NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Dùng hận thù làm động lực ?




Trên phượng diện xã hội, không biết các bạn có nhận ra rằng văn hóa Việt phần lớn dùng hận thù làm động lực cho hành động không? Chẳng biết gốc gác điều này đến từ đâu, nhưng có thể là từ văn hóa Trung quốc mà ta có thể nhận ra rất rõ trong các truyện chưởng. Đầu truyện thường là một câu bé hay cô bé mà cha/mẹ bị thảm sát khi cậu/cô còn bé xíu hay chưa kip ra đời. Và cuộc đời cậu/cô này sau đó, trải dài trong một bộ phim 40 tập, được hướng dẫn bởi một động lực duy nhất: Thành tài để trả thù cho bố mẹ. Không trả thù là bất hiếu.
Đây thực sự là một giáo dục rất tiêu cực. Nhưng nhìn vào nghệ thuật và văn hóa của ta trên bình diện xã hội, thì có vẻ như hận thù là động lực chính cho mọi hành động của ta: Từ hận thù quân xâm lược phương bắc, đến hận thù quân xâm lược bạch quỷ phương tây, rồi hận thù Mỹ ngụy xâm lược, hận thù Việt cộng ác ôn, và đương nhiên là ngày nay ta vẫn còn nghe thấy hận thù cộng sản và hận thù phản động hàng ngày. Mấy lúc này còn thêm hận thù quân Trung quốc xâm lược kiêu căng…
Các bạn có cảm thấy bệnh khi đọc qua danh sách hận thù đó không? Nếu bảo dân ta nhịn nhục thương yêu nhau, như là cùng chen vai sát cánh dọn rác cho đường phố, thì chắc là hơi khó, nhưng bảo họp nhau đả đào bọn Tàu xâm lược, hay đi đốt sứ quán Trung quốc, hay bao vây trụ sở công an làm chết người, thì đương nhiên là rất thành công. (Kiểu như chính trị Kampuchia. Các chính khách muốn được dân vỗ tay ủng hộ đùng đùng thì thường kiếm chuyện la to “Cáp duồn, cáp duồn” (giết người Việt, giết người Việt), và cơ hội có phiếu có thể tăng kỷ lục).
Nói “yêu nước, cho nên hãy cùng nhau thăm viếng người nghèo, hay làm sạch đường phố”, thì chẳng ai nghe. Nhưng, “yêu nước nên ta phải hận thù và chửi bới bọn Tàu phù” thì bà con hưởng ứng đùng đùng. Các bạn có thấy điều gì không? Yêu nước thì không đủ, nhưng đổi yêu nước thành thù ghét thì rất thành công. Tức là động lực hành động chính của chúng ta là thù hận chứ không phải tình yêu.
Tư duy dựa trên hận thù là tư duy rất tồi. Nó rất tiêu cực và nó hủy hoại trái tim con người. Nếu Trung quốc xâm lược và vì yêu nước ta phải làm gì đó để chận đứng cuộc xâm lược đó, thì cứ làm. Nhưng chẳng lý do gì ta phải hủy hoại trái tim của ta chỉ vì Trung quốc làm phiền ta. Anh đánh tôi, tôi bảo anh ngưng, anh không ngưng, thì tôi đánh lại, và nếu anh có chảy máu mồm thì đừng trách. Nhưng chúng ra cũng có thể uống cà phê nói chuyện tử tế để giải quyết vấn đề, nếu anh muốn nói chuyện. Chẳng lý do gì mà ta cứ phải dùng hận thù chỉ huy mọi hành động của mình.
Trong liên hệ con người, đôi khi chiến tranh là điều không thể tránh, nhưng nếu phải đánh thì người ta cứ đánh mà không thù có được không? Đánh vì nhiệm vụ phải đánh, chẳng vì thù oán gì anh. Nếu anh không muốn đánh nữa thì ta vẫn có thể nói chuyện được như thường.
Chữ “sân” là một trong 3 độc, giết chết trái tim và sự khôn ngoan của con người. Dùng sân hận để kích thích mình hay quốc dân của mình lao vào hành động là thuần túy ngu dốt. Muốn làm gì thì cứ bình tĩnh bàn việc phải làm. Chẳng lý do gì phải sân hận hay la ó chửi bới mới bàn chuyện đại sự được. Chúng ta phải ở trong vị thế tĩnh lặng, đánh cũng được, cười cũng được, nói chuyện cũng được, luôn luôn. Thuần tuý tùy theo nhu cầu. Không vì giận mất khôn.

Phía sau người đàn ông chung tình..


là người đàn bà khờ dại.

Bởi nếu nàng là người tới trước, nàng khờ quá, đã bỏ lại sau lưng một người yêu nàng hết mực. Nếu nàng là người đến sau, nàng còn khờ hơn, khi chiến đấu với quá khứ của chàng để giành lấy bằng được tình yêu. Và nàng có thể giành được cuộc đời chàng, chứ mãi mãi không giành được cái vị trí đã bị bỏ trống trong trái tim người đàn ông.


Đôi khi, tôi nghĩ si tình hoặc chung tình là bi kịch duy nhất của những người đàn ông. Đàn ông được tạo hóa ban cho mọi ưu thế, khỏe hơn, khôn ngoan hơn, chạy nhanh bay xa hơn, ham muốn chinh phục mạnh mẽ hơn. Thế nhưng họ tự đâm đầu vào bi kịch của họ, khi đã yêu tha thiết thì sẽ trao cả mạng sống cho tình yêu ấy. Để đến nỗi, không bao giờ quên được người đàn bà họ đã yêu, dù có thể người đàn bà ấy xấu xa, bỏ rơi họ, phản bội họ, xấu xí hơn và vô tình hơn những người phụ nữ họ gặp sau này.

Chỉ bởi, chính người đàn bà xấu xa ấy đã dạy cho họ những bài học, để họ thực sự trở thành đàn ông. Dạy họ trở thành si tình và chung tình. Đâu hiếm những đàn ông sẵn sàng vứt bỏ người yêu, người vợ hiện tại, cho dù hiện tại tốt đẹp bao nhiêu, người phụ nữ bên họ tốt đẹp nhường nào, để chạy theo người đàn bà quá khứ, một khi cô ta quay trở lại?

Tôi nhớ có một bài báo trong mục “Văn hóa – văn nghệ” gần đây, viết về một người đẹp nổi tiếng trong làng giải trí Việt. Nàng than thở rằng, đàn ông tốt đâu đến lượt tôi! Lạ quá, người đẹp thế, tài năng thế tại sao lại không lựa chọn một người đàn ông tốt đẹp tài giỏi?

Sau đó nàng nói rõ thêm, rằng, bi kịch của nàng là những người đàn ông của nàng đều rời bỏ nàng để quay về với… người phụ nữ cũ của họ!

Tức là nàng cướp đi người đàn ông của người ta, giờ người ta cướp lại được người đàn ông của nàng, bởi họ có cả một quá khứ hậu thuẫn, hoặc họ có thể xấu hơn, nghèo hơn, nhưng họ lại có được tình yêu lâu bền của người đàn ông. Và giọt nước mắt cay đắng của người đẹp ấy làm tôi hiểu ra rằng, phụ nữ ai cũng đau đớn như nhau trong tình yêu, dù cướp được hay bị cướp mất tình yêu. Và đàn ông, hơn gì, đàn ông dường như luôn bị quá khứ đánh gục. Họ quay về với quá khứ, bỏ lại nàng, một phụ nữ trẻ xinh đẹp tài giỏi, giàu có và yêu như một ngọn đuốc rực sáng.

Rõ ràng đã có nhiều người đàn ông sẵn sàng chờ để quay trở lại với người phụ nữ đã từng làm họ yêu tha thiết. Và người phụ nữ đến sau luôn chỉ như một chiếc lốp xe dự phòng trên con đường đời dài, như một vật thế thân, một chiếc ghế nghỉ tạm. Để nếu đường đời phẳng lặng, họ sẽ đi tiếp với chiếc lốp xe dự phòng ấy, dựa hẳn đời mình lên chiếc ghế nghỉ tạm ấy, xây dựng gia đình với người phụ nữ đến sau. Nếu như quá khứ quay trở lại, thì đàn ông sẽ phũ phàng rũ bỏ để chạy theo người phụ nữ họ từng yêu tha thiết.

Bạn có biết vì sao không?

Bởi cái cách mà đàn ông và đàn bà đón nhận nhau trong đời.

Phụ nữ là loài mèo thèm được yêu chiều. Mỗi khi có được người đàn ông mới, phụ nữ luôn thầm so sánh xem, anh ta có yêu mình như người yêu cũ không, anh ta có tử tế với mình hơn không, anh ta mang cho mình điều gì, mình cảm thấy gì khi ở bên anh ta. Nếu gặp được người đàn ông tốt, chân thành, một chỗ dựa vững chãi, phụ nữ sẽ yêu người ấy hơn. Trong tình yêu ấy có cả sự tin cậy, sự nũng nịu, sự chờ mong, mong ước lãng mạn, sự tính toán cho một cuộc sống an toàn, và cả sự yên tâm bản năng khi trao thân gửi phận. Loài mèo khi gặp lại người cũ, chỉ nhìn hơi lâu, rồi tảng lời coi như không quen. Và loài mèo phụ nữ sẽ yêu ai tốt với nó hơn.

Đàn ông thì không bao giờ so sánh người phụ nữ mới với người phụ nữ cũ. Mỗi phụ nữ là một giao tiếp riêng biệt. Họ không lầm lẫn giữa tình dục và tình yêu. Họ cũng không phù phiếm như phụ nữ, họ biết họ yêu ai nhiều hơn, ai thực sự làm họ hạnh phúc, cho dù có làm họ bầm dập. Chắc chưa ai quên anh lính Don José đã cay đắng theo đuổi cô vũ nữ Carmen trong truyện của Prosper Merimée như thế nào. Nàng lẳng lơ, nàng xấu xa, nàng tàn nhẫn với chàng, thế nhưng chàng không bao giờ để người phụ nữ đức hạnh xinh đẹp nào chiếm mất vị trí của nàng Carmen trong trái tim.

Nên giản đơn ví đàn ông như loài chó ngao Tây Tạng, không bao giờ quên người chủ của trái tim mình. Cho dù sau này gặp được những vuốt ve chiều chuộng, tốt đẹp thế nào. Sự si tình trong quá khứ, trở thành sự chung tình nếu phải chia tay, là chiếc xích ràng vững chắc nhất trong đời người đàn ông.

Tôi thương những người phụ nữ khờ dại.

Nếu người đàn bà tới sau cố gắng để yêu một người đàn ông có quá khứ, mặc nhiên họ phải thấm thía vị trí của một mảnh vá, một liều thuốc chữa quên, một vật thế chân trong tim đàn ông. Đôi khi đàn bà thành công, khi họ giả bộ khờ dại, giả bộ không biết rằng đàn ông có thể yêu một cách rất tàn nhẫn.

Tức là làm tình với người đàn bà hoàn hảo nhưng có khi vẫn chỉ yêu người đàn bà xấu xa, chỉ vì, cái quá khứ đó không bao giờ thay đổi được trong tâm trí đàn ông. Và bởi thế, đàn bà đến sau dù có cố đến mấy đi chăng nữa cũng vẫn chỉ là người đến sau.

Nước mắt chưa thể rơi...




Một linh hồn buồn bã lướt thướt kéo mình qua cỏ rối. Linh hồn đứng trước gió vẫn không thể tan đi. Linh hồn dễ xúc động, nhưng đứng trước nỗi buồn của mình vẫn chưa thể khóc. Đôi khi nó nghĩ, chỉ cần khóc một cái là nó lập tức có thể sẽ rũ ra đấy, nằm mệt lử… Nhưng nó không khóc. Hay chưa khóc được? Linh hồn vẫn bước đi. Bên trong nó là một hòn đá tảng.
Hôm nay linh hồn đã cười. Nó cười sặc sụa. Bất cứ thứ gì cũng có thể khiến nó cười phá lên, cười như thể chưa được cười bao giờ. Và nó ước, giá lúc nào cũng được ở bên bạn bè như thế này, nó sẽ không còn nhớ đến nỗi buồn của mình nữa. Chỉ có bạn bè thôi. Và vui cho nhau…
Song linh hồn dù có muốn hay không vẫn phải trở về nhà, vẫn phải có những phút giây một mình, và yên lặng trở lại với nỗi buồn của chính nó. Linh hồn có đang buồn cho chính nó, hay đang đau cho nỗi đau của người nó yêu thương? Tình yêu là gì nhỉ? Nó giày vò con người ta dù nỗi đau không trực tiếp lên mình. Trái tim bị phản bội nếu hờn ghen và phẫn nộ sẽ vẫn còn sôi sục. Và dù có tiêu cực, nó vẫn đem lại chút sinh khí vì con người ta còn muốn hành động, còn muốn quẫy đạp. Tội nghiệp nó khi vẫn còn yêu thương!
Nhưng trái tim, một trái tim không còn yêu khi bị phản bội sẽ làm gì? Nó cứ rũ ra đó. Một thân xác rũ rượi. Tệ làm sao cái thân xác rũ rượi ấy vẫn không chịu ngồi không. Nó lại cứ thích đau nỗi đau của người nào đang đau kia. Có thật nó đang đau cho người mà không có phải đang đau cho chính mình? Tình cảm là một thứ rối rắm. Và nó thấy nặng nề. Một cảm giác bức bối nhiều không thể tả. Cứ muốn nó là cái vật gì có thể cầm nắm vứt đi. Nhưng nó lại cứ là cái gì đó nghèn nghẹn trong lồng ngực, nhiều khi bức bí tưởng chết vì không thở được.
Có những người rất dễ xúc động, và rất nhiều khi quá dễ dàng để khóc. Vậy mà có những lúc họ lại có thể làm đá tảng cho chính mình. Họ không thể khóc. Hay đúng hơn chưa thể khóc được. Tâm hồn họ giờ là nắng hạ chờ mưa. Nó cứ bỏng rát lên.
Chưa khóc được. Những người chưa khóc được có phải rất mạnh mẽ? Vì chỉ cần một trận mưa nước mắt là lập tức họ sẽ nằm dài ra đấy, rũ rượi. Người chưa khóc, vẫn có thể mang rêu xanh mà phủ lên mình những hòn đá tảng. Cái bức bối nặng nề không thể ngăn con người ta sống và tìm kiếm niềm vui. Thế giới có những nỗi buồn thì những niềm vui vẫn tìm mọi cách khỏa lấp. Con người chưa khóc sẽ không nặng nề bước tới, vì như ta biết đấy, khi đã mang quen một vật gì, ta có thể mang nó như thế mà hoạt động, chẳng làm sao cả, cho đến ngày ta thấy nhẹ tâng và phát hiện ra, nó rơi đâu mất rồi…
Nước mắt vẫn chưa rơi…

Tuỳ tưởng..


Về năm tháng:
Khi ta ba mươi, nỗi buồn tuổi hai mươi sẽ không trở lại.
Khi năm mươi nhớ về sinh nhật tuổi ba mươi, sao đẹp đẽ thế
Khi chín mươi chín, nghĩ về cả cuộc đời mình đã bình yên trôi qua, có lẽ sẽ vui mừng cười hỉ hả như tên trộm chưa từng bị tóm.

Hãy tin vào cuộc sống và thời gian,
Cho dù cuộc sống có thể sẽ không tạo được cho ta niềm vui mới
nhưng thời gian cũng giúp ta xoá hết tất cả mọi nỗi đớn đau.

Đau lòng:
Nỗi đau không thể trả một lần, nó như một khoản vay trả góp

Cho dù bạn giàu có
thì đối diện nỗi đau
bạn cũng khó lòng một lần rũ sạch nợ nần

Có lần, tôi muốn tôi tàn nhẫn với bản thân mình hơn, không cho phép bản thân tôi buồn đau.
Thà đau buồn một lần, thật đau, rồi sống tiếp
Còn hơn ngày qua ngày cứ mặc cả lần hồi với những nỗi buồn nhỏ nhặt nỗi sầu bé mọn kiểu chả buồn sống chả buồn chết.

Có những người mà oán hận buồn bã là thói quen của người ta, bạn chớ động vào, buồn đau chẳng qua là cách họ hưởng thụ cuộc sống mà thôi.

Chúng ta cũng có khi đau đớn vì bị oan uổng, nhưng lại không chịu thanh minh, thì nỗi niềm đó chẳng qua cũng chỉ là tự mình tự tạo tự gánh chịu.

Người thông minh thường không thấy niềm vui
người trí tuệ vượt bậc mới hay mỉm cười.

Tạo hoá trêu ngươi
Người dựa vào chính người để trêu tạo hoá.


Về tình yêu:
Trong cuộc sống rất khó có tình yêu vĩnh hằng, nhưng chắc chắn cuộc sống có tình ruột thịt vĩnh hằng. Nếu tình yêu hoá được thành tình thân, những gốc rễ đó mới không phải lâu đài xây trên cát.

Có những tình yêu, có những người, mà tình yêu chỉ có nghĩa là "cảm xúc" của thời điểm đó. Mà nếu bạn cứ cho rằng tình yêu của họ là một tình yêu dài lâu, thì bạn mới là ấu trĩ (non nớt).

Bạn đừng buồn nếu bạn đãng trí. Đãng trí là chuyện bình thường, còn hơn là cái gì cũng nhớ rành rành.

Trên đường tình, những người thản nhiên đầy rẫy. Nhưng dù họ chỉ chân tình trong giây phút, cũng không thể nói họ giả dối.

Tình yêu nếu như không trở về với những gì chân thực trong cuộc sống như áo mặc, cơm ăn, đếm tiền, giấc ngủ, thì sẽ không thể dài lâu. Có những lúc chúng ta nhầm tưởng một thói quen trong cuộc sống, với một người đàn ông hoặc đàn bà nào đó, là tình yêu.

Tam Mao: 

Nhà văn Đài Loan, sinh năm 1943 tại Triết Giang, Trung Quốc. Đã từng học khoa Triết học Đại học Văn Hoá Trung Quốc. Du học châu Âu, du học ở Tây Ban Nha, Đức v.v.. sau định cư ở Sahara, quần đảo Canali, về Đài Loan dạy đại học năm 1981, viết tản văn theo dọc đường bà lưu lạc khắp thế giới.

Tuy nhiên bà chưa tốt nghiệp bất kỳ trường nào. Bỏ học từ lớp 6, cha dạy viết, bạn bè dạy vẽ, giáo sư quen xin cho học dự thính khoa Triết học, tuy thành tích học tập ở khoa Triết rất xuất sắc nhưng cuối cùng không tốt nghiệp, xin nghỉ học đi lưu lạc, du học ở châu Âu qua nhiều trường nhưng không có bằng cấp gì. Cho đến khi về Đài Loan dạy đại học cũng chỉ là dạy phụ, đi diễn thuyết.

Những sáng tác có giá trị nhất của Tam Mao là những tập tản văn viết trong 14 năm lang thang khắp thế giới. Sau khi người chồng Tây Ban Nha mất tích trong một cuộc thám hiểm, bà trở về Đài Loan. Tam Mao mất năm 1991, thọ 49 tuổi. Tự tử tại một bệnh viện ở ngoại thành Đài Bắc.

Bà có bạn đọc rộng rãi trên khắp thế giới, nhất là các bạn đọc ở Trung Quốc và Đài Loan, đã in 24 tập sách dịch và tản văn.

Như những kẻ khác.......- Alphonse Allais



Madeline Bastye bé nhỏ là thiếu nữ trẻ xuất sắc nhất trong thời của cô, nếu không tính đến tính khí tinh quái của cô, là cô thường xuyên phụ bạc các nhân tình của mình. Cô sẵn sàng đi lại với bất cứ ai, chỉ cần họ ngỏ lời, hoặc, thậm chí chả cần ngỏ lời.

Khởi đầu câu chuyện, một thanh niên mang tên Jean Vãng lai là nhân tình của Madeline. Đó là một chàng trai ngay thật, niềm tự hào của thương trường Paris, và hơn thế nữa, anh ta còn yêu cô bé Madeline của mình.

Lần đầu, khi Madeline bé nhỏ phụ bạc Jean, chàng hỏi cô:

- Sao em lại phụ anh để đi với thằng ấy?

- Vì ảnh đẹp trai! - Madeline đáp.

- Được! - Jean hầm hừ trong miệng.

Và tình yêu có mãnh lực biết bao! Một ý chí không gì ngăn cản nổi! Buổi tối, khi về nhà, Jean đẹp trai đến nỗi so với anh, Thánh Mikhail cũng chỉ là đứa trẻ cầu bơ cầu bất.

Lần thứ hai, khi Madeline bé nhỏ phụ bạc Jean, chàng hỏi cô:

- Sao em lại phụ anh để đi với thằng ấy?

- Vì ảnh giàu! - Madeline đáp.

- Được! - Jean hầm hừ trong miệng.

Và trong một ngày duy nhất, Jean tìm ra một phương thức chuyển hóa phân ngựa thành lọai nhung dạ màu tím hồng. Việc này có thể thực hiện được bằng tay. Người Mỹ xếp hàng để giành phát minh này của anh. Họ sẵn sàng trả giá, chẳng những bằng Mỹ kim, mà cả bằng eagle nữa. (Eagle - Đại bàng! - là lọai tiền vàng của Mỹ, trị giá 20 Mỹ kim. Ở Paris, người ta còn trả 104 francs 30 centime cho 1 eagle).

Lần thứ ba, khi Madeline bé nhỏ lại phụ bạc Jean, chàng hỏi cô:

- Sao em lại phụ anh để đi với thằng ấy?

- Vì ảnh hóm hỉnh! - Madeline đáp.

- Được! - Jean hầm hừ trong miệng.

Và anh đến hiệu sách Ollendorf, mua ngay cuốn "Làm sao cười ngả nghiêng?" của nhà văn xuất sắc Alphonse Allais. Anh đọc kiệt tác độc nhất vô nhị ấy, rồi anh đọc lại gần như thuộc lòng, đến nỗi tối hôm đó, Madeline thiếu chút nữa là chết ngất vì cười.

Lần thứ tư, khi Madeline bé nhỏ lại phụ bạc Jean, chàng hỏi cô:

- Sao em lại phụ anh để đi với thằng ấy?

- Vì ối...ái! - Madeline đáp.

Và những tia sáng kỳ lạ ánh lên trong mắt cô.

Jean hiểu ngay....

Rất tiếc là tôi sẽ không viết một câu chuyện khiêu dâm. Tôi tin rằng quý độc giả thân mến sẽ không cảm thấy nhàm chán, nếu tôi kể sau đó anh chàng Jean đã làm gì với Madeline bé nhỏ.

Lần thứ năm, khi Madeline bé nhỏ lại phụ bạc Jean...

Trời, đồ mắc dịch, và còn bao nhiêu lần nữa...

Lần thứ một ngàn, lần thứ một ngàn năm trăm mười lăm, khi Madeline bé nhỏ lại phụ bạc Jean, và sau đó lại một lần nữa, chàng hỏi cô:

- Sao em lại phụ anh để đi với thằng ấy?

- Vì ảnh là kẻ sát nhân! - Madeline bé nhỏ thì thầm.

- Được! - Jean hầm hừ trong miệng.

Và anh giết Madeline.

Đại khái, từ đó mở đầu một giai đoạn, khi Madeline bé nhỏ không còn phụ bạc chàng Jean nữa. 

10 cách để bạn không bao giờ "bắt được"... cơ hội..


1. Quanh quẩn trong nhà

“Cơ hội”, trong bất cứ từ điển nào, cũng không phải là một sinh vật có chân hay cánh để tự tìm đến bạn. Nó là thứ cần phải canh chừng và biết nắm bắt chứ không phải thứ có sẵn, khi nào thích thì đến tiệm lấy về. Vậy nên bạn cứ việc ngồi lì trong nhà và mặc cho người ta tranh giành để nắm lấy cơ hội ở ngoài kia.

2. Ngại…


“Eo ôi, ngại chết!” hay “Thôi, xấu hổ lắm!” là câu thần chú đặc biệt hiệu quả trong việc ngăn cản những cơ hội đến gần bạn. Thế giới hiện thực không phải chuyện cổ tích mà chỉ cần vung đũa thần là điều ước được thực hiện. Bạn muốn nhưng không dám làm, muốn “ăn” nhưng không dám “lăn vào bếp” thì cơ hội cũng sẽ từ từ tránh xa bạn ra mà thôi.

3. Sợ

Cách này thường được áp dụng chung với “Ngại” để tăng thêm tác dụng. Chưa bắt tay vào làm việc mà bạn đã có một danh sách dài thật dài những khó khăn, thất bại rồi tự dưng ngồi… sợ. Việc gì cũng có lần đầu tiên, và sao lại phải sợ khi chúng ta chấp nhận thử để có kinh nghiệm. Thất bại không phải là thứ đáng sợ, bởi “Thất bại là mẹ thành công” cơ mà.

4. Dù ta không cao, hãy để thiên hạ ngước nhìn

Áp dụng triệt để phương pháp “vênh càng cao càng tốt” như “xì, việc này nhàm quá” và “tớ là phải làm mấy chuyện to lớn hơn kia”, bảo đảm “cơ hội” gặp bạn cũng tự động… chạy mất. Một ngôi nhà cần được xây tuần tự từ nền móng vững chắc rồi mới đến dần mái nhà, không làm từ việc nhỏ thì sao làm được việc lớn?

5. Từ chối mọi cơ hội đã ở ngay trước mặt

Lỡ không may tự dưng có cơ hội nào đó “dại dột” xuất hiện ngay tầm tay bạn, hãy xua nó đi. Có rất nhiều cách, như bỏ lơ, ném nó vào nơi nào thật xa, hoặc dâng ngay cho người khác. Người không nhận ra được cơ hội dành cho mình thì sẽ không bao giờ có được cơ hội.

6. Tớ đã có thể…

Một loại hồi tưởng về quá khứ. Do vài nguyên nhân (chủ quan lẫn khách quan) mà bạn bỏ lỡ cơ hội và đang hối tiếc về nó. Khi nhắc đến “cơ hội”, người ta nghĩ ngay đến thì hiện tại hoặc tương lai. Còn bạn cứ tiếp tục chìm đắm trong “Giá mà…”, “Tớ đã có thể làm được/tốt hơn…”, điều đó sẽ giúp bạn mù quáng và không nhận ra những cơ hội khác.

7. Ối dào, có được cơ hội cũng là cái… số

Không phải vậy. Những cơ hội một phần do thời thế và chủ yếu là cho chính bạn tạo ra. Trước hết, hãy tự cho mình một cơ hội để khởi đầu và dựa theo thời thế để nắm bắt những cơ hội khác. Nhưng nếu bạn thích lấy lý do trên để biện minh thì… ok.

8. Cơ hội dành cho ai chứ không dành cho tớ

Quá chính xác. Chỉ những ai dũng cảm nắm bắt lấy cơ hội mới xứng đáng có được nó, còn những người không nhìn ra được ưu điểm riêng của bản thân mình sao có thể thấy được cơ hội. Bạn à, viết thêm chữ “n” vào “Tự ti” để thành “Tự tin” không có chết ai đâu. Nếu bạn thật sự muốn, bạn có thể tự cho mình một cơ hội để thử những điều mới mẻ đấy.

9. Đã vào tay mình thì chẳng mất đi đâu

Cơ hội không đơn giản như một thứ “vật chất” mà “không bao giờ mất đi, chỉ chuyển từ người này sang người khác”, tuy nó không có chân hay có cánh để tự đi, nhưng vẫn có thể tự tan biến. Mỗi cơ hội chỉ có thể sử dụng vào một thời điểm xác định, bạn chần chừ hay ỷ lại, chủ quan, cũng là nguyên nhân để bạn đánh mất cơ hội có khả năng thay đổi cả cuộc đời.

10. Chờ cơ hội từ người khác

Hãy an tâm là bạn có thể thong thả ngồi chờ đến… Tết Công-gô. Bởi vì cơ hội đến từ người khác rất ít trong khi lại có biết bao nhiêu kẻ chờ chực mà đón lấy, bạn nhắm khả năng có được nó khoảng bao nhiêu phần trăm? Nếu bạn thích là kẻ thụ động không thể bày tỏ bản thân, hoặc phụ thuộc vào người khác thì đây là một cách khá tốt để áp dụng. Và bạn có thể bỏ luôn quyền “tự cho mình một cơ hội” cũng được.

Nói tóm lại, để không có cơ hội là một điều dễ dàng, còn nắm bắt được cơ hội và sử dụng được nó mới là điều khó. Bạn là người thích sự dễ dàng đến tẻ nhạt, hay là một người sẵn sàng trước mọi thử thách? Hè đã đến rồi và sẽ mau đi thôi, bạn có muốn thêm một mùa hè vô nghĩa vào “bộ sưu tập” của mình không? Nếu câu trả lời là không, bạn hãy nhớ câu thần chú “Không thử sao biết” và đừng quên quyền “tự cho mình một cơ hội”. Tự tin lên nào, đứng thẳng người và ngẩng cao đầu, làm những gì mà bạn mong muốn như tìm một công việc part-time “hợp gu” với bạn, hoặc đăng kí những lớp học đã thích từ lâu… Đó là bạn đã thắng được bản thân mình rồi đấy.

Yêu và Thương...


Thực ra thì, hầu hết đàn ông chẳng bao giờ thực sự yêu ai cả. Họ yêu cảm giác của mình khi ở cạnh những người ấy hơn.
***
Có một lần, người cha mà tôi rất mực yêu kính bảo rằng trong suốt cuộc đời mình, ông chưa từng yêu một ai, kể cả mẹ tôi. Tình cảm ông dành cho vợ là tình thương và sự gắn kết giữa hai con người đã cùng bên nhau gần nửa cuộc đời, thân thuộc đến từng hơi thở.
Còn mẹ tôi, dù chưa từng nói gì, nhưng tôi biết mẹ yêu ông bằng cả cuộc đời của mình, một tình yêu dịu dàng, sâu sắc mà có phần tôn thờ.
Khi ấy, tôi từng nghĩ cha mình là người đàn ông kì lạ nhất thế giới. Làm sao một con người có thể sống cả đời mà không thực sự yêu một ai?
Nhưng rồi, dần dần tôi chợt nhận ra ý nghĩa sâu xa thực sự bên trong những lời ông nói, và cái cách mẹ tôi vẫn im lặng mỉm cười chấp nhận câu nói ấy của ông.
yêu thương
Thực ra thì, hầu hết đàn ông chẳng bao giờ thực sự yêu ai cả. Họ yêu cảm giác của mình khi ở cạnh những người ấy hơn. Dẫu có là ghen tuông hay đau khổ, phần nhiều đều vì cái tôi của chính họ. Đàn ông khi được yêu thì cao lên một bậc, còn phụ nữ lại thấp dần đi, vì chính họ cũng không yêu bản thân mình.
Đàn ông thường quên đi nỗi đau nhanh hơn họ tưởng. Họ thậm chí có thể quên trước cả khi tha thứ. Còn phụ nữ đa phần không tự vượt qua được nỗi đau của chính mình. Họ sống, họ cười, và giấu đi những buồn bã vào tận đáy sâu tâm hồn, mãi cho đến khi có ai đó bước tới và kéo họ đi vào vùng ánh sáng mới.
Khi sống trong một mối tình mới cùng ánh háo quang đẹp đẽ của nó, đàn ông thường bảo rằng đây mới chính là tình yêu đích thực của đời mình. Họ dành cho nó nhiều lời có cánh, bởi chính sâu tâm hồn họ cũng cho rằng như thế thật. Họ cảm giác như mình chưa từng yêu sâu đậm đến vậy bao giờ. Đôi khi, một vài người nhìn lại quá khứ rồi nói rằng trước kia họ đã ngộ nhận hoàn toàn về tình yêu.
Tôi thường tự hỏi, còn bao lâu nữa sẽ đến lúc họ nhìn lại cuộc tình hiện tại và bảo rằng họ cũng đã ngộ nhận?
Tôi cũng thường tự hỏi, còn bao lâu nữa sẽ đến lúc họ lại nói rằng suốt cuộc đời này mình chưa từng yêu ai?
Nhưng rồi thì, cái gọi là "tình yêu" có thực sự quan trọng đến thế? Tình Yêu thường là thứ thiên về cảm giác, mà cảm giác chưa bao giờ là điểm tựa thực sự vững vàng cả. Khi Yêu đi hết chặng đường của mình, thì hoặc là nó biến mất vĩnh viễn, hoặc sẽ chuyển sang một dạng thức cao cả và sâu sắc hơn: Thương. Rồi sẽ đến lúc những đắm say cuồng nhiệt, những say mê của buổi ban đầu và tuổi trẻ biến mất, để thay vào đó là cảm giác gắn bó, thấu hiểu, cảm nhận trong nhau từng niềm vui hay nỗi buồn.
Như cái cách mẹ tôi vẫn thường la lên xuýt xoa ngay khi cha tôi vừa bị dao xước vào tay, như thể chính bà mới là người chịu thương tổn.
Như cái cách cha tôi nổi giận với đứa con ông hết mực cưng chiều khi tôi lỡ làm mẹ khóc vì thói ngỗ nghịch của mình.
Để yêu thì không cần lí do, nhưng để thương lại là cả một chặng đường dài.
Người đàn ông chung thủy nhất có lẽ là khi hiểu được giá trị của tình thương và những giá trị vĩnh hằng như thế...

Mông đã lên ngôi!.





Trong mùa lễ Giáng Sinh và Tân Niên 2012, thị trường Nhật Bản nở rộ khác thường với nhiều loại “giấy vệ sinh” - hay gọi nôm na là “giấy đi cầu” - không những vượt quá chỉ tiêu hiện đại mà còn hết sức bắt mắt. Các cuộn giấy này được đặt trịnh trọng trong những chiếc hộp đẹp và lịch sự hoặc được gói vô cùng khéo léo trong một lớp giấy đặc biệt có chất… kích thích khiến người nào vừa đụng tới cũng tự nhiên cảm thấy có những luồng sóng nhẹ nhàng, ve vuốt trong bụng nên muốn sử dụng ngay. Thế nhưng đây là những “đặc sản” được chế tạo vào dịp này là để cho người ta mua làm “quà Christmas” và “quà New Year”. Dĩ nhiên giá đắt, sờ vào bỏng tay là cái chắc, nhưng nhằm nhò chi khi của lạ này mang lại niềm vui thú cho người nhận được quà. Vợ chồng, tình nhân, bạn hữu… tặng nhau loại giấy vệ sinh này thì quả thật hết chỗ chê nhờ các lời chúc mang những ý nghĩa như ân ái, nhớ thương, êm đềm, dịu dàng, mơn trớn, thống khoái, thỏa mãn… hay rất đơn giản: Sướng! Đã! hoặc bí hiểm với con số 69 - và cuộn giấy nào cũng được trang điểm bằng những hình vẽ mà thoáng nhìn cứ ngỡ là thật, chẳng hạn trái tim, bàn tay, núi rừng, suối tiên, tiền đô la… Thêm vào đó, có loại giấy vệ sinh in cả những kiến thức phổ thông, mẹo vặt, nữ công gia chánh, truyện tranh hoặc môn chơi ô chữ Sudoku hay chỉ dẫn cách gấp giấy Origami… 
Người Nhật còn thực tế hơn nữa khi nhớ cả tới những người mà hàng ngày họ không ưa nhau, vừa thấy mặt đã muốn chém, chưa biết tên đã rõ địa chỉ… nên các hãng sản xuất giấy vệ sinh đã sáng tạo mấy thứ đặc biệt khác nữa để những người này “tặng” nhau quà cũng chỉ nhằm bộc lộ tâm trạng bất mãn, bực tức thay vì chửi cha nhau. Đó là những giấy vệ sinh có hình vẽ dây kẽm gai, bàn chải sắt, bàn mài cà rốt hoặc kiểu khủng bố chỉ độc màu đen sì…
 
Những phát minh mới trong lãnh vực toa-lét
Những điều vừa kể trên đây lại một lần nữa chứng minh người Nhật đã đưa bộ mông của loài người lên ngôi lãnh tụ hoặc đưa việc đi cầu lên hàng đại lạc thú. Tôi nói “lại một lần nữa” tức là trước đây họ đã làm rồi. Đúng vậy, năm 2008 người Nhật đã sáng chế loại bàn-cầu-đầy-tớ, nghĩa là “chủ nhân” khi ngồi vào bàn cầu tiêu chỉ tốn chút hơi thôi còn các phần phụ diễn khác đã có “đầy tớ” phụ trách sau khi nhận được tín hiệu báo “xong” của chủ nhân. Chữ “đầy tớ” ở đây có 2 nghĩa tùy theo hãng sản xuất bàn cầu.
Theo hãng thứ nhất “đầy tớ” ý chỉ một tia nước ấm xịt rửa mông cho chủ nhân rồi một luồng hơi nóng phà ra “sấy” mông. Công ty thứ hai, “đầy tớ” là một “bàn tay” bọc loại vải sốp (êm như len) đồng thời với tia nước ấm rửa mông cho chủ nhân, sau đó lau, xoa, nắn bóp, tẩm quất mông lâu, mau tùy theo ý của chủ nhân bấm nút… “Bàn tay” này có hai loại để thân chủ có thể tùy hỉ “order”; chẳng hạn ai thích cảm giác mạnh thì chọn “bàn tay” của Samurai; ai ưa nhẹ nhàng thì lấy “bàn tay” của Geisha. Đã chưa!
Tháng 11 năm ngoái, kỹ nghệ toa-lét của con cháu Nữ Thần Mặt Trời (mà biểu hiệu trên quốc kỳ là một cái vòng tròn đỏ lòm nổi bật trên nền trắng) lại ghi thêm một bước tiến lịch sử khổng lồ nữa khi công ty INAX trưng bầy ở khu thương mại Ginza một bồn cầu gắn 72.000 viên pha lê óng ánh; giá bán đề 100.000 Mỹ kim. Đây là kết quả hợp tác giữa công ty INAX và tiệm kim hoàn Swarovski ở tận bên Áo (Austria). Giám Đốc Kazuro Summiya giải thích động lực sáng chế bồn cầu pha lê này là: “Để làm vui lòng thần Cầu Tiêu…”.
À thì ra vậy, nhưng “ngài” Giám Đốc lại không kể sự tích thần Cầu Tiêu của Nhật, hỏi nhiều người Nhật thứ thiệt thì chẳng ai biết. Kẻ hèn này đành phải tự biên tự diễn đi tìm, mãi sau mới biết - nhưng mạn phép nhấn mạnh, việc tường thuật ở dưới đây chỉ với mọi sự dè dặt và cẩn thận thường lệ và tuyệt nhiên không có cầu chứng tại tòa.

Sự tích Thần Cầu Tiêu của Nhật
“Khác với thần Bếp hay ông Táo của dân tộc Việt Nam, vì thuở chưa làm thần, ông Táo là người trần đúng hiệu, còn thần Cầu Tiêu của Nhật thời chưa được phong thần lại là con vật. Vâng, số là ngày xửa ngày xưa, thuở sâu bọ, thú vật cũng nói một thứ ngôn ngữ như người (trong truyện cổ tích này, đương nhiên phải là tiếng Nhật), hai con muỗi nọ vô tình gặp nhau: Muỗi Nhà (Domushita) và Muỗi Núi (Monmushito). Trong khi Muỗi Nhà béo tốt nhưng da thịt mềm nhũn; ngược lại, Muỗi Núi cứng cáp nhưng gầy. Tuy chưa quen biết nhau nhiều, nhưng Muỗi Núi vẫn thản nhiên mà thành khẩn khai báo ngay hoàn cảnh của mình: ‘Tôi vốn sinh trưởng ở ngọn Fuji, nhưng vì tuyết phủ đỉnh núi này quanh năm suốt tháng nên tôi sống được cũng chỉ nhờ gặm tuyết, nay tôi muốn đi phiêu lưu đây đó một thời gian xem có nơi nào ngon lành hơn không. Vậy anh biết chốn nào hay ho, làm ơn chỉ tôi’.


“Muỗi Nhà lắc đầu, thở dài: ‘Tôi ngày đêm chuyên ru rú trong bóng tối, sợ ánh sáng, nên chẳng biết gì bên ngoài nhà, chỉ rình lũ người sơ hở da thịt là bay ra… hút máu tươi’.
“Muỗi Núi nghe ‘máu tươi’ nhưng chẳng hề biết thứ thực phẩm này, tò mò muốn thử bằng cách tả oán nỗi lòng ‘trần ai khoai củ’ của mình. Muỗi Nhà nghe Muỗi Núi than thở liền mủi lòng nên quyết định liều mạng sa trường mà đưa vào nhà, nhưng lại sợ tên bạn mới này lơ ngơ e bị nguy hiểm. Muỗi Nhà bèn đưa hắn vào tạm trú ẩn trong cầu tiêu, hẹn đến đêm sẽ tới đón mà dẫn đi thưởng thức máu tươi của những người ngủ say.
“Nào ngờ, khi Muỗi Núi đang ‘lưu vong’ ở cầu tiêu thì bà chủ nhà đi cầu. Nhờ đã nghe Muỗi Nhà mô tả, Muỗi Núi biết đây chính là ‘con người’. Bỗng ‘con người’ này ngồi xuống, để hở cả một phần da thịt trắng hếu cũng có hình dáng cong vòng như thể một ngọn núi. Muỗi Núi vốn quen sinh hoạt ở ngoài thiên nhiên nên hiếu động mà thiếu kiên nhẫn, bèn vội bay ra rồi hạ cánh, chúi mũi kim đâm thẳng vào mục tiêu béo bở mà Muỗi Núi tin là nơi có nhiều máu tươi. Bà chủ nhà bỗng cảm thấy đau nhói nơi mông, lập tức giơ thẳng bàn tay rồi vỗ… độp. Muỗi Núi bị nát thây, nhưng theo tín ngưỡng dân gian, vì chết ở chốn cầu tiêu, nhất là chết đúng vào giờ linh nên Muỗi Núi lập tức được mang tính thiêng liêng.
“Từ ngày đó Muỗi Núi được dân chúng Nhật tôn làm thần Cầu Tiêu. Ai biết ‘điếu đóm’ cho thần thì được dễ dàng tiêu hóa, bằng ngược lại thì bị táo bón kinh niên”.
Thành thử ngày nay không lạ khi thấy dân chúng Nhật nỗ lực không ngừng nâng cấp toa-lét. Một suy đoán chắc như đinh đóng cột là sau những sáng chế vượt chỉ tiêu kể trên, các công ty Nhật, điển hình như công ty INAX, công ty Lixil… sẽ còn có thêm nhiều dự án toa-lét vô tiền khoáng hậu nữa; chẳng hạn, cạnh bồn cầu sẽ còn có bàn cờ tướng hay bàn để rượu Sake với những dĩa Sushi - hoặc nếu không định đánh chén mà muốn hưởng sự thanh tịnh thì cạnh bàn cầu cũng sẽ gắn bàn để bình trà, bởi vì gì chứ trà đối với người Nhật là một thứ bất khả thiếu, chẳng thế mà việc uống trà đã được được đưa lên hàng nghệ thuật hay trà đạo. Theo nhật báo Arigato, tới mùa Hè năm 2015, Nhật sẽ có những toa-lét công cộng được xây dựng ở lòng biển tại các thành phố duyên hải du lịch. Ngoài các tiết mục thưởng thức các món ăn, thức uống tuyệt hảo, khách sử dụng toa-lét còn vừa ngồi “trút bầu tâm sự” vừa được ngắm phong cảnh thủy cung với nhiều đàn cá đủ loại nhởn nhơ bơi lội. Theo những tin đồn, giá cả mới nghe cũng đủ chóng mặt: Giờ đầu 300 đô, những giờ sau được bớt từ 10-35 phần trăm. Trường hợp “emergency” thì được hưởng giá đặc biệt, nhưng nếu xuất trình được giấy bác sĩ thì được hưởng “free” bồn cầu, tuy nhiên vẫn phải trả các chi phí khác…
Tóm lại, nói theo lời vàng ý ngọc của Giám Đốc Kazuro Summiiya, tất cả những công trình phát triển toa-lét trên đây là “để làm vui lòng thần Câu Tiêu” - thế nhưng đồng thời cũng còn nhằm phát triển nền kinh tế nước Nhật.
 
Định nghĩa “mông”
Một khi thần Cầu Tiêu càng vui lòng thì mông loài người càng lên giá. Thế nhưng trước khi bàn chuyện tiếp, kẻ hèn này đề nghị tạm ngưng trong giây lát để tìm hiểu “mông” là gì và tại sao lại có từ ngữ “mông”, bởi một khi biết được ngõ ngách, ta đang sướng lại càng sướng gấp đôi. Hơn nữa, động lực quan trọng buộc ta tìm hiểu nằm ở truyện cổ tích Nhật Bản: Thần Cầu Tiêu chết trên mông đàn bà!
Theo thiển ý, “mông” còn có 2 tiếng đồng nghĩa khác, một của chữ Nôm: Đít - và một của chữ Hán Việt: Bàn tọa.
- Đít: Đồng bào miền Bắc nói “đít” nhiều hơn “mông”. Theo ngôn ngữ học, có nhiều tiếng/từ ngữ “xuất xứ” từ các nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn do tục kiêng húy mà đọc/nói trại ra (mispronounce), thí dụ vì kỵ húy tên của chúa Nguyễn Hoàng mà đồng bào miền Nam đã không dám nói chữ “hoàng” nhưng phát âm trại thành “huỳnh”. Tuy nhiên nguyên nhân phong thổ chiếm phần chính yếu. Ấy như có lần tôi đã nêu trường hợp đồng bào Bùi Chu, Phát Diệm… phát âm thanh “th” thành “s”, như “thịt” thành “sịt”: “Lấy kim chích ‘sịt’ thì đau - Lấy ‘sịt’ chích ‘sịt’ nhớ nhau muôn đời”!
Vậy thì kẻ hèn nay dám cá là từ “đít” bởi từ “đét” mà ra. “Đét” là âm thanh của roi, vọt quất vào “mông” rồi dần dần “đét” thành “đít” lúc nào không hay. Dĩ nhiên tiến trình phải mất có thể cả mấy chục thế hệ. Nay thì “đét” là động từ, trong khi “đít” là danh từ. Thiếu gì bậc cha mẹ vẫn dọa đánh đòn con: “Tao đét cho mày một trận bây giờ”. Thú thật, âm “đét” nghe đỡ sắt máu, đỡ bạo lực hơn “đánh”. Nhưng đôi khi cũng có cụ nọ xúi cụ kia: “Cứ đít nó mà đét!”.
- Mông: Với từ ngữ nay kẻ hèn này thú thật mù tịt về nguồn gốc, nhưng “xứ này là xứ tự do”, vậy ngu gì mà không lợi dụng hoàn cảnh và thời cơ để phịa ra cho vui cửa vui nhà. Tiếng/từ “mông” được đồng bào miền Nam dùng nhiều hơn “đít”, bởi ảnh hưởng của người Pháp xâm nhập miền Nam trước miền Bắc. Nếu đã công nhận như vậy, ắt ta cũng dễ dàng đồng thuận chữ “mông” là do chữ “mont” tiếng Pháp. Hai từ này được phát âm giống nhau, dĩ nhiên khác nghĩa nhưng lại “vô tình” cùng mang hình ảnh tương tự nhau. “Mont” là núi. Vậy cái “mông” của ta chẳng giống cái “núi” là gì đấy!
Ai không tin cứ rình lúc nào mình ở nhà một mình mà cởi quần ra đoạn nằm sấp xuống rồi nghiêng nghiêng đầu nhìn vào tấm gương (kiếng) đã đặt sẵn song song với bên hông của mình. Bạn thấy gì? Cái mông! Thưa, không phải. Cặp núi đấy! Nếu mông nhọn, ta gọi là núi trẻ như “Mont Blanc” hay “Mont Everest”; nếu mông cong vòng như cầu vồng, ta gọi là núi già (vì bị gió, mưa xoi mòn nhiều nên cái ngọn nhọn đã bị bào bớt đi rồi) như ngọn Châu Thới ở miền Nam Việt Nam hay phần nhiều ngọn trên San José, Bắc California.
- Bàn tọa: Như trên đã nói, từ này bởi chữ Hán (tiếng Hoa/Tàu) đọc âm Việt. “Bàn tọa” là cái “bàn” để ngồi, nói về công dụng của hai khối thịt ở phía sau hạ thể để khi ta ngồi, nó đỡ thân xác của ta. Nếu hai khối thịt này mà dầy, đầy đặn thì ta cảm thấy ngồi êm ái như thể ngồi trên nệm bông; ngược lại, hai khối thịt này mà teo lại, thu dọn chiến trường sớm thì chủ nhân ngồi đau tuy nỗi đau không bằng cảnh “gái ngồi phải cọc”, nhưng cũng cảm thấy khó chịu, thốn đến tận bao tử, gan ruột.
Tuy vậy, từ “bàn tọa” nghe nghiêm trang quá, không tượng thanh, tượng hình bằng “đít” hay “mông”.
Nói tóm lại thì cả ba từ ngữ này đều chỉ một bộ phận quá ư quan trọng nơi con người - chẳng thế mà ngày xưa các cặp tình nhân đã lấy mông để bộc lộ tâm trạng xa cách của mình:
“Mình về mình nhớ ta không?
Ta về, ta nhớ cái mông mình tròn!”
“Rô măng tịch” hết thuốc chữa! Thế nhưng lai rai nói chuyện một tuần không thể diễn tả hết các khía cạnh chính yếu của “mông” mà phải tiếp tục ít nhất một tuần lễ nữa. Vậy hẹn tái ngộ! 

Hãy tự hiểu mình..!


"Hãy tự hiểu mình" - đó là câu châm ngôn nổi tiếng của nhà triết học lừng danh cổ Hy Lạp Socrates. Câu châm ngôn này đã được khắc tại đền thờ Thần Mặt Trời Apollon ở Delphes. Kể từ bấy đến nay, nó như tiếng kèn xung trận, thúc giục con người hãy tự hiểu lấy bản thân mình.


Quả vậy, có nhiều lúc chúng ta không hiểu chính bản thân ta. Nhà văn Nga nổi tiếng Dostôievski có viết cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội “Tội ác và trừng phạt”, trong đó mô tả một trí thức cùng khổ đã giết người một cách vô ý thức. Lúc đó anh ta mới phát hiện ra rằng, thật ra anh ta không biết mình là ai, nguyện vọng và động cơ thực sự của mình là gì.
 
Bạn tin những sự việc như thế có thể xảy ra được không?
 
Các nhà tâm lý học đã nghiên cứu nghiêm túc vấn đề này, ý kiến của họ ủng hộ quan điểm của nhà văn. Quả thế, có lúc con người ta không biết mình đang nghĩ gì, thậm chí không biết mình rút cục là con người như thế nào. Thì ra, tâm lý con người chúng ta thật ra không đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ. Tâm lý người đại để chia thành hai tầng bậc, nội dung của mỗi tầng không giống nhau và con người cảm thụ những hoạt động trong mỗi tầng ấy cũng khác nhau. Ý thức của con người giống như một núi băng trôi trên mặt biển. Những điều mà chúng ta cảm nhận được chỉ là một phần nhỏ nổi trên mặt nước, còn đại bộ phận ẩn chìm dưới mặt biển giá băng.
 
Cuối thế kỷ XIX, công trình nghiên cứu của nhà tâm bệnh học Áo, giáo sư Freud, đã khám phá ra bí mật đó. Freud đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân tâm thần kỳ quặc, qua nhiều lần trao đổi, nói chuyện với các bệnh nhân đó, ông phát hiện ra rằng, bệnh tật của họ bắt nguồn từ một số sự việc đặc thù thời thơ ấu, thế nhưng khi hỏi các bệnh nhân thì họ đều trả lời “Làm gì có chuyện ấy!”. Vậy thì cái gì đã làm cho những bệnh nhân ấy quên đi những sự việc đau khổ ngày xưa? Liệu họ có quên thật không?
 
Freud phát minh ra phương pháp liên tưởng tự do, để cho bệnh nhân nằm bình ổn trên giường, kể hết cho bác sĩ nghe tất cả những cái gì đến trong đầu óc mình giờ phút ấy, còn bác sĩ thì khéo léo nắm bắt lấy những điểm nút trong lời kể đó, đồng thời không ngừng đặt câu hỏi buộc người bệnh phải nhớ lại thời thơ ấu của mình. Cuối cùng, sẽ có lúc người bệnh chợt nhớ đến những sự việc trước kia của mình.Freud rút ra kết luận, người bệnh thật ra không “quên” đâu, mà đem những chuyện không vui xếp xuống đáy núi băng tâm lý, Freud gọi tầng bậc này là “tiềm thức”.
 
Điểm hoàn toàn khác nhau giữa tiềm thức và ý thức là: Tiềm thức không được con người cảm nhận. Trong tiềm thức chứa đựng những năng lượng lớn lao của tâm lý con người, những xung động nguyên thuỷ và những sự việc cần lãng quên. Đây là những thành phần tương đối linh động trong nội tâm con người. Thế nhưng, trừ phi những trường hợp đặc biệt, những sự vật trong tiềm thức không tự biểu hiện ra.
 
Bộ phận núi băng tâm lý lộ trên mặt biển không giống tiềm thức. Nội dung của bộ phận này gọi là ý thức. Những sự việc chúng ta có thể cảm thụ, ghi nhớ, hình dung rõ ràng thuộc phạm trù ý thức. Ý thức gắn chặt với quan niệm xã hội của con người. Chúng ta thường dùng những quan niệm xã hội đó để tự đánh giá mình, đồng thời ghi dấu ấn lên bản thân mình. Chẳng hạn, tôi là một người tốt bụng, tôi là người hiền lành...
 
Thế nhưng, khi gặp chuyện rắc rối, người tốt bụng có thể nổi xung, người hiền lành có thể đánh lộn, lúc ấy ngay chính bản thân ta cũng thấy hơi là lạ: “Sao lại thế nhỉ?”, “Ta rút cục là con người như thế nào?”. Kỳ thật, bạn vẫn là bạn, vẫn là con người vừa có ý thức, vừa có tiềm thức. Bạn có rất nhiều ước muốn và mơ tưởng mà chính bản thân bạn không biết. Bạn có rất nhiều phẩm chất mâu thuẫn với sự tự đánh giá của bạn.
 
Khi Freud đề xuất lý luận về phân tích tâm lý hay còn gọi là phân tâm học quả đã làm cho nhiều người, trong đó bao gồm cả các nhà tâm lý học cảm thấy ngỡ ngàng không tiếp thu nổi. Thế nhưng Freud đã đưa ra nhiều bệnh án và những lập luận chặt chẽ khiến mọi người tin phục, đồng thời ông đã xây dựng một phân ngành tâm lý học mới có tên là Phân tâm học (Psychoanalyze).
 
Ở đây ta không nên lấy làm lạ trước phát hiện của các nhà tâm lý học về tiềm thức, mà điều quan trọng là từ những phát hiện ấy ta rút ra được điều gì bổ ích.
 
Trước hết chúng ta cần hiểu rằng, bản thân ta rất phức tạp, không nên có những kết luận nóng vội về bản thân mình. Bạn phải quan sát mình, tìm hiểu mình, phát hiện mình, phải nhận thức mình thông qua những biểu hiện của mình trong những trường hợp đặc thù xem mình là con người như thế nào.
 
Thứ nữa, bạn phải biết tự sửa mình, phải làm cho mình trở thành con người hoàn thiện, chín chắn, thông minh, phải tiến hành phân tích, mổ xẻ một cách can đảm, thực sự cầu thị từng sự việc mà mình đã trải qua, xem trong số ấy những sự việc nào đem lại cho mình niềm vui, những sự việc nào đem lại cho mình đau khổ, và những niềm vui cùng nỗi đau ấy có quan hệ như thế nào với sự thể hiện mình.
Chỉ khi thực sự thực hành được hai điểm nói trên, con người mới có thể dần dần chín chắn, mới có thể rút ra được những bài học thông qua những cảnh ngộ đã qua, mới có thể không ngừng tự hoàn thiện mình, gạt bỏ những tâm lý không lành mạnh.
Đương nhiên, nhận thức chính xác mình không phải là chuyện ngày một ngày hai. Có lúc, chúng ta không thể không cầu cứu các bác sĩ tâm lý, nhưng dù thế nào, chỉ những người nhận thức đúng đắn mình mới có thể nhận thức đúng đắn thế giới, mới có thể trụ vững và đi tới thành công trong thời đại luôn luôn biến đổi này.

Lòng tự ái của con người.


Philippe, vua nước Macédoine, khi đang đem quân vây thành Méthone, có một tên cung thủ đại tài tên là Aster đến xin vào đội tinh binh của nhà vua. Người ấy khoe rằng tài nghệ cung tiễn hay lắm, chim bay dầu lẹ đến bậc nào, y bắn cũng không sai bao giờ. Vua ghét đứa khoe mình nên phán rằng: Được, để ta đánh trận với chim sẻ, bấy giờ ta sẽ dùng đến tài ngươi.

Aster nghe câu nói mỉa mai ấy, lấy làm căm tức vô cùng, liền chạy thẳng vào thành bị vây chờ dịp trả thù.

Một hôm Aster đứng trên bờ thành, thấy vui Philippe đang đi kinh lý các trại quân đóng ngoài thành, liền lấy một cây tên, viết vào mấy chữ: “Gởi cho con mắt bên hữu của vua Philippe”, rồi bắn xuống. Tên trúng giữa mắt phải của vua. Vua sai sứ cầm chiếc tên vào trả lại trong thành giặc, phê lên trên mũi tên rằng: “Ta mà lấy được thành này, Aster sẽ bị xử trảm”.

Sau quả y lời.


Vua Philippe, thật đã mua đắt cái cao thú được nói một lời có ý vị. Nhưng mà, Aster lại mua rất đắt cái thú trả được thù. Cái lòng hiềm thù nhiều khi nó ngộ chúng ta mà đưa chúng ta đến chỗ bại. Cái tính châm chích người ta cũng chẳng nguy hiểm kém gì. 

Đành rằng nói được những câu thâm trầm, khiến cho kẻ khác sợ ta, nhưng chúng sợ ta thì ít mà lòng oán hận lại nhiều. Những lời nhạo báng để lấn áp người, để thỏa được lòng tự ái của mình, khiến cho lòng người bị chạm lấy đau khổ không thể quên được. 

Thường thường người ta có thể tha thứ cho ta một cái tội ác dễ hơn là tha thứ cho ta một lời nói độc.


Cái “tôi” có phải là dễ ghét đâu theo như lời Pascal. Nó là cái chữ dễ yêu nhất trong đời. Nhưng vì ta đã quá nâng niu chiều chuộng nó… mà thành ra cách cư xử trong đời ta gây không biết bao nhiêu sự vụng về, ân hận, đau khổ, tai ương… Và cũng chính vì thế mà Pascal mới thốt ra câu nói chua cay này, “Cái tôi thật đáng ghét”.

Cái “tôi” chẳng những dễ yêu mà thôi, nó lại là trung tâm điểm của vũ trụ là khác. Bao nhiêu sự vật trong đời, chung quy đều quây quần theo cái cốt ấy: Bản ngã.

Như ta đã thấy, lòng tự ái là nguồn gốc lớn của muốn sự đắng cay chua xót ở đời. Muốn cho tâm hồn được bình tĩnh, thời không có gì kỵ bằng lòng tự ái. Trong các thị dục, thị dục về lòng tự ái là vô độ hơn cả: trong các khổ não, cái khổ não do lòng tự ái gây ra là khó tránh và thường thống thiết hơn.

Có người nói: “Lòng tự ái đã là kẻ thù cho sự bình tĩnh bên trong, nó lại cũng là kẻ thù cho sự yên ổn bên ngoài nữa. Phàm khi lòng tự ái được thỏa mãn là tất có xâm phạm đến bên ngoài…”

Lòng tự ái của ta xui khiến ta bao giờ cũng chăm chăm đáu đáu chỉ chực có dịp miệt kẻ khác để cho khỏi bị kẻ khác miệt mình. Thành ra nhiều người trong chúng ta bao giờ cũng cứ lo đi dòm ngó người khác; xem ai có gì xấu thì phô trương lên, ai có gì tốt thì bài bác đi, để nuôi cái lòng tự đắc của mình.

Xem đấy đủ rõ câu “Ẩn ác dương thiện” (che dấu, bỏ qua cái xấu, biểu dương, khen ngợi điều tốt của người khác) của cổ nhân khó thi hành biết chừng nào! Tại sao? Tại lòng tự ái của chúng ta quá nặng, thường tin rằng dìm được người ta là đem được mình lên, chê cái dở của người tức là đem được cái hay của mình ra… Thật không gì vụng về bằng! Khiến nên, ở đời, trong sự giao tế hằng ngày, gây cho ta không biết bao nhiêu khốc hại.

Như vậy, ta có thể thấy tất cả bí quyết của nghệ thuật cư xử có thể gồm trong hai nguyên tắc quan trọng:

1. Chớ chạm vào lòng tự ái của ai cả.

2. Ẩn ác dương thiện. 

Nguyên tắc thứ nhất thuộc về tiêu cực; còn nguyên tắc thứ hai thuộc về tích cực. Cả hai không phải là những câu châm ngôn chỉ sự khôn dại cho người đời mà thôi, mà thật ra nó là câu nói của lòng Nhân, hay ít ra, của lòng yêu chuộng Công Bình.

Người xưa há không có bảo: “Kỷ sở bất dục, vật ư thi nhân” sao? Cái gì mình không muốn người làm cho mình, thì đừng làm cho kẻ khác. Có ai là người muốn bị người ta chạm đến lòng tự ái của mình không? Thế sao mình lại thích lấn áp người trong lời nói để người ta phải đỏ mặt, tía tai cho cam. “Làm cho người ta cùng lý đến phải ngậm miệng, đỏ mặt, toát mồ hôi, mình tuy hả lòng thật, nhưng đấy là người nông nổi khắt khe làm sao…”. Thế là bất công, mà cũng là bất nhân nữa…

Nhưng rồi, hả lòng được một ít mà lắm khi còn di hại cho mình đến thảm khốc cũng không chừng… Thế thì đâu phải chỉ bất công, bất nhân mà lại còn bất trí nữa là khác.

Giọt nước mắt...


 Khi những đớn đau không còn đủ sức để chịu đựng …
khi những nhớ thương, hạnh phúc đã cuộn vào lòng như sóng biển
là khi những giọt nước mắt
rơi…
Mỗi giọt nước mắt đều mang trong mình một chuyến đi dài
dâng từ trái tim lên khóe mắt
cả một quãng đường có khi là nhiều tháng năm hay chỉ là một khoảnh khắc
để rồi cúi đầu và khóc
vì không thể làm gì hơn!
Mỗi giọt nước mắt đều mang trong mình hình dáng của sự cô đơn
lăn từ khóe mắt qua cánh mũi
như một vệt dài của sướng vui và buồn tủi
như một giọt sương rơi vào khuya tối
cảm giác của nghẹn ngào không nói
sâu đến vô cùng…
Mỗi giọt nước mắt đều mang trong mình một mũi tên
sượt vào bờ môi mặn chát
có lần nuốt vào trong mặc trái tim bỏng rát
có lần cắn răng để trôi qua suốt chiều dài gương mặt
để chứng kiến hết những vỡ òa…
Những giọt nước mắt có thể nào đại diện hết cho những ước mơ
cho người cần một tình yêu quay trở lại…
cho người cần thứ tha những lầm lỗi…
cho người cần đợi chờ cả đời chỉ để nói một câu nói…
cho người cần vứt bỏ hết ngày hôm qua vào vũng tối…
sớm mai thức dậy trong buổi bình minh!
Không ai biết trước được lúc nào trong tim sẽ cạn khô hết những yêu thương?
những giọt nước mắt khi nào sẽ ngừng chảy?
những người với người trói buộc nhau vì tất cả (ngoại trừ tình yêu) thế gian muốn nhìn thấy?
những người muốn sống mà không thể sống như một ngọn nến cháy
cả đời không một lần thắp lên?…
Những giọt nước mắt
trong mỗi con người
luôn sống với cảm giác đau đớn vì cần được lãng quên!

THẬT VÀ GIẢ - BƯỚC ĐẦU TIÊN..


Click here to enlarge

Hãy yêu thương chính mình và quan sát: hôm nay, ngày mai, mãi đến về sau.

Chúng ta bắt đầu với một trong những lời giảng dạy sâu sắc nhất của Đức Phật Gautama:

Hãy yêu thương chính mình.

Mọi truyền thống trên thế giới này đều dạy bạn theo hướng ngược lại. Họ nói rằng: Hãy yêu thương người khác, đừng yêu thương chính mình. Ẩn phía sau lời dạy này là một ý định nào đó.
Tình yêu là dưỡng chất dành cho tâm hồn, cũng như thực phẩm cần cho cơ thể. Nếu không có thực phẩm thì cơ thể sẽ trở nên yếu ớt, nếu không có tình yêu thì tâm hồn trở nên 
yếu đuối. Không một nền văn hóa nào muốn người ta có được tâm hồn mạnh khỏe vì một người có tâm hồn mạnh khỏe thì rất có nguy cơ anh ta sẽ nổi loạn.
Tình yêu khiến bạn nổi loạn, khiến bạn muốn đứng lên cách mạng. Tình yêu chắp cánh cho bạn giúp bạn bay cao. Tình yêu giúp bạn có được sự sáng suốt nên không ai có thể lừa dối bạn được, không ai có thể đàn áp hay lợi dung bạn. Một số kẻ có thế lực chỉ sống nhờ vào máu của bạn, họ sống nhờ vào sự lợi dụng người khác.
Một số kẻ có thế lực là vật ký sinh. Để làm cho tâm hồn bạn suy yếu họ đã tạo ra một phương cách chắc chắn, chắc chắn đến một trăm phần trăm, đó là: họ dạy bạn rằng đừng yêu thương chính mình. Bởi nếu một người không thể yêu thương chính mình thì anh ta không thể yêu thương bất kỳ ai khác. Lời dạy này thật quỷ quyệt - họ nói “Hãy yêu thương người khác”... bởi họ biết rằng nếu bạn không thể yêu thương chính mình thì bạn hoàn toàn không thể yêu thương bất kỳ thứ gì khác. Nhưng họ vẫn không ngừng nói “Hãy yêu thương người khác, yêu thương nhân loại, yêu thương Thượng đế. Hãy yêu thương tự nhiên, yêu thương vợ mình, yêu thương chồng mình, yêu thương con cái, yêu thương cha mẹ.” Nhưng đừng yêu thương chính mình vì sự yêu thương chính mình là sự vị kỷ, theo lời họ thì là như thế. Họ chỉ trích sự tự yêu mình và họ không chỉ trích bất kỳ thứ gì khác.
Họ làm cho lời giảng dạy của họ có vẻ rất hợp lý. Họ nói “Nếu bạn yêu thương chính mình thì bạn sẽ trở thành một người ích kỷ, một người vị ngã.” Điều đó không đúng.
Một người yêu thương chính mình sẽ nhận thấy rằng trong mình không tồn tại một bản ngã nào. Chỉ khi bạn yêu người khác mà khôngyêu chính mình. Cố gắng yêu người khác, khi đó bản ngã mới xuất hiện. Những nhà truyền giáo, những người lãnh đạo xã hội, những người phục vụ xã hội là những người có bản ngã mạnh mẽ nhất trên thế giới (theo lẽ tự nhiên) vì họ nghĩ rằng họ là những người thuộc tầng lớp trên nên bản ngã của họ trở nên mạnh mẽ. Họ không được bình thường (những người bình thường luôn yêu thương chính mình). Họ yêu người khác, họ yêu những lý tưởng cao đẹp, họ yêu Thượng đế.
Tất cả tình yêu của họ đều sai lạc vì toàn bộ tình yêu của họ đều không có nguồn gốc cơ bản.
Một người yêu thương chính mình thì điều này có nghĩa là anh ta đã bước được bước đi đầu tiên hướng tới tình yêu chân thật. Cũng giống như khi chúng ta ném một viên sỏixuống mặt hồ tĩnh lặng: gợn sóng lăn tăn hình tròn bắt nguồn từ viên sỏi này và lan dần ra mãi đến khi chạm được bến bờ. Nếu bạn ngăn không cho vòng tròn gợn sóng này lan tỏa thì bạn không mong gì nó có thể chạm được bến bờ xa nhất.

Một người biết rõ hiện tượng này: Hãy ngăn không cho mọi người yêu thương chính mình và rồi bạn sẽ hủy diệt khả năng yêu thương trong họ. Lúc này bất kỳ thứ gì họ nghĩ là tình yêu cũng đều là thứ giả tạo. Đó có thể là bổn phận, không phải là tình yêu (bổn phận là một từ ngữ giả tạo). Cha mẹ hoàn tất bổn phận của mình dành cho con cái, sau đó con cái hoàn tất bổn phận của mình dành cho cha mẹ; vợ hoàn tất bổn phận đối với chồng, chồng hoàn tất bổn phận đối với vợ. Đâu là tình yêu?
Tình yêu không bao giờ biết đến bổn phận. Bổn phận là gánh nặng, là sự khách sáo. Tình  yêu là niềm vui, là sự chia sẻ, tình yêu là sự thân mật. Một người yêu thương không bao giờ nghĩ rằng “Mình đã gia ơn cho họ”. Ngược lại, anh ta chỉ nghĩ “Họ đã nhận tình yêu của mình, mình thật biết ơn họ. Họ đã gia ơn cho mình qua việc nhận lấy món quà của mình, thay vì từ chối”.

Một người sống cùng bổn phận nghĩ rằng “Mình là người có nhiệm vụ đặc biệt, mình là người cao hơn. Hãy nhìn xem mình đã phục vụ mọi người, mình đã gia ơn cho họ”. Những người phục vụ mọi người là những người giả tạo nhất trên thế gian (và cũng là những người ranh mãnh nhất).
Nhưng trong suốt nhiều thế kỷ qua bạn đã bị đầu độc. Bạn luôn sợ hãi thứ tình yêu dành cho chính mình - đây là bước đầu tiên hướng đến thứ tình yêu đích thực. Mộtngười yêu thương và tôn trọng chính mình cũng sẽ yêu thương và tôn trong người khác vì anh ta biết rằng: “Nếu mình có quyền hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc, niềm vinh quang thì mọi người cũng được hưởng những thứ đó”. Anh ta ý thức được rằng về cơ bản thì toàn nhân loại đều như nhau, đều là một. Vâng, đúng vậy, chúng ta không khác nhau, chúng ta bị chi phối bởi cùng một quy luật tự nhiên. Đức Phật nói rằng chúng ta cùng sống dưới một quy luật của vũ trụ - aes dhammo sanantano. Xét chi tiết thì chúng ta hơi khác biệt so với nhau - điều đó tạo ra sự đa dạng, tạo ra nét đẹp của nhân loại - nhưng về cơ bản chúng ta không khác nhau.
Một người yêu thương chính mình sẽ sống vui cùng tình yêu, tình yêu trong anh ta ngày càng thêm mạnh mẽ, nó sẽ lan tràn, nó sẽ tỏa khắp đến với mọi người. Nó phải tỏa khắp!     Nếu bạn sống cùng tình yêu, nhất định bạn phải chia sẻ tình yêu. Bạn không thể chỉ yêu thương chính mình đến mãi mãi, vì dù sớm dù muộn bạn cũng nhận ra được một điều: nếu tình yêu dành cho chính mình tuyệt vời đến thế thì sẽ thật tuyệt biết bao nếu ta chia sẻ tình yêu này cùng mọi người!
Rồi thì gợn sóng lăn tăn này sẽ vươn xa hơn nữa. Bạn yêu thương mọi người, rồi thì bạn bắt đầu yêu thương động vật, chim chóc, cây cỏ, núi non. Bạn có thể lấp đầy vũ trụ này bằng tình yêu của mình. Chỉ một người thôi cũng có thể lấp đầy vũ trụ này bằng tình yêu, cũng giống như chỉ một gợn sóng lăn tăn cũng có thể lấp đầy mặt hồ bằng những gợn sóng - chỉ một mà thôi.
Chỉ có Đức Phật mới có thể nói rằng Hãy yêu thương chính mình. Một số người không thể đồng ý với điều đó, vì điều đó sẽ hủy diệt toàn bộ lâu đài của họ, hủy diệt toàn bộ lâu đài của họ, hủy diệt toàn bộ hệ thống lợi dụng bóc lột của họ. Nếu một người không được phép yêu thương chính mình thì tinh thần anh ta sẽ ngày một suy yếu. Thể chất của anh ta có thể phát triển nhưng anh ta không có sức mạnh tinh thần vì không một dưỡng chất nào nuôi dưỡng tâm hồn anh ta cả. Anh ta chỉ là một cái xác không hồn mà thôi. Hạt giống tâm hồn chỉ có thể nảy mầm khi bạn tìm được loại đất thích hợp để nó phát triển: tình yêu. Bạn mãi mãi không tìm được thứ đất này nếu bạn vẫn bám theo lời dạy xuẩn ngốc này “Đừng yêu thương chính mình”.
Tôi cũng khuyên bạn nên yêu thương chính mình trước tiên. Tình yêu chẳng liên quan gì đến bản ngã. Thực ra tình yêu là một thứ ánh sáng mà thứ bóng tối của bản ngã không thể tồn tại trong đó. Nếu bạn chỉ yêu thươngngười khác, nếu tình yêu của bạn chỉ dành cho người khác, bạn sẽ mãi mãi sống trong bóng tối. Trước tiên bạn cần phải đắm mình trong thứ ánh sáng đó, hãy để ánh sáng len lỏi vào mọi ngóc ngách trong tâm hồn bạn, hãy để tình yêu giúp bạn có một sức mạnh phi thường.

Một khi tâm hồn bạn đã trở nên mạnh mẽ, bạn biết rằng mình sẽ không chết, bạn sẽ trở nên bất diệt. Tình yêu giúp bạn có được sự thấu hiểu đầu tiên về sự bất diệt. Tình yêu là trải nghiệm duy nhất không chịu ảnh hưởng bởi thời gian, đó là lý do những người yêu nhau không sợ chết. Tình yêu không biết đến cái chết. Một khoảnh khắc của tình yêu luôn kéo dài đến vô tận.
Nhưng tình yêu cần phải bắt đầu ngay từ điểm đầu tiên. Tình yêu phải bắt đầu từ bước đầu tiên: Hãy yêu thương chính mình


Đừng chỉ trích chính mình. Bạn đã bị chỉ trích quá nhiều rồi, bạn đã chấp nhận tất cả những lời chỉ trích đó. Giờ thì bạn tiếp tục tự gây hại cho chính mình. Không ai nghĩ rằng mình là người đáng giá, không ai nghĩ rằng mình là kiệt tác của Thượng đế; không ai nghĩ rằng mình là người không thể thiếu trên đời. Đây là những ý tưởng độc hại. Bạn đã bị tẩm độc vào nguồn sữa của mẹ mình (và đây là toàn bộ quá khứ của bạn). Nhân loại đã sống dưới bóng tối, bóng tối của sự tự chỉ trích mình. Nếu bạn chỉ trích chính mình, nếu bạn kết án chính mình, nếu bạn tự đè nặng chính mình, làm sao bạn có thể phát triển được? Làm sao bạn có thể trưởng thành được? Nếu bạn tự chỉ trích chính mình, làm sao bạn có thể nâng niu quý trọng sự sống được? Nếu bạn không thể nâng niu quý trọng sự sống của chính mình, bạn sẽ không thể nào nâng niu quý trọng sự sống của người khác; đó là điều không thể.
Bạn chỉ có thể trở thành một phần của cái trọn vẹn khi bạn có sự quý trọng dành cho Thượng đế tiềm ẩn trong lòng. Bạn là người chủ nhà, Thượng đế là khách mời của bạn. Qua tình yêu dành cho chính mình bạn sẽ biết được điều này: Thượng đế đã chọn bạn làm nơi trú ẩn. Khi chọn bạn làm nơi trú ẩn, Thượng đế đã quý trọng bạn, yêu thương bạn. Khi tạo ra bạn Thượng đế đã thể hiện tình yêu dành cho bạn. Người không tạo ra bạn một cách vô tình; Người đã tạo ra bạn với một vận mệnh nào đó, với một tiềm năng nào đó, với niềm vinh dự nào đó mà bạn phải đạt được. Vâng, Thượng đế đã tạo ra con người qua hình ảnh của chính mình. Nhân loại phải trở thành Thượng đế. Nếu nhân loại không trở thành Thượng đế thì sự mãn nguyện không thể xuất hiện.Nhưng làm sao bạn có thể trở thành Thượng đế? Ai đó nói rằng bạn là một tội đồ. Ai đó của bạn nói rằng bạn là người bị kết tội, rằng bạn sẽ bị đày xuống địa ngục. Họ khiến bạn sợ hãi sự tự yêu thương chính mình. Đây là mánh lới của họ, cắt phăng gốc rễ của tình yêu. Họ là những người rất xảo quyệt. Họ nói “Hãy yêu thương người khác”. Lúc này tình yêu của bạn trở thành một thứ tình yêu giả tạo.
Họ nói “Hãy yêu thương nhân loại, yêu thương đất mẹ, yêu thương cuộc sống, yêu thương Chúa trời”. Những ngôn từ to lớn nhưng hoàn toàn vô nghĩa. Bạn đã bao giờ gặp gỡ ai chưa? Bạn luôn luôn gặp gỡ mọi người và bạn đã chỉ trích kết tội ngay người đầu tiên bạn gặp gỡ, đó chính là bạn.
Bạn chưa bao giờ tôn trọng chính mình, bạn chưa bao giờ yêu thương chính mình. Cuộc sống của bạn sẽ trở nên hoang phí qua việc không ngừng chỉ trích mọi người. Thế nên mọi người trở thành những kẻ vạch lá tìm sâu. Họ tìm kiếm từng lỗi lầm nhỏ nơi chính mình (thế thì làm sao họ lại không tìm kiếm lỗi lầm nơi người khác?). Thật thế, họ nhất định sẽ tìm ra được những lỗi lầm, rồi họ cường điệu hóa chúng lên, họ thổi phồng chúng lên càng lớn càng tốt. Thế nên trong nhân loại luôn tồn tại những lời chỉ trích và thiếu tình yêu.
Tôi nói rằng đây là một trong số những câu kinh của Đức Phật và chỉ có một người thức tỉnh mới có thể cho bạn thấy rõ sự sáng suốt này.
Người nói Hãy yêu thương chính mình... Đây có thể là nền tảng cơ bản của sự thay đổi thực sự. Đừng sợ hãi tình yêu dành chobạn sẽ phải ngạc nhiên: Ngày bạn có thể vứt bỏ được sự tự chỉ trích mình, sự tự bất kính mình - ngày bạn có thể vứt bỏ ý tưởng về sự tội lỗi sơ khai, ngày bạn có thể nghĩ rằng mình là một đối tượng quý giá và được cuộc sống yêu thương - ngày đó sẽ là một ngày tràn ngập niềm vui sướng. Từ ngày đó trở đi bạn sẽ bắt đầu nhận ra được chân giá trị của từng người và bạn sẽ có được lòng từ bi đúng nghĩa. Đó không phải là lòng từ bi do bạn tích lũy được; đó sẽ là một suối nguồn yêu thương tuôn chảy tự nhiên.
Một người yêu thương chính mình có thể dễ dàng trầm tư mặc tưởng, dễ dàng tham gia thiền định, vì sự thiền định có nghĩa là sống cùng chính mình. Nếu bạn căm ghét chính mình - như bạn đã từng làm, như bạn đã được dạy bảo - nếu bạn căm ghét chính mình, làm sao bạn có thể chung sống với chính mình? Thiền chính mình.Thiền định là sự vui sống cùng chính mình. Tôn vinh chính mình, đó chính là thiền định.

Thiền định không phải là một mối quan hệ; bạn không cần phải có ai đó để thiền định, bạn chỉ cần có chính mình. Bạn vui vì mình xuất hiện trong đời sống này, bạn vui với sự sống của chính mình.
Phép mầu lớn nhất trên thế gian chính là sự sống. Sự sống là điều kỳ diệu nhất và thiền định giúp bạn mở cánh cửa dẫn tới điều kỳ diệu này. Nhưng chỉ những ai yêu thương cô mới có thể thiền định; nếu không bạn sẽ luôn luôn trốn chạy khỏi chính mình, tránh né chính mình. Có ai muốn ngắm nhìn một khuôn mặt xấu xí và muốn chung sống với một con người xấu xí? Có ai muốn tìm hiểu về vũng bùn trong chính mình, bóng tối trong chính mình? Bạn muốn che đậy tất cả những thứ này bằng những bông hoa xinh đẹp, bạn tự giả tạo với  chính mình, bạn luôn muốn trốn chạy khỏi chính mình.

Người ta vẫn không ngừng tìm kiếm bạn bè. Họ không thể chung sống cùng chính mình; họ muốn sống cùng người khác. Người ta vẫn không ngừng tìm kiếm bạn bè, chỉ cần họ tránh né được chính họ hoặc họ có thể tìm đến bất kỳ thứ gì có thể giúp họ trốn chạy khỏi chính mình. Họ sẽ đến rạp hát và ngồi đó liên tục ba giờ đồng hồ để xem một cái gì đó hoàn toàn ngớ ngẩn. Họ sẽ tìm đọc một cuốn tiểu thuyết trinh thám nào đó để giết thời gian. Họ đọc đi đọc lại cùng một tờ báo để tự làm mình bận bịu. Họ sẽ chơi bài, chơi cờ chỉ để giết thời gian (cứ như thể họ có nhiều thời gian lắm vậy).
Nhưng đây là một trong những rắc rối cơ bản được tạo ra bởi lối nuôi dạy Mỹ xem truyền hình năm tiếng đồng hồ một ngày và chứng bệnh này đang lan tràn khắp toàn cầu. Bạn trông thấy gì? Bạn nhận được gì? Bạn chỉ khiến mắt mình nhòe đi...

Nếu bạn không xem truyền hình thì bạn tìm kiếm bất kỳ thứ gì có thể giúp bạn tránh né chính mình. Bạn luôn tìm cách tránh né chính mình vì bạn nghĩ rằng mình là một cái gì đó rất xấu xí. Ai đã khiến bạn trở nên xấu xí như thế? Có thể họ là bất cứ ai. Họ là người đã khiến bạn trở nên xấu xí như thế (và họ đã thành công; họ đã làm cho mọi người trở nên xấu xí).
Một đứa bé được sinh ra đẹp đẽ và rồi chúng ta bắt đầu bóp méo vẻ đẹp của nó, chúng ta phá hỏng nó theo nhiều cách khác nhau, chúng ta làm tê liệt nó theo nhiều cách khác nhau, chúng ta khiến nó mất cân bằng. Dù sớm dù muộn thì nó sẽ tự chán ghét chính nó. Kết quả là nó tìm mọi cách để tự trốn tránh chínhmình.


Hãy yêu thương chính mình, Đức Phật nói. Điều này có thể thay đổi toàn thế giới. Nó có thể đẩy lùi mọi sự xấu xí trong quá khứ. Nó có thể tạo ra một kỷ nguyên mới, nó có thể là điểm khởi đầu của một nhân loại mới.
Thế nên tôi luôn cổ xúy tình yêu (nhưng tình yêu phải khởi đầu từ chính mình, rồi thì nó sẽ tiếp tục lan tràn, bạn không cần phải làm gì cả, tự nó sẽ tỏa khắp vũ trụ này).
Hãy yêu thương chính mình, Đức Phật nói, rồi Người lập tức nói hãy quan sát. Đó là sự thiền định - Đức Phật gọi sự thiền định là sự quan sát. Nhưng trước tiên là bạn cần phải yêu thương chính mình, rồi sau đó bạn quan sát. Nếu bạn không yêu thương chính mình và bạn bắt đầu quan sát, bạn có thể cảm thấy muốn tự sát! Nhiều tín đồ Phật giáo cảm thấy muốn tự sát vì họ không chú ý đến phần đầu của câu  kinh này. Họ lập tức ứng dụng phần thứ hai: “Hãy quan sát chính mình”. Thật vậy, trước khiquan sát chính mình bạn cần phải yêu thương chính mình.

Socrates nói “Hãy tự biết mình”. Đức Phật nói “Hãy yêu thương chính mình” và Đức Phật đúng hơn nhiều vì trừ khi bạn yêu thương chính mình. Nếu không bạn sẽ chẳng bao giờ biết được chính mình, sự hiểu biết chỉ xuất hiện sau. Tình yêu là nền tảng cho sự tự biết mình.
Một dạo, tôi ở cùng một tu sĩ Phật giáo, Jagdish Kashyap; giờ thì ông đã qua đời. Ông là một người tốt. Chúng tôi đã nói về Phật pháp và cũng nói về câu kinh này. Ông bắt đầu nói về việc quan sát, cứ như thể ông chưa hề đọc được phần đầu của câu kinh này, ông lướt qua nó như không hề nhìn thấy nó.
Tôi nói với Jagdish Kashyap “Đợi đã! Ngài vừa  bỏ sót một điều rất quan trọng. Việc quan sát chỉ là bước thứ hai, thế mà ngài lại xem nó là bước đầu tiên. Đó không thể là bước đầu tiên được”.

Sau đó ông đọc lại câu kinh này và nói với một ánh mắt bối rối “Tôi đã đọc Phật pháp cả đời mình và ắt hẳn tôi đã đọc câu kinh này hàng triệu lần. Tôi có thể đọc đúng từng chữ mà không cần phải nhìn vào sách, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng ‘Hãy yêu thương chính mình’ là phần đầu của thiền định, ‘quan sát’ là phần thứ hai”.
Đây cũng là những gì xảy ra với hàng triệu tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới, kể cả các tín đồ Phật giáo mới ở Tây phương. Tất cả đều phạm cùng một lỗi như thế. Không ai nghĩ rằng việc yêu thương chính mình là nền tảng cho sự tự biết mình, cho việc tự quan sát chính mình... vì trừ khi bạn yêu thương chính  mình; nếu không, bạn không thể đối mặt với chính mình. Bạn sẽ tránh né. Sự quan sát của bạn có thể chỉ là một hình thức tránh né chính mình.
Trước tiên: Hãy yêu thương chính mình và quan sát: hôm nay, ngày mai, mãi đến về sau.
Hãy yêu thể xác của mình, hãy yêu tâm hồn mình. Hãy yêu tất cả mọi cơ quan trong chính mình. Hãy chấp nhận tình yêu. Đừng đè nén nó. Chúng ta chỉ đè nén nó khi chúng ta căm ghét một thứ gì đó, chúng ta chỉ đè nén nó khi chúng ta phản đối một thứ gì đó. Đừng đè nén vì nếu bạn đè nén thì làm sao bạn có thể quan sát được? Chúng ta không thể nhìn thẳng vào mắt kẻ thù; chúng ta chỉ có thể nhìn thẳng vào mắt người mình yêu thương. Nếu bạn không phải là người yêu của chính mình thì bạn không thể nhìn thẳng vào đtại của chính mình .
Quan sát là thiền định, đó là tên gọi mà Đức Phật dành cho sự thiền định. Người nói: Hãy thức tỉnh. Đừng hành xử theo cách ngái ngủ. Đừng vận hành như một cỗ máy. Đó là cách mọi người đang vận hành.

Mike vừa dọn đến một căn hộ và anh ta quyết định rằng mình nên làm quen với người hàng xóm đối diện nhà mình. Khi cánh cửa nhà hàng xóm mở ra, anh ta ngạc nhiên khi trông thấy một cô gái trẻ đẹp với mái tóc bồng bềnh vàng óng.
Mike nhìn thẳng vào mắt cô ta và nói “Xin chào! Anh là hàng xóm mới của cưng đây, cho anh làm quen nhé?”.

Mọi người vẫn sống một cách vô thức. Họ không ý thức được họ đang nói gì, họ đang làm gì (họ không thận trọng). Mọi người vẫn không ngừng ước đoán, họ không quan sát; họ không
có sự sâu sắc, họ không thể có. Sự sâu sắc chỉ xuất hiện qua sự thận trọng, qua sự thức tỉnh; khi đó bạn có thể quan sát với đôi mắt nhắm nghiền. Ngay lúc này đây, bạn không thể quan sát ngay cả khi mắt mình mở thật to. Bạn ước đoán, bạn suy luận, bạn dự kiến, bạn áp đặt.


Grace nằm lên ghế của một chuyên gia tâm lý.
“Hãy nhắm mắt lại và thư giãn”, bác sĩ nói “và tôi sẽ làm một thử nghiệm”.
Anh ta lấy chùm chìa khóa từ túi của mình, xòe nó ra và lắc nó nhè nhẹ. “Âm thanh đó khiến bạn nhớ đến điều gì?” anh ta hỏi.
“Tình dục”, cô ta thều thào.
Rồi thì anh ta xếp nó lại và chạm nó vào lòng bàn tay cô. Toàn thân cô ta trở nên bất động.
“Và cái này?”, anh ta hỏi.
“Tình dục”, Grace lẩm bẩm.


Bây giờ bạn hãy mở mắt ra”, bác sĩ nói, “và hãy nói cho tôi biết tại sao tình dục lại xuất hiện trong đầu bạn”.
Với vẻ ngại ngần, mí mắt cô ta mấp máy và mở ra. Grace trông thấy chùm chìa khóa trên tay của vị bác sĩ và cô ta đỏ mặt.
“Ờ thì... ban đầu”, cô ta ấp úng, “tôi nghĩ rằng đó là tiếng khóa kéo (phéc-mơ-tuya) được mở ra...”.

Tâm hồn bạn không ngừng ước đoán, nó tự áp đặt chính nó. Tâm hồn bạn không ngừng suy luận về thực tại. Tâm hồn bạn không bao giờ cho phép bạn nhìn nhận rõ thực tại; nó chỉ cho phép bạn nhìn thấy những gì nó muốn nhìn thấy.
Các nhà khoa học đã từng nghĩ rằng mọi giác quan của chúng ta (mắt, mũi, miệng...) tất cả đều nhằm mục đích nối liền chúng ta với thực tại. Nhưng giờ đây toàn bộ sự hiểu biết này đãthay đổi. Giờ nó nói rằng các giác quan và tâm hồn chúng ta không phải là cầu nối với thực tại mà là để cảnh giác thực tại. Chỉ hai phần trăm thực tại thực sự có thể đi vào tâm trí bạn; chín mươi tám phần trăm còn lại bị chặn đứng từ bên ngoài. Hai phần trăm vượt qua được các giác quan của bạn phải qua nhiều rào chắn nữa mới đến được với linh hồn bạn, lúc này nó không còn là chính nó nữa.

Thiền định có nghĩa là gạt bỏ mọi giác quan và suy nghĩ sang một bên để chúng không can thiệp vào thực tại, chỉ khi đó bạn mới cso thể nhìn nhận thực tại theo đúng sự thật về nó.
Tại sao tâm hồn lại không ngừng suy diễn? Vì tâm hồn được tạo ra bởi xã hội. Chính tâm hồn của bạn đang chống lại bạn. Nó đã bị gò ép bởi xã hội; xã hội đã khắc ghi nhiều thứ vào tâm hồn bạn. Nó là tâm hồn của bạn nhưng nó không còn phục vụ bạn nữa, nó vận hành nhằm phục vụ cho xã hội. Nếu bạn là một tín đồ Thiên chúa giáo thì nó vận hành nhằm phục vụ cho Thiên chúa giáo, nếu bạn là một tín đồ Phật giáo thì tâm hồn bạn là một tâm hồn phục vụ cho Phật giáo. Nhưng thực tại không phải là Thiên chúa giáo cũng chẳng phải là Phật giáo; thực tại đơn giản chỉ là thực tại.

Bạn cần phải dẹp bỏ những tâm hồn này sang một bên: tâm hồn cộng sản, tâm hồn phát xít, tâm hồn Hồi giáo, tâm hồn Thiên chúa giáo... Có ba ngàn tôn giáo khác nhau trên trái đất này - tôn giáo lớn và tôn giáo nhỏ, môn phái lớn và môn phái nhỏ - ba ngàn. Thế nên trên thế giới tồn tại ba ngàn loại tâm hồn nhưng chỉ có một thực tại, một sự sống, một sự thật!
Thiền định có nghĩa là: Đặt tâm hồn sang một bên và quan sát. Bước đầu tiên: Hãy yêu thương chính mình sẽ giúp ích cho bạn rất  nhiều. Qua tình yêu dành cho chính mình bạn có thể xóa bỏ được những gì xã hội đã áp đặt lên bạn. Bạn sẽ được tự do thoát ra khỏi sự gò ép xưa nay của xã hội.

Bước thứ hai: quan sát. Bạn hãy quan sát. Đức Phật không nói rằng bạn hãy quan sát thứ gì - mọi thứ! Khi bạn bước đi, bạn hãy quan sát bước đi của chính mình. Khi bạn ăn uống, bạn hãy quan sát hành vi ăn uống của chính mình. Bạn hãy quan sát mọi thứ: hôm nay, ngày mai, mãi đến về sau.
Cuối cùng một khoảnh khắc sẽ xuất hiện khi bạn có thể quan sát ngay cả giấc ngủ của chính mình. Đó là đỉnh điểm của sự quan sát. Thân xác bạn chìm vào giấc ngủ và có một đối tượng quan sát luôn thức tỉnh. Đó là đỉnh điểm của sự quan sát. Ngay lúc này đây mọi việc diễn ra trái nghịch: Thân xác bạn thức tỉnh nhưng bạn lại đang ngủ say. Thể xác cần phải nghỉ ngơi nhưng ý thức của bạn không cần phải nghỉ ngơi. Ý thức của bạn là ý thức; nó là sự thức tỉnh, đó là bản chất của nó. Thể xác mệt mỏi vì thể xác bị chi phối bởi luật hấp dẫn. Chính luật hấp dẫn khiến bạn mệt mỏi. Khi bạn chạy nhanh bạn sẽ nhanh chóng bị mệt, khi bạn đi lên cầu thang bạn sẽ nhanh chóng bị mệt vì lực hấp dẫn của trái đất kéo bạn xuống. Thực ra thì khi bạn đứng bạn cũng bị mệt, khi bạn ngồi bạn cũng bị mệt. Khi bạn nằm dài xuống, chỉ khi đó thể xác bạn mới được nghỉ ngơi bởi vì lúc này bạn đã hòa hợp cùng luật hấp dẫn. Khi bạn đứng thẳng thì khi đó bạn đang đi ngược với luật hấp dẫn; máu phải vận chuyển hướng lên đầu, đi ngược với quy luật này; tim bạn phải đập mạnh.
Nhưng ý thức không vận hành dưới sự chi phối của luật hấp dẫn nên nó không bao giờ mệt mỏi. Luật hấp dẫn không thể tác động lên ý thức, nó không phải là một viên đá, nó không có trọng lượng. Nó vận hành theo một quy luật hoàn toàn khác: quy luật của sự thăng hoa. Sự hấp dẫn là sự kéo xuống, sự thăng hoa là sự bay lên.Thể xác không ngừng bị kéo xuống, đó là lý do tại sao cuối cùng nó phải nằm dưới một nấm mồ. Đó là sự thật dành cho thể xác, cát bụi thành cát bụi. Thể xác đã quay trở về với nguồn cội của nó, mọi gánh nặng đã không còn nữa, mọi xung đột đều biến mất.
Linh hồn bốc lên cao, ngày càng cao hơn. Khi đó bạn nhận thấy rằng mình như có được đôi cánh - bầu trời kia là của bạn.
Nhân loại là sự giao hòa giữa trời và đất, giữa linh hồn và thể xác.
OSHO