưng đừng nhích bờ vai khỏi mái đầu em.

Giả vờ mình yêu nhau anh nhé. Để em được ghen tuông, ghen tuông “hợp pháp” mấy phút thôi. Em sẽ hỏi về một người con gái nào nào đó, rằng ai nhắn tin cho anh như thế, giả vờ đi anh, và cái nhói đau trong em rất thật…

Anh cứ giả vờ đặt môi lên gò má em thôi nhé, cho hơi thở ấy khiến em bối rối biết bao nhiêu.

Giả vờ anh giơ cao lên một món quà bắt em cố với! Để em thấy mình còn một cái gì cần hướng đến bằng tất cả niềm háo hức của đứa trẻ con.

Anh hãy giả vờ nói yêu em. Vì có ai đánh thuế một câu nói đâu anh? Và em cũng chỉ định giả vờ là mình đang được yêu nhiều lắm…

Giả vờ níu kéo em khi em nói: Có lẽ đã tới lúc em đi! Nhưng anh phải hứa cái siết tay giả vờ của anh đủ mạnh. Đủ mạnh...

Tất cả chỉ giả vờ thôi. Em tuyên thệ em sẽ không tin là thật.

Nước mắt em rơi cũng đâu là thật. Tại con gì bay vào mắt em thôi…

Và cuối cùng em đã giả vờ anh là em không yêu anh.

Sự thật là em yêu anh biết bao, anh biết không?

ĐIỀU NGHỊCH LÝ CỦA NGÀY NAY...


Điều nghịch lý của thời đại ngày nay là chúng ta có những tòa building cao hơn nhưng sự kiên nhẫn của mình lại ngắn hơn, ta có những đại lộ rộng lớn hơn, nhưng cái nhìn của mình lại nhỏ hẹp hơn. Chúng ta tiêu xài nhiều hơn, nhưng có được ít hơn, mua sắm thêm hơn, nhưng thưởng thức lại kém hơn. Ta có căn nhà to rộng hơn, nhưng gia đình nhỏ bé hơn, có nhiều tiện nghi hơn nhưng thời giờ ít ỏi hơn. Chúng ta có nhiều bằng cấp hơn nhưng hiểu biết lại giảm đi, ta dư thừa kiến thức, nhưng lại thiếu sự xét suy, ta có thêm nhiều nhà chuyên môn và cũng thêm bao nhiêu là những vấn đề, có thêm thuốc men nhưng sự lành mạnh lại càng sụt giảm. 
Thời đại ngày nay chúng ta uống rượu và hut thuốc quá nhiều, tiêu pha không tiếc nuối, thiếu vắng tiếng cười, lái xe quá nhanh, nóng giận rất dễ, thức rất khuya, đọc sách rất ít, xem ti vi quá nhiều, và hiếm khi nào ta biết ngồi lại trong tĩnh lặng! Tài sản của ta tăng lên gấp bội phần, nhưng giá trị chúng cũng sụt giảm theo. Chúng ta nói quá nhiều, thương yêu quá ít, và thù ghét thì lại quá thường.
Chúng ta biết cách kiếm sống, nhưng không mấy ai biết sống. Một đời người được kéo dài hơn, nhưng chỉ là cộng thêm những năm tháng mà thôi. Chúng ta đã lên đến mặt trăng và trở về lại trái đất, nhưng rất khó bước qua bên kia đường để chào người hàng xóm mới. Ta chinh phục được thế giới bên ngoài, nhưng không biết gì về thế giới bên trong. Chúng ta đã làm được rất nhiều những việc rất lớn lao, nhưng rất ít việc tốt lành. 
Không khí chung quanh ta được trong sạch hơn, nhưng tâm hồn ta lại càng thêm ô nhiễm. Chúng ta chia cắt được một hạt nguyên tử, nhưng chưa phá được thành kiến của chính mình. Chúng ta viết nhiều hơn, nhưng học được ít hơn. Chúng ta có nhiều dự án hơn, nhưng hoàn tất lại ít hơn. Chúng ta biết cách làm việc thật nhanh chóng, nhưng không biết cách để đợi chờ. Chúng ta thiết kế nhiều máy điện toán, chứa thật nhiều dữ kiện, in ra bao nhiêu tài liệu, nhưng sự truyền thông giữa con người lại càng sút kém đi.
Ngày nay là thời đại của mì ăn liền, tiêu hóa chậm, con người to lớn nhưng chí khí rất nhỏ, lợi nhuận thì rất sâu mà tình người thì rất cạn. Đây là thời đại của hai đầu thương nhưng trăm ngàn ly dị, nhà cửa khang trang nhưng đổ vỡ trong gia đình. Đây là thời đại của những mặt hàng trưng bày ngoài cửa tiệm thì rất nhiều, nhưng trong nhà kho lại không có một đồ vật nào. Đây là thời đại mà kỹ thuật có thể mang lá thư này đến thẳng với bạn, và bạn cũng hoàn toàn có tự do để chọn đọc nó hay xóa bỏ đi...
Nhưng xin bạn hãy nhớ bỏ thì giờ của mình ra với người thương, vì họ sẽ không có mặt với ta mãi mãi. Hãy nhớ chọn những lời dễ thương với những ai đang ngước nhìn bạn nhiều ngưỡng phục, vì cô hay cậu bé đó rồi cũng sẽ lớn lên và rời xa ta. Hãy nhớ ôm chặt người gần bên, vì đó là một món quà vô giá mà ta có thể ban tặng cho người khác, khi nó được xuất phát từ đáy tim mình. Hãy nhớ nắm tay nhau và trân quý phút giây này, vì biết rằng thơi gian sẽ không ở với ta mãi mãi. Hãy có thì giờ để thương nhau, để lắng nghe nhau, và nhất là hãy chia sẻ với nhau những ý tưởng đẹp nhất trong tâm mình.
Và nhất là bạn hãy luôn nhớ rằng, cuộc sống không phải được đo lường bằng con số hơi thở của mình, mà bằng những giây phút kỳ diệu trong cuộc đời đã mang hơi thở ấy bay cao.  

(The Paradox of Our Age by Dr. Bob Moorehead) 

Gai của hoa hồng


"Ông đúng là ông già khó chịu!", Becky nói với ông già khi cô đi ra khỏi phòng bệnh của ông ta ở bệnh viện nhân đạo, nơi mà cô đã làm việc hơn một năm nay.
Bệnh nhân mới này ở đây được khoảng hai tuần và ông ta làm cho cuộc sống của tất cả các y tá trở thành địa ngục. Ông ta chửi rủa, quát, đá tất cả những ai lại gần ông ta. Đó là còn chưa kể việc ông ta cố tình đổ thừa ăn ra giường để y tá phải đến dọn, và để ông ta có thể nguyền rủa thêm. Becky không nghĩ là ông ta có người thân vì chẳng có ai đến thăm ông, ít nhất là trong khoảng thời gian cô phải chăm sóc ông ta.
Một hôm, một tổ chức phụ nữ đến thăm bệnh viện. Họ hát và đem hoa hồng đến, tặng mỗi bệnh nhân một bông hoa đỏ thắm. Ông già khó tính nhìn bông hoa được cắm tử tế trong lọ thủy tinh trên bàn, lấy mu bàn tay gạt cái lọ. Cái lọ rơi xuống, vỡ tan tành. Mọi người chỉ đứng nhìn ông ta vẻ kỳ lạ. Ông trở mình quay mặt vào tường xoay lưng lại những người từ tổ chức phụ nữ đến thăm. Một người bắt đầu dọn những mảnh vụn của cái lọ. Becky nhặt bông hoa lên, cắm nó vào một cái cốc nhựa và đặt lên tủ đầu giường của bệnh nhân già kia.
Khi người của tổ chức phụ nữ đã đi về, Becky quay lại phòng ông bệnh nhân khó chịu, cầm bông hoa hồng và ngắt từng cánh một, ném vào thùng rác bên cạnh. Ông già nhìn thẳng cô y tá, cho đến khi cô ngắt đến cánh cuối cùng. Còn lại cuống hoa, cô cắm trả lại cốc nhựa. Vừa khi cô định quay đi thì ông bệnh nhân già làu bàu:
- Sao cô lại làm thế?
- Tôi chỉ muốn ông thấy những gì ông đã làm? – Becky đáp – Ông đã phá vỡ những mối quan tâm của chúng tôi với ông như là ngắt bỏ từng cánh hoa một, kể từ khi ông đến đây.
Rồi Becky đi ra.
Sáng hôm sau, khi đến bệnh viện thì các bác sĩ bảo Becky đến dọn phòng ông bệnh nhân già. Ông đã mất vào đêm hôm trước. Khi Becky thu khăn trải giường đi giặt, cô nhìn thấy bông hoa hồng vẫn còn nguyên vẹn trong cái cốc nhựa. Những cánh hoa đã được đính vào cuống hoa bằng băng dính một cách vụng về.
Becky cũng thấy ở dưới gối của ông lão có một quyển Kinh thánh. Khi cô nhấc quyển sách lên, trong đó rơi ra một tờ giấy, có ghi: "Không phải tôi muốn mọi người ghét tôi. Tôi chỉ không muốn tất cả mọi người sẽ quên tôi. Tôi đã là một đứa trẻ mồ côi và tôi chẳng bao giờ có một người thân."
Là một đứa trẻ mồ côi từ nhỏ, Becky hiểu rằng người bệnh nhân già đó không phải là một ông lão khó chịu. Chỉ vì không có ai trên thế giới này quan tâm đến ông ấy. Vì ông thấy mọi người đều quên ông ấy, ngay cả khi ông ấy vẫn còn sống. Và tất cả những gì ông lão muốn chỉ là có ai đó nhớ tới ông ấy.
 

Ham muốn thôi miên bạn..



Một người tới gặp luật sư của mình bàn về việc li hôn. 

"Ông lấy giá bao nhiêu để giải quyết vụ như của tôi?" ông ta hỏi. 

"Tôi thực sự không thích giải quyết các vụ li hôn," viên luật sư của ông ta đáp. "Sao ông muốn được li hôn?" 

"Bởi vì tôi muốn lấy em vợ tôi." 

"Này, vụ giống như thế có thể khá om sòm đấy. Nó có thể tốn cho ông hàng nghìn đô la đấy. Sao ông không về nhà và nghĩ kĩ về nó đi." 

Thế là người này về nhà, và hôm sau anh ta gọi điện cho luật sư của mình. "Tôi đã nói toàn thể sự việc cho anh bạn tốt nhất của tôi," anh ta nói. "Tôi đã quyết định không li hôn chút nào." 

"Điều đó là tốt," luật sư của anh ta nói. "Kể cho tôi đi, anh bạn anh đã nói gì mà làm anh đổi ý thế?" 

"Thế này, anh ấy bảo tôi anh ấy đã đi chơi với vợ tôi và cô em vợ tôi nữa, và chẳng có gì khác biệt giữa họ cả." 

Mọi ham muốn đều như nhau. Các đối tượng khác nhau, nhưng tính chất của ham muốn thì không khác. Bạn ham muốn tiền, ai đó khác ham muốn Thượng đế; bạn ham muốn quyền, ai đó khác ham muốn thiên đường. Nó tất cả đều là một. Do đó không có ham muốn mang tính tôn giáo, nhớ lấy. Vô ham muốn mới là tôn giáo. Ham muốn là trần tục, ham muốn là thế giới. Vô ham muốn là siêu việt. 
Nhưng khi người ta đang chịu tác động của ham muốn, tác động này mang tính thôi miên. Mọi ham muốn đều thôi miên bạn. Nó làm cho bạn mù quáng, đó là lí do tại sao chúng ta nói... chúng ta dùng các cụm từ như đổ vì tình. Điều đó là có ý nghĩa. Tình yêu mà bạn biết chắc chắc là việc ngã đổ - ngã đổ từ ý thức, đổ từ hiểu biết. Bạn bắt đầu bò trên đất; bạn không còn khôn ngoan nữa, bạn mất thông minh của mình, bạn trở thành ngu xuẩn. 

Bạn càng đầy ham muốn, bạn càng ngu hơn. 

Câu châm ngôn của Murphy... Murphy nói: Tôi tin vào tình yêu từ cái nhìn đầu tiên bởi vì nó tiết kiệm thời gian. 

Khi bạn sắp đổ, thế thì sao lại chờ đợi? Đổ ngay từ cái nhìn đầu tiên đi. Ít nhất thời gian cũng được tiết kiệm nếu không cái gì khác. Khi một người trong tình yêu với ai đó - và với tình yêu tôi không ngụ ý tình yêu của chư phật; tình yêu của họ là hoàn toàn khác. Họ đang nói về lời cầu nguyện, họ đang nói về từ bi, họ đang nói về cách diễn đạt vô ham muốn của bản thể họ. Họ đang chia sẻ phúc lạc của họ. 

Tôi đang nói về tình yêu của bạn. Nó là thèm khát, nó là hiện tượng năng lượng thấp nhất có thể có. Bạn gần như ở trong trạng thái thôi miên. Đàn ông đang yêu đàn bà, hay đàn bà đang yêu đàn ông không còn có khả năng thấy rõ ràng. Tâm trí trở nên bị che mờ, ham muốn tạo ra nhiều khói thế, nó khuấy nhiều bụi lên tới mức bạn không thể thấy được rõ ràng. Và bất kì cái gì bạn thấy cũng đều là phóng chiếu riêng của bạn. 

Một trung sĩ quân đội trẻ được đội quân lê dương ngoại quốc Pháp cử tới sa mạc A rập. Sau vài ngay anh ta trở nên bất ổn và hỏi viên sĩ quan xem trong trại có dạng giải trí nào đang diễn ra không - nơi có đàn đàn bà và quán rượu đại loại như vậy. 

Viên sĩ quan đáp, "Cứ kiên nhẫn và đợi con lạc đà tới đã." 

Thế là chàng trung sĩ trẻ kiên nhẫn chờ đợi trong bẩy ngày nữa và lại hỏi và viên sĩ quan đáp, "Vì trời, hãy đợi cho tới khi lạc đà tới." 

Đêm hôm sau có xô đẩy dữ dội, mọi lính chạy ra khỏi lều la hét kêu gào. 

Viên trung sĩ trẻ vồ lấy viên sĩ quan và hỏi, "Cái gì xảy ra thế?" 

"Lạc đà đang tới!" viên sĩ quan đáp. 

"Nhưng sao có xô đẩy dữ thế?" 

"Này, anh không muốn lấy con xấu, phải không?" 

Nếu bạn thèm khát trong sa mạc, ngay cả lạc đà cũng sẽ bắt đầu trông đẹp; bằng không bạn chẳng thế thấy cái gì khác biệt giữa lạc đà này và lạc đà nọ. Nhưng ham muốn của bạn càng bị bỏ đói, bạn càng trở nên mù quáng. 

Cho nên nhớ lấy, Phật không nói về bỏ đói ham muốn của bạn. Ông ấy đã bị mọi người hiểu lầm, bởi các đệ tử của riêng ông ấy cũng nhiều như bởi kẻ thù của ông ấy. Đó là số mệnh của chư phật: bị hiểu lầm bởi bạn bè và kẻ thù cả hai. Khi ông ấy nói rằng ham muốn làm bạn mù, ông ấy không nói kìm nén ham muốn, bởi vì ham muốn bị kìm nén còn nguy hiểm hơn nhiều. Ông ấy nói, "Hiểu ham muốn, thiền về toàn thể hiện tượng của nó, và qua hiểu biết vượt ra ngoài nó, không qua kìm nén. Qua thiền, siêu việt lên trên ham muốn. Thấy rằng ham muốn là khổ, thấy rằng ham muốn là tù túng, thấy rằng ham muốn lôi bạn xuống địa ngục, người ta đơn giản được giải thoát mà không có kìm nén nào." 

Và được thoát khỏi ham muốn là thành vị phật, là thành christ. 

Điều huyền bí lớn nhất là ở chỗ những người có ham muốn sống như kẻ ăn xin. Họ sống trong tù túng, nhất định sống như kẻ ăn xin. Còn người đã siêu việt lên trên ham muốn sống như hoàng đế. Dường như sự tồn tại tuân theo luật rất nghịch lí. 

Già Murphy nói: Để có được khoản vay trước hết ông phải chứng minh ông không cần nó. 

Nếu bạn vay nợ ngân hàng, hãy chứng minh rằng bạn không cần nó. Nếu ngân hàng nghi ngờ bạn cần nó, bạn sẽ không có được nó. 
Đích xác đó là trường hợp với pháp, với luật vĩnh hằng của sự tồn tại. Khi bạn không cần cái gì, toàn tể sự tồn tại là của bạn, toàn thể vương quốc của Thượng đế là của bạn. Và khi bạn cần bất kì cái gì, chẳng cái gì là của bạn - chỉ nhu cầu và vết thương và ham muốn và tù túng. Và ham muốn đang nhảy lên bạn từ mọi hướng, toàn những ham muốn và ham muốn. 

Vấn đề không phải là một ham muốn; việc ham muốn là như nhau, nhưng có cả triệu ham muốn. Cho nên bạn sống đồng thời trong cả triệu nhà tù, và chúng cứ phá huỷ bạn, chúng cứ áp đặt mọi thứ lên bạn điều bạn không phải chấp nhận nếu đã có khoảnh khắc của sáng suốt, của sáng tỏ. Bạn sẽ không chấp nhận những sự nhục nhã như thế như bạn chấp nhận bởi vì ham muốn. Bạn sẽ không chấp nhận trạng thái bò lê này. Bạn được ngụ ý bay trong bầu trời. Bạn có cánh - cánh có thể đem bạn tới điều tối thượng. Nhưng ham muốn nặng như đá; chúng nghiền nát bạn. 

Và bạn có bao nhiêu ham muốn? Một hôm nào đó đơn giản ngồi viết chúng ra và đếm chúng, và bạn sẽ ngạc nhiên: chúng cứ mọc ra hết cái nọ tới cái kia. Và từng ham muốn được hoàn thành lại đem tới thêm mười ham muốn nữa vào. Ham muốn không tin vào kiểm soát sinh đẻ; từng ham muốn đều cho sinh ra nhiều ham muốn nhất có thể được. Ham muốn chưa bao giờ không sinh sôi cả, chúng không bao giờ không có con cái.
Bobbie Jo, một cô gái thực sự chất phác, về nhà từ khu trường Georgia để nghỉ hè. Một tối cô ta bình thản thú tội với mẹ rằng cô ấy đã mất trinh học kì vừa rồi. 

"Chuyện đó xảy ra thế nào?" cha mẹ cô ấy hổn hển. 

"Thế này, không dễ dàng đâu," Bobbie Jo thú nhận, "nhưng ba bà xơ đã giúp để lôi anh ấy xuống!" 

Nhìn quanh xem bao nhiêu ham muốn đang lôi bạn xuống và bạn đang bị khai thác, bị bòn rút thế nào. Và nếu bạn nhìn khổ sở, buồn rầu, thất vọng, nếu bạn nhìn yếu đuối, nếu bạn nhìn dường như cuộc sống không có ý nghĩa, điều đó không phải là ngẫu nhiên, nó là việc làm riêng của bạn đấy. Bạn đã không hiểu cách bạn cứ tạo ra nỗi khổ riêng của mình, cách bạn cứ tạo ra, nuôi dưỡng kẻ thù riêng của mình. 

Vâng, Phật đúng: Khi một người ham muốn, tâm trí người đó bị kết sít lại như con bê gắn với mẹ nó. 

Một người sao Hoả hạ xuống đất tại điểm giao đông đúc trong thành phố New York và để hai giờ tiếp đó đi qua phố. Anh ta cứ đi tới đi lui giữa hai đèn báo chuyển từ "Đi" sang "Không đi " và rồi quay lại. 

Cuối cùng người sao Hoả nhỏ bé mệt mỏi dừng lại ở một trong các cột báo và đưa tay ôm quanh nó. "Bé ơi," anh ta nói, "Ta thực sự yêu bé, nhưng bé hãy dừng chì chiết đi." 

Mọi ham muốn đều chì chiết, chúng cứ chì chiết bạn, chúng cứ ép buộc bạn, chúng cứ dằn vặt bạn. Bạn không thể có một khoảnh khắc nghỉ ngơi, bạn không thể được thảnh thơi - tất cả những ham muốn đó đều có đó. Nghỉ ngơi, thảnh thơi chỉ được biết tới bởi những người đã hiểu nghệ thuật của việc là vô ham muốn. Đó là điều Phật đang chỉ ra: 

Như ông hái hoa loa kèn mùa thu, 
nhổ cả mũi tên ham muốn. 

Nó là mũi tên, nó làm bạn bị thương, nó gây vết thương cho bạn, nó là nỗi đau lớn, nó không là gì ngoài khổ sở. Nhưng thế thì tại sao mọi người cứ ham muốn? Tại sao họ không nghe lời chư phật? - vì một lẽ đơn giản là ham muốn rất tinh ranh. Chúng cứ hứa hẹn bạn. Ham muốn là chính khách; chúng hứa hẹn với bạn về những điều đẹp đẽ. Tất nhiên, những điều đó sẽ xảy ra ngày mai, không phải hôm nay. Và điều dường như logic là thời gian sẽ được cần tới - kế hoạch năm năm. Trong năm năm mọi thứ sẽ hoàn hảo như bạn muốn nó vậy. Đợi đi! Hi vọng! Để ngày mai tới! - và ngày mai chẳng bao giờ tới cả. Lại ngàu mai cùng những ham muốn ấy sẽ có đó, hứa hẹn bạn. Điều này đã là như vậy trong nhiều kiếp thế. 

Bạn có thể không nhớ các kiếp quá khứ của mình, nhưng ít nhất bạn cũng có thể nhớ quá khứ của mình trong kiếp này. Đây bao giờ cũng đã là trường hợp đó rồi. Ham muốn cứ bảo bạn, "Ngày mai, ngày mai, đợi đấy, kiên nhẫn." Và mọi hứa hẹn chỉ là đồ chơi để giữ bạn bận bịu; hàng chẳng bao giờ được giao cả. 

Ngày bạn trở nên nhận biết về trò chơi tinh ranh này đang được chơi lên bạn bởi tâm trí riêng của bạn, bạn vứt tất cả những đồ chơi đó đi. Bạn chấm dứt nghe những lời hứa hẹn liên tục. Bạn bắt đầu cười vào cái ngu xuẩn của riêng mình, vào cái lố bịch của riêng mình, làm sao mà bạn đã ngu lâu thế. Và ham muốn bắt đầu biến mất, nó không thể lừa bạn thêm được nữa. Nó là mũi tên, nó gây đau, nhưng bạn sẵn sàng chịu đựng cái đau trong hi vọng rằng ngày mai bạn sẽ được trả tiền, được thưởng. Và tất nhiên người ta phải trả tiền cho mọi thứ. Ham muốn là rất logic, nó cố gắng thuyết phục bạn.
OSHO

Mẹo đòi nợ.




Lại Trung Lương là một ông chủ nhỏ, nhưng có biệt danh là "Xỏ Lá". Sao lại có cái biệt danh quái quỉ thế? Đơn giản là vì gã chuyên mượn tiền nhưng không bao giờ trả, mà số tiền gã mượn mỗi lần không nhiều, chỉ một vài ngàn tệ, nên cũng chẳng ai kiện cáo làm gì cho mệt! Thế là, gã cứ tích tiểu thành đại, trở thành "ông chủ", có tiền mua nhà, cưới vợ như ai!
Anh nông dân Tiểu Hàn quanh năm đầu tắt mặt tối làm thuê cho Lại Trung Lương, mãi đến cuối năm gã vẫn còn nợ tiền công 2000 tệ. Tết đến nơi rồi mà họ Lại vẫn chưa chịu trả!
Hôm đó, Tiểu Hàn đến nhà họ Lại, bấm chuông. Trong nhà vang lên những âm thanh lạ, xem chừng như Xỏ Lá đang tìm chỗ trốn!
Cửa mở, là khuôn mặt béo núc của vợ Lại Trung Lương. Thấy Tiểu Hàn, vợ Trung Lương hỏi:
- Chú tìm ai? Trung Lương, ông ấy ra ngoài rồi.
Nói đoạn toan đóng cửa lại.
Tiểu Hàn vội nói:
- Chị là em gái ông chủ Lại phải không ạ?
Vợ tay Xỏ Lá ngớ ra một lúc, ngạc nhiên hỏi:
- Chú nói vậy là có ý gì?
Tiểu Hàn tỏ ra rất thật thà, nói:
- Là thế này. Hôm nọ tôi thấy chị và ông chủ Lại đi trên phố, về sau tôi hỏi chị là ai thì ông ấy bảo chị là em gái ông ấy.
Mặt thị sa sầm lại, mở hẳn cửa cho Tiểu Hàn vào nhà.
Tiểu Hàn ung dung bước vào nhà, nói với vợ họ Lại:
- Chuyện là thế này! Năm ngoái Lại tiên sinh thuê nhà của tôi, vẫn còn nợ tiền cả năm trời chưa trả! Tôi tìm ông chủ mãi mà không gặp, bèn đến đòi bà chủ. Không ngờ, bà ấy bảo, bả không giữ tiền, cứ tìm ông Lại mà đòi. Cũng may, vừa rồi tôi thấy ông chủ Lại vào đây, nên tôi mới đến đây.
Nét mặt vợ Trung Lương mỗi lúc một cau có, giận dữ. Thị trừng mắt hỏi Tiểu Hàn:
- Chú nói là, Lại Trung Lương thuê nhà của chú, sống chung với một người đàn bà lạ à?
- Không không! Sao lại nói là người đàn bà lạ được? Bà chủ Lại đấy chứ! Họ sống với nhau rất hạnh phúc, đi đâu cũng đi cùng mà!
Mặt thị trắng bệch ra, đột nhiên thị lao vào bếp, chộp lấy con dao phay, hầm hầm xông thẳng đến trước tủ áo, đập rầm rầm vào cánh tủ, riết róng quát:
- Tên xỏ lá trời đánh kia! Tao phải giết mày! Mày ra ngay! Ra ngay!
Vợ Trung Lương giật cánh tủ, nắm tóc chồng lôi mạnh ra ngoài, chĩa thẳng lưỡi dao vào cổ gã. Lại Trung Lương mặt xanh như đít nhái, quì sụp xuống chân vợ xin tha mạng!
Tiểu Hàn giả vờ hoảng sợ, la lớn:
- Lại tiên sinh, em gái ông điên rồi hay sao? Ông chủ phải báo cảnh sát ngay đi chứ!
Nói xong họ Hàn chậm rãi bước ra ngoài. Sau lưng anh vang lên những tiếng động chối tai. Tiểu Hàn quay lại thì thấy người Trung Lương bê bết máu, cắm đầu chạy thẳng ra ngoài. Khi chạy ngang qua mặt Tiểu Hàn, họ Lại van xin: "Tiểu Hàn, cậu làm ơn nói lại cho bà vợ sư tử của tôi một tiếng kẻo tôi chết mất! Tôi trả tiền cho cậu ngay đây!", nói xong liền rút túi dúi vào tay Tiểu Hàn một xấp tiền dày cộm, chẳng cần đếm là bao nhiêu nữa. Ngay lúc đó vợ Trung Lương cũng vừa vác dao đuổi kịp. Tiểu Hàn vội ngăn ả lại, la lớn: "Thôi mà bà chị, ông chủ Lại trả tiền cho tôi rồi. Anh em bà chị phải đối xử tốt với nhau chứ!" - Nóí đoạn thủng thỉnh bỏ đi.
- Hú vía ! - Lại Trung Lương lẩm bẩm, thả người rơi phịch xuống nền nhà

Thử hoà điệu sống



Số phận rủi may? – Không cố gắng!
Những cái đích, chúng ta đã qua hay sắp đến, chỉ có một công dụng là khuyến khích chúng ta đi. Chứ cái vui thật của cuộc đời, cũng như của kẻ du lịch khôn ngoan, là sự đi tới.
- Kìa anh! Con nhện đang buông tơ! Nhưng gió đưa nhẹ quá. Mạnh một chút nữa gió ơi, cho con nhện kia được bám vào một nhành cây nào bên cạnh nó. Thôi gió đứng rồi! Nhện sa thêm một đoạn nữa…
Gió lại lên. Bây giờ quá mạnh! Nhện sa dần sa dần… Không khéo sợi tơ mong manh thế kia sẽ đứt mất. Thôi xong! Nó đứt thật. Nhện rơi xuống đát rồi!
Anh ơi, đời của mỗi chúng ta không khác gì con nhện ấy, và ngọn gió kia là những may rủi của cuộc đời: con nhện buông tơ, nó có biết đâu gió sẽ lành hay dữ: may thì gió lành giúp nó dệt thành lưới, không may thì gió dữ thổi đứt sợi tơ đầu! Ai biết được số phận mình? Đời người là một cuộc xổ số. Sự thành bại là do may rủi, phải thế không anh?
Không em ạ! Anh không tin có may rủi. Mọi vật xảy ra thế này hay thế khá đều có nguyên nhân. Chúng ta không biết rõ hết những nguyên nhân ấy nên tưởng có may rủi đấy thôi. Giữa mù mịt của không gian, trong đêm tối của thời gian, em thỉ thấy ngắn có mọt đời em chưa chắc đã nhận thấy rõ hết hiện cảnh. Một chớp nhoáng trong đêm giông! Một bóng nước trồi lên từ từ đáy hố thăm thẳm! Điều mà em gọi là số phận hay mau rủi đó chẳng qua là sự kết hợp của bao nhiêu việc đã xảy ra mà em không thể nhớ hết được.
Cho nên thế gian không phải là một cuộc xổ số lớn.
Bao nhiêu người đã đem đời mình ra đánh số, bởi họ tin chắc có những may rủi bất ngờ. Nhưng những may rủi ấy, chính họ đã tạo ra, chứ không phải tự trời cao, hay một nơi nào rơi xuống cả. Nếu mỗi người không mất đi một vài đồng bạc, sao có số độc đắc? Bao nhiêu cái “rủi” nhỏ của người thua tạo thành cái “may” lớn cho người được. Những thoáng buồn vụn vặt dính theo đồng bạc mất đi, tạo thành cái vui vô hạn chồng chất với số bạc mà người trúng số thâu vào. Rủi may. Bao nhiêu người đã khoanh tay ngồi đợi một cái may không thể có được rồi tự than: “Đời ta chỉ gặp toàn rủi!”.
Em ạ, đừng oán trời đất bất công, cũng đừng trách lòng người nham hiểm. Không ai phá hoại ta nhiều bằng ta. Bao nhiêu thất bại là tại ta một phần lớn, nếu không là tất cả. Đừng tìm nguyên nhân chính đâu khác ngoài những vụng về, lười nhác, dục vọng… của chính ta. Mỗi người là một kiến trúc sư tự xây dựng lấy đời mình. Số phận chỉ là kết quả của những hành động mình đã tạo ra trước.
- Nếu không có số phận, tại sao hai người cùng làm một việc như nhau mà người này thành công người kia lại thất bại?
Em hãy tìm với họ tất cả nguyên nhân rồi trong ấy, em sẽ thấy ít ra một nguyên nhân làm cho người này thành công mà người kia thất bại.
Nhưng sao em cứ nhắc mãi đến sự thất bại và thành công? Thành công hay thất bại thật ra không đáng kể về phương diện giá trị tinh thần.
Đáng kể là sự cố gắng. Đấy mới thật là chân giá trị. Nếu người ta thành công một cách quá dễ dàng thì sự thành công không có giá trị mấy. Một giá trị thật phải cân xứng với công lao. Nếu không công lao mà muốn có giá trị, thì chẳng qua cũng như cái lốt chim hoàng anh phủ lên mình con quạ. Những cái lốt bề ngoài thật không đáng cho ta chú trọng đến.
- Nhưng tại sao đời thường để tâm đến?
Sở dĩ người đời thường quá quan tâm đến sự thất bại và thành công cũng vì quá chú trọng đến dư luận. Sợ thất bại thường do quá sợ những lời chê bai. Chứ riêng nó không có gì đáng sợ cả. Không có sự thất bại nào là vô ích. Mỗi bước sẩy chân là một lần kinh nghiệm. Và nếu chúng ta biết gượng dậy, thì đấy cũng là những bước tiến lên.
Chân giá trị là ở những sự gượng dậy, những bước tiến lên ấy, chứ không phải sự được hoan hô khi chúng ta bước lên đài danh vọng.
Sự cố gắng là chân giá trị đã đành. Nó cũng là một mầm hạnh phúc nữa, em cũng thấy còn thiếu thốn, cần phải tiến lên luôn. Nếu em dừng lại ở một chóp nào đấy, em sẽ thấy sau phút rực rỡ của người chiến thắng, phủ dần quanh em những lớp tro tàn chán nản của sự dừng nghỉ. Màu sắc úa dần trên những tấm huy chương. Khúc khải hoàn vừa dứt, thì cô tịch lại nặng nề trở về trên gối kẻ chiến sĩ vừa thắng trận. Em thấy đấy: thành công chỉ đem lại cho ta cái vui chốc lát. Chính cố gắng mới đem lại sự bằng lòng vĩnh viễn. Những cái đích, chúng ta đã qua hay sắp đến, chỉ có một công dụng là khuyến khích chúng ta đi. Chứ cái vui thật của cuộc đời, cũng như của kể du lịch không ngoan là sự đi tới, sự tiến bộ. Em thử nhớ lại xem có phải nhiều khi chính những nơi em định đến chơi mà em tưởng sẽ vui lắm, lại ít vui hơn khi đi giữa đường. Cho nên cái thuật của nguồn hoan lạc là sự cố gắng đi tới, dù đi tới chậm hay mau, dù đi tới thành công hay thất bại. Nỗi sung sướng, cũng như boa nhiêu việc khác ở đời, chỉ có một giá trị tương đối với hoàn cảnh riêng của mỗi người: người ăn mày được một đồng bạc vui sướng bằng người triệu phú được một cân vàng, em ạ! Không cần phải có tài sức ngang nhau, những sự thành công giống nhau mới có những nỗi vui sướng bằng nhau. Em đi sau một kẻ khác, những nỗi thích thú của em sẽ ngang hàng với nỗi thích thú của kẻ đi trước, nếu trên bước đường của em, em đã tiến được, với sự cố gắng của em, như người kia với sự cố gắng của họ.
Nhưng kìa em, con nhện ban nãy đã bò lên cây tự bao giờ, và dệt xong tấm lưới, trong lúc chúng ta bàn phím với nhau.
Em ạ, nếu em biết loại bỏ những giờ than trách số phận, những phút oán thán cuộc đời, thì em đã dệt được bao nhiêu tấm lưới cho đời em rồi.