NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Mông đã lên ngôi!.





Trong mùa lễ Giáng Sinh và Tân Niên 2012, thị trường Nhật Bản nở rộ khác thường với nhiều loại “giấy vệ sinh” - hay gọi nôm na là “giấy đi cầu” - không những vượt quá chỉ tiêu hiện đại mà còn hết sức bắt mắt. Các cuộn giấy này được đặt trịnh trọng trong những chiếc hộp đẹp và lịch sự hoặc được gói vô cùng khéo léo trong một lớp giấy đặc biệt có chất… kích thích khiến người nào vừa đụng tới cũng tự nhiên cảm thấy có những luồng sóng nhẹ nhàng, ve vuốt trong bụng nên muốn sử dụng ngay. Thế nhưng đây là những “đặc sản” được chế tạo vào dịp này là để cho người ta mua làm “quà Christmas” và “quà New Year”. Dĩ nhiên giá đắt, sờ vào bỏng tay là cái chắc, nhưng nhằm nhò chi khi của lạ này mang lại niềm vui thú cho người nhận được quà. Vợ chồng, tình nhân, bạn hữu… tặng nhau loại giấy vệ sinh này thì quả thật hết chỗ chê nhờ các lời chúc mang những ý nghĩa như ân ái, nhớ thương, êm đềm, dịu dàng, mơn trớn, thống khoái, thỏa mãn… hay rất đơn giản: Sướng! Đã! hoặc bí hiểm với con số 69 - và cuộn giấy nào cũng được trang điểm bằng những hình vẽ mà thoáng nhìn cứ ngỡ là thật, chẳng hạn trái tim, bàn tay, núi rừng, suối tiên, tiền đô la… Thêm vào đó, có loại giấy vệ sinh in cả những kiến thức phổ thông, mẹo vặt, nữ công gia chánh, truyện tranh hoặc môn chơi ô chữ Sudoku hay chỉ dẫn cách gấp giấy Origami… 
Người Nhật còn thực tế hơn nữa khi nhớ cả tới những người mà hàng ngày họ không ưa nhau, vừa thấy mặt đã muốn chém, chưa biết tên đã rõ địa chỉ… nên các hãng sản xuất giấy vệ sinh đã sáng tạo mấy thứ đặc biệt khác nữa để những người này “tặng” nhau quà cũng chỉ nhằm bộc lộ tâm trạng bất mãn, bực tức thay vì chửi cha nhau. Đó là những giấy vệ sinh có hình vẽ dây kẽm gai, bàn chải sắt, bàn mài cà rốt hoặc kiểu khủng bố chỉ độc màu đen sì…
 
Những phát minh mới trong lãnh vực toa-lét
Những điều vừa kể trên đây lại một lần nữa chứng minh người Nhật đã đưa bộ mông của loài người lên ngôi lãnh tụ hoặc đưa việc đi cầu lên hàng đại lạc thú. Tôi nói “lại một lần nữa” tức là trước đây họ đã làm rồi. Đúng vậy, năm 2008 người Nhật đã sáng chế loại bàn-cầu-đầy-tớ, nghĩa là “chủ nhân” khi ngồi vào bàn cầu tiêu chỉ tốn chút hơi thôi còn các phần phụ diễn khác đã có “đầy tớ” phụ trách sau khi nhận được tín hiệu báo “xong” của chủ nhân. Chữ “đầy tớ” ở đây có 2 nghĩa tùy theo hãng sản xuất bàn cầu.
Theo hãng thứ nhất “đầy tớ” ý chỉ một tia nước ấm xịt rửa mông cho chủ nhân rồi một luồng hơi nóng phà ra “sấy” mông. Công ty thứ hai, “đầy tớ” là một “bàn tay” bọc loại vải sốp (êm như len) đồng thời với tia nước ấm rửa mông cho chủ nhân, sau đó lau, xoa, nắn bóp, tẩm quất mông lâu, mau tùy theo ý của chủ nhân bấm nút… “Bàn tay” này có hai loại để thân chủ có thể tùy hỉ “order”; chẳng hạn ai thích cảm giác mạnh thì chọn “bàn tay” của Samurai; ai ưa nhẹ nhàng thì lấy “bàn tay” của Geisha. Đã chưa!
Tháng 11 năm ngoái, kỹ nghệ toa-lét của con cháu Nữ Thần Mặt Trời (mà biểu hiệu trên quốc kỳ là một cái vòng tròn đỏ lòm nổi bật trên nền trắng) lại ghi thêm một bước tiến lịch sử khổng lồ nữa khi công ty INAX trưng bầy ở khu thương mại Ginza một bồn cầu gắn 72.000 viên pha lê óng ánh; giá bán đề 100.000 Mỹ kim. Đây là kết quả hợp tác giữa công ty INAX và tiệm kim hoàn Swarovski ở tận bên Áo (Austria). Giám Đốc Kazuro Summiya giải thích động lực sáng chế bồn cầu pha lê này là: “Để làm vui lòng thần Cầu Tiêu…”.
À thì ra vậy, nhưng “ngài” Giám Đốc lại không kể sự tích thần Cầu Tiêu của Nhật, hỏi nhiều người Nhật thứ thiệt thì chẳng ai biết. Kẻ hèn này đành phải tự biên tự diễn đi tìm, mãi sau mới biết - nhưng mạn phép nhấn mạnh, việc tường thuật ở dưới đây chỉ với mọi sự dè dặt và cẩn thận thường lệ và tuyệt nhiên không có cầu chứng tại tòa.

Sự tích Thần Cầu Tiêu của Nhật
“Khác với thần Bếp hay ông Táo của dân tộc Việt Nam, vì thuở chưa làm thần, ông Táo là người trần đúng hiệu, còn thần Cầu Tiêu của Nhật thời chưa được phong thần lại là con vật. Vâng, số là ngày xửa ngày xưa, thuở sâu bọ, thú vật cũng nói một thứ ngôn ngữ như người (trong truyện cổ tích này, đương nhiên phải là tiếng Nhật), hai con muỗi nọ vô tình gặp nhau: Muỗi Nhà (Domushita) và Muỗi Núi (Monmushito). Trong khi Muỗi Nhà béo tốt nhưng da thịt mềm nhũn; ngược lại, Muỗi Núi cứng cáp nhưng gầy. Tuy chưa quen biết nhau nhiều, nhưng Muỗi Núi vẫn thản nhiên mà thành khẩn khai báo ngay hoàn cảnh của mình: ‘Tôi vốn sinh trưởng ở ngọn Fuji, nhưng vì tuyết phủ đỉnh núi này quanh năm suốt tháng nên tôi sống được cũng chỉ nhờ gặm tuyết, nay tôi muốn đi phiêu lưu đây đó một thời gian xem có nơi nào ngon lành hơn không. Vậy anh biết chốn nào hay ho, làm ơn chỉ tôi’.


“Muỗi Nhà lắc đầu, thở dài: ‘Tôi ngày đêm chuyên ru rú trong bóng tối, sợ ánh sáng, nên chẳng biết gì bên ngoài nhà, chỉ rình lũ người sơ hở da thịt là bay ra… hút máu tươi’.
“Muỗi Núi nghe ‘máu tươi’ nhưng chẳng hề biết thứ thực phẩm này, tò mò muốn thử bằng cách tả oán nỗi lòng ‘trần ai khoai củ’ của mình. Muỗi Nhà nghe Muỗi Núi than thở liền mủi lòng nên quyết định liều mạng sa trường mà đưa vào nhà, nhưng lại sợ tên bạn mới này lơ ngơ e bị nguy hiểm. Muỗi Nhà bèn đưa hắn vào tạm trú ẩn trong cầu tiêu, hẹn đến đêm sẽ tới đón mà dẫn đi thưởng thức máu tươi của những người ngủ say.
“Nào ngờ, khi Muỗi Núi đang ‘lưu vong’ ở cầu tiêu thì bà chủ nhà đi cầu. Nhờ đã nghe Muỗi Nhà mô tả, Muỗi Núi biết đây chính là ‘con người’. Bỗng ‘con người’ này ngồi xuống, để hở cả một phần da thịt trắng hếu cũng có hình dáng cong vòng như thể một ngọn núi. Muỗi Núi vốn quen sinh hoạt ở ngoài thiên nhiên nên hiếu động mà thiếu kiên nhẫn, bèn vội bay ra rồi hạ cánh, chúi mũi kim đâm thẳng vào mục tiêu béo bở mà Muỗi Núi tin là nơi có nhiều máu tươi. Bà chủ nhà bỗng cảm thấy đau nhói nơi mông, lập tức giơ thẳng bàn tay rồi vỗ… độp. Muỗi Núi bị nát thây, nhưng theo tín ngưỡng dân gian, vì chết ở chốn cầu tiêu, nhất là chết đúng vào giờ linh nên Muỗi Núi lập tức được mang tính thiêng liêng.
“Từ ngày đó Muỗi Núi được dân chúng Nhật tôn làm thần Cầu Tiêu. Ai biết ‘điếu đóm’ cho thần thì được dễ dàng tiêu hóa, bằng ngược lại thì bị táo bón kinh niên”.
Thành thử ngày nay không lạ khi thấy dân chúng Nhật nỗ lực không ngừng nâng cấp toa-lét. Một suy đoán chắc như đinh đóng cột là sau những sáng chế vượt chỉ tiêu kể trên, các công ty Nhật, điển hình như công ty INAX, công ty Lixil… sẽ còn có thêm nhiều dự án toa-lét vô tiền khoáng hậu nữa; chẳng hạn, cạnh bồn cầu sẽ còn có bàn cờ tướng hay bàn để rượu Sake với những dĩa Sushi - hoặc nếu không định đánh chén mà muốn hưởng sự thanh tịnh thì cạnh bàn cầu cũng sẽ gắn bàn để bình trà, bởi vì gì chứ trà đối với người Nhật là một thứ bất khả thiếu, chẳng thế mà việc uống trà đã được được đưa lên hàng nghệ thuật hay trà đạo. Theo nhật báo Arigato, tới mùa Hè năm 2015, Nhật sẽ có những toa-lét công cộng được xây dựng ở lòng biển tại các thành phố duyên hải du lịch. Ngoài các tiết mục thưởng thức các món ăn, thức uống tuyệt hảo, khách sử dụng toa-lét còn vừa ngồi “trút bầu tâm sự” vừa được ngắm phong cảnh thủy cung với nhiều đàn cá đủ loại nhởn nhơ bơi lội. Theo những tin đồn, giá cả mới nghe cũng đủ chóng mặt: Giờ đầu 300 đô, những giờ sau được bớt từ 10-35 phần trăm. Trường hợp “emergency” thì được hưởng giá đặc biệt, nhưng nếu xuất trình được giấy bác sĩ thì được hưởng “free” bồn cầu, tuy nhiên vẫn phải trả các chi phí khác…
Tóm lại, nói theo lời vàng ý ngọc của Giám Đốc Kazuro Summiiya, tất cả những công trình phát triển toa-lét trên đây là “để làm vui lòng thần Câu Tiêu” - thế nhưng đồng thời cũng còn nhằm phát triển nền kinh tế nước Nhật.
 
Định nghĩa “mông”
Một khi thần Cầu Tiêu càng vui lòng thì mông loài người càng lên giá. Thế nhưng trước khi bàn chuyện tiếp, kẻ hèn này đề nghị tạm ngưng trong giây lát để tìm hiểu “mông” là gì và tại sao lại có từ ngữ “mông”, bởi một khi biết được ngõ ngách, ta đang sướng lại càng sướng gấp đôi. Hơn nữa, động lực quan trọng buộc ta tìm hiểu nằm ở truyện cổ tích Nhật Bản: Thần Cầu Tiêu chết trên mông đàn bà!
Theo thiển ý, “mông” còn có 2 tiếng đồng nghĩa khác, một của chữ Nôm: Đít - và một của chữ Hán Việt: Bàn tọa.
- Đít: Đồng bào miền Bắc nói “đít” nhiều hơn “mông”. Theo ngôn ngữ học, có nhiều tiếng/từ ngữ “xuất xứ” từ các nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn do tục kiêng húy mà đọc/nói trại ra (mispronounce), thí dụ vì kỵ húy tên của chúa Nguyễn Hoàng mà đồng bào miền Nam đã không dám nói chữ “hoàng” nhưng phát âm trại thành “huỳnh”. Tuy nhiên nguyên nhân phong thổ chiếm phần chính yếu. Ấy như có lần tôi đã nêu trường hợp đồng bào Bùi Chu, Phát Diệm… phát âm thanh “th” thành “s”, như “thịt” thành “sịt”: “Lấy kim chích ‘sịt’ thì đau - Lấy ‘sịt’ chích ‘sịt’ nhớ nhau muôn đời”!
Vậy thì kẻ hèn nay dám cá là từ “đít” bởi từ “đét” mà ra. “Đét” là âm thanh của roi, vọt quất vào “mông” rồi dần dần “đét” thành “đít” lúc nào không hay. Dĩ nhiên tiến trình phải mất có thể cả mấy chục thế hệ. Nay thì “đét” là động từ, trong khi “đít” là danh từ. Thiếu gì bậc cha mẹ vẫn dọa đánh đòn con: “Tao đét cho mày một trận bây giờ”. Thú thật, âm “đét” nghe đỡ sắt máu, đỡ bạo lực hơn “đánh”. Nhưng đôi khi cũng có cụ nọ xúi cụ kia: “Cứ đít nó mà đét!”.
- Mông: Với từ ngữ nay kẻ hèn này thú thật mù tịt về nguồn gốc, nhưng “xứ này là xứ tự do”, vậy ngu gì mà không lợi dụng hoàn cảnh và thời cơ để phịa ra cho vui cửa vui nhà. Tiếng/từ “mông” được đồng bào miền Nam dùng nhiều hơn “đít”, bởi ảnh hưởng của người Pháp xâm nhập miền Nam trước miền Bắc. Nếu đã công nhận như vậy, ắt ta cũng dễ dàng đồng thuận chữ “mông” là do chữ “mont” tiếng Pháp. Hai từ này được phát âm giống nhau, dĩ nhiên khác nghĩa nhưng lại “vô tình” cùng mang hình ảnh tương tự nhau. “Mont” là núi. Vậy cái “mông” của ta chẳng giống cái “núi” là gì đấy!
Ai không tin cứ rình lúc nào mình ở nhà một mình mà cởi quần ra đoạn nằm sấp xuống rồi nghiêng nghiêng đầu nhìn vào tấm gương (kiếng) đã đặt sẵn song song với bên hông của mình. Bạn thấy gì? Cái mông! Thưa, không phải. Cặp núi đấy! Nếu mông nhọn, ta gọi là núi trẻ như “Mont Blanc” hay “Mont Everest”; nếu mông cong vòng như cầu vồng, ta gọi là núi già (vì bị gió, mưa xoi mòn nhiều nên cái ngọn nhọn đã bị bào bớt đi rồi) như ngọn Châu Thới ở miền Nam Việt Nam hay phần nhiều ngọn trên San José, Bắc California.
- Bàn tọa: Như trên đã nói, từ này bởi chữ Hán (tiếng Hoa/Tàu) đọc âm Việt. “Bàn tọa” là cái “bàn” để ngồi, nói về công dụng của hai khối thịt ở phía sau hạ thể để khi ta ngồi, nó đỡ thân xác của ta. Nếu hai khối thịt này mà dầy, đầy đặn thì ta cảm thấy ngồi êm ái như thể ngồi trên nệm bông; ngược lại, hai khối thịt này mà teo lại, thu dọn chiến trường sớm thì chủ nhân ngồi đau tuy nỗi đau không bằng cảnh “gái ngồi phải cọc”, nhưng cũng cảm thấy khó chịu, thốn đến tận bao tử, gan ruột.
Tuy vậy, từ “bàn tọa” nghe nghiêm trang quá, không tượng thanh, tượng hình bằng “đít” hay “mông”.
Nói tóm lại thì cả ba từ ngữ này đều chỉ một bộ phận quá ư quan trọng nơi con người - chẳng thế mà ngày xưa các cặp tình nhân đã lấy mông để bộc lộ tâm trạng xa cách của mình:
“Mình về mình nhớ ta không?
Ta về, ta nhớ cái mông mình tròn!”
“Rô măng tịch” hết thuốc chữa! Thế nhưng lai rai nói chuyện một tuần không thể diễn tả hết các khía cạnh chính yếu của “mông” mà phải tiếp tục ít nhất một tuần lễ nữa. Vậy hẹn tái ngộ! 

Không có nhận xét nào: