NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Của mình, của người ...


Của mình, của người
Nguyễn Ngọc Tư


1


Những lần làm việc đến nửa khuya, lúc đặt lưng xuống giường mới hay đã quá giấc, đành bấm bụng đếm đêm bao nhiêu dài. Nằm chờ cơn buồn ngủ tới, tiếng nhạc từ đâu vẳng lại, xao xác. Có lúc nghe gần, thủ thỉ như chỉ cách một tấm vách, có lúc lại xa xăm như tận cuối đường. Tôi nín thở. Có cảm giác nhạc hay đến mức còn chút xíu nữa là… chết (nếu chết là giới hạn cuối cùng). Ngạc nhiên quá chừng, những bản nhạc bolero bình dân, cũ sì bỗng dưng buộc người ta phải phung phí cảm xúc. Bữa sau, tôi lọ mọ ra tiệm bán băng đĩa khi họ mới vừa mở cửa. Chủ tiệm là người quen, trố con mắt khi tôi hỏi có “Xóm đêm” không... “Đồi thông hai mộ”... À, cả “Kiếp nghèo”, “Chuyến xe lam chiều”… Hớn hở na mớ đĩa về, mở máy và nghe… lãng xẹt. Ngờ ngợ, đến khuya mở lại, quả thật không hay như đã từng nghe lóm đêm đêm. Cảm giác dường như thiếu một chút hiu hắt, một chút rầu rĩ, một chút mộng mị, một chút xa vắng… Vừa tắt nhạc nhà mình đi, thì má ơi, đằng xóm vẳng lại “mưa rừng ơi mưa rừng, hạt mưa nhớ ai mưa triền miên…”

2


Cũng nhi nữ thường tình, tôi rất sợ gặp người xinh đẹp, trắng trẻo, chụp hình chung với họ còn khủng khiếp hơn. Cảm giác mình như cục than tèm lem đứng bên đống tuyết. Còn lại một mình, tôi cứ đứng trước gương, nghĩ về làn da trắng như nước cơm vo, mà đau nhói bên sườn. Một bữa (lịch sử) trong đời, tôi vào vai… cô dâu, người của tiệm trang điểm tô vẽ xong, tôi muốn khóc. Thì ra tạo hóa cũng khéo lắm, nên phối cái mũi này, cái miệng này, mắt này rất hợp với màu da ngăm ngăm này. Nên nhìn mình trắng trẻo trong gương như đang đeo mặt nạ, vô hồn…

3


Chơi nhà bạn, thấy họ nuôi con chó Nhật, lông dài, óng mượt, thả từng lọn, mong manh, đỏng đảnh như một tiểu thư. Ra khỏi nhà bạn, nhưng lòng còn lẩn quẩn ở đó. Ám ảnh bởi bộ lông, tôi quyết lùng mua bằng được con chó xinh đẹp giống như của bạn, khốn khổ, phải đánh đổi cả tháng lương. Hể hả mang cô nàng về, bỗng hoang mang, con vật chỏn lỏn, rời rạc, không ăn nhập gì với ngôi nhà bụi bặm, lộn xộn, bề bộn của mình. Ngồi thừ ra ngó chó kiểng một hồi, thót ruột nghĩ tới việc phải mua thịt bò cho nó ăn, thấy con vật vô duyên tệ.

4


Và hoa ở nhà người, bèo ở ao vườn người, trang phục của người, sự dịu dàng của người… khi thuộc về mình, lại thấy… sống sượng, buồn cười. Lại thêm một lần vỡ lẽ, “À, ra thế…”. Lại thấm thía bài học có nhiều thứ chỉ nên để ngắm xa xa. Lại thêm một thí dụ về ảo tưởng. Lại hao mòn một ít tình cảm và… tiền (tất nhiên).

Tưởng vậy là quá đắt, nên tiếc hoài, cho đến khi nhận ra, mình đã bớt đi những ham muốn xa vời. Trong lòng luôn có ý nghĩ, chức vụ ấy, ngôi nhà sang trọng ấy, những đứa trẻ xinh đẹp thông minh ấy… chưa chắc thích hợp với mình. Dù của người luôn luôn đẹp…

Bài học của mình, của người mua vài lần, xài tới muôn năm. Rẻ quá…

TẬT TRỜI SINH...

Thiền sư Bàn Khê thuyết pháp không những rõ ràng dễ hiểu, mà trước khi kết thúc ông thường để cho người nghe hỏi tất cả những điều còn nghi hoặc, thắc mắc và sư trả lời luôn tại chỗ. Bởi vậy, tín đồ phương xa đến bái kiến rất đông. 
  
Ngày nọ, có một tín đồ đến nói: “Tôi trời sinh tật tính tình nóng nảy, vậy không biết phải sửa đổi thế nào?”. 
  
Sư Bàn Khê: “Cái gì là Trời sinh? Ngươi đem nó ra đây cho ta xem thử, ta sẽ giúp ngươi sửa đổi nó”. 
  
Tín đồ: “Không! Bây giờ thì không có, nhưng khi đụng chuyện thì nó mới nhảy ra”. 
  
Sư Bàn Khê: “Nếu bây giờ không có, mà nó chỉ xuất hiện khi nào gặp chuyện, vậy thì lúc ngươi tranh chấp với người khác cũng chính là lúc ngươi tạo ra nó. Thế mà mà ngươi lại đổ tội ấy cho Trời sinh là sao?”. 
  
Người ta nói: 
  
Mọi vật trên thế gian này đều hình thành từ Duyên, không có cái gì do “Trời sinh”, mà chính bởi tự tâm ta tạo nên. Bản tính con người bao gồm cả thiện và ác, cho nên mới nói: “Tâm sinh tắc chủng chủng pháp sinh, tâm diệt tắc chủng chủng pháp diệt” (Tâm sinh tất mọi pháp đều sinh, tâm diệt thì mọi pháp cũng không còn). Vậy chỉ cần người ta hiểu được điều đó và có chí định, thì không có tật xấu nào là không thể sửa đổi được.

Đoạn trích Từ: Cổ Mộ và Ma Trí. Nhặt Từng Chiếc Lá.