NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Hãy tự hiểu mình..!


"Hãy tự hiểu mình" - đó là câu châm ngôn nổi tiếng của nhà triết học lừng danh cổ Hy Lạp Socrates. Câu châm ngôn này đã được khắc tại đền thờ Thần Mặt Trời Apollon ở Delphes. Kể từ bấy đến nay, nó như tiếng kèn xung trận, thúc giục con người hãy tự hiểu lấy bản thân mình.


Quả vậy, có nhiều lúc chúng ta không hiểu chính bản thân ta. Nhà văn Nga nổi tiếng Dostôievski có viết cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội “Tội ác và trừng phạt”, trong đó mô tả một trí thức cùng khổ đã giết người một cách vô ý thức. Lúc đó anh ta mới phát hiện ra rằng, thật ra anh ta không biết mình là ai, nguyện vọng và động cơ thực sự của mình là gì.
 
Bạn tin những sự việc như thế có thể xảy ra được không?
 
Các nhà tâm lý học đã nghiên cứu nghiêm túc vấn đề này, ý kiến của họ ủng hộ quan điểm của nhà văn. Quả thế, có lúc con người ta không biết mình đang nghĩ gì, thậm chí không biết mình rút cục là con người như thế nào. Thì ra, tâm lý con người chúng ta thật ra không đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ. Tâm lý người đại để chia thành hai tầng bậc, nội dung của mỗi tầng không giống nhau và con người cảm thụ những hoạt động trong mỗi tầng ấy cũng khác nhau. Ý thức của con người giống như một núi băng trôi trên mặt biển. Những điều mà chúng ta cảm nhận được chỉ là một phần nhỏ nổi trên mặt nước, còn đại bộ phận ẩn chìm dưới mặt biển giá băng.
 
Cuối thế kỷ XIX, công trình nghiên cứu của nhà tâm bệnh học Áo, giáo sư Freud, đã khám phá ra bí mật đó. Freud đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân tâm thần kỳ quặc, qua nhiều lần trao đổi, nói chuyện với các bệnh nhân đó, ông phát hiện ra rằng, bệnh tật của họ bắt nguồn từ một số sự việc đặc thù thời thơ ấu, thế nhưng khi hỏi các bệnh nhân thì họ đều trả lời “Làm gì có chuyện ấy!”. Vậy thì cái gì đã làm cho những bệnh nhân ấy quên đi những sự việc đau khổ ngày xưa? Liệu họ có quên thật không?
 
Freud phát minh ra phương pháp liên tưởng tự do, để cho bệnh nhân nằm bình ổn trên giường, kể hết cho bác sĩ nghe tất cả những cái gì đến trong đầu óc mình giờ phút ấy, còn bác sĩ thì khéo léo nắm bắt lấy những điểm nút trong lời kể đó, đồng thời không ngừng đặt câu hỏi buộc người bệnh phải nhớ lại thời thơ ấu của mình. Cuối cùng, sẽ có lúc người bệnh chợt nhớ đến những sự việc trước kia của mình.Freud rút ra kết luận, người bệnh thật ra không “quên” đâu, mà đem những chuyện không vui xếp xuống đáy núi băng tâm lý, Freud gọi tầng bậc này là “tiềm thức”.
 
Điểm hoàn toàn khác nhau giữa tiềm thức và ý thức là: Tiềm thức không được con người cảm nhận. Trong tiềm thức chứa đựng những năng lượng lớn lao của tâm lý con người, những xung động nguyên thuỷ và những sự việc cần lãng quên. Đây là những thành phần tương đối linh động trong nội tâm con người. Thế nhưng, trừ phi những trường hợp đặc biệt, những sự vật trong tiềm thức không tự biểu hiện ra.
 
Bộ phận núi băng tâm lý lộ trên mặt biển không giống tiềm thức. Nội dung của bộ phận này gọi là ý thức. Những sự việc chúng ta có thể cảm thụ, ghi nhớ, hình dung rõ ràng thuộc phạm trù ý thức. Ý thức gắn chặt với quan niệm xã hội của con người. Chúng ta thường dùng những quan niệm xã hội đó để tự đánh giá mình, đồng thời ghi dấu ấn lên bản thân mình. Chẳng hạn, tôi là một người tốt bụng, tôi là người hiền lành...
 
Thế nhưng, khi gặp chuyện rắc rối, người tốt bụng có thể nổi xung, người hiền lành có thể đánh lộn, lúc ấy ngay chính bản thân ta cũng thấy hơi là lạ: “Sao lại thế nhỉ?”, “Ta rút cục là con người như thế nào?”. Kỳ thật, bạn vẫn là bạn, vẫn là con người vừa có ý thức, vừa có tiềm thức. Bạn có rất nhiều ước muốn và mơ tưởng mà chính bản thân bạn không biết. Bạn có rất nhiều phẩm chất mâu thuẫn với sự tự đánh giá của bạn.
 
Khi Freud đề xuất lý luận về phân tích tâm lý hay còn gọi là phân tâm học quả đã làm cho nhiều người, trong đó bao gồm cả các nhà tâm lý học cảm thấy ngỡ ngàng không tiếp thu nổi. Thế nhưng Freud đã đưa ra nhiều bệnh án và những lập luận chặt chẽ khiến mọi người tin phục, đồng thời ông đã xây dựng một phân ngành tâm lý học mới có tên là Phân tâm học (Psychoanalyze).
 
Ở đây ta không nên lấy làm lạ trước phát hiện của các nhà tâm lý học về tiềm thức, mà điều quan trọng là từ những phát hiện ấy ta rút ra được điều gì bổ ích.
 
Trước hết chúng ta cần hiểu rằng, bản thân ta rất phức tạp, không nên có những kết luận nóng vội về bản thân mình. Bạn phải quan sát mình, tìm hiểu mình, phát hiện mình, phải nhận thức mình thông qua những biểu hiện của mình trong những trường hợp đặc thù xem mình là con người như thế nào.
 
Thứ nữa, bạn phải biết tự sửa mình, phải làm cho mình trở thành con người hoàn thiện, chín chắn, thông minh, phải tiến hành phân tích, mổ xẻ một cách can đảm, thực sự cầu thị từng sự việc mà mình đã trải qua, xem trong số ấy những sự việc nào đem lại cho mình niềm vui, những sự việc nào đem lại cho mình đau khổ, và những niềm vui cùng nỗi đau ấy có quan hệ như thế nào với sự thể hiện mình.
Chỉ khi thực sự thực hành được hai điểm nói trên, con người mới có thể dần dần chín chắn, mới có thể rút ra được những bài học thông qua những cảnh ngộ đã qua, mới có thể không ngừng tự hoàn thiện mình, gạt bỏ những tâm lý không lành mạnh.
Đương nhiên, nhận thức chính xác mình không phải là chuyện ngày một ngày hai. Có lúc, chúng ta không thể không cầu cứu các bác sĩ tâm lý, nhưng dù thế nào, chỉ những người nhận thức đúng đắn mình mới có thể nhận thức đúng đắn thế giới, mới có thể trụ vững và đi tới thành công trong thời đại luôn luôn biến đổi này.

Không có nhận xét nào: