NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Ai đâu hay đàn bà cũng… khổ

Tôi không phải đàn bà, dĩ nhiên quá rồi và cũng không mượn son phấn nước hoa hay dao kéo để đội lốt người được coi là… hơn một nửa nhân loại. Họ là hơn một nửa không phải về định lượng mà là định tính hẳn hoi do cái phương vị của họ đổ bóng xuống gần một nửa còn lại trong nhân loại và trong cuộc đời. 
Đứng ở vị trí đàn ông thử nhìn sang phía kia và thấy được vài nỗi khổ chiến lược, vĩ mô của họ.
Là đàn bà thì tuổi cứ phải giấu kín mít như một bí mật thuộc an ninh quốc gia, kẻ nào lỡ làm rò rỉ kẻ ấy đáng bị tội. Còn tên thì, toàn là những cái tên tố cáo sự ẻo lả, yếu đuối dễ… ngã vào vòng tay người khác. Hoặc dễ bị “cưa” đổ, theo cách nói tại An Nam bây giờ. Một anh chàng người Mỹ sang đây làm gì không biết, nói trên TV rằng anh gặp “chi ay” (chị ấy) là người quá khó nhưng anh đã “nhan… nạ” (nhẫn nại) và cuối cùng thì “cưa” hoài cũng đổ.
 
Đàn bà qua tranh Bùi Xuân Phái - Ảnh: TL
Sau tên tuổi là… ăn. Cái khổ của đàn bà là ăn vặt, ăn từ khi còn là cô bé đi học và ăn cho đến lúc biết đi shopping, khi lên bà ngoại trẻ. Quà vặt đường phố ở Việt Nam quá ư phong phú đa dạng chính là để phục vụ nỗi khổ này của đàn bà. 
Sáng sớm khi đèn đường chưa tắt, ra đường tôi đã thấy những toán đàn bà đi như những chú gà tây lao về phía trước hoặc đang múa võ gì đó để giảm các chỉ số đo. Quá trình này thật gian khổ và lâu dài, thách thức lòng kiên trì ở liều cao, nhưng thật không hiểu nổi là cũng khi đường phố còn vắng tanh, những con người kiên trì này lại là sức hút cho hàng rong bu tới. Luẩn quẩn, dây dưa, lằng nhằng… là những nỗi khổ có tính cơ bản trong đời đàn bà.

Hơn nửa đàn bà còn một cái khổ là... hay quên. Đi đâu họ chẳng bao giờ không nhớ trang điểm cho ra người... khác mình, cái quên là dung nhan chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. 
Thơ tình, nhất là thơ thất tình dễ làm cho người ta nổi tiếng nhưng chính cái lối thơ thất tình này ở những nhà thơ nữ lại là một rào cản ngăn sông cấm chợ cho chính họ. Đàn ông làm thơ thất tình có khi lại được những nữ Bồ tát ghé thăm còn đàn bà làm thơ ấy có nghĩa là tự mình ra tuyên ngôn đời đã chẳng còn chi và…đàn ông đi hết. 
Thế vậy mà có không ít đàn bà lại tung ra vô số những vần thơ kiểu ấy. Hồi trước năm 1975 có một nhà thơ nữ xuất bản liên tục tập thơ chung một nhan đề “Em là gái trời bắt xấu” tập 1, 2, 3… không rõ đường tình ái của chị ấy sau ra sao, tôi không có “hồi sau” nên không rõ.
Có khá nhiều đàn bà mang nỗi khổ gặp phải đàn ông…văn nghệ, những con người ngơ ngơ ngáo ngáo, trải nghiệm nhiều nhưng thiếu lịch lãm mà thành quê mùa, mộng tràn ra thực gây lũ lụt cho chính mình. Cái đám đàn ông này có khi còn nuôi ý tưởng phạm tội hình sự… sát nhân. “Làm sao giết được người trong mộng/Để trả thù duyên kiếp phũ phàng” (thơ Hàn Mặc Tử). Ghê quá! Đám đàn ông này còn dựng nên câu “Cái nết đánh chết cái đẹp” gây ra nỗi lo sợ thường trực bị “đánh tử vong” cho những người mà nói cho cùng thì ai cũng đẹp cả.
Đẹp mà bị đánh chết, tội quá chừng!
Sang thời công nghệ thông tin nổ cái bùng, đàn bà gánh thêm một nỗi khổ trước kia cũng có nhưng có một cách thủ công nhỏ lẻ. Còn bây giờ nhiều người suốt ngày phải lặn lội cày sâu cuốc bẫm trên mạng làm cái việc gọi là "tám" nôm na là hóng chuyện, đưa chuyện để giết thì giờ (sát nhân) và không ít người bị lừa đảo.

 

Đàn bà luôn không nhận ra... dung nhan chỉ là phần nổi của tảng băng chìm 
- Ảnh: TL (minh họa)

Hơn nửa đàn bà còn một cái khổ là... hay quên. Đi đâu họ chẳng bao giờ không nhớ trang điểm cho ra người... khác mình, cái quên là dung nhan chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, tảng băng chìm là nội tâm, phải như vậy không? Đàn ông trả lời được câu hỏi này trong khi nhiều đàn bà lại không thể, thậm chí không muốn nhớ. Nhân loại khổ lây vì cái hay quên này của đàn bà.
Nhiều nỗi khổ vây quanh, nhưng khổ nhất cho đàn bà và cho cả các thi nhân là “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” (Người đẹp từ xưa như tướng giỏi/Chẳng hẹn chờ ai thấy bạc đầu), đàn bà đẹp sẽ chết yểu thì ai dám đẹp (?!). Nhưng lo là lo còn đẹp cứ đẹp và còn ra sức phấn đấu làm cho đẹp thêm, là thực hiện phương châm “sống chung với lũ” của người dân Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có những phụ nữ lấy phù sa nắng gió và đức chân thật làm mỹ phẩm nuôi nhan sắc rắn rỏi mặn mà của mình.
Bài: Cao Thoại Châu 

Đàn ông mấy ai “cai trị” được đàn bà?

Đàn bà qua tranh Bùi Xuân Phái

Đàn bà qua tranh Bùi Xuân Phái 

Hoàng đế Napoleon chinh chiến trên lưng ngựa, làm bá chủ hầu hết lục địa châu Âu và một phần châu Á đã phải xót xa: “Ra đời trăm trận trăm thắng, về nhà không thắng nổi người đàn bà”. 

Sự thật cay đắng của hoàng đế còn là bài học cho thế giới đàn ông. Vì sao không thắng nổi người đàn bà? Vì sao đàn bà luôn được coi là phái yếu lại sở hữu sức mạnh bí ẩn và kỳ lạ có thể lật đổ “ngai vàng quyền lực” đàn ông như thế? 
Nghĩ về thế giới đàn bà, trong tôi luôn luôn có hai con người. Khi con người thứ nhất lên tiếng, tôi cảm nhận được sự bí ẩn kỳ vĩ của thế giới phụ nữ. Nói về sức mạnh đàn bà, đại văn hào nước Pháp nửa đầu thế kỷ 19 Honore De Balzac, bậc thầy của tiểu thuyết hiện thực nói rằng: “Ai có thể “cai trị” được một người đàn bà thì người ấy có thể cai trị được một quốc gia”. Nhưng đàn ông mấy ai “cai trị” được đàn bà? Có khi còn ra nông nỗi ngược lại.
Người ta đã bàn nhiều đến nhà Chu bị mất bởi mỹ nữ Bao Tự, nước Ngô bị xóa sổ bởi Tây Thi “chim sa cá lặn”, nước Đại Việt có thêm châu Ô châu Rí nhờ Huyền Trân Công chúa… Sắc đẹp đàn bà bao phen làm “khuynh quốc nghiêng thành”, tan nát cơ đồ, nhưng xét ra thì phụ nữ cũng chỉ là nạn nhân tội nghiệp nằm trong trận đồ kế mỹ nhân của đàn ông chinh phạt… đàn ông. 
Còn bàn đến những người đàn bà thay đổi thế giới thực sự hoàn toàn bằng giá trị đàn bà, trước hết phải kể đến Nữ hoàng Cleopatra. Cha mất, nàng loại người em trai ra khỏi vũ đài chính trị và đoạt luôn quyền cai trị Ai Cập độc lập với tư cách là một nữ hoàng. Julius Caesar - thống soái tối cao của La Mã cũng phải dịu dàng như con mèo ngoan nằm trong vòng tay nàng. Marcus Antonius - thống chế La Mã lừng danh cũng không thoát khỏi vòng ngực ấm nóng, sự thông thái của nàng và cùng nàng cai quản đất nước Ai Cập cổ đại mênh mông. Không thể nói hai người đàn ông xuất sắc nhất lịch sử thế giới La Mã cổ đại “chết ngợp" bởi vẻ đẹp nóng bỏng của Cleopatra mà không đề cập sức mạnh từ trái tim yêu thương và vẻ lịch lãm quyến rũ của nàng. 
Ở Phương Đông huyền bí, Võ Tắc Thiên – nữ hoàng đế duy nhất của Trung Hoa phong kiến cũng tung hoành “lấp biển vá trời”. Con đường làm thay đổi thế giới trung đại thời nhà Đường của Võ Tắc Thiên chuyển biến từ vị trí tài nhân nhỏ bé đến hoàng hậu, hoàng thái hậu, và đỉnh cao quyền lực là hoàng đế. Võ Tắc Thiên đẹp, cái đẹp ấy cùng lắm chỉ là “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng”. 
Sắc đẹp làm nên giá trị người đàn bà với ý nghĩa mỹ học chỉ có thể dành cho chim ngắm, thụ hưởng hoặc cùng lắm trở thành quyền lực sai khiến vua chồng, vua cha. Võ Tắc Thiên không chỉ điều khiển vua chồng vua con mà còn chiếm luôn quyền để làm hoàng đế. Các nhà sử học đã phải công nhận bà có tài trị nước, óc quyết đoán, triều chính vì thế không rối loạn, nhân dân yên ổn làm ăn, còn những lộn xộn xung đột trong triều chỉ là việc riêng của họ Lý. Sự việc bà chiếm ngôi hoàng đế chứng tỏ người phụ nữ này đã vượt qua giới hạn lễ giáo phong kiến và tiến tới chế độ bình đẳng giới tiến bộ. 
Cả một hệ thống quan lại học hành đỗ đạt thân dài vai rộng, trí lự đàn ông mà phải chịu dưới quyền nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên trong nhiều năm thì rõ ràng người đàn bà quyền lực ấy cũng đáng để đám mày râu cung phụng.
Lịch sử đã không bỏ sót loại đàn ông ươn hèn Trần Kiện, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống cầu an hàng giặc. Trước đó hơn một thiên niên kỉ, đàn ông cũng đã dưới trướng Bà Trưng, sau đấy là Bà Triệu đánh giặc phương Bắc. Sử thần Lê Văn Hưu nghị luận: “Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi ! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy”.
"Đàn bà chúng tôi chỉ cần làm cái chuyện bé tí là... tìm cách đẻ ra nhiều người đàn ông vĩ đại nhất" - (minh họa tranh Bùi Xuân Phái)
 

Người ta mặc định đàn bà là phái yếu thực ra là lối ví von mang ý nghĩa sức lực thể xác, đậm màu sắc thương hại. Còn xét sức mạnh tình cảm tinh thần, đàn bà sở hữu một trong những món vũ khí lợi hại, đó chính là nước mắt. Nước mắt bào mòn tính lạnh lùng, gặm nhấm tính hung hãn hận thù, dập tắt ngọn núi lửa nóng giận trong lòng đàn ông. Không thiếu đàn ông liêu xiêu thân bai danh liệt bởi “vua nghe hoàng hậu mất nước, quan theo vợ mất chức”. Vì thế, đàn bà thay đổi thế giới trước hết là thay đổi đàn ông.
Tuy nhiên, đôi lúc tôi nghi ngờ đàn bà có thực sự bị thua thiệt, lép vế trước đàn ông? Đàn bà vừa làm cho đàn ông sung sướng, si mê, run rẩy, xao xuyến, tươi xanh..., vừa làm cho đàn ông mệt mỏi, phấp phỏng, đau khổ, chán nản cuộc sống...Đàn bà vừa hiền thục, dịu dàng khi làm mẹ, làm chị, người yêu, làm vợ, em gái, cháu gái nhân hậu, ấm áp... lại vừa đáo để, nanh nọc... khi làm bà chủ, làm sếp... sai khiến, bó buộc, tước đoạt bầu trời tự do của đàn ông, đẩy đàn ông ra xa. Một người đàn bà thành đạt trong công việc, lịch sự ở phòng khách, đảm đang trong nhà bếp, quyến rũ trên giường ngủ thì đố gã đàn ông nào chạy nổi. Đàn bà thông minh gợi cảm quyến rũ, chinh phục, làm điêu đứng, thay đổi cả thế giới đàn ông cũng chẳng có gì lạ!
Đằng sau sự thành công hay thất bại của người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng người phụ nữ. Khuynh đảo thế giới là đàn bà, và đàn bà càng đẹp càng làm đàn ông điên đảo, đổi thay. Triết gia, tiểu thuyết gia Jean Paul Sartre đoạt Giải thưởng Nobel danh giá đã nói rằng: “Đối với đàn ông, trên đời có ba thứ nguy hiểm nhất: Rượu ngon làm ta mất trí. Tiền nhiều thì làm ta bất chính. Đàn bà đẹp thì làm ta đau khổ nhiều nhất. Vì: Rượu ngon khiến ta thích uống. 
Tiền nhiều thường làm mờ át lương tri. Đàn bà đẹp thường hay phản bội. Do đó tốt nhất là nên mất cả ba”. Mất rượu ngon thì vẫn còn nguồn vui nhấm nháp khác như cà-phê đắng chẳng hạn; mất cái sự tiền nhiều dù có xót xa vẫn còn cái sự tiền ít và vật chất ít để sống tốt thanh bạch; mất đàn bà đẹp chẳng lẽ tìm đàn bà xấu để sống, để yêu? Hay là sống cô đơn? Có ai sống mà không cần đàn bà!
Đứng trước phụ nữ, tôi luôn thuyết phục các nàng rằng chính đàn ông mới là những người khổng lồ và làm ra lịch sử loài người. Ấy vậy mà có nàng lại phẩy tay bảo: "Những chuyện kì vĩ mất thời gian, hao mòn trí lực như đoạt giải Nobel, chế tạo phi thuyền bay lên mặt trăng hay làm bá chủ thế giới, chúng tôi dành cho đàn ông các anh làm. Đàn bà chúng tôi chỉ cần làm cái chuyện bé tí là... tìm cách đẻ ra nhiều người đàn ông vĩ đại nhất". Nghe vậy, tôi chỉ còn biết khép mình, im lặng.