NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Sao cứ loanh quanh 6 nẻo luân hồi không ra được?



Nhà Phật dạy rằng nếu ta chưa giác ngộ thì ra cứ vướng mắc loanh quanh trong 6 nẻo luân hồi từ kiếp này sang kiếp kia, cứ như là chuột chạy trong ma trận, không ra được. Nhưng ta không cần phải nói chuyện ta không biết được, tức là chuyện nhiều kiếp nối nhau. Nói chuyện luân hồi kiếp này thôi cũng đủ vui rồi.
Nếu vợ chồng bạn thỉnh thoảng gây gổ dữ dội, một người thì phùng mang trợn má như quỷ sứ, một người thì trầm uất thất thần như ma trơi, cứ vậy cả tuần hay cả tháng. Sau đó lại cười vui. Hai tháng sau lại gây nữa. Đó không phải là liên tục luân hồi vào đường ngạ quỷ và atula sao?
Bạn hứa với người yêu bỏ hút thuốc, bỏ được một tuần, lại chạy trốn vào góc kẹt nào đó hút luôn một mạch hai gói liền cho đã thèm. Và đây là lần cố bỏ thuốc thứ năm rồi. Đó không phải là luân hồi làm ma đói sao?
Khoảng một tuần bạn lại phải xổ một chiêu mánh khóe để chắc chắn là ghế thủ trưởng sẽ rơi vào tay bạn thay vì anh chàng cùng phòng, đó không phải là luân hồi thành súc sinh dành ăn sao?
Trung bình khoảng ba ngày bạn điên tiết một lần vì nghe ai đó nói một câu không thoải mái lắm về bạn. Đó không phải là luân hồi thành khỉ điên sao?
Thực sự thì trong cuộc sống này, chúng ta cứ phải vướng mắc loanh quanh trong lập trình cung cách sống của ta, cho nên ta cứ lập tới lập lui một loại tác phong stupid ngay cả khi ta không muốn thế. Đó là chạy loanh quanh trong ma trận, loay hoay trong luân hồi, không ra được. Rất tội nghiệp.
Cách giải quyết thông thường nhất của chúng ta là cố gắng thay đổi tư duy và thái độ của người gây phiền cho ta: Giải thích hay cãi nhau để “ánh sáng” rọi vào cái đầu u tối của hắn, hay dọa cho hắn sợ và phải thay đổi thái độ, hay tranh đấu liên tục mỗi ngày một chút để thay đổi hắn từ từ… Các bạn, đây là công việc vô bổ nhất thế giới. Không ai có thể kiểm soát hay điều khiển tư duy của ai được cả. Ngay cả chính ta, ta không muốn buồn nhưng vẫn buồn, không muốn giận nhưng vẫn giận. Ta không thể điều khiển tư duy của ta được, làm sao ta có thể điều khiển tư duy của ai khác? Sao lại làm việc lấy kim vá trời như vậy?
Cho nên, các vị thầy số một của thế giới chẳng bao giờ dạy ta điều khiển tư duy của ai cả. Các vị chỉ dạy có một điều duy nhất là dạy ta điều khiển tư duy của ta.
Bỏ lối tư duy lập trình của mình đi. Dẹp bỏ con người đang có của mình đi. Đó là “vô ngã”, không tôi, không còn tôi nữa.
Người ta nói một câu chạm tự ái bạn và thường thì bạn nổi giận. Nhưng vì bạn “không tôi” nên bạn chẳng có “tôi” ngồi đó để bị chạm tự ái, cho nên bạn không giận và chỉ mỉm cười thân ái. Bạn bây giờ chỉ là một “người khác” ngồi đó nghe thôi mà.
Anh chàng kia tán tỉnh bạn gái của bạn, nhưng bạn “không tôi” nên chẳng có đó để mà ghen, bạn chỉ mỉm cười vui vẻ vì đã là “người khác” rồi.
Anh chàng này ngồi nói chuyện chính trị nghe rất chói lỗ nhĩ, muốn chỉnh cho vài câu. Nhưng vì bạn “không tôi” và chỉ là một “người khác” ngồi đó, cho nên bạn mỉm cười thông cảm với anh ta được.
Người ta tung hô bạn kinh quá, nhưng bạn “không tôi” nên chẳng có đó để mà kiêu căng, bạn chỉ là một “người khác” đang nghe người ta tung hô một “anh chàng khác” hơi quá nhiều thôi.
Các bạn, vô ngã, không tôi, là con đường giải thoát ta khỏi các ngã luân hồi. Các bạn có thể sống kiểu không tôi, nhất định không phản ứng theo kiểu mình đã bị lập trình xưa nay không?
Vì “không tôi” cho nên bạn có một tư duy và thái độ cảm thông, dịu dàng, và tích cực hơn là thái độ của “tôi” trước kia. Và vì con người thì hay “phản ứng”—anh đổi thái độ thì tôi có phản ứng và đổi thái độ theo anh—cho nên khi tư duy và thái độ của bạn thành cảm thông, dịu dàng, và tích cực hơn thì có khả năng lớn là người kia sẽ phản ứng với một tư duy và thái độ cảm thông, dịu dàng, và tích cực hơn. Thế là, rốt cuộc tư duy và thái độ của người kia đã được điều chỉnh, dù là bạn chẳng cố để điều chỉnh anh ấy một tí xíu nào.
Đó, trong chiến lược gọi là “bất chiến tự nhiên thành” (không đánh mà tự nhiên thành công). Và đạo học gọi là “chuyển hóa chính ta để chuyển hóa thế giới của ta”.

Không có nhận xét nào: