NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Lại Đây Thơm tý Hỡi Người Điêu Ngoa..


Thơ Du Nguyên đã mới, đã “điêu ngoa”, đã lạ lại được “chàng trai” Hoàng Xuân Họa, sinh năm 1939 với hai lần “Trót một thời yêu” và viết cuốn dạy cách làm thơ bình thì còn gì bằng nữa. Một người “điêu ngoa” trẻ trung gặp một người “điêu toa” thâm trầm, uyên bác. Đúng là một cặp bài trùng trời sinh giữa biển thơ thời mở cửa!Những cái Du Nguyên viết có phải là thơ không nhỉ? Mới đọc vài dòng thì thật không thể nhịn cười rồi lặng đi trong suy ngẫm. Cấu tứ lạ, ngôn từ lạ, tràn ngập âm thanh và hình ảnh lạ, cách thể hiện lạ nhưng đằng sau những con chữ “điêu ngoa” lạ kia là cảm quan của người viết trước bộn bề cuộc sống, trước lòng người và nhân tình thế thái một cách tinh tế và sâu sắc. Cái cách thể hiện độc đáo, đôi khi mang âm hưởng dân gian tạo một ấn tượng khó phai đến mức ám ảnh khi đã hiểu và cảm. Ô! Thế là thơ chứ còn gì nữa, thơ đích thực ấy chứ, mà cái thú là thơ Du Nguyên không hề giống ai, không như bây giờ đọc thơ cứ phải nhấc mũ chào liên tục, hoặc “mới” và ” “hiện đại” đến mức người đọc không hiểu họ viết cái gì!
Tôi không có duyên may được đọc hết cả tập thơ của Du Nguyên nhưng chỉ đọc mấy bài: Lại đây thơm tý, Điêu ngoa, Mùa hạ cuối cùng, Lẻ, Niệm nhưng đã để lại trong tôi một ấn tượng khó phai. Tôi yêu cái “điêu ngoa” của Du Nguyên khi nói rằng:
Tôi cũng điêu ngoa
Giống họ
Khi nói yêu anh.

Tôi đồng cảm cùng Du Nguyên trước những miệng lưỡi “điêu ngoa: của thế gian, giấu đi bao thói hư tật xấu sau những mỹ từ bóng bẩy, những khuôn mặt từ bi, những huyễn hoặc và tự thỏa hiệp mình. Và cái “điêu ngoa” của Du Nguyên sao mà thật và trong sáng đến thế.
Rồi bài: “Mùa hạ cuối cùng”, hình tượng thơ “những chiếc bong bóng” để lại cho người đọc bao ám ảnh và suy ngẫm. Những câu cuối làm cho người đọc day dứt mãi trước cảnh:
Cô gái có thói quen thổi những chiếc bong bóng
Nghe những điệu hát của người Digan khi buồn
Cô gái ấy cũng ra đi vĩnh viễn
Theo mùa hạ tụt huyết áp cuối cùng.

Hình tượng thơ: “Theo mùa hạ tụt huyết áp cuối cùng” chắc chỉ có trong thơ của Du Nguyên.
Và khi đọc: “Lẻ” tôi gai người trước lối thể hiện độc đáo của Du Nguyên. Tôi tự hỏi mình: có phải ta cũng mang mấy đồng xu lẻ để mua những khát vọng cuộc đời, để khi hiểu ra thì đã muộn:
Tôi đã khóc
Vì trong giấc mơ ấy, tôi không thương mình
Mà đi thương nỗi cô đơn thuộc về người khác
Rồi giấc mơ bỏ tôi đi
Đồng xu cuối cùng cũng biến thành đường chỉ tay mới
Đứt gãy những quãng mùa buồn bỏ lại phía sau.
Tôi là kẻ khất thực đêm
Trắng tay đi yêu nỗi cô đơn không phải của mình.

Đến ngay cả bài “ Niệm” cũng có những cách tân với những sắc màu, âm thanh, nhịp nhạc rất lạ:
cây cơm nguội rắc vàng xuống phố
Tháng Ba hoe xanh sũng mắt cào cào
Sầu đông tím chở quạnh buồn lang thang trên dốc gió
Rưng rức heo may

Trong khung cảnh đó:
Nơi cơn giông màu đỏ tháng Ba chưa tắt
Anh đi ngược phía em
Cầm chiếc ô ố màu mận chín
Tìm cỏ cô niệm.

Và rồi:
Chúng ta đã không tìm thấy nhau dưới gốc thược dược già
Tháng Ba vẫn thế
Xanh xưa trong ánh mắt veo tròn.

Đúng là một giọng điệu lạ, đầy sự sáng tạo và hiện đại, đầy cá tính, sắc sảo, dân dã mà không kém phần sang trọng, hứa hẹn sẽ có những bài hay hơn, những tập được nhiều bạn đọc mến mộ hơn. Ai không tin chứ tôi tin chắc như vậy và chỉ lo, yêu thơ Du Nguyên, nếu có ngày duyên may được gặp lại lỡ miệng: “Lại đây thơm tý hỡi người điêu ngoa” thì có khi lại chuốc họa vào thân!
        Trần Vân Hạc

Chùm thơ của Du Nguyên:

LẠI ĐÂY THƠM TÝ
ngày hiu hiu
lòng hiu hiu
líu tíu như quả cà kiu
chiều tiu híu
em buông xíu xíu.

a ơi bé tí
à ơi lớn tí
à ơi hay xí*
em già rồi mà tâm hồn bé tí.

Bao giờ hết buồn tí
Đem sầu hong tí
Cho vừa lòng gió tí
đỡ sầu cơn môi tí
bé tí có về tí?

ngày còn hiu hiu
lòng còn hiu hiu
chiều còn tiu híu
em còn buồn xíu
xiu xiu xiu xiu

à ơi bé tí
à ơi lớn tí
à ơi hay xí
em già rồi mà tâm hồn lí tí.

nào
lại đây thơm tí.
—————–
* cô gái cứ hở miệng ra “xí” và hay buồn

ĐIÊU NGOA
Và lại bắt đầu buồn bằng ngón chân phờ phạc
đốm nắng điệp ngôn bằng những ca từ mụ mị
căn nhà, mạng nhện, giá sách, quạt điện
tôi đang gõ
những điêu ngoa

thật ra thì
tôi chán nắng lắm rồi
chán những cơn mê đêm kim phút kim giờ nhàu nhĩnh
chán tôi lệch kênh nỗi nhớ người
nhớ luôn cả điêu ngoa.

lại huyễn hoặc nỗi buồn theo thời gian
sẽ chỉ còn lại một châm nhỏ suy nhất
của một tuyệt vọng
tất cả chúng ta vẫn có thói quen tự thoả hiệp mình
rồi cứ thế
đi bằng những cái lưỡi điêu ngoa mà quên nhau.

Sớm nay thật sớm
Tôi ra chợ
nhặt về cho mình những dạng chiếc lưỡi
sấp – ngửa của những kẻ bán – mua.

Thật ra thì
Tôi cũng điêu ngoa
giống họ
khi nói rằng tôi vẫn yêu anh.

MÙA HẠ CUỐI CÙNG
Trong căn phòng chật chội mùi hoa khô
Mùa thu dường như già cỗi
Đàn kiến đi từng bước
Chạm vào vết thương nhỏ trên bức tường cô độc
Nơi đó mùa đông đang ngủ rất say.

Cô gái có thói quen thổi những chiếc bong bóng lên trời
Nghe điệu hát của những người Digan tự do
giữa thành phố chật chội mắt kính
Những mắt kính cô độc
như bức tường có vết thương nhỏ kia
Những mắt kính người ta đeo chống bụi
Lô nhô ngoài đường.

Trong căn phòng có những tấm ảnh xộc xệch
Người đàn ông ấy đã vĩnh viễn ra đi
Khi hôn cô qua một cặp kính
Ôi cái hôn thật nhạt
Như những ngày nắng cuối cùng của mùa hạ tụt huyết áp
đi qua.

Có một buổi sáng
Những chú họa mi đi vắng
Mùa đông buồn bã trượt dài trên chiếc ghế sô- fa nâu
Đàn kiến nhẩn nha cõng một sợi tóc bạc
lấp vào vết thương nhỏ trên bức tường đang ngủ say ấy
Từ hai hốc mắt cô nhỏ ra một thứ nước vị biển
Như mùa đông lạnh lẽo bất tận.

Cô gái có thói quen thổi những chiếc bong bóng
Nghe những điệu hát của người Digan khi buồn
Cô gái ấy cũng ra đi vĩnh viễn
Theo mùa hạ tụt huyết áp cuối cùng.

LẺ
Trong giấc mơ
Tôi chỉ còn mấy xu lẻ
Như người điên chỉ còn lại nụ cười để giao thiệp với cuộc đời
Và bằng cách đó, tôi có thể mua một ít niềm vui
Treo cành loang niệm
Ngày không còn mùa đông trôi trên bàn tay
Lọn tóc xoăn chẳng thể mượt mà cả điều giản đơn nhất
Tôi cầm lược chải từng sợi tóc rối
Chỉ còn mấy xu lẻ nữa thôi
Và tôi mơ, giấc mơ tật nguyền.
Người đàn ông ấy nói lời yêu khi tôi cạn kiệt những sắc màu thiếu thắt
Người bạn ấy nói lời xin lỗi vì đã bỏ tôi lại
Khi tôi phải cảm ơn điều đó vì cho mình được nhấm nháp nỗi cô đơn
Kỉ niệm gọi quay về khi tôi chỉ còn mấy xu lẻ
Và tôi hát, bài hát tật nguyền
Tôi yêu tôi trong bóng tối.
Còn ai ngồi bên tôi trong những đêm tháng Tư rệch rạc
Khi ngoài phố, chiếc đèn cao áp đã ngủ quên
Khánh Ly cũng không hát nữa
Tôi gặp Trịnh trong giấc mơ buồn.
Có một lần, tỉnh dậy sau cơn mê dài tan cơn ngái ngủ
Tôi đã khóc
Vì trong giấc mơ ấy, tôi không thương mình
Mà đi thương nỗi cô đơn thuộc về người khác
Rồi giấc mơ bỏ tôi đi
Đồng xu cuối cùng cũng biến thành đường chỉ tay mới
Đứt gãy những quãng mùa buồn bỏ lại phía sau.
Tôi là kẻ khất thực đêm
Trắng tay đi yêu nỗi cô đơn không phải của mình.

NIỆM
Nơi con đường mùa mưa
cây cơm nguội rắc vàng xuống phố
Tháng Ba hoe xanh sũng mắt cào cào
Sầu đông tím chở quạnh buồn lang thang trên dốc gió
Rưng rức heo may.

Nơi cơn giông màu đỏ tháng Ba chưa tắt
Anh đi ngược phía em
Cầm chiếc ô ố màu mận chín
Tìm cỏ cô niệm.

Nơi con đường xập xòe loài sẻ nâu líu ríu
Ta đi tìm nhau dưới gốc thược dược già
Đã mấy mùa rồi cúc chẳng bung tiếng hát
Trong veo xưa.

Có một ngày sau những tháng năm cạn khô như xác mướp
Em quên mất khuôn mặt anh
khi chạm vào ánh mắt của người đàn ông xa lạ
Em thôi nhắc về ngày cũ
Mùa gió chiều run rút hoang liêu.

Chúng ta đã không tìm thấy nhau dưới gốc thược dược già
Tháng Ba vẫn thế
Xanh xưa trong ánh mắt veo tròn
.

Ngục tù dĩ vãng.



K‎ý ức dù buồn vui sướng khổ luôn luôn ở trong ta, và trở thành một phần của ta. Dĩ vãng mang lại cho ta bài học, kinh nghiệm, sự trưởng thành, làm cho ta là ta hôm nay.
Nhưng dĩ vãng và k‎ý ức cũng thường là những gánh nặng của tâm trí, những bao tải của đau đớn, hờn giận, thù hằn, thành kiến mà ta mang trên lưng cả đời, đè bẹp đời ta, làm ta mệt nhọc, lê chân không nổi trên đường đời muôn dặm.
Các bạn, ai trong chúng ta cũng đều đã kinh nghiệm về dĩ vãng đau thương. Một điều khổ đau nào đó đã đến, một cuộc tình đã vỡ, một bất công đã đổ lên đầu, một phản trắc đã xảy ra, và ta đã tột cùng đau khổ, và cho đến ngày nay, bao năm đã trôi qua, ta vẫn còn cay đắng như mới hôm qua, và ta vẫn nhìn cuộc đời và con người, từ thuở đó, với những đớn đau, uất ức và ngờ vực.
Những biến cố lớn trong đời có khả năng đóng dấu ấn, “ấn” vào hệ thần kinh chúng ta một con dấu rất lớn, và con dấu đó luôn nằm đó, hành hạ ta cả đời.
Đó gọi là ngục tù dĩ vãng. Dĩ vãng bao vây tâm trí và cuộc đời ta như những chấn song tù ngục.
Cho nên các bạn, chúng ta phải biết cách thoát ra khỏi những chấn song tù ngục đó.
Cuộc đời của mỗi chúng ta là một bản kịch dài, và ta là vai chính trong kịch bản đó. Chuyện đã qua là đã qua, chương đó đã xong và màn đã khép. Chỉ còn hình ảnh do máy video recorder thu lại. Lâu lâu mở ra xem, cũng cảm thấy nao nao hay hớn hở trong lòng, nhưng đó chỉ là một cuốn phim, như bao cuốn phim khác ta mua trong các DVD, không hơn không kém. Đừng mang chuyện phim thành chuyện thật, rồi cứ hậm hực ấm ức đau khổ vì phim, rồi quay ra đấm ông hàng xóm đang đi qua trước cửa nhà, hay thường hơn nữa là cay đắng với ông chồng bà vợ là nạn nhân từ trời rơi xuống ngay trong nhà mình.
Màn kịch đã qua, hãy để nó qua. Hãy lo thủ diễn tốt màn kịch hiện tại của hôm nay. Hôm nay ta phải đóng vai tích cực, hăng hái, yêu đời. Không thể cứ suy tư đến các đau khổ và nước mắt của hôm trước mà có thể thủ diễn tốt vai sống động tích cực hôm nay. Diễn viên phải để 100% tâm trí vào vai mình đang diễn mới có thể diễn đến nơi đến chốn.
Các bạn có nghe mình vừa nói gì không? “Hôm nay ta phải đóng vai tích cực, hăng hái, yêu đời. Không thể cứ suy tư đến các đau khổ và nước mắt của hôm trước mà có thể thủ diễn tốt vai sống động tích cực hôm nay. Diễn viên phải để 100% tâm trí vào vai mình đang diễn mới có thể diễn đến nơi đến chốn.”
Một dĩ vãng rất đẹp hay rất đau khổ có khả năng cuốn hút lôi kéo tâm trí ta vào đó, như ma muội, ta muốn quên đi, muốn thoát ra, cũng không được. Vì thế người ta mới gọi là “ngục tù dĩ vãng”. Nếu thoát ra dễ quá thì ai lại gọi là ngục tù?
Nhưng nếu bạn thực sự muốn thoát ra thì cũng không khó. Bạn có nhớ câu mình hay nói “gọi chúa quỷ đích danh” (call the devil by the name, call the devil by his name) không? Trong các vấn đề tâm l‎ý con người, gọi chúa quỷ đích danh thì chúa quỷ biến mất. Đó chính là cách chữa bệnh bằng phân tâm học. Các bác sĩ phân tâm học chẳng chữa gì cho bạn cả. Họ chỉ gợi chuyện cho bạn nói, rồi khi bạn nói đụng đến nguyên nhân sâu kín của vấn đề tâm l‎ý của bạn, và bác sĩ nói đó chính là nguyên nhân của bệnh của bạn, thì bạn hết bệnh. Ví dụ, từ lúc ông chồng mua cái nhà bên cạnh dòng sông, tự nhiên bà vợ bị stress cả ngày đêm mà không biết tại sao. Bà vợ nói chuyện với bác sĩ phân tâm, đến lúc vô tình (hay do thôi miên) kể chuyện suýt chết đuối hồi 1 tuổi, nhà phân tâm học nhận ra đó là nguyên nhân và chỉ cho bà vợ nhận ra đó là nguyên nhân của stress của bà ấy, thì tự nhiên bà ấy hết stress. Đó gọi là call the devil by the name.
Dĩ vãng chỉ là một cuốn phim trong đầu bạn, không hơn không kém. Thì hãy gọi nó đích danh: “Chú mày chỉ là một cuốn phim, một DVD, chú mày không có quyền lực gì với tao cả.” Gọi đích danh DVD thì DVD mất hết quyền lực cầm tù tâm trí bạn.
Nếu ta yếu công lực, tâm trí của ta có thể tự cầm tù nó trong ngục tù dĩ vãng, và không hề nghĩ đến cách phải tự giải thoát, như con chim bị nhốt trong lồng đã lâu năm, dù cửa lồng có mở nó cũng không nghĩ đến chuyện bay đi đâu cả.
Nhưng nếu bạn muốn sống thật, thì hãy nhớ: Chỉ có một nơi để sống, và một lúc để sống. Đó là “ở đây, lúc này”. Dĩ vãng là một cuốn phim của k‎ý ức, tương lai là một cuốn phim của tưởng tượng. Chỉ có “ở đây lúc này” là thực.
Và hãy gọi ngục tù dĩ vãng đích danh: Chú mày là một cuốn phim trong DVD không hơn không kém.
Chúc các bạn một ngày tự do.
 by Trần Đình Hoành

Chặt Đẹp..!


12/04/2011 11:16 am
Đi hết căn phòng chia bài, ông chủ casino Bob ra tới mặt lộ. Tiệm hớt tóc, nơi lão sắp ghé, nằm bên kia đường. Gã phó cạo nhác thấy Bob, vén mép cười cầu tài:
    - Xin lỗi, tôi không biết ông chủ ghé cắt tóc. Xin ông chủ cảm phiền chờ chút xíu.
    Cái lối một điều ông chủ, hai điều ông chủ lãng òm làm Bob nực gà. Hai chữ ông chủ ngắn gọn. Nhưng kỷ niệm nó gợi nhắc lại buồn và dài.
    Hai mươi mấy năm trước, có con nhỏ từng tha thiết gọi Bob là ông chủ. Nó đâu chỉ gọi xuông? Nó tự nguyện ngã vào vòng tay ông chủ. Anh mắt con nhỏ thiên thần. Đôi môi đỏ chín mời gọi. Cặp đùi căng mẩy phù sa. Hai cánh đồi tươi đau đáu. Thêm giải bình nguyên thoảng hương lúa sữa đổ ngọt xuống con lạch phép tích, nguyên vẹn.
    Sắc đẹp đó, phải nói, hết chê ! Nhưng với cậu chủ Bob phù phiếm ngày ấy, nó đâu đã đũ đô toàn bích? Cái cậu cần là một mỹ nhân vọng tộc đi bên cạnh, để triển lãm cho bàn dân thiên hạ ngó lõ con mắt cái chơi!
    Người đàn bà trẻ đẹp lỡ sinh ra trong cõi bần hàn nuốt nỗi đau vào lòng. Cùng với một sự sống đang tượng hình, nỗi đau dễ gì tiêu hoá được?
    Mà lạ thiệt! Bộ khùng hay sao cứ nhớ mãi chuyện cũ? Hiến pháp không cấm thằng phó cạo gọi kẻ khác là ông chủ. Thì kệ cha cho nó gọi. Mắc mớ gì suy nghĩ tùm lum cho mệt đầu?
    Luợm tờ báo trên bàn lên tay, Bob liếc qua trang nhất. Khi không tim lão chùng xuống rồi đột ngột nhói lên như bị gai đâm. Hàng tít: “ Đã tóm được nghi can giết cô gái” cùng hai tấm hình, một của nạn nhân, một của nghi can sát nhân, đập chình ình vô mắt lão. Buông tờ báo nặng trịch xuống chân, Bob ngồi im như ông phỗng. Trời ơi! Nếu lão là người cha tốt.... Không, chỉ cần lão làm người chồng tốt thôi, đã đủ. Đủ mọi cái nếu như con nước lũ cùng lúc ập tới. Rồi cơn giận pha với nỗi sợ bùng lên.
    Với Bob, kiểm soát cơn giận là chuyện dễ. Trong làm ăn, nhiều bận lão ngay cả phải giả vờ mặt đỏ tiá tai nhập vai “nóng sảng” để thoát khỏi những tình huống khó xử. Hoặc câu giờ nghĩ cách ăn miếng trả miếng đối phương. Nhưng sợ hãi lại là thứ tình cảm cà chớn hoàn toàn khác lạ. Một ông chủ lớn cỡ Bob, có bao giờ phải rét ai hoặc hãi hùng điều gì? Thành thử lúc này, lão khổ sở nhìn bàn tay run khơi khơi. Chưa kể hai chiếc đầu gối, cũng mem mém cà giựt.
    Nỗi sợ, thực ra, không vô lý. Bob sợ lão không có đủ thời gian đề làm một chuyện cần làm. Đúng hơn, nhất định phải làm.
    Hai giờ chiều, Bob có mặt ở văn phòng thằng thầy cãi xịn nhất nước Mỹ. Căn phòng sang nằm trong một cao ốc chiến ở trung tâm Hollywood. Nội chiếc bàn đá cẩm thạch, giá cũng cở chục ngàn. Thêm những chiếc ghế da lên nước. Rồi tấm thãm tơ nõn ăn rơ....như để với màu tường.
    Nhìn kỹ, tuổi thằng thầy cãi chưa qua 40. Nhưng guơng mặt bóng mỡ, cộng thêm chiếc bụng cà lặc nén chặt trong bộ Au phục bó sát làm nó trông già trước tuổi. Nói chung, đấy là một nhân dáng bình thường, tầm thường nữa là khác! Nhưng đôi mắt thằng thầy cãi không tầm thường. Chúng không nhìn. Mà in hình, nhìn lủng bụng người đối diện. Ngồi xuống ghế, ông chủ casino nhập đề thẳng:
    - Tôi tới nhờ ông bào chữa cho Robert Gore.
    Gã thầy cãi hỏi trỏng:
    - Cho gã sát nhân của vụ án ơ Hollywood?
    Lão Bob chính danh:
    - Không phải sát nhân mà chỉ tình nghi sát nhân
    - Ồ, dĩ nhiên, - thằng thầy cãi đổi giọng nhanh như điện - , cậu ta dĩ nhiên chỉ là nghi can. Nhưng hình nhu đã có người bào chưã cho cậu ta rồi thì phải?
    Bob gật gù:
    - Không sai. Tòa chỉ định thầy cãi thí. Nhưng tôi muốn chính ông gỡ tội giùm Gore cho tôi.
    Giọng gã trạng sư hờ hững:
    - Ông nghĩ kỹ rồi chớ? Đừng quên tôi chạc tiền công mắc nhất nước đó.
    Già Bob thản nhiên:
    -Tôi biết.
    Gã thợ cãi chồm người tới:
    - Vậy nói đi. Ông muốn tôi làm gì trong vụ này?
    Lão chủ sòng bài mỉm cười. Thằng thầy cãi nào, rút cục , cũng hỏi cùng một câu “kinh điển”. Câu hỏi nghe tưởng huề vốn, mà lại cực quan trọng đó chứ nào phải chuyện chơi? Muốn trả lời đạt yêu cầu, thân chủ chớ dại dóc tổ. Nhưng nếu nói toạc móng heo mọi chuyện ra, thì lại không nên. Cách tốt nhất cứ nửa kín nửa hở, nên lão Bob bèn đáp lấp lửng con cá vàng:
    - Tôi đọc báo thấy Gore bị nạn. Mong ông cứu thằng nhỏ. Tôi tin nó bị oan. Mà ông chạc tiền công bao nhiêu vậy chớ?
    Mặt thằng thợ cãi coi bơ bơ. Nhưng con mắt nhà nghề của nó vẫn kín đáo kiểm soát cái hầu bao của người đối điện. Tiếp xúc thường với bọn thân chủ nặng xu, nó biết bộ đồ lão Bob mặc thuộc loại phỏng tay. Thêm chiếc đồng hồ bạch kim nạm 12 cục hột xoàn cũng không phải chuyện đùa. Thế nhưng tất cả nào đã nhằm nhò gì với cái dáng vẻ giàu từ trong trứng giàu ra của lão?
    Chiếc máy tính trong đầu gã hoạt động lẹ. Nhưng dù đã in xong đáp số, thằng thợ cãi vẫn vờ vĩnh:
    - Ông nói nghi can có người biện hộ rồi. Tôi nghĩ sức mấy anh ta đổi ý.
    Lão Bob thở hắt ra:
    - Nếu ông chịu tới gặp Gore, sua là hắn sẽ đổi ý. Thằng nhỏ đâu đã điếc? Làm gì nó không nghe danh ông trạng sư số một nước Mỹ?
    Gã thợ cãi cười mỉm. Giọng thản nhiên , khỏi rào đón khiêm tốn gì ráo:
    - Có thể là vậy. Nhưng nói đi, thực sự ông muốn gì khi mướn tôi?
    Ông chủ sòng bạc đáp gọn thon lỏn:
    - Muốn ông mang thằng Gore trở lại đời thường.
    - Chuyện đó không dễ. Nhưng ít nhất nghi can có một thuận lợi...
    - Làm ơn nói rõ hơn.
    Thằng thầy cãi đẩy ưỡn ghế ra sau:
    -Nạn nhân của vụ án là một con nhỏ điếm. Mà ở đời này, còn ai cô độc hơn một cô gái đứng đường đã ngủm củ tỏi. Vì sĩ diện, bạn bè thân thuộc của ả, nếu có đi nữa, cũng ngại chường mặt ra làm chứng. Mà ngay dù không ngại, con số này cũng rất ít. Bởi vậy thay đổi người biện hộ cho nghi can là cơ hội tốt giúp đình hoãn phiên xử lại.
    Ông chủ casino nôn nóng ngắt lời:
    - Đình hoãn lại?
    - Đúng. Hoãn phiên xử bao giờ cũng có lợi cho nghi can. Nhân chứng có thể biến mất vì dời nơi ở. Hoặc ngay cả tự nhiên nghỉ thở cũng không chừng. Bằng chứng bởi thế, có thể vuột cái một.
    Bob cau mày. Giọng sắc mạnh:
    - Tôi cóc trả tiền để xin hoãn xử. Tôi trả tiền để cứu thằng Gore ra, ông hiểu chưa?
    Thằng thầy cãi thản nhiên:
    - OK, thì không delay nữa. Nhưng chứng cớ rành rành rồi, tôi chỉ còn cách cố ngoại giao với cánh buộc tội để giúp Gore gỡ vài cuốn lịch vì tội ngộ sát, thay vì nằm ấp cả đời vì cố sát. Điều đó tốt chứ?
    Lão Bob đáp:
    - Tốt. Nhưng chưa đủ. Tôi muốn thằng nhỏ được tha, chứ không được giam. Thời hạn vài năm nằm ấp ông phỏng chừng cũng không thực tế. Cứ thí dụ chuyện ông dàn xếp với bọn kia ok, nghĩa là thằng nhỏ chỉ bị khép tội ngộ sát, rồi sao? Bô ông quên hình phạt tội ngộ sát thay đổi từ vài năm tối thiểu cho tới vài chục năm tối đa à?
    Là dân trong nghề, gã thợ cãi chắc như bắp biết rành điều đó. Nhưng rõ là một chuyện. Còn trắc nghiệm xem thân chủ gã biết bao nhiêu để theo đó tùy cơ chặt đẹp lại là chuyện khác. Quân bài tẩy của gã vừa bị đối phương lật lên. Tiếp tục chơi động tác giả nữa là thừa. Nên sau vài giây mân mê cây viết, gã kết luận:
    - Thôi được. Chúng ta nói về lệ phí đi.
    Ông chủ Bob mở cặp lôi ra hai xấp bạc:
    - Mười ngàn này coi như tôi đặt cọc. Sau khi ông tới gặp và thuyết phục thằng Gore chịu nhận ông biện hộ, tôi sẽ trả thêm 50 ngàn, vẫn là bạc mặt, để ông lo câu chuyện, được chớ?
    Thủ tục chọn đoàn bồi thẩm đã xong. Nghi can sát nhân buớc về trại gian giữa hai gã cớm. Tới lối ra, hắn dừng lại, quay nhìn về hướng lão Bob mỉm cười. Nụ cười thâm cảm và hoan hỉ. Tên thầy cãi sua đã kể chuyện vị ân nhân tên Bob cho gã biết! Chứ không thằng con dễ gì chịu vén mép cười bậy?
    Nhìn mặt, thằng lỏi trông đâu bảnh trai như tấm hình đăng báo? Đôi môi mỏng mà nhiều k‎ý giả bốc nhảm là gợi cảm, nom giống hệt chiếc miệng con nít. Chỉ mỗi tấm thân ủ rũ như chiếc lá héo của nó là không khác mấy với các bài báo lá cải đã diễn tả. Nó vừa xơ xác tội nghiệp, vừa láu cá láu tôm, rõ cái điệu một gã bụi đời sớm bị mẹ ruồng rẫy, cha chối bỏ.
    Chờ cho Gore đi khuất, thằng thợ cãi tiến về phía lão Bob:
    - Phiên xử diễn ra trưa nay. Nếu ông muốn, tôi giữ chỗ.
    - Khỏi cần - Bob lắc đầu - tôi đã thấy mọi điều cần thấy. Tôi sẽ gọi ông mỗi chiều để nghe kể diễn tiến được rồi.
    Ngày xử đầu diễn ra đúng như tên trạng sư tiên liệu. Không có chuyện ngạc nhiên. Thầy cãi số một nước Mỹ cũng có khác. Gã hoá giải tuốt luốt mọi lời khai. Đôi mắt như có gắn quang tuyến của gã làm nhân chứng lúng túng. Mà chỉ cần một chút ú ớ, lời khai dù thực cỡ nào coi cũng bớt thực. Ac cái, đoàn bồi thẩm lại không đui. Ngoài tai nghe, họ còn tận mắt thấy nhân chứng lúng túng. Chả trách, họ giảm lòng tin vào lời khai.
    Nhưng tới bữa sau, cánh buộc tội liệng ra một nhân chứng lạ. Thằng tài xế xe tải râu quai nón, mặt mũi bặm trợn, khai nó thấy nghi can Gore đứng xớ rớ bên chiếc xe mà sau đó phú lít kiếm thấy xác nạn nhân. Tưởng xe của Gore hư, gã nổi máu nghiã hiệp ngừng lại đề nghị giúp đỡ. Nhưng Gore khoát tay. Truớc khi tống ga đẩy chiếc truck vọt đi, gã tài xế bảo, gã vẫn nhớ chiếc áo xanh Gore bận. Tệ hơn, gã nhớ cả khi đó là mấy giờ. Nó đúng bốn phút truớc khi một chiếc xe khác chạy tới tình cờ nhìn thấy bi kịch.
    Phiên xử đúng là coi không tốt. Tên thợ cãi thông báo ngay cho lão Bob vào buổi chiều. Ông chủ sòng bài gạt đi:
    - Uả, đừng bôi đen bức tranh chớ ông bạn. Cóc có ai đoán trúng trăm phần dầu phản ửng của đoàn bồi thẩm. Là dân trong nghề, ông rõ vụ này hơn tôi. Hãy nghĩ về những bận ông đã từng ngạc nhiên trước đó. Tôi cá vụ này còn lắm chuyện ngạc nhiên.
    Tên thầy cãi ậm à:
    - Đúng vậy. Nhưng...
    Bob cắt lời:
    - Không nhưng nhị gì cả. Giác quan thứ sáu bảo tôi mọi chuyện sẽ OK. Đoàn bồi thẩm sẽ làm ông bất ngờ là cái chắc.
    Vào ngày thứ ba, ông chủ song bài dùng điện thoại công cộng phôn tới văn phòng viên thư ký toà sau khi phiên xử tái nhóm sau giờ ăn trưa.
    Lão nói nhanh:
    - Có trái bom gài trong cao ốc. Trái bom lớn. Sức công phá mạnh đó.
    Giọng nhỏ thư ký lạc đi vì sợ:
    - Nhưng nó... ở... đâu?
    Lão chủ casino cúp máy. Rồi rảo buớc đến một vị trí có thể nhìn bao quát cánh cửa ra vào nơi xử.
    Người trong building ùa ra như đàn vịt. Lão Bob đứng xa ngó đoàn bồi thẩm chăm bẳm. Tiếng loa yêu cầu mọi người giải tán để nhân viên rà mìn làm việc. Phiên xử trong ngày coi như xong.
    Chờ tên bồi thẩm mập bước qua, Bob lập tức bám sát. Lão chú ý tới gã ngay từ bữa đầu. Chủ yếu là vì cái quá khứ sĩ quan hồi hưu của gã.
    Thiên hạ vốn khoái méo mó nghề nghiệp. Trong quân ngũ đã quen chỉ huy, thì khi nhập toán bồi thẩm, cũng ráng lên gân chỉ huy. Đã thế, các bồi thẩm khác lại quen thói thụ động. Nên anh cựu sĩ quan càng lừng, mặt mũi lúc nào cũng cửng lên nom rất hỗn.
    Chờ tên mập chui hẳn vô cái bar gần đó, Bob mới thủng thỉnh bước vào. Họ là hai ngưòi khách duy nhất trong quán. Thì chưa tới 2 giờ chiều, thiên hạ còn mải lao đông vinh quang, có ai rảnh mò tới đó say xỉn bậy?
    Gã bồi thẩm liếc xéo lão Bob một phát. Vai gã rộng, mặt có nọng đúng điệu ăn no hay nằm. Bob lịch sự nghiêng người:
    - Chào ông.
    Chờ cho tên bồi bàn lấy oóc đơ xong, gã mập hỏi nguợc lại:
    - Bộ tôi quen ông hả?
    Không trả lời, Bob đặt chiếc cặp lên bàn. Lão mở hé nó ra cho thằng mập nhìn những cọc tiền chình ình bên trong. Xém chút nữa, tên bồi thẩm sặc. Thấy nó xúc động, Bob vừa nói vừa đóng cặp đặt lên đùi:
    - Một trăm ngàn đó có thể là của ông.
    Mắt thằng mập trợn trắng:
    - Cái gì? Mà bằng cách nào chớ?
    Tợp một ngụm bia, giọng ông chủ sòng bài đều đều:
    -Nếu đoàn bồi thẩm tuyên xử nghi can vô tội, số tiền đó của ông.
    Chiếc mũi của anh sĩ quan già đỏ lên, trông rất ư chính nghĩa ghét gian tà. Gã càm ràm:
    - Tên đó sua là kẻ sát nhân. Hắn bị nhìn thấy tại trận.
    Nhưng lúc liếc chíếc cặp của Bob bận nữa, gã bèn hạ giọng lẹ:
    - Tôi chỉ có một phiếu. Bằng cách nào......
    - Ong đứng đầu đoàn bồi thẩm - lão Bob ngắt lời - Ông dư khả năng ảnh hưởng tới lá phiếu giết hay tha của kẻ khác. Tôi đã từng đăng lính. Nên tôi hiểu rõ thứ hấp lực khó cưỡng lại của một cựu sĩ quan võ bị như ông. Chỉ cần ông chịu xòe lá phiếu của mình ra làm thí dụ, toán bồi thẩm chắc như bắp phải nghe theo.
    Liếc quanh không thấy ai, cũng không nhìn tên mập, lão nói tiếp:
    - Vấn đề không phải tại sao họ quyết định nghi can vô tội. Điều quan trọng là họ tha. Mọi người rồi sẽ tìm cho họ những lý do tha riêng. Tôi là người thực dụng, chỉ chú ý tới kết quả. Tôi cóc ke xem kết quả đạt được bằng cách nào.
    Lão Bob nói dài vì không thể không nói. Chứ lý lịch gã bồi thẩm mập, lão đã nắm trong tay. Có tiền mua tiên cũng được. Nói chi tới việc mua cái tin ông sĩ quan về hưu đang cần tiền dắt vợ đi dối già.
    Dù gỉa vờ đưa mắt lơ đãng nhìn ra nơi khác , Bob vẫn biết tỏng đối phương đã xiêu long. Chiếc lưỡi câu vừa động đậy, cóc phải tự dưng đâu. Con cá bắt đầu rỉa mồi rồi đấy. Chém chết thế nào nó cũng say mồi.
    Thằng mập quả nhiên nhún vai vài giây sau:
    - Thôi được. Đằng nào nạn nhân cũng đi tàu suốt rồi. Có ai thèm bận tâm về một nhỏ điếm đã nghỉ thở chớ?
    Lão Bob đế vô:
    - Đúng thế. Who care?
    Suốt buổi chiều, Bob lần lượt bổn cũ soạn lại với vài viên bồi thẩm khác. Bị trái bom tưởng tượng hù doạ, họ được về sớm. Phôn di động hồi đó làm gì đã có. Mà khu vực nơi xử lại cấm đậu xe. Cha nào khấm khá, lội bộ ra phố gọi Taxi vù về nhà, còn đỡ. Bọn còn lại đứng ngoài đuờng mãi cũng oải bèn bấm bụng rảo bước vô bar rượu độc nhất gần đó làm đỡ ít ly trước cho ấm bụng lũ thứ, sau chờ thân nhân tới đón khi họ mãn giờ làm việc ở chỗ làm về.
    Đâu phải tự nhiên lão Bob lại chấm cái bar làm nơi móc ngoặc? Bar rượu rộng rinh, đèn mờ mờ tỏ tỏ , chưa kể còn thiết kế vô số các góc khuất làm chỗ riêng tư cho các đôi tình nhân mỗi tối tìm đến đá lông nheo với nhau. Bởi thế nó hoá thành chiếc ao kín đáo cho “ngư ông” Bob tha hồ buông “miếng mồi” có tiền mua tiên cũng được với các viên bồi thẩm tuy khát rượu, nhưng lại cóc có tại ra quán để mua whiskey nốc cho đã đời.
    Buổi trưa bữa sau là ngày đoàn bồi thẩm quyết định tha hay giết. Tội nghi can rành rành, thằng thầy cãi nghĩ, nên thế nào đoàn bồi thẩm cũng phán quyết mau. Gã bởi vậy cứ lẩn quẩn ở đó suốt ba giờ liền. Vậy mà chờ hoài vẫn nghe im re, gã bèn sốt ruột trở về văn phòng gọi phôn cho lão Bob:
    - Kết quả coi bộ tốt hơn với mỗi phút trôi qua, đó ông. Họ hội ý càng lâu, cơ hội tha càng nhiều. Mà lạ thiệt. Đáng lẽ với lời khai chết người của gã tài xế xe truck, họ phải quyết định mau mới phải. Vậy mà không hiểu tại sao....?
    Ông chủ casino thản nhiên:
    - Thì như đã nói tôi có linh cảm tốt mà.
    - Nhưng đâu phải chỉ mỗi mình ông tin cậu Gore được tha? Một hãng phim vừa gọi tới ngỏ ý muốn dựng tuồng chớp bóng về đề tài này. Hai tên cò phim khác khăng khăng xin làm đại diện cho Gore ngay sau khi cậu ta đưoc phóng thích. Chưa kể một cụ lái sách khác ở Nữu Uớc còn muốn viết sách nữa mới kinh.
    - Rất tốt - ông chủ sòng bài ngắt lời - những đừng có loá mắt với ba cái vụ sách phim mà quên thông báo tin thằng nhỏ được tha cho tôi biết đó nghe. Cũng chớ quên, tôi còn nợ ông món tiền thưởng và tôi sẽ rời đây ngay một khi biết kết qủa đấy.
    Giọng bên kia đầu dây sôi nổi:
    - Không, tôi không quên. Lúc nào tôi cũng tin ông là người coi trọng chữ tín.
    Gã nói vậy, chứ Bob biết gã sẽ phôn cho lão truớc khi làm bất cứ điều gì khác. Trong nghề thầy cãi, tin tưởng đồng nghĩa với giỡn chơi.
    Chuông điện thoại phòng ông chủ Bob reo sáng bữa sau. Giọng gã thầy cãi hoan hỉ:
    -Đoàn bồi thẩm đã trở lại.
    Tim Bob nhói khẽ:
    - Và?
    - Họ phán quyết nghi can không có tội. Ông đoán đúng phóc.
    - Gore thế nào? Họ phóng thích thằng nhỏ liền chớ?
    - Họ đang làm thủ tục. Anh ta sẽ tới văn phòng tôi sau đó.
    - Tốt. Tôi tới đó liền.
    Ông chủ sòng bài liệng hành lý vô va li. Liệng tất cả ngoại trừ số tiền hứa thưởng cho gã thầy cãi nhét trong cặp. Còn riêng mấy gã bồi thẩm, dĩ nhiên Bob không cho một cắc. Khùng sao cho? Họ không thể đảo ngược lại quyết định đã làm. Cũng còn lâu họ mới dám tố đã nhận hối lộ hàm thụ để phán quyết tầm bậy. Chắc chắn, họ sẽ bị cớm theo dõi trong vài tháng. Bất cứ gã bồi thẩm nào đột nhiên giàu lên, là kể như lạy ông tôi ở bụi này.
    Mười phút sau, Bob lái chiếc xe đi mướn tới nơi. Thoáng thấy Bob, gã thầy cãi nói ngay:
    - Ông tài thật. Nhất định ngày nào tôi phải hỏi xem ông đã mua cái phán quyết tha bổng đó bằng cách nào.
    Ông chủ sòng bài khoát tay:
    - Chớ nói bậy. Cũng đừng đánh giá tôi quá cao.
    Đổi đề tài, Bob mở cặp chung đủ cho gã thầy cãi số tiền thưởng. Thì vừa lúc Gore bước vào. Mặt thằng nhỏ phấn khích thấy rõ. Nó vung tay la lớn:
    - Tôi được tha. Trời ơi. Thiệt là không tin được.
    Nhác thấy lão Bob, Gore buớc nhanh tới. Mắt nó chớp mau. Giọng chảy ra vì cảm động:
    - Miễn ngày nào còn sống, tôi không quên ơn ông.
    Ông chủ sòng bài lẩm bẩm:
    - Chắc vậy rồi... Nhưng khi không, sao lại đi ca cẩm chuyện ơn nghĩa vậy chú em? Xe của qua đậu dưới đường. Tụi mình xuống đó nói chuyện đi.
    Mặt Gore tươi hơn hớn khi mỉm cười gật đầu. Nụ cưòi làm như đang chia xẽ chung với ân nhân một bí mật nào vậy.
    Ngồi trên xe, cả hai cùng im lặng vì đều cần im lặng. Từ khi biết nghĩ, có bao giờ Gore không mơ gặp lại người cha mà gã chưa môt lần biết mặt? Tất nhiên khỏi có chuyện ôm khóc kể lể theo cái kiểu đứa con ngoan… đòi báo hiếu ông bố đã …dầy công bỏ rơi mình đâu. Giấc mơ chỉ đẹp và sẽ đẹp ác nếu bố của Gore thuộc loại dân mập điạ. Khi đó Gore còn chờ gì không xiả lẹ con dao bấm ra để …diễn đọc bản”tuyên dương công trạng” ống bố rằng thì là chính vì bị ông bỏ rơi mà má thắng này vắn số, còn thắng câu bơ câu bất này thì bị đời dợt te tua tơi tả như chiếc mền rách? Khứa lão bố Gore khi đó bảo đảm phải chi đẹp, chi bạo để đổi lấy chỗ đứng cho chiếc cần cổ ở trên cái đầu.
    Nhưng đó là dự định hồi xửa hồi xưa, chớ hoàn cảnh bây giờ Gore đâu nỡ cạn tàu ráo máng quá vậy? Mạng Gore là do ân nhân cứu. Tương lai Gore, chả lẽ ân nhân lại không đoái hoài tới hay sao?
    Nghĩ đến đấy, Gore mỉm cuời. Vừa lúc ông chủ casino tạt xe vô lề ngay khúc xa lộ vắng. Ông chủ quay sang Gore:
    - Em có biết tại sao qua giúp em không?
    Giọng Gore bể ra , bể thiệt chứ không bể màu mè riêu cua:
    - Con biết. Con biết thế nào dady cũng tới cứu con. Con biết cha là cha của con.
    Nước mắt ứa ra, Bob nói đứt khúc:
    - Đúng… qua là một người cha…, người cha đểu cáng, khốn nạn, không bằng loài súc vật
    Gore rên lên vì xúc động:
    - Đừng nói thế cha ơi. Con đã đủ tuổi làm đàn ông và con mong cha biết rằng con thấu hiểu nỗi khổ của cha.
    Giọng ông chủ sòng bài nhẹ như tiếng gió:
    - Không phải qua là cha em đâu. Qua chính là người cha khốn nạn của cô gái điếm mà mày đã giết …
    Khẩu súng hãm thanh trong tay lão Bob rung lên. Gore xụm xuống, mắt mở lớn kinh ngạc. Không nhìn nạn nhân, giọng ông chủ casino mơ màng:
    - Nhà nước không muốn mạng đổi mạng. Nhưng tao muốn, ô kế?

Ngôn sứ (The Prophet)


12/18/2011 11:47 pm

prophetcover

 Lời người dịch: Kahlil Gibran (1883-1931), thi sĩ và họa sĩ người gốc Li-băng, được xem như một trong các đạo sư vĩ đại của thế kỷ 20. Các tác phẩm của ông chứa đựng thông điệp cao cả, nhất quán và vượt thời gian về một thế giới đại đồng, tôn giáo hòa đồng, loài người huynh đệ và một tình yêu hằng cửu nối kết con người với nhau trong tình yêu Thượng đế, giữa một trần gian hiệp nhất với không gian.
Ngôn sứ (The Prophet), là tác phẩm chủ yếu và tuyệt vời nhất trong cả chục tác phẩm bằng tiếng Anh và tiếng A Rập của ông. Ngôn sứ được xuất bản lần đầu năm 1923, và cho đến nay, đã tái bản hàng trăm lần cùng dịch ra trên bốn chục thứ tiếng. Chỉ riêng với tác phẩm này, Kahlil Gibran được giới xuất bản đánh giá là một trong các tác giả được đọc rộng rãi nhất, có lẽ chỉ sau Shakespeare và Lão Tử.

Ngôn sứ gồm 26 đáp từ bằng lối nói đầy chất thơ chuyên chở những cái nhìn thấu suốt, ứng xử với các chủ đề lớn của cuộc đời trên nền tảng chân thiện mỹ, như hạnh phúc và đau khổ, tình yêu và cái chết, lao động và của cải, hôn nhân và con cái, tình bằng hữu và luật pháp, thiện ác và tôn giáo, ăn mặc và cầu nguyện, v.v.
Tác phẩm này cũng đã được ít nhất năm người dịch sang tiếng Việt, trong đó có Phạm Bích Thủy, Trùng Dương, Giải Nghiêm, Châu Diên, v.v. với nhan đề thường xoay quanh chữ "tiên tri". Trong bản dịch này, tôi dùng chữ "ngôn sứ".
Ngôn sứ (prophet), được hiểu như một sứ giả chuyển giao một thông điệp bằng ngôn từ. Ngôn sứ có mặt trong các tôn giáo lớn như Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, Bái Hỏa giáo, Hi Lạp cổ đại, v.v. Ngôn sứ tự xem mình hoặc được xem như kẻ có giao tiếp với các hữu thể thiêng liêng hoặc siêu phàm, như Thượng đế hay thần linh. Thông điệp mà họ trung chuyển cho con người thường được gọi là sứ điệp hay lời tiên tri (prophecy), có lẽ vì thế nhiều người thường dịch chữ Prophet là Nhà tiên tri, theo ý nghĩa kẻ biết trước và nói lên con đường tất yếu trong tương lai nếu người đương thời nhất định đi theo chân lý hoặc vẫn không thể từ bỏ những đọa lạc hiện tại.
Hiểu một cách tích cực, ngôn sứ là kẻ cống hiến những cái nhìn thấu suốt cho thời đại, vừa là người quyết liệt phê phán hiện trạng, cất cao lời cảnh tỉnh người đương thời, nhắc lại các giá trị tinh thần bất biến, và vừa là kẻ sẵn sàng hiến thân để làm nhân chứng cho chân lý và bảo chứng cho sứ điệp.
Như thế, về mặt truyền thống, ngôn sứ không phải là kẻ đưa ra lời tiên đoán biến cố hoặc giải đáp cụ thể và tức thời các bí ẩn. Ngôn sứ là kẻ hiện đại hóa bằng ngôn từ nội hàm của chân lý muôn thuở, đưa lời cảnh báo cấp thiết, và được xem là người tích cực cổ vũ cho những đổi thay trong cá thể mỗi người và quần thể xã hội, mang tính tâm linh và cách mạng tận gốc, trong quá trình trở về với cội nguồn uyên nguyên của con người.
Hình ảnh Ngôn sứ Almustafa được thể hiện trong bản dịch này – mà chúng tôi cố làm cho gần gủi với hình ảnh vừa cách biệt vừa thân ái trong nguyên tác của Kahlil Gibran – là một con người bình thường tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, được thăng hoa nhờ các trải nghiệm của một quá trình chiêm nghiệm trong cô đơn và thấu suốt, rồi phát biểu với chúng sinh bằng tất cả ý thức trách nhiệm, từ tốn và chân tình… Một hình ảnh thường được nghĩ tới như một chức năng hay một kỳ vọng của giới văn nghệ sĩ, triết gia, tăng lữ, nhà giáo dục, v.v., những trí thức chân chính nói chung và kẻ làm nghệ thuật nói riêng.

Con tàu đang tới

Almustafa, người được chọn và là người được yêu thương, kẻ là bình minh mỗi ngày của đời mình, đã từ mười hai năm nay tại thành Orphalese chờ đợi con tàu quay lại đón rước ông quay về hòn đảo nhỏ nơi ông chào đời.
Tới năm thứ mười hai, vào ngày mồng bảy tháng Ielool mùa thu hoạch, ông leo lên ngọn đồi bên ngoài thành. Đưa mắt nhìn về hướng biển, ông thấy giữa mù sương đang đi tới con tàu của mình.
Lúc ấy, tâm hồn Almustafa mở tung mọi cánh cổng, niềm vui soãi cánh tung bay ra khơi. Khép đôi mắt, ông cầu nguyện trong trùng trùng im lặng của linh hồn.
Thế nhưng khi bước xuống đồi, một cơn buồn chợt đến khiến Almustafa thầm nghĩ:
Làm sao mình ra đi với tâm hồn thanh thản chẳng chút đớn đau? Không những thế, làm sao mình rời thành này với tinh thần không một vết thương.
Bên trong vòng thành kia mình đã trải qua những ngày dài khổ sở cùng những đêm dài quạnh quẽ, và kẻ nào có thể từ chốn đau đớn và cô liêu của hắn ra đi không chút tiếc nuối?
Trên các đường phố kia mình đã tung vãi rất nhiều mảnh vụn của linh hồn, và trên những ngọn đồi này rất nhiều đứa con của khát vọng mình đang bước đi trần trụi khiến mình chẳng thể xa lìa tất cả mà lòng không khỏi cảm thấy buốt nhói và nặng trĩu.
Hôm nay, không phải mình cởi bỏ y phục nhưng đang tự lột da bằng chính bàn tay mình.
Không phải mình để lại đằng sau một ý nghĩ mà là một trái tim đã ngày càng dịu ngọt nhờ những cơn đói và những cơn khát.
Thế nhưng mình chẳng thể nấn ná lâu hơn.
Biển vốn gọi mọi vật quay về, đang cất tiếng gọi mình, và mình phải lên tàu.
Vì ở lại – cho dẫu thời giờ vẫn cháy bỏng trong đêm – là đông cứng và cô kết, là bị ràng buộc vào khuôn khổ.
Lòng mình rất muốn mang theo mọi thứ nơi đây, nhưng làm sao có thể?
Giọng nói không thể mang lưỡi đi theo và môi không thể cho nó đôi cánh. Nó phải tự một mình tìm kiếm thinh không.
Và chim đại bàng tự một mình, không tổ ấm, mới bay ngang vầng mặt trời.
Lúc này, khi xuống tới chân đồi, Almustafa lại hướng mình ra biển và thấy con tàu đến đón đang tiến vào cảng cùng các thủy thủ đồng hương trên mũi tàu.
Linh hồn ông cất tiếng gọi họ, và ông nói:
Hỡi các con trai của bà mẹ cổ đại, hỡi những kẻ cưỡi lên sóng biển,
Đã bao nhiêu lần các bạn dong buồm trong giấc chiêm bao của tôi. Và giờ đây các bạn đến khi tôi đang tỉnh thức, cái vốn là một giấc mộng thẳm sâu hơn.
Tôi sẵn sàng ra đi, lòng tôi nôn nao theo những cánh buồm trương sẵn chờ cơn gió đến.
Tôi sẽ chỉ còn thở thêm một hơi thở nữa thôi trong không khí tỉnh lặng này, và tôi cũng sẽ chỉ còn một ngoái mắt nhìn lui đầy yêu thương nữa thôi.
Rồi tôi sẽ đứng giữa các bạn, làm một người đi biển trong muôn vàn người đi biển.
Và ngươi, hỡi đại dương bao la, bà mẹ đang ngủ yên,
Chỉ một mình ngươi là yên lành và tự do cho sông cùng suối.
Chỉ một khúc quanh suối lượn nữa thôi, chỉ một tiếng thì thầm trong trảng cỏ nữa thôi,
Rồi lúc ấy ta sẽ đến với ngươi, làm một giọt nước vô biên hoà vào đại dương vô tận.
Và trong khi bước đi Almustafa thấy từ đằng xa, đàn ông cùng đàn bà rời ruộng nương rời vườn nho, kéo nhau tuôn về cổng thành.
Ông nghe tiếng họ gọi lớn tên ông cùng thét bảo nhau từ cánh đồng này sang cánh đồng nọ rằng con tàu của ông đang tới.
Và ông tự nhủ:
Có phải ngày chia tay là ngày sum họp?
Có nên nói rằng buổi tối hôm trước của tôi mới thật là rạng sáng hôm sau của tôi?
Và tôi sẽ trao gì cho kẻ vừa buông tay cày giữa luống cày kia, hay kẻ vừa ngừng tay quay máy ép rượu kia?
Không biết tâm hồn tôi có trở thành cây trĩu quả để hái đem tặng họ?
Và không biết các khát vọng của tôi có tuôn trào như nguồn nước để có thể rót đầy ly của họ?
Tôi có là cây đàn để bàn tay của Đấng toàn năng có thể chạm tới, hoặc ống sáo để làn hơi của Ngài có thể thổi qua?
Tôi có là hành giả của lớp lớp thinh lặng, và trong cõi đó tôi đã tìm thấy kho báu nào để có thể với lòng tự tin đem phân chia cho mọi người?
Nếu đây là ngày gặt hái của tôi, trong cánh đồng nào tôi đã gieo hạt và vào những mùa không nhớ nổi nào?
Nếu đây quả thật là giờ tôi đưa cao chiếc đèn lồng của mình thì bên trong không đang đốt ngọn lửa của tôi.
Tôi sẽ nâng lên chiếc đèn lồng ấy, khô cạn và tối tăm.
Và người canh đêm sẽ rót đầy dầu cùng thắp sáng nó.
Almustafa nói những lời ấy thành tiếng. Nhưng trong lòng ông vẫn còn rất nhiều điều không nói. Vì bản thân ông không thể nói lên bí mật thăm thẳm của mình.
Khi ông vào thành, toàn thể dân chúng đến gặp ông, và họ chung một lượt cất tiếng gọi ông
Các trưởng lão trong thành cùng nhau đứng lên và nói:
Xin chớ vội lìa xa chúng tôi.
Thầy là ban trưa trong trời chiều sắp tà của chúng tôi, và tuổi thanh xuân của thầy cho chúng tôi những giấc mơ để mộng.
Ở giữa chúng tôi thầy không là người lạ cũng chẳng phải khách, mà là con trai và người rất yêu thương của chúng tôi.
Đừng khiến cho đôi mắt chúng tôi sẽ phải khổ sở vì đói khát khuôn mặt thầy.
Các nam tư tế cùng nữ tư tế thưa với ông:
Lúc này, xin đừng để cho sóng biển chia cách chúng ta, và xin đừng để những năm tháng thầy trải qua giữa chúng tôi trở thành ký ức.
Thầy đi giữa chúng tôi như một thần linh, chiếc bóng của thầy là ánh sáng trên khuôn mặt chúng tôi.
Chúng tôi quá đỗi yêu thương thầy nhưng tình yêu ấy chẳng nói ra lời và bị khuất sau những chiếc mạng.
Và giờ đây nó cất tiếng gọi thầy và nó đứng trước mặt thầy, không chút giấu che.
Và phải chăng tới giờ ly biệt tình yêu mới biết hết các chiều sâu của nó.
Và những người khác cũng đến khẩn nài Almustafa. Nhưng ông không trả lời họ. Ông chỉ gục đầu; và những kẻ đứng gần thấy nước mắt tuôn chảy ướt đẫm ngực ông.
Rồi ông cùng dân chúng đi tới quảng trường lớn trước Đền thờ.
Và từ nơi linh địa ấy bước ra một người nữ tên là Almitra. Và bà là một nhà thấu thị.
Ông nhìn bà với ánh mắt rất đỗi dịu dàng vì bà chính là người đầu tiên nhận ra và tin vào ông khi ông vừa đến thành này chỉ mới một ngày.
Và bà cất tiếng chào ông rằng:
Hỡi Ngôn sứ của Thượng đế, trong cuộc truy tầm cái vô cùng, thầy đã từ lâu tìm kiếm con tàu của mình ở những chốn xa xăm.
Và giờ đây con tàu của thầy đang đến, và thầy nhất thiết phải đi.
Thăm thẳm thay lòng thầy khát khao miền đất muôn trùng ký ức và chốn cư ngụ những khát vọng vô cùng cao cả của thầy; và tình yêu của chúng tôi sẽ không ràng buộc thầy cũng như những thiếu thốn của chúng tôi sẽ không níu bước chân thầy.
Tuy thế, chúng tôi yêu cầu trước khi rời xa xin thầy hãy nói và trao cho chúng tôi chân lý của thầy.
Và chúng tôi sẽ trao nó cho con cái của mình, rồi chúng sẽ trao nó cho con cái của chúng, và chân lý ấy không bao giờ mai một.
Vậy giờ đây, xin thầy bộc lộ bản thân cho chúng tôi và nói cho chúng tôi mọi điều được vén lộ cho thầy về những gì giữa cõi tử sinh.
Và ông trả lời:
Hỡi dân thành Orphalese, tôi có thể nói điều gì đây ngoài những điều lúc này đang chuyển động trong linh hồn các bạn? 

Về Tình yêu

Lúc ấy, Almitra thưa, Hãy nói cho chúng tôi về Tình yêu.
Và ông ngước mặt lên nhìn dân chúng, im lặng bao phủ mọi người. Với giọng cao cả ông nói:
Khi tình yêu vẫy gọi các bạn, hãy đi theo nó,
Dù lối nó đi trắc trở gập ghềnh
Khi đôi cánh tình yêu cuốn lấy các bạn, hãy qui thuận nó,
Dù trong lông cánh ấy giấu thanh gươm có thể làm các bạn bị thương.
Và khi tình yêu nói với các bạn, hãy tin vào nó,
Dù giọng nói của tình yêu có thể làm tan tác các giấc mộng như gió bấc tàn phá khu vườn.
Vì cho dẫu được tình yêu tấn phong lên ngai cao, nó sẽ đóng đinh các bạn trên thập giá. Cho dẫu được tình yêu làm cho lớn lên, nó sẽ khiến các bạn bị tỉa lá xén cành.
Cho dẫu tình yêu leo lên chót vót ngọn cây của các bạn và mơn trớn lá cành rung rinh trong nắng,
Nó sẽ tuột xuống tận gốc, lay động mọi rễ cái rễ con đang níu chặt lòng đất.

Tình yêu gom các bạn vào lòng như những bó lúa,
Và đập cho các bạn tróc vảy.
Tình yêu sàng sảy cho các bạn ra khỏi vỏ trấu.
Tình yêu xay xát cho các bạn sạch bóng.
Tình yêu nhào nặn cho các bạn mềm dẻo;
Và rồi tình yêu trao phó các bạn cho ngọn lửa thiêng của nó để các bạn có thể thành bánh thánh trong bữa tiệc thiêng liêng của Thượng đế.
Tình yêu sẽ làm mọi điều ấy để các bạn có thể thấu hiểu bí mật của trái tim mình, và trong thấu hiểu đó, được trở thành một mảnh trái tim của Thượng đế.
Nhưng nếu trong sợ hãi các bạn chỉ tìm kiếm yên bình hay lạc thú của tình yêu,
Lúc đó, nên che lên sự trần trụi của mình và bước ra khỏi sân đập lúa của tình yêu,
Rồi vào một thế giới không mùa, nơi các bạn sẽ cười nhưng không trọn tiếng cười và khóc nhưng không trọn nước mắt.
Tình yêu chẳng cho gì ngoài chính nó và chỉ lấy những thứ từ bản thân nó.
Tình yêu không chiếm hữu cũng chẳng bị chiếm hữu.
Vì tình yêu là đủ cho tình yêu.

Khi yêu các bạn chớ nói, ‘Thượng đế đang ở trong lòng tôi,’ nhưng hãy nói, ‘Tôi đang ở trong lòng Thượng đế.’
Và chớ tưởng rằng các bạn có thể định hướng dòng chảy của tình yêu, vì nếu tình yêu thấy các bạn xứng đáng, nó sẽ điều khiển diễn tiến của các bạn.
Tình yêu chẳng có khát vọng nào ngoài khát vọng tự viên thành nó. Nhưng nếu các bạn đang yêu và nhất thiết phải có khát vọng, nên khát vọng các điều này:
Được tan chảy và như con suối chảy đang hát lên giai điệu của mình cho đêm.
Được biết đau khổ của sự quá đỗi dịu êm.
Được bị thương bởi sự thấu hiểu của mình về tình yêu;
Và được nhỏ máu trong tự nguyện và hân hoan.
Được thức dậy lúc rạng sáng với con tim chắp cánh, đưa lời cám ơn vì có thêm một ngày yêu đương nữa.
Được nghỉ ngơi ban trưa và chiêm ngắm cơn ngất ngây tình yêu;
Được về nhà lúc chiều hôm với lòng thâm tạ;
Và được ngủ với lời cầu nguyện trong lòng cho người yêu dấu cùng khúc tụng ca trên môi.

Về Hôn nhân

Lúc ấy Almitra lại cất tiếng nói, Và thưa thầy, Hôn nhân là gì?
Và ông trả lời rằng:
Các bạn được sinh ra cùng nhau và sẽ ở cùng nhau mãi mãi.
Các bạn sẽ ở cùng nhau khi đôi cánh trắng của thần chết quạt tan tác ngày đời của mình.
Đúng thế, các bạn sẽ ở cùng nhau cả trong ký ức im lặng của Thượng đế.
Nhưng hãy để trong nơi các bạn đang ở cùng nhau có các khoảng cách.
Và hãy để gió các tầng trời nhảy múa giữa các bạn.
Hãy yêu nhau nhưng đừng biến tình yêu thành dây ràng buộc;
Mà tình yêu nên là đại dương chuyển động giữa đôi bờ của hai linh hồn.
Hãy rót đầy ly nhau nhưng đừng uống chung ly.
Hãy cho nhau bánh nhưng đừng ăn chung chiếc bánh.
Hãy cùng nhau mừng vui ca múa nhưng nên để mỗi kẻ một mình,
Như dây đàn đứng riêng dù rung chung điệu nhạc.
Hãy cho nhau trái tim nhưng đừng giao nhau cất giữ.
Vì chỉ bàn tay của Cuộc đời mới có thể chứa đựng trái tim các bạn.
Và hãy đứng cùng nhau nhưng đừng quá sát vào nhau:
Vì các cột đền thờ đều đứng một mình,
Và cây sồi với cây hạnh đào không lớn lên trong chiếc bóng của nhau.

Về Con cái

Và ôm trong lòng mình hài nhi một phụ nữ thưa, Hãy nói với chúng tôi về Con cái.
Và ông nói:
Con cái của các bạn không là con cái của các bạn.
Chúng là con trai và con gái của Cuộc đời trong nỗi khát khao cho chính nó.
Chúng đến qua ngả các bạn nhưng không xuất phát từ các bạn,
Và chúng dù ở với các bạn nhưng không thuộc về các bạn.
Các bạn có thể cho chúng tình yêu nhưng không thể cho ý nghĩ của mình.
Vì chúng có ý nghĩ của riêng chúng.
Các bạn có thể cung cấp nơi ở cho thể xác nhưng không thể cho chúng linh hồn.
Vì linh hồn chúng ở trong ngôi nhà của ngày mai, nơi các bạn chẳng thể ghé thăm dù trong giấc mộng.
Các bạn có thể ra sức để giống như chúng nhưng đừng tìm cách làm cho chúng giống như mình.

Vì cuộc đời không đi lùi cũng chẳng lần lữa với hôm qua.
Các bạn là cây cung từ đó con cái là mũi tên sống động được bắn ra.
Cung thủ ấy thấy tiêu điểm trên lối đi tới vô cùng, với sức mạnh của Ngài, kéo cong các bạn để mũi tên của Ngài có thể đi nhanh và đi xa.
Hãy hân hạnh uốn cong mình trong bàn tay Cung thủ.
Vì dù yêu mũi tên đang bay Ngài yêu cả cây cung vững chắc.

Về Cho

Lúc ấy, một người giàu thưa, Hãy nói cho chúng tôi về Cho.
Và ông trả lời:
Các bạn cho rất ít khi chỉ cho những vật mình sở hữu.
Chính khi cho đi bản thân các bạn mới thật sự cho.
những vật sở hữu là gì ngoài những cái các bạn đang canh giữ bởi sợ ngày mai có thể cần tới chúng.
Và ngày mai, cái gì ngày mai sẽ mang lại cho con chó quá thận trọng đang vùi xương dưới cát không dấu vết khi nó đi theo người hành hương tới thành thánh?
Và sợ túng thiếu là gì nếu không phải chính là sự túng thiếu.
Há chẳng phải sợ khát khi giếng của mình đầy nước thì cơn khát không thể nào nguôi?

Có những kẻ cho rất ít trong rất nhiều cái họ có – họ cho để được công nhận – và lòng ham muốn thầm kín ấy biến cái họ cho thành của độc.
Và có những kẻ có rất ít nhưng đem cho tất cả.
Những kẻ ấy là người tin vào cuộc đời, vào sự dư dật của cuộc đời và rương của họ không bao giờ rỗng.
Có những kẻ cho với lòng hoan hỉ, và niềm vui ấy là phần thưởng của họ.
Và có những kẻ cho với lòng đau đớn, và nỗi đau ấy là lễ thanh tẩy của họ.
Và có những kẻ khi cho lòng không cảm thấy đau đớn hoặc không tìm kiếm hoan hỉ, cũng không cho với sự lưu tâm tới công quả;
Họ cho như cây hoa mia tỏa hương vào không gian trong thung lũng đằng xa.
Qua bàn tay họ Thượng đế lên tiếng, và từ đằng sau đôi mắt họ Thượng đế mỉm cười nơi trần thế.
Thật tốt lành khi cho lúc được hỏi tới nhưng nên cho lúc không được yêu cầu, cho qua lòng hiểu biết.
Và với kẻ mở rộng bàn tay, việc kiếm người nhận là niềm vui lớn lao hơn việc cho.
Liệu có cái gì các bạn nên giữ lại?
Tới một ngày nào đó mọi cái các bạn đang có sẽ bị cho đi;
Vậy hãy cho ngay lúc này để mùa cho có thể là của mình chứ không của kẻ thừa kế chúng.
Các bạn thường nói, ‘Tôi sẽ cho nhưng chỉ cho người xứng đáng.’
Trong vườn ăn quả của các bạn, cây cối không nói như thế, và cũng không nói như thế đàn súc vật trên đồng cỏ.

Chúng cho để sống vì giữ lại là sắp diệt vong.
Chắc chắn kẻ xứng đáng nhận ngày ngày và đêm đêm của hắn thì xứng đáng với mọi thứ khác đến từ bạn.
Và kẻ xứng đáng uống nước biển lớn cuộc đời thì xứng đáng được rót đầy ly từ con suối nhỏ nhoi của các bạn.
Và có xứng đáng nào cao cả hơn cái ở trong lòng can đảm và tự tin – hơn cả lòng từ thiện – của việc nhận?
Và các bạn là ai mà loài người nên phanh lồng ngực ra, lột chiếc mạng kiêu hãnh, để các bạn có thể thấy giá trị của họ bị phơi trần và lòng tự hào của họ không bị nao núng?
Trước tiên các bạn hãy thấy rằng bản thân mình xứng đáng là người cho và là khí cụ của việc cho.
Vì thật ra chính cuộc đời cho cuộc đời – trong khi các bạn, kẻ xem mình là người cho, chỉ là người chứng.
Và các bạn những người nhận – và tất cả đều là người nhận – đừng gánh lấy sức nặng biết ơn để khỏi đặt chiếc ách lên mình và lên người cho,
Mà hãy cùng với người cho vươn lên trên các tặng phẩm của họ như trên đôi cánh;
Vì quá băn khoăn về món nợ ấy của mình tức là ngờ vực sự quảng đại của kẻ có đất bao dung làm mẹ và Thượng đế làm cha.
.

Kahlil Gibran

Mưa lớn và mưa nhỏ..


Ngày nọ tôi đang đi taxi thì nhìn thấy trên đường ba tai nạn xe cộ, lúc đó bên ngoài mưa đang rơi lất phất, tôi nói với người tài xế: "Mưa nhỏ như thế này mà cũng để xảy ra tai nạn, nếu mưa lớn dầm dề thì sẽ còn như thế nào nữa?".
Người tài xế cười cười, nói: "Vì mưa nhỏ nên mới dễ xảy ra tai nạn!".
"Chẳng lẽ mưa lớn lại đỡ hơn sao?"
"Ðúng thế, vì khi mưa nhỏ, người trên đường bất chấp mưa chạy lung tung, lại thêm bụi đất trên đường trộn lẫn với nước mưa nên rất trơn trượt không dễ thắng xe, vì vậy dễ xảy ra tai nạn. Còn khi mưa lớn, người đi bộ phần lớn đều nấp dưới mái hiên nhà, có đi trên phố thì cũng phải mang dù, không thể che đại một tờ báo ở trên đầu chạy lung tung. Lại thêm bụi đất ở trên đường bị nước mưa mạnh cuốn trôi, độ ma sát giữa mặt đường và bánh xe mạnh, tâm lý cảnh giác do mưa lớn càng cao tự nhiên không dễ xảy ra tai nạn giao thông".
"Ðúng lắm" - Tôi khâm phục nói: "Với cơ thể mà nói, mùa thu dễ bị cảm lạnh hơn mùa đông; với thời cuộc mà nói, mưa gió lất phất lại nguy hiểm hơn sóng bão cuồn cuộn, đại khái đều cùng một lý lẽ cả!"

LÀM SAO ĐỂ LEO LÊN NHỮNG ĐỈNH NÚI.?


02/15/2012 07:43 am


Hãy chọn ngọn núi bạn muốn leo
Đừng bị ảnh hưởng bởi những gì người khác nói: “ngọn núi kia đẹp hơn” hoặc “ngọn núi kia trông dễ hơn”. Bạn sẽ bỏ ra nhiều sức lực và đam mê để đạt được mục đích của bạn, và bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình, vậy hãy nắm thật chắc những gì bạn đang thực hiện.

Hãy tìm cách để đi đến ngọn núi
Thường thường bạn có thể nhìn thấy một ngọn núi ở đàng xa — đẹp đẽ, lôi cuốn và nhiều thử thách. Tuy nhiên, khi bạn cố gắng để đi đến đó, điều gì sẽ xảy ra? Chung quanh nó sẽ có rất nhiều lối đi; những rừng cây sẽ chắn lối giữa bạn và mục tiêu của bạn; và những gì bạn thấy rõ ràng trên bản đồ sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều trong thực tế. Vì vậy, bạn phải thử hết những lối đi và những đường mòn, cho đến một ngày nào đó, bạn tìm thấy đỉnh núi mà bạn muốn trèo lên.

Hãy học hỏi từ người nào đã từng lên đến đỉnh đó rồi
Dù cho bạn có khác những người chung quanh thế nào đi nữa, vẫn luôn luôn có một ai đó trước kia đã từng có cùng một ước mơ như bạn và là người đã để lại những dấu vết giúp những người đi sau bớt gian khổ: điểm tốt nhất để buộc sợi dây thừng, lối mòn với những dấu chân, những cành cây đã được bẻ gãy để đi qua được dễ dàng hơn. Đây là cuộc leo núi của bạn và đây cũng là trách nhiệm của bạn, nhưng đừng bao giờ quên rằng những kinh nghiệm của người khác thì luôn luôn hữu ích.

Những nguy hiểm, khi quan sát cận kề, có thể chế ngự được
Khi bạn bắt đầu leo lên ngọn núi ước mơ của bạn, hãy luôn lưu tâm đến những gì đang xảy ra chung quanh bạn. Dĩ nhiên sẽ có những vách núi sừng sững. Sẽ có những chỗ nứt nẻ không dễ dàng nhận thấy. Có những tảng đá láng bóng do mưa và gió bào mòn nên chúng trơn trợt như băng vậy. Nhưng nếu bạn biết bạn đang đặt chân mình nơi nào, bạn sẽ thấy được những cạm bẫy và có thể tránh chúng.

Phong cảnh chung quanh thay đổi, vậy hãy tận hưởng chúng
Tất nhiên bạn phải luôn nhớ đến mục tiêu của bạn — leo lên đỉnh núi. Tuy nhiên, trong khi bạn leo, khung cảnh chung quanh thay đổi, không có gì là sai trái nếu bạn thỉnh thoảng ngừng lại để ngắm cảnh. Cứ mỗi thước bạn leo lên, bạn lại có thể trông thấy xa hơn, vậy thì hãy bỏ ra một chút thời gian để khám phá thêm những điều mà từ trước đến giờ bạn chưa hề trông thấy.

Hãy tôn trọng cơ thể của bạn
Bạn sẽ chỉ có thể leo lên đỉnh một ngọn núi nếu bạn biết chăm sóc cơ thể của bạn. Bạn có tất cả thời gian mà cuộc sống dành cho bạn, vậy nên đừng đòi hỏi quá nhiều đối với cơ thể của bạn. Nếu bạn đi quá nhanh, bạn sẽ thấy mệt và có thể bỏ dở cuộc leo núi nửa chừng. Nếu bạn đi quá chậm, màn đêm buông xuống và bạn có thể bị lạc đường. Hãy tận hưởng những cảnh đẹp chung quanh, uống những ngụm nước suối mát, và ăn những loại trái cây mà Thiên Nhiên đã rộng lượng ban cho bạn, nhưng nhớ tiếp tục bước đi.

Hãy tôn trọng tâm hồn của bạn
Đừng lặp đi lặp lại, “Tôi sẽ làm điều đó.” Tâm hồn của bạn đã biết điều đó rồi. Điều cần phải làm là sử dụng quãng đường dài này để vươn lên, để vươn ra xa đến tận chân trời, để chạm đến bầu trời. Nỗi ám ảnh sẽ không giúp cho bạn tìm đến mục tiêu của bạn, và nó còn làm hỏng mất niềm vui của việc leo núi. Mặt khác, cũng đừng lặp đi lặp lại “Nó khó hơn tôi tưởng,” bởi vì điều này sẽ làm cho bạn nhụt chí.

Hãy chuẩn bị để đi thêm một dặm nữa
Khoảng cách đi đến đỉnh núi luôn luôn xa hơn bạn nghĩ. Sẽ có những lúc bạn tưởng như đã gần đến đích nhưng thực ra mục tiêu vẫn còn xa lắm. Nhưng một khi bạn đã chuẩn bị để đi xa hơn, khoảng cách kia không còn là vấn đề nữa.

Hãy vui sướng khi bạn đến đỉnh núi
Khóc, vỗ tay, gào to lên rằng bạn đã đạt được điều bạn mơ ước; hãy để gió (bởi vì luôn có gió trên đỉnh núi cao) gột sạch đầu óc của bạn, làm mát dịu đôi bàn chân nóng bỏng, rã rời của bạn, mở mắt bạn ra, thổi sạch những bụi bặm trong tim bạn. Điều mà trước kia chỉ là một giấc mơ, một hình ảnh xa xôi, thì bây giờ đã là một phần của cuộc đời bạn. Bạn đã thực hiện được điều đó, và đó là một điều tốt đẹp.

Hãy hứa với bản thân
Giờ đây khi bạn đã phát hiện ra một sức mạnh mà bạn không ngờ rằng mình có, hãy hứa với bản thân rằng bạn sẽ dùng sức mạnh này cho những ngày còn lại của cuộc đời bạn; đồng thời, hãy hứa với bản thân rằng bạn sẽ khám phá một ngọn núi khác và sẽ bắt đầu cho một cuộc thám hiểm mới.

Hãy kể lại câu chuyện của mình
Vâng, hãy kể lại câu chuyện của mình. Hãy là một ví dụ cho những người khác. Hãy nói với mọi người rằng mọi chuyện đều có thể thực hiện được, và rồi những người khác sẽ tìm thấy sự can đảm để leo lên những đỉnh núi của họ.

TỰ DO TƯ TƯỞNG ...J. Krishnamurti


02/29/2012 06:52 am


Tâm trí không thể tự do khi mà nó còn bị rập khuôn hoặc điều kiện hóa. Người ta nghĩ rằng không thể để cho bạn được tự do suy nghĩ, không bị rèn luyện vào khuôn khổ, mà phải bắt tâm trí bạn vào một khuôn khổ nào đó. Ngoài ra, đối với một nền văn minh càng lâu đời, thì sức nặng của truyền thống, của thẩm quyền, của những quy tắc càng đè nặng trĩu lên tâm trí con người.

Lấy thí dụ những chủng tộc cổ xưa như Ấn Độ bị sống gò ép vào khuôn khổ hơn những người sống tại Mỹ, nơi có nhiều tự do về đời sống xã hội và kinh tế, vì đó là một dân tộc gồm những nhà tiền phong mở đường lập quốc mới gần đây.

Một tâm trí bị rèn vào khuôn mẫu thì không thể tự do, vì

nó không thể vượt qua được cái biên giới của chính nó,

vượt qua được cái hàng rào mà chính nó đã tạo dựng chung

quanh nó, đó là điều hiển nhiên. Và thật là vô cùng khó

khăn cho cái loại tâm trí này, để nó có thể tự giải thoát

khỏi cái khuôn khổ và vượt được ra ngoài, bởi vì cái khuôn

mẫu đè nặng lên nó không những từ xã hội, mà tại luôn cả

tự nó ràng buộc chính nó. Bạn thích cái cung cách sống của

bạn vì bạn ngại, không dám vượt qua nó. Bạn sợ những điều

cha mẹ bạn, thầy linh hướng của bạn, và xã hội sẽ bình phẩm,

nên bạn giúp họ tạo dựng cái hàng rào nó sẽ cầm giữ bạn lại

.

Chính đây là cái nhà tù tư tưởng mà số đông chúng ta bị giam cầm, và đó là lý do cha mẹ chúng ta — và một ngày kia sẽ tới phiên chúng ta sẽ bảo con cái chúng ta — phải làm cái này hoặc không làm cái kia.

Trong khi còn trẻ, tự do là điều vô cùng quan trọng, không phải chỉ trên bình diện ý thức, mà tận đáy lòng. Có nghĩa là bạn phải quan sát chính bạn, tỉnh giác trước những nguồn ảnh hưởng tìm cách xâm lấn vào tâm hồn bạn để chi phối bạn. Có nghĩa là đừng bao giờ chấp nhận điều gì một cách không thận trọng, mà phải luôn luôn tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng và phản đối, nếu cần. 


( Trích Life Ahead)

Giả vờ.


Mới đây, một trong những bệnh nhân của tôi, một người vốn mắc bệnh u sầu, đã đến gặp tôi trong một trạng thái gần như bình phục. Khi tôi hỏi điều gì đã làm cho anh ta đổi khác đến thế, anh trả lời đã giả vờ như không hề bị buồn phiền.
Anh ta thức dậy đúng giờ, đi tắm, và duy trì một thói quen của cuộc sống mà không hề cảm nhận rằng mình thích hay không thích công việc này. Theo cách này, anh ta đã tìm lại được năng lực và sự quan tâm của mình trong những việc nhỏ nhặt trong đời sống. Tâm trạng của anh ta khá lên và cuối cùng thì bình phục.
Tôi thích ý tưởng giả vờ như mọi chuyện bình thường. Điều đó có thể trở thành một sức mạnh để hoán cải cuộc sống.
Sức mạnh của việc giả đò có thể có được bằng một phương pháp thông qua thực tế để đạt đến mục đích vì vậy bạn phải biết những phẩm chất nào cần noi theo. Để giả vờ như bình thường, bạn phải biết bình thường là như thế nào. Để giả vờ như mình không bị u sầu hay cáu gắt kinh niên hoặc lo lắng thái quá, bạn phải biết những điều trái ngược với chúng là như thế nào. Bạn phải có trong óc một vài ý tưởng về việc bạn muốn trở thành người như thế nào, bởi vì phải có được kiến thức đó, mới có thể có chìa khóa cơ bản để tiến đến tạo ra những sự thay đổi dài lâu.
Giả vờ, có nghĩa là thích thử một thói quen nào đó để thấy rằng nó có thể phù hợp và nhận ra rằng càng làm thì càng trở nên dễ chịu hơn. Bằng cách giả vờ, chúng ta có thể phát hiện rằng mình có thể làm điều đó, dù cho đó là bất cứ điều gì, và chúng ta phát huy kỹ năng về những điều mà chúng ta bắt chước.
Giả vờ cũng là một sự diễn tập và sự diễn tập sẽ phát triển tính cách thông qua thực hành. Giả đò bình tĩnh trước sự khủng hoảng, nó có thể cho ta một thói quen bình tĩnh. Giả vờ quyết đoán trước một nhân viên thư ký thì thói quen quyết đoán có thể mở rộng ra trong những lĩnh vực khác trong đời sống của bạn. Giả vờ như cuộc sống của bạn là một cuộc lễ hội, bạn có thể vượt qua được tính e thẹn của mình
Nếu bạn muốn tạo nên một sự hoán cải thật ý nghĩa trong cuộc sống của mình, hãy khám phá tất cả những gì mà bạn muốn trở thành. Hãy tìm ai đó có những phẩm chất mà bạn ước ao và tiếp cận họ như một người cố vấn để thay đổi. Hãy giả vờ như bạn đang đi trên con đường họ đi và chẳng bao lâu bạn có thể ở trên con đường bạn muốn đi.

Chu kì bẩy năm của cuộc sống


03/17/2012 07:45 am
Cuộc sống có hình mẫu bên trong, hiểu được nó là tốt. Cứ bẩy năm một, các nhà sinh lí nói, thân thể và tâm trí trải qua khủng hoảng và thay đổi, được đổi mới hoàn toàn. Thực tế nếu bạn sống bẩy mươi tuổi, giới hạn trung bình, thân thể bạn chết đi mười lần. Cứ mỗi bẩy năm mọi sự lại thay đổi -- điều đó cũng giống như đổi mùa. Trong bẩy mươi năm vòng tròn này hoàn chỉnh. Đường đi từ việc sinh tới việc tử, vòng tròn này hoàn chỉnh trong bẩy mươi năm. Nó có mười việc phân chia.
Thực tế cuộc đời con người không nên bị phân chia thành thời thơ ấu, thời thanh niên, thời già lão -- điều đó không khoa học lắm bởi vì cứ bẩy năm một thời kì mới lại bắt đầu, một bước mới được thực hiện.
Trong bẩy năm đầu tiên đứa trẻ coi mình là trung tâm, cứ dường như nó là trung tâm của toàn thể thế giới. Toàn thể gia đình xoay quanh nó. Bất kì cái gì nó cần, họ đều hoàn thành ngay lập tức; bằng không nó sẽ nổi cơn tam bành, giận dữ, cuồng nộ. Nó sống như một hoàng đế, một hoàng đế thực thụ -- mẹ, bố, mọi người phục vụ, và cả gia đình chỉ tồn tại vì nó. Và tất nhiên nó nghĩ cùng điều đó cũng đúng cho thế giới rộng hơn. Mặt trăng lên vì nó, mặt trời lên vì nó, mùa vụ đổi vì nó. Đứa trẻ trong bẩy năm vẫn còn tuyệt đối bản ngã, lấy mình làm trung tâm. Nếu bạn hỏi các nhà tâm lí thì họ sẽ nói đứa trẻ trong bẩy năm vẫn còn tự thoả mãn, thoả mãn cho chính mình. Nó không cần cái gì khác, không cần ai khác. Nó cảm thấy đầy đủ.
Sau bẩy năm -- một đột phá. Đứa trẻ không còn lấy mình làm trung tâm nữa; nó trở thành lệch tâm, theo đúng nghĩa. Lệch tâm -- từ này có nghĩa là "đi ra ngoài trung tâm." Nó đi tới người khác. Người khác trở thành hiện tượng quan trọng -- bạn bè, kéo bè kéo cánh... Bây giờ nó không còn quan tâm nhiều tới bản thân mình nữa; nó quan tâm tới người khác, thế giới lớn hơn. Nó đi vào cuộc phiêu lưu để biết "người khác" này là ai. Cuộc truy tìm bắt đầu.
Sau bẩy năm đứa trẻ trở thành người hay hỏi lớn. Nó hỏi về mọi thứ. Nó trở thành người hoài nghi lớn vì việc truy tìm của nó đang đó. Nó hỏi cả triệu câu hỏi. Nó làm cho bố mẹ chán đến chết, nó trở thành mối phiền toái. Nó quan tâm tới người khác, và mọi thứ của thế giới đều là mối quan tâm của nó. Tại sao cây lại xanh? Tại sao Thượng đế đã tạo ra thế giới? Tại sao điều này là như vậy? Nó bắt đầu trở nên ngày một triết lí hơn -- truy tìm, hoài nghi, nó cứ khăng khăng đi vào mọi thứ.
Nó giết con bướm để xem cái gì ở bên trong, nó phá đồ chơi chỉ để xem đồ chơi vận hành thế nào, nó ném đồng hồ đi chỉ để nhìn vào bên trong đồng hồ, sao mà đồng hồ cứ tích tắc và rung chuông -- cái gì đang diễn ra bên trong? Nó trở nên quan tâm tới người khác -- nhưng người khác vẫn còn cùng giới. Nó không quan tâm tới con gái. Nếu con trai khác quan tâm tới con gái nó sẽ nghĩ bọn họ là chị em. Con gái không quan tâm tới con trai. Nếu con gái nào đó quan tâm tới con trai và chơi với chúng thì cô bé này là con gái kiểu con trai, không bình thường, không trung bình; cái gì đó sai. Giai đoạn thứ hai này các nhà phân tâm và tâm lí sẽ nói là đồng dục.
Sau mười bốn tuổi cánh cửa thứ ba mở ra. Nó không còn quan tâm tới con trai nữa, con gái không còn quan tâm tới con gái. Chúng lễ phép, nhưng không quan tâm. Đó là lí do tại sao bất kì tình bạn nào xảy ra giữa bẩy và mười bốn tuổi đều sâu sắc nhất, bởi vì tâm trí là đồng dục, và trong cuộc sống tình bạn như vậy sẽ không bao giờ xảy ra lần nữa. Những người bạn đó vẫn còn là bạn vĩnh viễn, nó là mối liên hệ sâu sắc thế. Bạn sẽ trở nên thân thiện với mọi người nhưng điều đó sẽ vẫn còn là sự quen biết, không phải là hiện tượng sâu sắc đã xảy ra giữa bẩy và mười bốn tuổi.
Nhưng sau tuổi mười bốn con trai không còn quan tâm tới con trai. Nếu mọi sự xảy ra bình thường, nếu nó không bị mắc kẹt ở đâu đó, nó sẽ quan tâm tới con gái. Bây giờ nó trở thành dị dục -- không chỉ quan tâm tới những người khác, mà thực sự quan tâm tới mộtngười khác -- bởi vì khi con trai quan tâm tới con trai, con trai có thể là "người khác" nhưng người khác vẫn là con trai như bản thân nó, không đích xác là người khác. Khi con trai trở nên quan tâm tới con gái, bây giờ nó thực sự quan tâm tới cái đối lập, người khác thực. Khi con gái trở nên quan tâm tới con trai, bây giờ thế giới đi vào.
Tuổi mười bốn là tuổi cách mạng lớn lao. Dục trở nên chín muồi, người ta bắt đầu ngihĩ dưới dạng dục; những phóng túng dục trở thành nổi bật trong giấc mơ. Con trai trở thành Don Juan lớn, bắt đầu tán tỉnh. Thơ ca nảy sinh, lãng mạn. Nó đi vào trong thế giới.
Đến tuổi hai mươi mốt -- nếu mọi sự diễn ra bình thường, và đứa trẻ không bị xã hội bó buộc phải làm điều gì đó không tự nhiên -- đến tuổi hai mươi mốt đứa trẻ trở nên quan tâm tới tham vọng hoài bão nhiều hơn tình yêu. Nó muốn xe Rolls Royce, biệt thự lớn. Nó muốn là người thành công, một Rockefeller, một thủ tướng. Tham vọng trở thành nổi bật; ham muốn về tương lai, được thành công, cách thành công, cách hoàn thành, cách đi vào cuộc tranh đấu là toàn bộ mối quan tâm của nó.
Bây giờ nó không chỉ đi vào thế giới tự nhiên, nó đang đi vào thế giới con người, bãi chợ. Bây giờ nó đi vào thế giới của sự điên khùng. Bây giờ chợ trở thành điều nổi bật nhất. Toàn thể bản thể của nó đều hướng tới chợ -- tiền bạc, quyền lực, danh tiếng.
Nếu mọi sự đi đúng -- vì nó chẳng bao giờ đi đúng cả, toi đang nói về hiện tượng tự nhiên tuyệt đối -- thì đến tuổi hai mươi tám con người không còn cố gắng đi vào trong cuộc sống phiêu lưu theo bất kì cách nào. Từ hai mươi mốt tới hai mươi tám người ta sống trong phiêu lưu; đến tuổi hai mươi tám người ta trở nên tỉnh táo hơn rằng tất cả các ham muốn không thể được hoàn thành hết. Có nhiều hiểu biết hơn rằng nhiều ham muốn là không thể được. Nếu bạn ngu bạn có thể cứ theo đuổi chúng, nhưng những người thông minh lại đi vào một cánh cửa khác khi đến tuổi hai mươi tám. Họ trở nên quan tâm đến an ninh và tiện nghi, ít phiêu lưu và tham vọng hơn. Họ bắt đầu lắng đọng. Tuổi hai mươi tám là chỗ hết cho thời lập dị chống lại xã hội.
Đến tuổi hai mươi tám mọi người hippies đều trở thành thật thà, nhà cách mạng không còn là nhà cách mạng nữa; họ bắt đầu lắng đọng, họ tìm kiếm cuộc sống tiện nghi, một số dư ngân hàng nho nhỏ. Họ không muốn là Rockefellers -- chuyện đó kết thúc rồi, niềm thôi thúc đó không còn nữa. Họ muốn có ngôi nhà nhỏ, nhưng là một chỗ ấm cúng, được thiết lập để sống, để có an ninh, để cho ít nhất họ bao giờ cũng có thể có một số dư ngân hàng nho nhỏ. Họ tới công ti bảo hiểm quãng tuổi hai mươi tám. Họ bắt đầu lắng đọng. Bây giờ kẻ lêu lổng không còn là kẻ lêu lổng nữa. Anh ta mua nhà, bắt đầu sống trong đó; anh ta trở nên văn minh. Từ văn minh civilization bắt nguồn từ civis, công dân. Bây giờ anh ta trở thành một phần của thị trấn, thành phố, của một định chế. Anh ta không còn là kẻ lêu lổng, không còn là kẻ lang thang. Bây giờ anh ta không đi tới Kathmandu và Goa. Anh ta không đi đâu cả -- mọi sự đã kết thúc, đã du hành đủ rồi, đã biết đủ rồi; bây giờ anh ta muốn định cư và nghỉ lại một chút.
Đến tuổi ba mươi lăm năng lượng sống đạt tới điểm đỉnh của nó. Vòng tròn đã hoàn thành một nửa và năng lượng bắt đầu suy giảm. Bây giờ người này không chỉ quan tâm tới an ninh và tiện nghi, người này trở thành một Tory, chính thống. Người đó không chỉ quan tâm tới cách mạng, người đó trở thành người phản cách mạng. Bây giờ người đó chống lại mọi thay đổi, người đó là người tuân thủ theo tôn giáo. Người đó chống lại mọi cuộc cách mạng; người đó muốn giữ nguyên trạng bởi vì bây giờ người đó đã lắng đọng và nếu bất kì cái gì thay đổi thì mọi sự sẽ bị đảo lộn. Bây giờ người đó nói chống lại kẻ hippies, chống lại nổi dậy; Bây giờ người đó đã thực sự trở thành một phần của định chế.
Và điều này là tự nhiên -- chừng nào điều gì đó còn không đi sai thì con người sẽ không còn ở tình trạng hippie mãi mãi. Đó là một pha, đi qua thì tốt nhưng mắc kẹt lại là xấu. Điều đó nghĩa là bạn vẫn còn bị mắc kẹt ở giai đoạn nào đó. Là đồng dục giữa bẩy và mười bốn tuổi là tốt, nhưng nếu người ta vẫn còn đồng dục trong cả đời thì điều đó có nghĩa là người đó đã không trưởng thành, người đó không là người lớn. Phải có tiếp xúc với đàn bà, đó là một phần của cuộc sống. Giới khác phải trở thành quan trọng bởi vì chỉ thế thì bạn mới có khả năng biết được sự hài hoà của các phía đối lập, sự xung đột, khốn khổ, và cực lạc -- nỗi khổ và cực lạc cả hai. Đó là sự huấn luyện, sự huấn luyện cần thiết.
Đến tuổi ba mươi nhăm người ta phải trở thành một phần của thế giới qui ước. Người ta bắt đầu tin vào tín ngưỡng, trong quá khứ, tin vào Vedas, kinh Koran, Kinh Thánh. Người ta dứt khoát chống lại thay đổi bởi vì mọi thay đổi nghĩa là cuộc sống riêng của bạn sẽ bị quấy rối; bây giờ bạn có nhiều thứ bị mất. Bạn không thể ủng hộ cách mạng được -- bạn muốn bảo vệ... Người ta thiên về luật pháp và toà án và chính phủ. Người ta không còn là kẻ vô chính phủ nữa; người ta đều ủng hộ cho chính phủ, các qui tắc, điều luật, kỉ luật.
Đến tuổt bốn mươi hai tất cả mọi loại ốm yếu thể chết và tinh thần bột phát, bởi vì bây giờ cuộc sống đang suy giảm. Năng lượng đang hướng tới cái chết. Như lúc bắt đầu -- năng lượng của bạn đã đi lên và bạn đã trở nên ngày một sống động, mạnh mẽ hơn, bạn đã trở nên ngày một mạnh hơn -- bây giờ chính điều đối lập lại xảy ra, bạn trở nên ngày một yếu hơn mọi ngày. Nhưng thói quen của bạn vẫn còn dai dẳng. Bạn đã ăn đủ cho tới tuổi ba mươi nhăm; bây giờ nếu bạn tiếp tục thói quen của mình thì bạn sẽ bắt đầu tích trữ mỡ. Bây giờ, lượng thức ăn đó là không cần thiết. Nó đã được cần tới trước đây nhưng bây giờ nó không còn cần thiết nữa bởi vì cuộc sống đang đi tới cái chết, cuộc sống không cần nhiều thức ăn như vậy. Nếu bạn cứ nhét đầy bụng mình như bạn đã làm trước đây, thế thì đủ mọi loại bệnh tật sẽ xuất hiện: cao huyết áp, đau tim, mất ngủ, ung nhọt -- chúng tất cả xảy ra quãng độ bốn mươi hai tuổi; bốn mươi hai tuổi là một trong những điểm nguy hiểm nhất. Tóc bắt đầu rụng, bạc dần. Cuộc sống biến vào trong cái chết.
gần tuổi bốn mươi hai thì tôn giáo bắt đầu trở thành quan trọng lần đầu tiên. Bạn có thể đã từng dính dáng đây đó vào tôn giáo trước đây, nhưng bây giờ tôn giáo lần đầu tiên bắt đầu trở nên quan trọng -- bởi vì tôn giáo có liên quan sâu sắc với cái chết. Bây giờ cái chết đang lại gần và ham muốn đầu tiên về tôn giáo nảy sinh.
Carl Gustav Jung đã viết rằng trong cả đời mình ông ấy đã từng quan sát rằng những người tới ông ấy quãng độ tuổi bốn mươi bao giờ cũng có nhu cầu tôn giáo. Nếu họ phát điên, thần kinh, tâm thần, họ không thể nào được giúp đỡ nếu họ không trở nên bắt rễ sâu sắc vào tôn giáo. Họ cần tôn giáo; nhu cầu cơ sở của họ là tôn giáo. Và nếu xã hội là thế tục và bạn còn chưa hề được dạy về tôn giáo, thì khó khăn lớn nhất tới vào quãng độ tuổi bốn mươi hai -- bởi vì xã hội không cho bạn bất kì một đại lộ, một cánh cửa, một chiều hướng nào.
Xã hội là tốt khi bạn mười bốn tuổi, bởi vì xã hội cho đủ dục -- toàn thể xã hội đều mang tính dục; dục dường như là món hàng duy nhất ẩn kín trong mọi món hàng. Nếu bạn muốn bán xe tải mười tấn thì thế nữa bạn phải dùng một phụ nữ trần truồng. Hay thuốc đánh răng - thế nữa. Xe tải hay thuốc đánh răng, cũng chẳng tạo ra khác biệt gì: đàn bà trần truồng bao giờ cũng mỉm cười ở đó đằng sau. Thực sự đàn bà được bán. Xe tải không được bán, thuốc đánh răng không được bán, đàn bà được bán. Và bởi vì đàn bà tới, nụ cười của đàn bà tới cùng thuốc đánh răng, bạn phải mua thuốc đánh răng nữa. Mọi nơi dục đều được bán.
Cho nên xã hội này, xã hội trần tục này, là tốt cho người trẻ. Nhưng họ sẽ không còn trẻ mãi được. Khi họ lên tới bốn hai tuổi bỗng nhiên xã hội bỏ quên lãng họ. Họ không biết phải làm gì bây giờ. Họ trở nên thần kinh bởi vì họ không biết, họ chưa bao giờ được huấn luyện, không kỉ luật nào đã được trao cho họ để đối diện với cái chết. Xã hội đã làm cho họ sẵn sàng cho cuộc sống, nhưng không ai đã dạy họ trở nên sẵn sàng cho cái chết. Họ cần nhiều giáo dục về cái chết cũng như họ cần giáo dục về cuộc sống.
Nếu tôi mà được phép theo cách của mình thì tôi sẽ chia các đại học thành hai phần: một phần cho người trẻ, phần kia cho người già. Người trẻ sẽ tới để học nghệ thuật của cuộc sống -- dục, tham vọng, tranh đấu. Thế rồi khi họ trở nên già hơn và họ đạt tới điểm đánh dấu bốn mươi hai, họ sẽ quay lại đại học để học về cái chết, Thượng đế, thiền -- bởi vì bây giờ các đại học cũ sẽ không còn có ích gì cho họ. Họ cần việc huấn luyện mới, kỉ luật mới, để cho họ có thể được bắt vào pha mới đang xảy ra cho họ.
Xã hội này bỏ quên lãng họ; đó là lí do tại sao ở phương Tây có nhiều bệnh tinh thần thế. Phương Đông không nhiều đến như vậy. Tại sao? -- bởi vì phương Đông vẫn còn có chút ít huấn luyện trong tôn giáo. Điều đó chưa biến mất hoàn toàn; dù là giả, dù dỏm, nó vẫn có đó, nó tồn tại ngay góc kia thôi. Không còn trong bãi chợ, không còn trong bề dày của cuộc sống; chỉ ở ngay bên cạnh -- nhưng có đền chùa. Bên ngoài con đường của cuộc sống, nhưng nó vẫn có đó. Bạn phải bước vài bước và bạn có thể đi tới đó, nó vẫn tồn tại.
Ở phương Tây tôn giáo không còn là một phần của cuộc sống. Đến quãng độ tuổi bốn mươi hai mọi người phương Tây đều trải qua các vấn đề tâm lí. Hàng nghìn kiểu loạn thần kinh xảy ra -- và ung nhọt. Ung nhọt là dấu vết của tham vọng. Người tham vọng nhất định bị ung nhọt trong dạ dầy: tham vọng cắn xé, nó ăn vào bạn. Ung nhọt không là gì khác hơn việc ăn bản thân bạn. Bạn căng thẳng tới mức bạn bắt đầu ăn thành dạ dầy của mình. Bạn căng thẳng thế, dạ dầy của bạn căng thẳng thế nó chưa bao giờ được thảnh thơi. Bất kì khi nào tâm trí căng thẳn thì dạ dầy căng thẳng.
Ung nhọt là dấu vết của tham vọng. Nếu bạn có ung nhọt điều đó chỉ ra bạn là người rất thành công. Nếu bạn không có ung nhọt bạn là người nghèo; cuộc sống của bạn đã thất bại, bạn đã thất bại hoàn toàn. Nếu bạn bị đau tim lần đầu tiên quãng bốn mươi hai tuổi bạn là người thành công lớn. Ít nhất bạn cũng là bộ trưởng nội các hay nhà công nghiệp giầu có hay nghệ sĩ nổi tiếng; bằng không, làm sao bạn giải thích được cho cơn đau tim? Đau tim là định nghĩa của thành công.
Tất cả mọi người thành công đều sẽ bị đau tim, họ phải bị vậy. Toàn thể hệ thống của họ đều bị nặng trĩu bởi các yếu tố độc hại: tham vọng, ham muốn, tương lai, ngày mai, cái không bao giờ có đó. Bạn đã sống trong mơ, bây giờ hệ thống của bạn không thể dung thứ được điều đó thêm nữa. Và bạn vẫn còn căng thẳng với tương lai tới mức sự căng thẳng này đã trở thành chính phong cách sống của bạn. Bây giờ nó là thói quen bắt rễ sâu.
Tại tuổi bốn mươi hai, lại một đột phá mới tới. Người ta bắt đầu nghĩ về tôn giáo, thế giới khác. Cuộc sống dường như quá nhiều,  và thời gian còn lại ít ỏi thế -- làm sao bạn có thể đạt tới Thượng đế, niết bàn, chứng ngộ? Do đó mới có lí thuyết hoá thân: "Đừng sợ. Bạn sẽ được sinh ra lần nữa mà, cứ sinh đi sinh lại, và bánh xe cuộc sống sẽ cứ chuyển động mãi. Đừng sợ: có đủ thời gian, có đủ vĩnh hằng còn lại -- bạn có thể đạt tới được."
Đó là lí do tại sao ở Ấn Độ ba tôn giáo lớn đã phát sinh -- Jaina giáo, Phật giáo và Hindu giáo -- và họ không đồng ý về bất kì điểm nào ngoại trừ hoá thân. Các lí thuyết bất đồng thế, thậm chí không đồng ý được trên nền tảng cơ sở về Thượng đế, bản chất của cái ta... nhưng tất cả chúng đều đồng ý về lí thuyết hoá thân -- phải có cái gì đó cho nó. Tất cả chúng đều cần thời gian, bởi vì để đạt tới Brahman -- người Hindus gọi nó là Brahman -- phải cần nhiều thời gian. Đó là một tham vọng lớn thế, và chỉ vào tuổi bốn mươi hai bạn mới trở nên quan tâm. Chỉ còn lại hai mươi tám năm nữa thôi.
Và đây mới chỉ là bắt đầu của mối quan tâm. Thực tế vào độ tuổi bốn mươi hai bạn trở lại là đứa trẻ trong thế giới của tôn giáo và chỉ còn lại hai mươi tám năm nữa thôi. Thời gian dường như quá ngắn, không đủ chút nào để đạt tới những đỉnh cao như vậy -- Brahman, người Hindus gọi nó là vậy. Người Jainas gọi nó là moksha, tự do tuyệt đối khỏi mọi nghiệp quá khứ. Nhưng hàng nghìn và hàng triệu kiếp đã có đó trong quá khứ; trong vòng hai mươi tám năm làm sao bạn bao quát được? Làm sao bạn sẽ hoàn tác toàn bộ quá khứ? Quá khứ mênh mông thế đang có đó, nghiệp xấu và nghiệp tốt -- làm sao bạn lau sạch các tội lỗi của mình trong vòng hai mươi tám năm? Điều đó dường như không đúng! Thượng đế đòi hỏi quá nhiều, điều đó là không thể được. Bạn sẽ cảm thấy thất vọng nếu bạn chỉ được cho hai mươi tám năm. Và các Phật tử, người không tin vào Thượng đế, không tin cả vào linh hồn -- họ cũng tin vào hoá thân. Niết bàn, sự trống rỗng cuối cùng, cái trống rỗng toàn bộ… khi bạn vẫn còn bị chất đầy với biết bao nhiêu rác rưởi thế trong biết bao nhiêu kiếp sống, làm sao bạn sẽ làm nhẹ nhõm bản thân mình trong vòng hai mươi tám năm? Điều đó là quá nhiều, dường như là việc không thể được. Cho nên tất cả họ đều đồng ý về một việc, là cần nhiều tương lai hơn, cần nhiều thời gian hơn.
Bất kì khi nào bạn có tham vọng thì đều cần tới thời gian. Và với tôi người tôn giáo là người không cần thời gian. Người đó được giải thoát ở đây và bây giờ, người đó đạt tớiBrahman ở đây và bây giờ, người đó được giải thoát, chứng ngộ, ở đây và bây giờ. Người tôn giáo không cần thời gian chút nào bởi vì tôn giáo xảy ra trong khoảnh khắc vô thời gian. Nó xảy ra bây giờ, nó bao giờ cũng xảy ra; bằng không thì nó chẳng bao giờ xảy ra cả. Không có cách khác mà nó đã từng xảy ra.
Vào độ tuổi bốn mươi hai niềm thôi thúc đầu tiên nảy sinh, mơ hồ, không rõ ràng, lẫn lộn. Bạn thậm chí không nhận biết về điều đang xảy ra, nhưng bạn bắt đầu nhìn vào đền chùa với sự quan tâm thiết tha. Đôi khi nhân tiện, như một khách thăm vô tình, bạn cũng tới nhà thờ. Đôi khi -- lúc có thời gian, chẳng phải làm gì -- bạn bắt đầu nhìn vào Kinh Thánh, đọng đầy bụi trên bàn. Mơ hồ, không đích xác rõ ràng, cũng giống như đứa trẻ nhỏ mơ hồ về dục bắt đầu chơi với bộ phận sinh dục của mình, chẳng biết mình đang làm gì. Một thôi thúc mơ hồ... Đôi khi người ta ngồi một mình im lặng, bỗng nhiên cảm thấn an bình, chẳng biết mình đang làm gì. Đôi khi người ta bắt đầu lẩm nhẩm câu mật chú đã được nghe từ hồi nhỏ. Bà già hay lẩm nhẩm đọc nó; cảm thấy căng thẳng, người ta bắt đầu lẩm nhẩm đọc nó. Người ta bắt đầu tìm kiếm, tìm thầy, ai đó hướng dẫn cho mình. Người ta nhận điểm đạo, bắt đầu học mật chú, thỉnh thoảng lặp lại nó, rồi lại quên mất trong vài ngày, lại lặp lại … việc tìm kiếm mơ hồ, dò dẫm.
Đến tuổi bốn mươi chín việc tìm kiếm trở thành rõ ràng; phải mất bẩy năm cho việc tìm kiếm trở nên rõ ràng. Bây giờ một quyết tâm nảy sinh. Bạn không còn quan tâm tới người khác nữa, đặc biệt nếu mọi thứ đã đi đúng -- và tôi phải nhắc đi nhắc lại điều này bởi vì mọi thứ chẳng bao giờ đi đúng cả -- vào độ tuổi bốn mươi chín người ta trở nên không quan tâm tới đàn bà -- mãn kinh, vào tuổi bốn mươi chín. Đàn ông không cảm thấy thích tình dục. Toàn bộ mọi sự có vẻ giống như một thiếu niên, toàn bộ mọi sự có vẻ giống như hơi chút chưa trưởng thành.
Nhưng xã hội có thể ép buộc… Ở phương Đông họ đã chống lại dục và họ đã kìm nén dục. Khi con trai mười bốn tuổi chúng kìm nén dục và chúng muốn tin rằng con trai vẫn là đứa trẻ, nó không nghĩ tới con gái. Những đứa con trai khác là có thể -- những đứa con trai này bao giờ cũng có thể tìm được ở nhà hàng xóm – nhưng chẳng bao giờ là con trai của bạn; nó hồn nhiên như đứa trẻ, như thiên thần. Và nó trông rất hồn nhiên, nhưng điều đó không đúng -- nó mơ màng. Con gái đã đi vào tâm thức nó, phải đi vào, điều đó là tự nhiên -- và nó phải che dấu điều đó. Nó bắt đầu thủ dâm và nó phải che dấu điều đó. Nó có những giấc mơ ướt quần và nó phải che dấu điều đó.
Ở phương Đông con trai mười bốn tuổi trở nên mặc cảm. Cái gì đó sai đang xảy ra -- chỉ với nó, bởi vì nó không thể biết được rằng mọi người ở mọi nơi đều làm cùng điều đó. Và nhiều điều mọi người đang trông chờ ở nó -- rằng nó phải vẫn còn là một thiên thần, đồng trinh, không nghĩ tới con gái, thậm chí không mơ về con gái. Nhưng nó đã trở nên quan tâm -- xã hội đang kìm nén nó.
Ở phương Tây việc kìm nén này đã biến mất nhưng việc kìm nén khác lại tới -- và điều này phải được hiểu bởi vì đây là cảm giác của tôi, rằng xã hội không bao giờ có thể không mang tính kìm nén được. Nếu nó vứt bỏ kìm nén này, thì lập tức nó bắt đầu kìm nén khác. Bây giờ việc kìm nén lại vào quãng bốn mươi chín ở phương Tây: mọi người bị buộc vẫn còn trong dục bởi vì toàn thể việc dạy bảo nói, "Anh đang làm gì vậy? -- đàn ông có khả năng dục mãi cho tới tuổi chín mươi kia!" Những người có thẩm quyền lớn lao đều nói điều đó. Và nếu bạn bất lực và bạn không quan tâm, bạn bắt đầu cảm thấy mặc cảm. Vào độ tuổi bốn mươi chín đàn ông bắt đầu cảm thấy mặc cảm rằng mình không làm tình được nhiều như mình đáng phải làn.
Và có những thầy giáo cứ thuyết giảng, "Điều này là vô nghĩa. Bạn có thể làm tình, bạn có thể làm tình mãi tới chín mươi tuổi kia. Cứ làm tình đi." Và họ nói nếu bạn không làm tình bạn sẽ bị liệt dương; nếu bạn tiếp tục làm tình thì máy của bạn vẫn tiếp tục làm việc. Nếu bạn dừng lại thì chúng sẽ dừng lại, và một khi bạn dừng dục thì năng lượng sống của bạn sẽ sụt giảm, bạn sẽ chóng chết. Nếu chồng dừng lại, vợ quan tâm chăm sóc: "Anh làm gì thế?" Nếu vợ dừng lại chồng sẽ quan tâm chăm sóc cô ấy: "Điều này là ngược với các nhà tâm lí và điều này có thể tạo ra sự suy đồi nào đó."
Ở phương Đông chúng ta đã làm một điều ngu xuẩn và ở phương Tây cũng vậy, vào thời xưa, họ đã làm cùng điều ngu xuẩn này. Điều đó là chống lại tôn giáo vì đứa trẻ mười bốn tuổi trở nên có khả năng dục -- và nó trở nên có khả năng một cách tự nhiên thế. Đứa trẻ chẳng thể làm được gì, điều đó ở ngoài sự kiểm soát của nó. Nó có thể làm được gì? Làm sao nó có thể làm được điều đó? Mọi giáo huấn về độc thân vào độ tuổi mười bốn đều ngu xuẩn, bạn đang kìm nén con người này. Nhưng những nhà cầm quyền, các tín ngưỡng , các guru già nua, các nhà tâm lí già cả và những người tôn giáo -- họ tất cả đều chống lại dục, toàn thể giới cầm quyền đều chống lại dục. Đứa trẻ bị kìm nén, bị làm cho mặc cảm. Tự nhiên không được phép.
Bây giờ chính điều đối lập đang xảy ra tại đầu kia. Vào độ tuổi bốn mươi chín các nhà tâm lí đang buộc mọi người tiếp tục làm tình; bằng không bạn sẽ mất cuộc sống. Và vào độ tuổi bốn mươi chín... như tại độ tuổi mười bốn dục phát sinh tự nhiên, thì tại độ tuổi bốn mươi chín nó tự nhiên giảm đi. Nó phải như vậy, bởi vì mọi vòng tròn đều phải hoàn chỉnh.
Đó là lí do tại sao ở Ấn Độ chúng ta đã quyết định rằng vào tuổi năm mươi đàn ông nên bắt đầu trở thành một vanprasth, mắt nên hướng vào rừng, lưng nên quay vào bãi chợ.Vanprasth là một từ hay; nó có nghĩa là người bắt đầu nhìn lên Himalayas, nhìn vào rừng. Bây giờ lưng người đó hướng vào cuộc sống và tham vọng và ham muốn và tất cả mọi thứ đó -- đều kết thúc. Người đó bắt đầu đi tới sự một mình, hướng tới bản thân mình.
Trước điều này, cuộc sống đã thành quá nhiều và người đó không thể một mình được; có những trách nhiệm cần phải được hoàn thành, trẻ con cần được nâng đỡ. Bây giờ chúng đã lớn khôn. Chúng xây dựng gia đình -- vào lúc bạn bốn mươi chín thì con bạn lấy vợ lấy chồng, định cư. Chúng không còn là kẻ hippies, chúng phải đạt tới độ tuổi hai mươi tám. Chúng sẽ lắng đọng -- bây giờ bạn có thể đảo lộn được. Bây giờ bạn có thể đi ra khỏi nhà, bạn có thể trở thành vô gia cư. Vào độ tuổi thứ bốn mươi chín người ta nên bắt đầu nhìn về rừng rậm, đi vào nội tâm, trở thành ngày một mang tính thiến và tính cầu nguyện hơn.
Vào độ tuổi năm mươi sáu lại một thay đổi tới, một cuộc cách mạng. Bây giờ nhìn lên Himalayas cũng không đủ; người ta phải thực sự du hành, người ta phải đi. Cuộc sống đang chấm dứt, cái chết đang tới ngày một gần hơn. Vào độ tuổi bốn mươi chín người ta trở nên không quan tâm tới dục khác giới. Vào độ tuổi năm mươi sáu người ta nên trở nên không quan tâm tới người khác, tới xã hội, tới các nghi lễ xã hội, câu lạc bộ. Vào độ tuổi năm mươi sáu người ta nên từ nhiệm khỏi mọi câu lạc bộ Rotaries, mọi câu lạc bộ Lions; bây giờ điều đó có vẻ ngu xuẩn, trẻ con. Cứ tới câu lạc bộ Rotary hay Lions nào đó mà xem mọi người, ăn vận tề chỉnh với cà vạt và đủ mọi thứ -- điều đó trông có vẻ thiếu niên, trẻ con. Họ đang làm gì? Lions sư tử -- chính cái tên này có vẻ ngu ngốc. Với một đứa trẻ nhỏ, tốt -- bây giờ họ có câu lạc bộ "Mãnh thú" cho trẻ nhỏ, và cho đàn bà câu lạc bộ "Sư tử cái". Với mãnh thú điều đó là hoàn toàn đúng, nhưng với sư tử và sư tử cái...? Điều đó chỉ ra rằng tâm trí là tầm thường.
Vào độ tuổi năm mươi sáu người ta nên trưởng thành khi thoát ra ngoài tất cả mọi vướng víu xã hội. Kết thúc rồi! Người ta đã sống đủ, đã học đủ; bây giờ người ta nên cám ơn mọi người và bước ra khỏi nó. Năm mươi sáu tuổi là thời gian người ta nên tự nhiên trở thành một sannyasin. Người ta nên nhận tính chất sannyas, người ta nên từ bỏ, điều đó là tự nhiên -- khi bạn đi vào, bạn nên từ bỏ. Cuộc sống nên có một lối vào và nó nên có một lối ra; bằng không nó sẽ thành ngạt thở. Bạn đi vào và bạn chẳng bao giờ bước ra và rồi bạn nói bạn ngạt thở, trong đau buồn. Có lối ra đấy, và đó là tính chất sannyas -- bạn bước ra khỏi xã hội. Bạn thậm chí không quan tâm tới người khác vào độ tuổi năm mươi sáu.
Đến độ tuổi sáu mươi ba bạn lại trở thành giống đứa trẻ, chỉ quan tâm tới bản thân mình. Đó là điều thiền là gì -- đi vào nội tâm, cứ dường như mọi thứ khác đã rơi đâu mất và chỉ mỗi bạn tồn tại. Lần nữa bạn trở thành đứa trẻ -- tất nhiên được làm giầu rất nhiều bởi cuộc sống, rất trưởng thành, hiểu biết, với thông minh lớn lao. Bây giờ bạn lại trở thành hồn nhiên. Bạn bắt đầu đi vào nội tâm. Chỉ còn lại vài năm nữa thôi, và bạn phải chuẩn bị cho cái chết. Bạn phải sẵn sàng để chết.
sẵn sàng chết là gì? Mở hội với cái chết là sẵn sàng chết. Chết hạnh phúc, vui sướng, chết một cách sẵn lòng, đón chào, là sẵn sàng. Thương đế đã cho bạn một cơ hội để học tập, và hiện hữu, và bạn đã học. Bây giờ bạn muốn nghỉ ngơi. Bây giờ bạn muốn đi về nhà tối thượng. Đó đã là nơi tạm trú. Bạn đã lang thang ở miền đất lạ, bạn đã sống với những người lạ, bạn đã yêu những người lạ và bạn đã học nhiều. Bây giờ thời điểm đã tới: hoàng tử phải trở về vương quốc riêng của mình.
Sáu mươi ba là thời điểm khi người ta trở thành hoàn toàn đóng vào trong mình. Toàn thể năng lượng đi vào và đi vào và đi vào, quay vào trong. Bạn trở thành cái vòng tròn năng lượng, không đi đâu cả. Không đọc, không nói nhiều. Ngày một im lặng hơn, ngày một trở nên bản thân mình hơn, hoàn toàn độc lập với tất cả mọi thứ xung quanh bạn. Năng lượng cứ ngày một sụt giảm dần.
Đến độ tuổi bẩy mươi bạn sẵn sàng rồi. Và nếu bạn đã tuân theo hình mẫu tự nhiên này, chỉ ngay trước cái chết của bạn -- chín tháng trước cái chết của bạn -- bạn sẽ trở nên nhận biết rằng cái chết đang tới. Như đứa trẻ phải trải qua chín tháng trong bụng mẹ, cùng chu kì này được lặp lại hoàn toàn, lặp lại đầy đủ, lặp lại trọn vẹn. Trước lúc cái chết tới, chín tháng trước đó, bạn sẽ trở nên nhận biết. Bây giờ bạn đang đi vào bụng mẹ lần mữa. Bụng mẹ này không còn trong người mẹ, bụng mẹ này ở bên trong bạn.
Người Ấn Độ gọi điện thờ bên trong nhất của ngôi đền là garbha, bụng mẹ. Khi bạn đi tới ngôi đền thì phần bên trong nhất của ngôi đền này được gọi là bụng mẹ. Nó được gọi một cách rất biểu tượng như vậy, rất có chủ ý; đó là bụng mẹ người ta phải đi vào. Trong pha cuối cùng -- chín tháng -- người ta đi vào chính bản thân mình, thân thể riêng của mình trở thành bụng mẹ. Người ta đi vào điện thờ bên trong nhất nơi ngọn lửa bao giờ cũng cháy, nơi ánh sáng bao giờ cũng có, nơi ngôi đền hiện hữu, nơi thượng đế bao giờ cũng sống. Đây là quá trình tự nhiên.
Với quá trình tự nhiên này, không cần tương lai nào cả. Bạn đã sống một cách tự nhiên khoảnh khắc này. Khoảnh khắc tiếp sẽ bắt nguồn từ nó theo cách riêng của nó. Cũng hệt như đứa trẻ lớn lên và trở thành thanh niên -- không cần lập kế hoạch cho điều đó, người ta đơn giản trở thành; điều đó là tự nhiên, nó xảy ra. Như dòng sông tuôn chảy và tới đại dương -- theo cùng cách này -- bạn tuôn chảy và bạn đi tới chỗ kết thúc, tới đại dương. Nhưng người ta phải vẫn còn tự nhiên, trôi nổi và trong khoảnh khắc này. Một khi bạn bắt đầu nghĩ về tương lai và tham vọng và ham muốn, bạn bỏ lỡ khoảnh khắc này. Và khoảnh khắc này bị bỏ lỡ sẽ tạo ra sự suy đồi bởi vì bạn bao giờ cũng sẽ bỏ thiếu mất cái gì đó; lỗ hổng sẽ có đó.
Nếu đứa trẻ mà không sống thời thơ ấu của mình cho đủ, thì thời thơ ấu chưa được sống đủ đó sẽ đi vào trong thời thanh niên của bạn -- bởi vì nó sẽ đi đâu được? Nó phải được sống qua chứ. Khi đứa trẻ lên bốn và nhảy múa và chơi và chạy khắp nơi, đuổi bắt bướm, điều đó là đẹp. Nhưng khi một thanh niên hai mươi tuổi đuổi bắt bướm thì anh ta dở hơi rồi -- thế thì bạn phải nhận anh ta vào bệnh viện, anh ta là một ca tâm thần. Chẳng có gì sai với điều đó ở bốn tuổi; điều đó là tự nhiên, đó là việc cần làm. Đó là đúng việc cần làm -- nếu đứa trẻ không đuổi theo bướm thì cái gì đó bị sai, nó phải được đưa tới nhà phân tâm. Thế thì điều đó là được -- nhưng khi anh ta hai mươi tuổi và vẫn tung tăng đuổi bướm thì bạn phải nghi ngờ điều gì đó đã đi sai, anh ta vẫn còn chưa trưởng thành. Thân thể đã trưởng thành, tâm trí đang tụt lại sau. Anh ta phải ở đâu đó trong thời thơ ấu của mình -- anh ta đã không được phép sống thời thơ ấu một cách trọn vẹn. Nếu anh ta sống thời thơ ấu một cách trọn vẹn thì anh ta sẽ trở thành thanh niên, đẹp, tươi, không bị vẩn đục bởi tuổi thơ. Anh ta sẽ lột bỏ tuổi thơ như con rắn lột da cũ của nó. Anh ta sẽ đi ra từ đó tươi tắn. Anh ta sẽ có thông minh của thanh niên và anh ta sẽ không trông như người chậm tiến.
Sống tuổi thanh niên một cách trọn vẹn. Đừng nghe lời những người có thẩm quyền cổ đại, vứt bỏ những lời đó ra khỏi con đường. Đừng nghe họ - bởi vì họ đã giết chết tuổi thanh niên, họ kìm nén tuổi thanh niên. Họ chống lại dục và nếu xã hội nào đó chống lại dục thì dục sẽ lan toả khắp cuộc sống của bạn, nó sẽ trở thành chất độc. Sống nó đi! Tận hưởng nó!
Giữa mười bốn và hai mươi mốt tuổi con trai đạt đỉnh dục cao nhất. Thực tế gần độ tuổi mười bảy hay mười tám nó đạt tới đỉnh dục. Nó sẽ chẳng bao giờ có năng lực như vậy nữa, và nếu những khoảnh khắc này bị bỏ lỡ nó sẽ chẳng bao giờ đạt tới cực thích đẹp đẽ mà nó có thể đã đạt được gần độ tuổi mười bẩy hay mười tám.
Tôi liên tục gặp khó khăn, vì xã hội buộc bạn phải vẫn còn độc thân ít nhất cho tới hai mươi mốt tuổi -- điều đó nghĩa là khả năng lớn nhất cho việc đạt tới dục, học về dục, sẽ bị bỏ lỡ. Vào lúc bạn đạt tới hai mươi mốt, hai mươi hai, bạn đã già rồi khi có liên quan tới dục. Gần độ tuổi mười bẩy bạn còn ở đỉnh -- nhiều năng lực, mạnh mẽ tới mức cực thích, cực thích dục, sẽ lan toả khắp các tế bào của bạn. Toan thể thân thể bạn đã tắm trong phúc lạc vĩnh hằng. Và khi tôi nói dục có thể trở thành samadhi, siêu tâm thức, tôi không nói điều đó cho những người bẩy mươi tuổi, nhớ lấy! Tôi đang nói điều đó cho những người mười bẩy tuổi. Về cuốn sách của tôi, Từ Dục tới Siêu tâm thức... người già tới tôi và họ nói, "Chúng tôi đã đọc cuốn sách của ông nhưng chúng tôi chẳng đạt được cái gì giống thế này cả." Làm sao bạn có thể đạt được? Bạn đã bỏ lỡ thời gian, và nó không thể được thay thế. Và tôi không chịu trách nhiệm; xã hội của bạn mới chịu trách nhiệm và bạn đã nghe theo nó.
Nếu giữa độ tuổi mười bốn và hai mươi mốt mà đứa trẻ được phép có dục tự do, dục tuyệt đối tự do, nó sẽ chẳng bao giờ bận tâm về dục nữa. Nó sẽ hoàn toàn tự do. Nó sẽ không xem các tạp chí Playboy và Playgirl. Nó sẽ không che giấu những bức tranh khiêu dâm, xấu xí trong tủ hay trong Kinh Thánh. Nó sẽ không đi ra khỏi con đường của mình để ném mọi thứ vào đàn bà, nó sẽ không trở thành thằng cha dâm dê (bottom-pincher). Những điều này là xấu, đơn giản xấu – nhưng bạn cứ tha thứ cho họ và không cảm thấy điều gì đang xảy ra, tại sao mọi người đều thần kinh.
Một khi bạn tìm ra cơ hội xoa bóp thân thể đàn bà thì bạn chẳng bao giờ bỏ lỡ nó -- xấu làm sao! Xoa bóp thân thể sao? – cái gì đó vẫn còn chưa được hoàn thành trong bạn. Và khi một lão già với con mắt thèm khát, thì chẳng cái gì so sánh được với điều đó; đó là điều xấu nhất trên thế giới khi một lão già nhìn với sự thèm khát trong đôi mắt mình. Mắt ông ấy bây giờ nên hồn nhiên, ông ấy phải kết thúc bây giờ rồi. Không phải dục là cái gì đó xấu xí, nhớ lấy – tôi không nói dục xấu. Dục là đẹp vào thời và mùa vụ của nó và dục là xấu nếu không đúng mùa vụ, không đúng thời. Dục là bệnh hoạn khi nó có trong ông già chín mươi tuổi. Đó là lí do tại sao mọi người nói "lão già dơ dáy." Nó  dơ dáy.
Một thanh niên là đẹp, có tính dục. Anh ta biểu lộ sức sống, cuộc sống. Một lão già, dâm dê, biểu lộ một cuộc sống chưa được sống, một cuộc sống trống rỗng, không trưởng thành. Ông ta đã bỏ lỡ cơ hội và bây giờ ông ta không thể làm được gì, nhưng ông ta cứ nghĩ ngợi, huyên thuyên trong tâm trí về dục, cứ hư cấu.
Nhớ lấy, giữa mười bốn và hai mươi mốt tuổi một xã hội đúng sẽ cho phép tự do tuyệt đối về dục. Và thế thì xã hội đó sẽ tự nhiên trở nên ít tính dục; bên ngoài một thời gian nào đó sẽ không có dục. Căn bệnh này sẽ không có đó – sống dục khi thời gian chín muồi và quên nó đi khi khoảnh khắc đó đã qua. Nhưng điều đó bạn chỉ làm được nếu bạn đã sống; bằng không bạn không thể quên được và bạn không thể tha thứ được. Bạn sẽ níu bám, nó sẽ trở thành vết thương lòng.
Ở phương Đông bạn đừng nghe những người có quyền, bất kì điều gì họ nói. Lắng nghe tự nhiên –khi tự nhiên nói đấy là lúc cho yêu, thì yêu. Khi tự nhiên nói đấy là lúc từ bỏ, thì từ bỏ. Và đừng nghe các nhà phân tâm và các nhà tâm lí ngu xuẩn ở phương Tây. Dù họ có các dụng cụ tinh xảo đến đâu -- Thầy và Johnson và những người khác – và dù họ đã kiểm nghiệm và kiểm tra bao nhiêu âm đạo, họ chẳng biết cuộc sống.
Thực tế tôi ngờ rằng các Thầy và Johnsons và Kinseys đều là những người nhìn lén. Bản thân họ ốm yếu về dục; bằng không ai bận tâm quan sát cả nghìn âm đạo bằng dụng dụ -- quan sát điều gì đang xảy ra bên trong khi đàn bà làm tình? Ai bận tâm? Vô nghĩa làm sao! Nhưng khi mọi sự trở nên suy đồi thì những kiểu việc này xảy ra. Bây giờ các Thầy và Johnsons đã trở thành các chuyên gia, những người có thẩm quyền cuối cùng. Nếu bạn có bất kì vấn đề dục nào thì họ là những người có thẩm quyền cuối cùng cần tới. Và tôi ngờ họ đã bỏ lỡ tuổi thanh niên của mình, họ đã không sống cuộc sống dục của mình một cách đúng đắn. Ở đâu đó cái gì đó đang thiếu và họ đang hoàn thành nó qua những trò như vậy.
Và khi một thứ rơi vào sự nắm bắt của khoa học thì bạn có thể làm bất kì cái gì. Bây giờ họ đã làm ra các dương vật điện, giả, và những dương vật điện đó cứ rung rung trong âm đạo thật, và họ cứ thử để tìm xem điều gì đang xảy ra bên trong, liệu cực thích là ở âm vật hay âm đạo, hay hoóc môn nào đang chảy, hoóc môn nào không chảy, và đàn bà có thể làm tình bao lâu. Họ nói đến tận cùng – trên giường chết đàn bà vẫn có thể làm tình.
Thực tế gợi ý của họ là ở chỗ sau thời kì mãn kinh đàn bà có thể làm tình còn tốt hơn bao giờ hết -- điều đó có nghĩa là sau tuổi bốn mươi chín. Sao họ lại nói điều đó? -- bởi vì, họ nói, trước bốn mươi chín tuổi đàn bà bao giờ cũng sợ bị mang thai. Cho dù cô ấy có uống thuốc, chẳng thuốc nào công hiệu một trăm phần trăm; có nỗi sợ. Đến trước tuổi bốn mươi chín, khi sự mãn kinh tới và kinh nguyệt dừng lại, thì không có nỗi sợ; đàn bà hoàn toàn tự do. Nếu giáo lí của họ lan rộng thì đàn bà sẽ trở thành ma cà rồng, và bà già sẽ săn đuổi đàn ông bởi vì bây giờ họ không sợ và nhà cầm quyền thừa nhận điều đó. Thực tế họ nói rằng đấy là lúc để tận hưởng – không có trách nhiệm gì.
Và với đàn ông nữa, họ cũng cứ nói cùng điều đó. Họ đã bắt gặp những đàn ông – cho nên bây giờ họ nói không có số trung bình -- họ đã bắt gặp một người vào độ tuổi sáu mươi vẫn có thể làm tình năm lần một ngày. Người này dường như là một người kì dị. Cái gì đó sai với hoóc môn của người đó và thân thể người đó. Vào độ tuổi sáu mươi! Người đó không tự nhiên, bởi vì như tôi thấy điều đó – và điều này tôi đang nói từ kinh nghiệm riêng của mình trong nhiều kiếp, tôi có thể nhớ chúng -- đến trước bốn mươi chín tuổi đàn ông tự nhiên không quan tâm tới đàn bà; mối quan tâm ra đi. Như nó tới, nó lại ra đi.
Mọi thứ tới đều phải ra đi. Mọi thứ nảy sinh đều phải rụng xuống. Mọi con sóng nảy sinh đều phải biến mất, phải có thời điểm nó ra đi. Vào mười bốn tuổi nó tới; vào bốn mươi chín tuổi hay quãng thế nó ra đi. Nhưng một đàn ông làm tình năm lần một ngày vào độ tuổi sáu mươi – cái gì đó sai rồi. Cái gì đó rất, rất sai; thân thể người đó không vận hành đúng. Đó là đầu bên kia của bất lực, cực đoan khác. Khi một đứa trẻ mười bốn tuổi không cảm thấy dục gì, một thanh niên mười tám tuổi không có ham muốn, điều gì đó sai rồi -- người đó phải được chữa trị. Khi một người sáu mươi tuổi cần làm tình năm lần một ngày, điều gì đó sai rồi. Thân thể người đó đã trở thành nổi đoá; nó không vận hành đúng, tự nhiên.
Nếu bạn sống trong khoảnh khắc một cách toàn bộ thì không có nhu cầu lo lắng về tương lai. Tuổi thơ được sống đúng đắn sẽ đem bạn tới tuổi thanh niên chín muồi, đúng – tuôn chảy, sống động, một đại dương năng lượng hoang dã. Tuổi thanh niên được sống đúng sẽ đem bạn tới cuộc sống yên tĩnh và bình thản, rất lắng đọng. Cuộc sống yên tĩnh và bình thản đem bạn tới cuộc truy tìm tôn giáo: Cuộc sống là gì? Việc sống là không đủ, người ta phải thấm vào điều bí ẩn. Cuộc sống yên tĩnh và bình thản đem bạn tới những khoảnh khắc thiền. Thiền đem bạn tới việc từ bỏ mọi cái bây giờ vô dụng, chỉ là đồ đồng nát, rác rưởi. Toàn thể cuộc sống trở thành rác rưởi; chỉ mỗi một điều bao giờ cũng còn lại, có giá trị vĩnh hằng, và đó là nhận biết của bạn.
Vào lúc bẩy mươi tuổi, khi bạn sẵn sàng chết -- nếu bạn sống mọi sự đúng đắn, vào khoảnh khắc đó, đừng bao giờ trì hoãn cho tương lai, đừng bao giờ mơ mộng về tương lai, bạn đã sống nó một cách toàn bộ trong khoảnh khắc dù nó là bất kì cái gì – chín tháng trước cái chết của mình bạn sẽ trở nên nhận biết. Bạn đã đạt tới nhiều nhận biết thế, bạn có thể thấy rằng bây giờ cái chết đang tới.
Nhiều thánh nhân đã tuyên bố cái chết của họ trước thời điểm đó, nhưng tôi không gặp một ví dụ nào mà cái chết được công bố trước chín tháng. Đích xác chín tháng trước đó, con người của nhận biết, đã thông tỏ với quá khứ... bởi vì người chưa bao giờ nghĩ tới tương lai sẽ chẳng bao giờ nghĩ về quá khứ. Chúng là cùng nhau; quá khứ và tương lai là cùng nhau, gắn cùng nhau. Khi bạn nghĩ về tương lai đấy chẳng là gì ngoài sự phóng chiếu của quá khứ; khi bạn nghĩ về quá khứ đấy chẳng là gì ngoài cố gắng lập kế hoạch cho tương lai – chúng là cùng nhau. Hiện tại ở ngoài cả hai -- người sống trong khoảnh khắc này bây giờ và ở đây không bị cản trở bởi quá khứ và không bị cản trở bởi tương lai, người đó vẫn còn không bị nặng gánh. Người đó không có gánh nặng phải mang, người đó đi vô trọng lượng. Lực trọng trường không tác động vào người đó. Thực tế, người đó không bước, người đó bay. Người đó có cánh. Trước khi chết, đích xác chín tháng trước đó, người đó sẽ trở nên nhận biết rằng cái chết đang tới.
Và người đó sẽ tận hưởng và người đó sẽ mở hội và người đó sẽ nói với mọi người, "Con tàu của tôi đang tới, và tôi chỉ còn lại chút thời gian trên bờ này. Chẳng mấy chốc tôi sẽ ra đi về nhà mình. Cuộc sống này đã là một kinh nghiệm tuyệt vời, kì lạ. Tôi đã yêu, đã học, đã sống nhiều, tôi được giầu có. Tôi đã tới đây chẳng có gì và tôi ra đi với nhiều kinh nghiệm, nhiều trưởng thành." Người đó sẽ cám ơn tất cả những gì đã xảy ra -- cả tốt lẫn xấu, cả đúng lẫn sai, bởi vì từ mọi thứ người đó đã học. Không chỉ từ cái đúng, mà cả từ cái sai nữa – các hiền nhân mà người đó đã bắt gặp, người đó đã học từ họ và cả các tội nhân, vâng, cả từ họ nữa. Tất cả họ đều đã giúp đỡ. Những người trộm cắp người đó đã giúp đỡ, những người đã giúp cho người đó cũng giúp đỡ. Những người là bạn đã giúp đỡ, những người là thù cũng giúp đỡ -- mọi thứ đều giúp đỡ. Mùa hè và mùa đông, no nê và đói khát, mọi thứ đều giúp đỡ. Người ta có thể cám ơn tất cả.
Khi người ta cám ơn tất cả và sẵn sàng chết, mở hội cho cơ hội này mà người ta được trao cho, thì cái chết trở thành đẹp. Thế thì cái chết không phải là kẻ thù, nó là người bạn lớn nhất bởi vì nó là cao trào của cuộc sống. Nó là đỉnh cao nhất mà cuộc sống đạt tới. Nó không phải là kết thúc của cuộc sống, nó là cực đỉnh. Nó giống như chỗ kết thúc bởi vì bạn chưa bao giờ biết cuộc sống -- với người đã biết cuộc sống nó dường như là chính cao trào, chính đỉnh cao, đỉnh cao nhất.
Cái chết là cực điểm, sự hoàn thành. Cuộc sống không kết thúc trong nó; thực tế cuộc sống nở hoa trong nó – nó là bông hoa. Nhưng để biết cái đẹp của cái chết người ta phải sẵn sàng cho nó, người ta phải học nghệ thuật.