NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Định mệnh cho bạn trái chanh? Hãy biến thành ly nước chanh ngon

Định mệnh chỉ cho bạn một trái chanh? Bạn hãy pha thành một ly nước chanh ngon ngọt.


Tôi xin kể chuyện hai người đã hiểu và áp dụng phương pháp lấy trái chanh của mình pha thành hai ly nước chanh tuyệt ngon.

Câu chuyện thứ nhất

Đó là chuyện của bà Thehna Thompson ở New York. Trong thời kỳ chiến tranh, chồng bà được bổ nhiệm đến trại huấn luyện, kế bãi sa mạc Mojave thuộc New Mexico. Bà theo săn sóc chồng.

Thật là buồn nản. Ngay ngày đầu, bà đã ghét vùng này, vì chưa bao giờ bà phải ở một xó đất khổ cực đến thế. Chồng bà suốt ngày đi dự các cuộc tập trận trên bãi sa mạc, còn bà suốt ngày lủi thủi trong căn nhà gỗ lụp xụp. Trời thì nóng gần 50 độ.

Bà chẳng có ai ở gần đền nói chuyện cho khuây khoả, ngoài mấy người Mê Hi Cô và người da đỏ không biết lấy một câu tiếng Anh. Gió nóng thổi suốt từ sáng đến chiều, khiến cho đồ ăn và cả đến không khí đầy vị cát.

Bà không chịu nổi nữa. Bà than số phận chẳng ra gì và viết thơ cho cha mẹ sẽ quay về New York, không thể ở lại cái địa ngục này. Ông cụ thân sinh trả lời vỏn vẹn có hai câu, nhưng thấm thía đến nỗi bà không bao giờ quên được, và hai câu đó thay đổi hẳn đời sống của bà:

Trong một nhà tù, hai người cùng đứng vịn tay vào song sắt; một người chỉ trông thấy một bức tường trơ trụi, còn một người ngửa mặt lên trời, ngắm những vì sao.

Bà đọc những dòng này một lần, hai lần cho đến mười lần rồi tự nhiên thấy hổ thẹn. Bà quyết sẽ tìm cái vui trong tình cảnh của bà: bà quyết ngắm sao.

Bà làm thân với thổ dân và đã ngạc nhiên trước cách họ đối lại. Khi bà tỏ ra thích cái gì, món ăn hay vải dệt, họ lập tức mang biết bà những thứ tốt nhất mà chính họ đã từ chối không bán cho các du khách hỏi mua. Bà nghiên cứu những hình thức lạ lùng của cây xương rồng, cây ngọc giá hoa. bà dò xét những cử động, nhưng tính nết của lũ chó vô chủ, bà đứng hàng giờ ngắm mặt trời lặn, huy hoàng và rực rỡ ở bãi sa mạc, bà đi kiếm và tàng trữ những vỏ hến bị vùi sâu dưới cát hàng triệu năm trước, nhưng di tích cuối cùng của thời kỳ mà bãi sa mạc này còn là đáy biển.

Bãi sa mạc không thay đổi, những người da đỏ cũng vậy. Chính bà đã thay đổi, hay nói đúng hơn, tinh thần của bà đã thay đổi, tạo cho bà một thời kỳ thú vị nhất trong đời bà. Cái thế giới bà khám phá ra kích thích bà viết một cuốn sách tả nó.

Bà đã biết nhìn qua song sắt nhà tù và bà đã biết ngắm sao lóng lánh trên trời.

Câu chuyện thứ hai

Cách đây mấy năm, khi tới một vùng hẻo lánh miền Florida, tôi đã làm quen với một trại chủ. Ông ta cũng biết pha một ly nước ngon bằng trai chanh độc.

Khi lần đầu thấy khoảng đất mới đã mua được, ông hết sức thất vọng. Đất không màu, trồng cây không được mà nuôi heo cũng không được. Chẳng cây nào mọc được ở đó, ngoài một cây sồi quắt queo và chẳng vật nào sống ở đó được, trừ hàng đàn rắn độc.

Sau ông nghĩ ra một cách làm cho cái khu đất cằn cỗi, phản chủ ấy thành một xí nghiệp phồn thịnh: ông nuôn rắn làm thịt, đóng hộp bán.

Lần tới thăm ông, tôi nhận thấy mỗi năm có đến hai vạn du khách đến xem sở nuôi rắn của ông. Công cuộc buôn bán thật là phát đạt. Mỗi tuần, hàng ngàn lọ nọc rắn được gởi đi đến những phòng thí nghiệm chuyên môn chế thuốc viên từ nọc rắn độc; da rắn được mua với giá cắt cổ để đóng giày, làm ví bán cho các bà các cô sang trong ở tỉnh thành; còn thịt rắn đóng hộp thì được gởi từng tàu đến những thị trường ở khắp nơi.

Tôi có mua được một tấm hình chụp các nhà trong trại, cái làng nhỏ mới mọc, hãnh diện với cái tên "Serphentville, Florida" và gởi nó để biếu người đã biết cách pha một ly nước ngon bằng một trái chanh thật độc.


Chỉ có người chết mới không có vấn đề gì..


Một nhà doanh nghiệp ngồi trong góc phòng ăn, một mình uống rượu giải sầu. Một vị khách nhiệt tình đến trước mặt anh ta hỏi: “Chắc ông đang gặp phải vấn đề khó khăn? Ông cứ tự nhiên nói ra, để tôi có thể làm điều gì đó giúp ông”. Nhà doanh nghiệp nhìn ông ta, lạnh lùng đáp: “Vấn đề của tôi nhiều lắm, chẳng ai có thể giúp được tôi đâu”. 
Vị khách nhiệt tình đó liền rút ra tấm danh thiếp, muốn nhà doanh nghiệp ngày mai đến văn phòng gặp ông.
Ngày hôm sau, nhà doanh nghiệp đến theo lời hẹn gặp. Vị khách nọ nói: “Đi, tôi đưa ông đến một nơi này”. Nhà doanh nghiệp thực sự không hiểu ông ta định làm cái quái gì?
Vị khách đưa nhà doanh nghiệp đến một vùng ngoại ô vắng vẻ, hai người xuống xe. Vị khách đó chỉ tay về phía những ngôi mộ, nói với nhà doanh nghiệp: “Ông hãy nhìn xem, chỉ có những người nằm dưới mộ kia mới hoàn toàn không gặp vấn đề gì phải lo lắng”. Nhà doanh nghiệp lúc này mới bừng tỉnh.
Đừng sợ hãi vấn đề gì, chỉ có những người chết mới không có một vấn đề nào. Trên con đường thành công, chỉ cần có một vấn đề nào đó là sẽ có hy vọng thành công, chỉ cần đối mặt với vấn đề đó, giải quyết vấn đề đó mới có thể tiến lên phía trước.


Mưa lớn và mưa nhỏ



Ngày nọ tôi đang đi taxi thì nhìn thấy trên đường ba tai nạn xe cộ, lúc đó bên ngoài mưa đang rơi lất phất, tôi nói với người tài xế: "Mưa nhỏ như thế này mà cũng để xảy ra tai nạn, nếu mưa lớn dầm dề thì sẽ còn như thế nào nữa?".
Người tài xế cười cười, nói: "Vì mưa nhỏ nên mới dễ xảy ra tai nạn!".
"Chẳng lẽ mưa lớn lại đỡ hơn sao?"
"Ðúng thế, vì khi mưa nhỏ, người trên đường bất chấp mưa chạy lung tung, lại thêm bụi đất trên đường trộn lẫn với nước mưa nên rất trơn trượt không dễ thắng xe, vì vậy dễ xảy ra tai nạn. Còn khi mưa lớn, người đi bộ phần lớn đều nấp dưới mái hiên nhà, có đi trên phố thì cũng phải mang dù, không thể che đại một tờ báo ở trên đầu chạy lung tung. Lại thêm bụi đất ở trên đường bị nước mưa mạnh cuốn trôi, độ ma sát giữa mặt đường và bánh xe mạnh, tâm lý cảnh giác do mưa lớn càng cao tự nhiên không dễ xảy ra tai nạn giao thông".
"Ðúng lắm" - Tôi khâm phục nói: "Với cơ thể mà nói, mùa thu dễ bị cảm lạnh hơn mùa đông; với thời cuộc mà nói, mưa gió lất phất lại nguy hiểm hơn sóng bão cuồn cuộn, đại khái đều cùng một lý lẽ cả!"

TUẦN TRĂNG MẬT KHÔNG BAO GIỜ KẾT THÚC.


Tình yêu không phải là một mối quan hệ. Tình yêu mang tính cảm thông, nhưng nó không phải là một mối quan hệ. Một mối quan hệ là một cái gì đó đã kết thúc. Một mối quan hệ là một danh từ; dấu chấm hết đã xuất hiện, tuần trăng mật đã kết thúc. Lúc này không còn niềm vui, không còn sự hăng hái nhiệt tình, mọi việc đã kết thúc. Bạn có thể tham gia tuần trăng mật, chỉ để giữ lời hứa của mình. Bạn có thể tham gia tuần trăng mật vì nó thoải mái, dễ chịu, ấm cúng. Bạn có thể tham gia tuần trăng mật vì bạn chẳng còn việc gì khác để làm. Bạn có thể tham gia tuần trăng mật vì nếu bạn không tham gia thì bạn sẽ gặp nhiều rắc rối... Mối quan hệ là một cái gì đó đã kết thúc.
Tình yêu không bao giờ là mối quan hệ; tình yêu là sự cảm thông. Nó luôn là một dòng sông, tuôn chảy không có điểm dừng. Tình yêu không biết đến dấu chấm hết, tình yêu là một thứ tuần trăng mật không bao giờ kết thúc. Nó cũng giống một cuốn tiểu thuyết khởi đầu từ một điểm nào đó và kết thúc tại một điểm nào đó. Nó là một hiện tượng diễn ra không ngừng. Người yêu có thể kết thúc, nhưng tình yêu vẫn tiếp tục tồn tại, nó là một thể liên tục.
Tại sao chúng ta lại làm cho sự cảm thông đẹp đẽ này trở thành một mối quan hệ? Tại sao chúng ta lại vội vã thế? Vì sự cảm thông không an toàn, mối quan hệ thì an toàn. Mối quan hệ có sự an toàn; sự cảm thông chỉ là một cuộc gặp gỡ giữa hai người lạ mặt, có thể chỉ qua một đêm thì họ nói lời chia tay. Ai biết được điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai? Chúng ta lo sợ về điều đó nên chúng ta muốn làm cho điều này trở thành chắc chắn. Chúng ta muốn ngày mai phải  diễn ra theo đúng những gì dự kiến của mình; chúng ta không để sự tự do có cơ hội lên tiếng.
Bạn yêu một cô gái hoặc một chàng trai và bạn lập tức bắt đầu nghĩ đến việc kết hôn. Bạn muốn biến nó thành một mối quan hệ hợp pháp. Tại sao? Tại sao pháp luật phải xuất hiện giữa tình yêu? Pháp luật có thể xuất hiện bởi vì nơi đây không có tình yêu. Đây không phải là tình yêu, đây chỉ là một ý nghĩ kỳ quặc và bạn biết rằng nó có thể biến mất ngay ngày mai. Trước khi họ biến mất, bạn muốn làm một cái gì đó để nó không biến mất nên bạn biến nó thành một bản hợp đồng. Bạn hy vọng rằng bản hợp đồng này sẽ giúp bạn giữ lại cái được gọi là tình yêu này.
Trong một thế giới tốt hơn, với những con người sâu sắc hơn, với những con người thức tỉnh hơn, người ta sẽ yêu thương, yêu say đắm, nhưng tình yêu của họ vẫn luôn là sự cảm thông, chứ không phải là một mối quan hệ. Tình yêu của họ có thể sâu sắc hơn, lãng mạn hơn, thiêng liêng hơn, tồn tại lâu hơn cái được gọi là tình yêu của bạn. Nhưng nó không được bảo đảm bởi pháp luật, bởi phiên tòa, bởi cảnh sát. Sự đảm bảo bắt nguồn từ con tim mỗi người, đó là sự đồng cảm trong im lặng. Đó là sự đồng cảm giữa hai đôi mắt, giữa hai con tim, giữa hai linh hồn. Tình cảm này chỉ có thể hiểu, không thể nói.
Hãy quên đi mối quan hệ và hãy học cách cảm thông.
Một khi bạn sống trong mối quan hệ bạn bắt đầu giả định về nhau - điều này hủy diệt mọi tình cảm giữa hai người. Người phụ nữ nữ nghĩ rằng mình biết rõ người đàn ông, người đàn ông nghĩ rằng mình biết rõ người phụ nữ. Chẳng ai biết rõ ai cả! Bạn không thể hiểu rõ người khác, người khác luôn luôn là một điều bí ẩn. Việc giả định về người khác là sự lăng mạ, là sự thiếu tôn trọng.
Làm sao bạn có thể biết rõ về họ? Họ là một chuỗi thay đổi liên tục, họ không phải là vật chất. Người phụ nữ bạn biết vào hôm qua đã thay đổi, trở thành người phụ nữ khác vào hôm nay.
Người đàn ông bạn đã ngủ cùng tối hôm qua, sáng nay bạn hãy nhìn lại gương mặt anh ta. Anh ta không còn là người đàn ông của tối hôm qua nữa, anh ta đã thay đổi nhiều. Thay đổi rất nhiều. Đó là sự khác biệt giữa một con người và một món đồ vật. Đồ vật trong phòng vẫn không thay đổi, nhưng người đàn ông và người phụ nữ, họ không còn như trước nữa.
Mối quan hệ thì xấu xí, sự cảm thông thì đẹp đẽ.
Trong mối quan hệ cả hai người đều trở nên mù quáng về nhau. Bạn thử nghĩ xem, lần cuối cùng bạn nhìn thẳng vào mắt vợ mình là cách đây bao lâu? Có lẽ đã nhiều năm rồi. Bạn quan tâm đến người lạ nhiều hơn so với người mà bạn đã biết. Bạn biết tất cả về thể xác của họ, bạn biết cách phản ứng của họ, bạn biết tất cả những gì đã xảy ra. Mọi điều cũ kỹ đều lặp đi lặp lại.
Thực ra không phải thế. Không gì lặp lại cả; mọi thứ đều mới mẻ qua từng ngày. Chỉ có ánh mắt của bạn trở nên cũ kỹ, chỉ có kết luận của bạn, định kiến của bạn trở nên cũ kỹ.
OSHO

NỖI SỢ KHÔNG RỜI ..


 
Phần đông chúng ta khao khát có được một địa vị cao trong xã hội bởi vì chúng ta sợ phải là một kẻ vô danh tiểu tốt. Xã hội đã hun đúc những con người sống trong đó có thói quá tôn trọng người ở địa vị cao trong xã hội và nếu là kẻ vô danh tiểu tốt thì lại bị đá lên đá xuống! Cho nên, mọi người trên thế giới đều muốn có địa vị, ở ngoài xã hội, ở trong gia đình, hay là ở trong lòng bàn tay của Thượng Ðế, và cái địa vị đó phải được mọi người thừa nhận, nếu không thì sẽ chẳng còn có nghĩa gì nữa . Chúng ta phải luôn luôn được ngồi trên một cái bệ! Nhưng thầm kín trong đáy lòng, chúng ta luôn luôn bị xáo trộn với những nỗi phiền muộn, khổ tâm, vì thế, nếu ra ngoài xã hội mà được trọng vọng, đối với chúng ta đã là một khích lệ lớn lao rồi . Sự thèm khát địa vị, danh vọng, uy quyền, được xã hội suy tôn, về một khía cạnh nào đó, là cái khát vọng muốn chi phối người khác. Cái khát vọng muốn chi phối người khác này chính là một hình thức xâm lấn. Bậc thánh mà muốn được tôn sùng vì cái vị trí thánh của mình thì cũng chẳng khác gì con gà năng nổ kiếm ăn ở ngoài sân cỏ mà thôi . 

Vậy thì, lý do nào đã khiến cho người ta phải năng nổ, ham hố như vậy ? Phải chăng là vì sợ hãi ? 

Sợ hãi là một trong những vấn đề lớn nhất trong đời sống. Một tâm hồn đã bị ám ảnh vì sợ hãi luôn luôn sống trong nỗi bất an, mâu thuẫn, dễ bị khích động và gây hấn. Sự sợ hãi làm cho con người không dám thay đổi lối suy nghĩ, và sinh ra thói đạo đức giả. 

Chỉ cho tới khi nào chúng ta thoát ly ra khỏi nỗi sợ hãi, nếu không, dù chúng ta vượt qua được ngọn núi cao nhất, sáng tạo ra đủ loại Thần Thánh, chúng ta vẫn chỉ lầm lũi đi trong bóng tối mà thôi . 

( Trích "Freedom from the Known" ) 

J. Krishnamurti

"Phong độ đàn ông" ..



Khi gặp đàn bà, có rất nhiều thứ để khen: khen đẹp, khen xinh, khen trẻ, khen gầy đi, khen béo ra... Không thấy có gì khen được trong những thứ để khen kể trên thì có thể chuyển sang khen áo, khen túi... Khi gặp đàn ông, thường chỉ có một câu khen - phong độ: "Dạo này anh phong độ thế!".
Phong độ là gì? Phong độ như khí độ, có gì đó liên quan đến gió. Phong độ là trạng thái của thể xác, của tinh thần và của tâm hồn. Đàn ông phong độ thể xác phải khỏe. Yếu đến mức không thể cầm nổi tờ báo đọc hay không thể bật nổi nắp chai bia không thể gọi là phong độ. Đàn ông phong độ như cánh buồm căng gió, như lá cờ bay phần phật. Còn gì đẹp hơn con ngựa đang phi, con thuyền đang lướt và người đàn ông phong độ. Nhiều người hiểu phong độ chỉ ở nghĩa gắn với thể xác, gắn nó với tên của làng chuyên bán rắn nổi tiếng Lệ Mật. Nhiều người lầm tưởng phong độ gắn với rắn, ăn rắn cho phong độ Lệ Mật, để gi gỉ gì gi cái gì cũng rắn.
Đàn ông phong độ cần có tinh thần khoáng đạt. Không hiểu được điều này thì cho dù có thông minh lanh lợi đến mấy cũng không vượt qua giới hạn của sự khôn vặt và sẽ mất đi cái đàng hoàng phong độ của người đàn ông. Khoáng đạt là phong cách sống phóng khoáng đạt rộng rãi cả trong suy nghĩ và cả trong hành động. Đặc biệt trong cách chi tiền người đàn ông phong độ phải hào phóng. Tất nhiên muốn hào phóng phải có nhiều hào để phóng nhưng nếu đã phong độ lo gì không có hào.
Phong độ cũng là sự thể hiện vẻ đẹp về trang phục, tư thế, tác phong. Phong độ của một người không thể có ngay được một sớm một chiều và không thể cố tạo ra phong độ được. Đằng sau phong độ ẩn giấu cả trình độ, tài năng và học thức. Phong độ chính là diện mạo tinh thần - khí chất bên trong được biểu hiện qua lời nói, cử chỉ và thái độ.
Đàn ông phong độ là người chiến thắng trước cuộc đời. Phong độ là sức mạnh tinh thần toát ra từ bên trong để người ta cảm thấy sự vững vàng mà không cần phải nổ, không cần phải bắn pháo hoa, không cần diễu võ dương oai.
Phong độ như thước đo để đánh giá đàn ông. Phong độ là thể hiện được hết cái gì mình có, là đạt đến hết những gì có thể đạt được. Có thể lấy ví dụ về đàn ông phong độ như Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông bơi qua sông Dương Tử, như Tổng thống Mỹ Bill Clinton thổi kèn Saxophone, Tổng thống Nga Putin từ Trung tá KGB trở thành người đứng đầu nhà nước...
Nói đến đàn ông phong độ là nói đến những người đã trưởng thành. Không ai khen những người trẻ phong độ. Những người trẻ chưa đủ phong độ. 
Phong độ là sự tự tin trong quan hệ, đặc biệt là trong quan hệ với đàn bà. Đàn ông phong độ không nhìn đàn bà với cái nhìn van xin. Đàn ông phong độ nhìn đàn bà với cái nhìn bao dung độ lượng, như thể nhìn những người bạn tốt nhất của con người.
Tóm lại, người đàn ông phong độ là người đẹp trai mà không hợm hĩnh, giàu có mà không kiêu căng, mạnh mẽ mà không thô kệch, cứng rắn mà không vũ phu, si tình mà không yếu đuối, nồng nàn mà không ngu xuẩn, thu nhập cao mà không phải làm việc quá nhiều, mê du lịch và thích mua sắm đồ, yêu chiều con cái và trọng vợ, biết tôn trọng sở thích riêng tư của người khác, biết nấu nướng, massage, có năng lực điều khiển xe trên đường và vợ trên giường... Người đàn bà phong độ là người có người đàn ông phong độ như trên là người yêu, là người tình hoặc là chồng càng tốt.
Sách Luận ngữ viết: "Quân tử có ba chặng đời. Niên thiếu huyết khí chưa định, tránh "sắc". Tráng niên huyết khí sung mãn, tránh "đấu". Có tuổi huyết khí suy nhược, tránh "đắc". Nói đến phong độ là nói đến tuổi tráng niên huyết khí sung mãn. Tráng niên tránh "đấu", theo giải thích của Khổng Tử là "đấu khí", "đấu dũng", "đấu thắng", tóm lại là tránh cương cường hiếu thắng. Người tráng niên cần chú ý điều tiết khí độ, nên nhớ câu "tri túc thường lạc" (biết đủ thì thường xuyên vui vẻ). Đàn ông phong độ cần cảnh giác trước lòng tham muốn được thêm thứ mà mình đã được vì điều đó dẫn đến tiếp tục lao tâm, lao lực, rất hại cho... phong độ.