NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

SIGNS


Tôi là thiên thần, trừ khi ai làm tôi xù lông..



    I am an angel, unless someone ruffles my feather
Chào các bạn, lúc bình thường ai trong chúng ta cũng hợp lý, vui vẻ, dịu dàng, đáng yêu, như những thiên thần. Tuy nhiên, khi đụng chuyện, bị ai phê phán gì đó, lúc đó mới có sự khác biệt giữa các thiên thần. Lúc này có thiên thần nhảy đổng lên gầm thét. Có thiên thần thì chằm bặm, không nói, nhưng tẩy chay người phê phán. Có thiên thần thì ngoài mặt cười vui nhưng có vẻ gượng gạo, và trong lòng thì “để đó ông sẽ tính với mày sau.” Có thiên thần thì mỉm cười và thề trong lòng “ông sẽ đì mày cả đời.” Có thiên thần thì vui vẻ, cám ơn, đã nhận được đóng góp từ người phê phán.
rufflemyfeather

Cho nên, chúng ta đừng đo lường mình bằng những lúc bình thường. Bình thường thì mình và ông hàng xóm, và 7 tỉ người khác trên thế giới cũng đều là thiên thần như nhau cả; có đo lường thì cũng chẳng nói lên được điều gi. Hãy đo lường mình bằng con người của mình lúc đụng chuyện. Đó mới là lúc sức mạnh của mình hiện ra tới đâu.

Nếu bị phê phán mình có bị đau không? Nhiều hay ít? Mình có vui tí nào không? Nhiều hay ít? Và phản ứng của mình có nhẹ nhàng, lễ độ, tươi cười và tri ân không? Hay là mình lồng lộn chống lại?
Lúc này là lúc phân biệt thầy và trò, người chín chắn và người chưa trưởng thành, người hướng thiện và người hướng ác.
Trong các tôn giáo thần quyền người ta hay nói, Thượng đế dùng tay người khác để nhắn lời cho mình. Người khác đó có thể là cha mẹ thầy cô, nhưng cũng có thể là người điên hay kẻ cướp. Theo truyền thống suy tư này, thì người nói hay cách nói đối với mình không quan trọng. Đúng thì vẫn là đúng, dù là ai nói và nói cách nào. Điều quan trọng là mình có thể nghe sự thật, nghe lời nhắn nhủ của Thượng đế, trong câu nói đó hay không.
Dĩ nhiên là lúc đụng chuyện thì không thể như lúc bình thường được, vì nếu cũng như lúc bình thường thì đó là bình thường mất rồi, đâu phải là “đụng chuyện” hay “khủng hoảng”. Bị phỏng lửa thì chắc là ai cũng rát, nhưng người thì bình yên thâm trầm chịu phỏng, người thì la lối chưởi bới lung tung.
Cho nên, chúng ta có thể tự lừa dối mình rất dễ dàng khi ta nhìn ta lúc bình thường. Hoặc khi ta chỉ một mình không ai quấy nhiễu. Chỉ khi ta bị đụng chạm với xã hội, bị mất mát, bị thất bại, bị sỉ nhục, bị lăng mạ, bị coi thường, bị tấn công một cách bất công… lúc đó ta còn yêu người, yêu đời, còn dịu dàng, còn hiền hậu, còn trung thành, còn đạo đức không? Đó mới là thước đo thực sự.
rufflemyfeather1

Bạn có thể hùng hổ, dữ tợn khi bi lăng mạ hay mất mát, và bạn sẽ có đủ l‎y’ do chính đáng để làm thế, như là bảo vệ quyền lợi, bảo vệ công l‎ý, chống người gian ác v.v…

Nhưng hùng hổ, dù là có l‎ý do đúng, vẫn là hùng hổ, vẫn là không hiền dịu.
Điều này chẳng có gì sai cả. Và bạn hoàn toàn có quyền hùng hổ như thế. Chỉ xin nhớ rằng, khi bạn phản ứng như thế thì bạn chẳng khác gì 7 tỉ người khác trên thế giới đã chẳng tốn một phút nào để học tư duy tích cực, đã chẳng tốn một giây nào để thiền, hay một giây nào để thực hành hạnh khiêm tốn và nhẫn nhục.
Và cũng đừng ảo tưởng rằng mình là người hiền dịu, hay đã trưởng thành tâm linh.
Và cũng xin nhớ rằng tất cả những người trong những cuộc chiến điên rồ giết nhau đều thề với bạn là họ có lý do chính đáng, là thượng đế đứng về phe họ, là họ bảo vệ công l‎ý… để làm việc giết nhau. Chúng ta đang ở trong thời đại có nhiều người trong những cuộc chiến điên rồ thề thốt như nhế. Chỉ cần mở TV lên là bạn sẽ có ngay thông tin về họ.
Phúc cho những người khiêm nhu, vì họ sẽ thừa hưởng quả đất.

Tưởng Rằng Đã Quên..


Thoáng qua một bắt tay san sẻ, một nụ cười gửi trao, một ân cần muộn màng…sao nặng lòng đến thế!
Cuộc sông  viên vo đến từng giờ, từng ngày, từng tuần… giá trị người như còm đi theo thời gian biểu. Cần lắm một lời chào tử tế, một ngưỡng mộ giả vờ, một đồng cảm bâng quơ… như hâm nóng con tim ngày nguội lạnh.
Có thể rằng trong một vật vã đời thường, một câu thúc đời thường, một chỉn chu đời thường… tâm hồn chợt lóe lên một chớp sáng kì dị, khát một chia li, khát một đạp đổ, khát một rũ bỏ để thênh thênh nhẹ cánh bay vèo đến những cơn mơ.
Và trong những phút giây tăng tốc vượt đèn đỏ có thể tình cờ ta cùng một đường bay.
Cũng có thể trong một phút giây thôi miên nào đó ta tình cờ lạc vào túi đen nhân loại, biến mất khỏi những lực hút trái đất một cách dị kì.
Từ Thức xưa, Lưu Thuần xưa tìm được đào nguyên cũng cùng một uyên nguyên như thế.
Mà vườn đào thì yêu quái lắm, 
chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian, có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn phai một lần.
Mà đào nguyên thì cô đơn lắm, những lúc phiêu bồng làm đám mây lãng đãng lại khát hoài một sợi dây liên hệ với gia đình, vợ con, bè bạn. Cái con rối người cắt đứt những sợi dây thì rủ liệt tay chân.
Lại quay về với chức phận làm người, lại đứng hát nghiêm trang bên bờ vực mái tóc xòa hứng hết gió gieo neo.
Mà cũng thế, chẳng thể nào nguôi quên một phút phiêu bồng.
Nơi ấy ta tạo hóa diệu kì tạc hình em thành tiên nữ, nơi ấy ta nghệ sĩ điên rồ tội lỗi say mê hôn ước với tác phẩm của mình.
Nơi ấy ta vắt hồn ta thành suối nguồn yêu thương chảy ngang đời em chân bùn tay lấm, em rũ áo sáng lòa bao nhiêu!
Nơi ấy ta bang chủ ngạo cuồng đong đời bằng vung múc đời bằng vá. Em ý hẳn cho ta là điên, ý hẳn cho ta là cuồng, ý hẳn cho ta là lạ. Và em cũng hóa tâm thần cho vừa tầm kẻ loạn thần kinh.
tovuong

Và nơi này ta là kẻ mọt sách lần hoài những trang kí ức xa xăm.
Và nơi này ta là gã 
lãng tử 
 già một chiều lang thang vào quán cà phê, biết chẳng là gì của nhau xin trả em về, lời Khánh Ly muôn thuở não nùng oan khổ như buổi người về trong lặng lẽ đam mê.
Ngồi sắp xếp lại đời mình cứ thấy ngổn ngang rối rắm một sự đời, rối rắm một thước đo, rối rắm một hôn ước, rối rắm một nước cờ.
Mỗi một đời là một tồn sinh. Mỗi một đời là một sáng tạo. Mỗi một đời là một sự sống chưa có lập trình. Ta đã dại dột tự tin đời là một chuyến tàu dẫu tốc hành thì lộ trình cũng đã kí định ở những chuẩn mực thông thường.
Và chẳng thể phi thường được nữa.
Và trả những cơn mơ về với những cơn mơ.
Như trả ngày bão nổi về cho biển cả.
Như trả giọt sương đi hoang về tận mây trời.
Như kí thác mình cho lục địa bình yên.
Và biết xa xăm còn một dỗi hờn.
Và day dứt khôn nguôi.
Cuối.. xin em chút dỗi hờn
Về ươm cả một mùa buồn cho nhau.
Ai đó có lời mãnh liệt: “ Có một tình yêu mãnh liệt là vứt bỏ”
Ta đang làm một lộ trình ngược chiều: “ 
Có một tình yêu đích thực là vọng tưởng
Cũng là đốt hết năng lượng của mình để chứng nghiêm một tình yêu!

Ðoạn Trường Vô Thanh - Phạm Thiên Thư

... Chốn đi về của hồn thiên cổ ... 
                                              


Mười con nhạn trắng về tha
Như Lai thường trụ trên tà áo xuân
Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền
Ðôi gò đào nở trên miền tuyết thơm

Xe lên bụi quán hoa đường
Qua sương trắng dậm phố phường úa thu
Tiếng chim ướt sũng hai mùa
Hạt rơi thêm lạnh hững hờ mây qua

Dế buồn dỗ giấc mù sa
Âm nao lãng đãng tơ ngà sương bay
Người về sao nở trên tay
Với hài đẫm nguyệt thêm dài gót mơ

Con khuyên nó hót trên bờ
Em thay áo tím thờ ơ giang đầu
Tưởng xưa có kẻ trên lầu
Ngày xuân gieo nhẹ trái cầu gấm hoa

Tóc dài cuối nội mây xa
Vàng con bướm nhụy lẫn tà huy bay
Dùng dằng tay lại cầm tay
Trao nhau khăn lụa nhớ ngày sầu đưa

Từ chim thủa núi xa xưa
Về đây rớt lại hạt mơ cuối rừng
Từ em khép nép hài xanh
Về qua dục nở hồn anh đóa sầu

Ừ thì mình ngại mưa mau
Cũng đưa anh đến bên cầu nước xuôi
Sông này chảy một dòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông

Ngày xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
Mùa thu áo biếc da trời
Sang đông em lại đổi dời áo hoa

Ðường về hái nụ mù sa
Ðưa theo dài một nương cà tím thôi
Thôi thì em chẳng yêu tôi
Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng

Sao em bước nhỏ ngập ngừng
Bên cầu sương rụng mấy từng mai mơ
Ðêm về thắp nến làm thơ
Tiếng chân còn vọng nửa tờ thư tôi

Ðôi uyên ương trắng bay rồi
Tiếng nghe tha thiết bên trời chớm đông
Nửa đêm đắp mảnh chăn hồng
Lại nghe hoa lạnh ngoài đồng thiết tha

Con chim chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao
Mai anh chết dưới cội đào
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu

Tường thành cũ phiến bia xưa
Hồn dâu biển gọi trong cờ lau bay
Chiều xanh vòng ngọc trao tay
Tặng nhau khăn lụa cuối ngày ráng pha

Ðêm dài ươm ngát nhụy hoa
Chim kêu cửa mộ trăng tà gõ bia
Em ơi rủ tóc mây về
Nhìn trăng nỡ để lời thề gió bay

Ðợi nhau tàn cuộc hoa này
Ðành như cánh bướm đồi tây hững hờ
Tìm trang lệ ố hàng thơ
Chữ xưa quyên dục bây giờ chim di

Mây xưa cũng bỏ non về
Em xưa cũng giã câu thề đó đây
Nhớ đành biết mấy tầm tay
Lông chim biển Bắc hoa gầy bãi Ðông

Ðợi ai trăng rõi hoa buồn
Vắng em từ thủa theo buồm gió xuôi
Chiều chiều mở cổng mây trôi
Chênh vênh núi biếc mắt ngời sao hôm

Thế thôi phố bụi xe hồng
Hồ ngăn ngắt đục đôi dòng nhạn bay
Ðưa nhau đấu rượu hoa này
Mai đi dã hạc thành ngoài cuồng ngâm

Xuống non nhớ suối hoa rừng
Vào non nhớ kẻ lưng chừng phố mây
Về thành nhớ cánh chim bay
Xa thành thương vóc em gầy rạc hoa
                                                             


Hạc xưa về khép cánh tà
Tiếng rơi thành hạt mưa sa tần ngần
Em về hong tóc mùa xuân
Trăng trầm hương tỏa dưới chân một vành

Em nằm ngó cội thu xanh
Môi ươm đào lý một nhành đôi mươi
Về em vàng phố mây trời
Tay đơm nụ hạ hoa dời gót xuân

Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi mù phố xe đường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi

Gầy em vóc cỏ mây dời
Tay em mai nở chân trời tuyết pha
Ngày dài ngựa soải cầm ca
Trán cao ngần nửa trăng tà ngậm sương

Xe lăn bánh nhỏ bụi hường
Lao xao vó rụng trên đường phố mây
Mưa giăng ráng đỏ hao gầy
Ðôi con ngựa bạch ném dài tuyết sa

Chim nào hát giữa thôn hoa
Tay nào hong giữa chiều tà tóc bay
Lụa nào phơi nắng sông tây
Áo xuân hạ nọ xanh hoài thu đông

Con chim mùa nọ chưa chồng
Cũng bay rời rã trong dòng xuân thu
Từ em giặt áo đông tơ
Nay nghe lòng suối hững hờ còn ngâm

Thuyền ai buông lái đêm rằm
Sông thu ngân thoảng chuông trăng rì rào
Cửa sương nhẹ mở âm vào
Lay nghiêng bầu nậm rượu đào trầm ca

Lên non cuốc sỏi trồng hoa
Xuôi thuyền lá trúc la đà câu sương
Vớt con cá nhỏ lòng đòng
Mải vui lại thả xuống dòng suối tơ

Vào non soi nguyệt tầm rùa
Ðọc trên mai nhỏ xanh tờ lạc thư
Thả rùa lại đứng ưu tư
Muốn qua hang động sống như nguyệt rùa

Em nghiêng nón hạ cầu mưa
Sông ngâm mây trắng nước chưa buồn về
Hoa sầu cỏ cũng sầu chia
Lơ thơ xanh tụ đầm đìa vàng pha

Ðất Nam có lão trồng hoa
Mùa hoàng cúc nở ướp trà uống đông
Lại đem bầu ngọc ra trồng
Bầu khô cất nậm rượu hồng uống xuân

Người vui ngựa chợ xe thành
Ta leo cầu trúc bên ghềnh thác rơi
Theo chân chim gặp mây trời
Lại qua khói động hỏi người tu non
                                                        
Bông hoa trắng rụng bên đường
Cánh thơm thông điệp vô thường tuyết băng
Con ong nhỏ mới ra giàng
Cũng nghiêng đôi cánh nhụy vàng rụng rơi
                                                              


Mùa xuân bỏ vào suối chơi
Nghe chim hát núi gọi trời xuống hoa
Múc bình nước mát về qua
Ghé thôn mai nọ hỏi trà mạn xưa

Chim từ bỏ động hoa thưa
Người từ tóc biếc đôi bờ hạ đông
Lên non kiếm hạt tơ hồng
Ðập ra chợt thấy đôi dòng hạc bay

Người về đỉnh núi sương tây
Ta riêng nằm lại đợi ngày mướp hoa
Bến nam có phố giang hà
Nghiêng nghiêng nậm ngọc dốc tà huy say

Tình cờ anh gặp nàng đây
Chênh chênh gót nguyệt vóc gầy liễu dương
Qua sông có kẻ chợt buồn
Ngó hoa vàng rụng bên đường chớm thu

Mốt mai em nhớ bao giờ
Bãi dâu vãn mộ cho dù sắc không
Chân chim nào đậu bên cồn
Ngựa xuôi có kẻ lại buồn dấu chim

Ðợi người cuộc mộng thâu đêm
Sông Ngân trở lệ dài thêm dòng nhòa
Anh nằm gối cỏ chờ hoa
Áo em bạch hạc la đà thái hư

Em từ rửa mặt chân như
Nghiêng soi hạt nước mời hư không về
Thâu hương hiện kính bồ đề
Phấn son chìm lắng hạt mê luân hồi

Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say

Ngựa xưa qua ải sương này
Còn nghe nhạn lạc kêu hoài bãi sông
Nước xuôi gờn gợn mây hồng
Tiếng ca lạnh thấu hoàng hôn giục đò

Hoa đào tưởng bóng đào xưa
Thuyền sang bến nọ dòng mờ khói vơi
Hoa dương vàng nhạt sầu người
Ta về uống nước sông khuây khỏa lòng

Ðưa nhau đổ chén rượu hồng
Mai sau em có theo chồng đất xa
Qua đò gõ nhịp chèo ca
Nước xuôi làm rượu quan hà chuốc say


Khăn trăng từ độ trao tay
Nửa tan cát suối nửa mài nghiên sương
Mốt mai lòng có nghe buồn
Mảnh trăng hiện hóa thiên đường cõi chơi

Nhện cheo leo mắc tơ trời
Dòng chim qua hỏi mộ người tà dương
Ðánh rơi hạt mận bên đường
Xuân sau mọc giữa chân thường cội hoa

Nụ vàng hương rộ tháng ba
Nửa đêm dậy ngó trăng tà tiêu tương
Chẳng như cội liễu bờ dương
Tóc xanh mướt giữa vô thường sắc không

Mai nào thơm ngát thu đông
Lược em chải rụng đôi dòng tơ xanh
Ðôi chim hồng yến trên cành
Ngẩn ngơ quên rỉa lông mình điểm trang

Mùa xuân mặc lá trên ngàn
Mùa thu mặc chú bướm vàng tương tư
Ðộng nam hoa có thiền sư
Ðổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn

Nến khuya lửa hắt hiu vàng
Trang kinh lác đác đôi hàng nhạn sa
Ý nào hóa hiện ngàn hoa
Chữ nào cẩn nguyệt trên tà áo ni

Dỗ non suối giọng thầm thì
Ðộ tam thế mộng xá gì vóc hoa
Ni cô hiện giữa ta bà
Búp tay hồng ngọc nâng tà áo trăng

Tiếng chim trong cõi vô cùng
Nở ra bát ngát trên rừng quế hương
Tiếng em hát giữa giáo đường
Chúa về trong những thánh chương bàng hoàng

Ðố ai nhớ hết hoa vàng
Ðố ai uống cạn sương tàng trăng thâu
Ðố ai tát cạn mạch sầu
Thì ta để tóc lên cầu đón ai

Em về sương đẫm hai vai
Dấu chân là cánh lan dài nở đêm
Từ em hé nụ cười huyền
Mùa thu đi mất trên miền cỏ hoa

Guốc mòn lẫn tiếng sơn ca
Sư về chống gậy trúc qua cầu này
Ngó bờ suối lạnh hoa bay
Thương sao giòng nước trôi hoài thiên thanh

Có con cá mại cờ xanh
Bơi lên nguồn cội tắm nhành suối xuân
Nửa dòng cá gặp phù vân
Hỏi sao mây bỏ non thần xuống chơi

Dù mai lều cỏ chân trời
Khơi hương lò cũ khóc người trong thơ
Em còn ửng má đào tơ
Tóc xưa dù có bây giờ sương bay

Lên non ngắt đóa hoa này
Soi nghiêng đáy suối bóng ai nhạt nhòa
Nom hoài chẳng rõ là ta
Tắm xong khoác áo hát ca về làng

Tay đeo vòng ngọc xênh xang
Áo em bay giải tơ vàng thiết tha
Bước chân tìm chán ta bà
Ngừng đây nó hỏi : đâu là vô minh

Hỏi con vạc đậu bờ kinh
Cớ sao lận đận cái hình không hư
Vạc rằng : thưa bác thiên thư
Mặc chi cái áo thiền sư ỡm ờ

Nước đi từ thủa bao giờ
Dòng xuôi người đứng trên bờ ngó xuôi
Chừng đâu dưới bến hoa tươi
Buộc thuyền xưa đã có người ngó sông

Từ hôm em bỏ theo chồng
Áo trắng em cất áo hồng em mang
Chiều nay giở lại bàng hoàng
Mười năm áo cũ hoe vàng lệ xanh

Ðôi chim nho nhỏ trên cành
Giục nhau đan tổ cỏ xanh bên đường
Nửa đời mây nước du phương
Thiền sư ngắt cỏ cúng dường phật thân

Gò chiều ùn bụi sương lên
Hỏi ra mới biết nơi yên cành vàng
Bên mồ chồn cáo đùn hang
Chim kêu như lảnh tiếng nàng ngân nga

Cuối xuân ta lại tìm qua
Tiểu thư chi mộ thềm hoa dại tàn
Sớm thu ta đánh đò sang
Bên đường cỏ mộ lại vàng cúc hoa

Trúc thưa cổng gió ơ hờ
Em ra tựa cửa nghĩ chưa lấy chồng
Sông ơi xanh nhé một dòng
Mùa xuân cắp rổ ra đồng vớt hoa

Ðường dài xao xác chim ca
Người còn khoác nón theo tà dương nao
Ván cờ bày trắng bông đào
Sao lên núi thẫm trăng vào chén không

Ðồi thu vắt suối mây hồng
Chim xanh lác đác ngược dòng hoa tiên
Bấc sầu lửa lụn chờ em
Lệ xưa ai đã đổ nên dầu này

Ðón em như ngóng chim trời
Bãi xuân sớm đậu chiều dời khói thu
Em còn áo trắng ngày xưa
Trong anh muôn thủa bao giờ lệ hoen

Khơi trầm thơm tụng kinh hiền
Máu xuân mạch lạnh trong miền xương da
Vườn chùa có nụ hàm ca
Sương khuya : pháp bảo trăng tà : vô môn

Mai tươi cánh nở bên cồn
Mưa bay lấm tấm cành hương trắng ngời
Thu đông tàng ẩn kho trời
Hạt rơi rụng ngọc cánh rời rã hoa

Cổng làng mở cánh sao sa
Nhã lan loáng thoáng tiếng gà xóm mai
Lên chùa dâng dĩa hoa nhài
Chợt viền trăng lạnh trên hài tổ sư

Chuông ngân chiều lặng trầm tư
Tiếng lơi đẫm hạt thiên thư bềnh bồng
Ðiệu về tay giấu chùm bông
Gót chân đất phật trổ hồng hằng sa

Bóng trăng tịch mặc hiên nhà
Thành đàn nẩy hạt tỳ bà quyện hương
Gió thu từ độ tha phương
Về trên hốc gỗ bên đường lặng im

Áo em vạt tím ngàn sim
Nửa nao nức gọi nửa im lặng chờ
Yêu nhau từ độ bao giờ
Gặp đây giả bộ hững hờ khói bay

Tình cờ như núi gặp mây
Như sương đậu cánh hoa gầy tiêu dao
Tỉnh ra thì giấc chim bao
Chuyện mười năm cũ lại nao nao lòng

Cành sen lá chĩu sương trong
Áo ni xám vạt trời hong buồn về
Tay nào nghiêng nón thơ che
Tay nào lần chuỗi bồ đề xanh xao

Ðôi mày là phượng cất cao
Ðôi môi chín ửng khoé đào rừng mơ
Tiếng nàng vỡ bạc thành thơ
Tụng dòng kinh tuệ trên tờ khói mây

Tóc em rừng ngát hương say
Tay em dài nụ hoa lay dáng ngà
Mắt xanh bản nguyện di đà
Bước trầm hương nhẹ lẫn tà dương chim

Mắt nàng ru chiếc nôi êm
Ru hồn tôi ngủ ngàn đêm tuyệt vời
Em là hoa hiện dáng người
Tôi là cánh bướm cung trời về say

Một đêm nằm ngủ trong mây
Nhớ đâu tiền kiếp có cây hương trời
Cây bưởi trắng ngát hương đời
Nụ là tay phật chỉ người qua sông

Non xanh khoác áo sương hồng
Con chim điểm tuyết ngoài đồng vụt bay
Tiếng kêu lạnh buốt lòng tay
Ngón buông lại chợt tuôn đầy lòng hoa

Em bên cửa chuốt tay ngà
Cội lan đông mặc nở qua mấy nhành
Ngày em ướp áo hồ xanh
Con uyên tha thiết trên cành gọi thu

Ni về khép cửa chùa tu
Sớm mai mở cổng quét thu vườn hồng
Thu vương ngọn chổi đôi bông
Thoảng dâng hương lạ bướm vòng cánh duyên

Sư lên chót đỉnh rừng thiền
Trong tim chợt thắp một viền tà dương
Ngón tay nở nụ đào hương
Cầm nghiêng tịnh độ một phương diệu vời

Một dòng hoa nổi trên trời
Một dòng hoa nở trong người trầm tư
Cánh nào mở cõi không hư
Phiến băng tuyết khảm một tờ kim cang

Thư em ướp nụ lan vàng
Lời em gió núi chiên đàn thoảng xa
Áo em phất cõi di đà
Ngón chân em nở cánh hoa đại từ

Chênh vênh đầu trượng thiền sư
Cửa non khép ải sương mù bóng ai
Non xanh ướm hỏi trang đài
Trăm năm còn lại dấu hài động hoa

Ngày xưa bên dậu vàng hoa
Chiều chiều kê chõng nằm ra ngó trời
Năm sau em bỏ đi rồi
Ta về ngồi lắng mưa rơi giậu buồn

Trên nền gạch nẻ rêu phong
Xưa phơi nhã điệu giờ hong đóa quì
Trẻ đào bãi cỏ xanh rì
Ðược thanh kiếm quỉ bao kỳ thu han

Non đem nhạn nhốt trong thành
Cho sông chưa trở yếm xanh dưới cầu
Người còn dệt lụa tằm dâu
Ðêm nghe mưa rụng thiên thâu ngoài giàn

Núi nghiêng suối vắt tơ đàn
Nhìn ngoài thạch động mưa vàng lưa thưa
Nghiêng bình trà nhớ hương xưa
Từ vàng hoa nọ bây giờ vàng hoa

Sáng nghe lan rụng mái nhà
Chừng như mưa nhẹ núi xa mùa này
Ðường về mù mịt ngàn mây
Về nam đôi cánh chim bay xạc xào

Mây dù chẳng chất non cao
Ðường về dù chẳng sông đào nông sâu
Ðêm đêm lòng dục nẻo sầu
Thềm trăng ngỡ tưởng hoa cau rụng thầm

Nhớ cha giọt lệ khôn cầm
Dưới trăng lấp lánh như trâm vân quỳnh
Nghiêng ly mình cạn bóng mình
Tay ôm vò nguyệt một bình mây bay

Gối tay nệm cỏ nằm say
Gõ vào đá tụng một vài biển kinh
Mai sau trời đất thái bình
Về lưng núi phượng một mình cuồng ca

Gây giàn thiên lý vàng hoa
Lên non cắt cỏ lợp nhà tụ mây
Xuống đầm tát cá xâu cây
Bới khoai vùi lửa nằm dài nghe chim

Khách xa nhớ đến nhau tìm
Lên đồi trẩy một giỏ sim làm quà
Hứng nước suối thết bình trà
Hái bầu nấu bát canh hoa cười khàn

Vào hang núi nhập niết bàn
Tinh anh nở đóa hoa vàng cửa khe
Mai sau thí chủ nào nghe
Tìm lên xin hỏi một bè mây xanh

Hoa vàng ta để chờ anh
Hiện thân ta hát trên cành tẩm mai
Trần gian chào cõi mộng này
Sông Ngân tìm một bến ngoài hóa duyên


...
Lớn lên giữa núi xanh rì
Cỏ hoa như thể tứ chi cận kề
Sao ta biền biệt chưa về
Lưng đồi sim tím bốn bề chim ca
Dù muôn dặm có bao xa
Mà trong gang tấc vẫn là thiên thu

Thiên đàng và Địa ngục


09/27/2010 02:24 pm
Vị sư già ngồi bên vệ đường. Mắt nhắm nghiền, hai chân xếp bằng, hai tay đặt trên gối, sư ngồi đó, đắm chìm trong thiền định.

Bất thình lình, cất lên một giọng cộc cằn, khe khắt của một võ sĩ samurai.
“Này lão sư, hãy giảng cho ta nghe về Thiên đàng và Địa ngục!”
Ban đầu, như thể vị sư không nghe thấy gì hết, không một chút lay động trên gương mặt người. Rồi từ từ, ngài bắt đầu mở mắt, hơi thoáng một nụ cười trên môi, trong khi chàng võ sĩ đứng đó… chờ đợi… bồn chồn… từng giây trôi qua.. mỗi lúc thêm sốt ruột.
“Ngươi mà cũng muốn biết đâu là thiên đàng, đâu là địa ngục ư!?” cuối cùng vị sư cất tiếng. “Ngươi, kẻ trông thật nhếch nhác. Ngươi, với chân tay đầy ghét bẩn! Ngươi, đầu tóc bù xù, hơi thở thối tha, thanh gươm thì rỉ sét! Ngươi mà cũng muốn hỏi ta về Thiên đàng và Địa ngục sao?!”
Chàng võ sĩ thốt ra một tiếng chửi thề khủng khiếp. Anh giật phắt thanh kiếm ra khỏi vỏ và giơ lên cao khỏi đầu. Mặt đỏ tía tai, gân máu chạy rần rật quanh cổ khi anh chuẩn bị chém đầu vị sư già.
“Đó là Địa ngục,” Vị sư già nói với vẻ khoan dung, ngay lúc thanh kiếm đã bắt đầu chém xuống.

Trong tích tắc, chàng võ sĩ bừng tỉnh, ngạc nhiên tột độ, lòng vừa kính sợ vừa ngập tràn tình yêu thương dành cho vị đạo sĩ cao quý đã dám liều chính mạng sống của mình để chỉ cho anh một bài học. Anh ngừng thanh kiếm lại, mặt tràn đầy những giọt nước mắt biết ơn.

”Và đây,” nhà sư nói tiếp, “đây là Thiên đàng.”
LÊ THỊ HỒNG VÂN dịch

Liên Lạc Viên Của Chàng ..- O. Henry



 
Đây không phải là mùa hoặc giờ người ta đến khu Công Viên này. Có thể là người phụ nữ trẻ ấy, đang ngồi trên một băng ghế gần đường đi dạo, chỉ tuân theo một sự thúc đẩy bất chợt nào đấy để nghỉ ngơi chốc lát và thưởng thức hương vị sớm sủa của Mùa Xuân.

Cô ngồi ở đấy, trầm ngâm, bất động. Một vẻ u sầu nào đấy đượm trên nét mặt cô hẳn chỉ mới phát sinh gần đây, vì lẽ nó chưa thay đổi những đường nét xinh xắn và trẻ trung của đôi má cô, và cũng chưa làm dịu đi đường cong của đôi môi cô.

Một chàng trai trẻ với vóc dáng cao đi vào Công Viên, dọc theo đường đi dạo nơi cô ngồi. Sau anh là một cậu bé mang một túi xách cầm tay của anh. Khi vừa nhìn thấy cô, mặt anh chuyển sang màu đỏ rồi trở lại tái nhợt. Anh quan sát nét mặt cô khi anh tiến đến gần, với hy vọng và lo âu lẫn lộn trên nét mặt anh. Anh đi ngang qua cô chỉ cách vài bước, nhưng anh thấy là cô không để ý gì đến sự hiện diện của anh.

Thêm dăm bảy chục bước, thình lình anh dừng lại, ngồi trên một băng ghế khác. Cậu bé đặt chiếc túi xách xuống, nhìn anh với đôi mắt phân vân, tinh anh. Chàng trai trẻ rút ra một chiếc khăn tay để lau vầng trán. Đấy là một khăn tay trông khá, một vầng trán trông khá, và chàng trai thì trông khá.

Anh nói với cậu bé:
-          Tôi nhờ em mang lời tôi nhắn đến cô đang ngồi đàng kia. Em nói với cô ấy là tôi đang đến nhà ga để đáp tàu đi San Francisco, ở đấy tôi sẽ tham gia vào chuyến đi săn nai sừng tấm. Em nói với cô ấy là, vì cô đã ra lệnh cho tôi không được nói hoặc viết gì cho cô, nên tôi phải nhờ đến cách này để xin chống án lần cuối cùng bản án cô đã dành cho tôi. Em nói với cô ấy là kết án và tống khứ người không đáng tội như thế, mà không trình bày lý do cho họ biết hoặc không cho họ cơ hội để giải thích nguyên do, dù là nguyên do gì đi nữa, là đi ngược lại với bản chất của cô mà tôi vẫn rõ bản chất ấy là như thế nào. Em nói với cô ấy là, vì thế, trong chừng mực nào đấy, tôi đã không tuân theo mệnh lệnh của cô, với hy vọng là cô có thể chấp nhận thấy công lý được thi hành. Em đi đi, nói với cô ấy như thế.
                   

Chàng trai trẻ dúi nửa đô la vào tay cậu bé. Cậu nhìn anh với đôi mắt sáng lanh lợi trên gương mặt lấm lem nhưng láu lỉnh, rồi chạy đi. Cậu tiến đến gần cô, một chút phân vân, nhưng không bối rối. Cậu đưa tay nắm lấy cái vành của chiếc mũ cũ kỹ vắt ra sau đầu. Cô gái nhìn cậu một cách lạnh lùng, không ra vẻ có định kiến hoặc ân huệ gì.

Cậu bé nói:
-          Cô ơi, cái ông đang ngồi kia kìa nhờ tôi múa hát giúp vui cho cô. Nếu cô không quen ông, nếu ông muốn quậy, chỉ cần một tiếng, tôi đi kêu cảnh sát tới trong ba phút. Nếu cô quen ông, nếu ông được, tôi có mấy chiện ông nhờ nói.
                                    

Cô gái không biểu lộ chú ý bao nhiêu. Cô nói, với một giọng cẩn thận, ngọt ngào như thể muốn phủ lên lời của mình tấm màn the mỉa mai mà không phải ai cũng hiểu được:
-          Múa hát giúp vui! Tư tưởng mới, hẳn là học từ dân du ca! Tôi… tôi từng quen biết với người nhờ em đến đây, nên tôi nghĩ không cần gì phải gọi cảnh sát. Em có thể múa hát, nhưng đừng lớn tiếng quá. Mùa này chưa đến lúc trình diễn tấu hài ngoài trời, thiên hạ sẽ chú ý.

Cậu bé nhún vai, tưởng chừng như cả chiều dài thân người cậu cũng nhún theo:
-          Cô biết ý tôi chớ! Nói là nói dậy thôi. Ông bảo tôi nói với cô là ông xách quần áo trong cái túi đó để dọt đi Xăng Făng. Rồi ông đi bắn chim tuyết ở Klondite. Ông nói cô biểu ông đừng có gởi thơ tình gì nữa cho cô, mà cũng đừng có lạng quạng đến gần cửa vườn nhà cô, rồi nhờ tới tôi đi cắt nghĩa. Ông nói cô coi ông như đồ bỏ mà không cho ông cục cựa gì hết. Ông nói cô đá ông mà không có nói tại sao nữa.

Một ít chú ý vừa dấy lên trong đôi mắt cô gái đã không giảm bớt. Có thể là do óc sáng kiến hoặc tính táo bạo của anh chàng thợ săn chim tuyết đã tìm cách hóa giải lệnh cấm của cô về mọi cách bắn tin thông thường. Cô nhìn một bức tượng đứng u buồn trong khu công viên xơ xác, rồi nói vào cái phương tiện nhắn tin:
-          Em bảo với ông ấy là tôi không muốn lặp lại với ông điều tôi đã diễn tả về những lý tưởng của tôi. Những lý tưởng của tôi đã là như thế nào và mãi mãi vẫn như thế nào thì ông ấy đã biết rõ. Trong trường hợp thế này, tính chung thủy và chân thành là những lý tưởng tối thượng. Em bảo với ông ấy là tôi đã dò kỹ lại con tim tôi, nên tôi hiểu những yếu mềm cũng như những yêu cầu của con tim tôi. Vì thế nên tôi từ chối nghe lời ông ấy biện hộ, dù là biện hộ cách nào đi nữa. Tôi không kết án ông ấy qua lời đồn đại hoặc vì chứng cớ vu vơ, thế nên tôi không kể tội ông ấy. Nhưng vì ông ấy cứ khăng khăng muốn nghe điều mà ông đã biết quá rõ, em có thể chuyển lời đến ông ấy như thế này.
“Em bảo với ông ấy là buổi tối hôm ấy tôi đi vào cái nhà kính từ cửa sau, để cắt một bông hồng cho mẹ tôi. Em bảo với ông ấy là tôi trông thấy ông ấy và cô Ashburton dưới tán cây trúc đào. Khung cảnh thì dễ thương, nhưng tư thế và sự cận kề của hai người đã quá hiển nhiên nên không cần phải nghe giải thích gì cả. Tôi rời khỏi nhà kính ra về, rời xa luôn cánh hoa hồng và lý tưởng của tôi. Bây giờ em đến múa hát cho ông bầu của em về mấy lời tôi nói.

-          Có một chữ em không nhớ, cô ơi. Cô nói cái kề cận hay cận kề gì đó?
-          Em cứ nói là… là họ gần nhau, quá gần nên không hợp với lý tưởng của tôi.

Đá sỏi kêu rào rạo dưới hai chân cậu bé. Cậu đứng trước băng ghế kia. Hai mắt chàng trai dò hỏi, hau háu. Đôi mắt của cậu bé lóe sáng với vẻ láu táu bâng quơ của một thông dịch viên.
-          Cô nói ý cô là đàn ông có chứng ưa đặt điều chiện ma quỷ để kiếm chiện làm lành, nên cô không muốn nghe ông ca cẩm. Cô nói cô bắt ông ràng ràng trong cái nhà bông. Cô nói cô lẻn vô để bứt ít cái bông, ông đang kề bà nào đó. Cô nói cô thấy coi đẹp, được rồi được rồi, nhưng cô coi thấy ghét. Cô nói ông đánh bài chuồn đi, lên xe lửa đi luôn cho rồi.

Chàng trai trẻ huýt sáo lên một tiếng nhỏ, và đôi mắt anh thoáng hiện một ý. Anh cho tay vào túi trong của áo vét, lôi ra một nắm thư từ. Anh chọn lấy một tờ thư, đưa cho cậu bé, rồi đưa tiếp một đô la lấy từ túi áo gi-lê.
-          Em đưa thư này cho cô ấy, yêu cầu cô đọc. Bảo với cô ấy là lá thư này giải thích tất cả. Bảo với cô ấy là nếu cô có một chút tin yêu pha với quan niệm của cô về các lý tưởng, thì thiên hạ đỡ nhức tim. Bảo với cô ấy là tính chung thủy mà cô xem trọng vẫn không hề bị lay chuyển. Bảo với cô ấy là tôi đang đợi câu trả lời.

Liên lạc viên lại chạy đến đứng trước mặt cô gái.
-          Ông nói ông bị cô giũa mà không có do đâu. Ông nói ông không phải tàng tệ. Ông nói cô đọc thơ này nè. Tôi cá với cô coi bộ ông ngon lành đó.

Cô gái mở bức thư ra, lộ chút vẻ hồ nghi, và đọc.
 
Kính thưa Bác sĩ Arnold:
Tôi xin cảm ơn ông về việc ông đã giúp cấp cứu cho con gái tôi tối Thứ Sáu vừa qua, khi con tôi lên cơn tim trong nhà kính giữa buổi chiêu đãi của bà Waldron. Khi con tôi bị cơn đột quỵ, nếu ông không có ở đấy và săn sóc kịp thời thì có thể gia đình tôi đã mất một đứa con. Tôi rất vui nếu ông có thể dành chút thì giờ đến thăm bệnh và tìm phương án chữa trị cho con gái tôi.
Kính thư,
 
Robert Ashburton

Cô gái gấp bức thư lại, trao cho cậu bé.

Liên lạc viên hỏi:
-          Ông muốn cô trả lời. Tôi phải nói gì đây?

Đôi mắt cô gái thình lình chiếu lên cậu bé, rực sáng, tươi tắn, ươn ướt. Cô nói với tiếng cười hạnh phúc, rung chuyển:
- Em nói là người yêu ông cần ông.

Đừng hờ hững với đời như bọt bể..



Tôi chưa được đến Kim Tự tháp nên chưa phải trả lời những câu hỏi của con Sphinx, người canh giữ chân trời cho các pharaoh cổ đại tiếp tục ngao du ở thế giới bên kia. Nhưng tôi tự thấy mình lúng túng, không thể qua khỏi cuộc sát hạch của một đôi nhân sư nhỏ hơn rất nhiều ngự bên cổng chính vườn Luxembourg ở Paris. Ở đâu tôi cũng gặp những câu hỏi, tuổi càng cao, câu hỏi càng nhiều hơn và một số trong đó đã mãi mãi thành nan vấn, nghĩa là có thể mãi mãi sẽ không có câu trả lời.
Những câu hỏi theo tôi suốt cuộc đời buộc tôi phải trả lời để đi tiếp cuộc hành trình lúc hào hứng, lúc tẻ nhạt. Nhưng tôi cũng có những câu hỏi của riêng tôi, vì thế mà cuộc sống của tôi thêm hào hứng và cũng thêm mệt mỏi. Đời là vậy, không mấy ai chịu ngồi yên khi còn những khúc mắc trong đầu chưa được giải thoát. Nhiều lúc tôi suy nghĩ: không phải cha ông nói câu nào cũng đúng. Như câu “ngu si hưởng thái bình”. Đó là một câu tục ngữ thậm tệ, nó xui người ta tự sát về mặt tinh thần, nhâm nhi cái dốt nát hoặc khiêm tốn giả vờ để lấy điểm, hiểu biết nhưng lại tự coi mình dốt nát mà lấy làm sung sướng vì được yên ổn, bàng quan với sự đời xung quanh. Chung quy cũng vì sợ cái thước đến mất hồn mất vía thì người đàn ông trưởng thành trong tôi lại sợ cái khác. Vì sợ mà người ta đã không muốn dấn thân.
Dấn thân là mạnh dạn đối mặt với những con Sphinx để bước qua một cái cổng, một bức tường, một chân trời. Nhớ lại câu thơ rất hay của thi sĩ Trần Dần: “Tôi thương những chân trời không có người bay”. Chân trời luôn có đó, luôn có những con Sphinx canh giữ, nhưng sao không có người bay? Vì người ta sợ cái giới hạn của bản thân, sợ sai lầm, sợ con nhân sư, sợ rơi bịch xuống đất, không có ngày quay lại cái tối thiểu là nơi mình đang yên ổn sống. Người ta muốn hưởng “thái bình” dù cái thái bình ấy như thế nào. Có thể đó chỉ là sự yên lành của cơm áo gạo tiền, ngày ba bữa no nê, cái yên ổn trong dốt nát và có thể trong tủi nhục, khoan khoái hưởng cái hôn với “đôi môi của người nô lệ” (ý thơ Phùng Quán).
Chừng mực nào đó, không ai là không muốn và không biết dấn thân. Nhưng sẽ ân hận suốt đời và có thể nào yên ổn nếu ta cho qua đi mọi thứ xảy ra quanh mình mà không đặt câu hỏi “tại sao?”. Mỗi câu hỏi dù vặt vãnh, nhỏ nhặt hay liên quan đại sự nhưng luôn có ý nghĩa dấn thân cũng như tình yêu cuộc sống.
- Tại sao, ngồi ngắm cảnh trong cái vườn hoa nhỏ, người ta lại ngang nhiên vứt mọi thứ xuống sông Sài Gòn, nơi các Chúa Nguyễn phải chiến đấu 45 năm mới qua được bờ bên kia, dòng máu đỏ trong lành lọc mọi độc hại của cuộc sống và cho ta những phút mơ mộng, thảnh thơi, coi sông như cái thùng rác? Làm như vậy, phải chăng người ta đang khạc nhổ vào sông Mẹ, tại sao?
- Tại sao người ta lại có thể ngồi lên ghế mà vẫn ngon lành ăn quà giữa chợ hay bên những đường phố đẹp và đông đúc, cũng như có nhiều kẻ thản nhiên ngồi xổm lên pháp luật mà vẫn nhởn nhơ?
- Tại sao nữ công nhân tan tầm chiều từ một xí nghiệp may thuộc khu công nghiệp lớn, những cô gái đáng lẽ ra rất xinh đẹp, yêu đời, lại gầy ốm, vật vờ, da mặt xanh mét trở về nhà trọ?
- Tại sao “ngói nâu, tường trắng, cửa gương”, chốn từng hấp dẫn “
những linh hồn bằng học” (Huy Cận) là thế, mà lại có tới 20.000 em học sinh bỏ học đi lang thang?
                        
Và những câu hỏi “tại sao” liên quan tới những chuyện đại sự: rừng đầu nguồn bị đốn chặt, tội ác vị thành niên, biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa… Hỏi chưa phải đồng nghĩa với trả lời và có thể chưa hoặc không được trả lời. Nhưng hỏi là quan tâm, là dấn thân, là biết trăn trở, không “hờ hững với đời như bọt bể” (Thi Hoàng). Khi còn muốn hỏi là người ta còn yêu, tuy đang yêu, không ai còn bình yên nữa. Không ai sợ rơi, “chân trời sẽ có người bay”.
Điều tệ hại nhất là khi người ta không còn muốn hỏi, muốn quan tâm. Đó thật sự là một nguy cơ, không chỉ cho đất nước mà cho mỗi người. Nó chẳng khác gì đàn chuột tưởng mình khôn ranh khi vui vẻ kéo nhau lên đỉnh cột buồm gặm thịt hộp và bánh mì lúc tàu đang gặp bão…

Cô bé quàng khăn đỏ

                                            
                  

Edgar Poe
Một khu rừng già ảm đạm, quấn trong một chiếc khăn voan bí ẩn nghiệt ngã. Phía trên khu rừng là những đám mây của những sự bay hơi chứa đầy điềm gở. Dường như ta nghe thấy những âm thanh định mệnh của xiềng xích. Cô bé Khăn đỏ sống ở bìa khu rừng đó, sống trong một nỗi sợ hãi huyền bí.

Ernest Hemingway
Người mẹ bước vào nhà, bà đặt một cái làn lên bàn. Trong làn là sữa, bánh mỳ trắng và trứng gà.
- Này, - người mẹ nói.
- Cái gì hả mẹ? Khăn đỏ hỏi mẹ.
- Những thứ này này, – người mẹ nói, – con đem đến cho bà.
-Cũng được – Khăn đỏ nói.
- Mà cẩn thận đấy, – người mẹ nói, – Sói.
- Vâng.
Người mẹ nhìn theo cô con gái mà tất cả mọi người đều gọi là Khăn đỏ, vì cô lúc nào cũng quàng khăn đỏ cả. Người mẹ nhìn Khăn đỏ bước ra, và khi nhìn theo cô con gái đang rời xa, mẹ nghĩ rằng để con gái đi một mình vào rừng là rất nguy hiểm; và bà lại nghĩ rằng Sói lại bắt đầu xuất hiện ở đó. Nghĩ đến đó, bà cảm thấy rằng bà bắt đầu lo lắng.

Guy de Maupassaant
Sói gặp Khăn đỏ. Chàng nhìn nàng bằng cái nhìn đặc biệt, cái nhìn của một gã Don Juan thành Paris nhìn một cô nàng điệu đà tỉnh lẻ vẫn còn cố làm ra vẻ mình còn ngây thơ trinh bạch. Nhưng chàng tin vào sự trinh bạch ấy không hơn gì nàng, và dường như đã thấy nàng bắt đầu cởi quần áo, thấy những lớp váy của nàng lần lượt rơi xuống và trên người nàng chỉ còn một chiếc váy lót, và dưới lớp váy ấy ẩn hiện những hình dáng ngọt ngào của thân thể nàng.


Lev Tolstoi
Một buổi sáng mùa hè yên ả. Thiên nhiên tràn đầy mọi hương thơm của mùa thu. Bầu trời xanh, xanh biếc ửng hồng trên phương đông bởi những tia nắng đầu tiên của mặt trời vừa thức dậy. Nam tước tiểu thư Khăn Đỏ cầm chiếc làn bánh rán và đi vào rừng. Nàng mặc một chiếc áo đầm màu trắng tuyệt đẹp, điểm xuyết vài giọt lệ trong sáng của ngọc trai. Trên mái đầu tuyệt đẹp của nam tước tiểu thư là một chiếc mũ rơm Ý rất mốt, đôi tay trắng muốt được bao bọc trong đôi găng duyên dáng may từ lụa ba tit. Chân nàng xỏ đôi hài cườm, sản phẩm vô cùng tinh xảo. Dường như cả con người của nàng sáng rực lên trong những tia nắng sớm, và nàng đang bay trên đường rừng như một con bướm trắng, để lại sau mình là một dải mùi nước hoa Pháp tuyệt hảo.
Bá tước Sói có thói quen dậy sớm. Không đánh thức người hầu, chàng tỉnh dậy, ăn mặc giản dị và hạ lệnh đóng ngựa. Và sau khi ăn sáng qua loa, chàng thúc ngựa vào rừng…
                            

Victor Hugo
Khăn đỏ run lên. Nàng chỉ có một mình. Nàng chỉ có một mình đơn độc, như cây kim trong sa mạc, như hạt cát giữa trời sao, như đấu sĩ giữa bầy rắn độc, như một người mộng du trong bếp lò…

Jack London
Nhưng chị là một người con gái xứng đáng của chủng tộc ấy, trong huyết quản của chị là dòng máu mạnh mẽ của những người da trắng chinh phục phương bắc. Vì vậy, chị không hề chớp mắt, mà xông đến Sói, tát cho Sói một cái tát trí mạng và ngay lập tức chị đệm thêm một cú đấm móc (upper-cut) cổ điển nữa. Sói hoảng hốt chạy.
Chị nhìn theo Sói và mỉm cười – một nụ cười dịu dàng và nữ tính tuyệt vời.


Honore de Balzac
Sói đến gần ngôi nhà nhỏ của bà và gõ vào cánh cửa. Cánh cửa này được một người thợ vô danh nào đó làm vào khoảng giữa thế kỷ 17. Người thợ đã làm nó từ gỗ sồi Canada rất mốt vào thời đó, tạo cho miếng gỗ một kiểu dáng cổ điển và treo nó lên những bản lề sắt. Có lẽ hồi xưa thì những bản lề này cũng tốt lắm đấy, nhưng bây giờ thì kêu cót két kinh khủng. Trên cánh cửa không hề có hoa văn nào cả, chỉ có ở góc phải phía dưới vẫn còn nhìn thấy một vết xước nhỏ. Theo truyền thuyết trong vùng thì đó là vết xước do cựa giày của Selesten de Shavard – tình nhân của Maria Antuanet và anh em họ hàng về phía ngoại của bà của ông của Khăn đỏ. Ngoài điều đó ra thì đó là một cánh cửa hết sức bình thường, và vì thế chúng ta sẽ không cần thiết phải xem xét cánh cửa ấy kỹ lưỡng hơn.
                                        

Erich Marria Remarque
- Hãy đến bên anh – Sói nói.
Khăn đỏ rót hai ly cô nhắc và đến ngồi trên giường của Sói. Họ ngửi hương thơm quen thuộc của rượu cô nhắc. Trong rượu cô nhắc có nỗi buồn và sự mệt mỏi - nỗi buồn và sự mệt mỏi của hoàng hôn sắp tàn. Cô nhắc như chính cuộc đời.
- Tất nhiên, – Khăn đỏ nói. – Chúng ta chẳng còn gì để hy vọng nữa. Em không có tương lai.
Sói im lặng. Anh hoàn toàn đồng ý với nàng.

Gabriel Garcia Marques
Nhiều năm sẽ trôi qua, và khi Sói đứng dựa vào bức tường chờ đợi phát súng bắn vào tim, anh sẽ nhớ lại buổi chiều xa xôi ấy, khi mà Bà ăn cái bánh ga tô với lượng thạch tín đủ để đầu độc một bầy chuột cống. Nhưng Bà vẫn tiếp tục hành hạ cây đàn dương cầm, và hát đến tận nửa đêm, như là không có chuyện gì xảy ra. Hai tuần sau thì Sói và Khăn đỏ tìm cách gây nổ trong căn lều của bà cụ không chịu đựng nổi này.

Họ nhìn ngọn lửa xanh bò theo dây dẫn đến khối thuốc nổ, căng thẳng đến thót tim. Cả hai bịt tai lại, nhưng thật là uổng công, vì không có tiếng nổ nào cả. Khi mà Khăn đỏ đủ can đảm đi vào trong lều, hy vọng thấy xác của Bà, thì nàng thấy trong lều vẫn ngập tràn sự sống: Bà mặc một chiếc áo rách và bộ tóc giả cháy dở chạy thoăn thoắt trong lều và dùng cái chăn để dập lửa.

Nhicolai Gogol
Trong những ngày u ám thì khu rừng của chúng ta thật là vô cùng rộng lớn và ảm đạm. Hiếm có cô bé đội mũ nào có thể đến được giữa rừng, ngoại trừ những chiếc mũ đỏ nhất. Nhưng giá mà có đến được thì Mũ đỏ sẽ gặp Sói ngay lập tức.
- Sói, sói! Anh chạy đi đâu trong khu rừng vô tận này? – Không có tiếng trả lời…

Dale Carnegie
Bất kỳ một cô bé nào, đặc biệt là ở nông thôn, đều quen biết những người thợ săn. Tuy nhiên nếu như cô bé lại đội trên đầu một cái mũ của chú hề thay cho chiếc mũ đỏ cẩn thận, cũng như nếu cô bé lại tặng những người xung quanh những cái tát và cười nhạo thay vì những chiếc bánh nướng ngon lành, thì chưa chắc gì đã có ai chạy đến giúp khi cô bé kêu. Vì thật ra thì bà cũng kêu khi chết trong hàm răng của con sói khát máu. Nhưng số phận của một bà lão già lại luôn luôn cau có chẳng làm bận tâm ai trong rừng.
Và tất nhiên không chỉ có những người đi săn – bất kỳ một Sói nào cũng có thể bị sức mạnh của sự quyến rũ khuất phục. Các bạn cứ thử nghĩ xem, tại sao Sói lại không kết liễu cô bé ngay lập tức, mà lại bắt đầu bằng bà? Không lẽ không phải là vì Sói muốn nghe giọng nói vui vẻ cua Khăn đỏ thêm một lần nữa? Giá như Khăn đỏ vẫn tiếp tục bình tĩnh, thì có khi Khăn đỏ chẳng cần sự giúp đỡ nào của các bác thợ săn. Nhưng Khăn đỏ đã sợ hãi kêu lên, và Sói hiểu rằng Khăn đỏ chỉ coi Sói như một con vật khát máu.
Bạn hãy cố gắng trước hết nhìn thấy những nét tốt đẹp của người đối thoại với bạn, và bạn sẽ có thể không quan tâm đến chế độ làm việc của những người thợ săn.

Sigmund Freud
Khăn Đỏ bị ám ảnh bởi việc phải đem bánh rán đến cho bà. Có lẽ, điều này là do ý muốn chuộc lỗi gây nên, để bù lại tổn thất đạo đức trước đây cô đã gây cho bà.
Rừng – một tập hợp những cây cao là một biểu tượng phallus thể hiện rất rõ ràng, và hoàn toàn tự nhiên trong những tưởng tượng của một cô gái trẻ. Không có Sói nào cả. Trong trường hợp này thì Sói không phải là gì khác hơn khía cạnh chưa biết của Khăn Đỏ, những tưởng tượng tình dục bị chèn ép của cô bé đang tràn ra ngoài.
Như vậy, cuộc đối thoại của Sói và Khăn Đỏ chỉ có trong trí tưởng tượng đang lên cơn sốt của Khăn Đỏ, và chính Khăn Đỏ là người đã nhạo báng bà dưới áp lực những mong muốn chính cô còn chưa biết rõ. Cuối cùng, sau cuộc đấu tranh nội tâm căng thẳng và dạng sơ khai của phân tâm học – hãy nhớ đến câu hỏi tại sao mũi bà to thế và v.v... thì Sói đã chiến thắng. Chỉ có sự can thiệp của các nhà phân tâm học đầy kinh nghiệm – hình ảnh của những người thợ săn – mới có thể đưa được bản chất của cô bé ra ánh sáng.

Sao cứ loanh quanh 6 nẻo luân hồi không ra được?



Nhà Phật dạy rằng nếu ta chưa giác ngộ thì ra cứ vướng mắc loanh quanh trong 6 nẻo luân hồi từ kiếp này sang kiếp kia, cứ như là chuột chạy trong ma trận, không ra được. Nhưng ta không cần phải nói chuyện ta không biết được, tức là chuyện nhiều kiếp nối nhau. Nói chuyện luân hồi kiếp này thôi cũng đủ vui rồi.
Nếu vợ chồng bạn thỉnh thoảng gây gổ dữ dội, một người thì phùng mang trợn má như quỷ sứ, một người thì trầm uất thất thần như ma trơi, cứ vậy cả tuần hay cả tháng. Sau đó lại cười vui. Hai tháng sau lại gây nữa. Đó không phải là liên tục luân hồi vào đường ngạ quỷ và atula sao?
Bạn hứa với người yêu bỏ hút thuốc, bỏ được một tuần, lại chạy trốn vào góc kẹt nào đó hút luôn một mạch hai gói liền cho đã thèm. Và đây là lần cố bỏ thuốc thứ năm rồi. Đó không phải là luân hồi làm ma đói sao?
Khoảng một tuần bạn lại phải xổ một chiêu mánh khóe để chắc chắn là ghế thủ trưởng sẽ rơi vào tay bạn thay vì anh chàng cùng phòng, đó không phải là luân hồi thành súc sinh dành ăn sao?
Trung bình khoảng ba ngày bạn điên tiết một lần vì nghe ai đó nói một câu không thoải mái lắm về bạn. Đó không phải là luân hồi thành khỉ điên sao?
Thực sự thì trong cuộc sống này, chúng ta cứ phải vướng mắc loanh quanh trong lập trình cung cách sống của ta, cho nên ta cứ lập tới lập lui một loại tác phong stupid ngay cả khi ta không muốn thế. Đó là chạy loanh quanh trong ma trận, loay hoay trong luân hồi, không ra được. Rất tội nghiệp.
Cách giải quyết thông thường nhất của chúng ta là cố gắng thay đổi tư duy và thái độ của người gây phiền cho ta: Giải thích hay cãi nhau để “ánh sáng” rọi vào cái đầu u tối của hắn, hay dọa cho hắn sợ và phải thay đổi thái độ, hay tranh đấu liên tục mỗi ngày một chút để thay đổi hắn từ từ… Các bạn, đây là công việc vô bổ nhất thế giới. Không ai có thể kiểm soát hay điều khiển tư duy của ai được cả. Ngay cả chính ta, ta không muốn buồn nhưng vẫn buồn, không muốn giận nhưng vẫn giận. Ta không thể điều khiển tư duy của ta được, làm sao ta có thể điều khiển tư duy của ai khác? Sao lại làm việc lấy kim vá trời như vậy?
Cho nên, các vị thầy số một của thế giới chẳng bao giờ dạy ta điều khiển tư duy của ai cả. Các vị chỉ dạy có một điều duy nhất là dạy ta điều khiển tư duy của ta.
Bỏ lối tư duy lập trình của mình đi. Dẹp bỏ con người đang có của mình đi. Đó là “vô ngã”, không tôi, không còn tôi nữa.
Người ta nói một câu chạm tự ái bạn và thường thì bạn nổi giận. Nhưng vì bạn “không tôi” nên bạn chẳng có “tôi” ngồi đó để bị chạm tự ái, cho nên bạn không giận và chỉ mỉm cười thân ái. Bạn bây giờ chỉ là một “người khác” ngồi đó nghe thôi mà.
Anh chàng kia tán tỉnh bạn gái của bạn, nhưng bạn “không tôi” nên chẳng có đó để mà ghen, bạn chỉ mỉm cười vui vẻ vì đã là “người khác” rồi.
Anh chàng này ngồi nói chuyện chính trị nghe rất chói lỗ nhĩ, muốn chỉnh cho vài câu. Nhưng vì bạn “không tôi” và chỉ là một “người khác” ngồi đó, cho nên bạn mỉm cười thông cảm với anh ta được.
Người ta tung hô bạn kinh quá, nhưng bạn “không tôi” nên chẳng có đó để mà kiêu căng, bạn chỉ là một “người khác” đang nghe người ta tung hô một “anh chàng khác” hơi quá nhiều thôi.
Các bạn, vô ngã, không tôi, là con đường giải thoát ta khỏi các ngã luân hồi. Các bạn có thể sống kiểu không tôi, nhất định không phản ứng theo kiểu mình đã bị lập trình xưa nay không?
Vì “không tôi” cho nên bạn có một tư duy và thái độ cảm thông, dịu dàng, và tích cực hơn là thái độ của “tôi” trước kia. Và vì con người thì hay “phản ứng”—anh đổi thái độ thì tôi có phản ứng và đổi thái độ theo anh—cho nên khi tư duy và thái độ của bạn thành cảm thông, dịu dàng, và tích cực hơn thì có khả năng lớn là người kia sẽ phản ứng với một tư duy và thái độ cảm thông, dịu dàng, và tích cực hơn. Thế là, rốt cuộc tư duy và thái độ của người kia đã được điều chỉnh, dù là bạn chẳng cố để điều chỉnh anh ấy một tí xíu nào.
Đó, trong chiến lược gọi là “bất chiến tự nhiên thành” (không đánh mà tự nhiên thành công). Và đạo học gọi là “chuyển hóa chính ta để chuyển hóa thế giới của ta”.