NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

VỀ SỰ THANH NHÃ.-.Paulo Coelho







Đôi khi, tôi thấy mình đang ngồi hay đứng với đôi vai còng xuống. Bất cứ khi nào điều đó xảy ra, tôi chắc rằng phải có một cái gì không ổn. Ngay khoảnh khắc ấy, thậm chí trước khi cố gắng tìm cho ra lý do tại sao tôi cảm thấy không thoải mái, tôi thử thay đổi tư thái của tôi, để làm cho nó thanh nhã hơn. Khi tôi kéo người tôi thẳng thóm trở lại, tôi nhận ra rằng cử chỉ đơn giản này giúp tôi cảm thấy tự tin hơn trong công việc tôi đang làm.
Vẻ thanh nhã thường bị nhầm lẫn với dáng điệu bên ngoài và thời trang. Đó là một sự sai lầm nghiêm trọng. Con người cần thanh nhã trong mọi hành động và tư thái của mình, bởi vì chữ thanh nhã đồng nghĩa với thẩm mỹ, vẻ duyên dáng, sự quân bình và hài hoà.
Trước khi tiến hành những bước quan trọng nhất trong cuộc sống, chúng ta phải điềm tĩnh và thanh nhã. Tất nhiên chúng ta không để bị ám ảnh, lo lắng mọi lúc về việc chúng ta nên cử động đôi tay thế nào, ngồi thế nào, cười thế nào, nhìn chung quanh thế nào; nhưng cần biết rằng cơ thể chúng ta cũng nói một thứ ngôn ngữ của nó, và người khác — ngay cả khi chỉ vô tình — cũng hiểu được chúng ta đang nói điều gì đàng sau những ngôn từ của chúng ta.
Sự điềm tĩnh đến từ trái tim. Mặc dù thường bị day dứt bởi những ý nghĩ bất an, trái tim biết rằng, nhờ tư thái đúng đắn của cơ thể, nó có thể lấy lại sự quân bình của nó. Sự thanh nhã của cơ thể mà tôi đang nói đến thì xuất phát từ bên trong cơ thể chứ không từ bề mặt hời hợt bên ngoài; với sự thanh nhã đó, chúng ta vinh danh cái cung cách chúng ta đặt hai bàn chân trên mặt đất. Đó là lý do tại sao, bất cứ khi nào bạn cảm thấy không thoải mái trong tư thái đúng đắn, bạn đừng nên nghĩ rằng nó sai hoặc giả tạo. Thật vậy, sự thanh nhã không phải dễ dàng đạt được. Những bước chân thanh nhã làm cho con đường cảm thấy vinh dự bởi phẩm cách của kẻ hành hương.
Và cũng xin đừng lầm lẫn sự thanh nhã với vẻ ngạo mạn hoặc rởm đời. Thanh nhã là tư thái đúng đắn để làm cho mọi cử chỉ của chúng ta trở nên hoàn hảo, để làm cho những bước chân chúng ta trở nên vững chãi, và để bày tỏ sự tôn trọng thích đáng đến những người đồng hành nam nữ của chúng ta.
Con người đạt đến sự thanh nhã khi đã loại bỏ tất cả những điều giả tạo và phát hiện ra sự đơn giản và cô đọng. Tư thái càng đơn giản và điềm đạm bao nhiêu thì càng đẹp bấy nhiêu.
Tuyết đẹp vì nó chỉ có một màu; biển đẹp vì dường như nó có một bề mặt phẳng lặng. Nhưng cả biển và tuyết đều sâu lắng, và chúng biết được phẩm giá của chúng.
Hãy bước đi hân hoan với bàn chân vững chãi, không sợ vấp ngã. Mỗi bước chân của bạn đều được hoà nhịp bởi những người đồng hành, những người sẽ giúp bạn khi cần. Nhưng đừng quên rằng đối phương của bạn cũng đang nhìn bạn nữa, và anh ta biết được sự khác biệt giữa một bàn tay vững chãi và một bàn tay run rẩy. Do đó, nếu bạn cảm thấy căng thẳng, hãy hít thở sâu và tin tưởng rằng bạn cảm thấy bình tĩnh, và nhờ một trong những phép lạ không thể giải thích được ấy, tâm hồn bạn sẽ tràn trề sự thanh thản.
Khi bạn quyết định một việc gì, và chuyển nó thành hành động, hãy cố gắng xem lại trong óc từng giai đoạn đưa bạn đến bước đi đó, nhưng đừng suy nghĩ với sự căng thẳng, bởi vì bạn không thể nắm được tất cả những nguyên tắc trong đầu của bạn. Với tinh thần thoải mái, trong khi bạn kiểm lại từng bước, bạn sẽ thấy rõ những giây phút nào là khó khăn nhất, và làm thế nào để khắc phục chúng. Điều này sẽ được phản ảnh qua cơ thể bạn, vì vậy hãy lưu ý!
Cũng tương tự như thuật bắn cung, nhiều nhà bắn cung than phiền rằng, mặc dù thực tập nhiều năm, họ vẫn cảm thấy trái tim của họ hồi hộp, đôi tay của họ run rẩy, mục tiêu của họ dao động. Thuật bắn cung làm cho những sơ suất của chúng ta trở nên hiển nhiên hơn.
Vào những ngày bạn cảm thấy mất đi niềm yêu đời, mục tiêu của bạn sẽ trở nên nhá nhem, nhập nhằng. Bạn sẽ nhận thấy rằng bạn không đủ sức để kéo cái cung, bạn không thể làm cho cái cung cong đúng mức. Và rồi, vào buổi sáng đó, khi bạn thấy rằng bạn không nhắm trúng mục tiêu của bạn, hãy cố gắng khám phá cái nguyên nhân của sự thiếu chính xác ấy. Điều này sẽ buộc bạn đối đầu với cái vấn đề đang gây phiền hà cho bạn, vốn đã ẩn khuất cho đến lúc bấy giờ.
Bạn đã khám phá ra vấn đề ấy là do cơ thể của bạn cảm thấy già nua hơn và ít thanh nhã hơn. Hãy thay đổi tư thái của bạn, hãy để cho tâm trí thanh thản, hãy thư giãn cột sống, hãy đối diện với thế giới với lồng ngực mở. Khi bạn nghĩ đến cơ thể của bạn, bạn cũng đang nghĩ đến tâm hồn của bạn, và điều này hỗ trợ cho điều kia.

PAULO COELHO
(1947~)
 
Paulo Coelho, nhà văn Ba-tây, sinh năm 1947 tại Rio de Janeiro. Trước khi trao trọn vẹn cuộc sống cho văn chương, ông đã làm việc như một nhà đạo diễn kịch nghệ kiêm diễn viên, một người viết ca từ và một phóng viên báo chí. Coelho đã viết ca từ cho nhiều nhạc sĩ lừng danh ở Ba-tây, như Elis Regina và Rita Lee. Tuy nhiên những tác phẩm nổi tiếng nhất lại là những ca khúc ông viết chung với Raul Seixas. Trong số hơn 60 bài cùng sáng tác, những bài nổi bật nhất của họ là Eu nasci há dez mil anos atrás [Tôi sinh ra cách đây mười ngàn năm], Gita và Al Capone.
 
Ông bắt đầu yêu thích những tra vấn tâm linh từ những năm ông còn là một lãng tử hippie và liên tục du hành qua nhiều nước trên thế giới để tìm hiểu về các tôn giáo Đông phương cũng như những hiện tượng và lễ nghi huyền bí. Kinh nghiệm này đã để lại dấu ấn sâu sắc trong các tác phẩm văn chương của ông.
 
Đến nay, Paulo Coelho đã xuất bản gần hai chục cuốn sách, nổi tiếng nhất là cuốn O Alquimista [Nhà giả kim] với số bán hơn 47 triệu bản và được dịch ra 56 ngôn ngữ. Tính chung số bán của tất cả các tác phẩm của ông là hơn 100 triệu bản, và điều này chứng tỏ tầm ảnh hưởng của ông đến độc giả trên toàn cầu.

NẮM TAY & LÀM TÌNH


Có một người bạn tôi thổ lộ, cô ấy yêu anh bạn trai suốt một năm, mà mới chỉ nắm tay, còn chưa hề hôn. Tôi hỏi cô bạn, thế giờ là năm nào, cô ấy trả lời là năm 2004. Cô ấy không còn trinh, cô ấy từng có bạn trai, nhưng cô ấy chấp nhận chỉ nắm tay người yêu mới suốt một năm, mà vẫn chưa vội hôn.

Từng có người bạn viết một bài, nói con trai thường nắm tay cô ấy lúc đi qua đường, lúc đi dạ hội, lúc đi xem phim ma ở rạp, và bảo cô, nắm tay hay không nắm tay rất quan trọng.

Tôi nhớ về khi còn yêu, những phút làm tôi cảm động nhất, đều có liên quan đến cái nắm tay.

Lần đầu tiên tôi nắm tay bạn trai trong mối tình đầu, tôi xấu hổ đến mức độ cứ cúi gằm xuống, hồi hộp lo lắng nên ra cả mồ hôi tay, dường như lúc đó là tuyên bố: “Chúng ta sẽ cùng bên nhau!”, và trái tim tôi đập vội vàng cuống quýt đến gần tắt cả thở.

Hình Đăng


Tôi rất thích người bạn trai lúc đó, khi đi đường, bước chân anh ấy rộng hơn vượt lên tôi, thì tay vẫn nhớ đưa về sau, lòng bàn tay hướng lên trên, ngầm nói với tôi rằng em ơi, đưa tay đây cho anh. Cái cảm giác đó êm ái lắm.

Tôi cũng thích lúc đi ăn cùng bạn bè, người yêu tôi lén nắm tay tôi dưới gầm bàn, và cả hai thậm chí không nhìn vào mắt nhau, mà qua hơi ấm lòng bàn tay anh ấy làm tôi hiểu rằng anh đang ở bên tôi.

Khi đi xe máy, anh ấy buông tay trái ra nắm lấy tay trái tôi, lúc lái ô tô, anh sẽ buông tay phải ra nắm lấy tay phải tôi. Tôi thích bàn tay rộng lớn của một người con trai, ngón tay dài, lòng bàn tay chắc chắn, để tôi cảm nhận được sức mạnh của anh, và yên tâm dựa vào trong vòng tay anh.

Mỗi lần mùa đông, tay người bạn trai là lò sưởi của riêng tôi, cho dù trời lạnh thế nào, cho dù là mười độ dưới không, tôi đều có hơi ấm của anh. Mà hơi nóng của lòng tay người con trai bạn yêu thường vừa đủ ấm, cho dù người con trai khác cũng có thân nhiệt như thế, thì bạn cũng chỉ quen với hơi ấm của người yêu thôi.

Khi chúng ta lớn lên, làm người trưởng thành, nhịp điệu của tình yêu trở nên vội vã hơn, và một cái nắm tay đã trở nên không còn nhiều ý nghĩa nữa, bạn có thể thấy một cái nắm tay sao dễ dàng, hoặc nó chả còn biểu lộ cái gì nữa. Khi chúng ta ở cạnh nam giới, có thể tất cả không còn bắt đầu bằng cầm tay nữa. Mà có thể tình yêu sẽ bắt đầu từ một cái hôn, hoặc là ta có thể làm tình với một người con trai, rồi mới yêu anh ta.

Hoặc thậm chí, cái gì cũng đã “trao” rồi, nhưng vẫn không hề yêu anh ta một chút nào.

Tôi cũng nghĩ đến rất nhiều người đàn ông, họ có thể đồng ý hôn một cô gái, làm tình với cô ta, nồng nhiệt như những tình nhân hạnh phúc nhất, thế nhưng chưa chắc anh ta đã chịu công khai nắm tay bạn trước đám đông.

Chúng ta đã bắt đầu quen với những quan hệ tình cảm phức tạp, quen dần cả những quan hệ quá sâu về xác thịt, nhưng chúng ta lại bỏ qua một cái nắm tay giản đơn. Hoặc có thể ta không bỏ qua, ta chỉ không coi nó là một cái gì quan trọng và cần thiết.

Tôi nghĩ, nắm tay hẳn rất đơn giản, nhưng nó chính là một thứ quan hệ xác thịt khó thực hiện nhất.

Chúng ta có thể dễ dãi nắm tay bất kỳ người nào, nhưng chúng ta không dễ dãi làm tình với bất kỳ ai.

Ngược lại, chúng ta có thể rất dễ làm tình với một người nào đó, nhưng chúng ta lại rất khó nắm tay một cách giản dị và thiết tha với họ.

Tôi nhớ lại những người con trai đã yêu tôi, họ rất ít nắm tay tôi, và khi đi đường, đại đa số là tôi chủ động nắm lấy tay họ.

Họ vì là người chững chạc, trưởng thành, nên không còn bột phát và chủ động, tôi đã không bao giờ nói với họ rằng, tôi mong biết bao người yêu đưa tay dắt tôi trước, chủ động nói anh yêu em, chủ động nói anh trân trọng em biết bao, anh cần em biết bao. Mặc dù tôi là một cô gái rất tự tin năng động, nhưng tôi rất cần bạn trai chủ động, anh hãy cho tôi sức mạnh để tôi yêu anh đi.

Không lẽ nắm tay, nói yêu tôi lại khó khăn thế? Phụ nữ dù đã chững tuổi, hay còn thơ ngây, cái phụ nữ cần rất giản đơn.

Có nhiều khi trên đường về, những cái nắm tay của những đôi vợ chồng già đã làm tôi cảm động. Có bao nhiêu người trên thế giới già rồi, đi không nổi nữa, nhưng vẫn được một bàn tay nắm dìu đi chầm chậm? Trong cả cuộc đời này, đến khi bạn già, xấu xí, bệnh tật đầy, bước đi thập thễnh, anh ấy sẽ còn ở bên bạn nắm tay bạn chăng? Cho nên mỗi khi nhìn thấy những đôi vợ chồng già tôi thường mỉm cười, nhưng không ngăn được nước mắt thấm ướt mi.

Có người nói với tôi, làm tình xa cách hơn nắm tay. Tôi không hiểu, tôi nghĩ làm tình thì phải gần gũi hơn nắm tay chứ. Không phải chúng ta vẫn phân loại tình cảm theo thứ tự này: Nắm tay – ôm – hôn – âu yếm vuốt ve – làm tình. Rõ ràng làm tình chứng tỏ tình yêu sâu sắc hơn nắm tay chứ?

Không đâu.

Thật sự là không đâu.

Có những người làm tình trước, nắm tay sau. Cũng có người hôn trước, rồi mới cầm tay. Nếu sau đó chúng ta yêu nhau, thì thứ tự trên chẳng còn gì là quan trọng nữa. Nhưng bạn có phát hiện ra rằng, rất nhiều người họ muốn bí mật làm tình cùng bạn, nhưng lại không đồng ý nắm tay bạn giữa đám đông?

Mà những gì còn lại ngọt ngào trong trái tim người con gái, không hẳn là lúc làm tình, mà thường là lúc bạn trai nắm tay thật chặt, thật sát, khi dọc đường, khi trên xe, hoặc cái nắm tay ngay cả lúc đã ở trên giường. Như thể qua lòng tay ấm truyền cho mình cảm giác, anh ấy yêu chân thành.

Nếu một cái nắm tay có thể làm mình cảm động, nếu tình yêu có thể đơn giản như thế, thì có thể, cái nắm tay còn quan trọng hơn chuyện lên giường.

Vĩnh Cửu...


 
Không ai có thể đoán được tuổi tác của cặp tình nhân đang đứng ở đầu trái ghế đá. Họ có đôi mắt mơ màng của một sáng sớm tinh sương, có nụ cười tươi rói của buổi trưa nắng đẹp, và khuôn mặt đầy tiếc rẽ cho một ngày sắp hết.
-Có gì vô cùng đâu, thời gian đó, cũng vội như những chuyến xe buýt.
Một người nói, và họ hôn nhau. Nụ hôn thắm thiết sâu thẳm như bóng tối dưới những tàng cây rậm che khuất ánh đèn đường.

Một chuyến xe buýt đỗ trịch tới, một người trẻ tuổi dìu một người già, một thai phụ dắt theo đứa con lên xe. Xe chạy, coi bộ trạm vẫn còn khá đông hành khách, đủ mọi thành phần, sang hèn, tuổi tác, trình độ vẫn đang chờ đến tuyến của mình.

Một chiếc xe buýt nữa trờ tới, một vài công nhân làm đêm và mấy cô cậu sinh viên hối hả leo lên. Từ góc đường, một thanh niên vô gia cư cũng chạy vội tới, gọn gàng nhảy lên xe. Xe lại chạy. Đôi tình nhân có vẻ không mấy để ý đến chung quanh, không bận tâm đến cả chuyện xe đến, xe đi là tuyến nào. Họ vẫn ôm nhau thầm thì:
-Những bức tượng có vĩnh cửu không?
-Không.
-Kể cả mình?
Họ cười rúc rích trên vai nhau.
Một chuyến buýt nữa đỗ lại, một tốp mấy người nam có nữ có ăn mặc có vẻ sang trọng, uể oải bước lên xe.

Sương lắc rắc trên mái tôn của trạm, những người còn lại nãy giờ đứng rải rác, cũng đã nép vào mái. Không khí nhuốm lạnh. Cũng có thể thấy những giọt sương lất phất trên đầu đôi tình nhân:
-Em lạnh không?
-Dạ, hơi hơi. Khuya còn lạnh hơn nữa mà.

Chuyến xe buýt cuối, mọi người đều bước lên xe. Xe chạy. Tôi quay lại nhìn, lấy làm ngạc nhiên, đôi tình nhân vẫn còn đấy. Họ ôm nhau, hôn, có vẻ như đang đuổi theo chúng tôi một nụ cười hạnh phúc. Sương xuống dày đặc hơn.

*

Ngay sáng sớm, tôi quay lại trạm xe buýt. Sương sớm như lạnh hơn. Tôi ngồi vào ghế đá, bên trái, rất gần chỗ đôi tình nhân đã đứng đêm qua, gần đến tay có thể chạm được vào họ. Họ vẫn đứng đấy, im lặng ôm nhau, với bốn con mắt mê mẩn nhìn nhau, và hai đôi môi đang khe khẻ ghé xuống nhau, đắm đuối.

Im lặng của một đôi tượng đá yêu nhau.

ĐƠN GIẢN và KHIÊM TỐN...


 
Khi chúng ta định lên án hoặc bào chữa chuyện gì, hoặc khi tâm trí chúng ta cứ lao xao tính toán, suy nghĩ liên miên không ngừng, thì chúng ta không thể nhận xét sự việc một cách sáng suốt được nữa; do đó, chúng ta không còn nhìn rõ được cái  đang là, -- cái thực tế đang hiện hữu --; chúng ta chỉ nhìn thấy những sự kiện do chính ý muốn của chúng ta đã  tạo nên được phóng chiếu mà thôi. 
Mỗi chúng ta đều mang trong lòng cái hình ảnh mà chúng ta " tưởng rằng chúng ta là như thế "  hoặc " chúng ta nên là như thế  ",  chính cái hình ảnh trong tâm tưởng đó đã  ngăn cản không cho chúng ta nhìn thấy được "con người thật" của chúng ta.
Nhìn mọi sự một cách đơn giản là một trong những điều khó khăn nhất trần đời. Chính vì đầu óc chúng ta quá phức tạp mà chúng ta đã mất đi cái giá trị của sự đơn giản trong đời sống. Tôi không có ý nói về sự đơn giản trong y phục hoặc thực phẩm, thí dụ như chỉ đóng một cái khố , hoặc phá vỡ kỷ lục về nhịn ăn, hay là bất cứ loại trò trẻ vô nghĩa nào mà các bậc "thánh sống" dày công tu dưỡng, mà là cái đơn sơ khiến cho chúng ta có thể nhìn trực tiếp vào các sự việc mà không có nỗi sợ hãi -- có thể nhìn vào chính bản thân để thấy "sự thật chúng ta là như thế " mà không có bất cứ  méo mó, biến dạng nào --, khi chúng ta dối trá, dám công nhận sự thật là chúng ta đã dối trá, không bao che hoặc trốn chạy sự thực. 
Lại nữa, để có thể hiểu thấu được chính bản thân, chúng ta còn cần phải rất khiêm tốn. Nếu chúng ta khởi đầu bằng câu: "Tôi đã biết rõ tôi", thế là bạn đã tự chấm dứt công cuộc tự tìm hiểu về bản thân bạn, hoặc nếu bạn cho là: "Chẳng có nhiều nhặn gì đáng để phải tìm hiểu về "tôi", chẳng qua "tôi" đây chỉ là một mớ ký ức, tư tưởng, kinh nghiệm và truyền thống, tập quán", như thế thì bạn cũng đã không còn tự nghiên cứu bản thân bạn nữa rồi. Ngay cái giây phút mà bạn thấy mình đã thành tựu được điều gì đó, là bạn đã mất đi cái phẩm chất của sự hồn nhiên và khiêm tốn; cái giây phút mà bạn có được một kết luận hoặc bắt đầu dùng kiến thức để khảo sát vấn đề thì, thế là hết, bạn đã đem sự sống tươi mát chuyển dịch sang thành dạng cũ kỹ già nua.
 Nếu bạn không có chỗ để bám trụ, không tin chắc vào đâu, không có thành quả đã đạt được, như thế là bạn có tự do, để quan sát, để gặt hái. Và khi mà bạn nhìn mọi sự bằng cái nhìn tự do, khai phóng, bạn sẽ thấy chúng luôn luôn linh hoạt, mới mẻ trong dòng sống. Một người mà cứ tin chắc vào những hiểu biết đã có của mình, cho đó là chân lý tuyệt đối, là một người không còn sống nữa.
Nhưng làm sao để chúng ta có được tự do để quan sát, tìm hiểu, trong khi ngay từ giây phút lọt lòng mẹ đến giây phút nhắm mắt lìa đời, đầu óc chúng ta đã bị hun đúc bằng một nền văn hóa cá biệt trong khuôn khổ hạn hẹp của cái  "tôi"? Hàng biết bao nhiêu thế kỷ, chúng ta đã bị nhồi ép bằng những tư tưởng về quốc gia dân tộc, tầng lớp, giai cấp, truyền thống, tôn giáo, ngôn ngữ, giáo dục, văn chương, nghệ thuật, phong tục, tập quán, được truyền bá bằng mọi cách, gây áp lực bằng kinh tế, bằng thực phẩm chúng ta ăn, bằng bầu không khí chúng ta sống, bằng tình gia đình, bạn bè, bằng kinh nghiệm -- tất cả mọi nguồn ảnh hưởng mà bạn có thể nghĩ tới -- và vì thế các phản ứng của chúng ta đối với mọi vấn đề đều đã bị qui định theo những điều kiện trong môi trường sống của chúng ta.
Krishnamurti -- Freedom from the Known 

Già rồi vẫn dại..

 Hai vợ chồng đang chơi gôn tại một sân gôn cực kỳ đắt tiền, bao quanh bởi những ngôi nhà cực kỳ sang trọng. Khi chơi đến lỗ thứ ba, chồng dặn dò vợ (một phụ nữ rất xinh đẹp) 


- Em yêu, hãy thận trọng, vì nếu trái banh lỡ va vào một cửa kính, thì chúng ta phải đền một số tiền lớn đấy.

Người vợ làm một cú đánh mạnh và tất nhiên trái banh bay thẳng vào cửa kính lớn nhất của một ngôi nhà sang trọng nhất. Người chồng tức giận, rầy vợ, sau đó hai người đến gõ cửa ngôi nhà. Một giọng nói trả lời:

- Mời vào!

Người chồng mở cửa ra và nhìn thấy một cái chai bể ở góc nhà, các mảnh chai văng đầy phòng khách. Một người đàn ông ăn mặc sang trọng đang ngồi trên ghế bành hỏi:

- Chính các người đã làm bể cửa kính?

Vợ chồng răm rắp trả lời:

- Vâng, nhưng chúng tôi rất lấy làm tiếc.

- Thật ra các người đã giải thoát cho tôi. Tôi là một vị thần bị giam trong cái chai này trong suốt 1.000 năm. Vậy để trả ơn các người, tôi xin tặng ba điều ước. Nhưng vì có hai người, nên tôi sẽ tặng mỗi người một điều ước, còn điều ước thứ ba sẽ dành cho tôi.

Người đàn ông hỏi người chồng:

- Ông ước điều gì?

Người chồng trả lời:

- Tôi muốn mỗi tháng nhận được 1 triệu USD.

- Được thôi, kể từ ngày mai ông sẽ nhận được số tiền này vào mỗi đầu tháng.

Vị thần quay qua người vợ và hỏi:

- Còn điều ước của bà là gì?.

- Tôi muốn có một ngôi nhà ở mỗi nước trên thế giới.

- Được thôi. Kể từ ngày mai bà sẽ nhận được giấy chủ quyền của các ngôi nhà này.

Người chồng hỏi vị thần:

- Vậy còn điều ước của ông là gì?

- Ta bị nhốt trong cái chai này trong hơn 1.000 năm và suốt thời gian này ta không được gần với phụ nữ. Do đó, điều ước của ta là được gần với vợ ông nhé!

Hai vợ chồng nhìn nhau một hồi và cuối cùng người chồng nói:

- Được thôi, với 1 triệu USD mỗi tháng và tất các các ngôi nhà trên thế giới, tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể đồng ý điều này, em nghĩ sao?

Người vợ trả lời:

- Em đành phải đồng ý thôi!

Vị thần đưa người vợ vào phòng ngủ...

Hai tiếng đồng hồ sau, vị thần hỏi người vợ:

- Này, chồng em bao nhiêu tuổi vậy?

- Dạ, 40 tuổi, nhưng sao ông lại hỏi tuổi anh ấy?

- Thật không thể tưởng tượng! Đã từng này tuổi rồi mà ông ta vẫn còn tin là có thần thánh ư!
 

Phụ nữ nên lấy chồng khi nào ?


06/02/2012 02:44 am
                                                                         
1 . Lúc phụ nữ 16 tuổi, nhất định không được lấy chồng vì lấy ai kẻ đó sẽ vào tù.

2 . Khi 17 tuổi, phụ nữ đừng lo lấy chồng mà nên lo tìm trâu để bẻ gãy sừng, mặc dù sừng bẻ xong chả biết dùng làm gì. 

3 . Lúc 18 tuổi, phụ nữ được gọi là teen. Teen phải nhanh chóng trở thành hot girl chứ chớ dại hot chồng. 

4 . Khi 19 tuổi, phụ nữ thường xem phim truyền hình Hàn Quốc và phát hiện ra những ông chồng sau này đều bị ung thư. Vậy lấy làm chi cho mệt. 

5 . 20 tuổi, không xem phim Hàn Quốc nữa mà xem phim Mỹ. Phát hiện ra chồng phần lớn là tội phạm. Lấy sẽ ra tòa. 

6 . 21 tuổi chả xem phim Hàn, chả xem phim Mỹ mà xem phim Việt Nam. Bàng hoàng khi phát hiện ra lấy chồng nghĩa là sẽ có mẹ chồng. Mà mẹ chồng luôn luôn gian ác. 

7 . 22 tuổi, băn khoăn giữa chồng dễ thương và chồng đẹp trai. Cuối cùng không lấy ai cả. 

8 . 23 tuổi mê một chàng trai hát hay. Lúc sắp cưới mới ngã ngửa người khi biết phần lớn chàng hát nhép. Thế là hủy bỏ hôn nhân. 

9 . 24 tuổi yêu một chàng trai thông minh. Sắp cưới thì dừng lại, tự hỏi tại sao thông minh mà nghèo. 

10 . 25 tuổi yêu một chàng trai là con ông lớn. Sắp cưới thì tạm hoãn khi biết bạn mình yêu được một anh con ông lớn hơn. 

11 . 26 tuổi chả quen ai cả. Ngồi nhớ lại những mối tình học trò. Tự an ủi là tình học trò chả bao giờ thành công. 

12 . 26 tuổi rưỡi ngồi nhớ lại những mối tình sinh viên. Toát mồ hôi vì hồi đó suýt nữa sống thử. 

13 . 27 tuổi quen một anh hiền lành, gia giáo, con nhà tử tế. Định cưới thì ngần ngừ vì anh ấy không có nhà. Đó là chưa kể mấy lần đi phụ dâu cho đứa bạn, thấy cô dâu sau đám cưới đếm phong bì thường khóc. 

14 . 28 tuổi cương quyết lấy chồng. Nhưng đi đâu cũng gặp những đàn ông cương quyết không lấy vợ. 

15 . 29 tuổi gặp anh này thì chê già quá, gặp anh kia thì kêu trẻ quá. Những anh chấp nhận được thì có vợ rồi. 

16 . 30 tuổi quyết tâm gặp ai cũng lấy. Nhưng ai cũng bảo chỉ muốn làm bạn thôi, đừng vội vàng tiến xa hơn. 

17 . 31 tuổi tuyên bố hạnh phúc khi độc thân, sung sướng khi thấy bạn bè ly dị. Cười nhếch mép khi gặp những bạn trai gầy ốm ngày xưa. 

18 . 32 tuổi đi du lịch, học ngoại ngữ, xách cặp da. Nói tới nhân loại, đến thế giới, đến cải cách xã hội. Không nói tới chồng. 

19 . 33 tuổi lên chức trưởng phòng. Nhìn đàn ông nghiêm khắc. Cáu gắt với mùi thuốc lá, mùi rượu. Thích kem dưỡng da. Thích nghe nhạc Trịnh. Không thích đàn ông. 

20 . 34 tuổi. Ngồi bar một mình. Hút thuốc. Tự trả tiền rượu. Gặp đàn ông cười khẩy. Khuyên bạn bè ly dị chứ đừng chịu đựng. 

21 . 35 tuổi. Đi thẩm mỹ viện. Đẹp như hồi 18 tuổi. Yêu các chàng trai tuổi teen.

Yêu và thương...

 

Để yêu thì không cần lí do, nhưng để thương lại là cả một chặng đường dài.



Để yêu thì không cần lí do, nhưng để thương lại là cả một chặng đường dài.

Có một lần, người cha mà tôi rất mực yêu kính bảo rằng trong suốt cuộc đời mình, ông chưa từng yêu một ai, kể cả mẹ tôi. Tình cảm ông dành cho vợ là tình thương và sự gắn kết giữa hai con người đã cùng bên nhau gần nửa cuộc đời, thân thuộc đến từng hơi thở.

Còn mẹ tôi, dù chưa từng nói gì, nhưng tôi biết mẹ yêu ông bằng cả cuộc đời của mình, một tình yêu dịu dàng, sâu sắc mà có phần tôn thờ.

Khi ấy, tôi từng nghĩ cha mình là người đàn ông kì lạ nhất thế giới. Làm sao một con người có thể sống cả đời mà không thực sự yêu một ai?

Nhưng rồi, dần dần tôi chợt nhận ra ý nghĩa sâu xa thực sự bên trong những lời ông nói, và cái cách mẹ tôi vẫn im lặng mỉm cười chấp nhận câu nói ấy của ông.

Thực ra thì, hầu hết đàn ông chẳng bao giờ thực sự yêu ai cả. Họ yêu cảm giác của mình khi ở cạnh những người ấy hơn. Dẫu có là ghen tuông hay đau khổ, phần nhiều đều vì cái tôi của chính họ. Đàn ông khi được yêu thì cao lên một bậc, còn phụ nữ lại thấp dần đi, vì chính họ cũng không yêu bản thân mình.

Đàn ông thường quên đi nỗi đau nhanh hơn họ tưởng. Họ thậm chí có thể quên trước cả khi tha thứ. Còn phụ nữ đa phần không tự vượt qua được nỗi đau của chính mình. Họ sống, họ cười, và giấu đi những buồn bã vào tận đáy sâu tâm hồn, mãi cho đến khi có ai đó bước tới và kéo họ đi vào vùng ánh sáng mới.

Khi sống trong một mối tình mới cùng ánh háo quang đẹp đẽ của nó, đàn ông thường bảo rằng đây mới chính là tình yêu đích thực của đời mình. Họ dành cho nó nhiều lời có cánh, bởi chính sâu tâm hồn họ cũng cho rằng như thế thật. Họ cảm giác như mình chưa từng yêu sâu đậm đến vậy bao giờ. Đôi khi, một vài người nhìn lại quá khứ rồi nói rằng trước kia họ đã ngộ nhận hoàn toàn về tình yêu.

Tôi thường tự hỏi, còn bao lâu nữa sẽ đến lúc họ nhìn lại cuộc tình hiện tại và bảo rằng họ cũng đã ngộ nhận?

Tôi cũng thường tự hỏi, còn bao lâu nữa sẽ đến lúc họ lại nói rằng suốt cuộc đời này mình chưa từng yêu ai?

Nhưng rồi thì, cái gọi là “tình yêu” có thực sự quan trọng đến thế? Tình Yêu thường là thứ thiên về cảm giác, mà cảm giác chưa bao giờ là điểm tựa thực sự vững vàng cả. Khi Yêu đi hết chặng đường của mình, thì hoặc là nó biến mất vĩnh viễn, hoặc sẽ chuyển sang một dạng thức cao cả và sâu sắc hơn: Thương. Rồi sẽ đến lúc những đắm say cuồng nhiệt, những say mê của buổi ban đầu và tuổi trẻ biến mất, để thay vào đó là cảm giác gắn bó, thấu hiểu, cảm nhận trong nhau từng niềm vui hay nỗi buồn.

Như cái cách mẹ tôi vẫn thường la lên xuýt xoa ngay khi cha tôi vừa bị dao xước vào tay, như thể chính bà mới là người chịu thương tổn.

Như cái cách cha tôi nổi giận với đứa con ông hết mực cưng chiều khi tôi lỡ làm mẹ khóc vì thói ngỗ nghịch của mình.

Để yêu thì không cần lí do, nhưng để thương lại là cả một chặng đường dài.

Người đàn ông chung thủy nhất có lẽ là khi hiểu được giá trị của tình thương và những giá trị vĩnh hằng như thế…

TƯ THẾ..

 
Anh tìm đến chốn lặng yên, mong sống được vài ngày vui vẻ. Núi non chập chùng phủ trong màn sương, hoa lay trong gió ngời sáng một vẻ hoang nhiên. Căn nhà tranh bé nhỏ cũng tạm dung một người tơi tả, cành thông xanh cũng lộng lẫy trong ráng chiều. Đã thoát khỏi vùng đất chết, những ngày tháng tới sẽ bình yên. Bất chấp sự thay đổi thế sự, trong lòng anh chỉ là một dòng chảy an nhiên. Đỉnh cao không dễ tới, nhân gian cũng khó tìm. Nhà tranh bên dòng suối nhỏ, nước pha trà sẵn đó, cỏ cây làm bạn để quên. Ngày trước anh mong chờ một địch thủ, nhưng rồi tìm kiếm không ra. Một kẻ cạnh tranh đường hoàng, mặt đối mặt, uống rượu xong rồi cùng giáp chiến, thời nay cũng đã tuyệt diệt. Anh mong chờ một người tri kỷ, nhưng đời mênh mông mà lượng nhỏ hẹp, không có lấy một tấm chân tình. Kẻ thấp hơn anh thì lợi dụng, kẻ tương đối ngang hàng thì tìm đến thủ tiêu. Anh chỉ còn lại một mạng sống mà đời sống chỉ một lần. Anh một mình lên đến đỉnh cao, một con đường vắng chỉ duy nhất một người in dấu. Khi ở trên cao, không còn ai có thể giết anh được, nhưng cũng chẳng ai có thể làm bạn được với anh. Rất nhiều lần anh đứng trên vực thẳm, nhìn xuống vũng mù sương mà như nhìn xa xăm vào vô tận. Cái dáng rầu buồn mà sang trọng đó thật vô song. Và cứ thế mà anh đi vào Lịch Sử. 

Hữu dụng và vô dụng...

    
Ngày xưa, khi người con thứ của Câu Tiển bị vua Sở bắt giam vì tội giết người. Lúc này ở nước Sở có một vị tiên tri tên là Trang Sinh rất được vua Sở tôn kính và sùng bái - Câu Tiển biết được chuyện này, nên thảo 1 lá thư, kèm theo 100 nén bạc sau đó gọi đứa con út của mình nói:
- Con hãy mang lá thư này cùng với lá thư của ta, đem tới nhà Trang Sinh, hầu giải nạn được cho anh của con.

Người con trai cả nghe được chuyện này và tranh nhiệm với em của mình, chỉ với cái cớ là huynh trưởng !!! - Câu Tiển nhất quyết không cho, nhưng vì phu nhân của ông ta đã tiếp lời của con trai trưởng mình, năn nỉ, lý lẽ cho con nó được đi !!! Câu Tiển uất lắm, nhưng đành vì phu nhân mà ngậm bồ hòn làm ngọt. Vậy là người con trai trưởng của Câu Tiển đem thư và vàng tới nhà Trang Sinh. Nhận thư và vàng của Câu Tiển xong, Trang Sinh dặn dò kỷ với người con trai trưởng:
- Ngươi hãy về đi, đừng bao giờ quay trở lại đây và đừng bao giờ hỏi là làm sao em của ngươi được tha!
Người con trưởng một lòng vẫn muốn ở lại để mong xem cho được cách giải quyết của Trang Sinh, ngoài ra anh ta còn đem tiền vàng để mua chuộc các quan chức lớn nhỏ trong triều Sở - về phần Trang Sinh - ông đã âm thầm vào chầu vua Sở và nói rằng:
- " Muôn tâu Bệ hạ Sao Mỗ chiếu nước Mỗ, một điềm xấu
- Thế làm cách nào để trừ khử nó ?
- Làm đức
Vua Sở nghe nói vậy, liền ra chiếu chỉ ân xá cho các phạm nhân trong triều. Con trai trưởng của Câu Tiển nghe được tin này, biết chắc là vua Sở sắp ân xá cho tù nhân, anh ta đem lòng sinh nghi Trang Sinh. Anh ta đã quay trở lại nhà Trang Sinh, vừa mới bước vào ngõ, Trang Sinh đã hỏi:
- Sao ngươi chưa về ???
- Tiên sinh cho hỏi, có phải là Đức vua sắp ân xá cho tù nhân ?
Một người như Trang Sinh thì đâu có lạ lẫm gì thói đời ấy ! Ông liền bảo con trai trưởng của Câu Tiển:
- Ngươi vào nhà lấy tiền vàng mà về đi !
Con trai của Câu Tiển mừng thầm trong bụng là không những mình đã đắc nhiệm mà còn không mất của! Anh ta vội vào nhà lấy tiền vàng lại và về thẳng một hơi. Sau chuyện ấy, Trang Sinh lại vào chầu vua Sở:
- Muôn tâu Bệ hạ, tiểu thần nghe người ta đồn rằng " Đức vua cho lệnh ân xá là vì con trai của Câu Tiển đó thôi ! Vì Câu Tiển là một quân vượng giàu có" Vua Sở nghe vậy đem lòng tức giận, liền hạ lệnh chém đầu con trai thứ của Câu Tiển ngay lập tức. Ngày đưa tang cho con trai của Câu Tiển - phu nhân của ông và hai con trai khóc lóc thảm thiết - Còn Câu Tiển cười trong bụng mà than rằng:
" Ta chẳng lấy làm lạ, ta biết chuyện này sẽ xảy ra. Thằng trưởng từ nhỏ đã sống với ta, chịu cảnh cơ hàn cùng ta - còn thằng út chỉ mới sinh đây thôi, làm sao mà biết cơ hàn là gì, suốt ngày chỉ biết ăn chơi phung phí ! - Than ôi, thằng trưởng chịu cực nhiều rồi thì tiếc của nên mới gây ra cơ sự này ! Nếu như để thằng út đi thì bây giờ cha con ta đã được đoàn tụ, vì thằng út đâu có biết tiếc của ! "