NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Người Góa Phụ Ở Thành Ephesus...- Armstrong Martin


10/09/2011 03:14 pm
Cách đây vài trăm năm có một người lính trẻ canh gác năm chiếc giá treo cổ ở bên ngoài thành Ephesus. Đêm đó, trời tĩnh mịch, không một ngọn gió. Mặt trời lặn đã được một giờ, mọi vật trên mặt đất chìm dần vào bóng tối. Nổi bật lên trên nền trời nhợt nhạt là năm chiếc giá xử giảo, phô những vết đen xương xẩu với năm cái tử thi rũ rượi như năm kẻ chết trôi. Những kẻ bị hành hình là bọn đầu trộm đuôi cướp. Người ta đã phải cắt cử một người lính gác tới đây vì sợ rằng bạn bè thân thích của chúng sẽ lợi dụng đêm tối mang xác của chúng đi chôn. Người lính trẻ bước chậm chạp, đi đi, lại lại, lúc dậm mạnh chân, lúc đập cán giáo vào một cột xử giảo để phá tan không khí im lặng không thể chịu nổi mỗi lúc một tăng từ sau lúc màn đêm buông xuống. Cách chỗ trạm gác khoảng năm chục thước có một khu nghĩa địa. Nếu như chăm chú nhìn về hướng đó, y sẽ thấy những bóng trắng lờ mờ chập chờn trong bóng tối. Đó là những bia mộ bằng đá cẩm thạch như được pha thêm ánh lân tinh nhàn nhạt. Người lính trẻ biết rằng y còn những mười tiếng đồng hồ tối tăm nữa. Không thể cứ đi đi lại lại mãi được, thỉnh thoảng y dừng chân, ngồi xuống đất, lưng dựa vào một cột xử giảo. Song mỗi lần ngồi như vậy, y vẫn thận trọng để khỏi phải ngủ quên, bởi nếu một cái thây bị đánh cắp trong phiên gác của y thì chính thân xác y sẽ phải thay vào chỗ đó. Y biết rất rõ cái hình phạt ghê gớm này. Y đã mang theo bữa ăn tối và một bình rượu vang. Nghĩ đến hai thứ ấy, y thấy dịu hẳn lòng. Y quyết định để dành đến sau nửa đêm cho cơn đói làm tăng thêm sự ngon miệng, và khi ăn uống no nê, y sẽ thấy dễ chịu cho đến tận sáng mai. Nhưng dù sao. trước và sau bữa ăn khuya hai giờ, y vẫn phải nhắp vài ngụm rượu vang cho khí huyết lưu thông, hai bắp chân khỏi tê cứng. Y ngước mắt lên trời, chăm chú nhìn những vì sao. Sau đó, y khiêng một tảng đá trắng đến nơi cách mấy cái cột xử giảo mười bước và đặt thẳng hàng với chúng.

Từ chỗ đó, năm cái cột xử giảo chỉ như một cái, còn năm cái thây, một thây hơi thấp hơn bốn cái kia, sẽ kết thành một khối đen, không còn hình dạng gì. Từ đây y có thể quan sát chòm sao Nhân Mã chuyển động chậm chạp sau cái ngón tay dài của những cột xử giảo và y có thể đoán được giờ giấc dần dần trôi qua.

Thời gian trôi đi chậm chạp. Người lính trẻ tiếp tục phiên gác, lúc ra ngồi tựa vào một cái cột, lúc lại quay về tảng đá trắng, lúc lại uể oải đi đi lại lại. Năm cái xác với năm cái đầu ngoẹo lệch một bên, cùng những cánh tay thõng thượt, vẫn cúi xuống nhìn y như những con rối rũ rượi trong giây lát giữa những điệu nhảy của chúng.

Vào khoảng hơn hai giờ, lúc đang ngồi bên chân một cột xử giảo để nghỉ, tình cờ y quay nhìn về phía nghĩa địa. Đột nhiên y nắm chặt lấy ngọn giáo, tuy nhiên vẫn ở tư thế ngồi im, không động đậy. Y nghểnh đầu, căng mắt nhìn về phía xa xa. Y thấy một ánh lửa nhỏ rất sáng, giống như một tinh cầu chiếu qua màn sương, lung linh giữa những tấm bia mộ mơ hồ. Sau đó y đứng dậy và cứ đứng im như vậy hồi lâu. Y không phải loại người nhát gan và rất tin ở sức vóc trẻ khỏe, khéo léo của mình. Tuy nhiên, sự xuất hiện ánh sáng một cách lặng lẽ giữa chốn tha ma này cũng khiến cho tim y đập dồn dập.

Nhưng rồi sự tò mò choán hết các cảm giác khác và sau khi kiểm tra lại một lượt các cột xử giảo, y rón rén tiến về phía khu nghĩa địa. Y dừng lại. Có tiếng người khe khẽ, xa xôi. Y dừng lại, lắng nghe. Đúng là có tiếng rên từ một nơi xa xăm nào đó, nghe như tiếng người than khóc, lúc nỉ non, khi rền rĩ. Y tiến về phía có ánh sáng, bởi vì tiếng khóc than vọng ra từ chỗ đó. Chẳng mấy chốc, y tới sát bên khu nghĩa địa. Y dừng lại một lần nữa, thận trọng quay nhìn về phía trạm gác. Từ chỗ đó, y thấy rõ đủ cả năm cái cột xử giảo in rõ hình trên nền bầu trời. Nếu có ai đi gần chân mấy cái xác chết kia, y sẽ dễ dàng phát hiện ra ngay, nói chi đến việc kẻ đó dựng thang, trèo lên cột xử giảo để hạ xác chết xuống. Người lính trẻ quyết định sẽ tiếp tục đi xa hơn, chừng nào còn trông rõ mấy cái cột kia.

Nhưng bây giờ, khi xoay người để tiến về phía nghĩa địa, y nhận thấy ánh sáng đã biến mất. Y nghĩ : Có lẽ ánh sáng đó đã bị một bia mộ nào đó che khuất, bởi vì tiếng rên rỉ vẫn tiếp tục. Nếu như trước đây y đi theo hướng ánh sáng thì bây giờ y nhằm hướng tiếng kêu than mà đi.

Bước thêm vài bước nữa, y nhận thấy tiếng rên rỉ phát ra từ dưới lòng đất, bởi vì âm thanh nghe nghèn nghẹt. Y dừng lại vì một cảm giác hoảng sợ bất ngờ. Y tưởng tượng ra cảnh một thây ma, hai cánh tay vươn ra, mồm há hốc rên rỉ dưới lòng đất sâu. Nhưng khi y dừng lại lắng nghe, âm thanh kia chỉ còn là tiếng nức nở nho nhỏ, rồi sau đó lại bất ngờ òa lên. Y nghe rõ tiếng khóc và thở hổn hển. Y biết chắc rằng y đang đứng sát chỗ phát ra tiếng rên rỉ đó rồi. Y nắm chặt ngọn giáo trong tay, mò mẫm tiến lên phía trước, rồi bò quanh một hầm mộ.

Ánh sáng chợt bừng lên khiến y chói mắt. Nó phát từ cái hố sâu dưới lòng đất, ngay dưới chân y. Và chỉ khi mắt đã quen với ánh sáng đó, y mới nhận ra rằng nó phát ra từ lối vào, sau những bức thềm dẫn sâu xuống hầm mộ. Y đứng lặng nhìn xuống. Từ bên trong cửa hầm, tiếng khóc lại bật lên đột ngột khiến cho y cảm thấy chói tai cũng như mới đây, thấy chói mắt. Trán và ngực toát mồ hôi lạnh, song y đã quyết tâm đến cùng, lại có thêm ngọn giáo sắc trong tay, y mò xuống những bậc tam cấp. Tiếng khóc to át cả tiếng bước chân. Y đi sát bên tường để tránh ánh sáng rồi lặng lẽ nép mình ở một góc tối, nhoài mình ra để quan sát kỹ căn hầm.

Người đàn bà vẫn không đáp. Chị ta chỉ nhắm mắt lại một lát. Y nhận thấy cái miệng và đôi má chị ta dài thượt vì đau khổ và mệt mỏi. Người lính trẻ gỡ lấy cái bình rượu vang đang đeo lủng lẳng bên vai và mở nắp ra. Mùi rượu từ miệng bình bốc ra thơm ngào ngạt át cả mùi tử khí trong nhà mồ. Y đưa mời người đàn bà, song chị ta vẫn không cử động. Chỉ đến khi y đặt bình rượu kề vào môi, chị ta mới chịu há miệng nhấp một ngụm. Một lát sau, y lại thúc cho chị ta uống thêm chút nữa. Sau đó, chị ta lại ngồi im, mắt nhắm nghiền. Hơi men đầy sức sống của chất vang đã lan tỏa khắp cái cơ thể cứng đờ, tê dại của chị ta. Hồi lâu, chị ta mở mắt rồi giơ hai tay ra nắm lấy cánh tay y làm chỗ dựa, đứng dậy một cách khó khăn. Người lính trẻ đợi cho tới khi chị ta lấy lại sức lực. Y đứng im hồi lâu, rồi chợt nhớ đến những chiếc giá treo cổ không được canh gác, y thấy thót cả tim. Y cúi xuống, nói thầm vào tai người đàn bà :

- Ta đi ra ngoài kia nói chuyện.

Chị ta đặt một ngón tay ra hiệu rồi chỉ về phía người đàn bà kia, sau đó bước theo y, khó khăn chật vật mới trèo lên được mấy bậc tam cấp.Trong khi đỡ cho người phụ nữ yếu ớt, chậm chạp bước đi, y có cảm giác tất cả tâm trí của y đang căng lên muốn mau mau được trông thấy mấy cái giá treo cổ kia. Cuối cùng, họ đã ra đến ngoài mặt đất, y thở phào rồi quay nhìn người bạn mới quen. Y đã thấy rõ năm cái giá treo cổ và trên mỗi cái giá vẫn còn một thây người.

Nói về người phụ nữ kia, chị ta đứng ở bậc thềm cao nhất, thở hít cái không khí trong lành của buổi đêm và nhìn quanh như thể chị ta vừa bước vào một thế giới mới.

- Nói cho tôi hay - Y lại hỏi chị ta - Hai người đang làm gì ở đây ?

- Ông ạ! - Chị ta đáp - Bà chủ của tôi mà ông vừa thấy ở dưới nhà mồ tên là Evadne, góa phụ của tôn ông Theophanes.

Người lính trẻ chờ đợi người phụ nữ nói tiếp, song chị ta ngừng lại như không còn gì để nói thêm nữa.

Y lắc đầu :

- Tôi không biết cái tên đó.

Người phụ nữ hỏi lại :

- Bộ ông không biết quý danh đó sao ? Phu nhân của tôi nổi tiếng khắp nơi vì là một người vợ mẫu mực tuyệt vời, đến nỗi phụ nữ ở các nước khác cũng thường tìm đến để chuyện trò, tham khảo ý kiến của bà. Trong những ngày gần đây, bà lại càng nổi tiếng hơn, bởi khi ông chủ tôi mất, bà không thỏa mãn với việc khóc than tại nhà, thậm chí theo những tập quán để tóc rũ rượi, đấm vào ngực trần trước mặt mọi người, bà còn tuyên bố ý định sẽ đi theo ông chủ tôi tới nhà mồ và sẽ khóc than tại đó hết ngày này qua đêm khác cho đến khi kiệt sức tàn hơi thì thôi. Kể cũng lạ khi ông không hay biết gì về chuyện này, trong khi cả thành phố này đã lần lượt đến tận nhà chúng tôi, cố tìm hết cách khuyên nhủ bà hãy từ bỏ ý định đó đi, song mọi người đều thất bại. Chúng tôi tới đây đã được năm ngày và ở đây suốt từ bấy đến nay.

- Khi nói " cả thành phố này" - Người lính trẻ bảo - người ta chỉ có ý ám chỉ những ai liên quan đến sự việc mà thôi. Tôi không hề hay biết gì về chuyện này. Tôi là một người lính, hơn nữa lại là người nơi khác tới, cho nên quả thực tôi biết rất ít về những chuyện xảy ra ở thành phố, bên ngoài trại lính của tôi, trừ ba cái quán nhậu. Chúng tôi càng không biết nhiều về những chuyện đời tư của mấy vị tai to mặt lớn. Bộ chị cũng định tuyệt thực theo bà chủ sao ?

- Tôi không thể bỏ mặc bà ấy được - Cô gái tốt bụng đáp - Song thú thực là tôi không muốn chết. Vì vậy khi chúng tôi mới đến đây, tôi đã lén mang theo một ít thức ăn và một ít dầu thắp để chí ít chúng tôi cũng không phải ngồi thầm trong bóng tối. Nhưng đến đêm hôm qua, thức ăn vừa cạn, còn dầu thắp thì đến ngày mai cũng vừa hết. Thú thực rằng lúc đầu, tôi hi vọng là đến khi bà ấy đã quá mệt mỏi vì than khóc và đói khát, tôi có thể khuyên nhủ bà ấy trở về nhà, bởi đói khát, mệt mỏi có thể bẻ gãy ý chí của nhiều người. Thế nhưng bà ấy vẫn không hề chuyển lay, cho nên tôi đâm ra tin rằng ở đây lòng kiêu hãnh và tính bướng bỉnh, chứ không phải đơn thuần là tình yêu, đã khiến bà ấy kiên trì mục tiêu đến cùng. Chà ! - Cô gái thở phào - Rượu vang của ông mới dễ chịu làm sao ! Nó đem lại sức sống ấm áp cho ngôi nhà mồ lạnh lẽo này, bởi vì từ lúc chúng tôi đến đây, tôi đã cảm thấy tử thần gặm mòn dần trái tim tôi !

Người lính trẻ lại trao cho cô gái bình rượu. Cô gái khốn khổ lại uống thêm ngụm nữa, rồi thở phào khoan khoái. Sau đó, y đưa cho cô suất ăn tối của y.

- Cô ăn đi! - Y bảo - Cô cần cái này hơn tôi. Bây giờ tôi phải về chỗ gác, mai tôi sẽ quay lại.

Cô gái cảm ơn :

- Ông lại mang thêm thức ăn chứ ? - Cô gái thì thào, vẻ háo hức và đặt một bàn tay lên vai y - Nhớ mang thêm cả rượu vang nữa.

Người lính trẻ nhận lời, chia tay với cô rồi lần mò tìm đường đi giữa những bia mộ trong ánh sáng lờ mờ, cuối cùng trở về chỗ mấy cái cột xử giảo.

Suốt thời gian còn lại của phiên gác và cả ngày hôm sau, hình ảnh dễ chịu trong hầm mộ, bờ vai mịn màng giữa suối tóc đen bóng, rồi tấm thân xinh đẹp tự đầy đọa đau khổ kia luôn luôn len lỏi vào con tim y như một báu vật được cất giữ kín. Tâm trí và tình cảm của y trào dâng một niềm thương cảm thánh thiện. Y chẳng nghĩ được gì ngoài người đàn bà đáng yêu đang than khóc kia. Và mỗi khi nhớ đến nàng, y lại hình dung ra nàng cử động, rời bỏ cái tư thế phủ phục và từ từ quay lại, ngẩng đầu lên nhìn y. Y tưởng tượng ra khuôn mặt của nàng với hàng trăm nét vẻ khác nhau, song bao giờ cũng đáng yêu tuyệt vời. Không thể để cho con người duyên dáng kia phải tàn tạ như một đóa hoa bị lãng quên. Đã một tuần nay, nàng hủy hoại sắc đẹp của nàng. Nghĩ đến đây, y thấy trào dâng một niềm kinh hãi. Y tưởng tượng ra việc y có thể cứu nàng, bất luận nàng có ưng thuận hay không. Có lẽ y sẽ thuê một căn phòng trong thành phố, sẽ thuyết phục một anh bạn đồng ngũ gác thay cho y mấy cái cột xử giảo kia. Y sẽ bế nàng đi trong đêm tối, trên đôi cánh tay y, bởi nàng cũng yếu lắm rồi, không đủ sức kháng cự lại. Y sẽ để nàng cùng người hầu gái ở lại căn phòng y thuê. Hàng ngày y sẽ mang thức ăn và rượu vang đến đó thăm nàng, cho tới khi nàng quen dần với y và thậm chí cuối cùng có thể thương yêu y. Nghĩ vậy, y cảm thấy say sưa và háo hức mong cho chóng đến đêm hôm sau để có thể quay lại với nàng.

Khi trời vừa sẫm tối, y vui sướng đi nhận nhiệm vụ, đến thay phiên cho người lính gác ban ngày sớm hơn cả giờ quy định. Y mang theo rất nhiều thức ăn và rượu vang. Và khi màn đêm vừa buông, mọi vật đều yên tĩnh, y bỏ ngay trạm gác, lén lút chạy ra khu nghĩa địa. Lại một lần nữa, ánh sáng dẫn dắt y, song hôm nay ánh sáng chỉ còn lờ mờ, chứ không rõ ràng như đêm trước. Lần này y cũng không nghe thấy tiếng than khóc nữa. Xung quanh im lặng như tờ. dường như cả vũ trụ đang lắng nghe tiếng chân rón rén của y. Chẳng lẽ nàng chết rồi sao ? ý nghĩ đó thúc đẩy y bước gấp thêm, và chỉ lát sau, y đã tới nghĩa địa. Y len lỏi đi giữa đám bia mộ trắng. Khi tới nơi, y bước nhanh xuống mấy bậc tam cấp và đứng ở cửa dẫn vào hầm mộ.

Đến đây y dừng lại như lặng đi trong một giấc mơ đầy say mê, bởi vì trước mặt y cái khung cảnh được ánh đèn vàng chiếu kia vẫn y nguyên như cũ, dường như y vẫn đứng đó từ lúc tới đây lần đầu, đêm hôm trước. Giống như tất cả những gì xảy ra sau đó chỉ bắt đầu từ lúc này mà thôi!

Chính y sẽ là người phá vỡ cái không khí im ắng đó. Lúc này, đôi mắt y nhìn như muốn nuốt chửng lấy người đàn bà đang nằm phủ phục than khóc kia. Y có cảm giác phong độ của nàng có phần nào khác đêm trước rồi, tư thế của nàng nằm như một người đã chết cứng. Tim y như hóa đá, y chạy vội tới và cúi xuống bên nàng. Nghe thấy tiếng bước chân, người đầy tớ gái mở choàng mắt, xòe tay ra phía y, rồi cố gượng đứng dậy.

Y quay nhanh về phía cô ta, giọng thì thào giận dữ :

- Bà ấy chết rồi sao ?

Cô gái lắc đầu :

- Không, bà ấy đang ngủ.

Y thở phào, tim lại đập rộn ràng. Y lấy thức ăn và rượu vang mà y đã hứa sẽ mang lại, trao tất cả cho cô ta. Cô gái đón nhận với niềm vui sướng run run, trông đến ái ngại. Rồi y quay ngay đi, bởi vì toàn bộ tâm trí đang đặt ở người đàn bà than khóc kia. Y quỳ sụp xuống bên nàng, cố nhìn vào tận khuôn mặt nàng.

Nàng đang chìm trong giấc ngủ, đầu gục xuống trên một cánh tay duỗi thẳng và khuôn mặt bị mái tóc che khuất. Người lính trẻ gỡ chiếc mũ sắt ra, đặt xuống đất, rồi nhẹ nhàng lấy tay nâng một lọn tóc đen bóng của nàng lên, và bằng một tình cảm mến mộ, run run, y đưa lọn tóc áp lên môi mình. Cánh tay kia của nàng đang buông thõng bên cạnh, song y không dám đụng tới, vì e rằng sẽ quấy rầy giấc ngủ của nàng.

Y đã quỳ như vậy hồi lâu, trong lúc người hầu gái ăn và uống những thứ y mang tới. Khi quỳ bên nàng, y có thể nhìn rõ khuôn mặt của người chết mà một bàn tay của người thiếu phụ gần chạm tới. Khuôn mặt đó đã biến đổi ghê gớm từ đêm hôm trước và khi y nghĩ tới những biến đổi còn ghê gớm hơn nhất định sẽ xảy ra trong ngày mai, y thấy phải quyết tâm cứu nàng ra khỏi nơi đây ngay tức thì, kẻo sức khỏe của nàng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì cái thây ma đang ngày một thối rửa.

Đột nhiên nàng buông một tiếng thở dài nhè nhẹ, xa xôi, tuồng như linh hồn nàng đang từ một cõi xa xôi nào đó quay về. Sau đó, nàng từ từ nhấc đầu lên, mái tóc dầy đổ xuống và cuối cùng y nhìn thấy rõ khuôn mặt nàng. Đúng là khuôn mặt của một tiên nữ đang còn trong giấc ngủ, đôi mắt vẫn còn nhắm nghiền, song bất chấp những nỗi đau khổ, dằn vật dày vò, vẻ đẹp tuyệt vời của khuôn mặt đó vẫn được bảo toàn. Y nhoài người ra phía trước, giơ hai tay ra nắm lấy bàn tay để thõng của nàng.

Nàng từ từ uể oải mở mắt ra. Lúc đầu, cái nhìn của nàng không nói lên được một điều gì, tưởng như nàng đã quên hết mọi chuyện có liên quan đến sự sống, chẳng còn biết mình đang ở đâu. Sau đó, cặp mắt nàng dán chặt vào khuôn mặt chàng trai tóc vàng, đẹp trai đang quỳ mọp trước nàng. Coi bộ nàng chẳng tỏ ra ngạc nhiên, mà cũng chẳng tỏ ra hoảng hốt. Nhưng khi đôi mắt nàng nhìn thẳng vào mắt y, tưởng như hàm chứa một câu hỏi, nàng cố nhớ lại một điều mà nàng đã quên từ lâu rồi. Cho đến khi y buông bàn tay nàng, rồi đưa cả cánh tay ra đỡ nàng ngồi lên, nàng vẫn đăm đăm nhìn y không chớp mắt, như thể đôi mắt y là một pho sách mà nàng hi vọng sẽ đọc được ở đó một lời giải đáp cho điều nàng đang cần tìm.

Khi thấy bà chủ cựa quậy, người đầy tớ gái đã nhanh chóng tiến lại gần, đứng bên cạnh chiếc bàn đá. Người lính trẻ giơ tay ra, bảo :

- Cô đưa tôi cái bình rượu.

Cô gái mang bình rượu lại và y đưa nhẹ lên sát môi người thiếu phụ. Nàng ngoan ngoãn vâng lời như một đứa con nít và khi y bảo nàng uống một ngụm nhỏ, nàng tuân theo ngay tức thì. Sau đó, y đón lấy một mẩu bánh từ tay người hầu gái, tha thiết yêu cầu nàng nhấm nháp một chút. Nàng cũng vâng theo và cứ thế, dần dần từng tí một, y khuyên nhủ nàng hết ăn rồi lại uống. Y vẫn trong tư thế quỳ trước nàng, một cánh tay đỡ lấy người nàng. Còn nàng, trong lúc đón lấy những thứ y đưa cho, đôi mắt nàng vẫn như dán chặt vào mắt y không chớp, vẻ vừa dò xét, lại vừa ngạc nhiên.

Một lát sau, y để ý thấy đôi môi nàng đã mấp máy như cố nói gì đó. Y ghé sát tai xuống gần miệng nàng mới nghe rõ những tiếng thì thào như sau :

- Tôi tưởng tôi đã chết rồi cơ mà!

Người lính trẻ kéo sát nàng lại phía y và cũng thì thào :

- Bây giờ nàng bắt đầu một cuộc sống mới rồi !

Y đỡ nàng trên tay và giữ cho đầu nàng tránh nghiêng về phía cái tử thi kia. Y bế nàng ra một góc nhà mồ, ở đấy, người đầy tớ gái đã trải sẵn một chiếc khăn choàng phủ kín để không còn trông thấy cái tử thi nữa. Rồi cả ba ngồi im trong ngôi nhà mồ nhiều tiếng đồng hồ, lặng lẽ không một tiếng động, cho đến lúc ngọn đèn bắt đầu nhấp nháy, lụi dần chỉ còn một quầng nhỏ màu xanh rồi tắt hẳn.

Người hầu gái đứng lên, định đổ thêm dầu vào đèn, song khi nghe thấy tiếng động, người thiếu phụ nhè nhẹ cựa quậy đầu trên ngực chàng lính trẻ và nói thì thầm với y điều gì đó. Đến lượt y, y quay ra bảo với cô gái cứ để nguyên ngọn đèn như vậy. Và khi mọi vật chìm trong bóng tối, người lính trẻ cảm thấy hai cánh tay của người thiếu phụ quờ quạng bíu lấy cổ y, mặt nàng áp chặt vào mặt y. Nàng khóc thút thít, và y cảm thấy những giọt nước mắt lăn trên má y. Y có một cảm giác rất êm dịu như đang ở trên thiên đàng.

Chắc chắn rằng xưa nay chưa hề có một cặp tình nhân nào hội ngộ trong một hoàn cảnh kỳ quặc hơn họ : trong bóng tối của một nhà mồ và chỉ cách khoảng một cánh tay là thi thể của người chồng mà mới đây còn được người thiếu phụ vật vã khóc than, thương tiếc.

Còn không đầy hai giờ nữa thì trời sáng. Người lính trẻ nhận thấy không thể nấn ná thêm nữa khi chợt nhớ ra rằng mấy cái cột xử giảo bị bỏ không canh gác đã quá lâu. Y thấy choáng váng, y ghé sát vào tai người thiếu phụ, thì thào :

- Tôi phải đi đây, bởi vì chẳng còn mấy lúc nữa, người lính gác phiên ban ngày sẽ đến thay chỗ cho tôi.

Song nàng vẫn cứ bám riết lấy y. Y không tài nào gỡ ra khỏi vòng tay của nàng được.

Y lại phải thì thào tiếp :

- Tôi phải đi đây, bởi nếu như người ta phát hiện ra tôi bỏ gác, tôi sẽ bị tống ngục hoặc bị phát vãng tới một thành phố xa xôi, em yêu ạ! Như vậy tôi sẽ phải chia tay vĩnh viễn cùng nàng.

- Anh hãy thề đi - Nàng thì thào - Thề rằng đêm nay sẽ quay lại đây.

Và khi y thề xong, nàng mới buông ra cho y đi khỏi hầm mộ, lên với không khí trong lành ở bên trên mặt đất. Những suy nghĩ của y bị giằng xé giữa một bên là thiên đàng y đã tìm thấy trong hầm mộ và một bên là nỗi lo lắng thiêu đốt, không biết mấy cái cột xử giảo có an toàn hay không.

Khi y lên đến mặt đất, tim y như ngừng đập. Y đưa tay lên che miệng để khỏi kêu thét lên. Năm chiếc cột xử giảo vẫn in rõ hình trên nền trời xám ngoét, nhưng một cái xác ở một cột xử giảo đã biến mất !

Y bắt đầu chạy, chân vấp phải những tảng đá rải rác trên mặt đất. Y điền cuồng hi vọng rằng khi tới chỗ cái cột xử giảo kia, y sẽ phát hiện ra là cái xác vẫn còn treo ở đó, hoặc có thể là bị rớt xuống đất cũng nên. Tuy nhiên, y chợt thấy hoảng sợ. Liệu một cái xác còn mới, chưa bị thối rửa có thể nào lại rớt khỏi xiềng xích cột chặt nó vào đó được chăng ? Khi tới nơi, y gần như ngộp thở và run rẩy nhận ra rằng đúng là cái xác đó đã biến mất rồi! Xiềng xích vẫn còn nằm đó, dưới chân cột xử giảo. Y cầm sợi dây xích lên và nhận thấy một mắt xích đã bị dũa đứt. Sau đó, trong nỗi lo sợ tột cùng, y cứ đứng trân trân nhìn cái cột xử giảo mà sau đây sẽ đón nhận cái thây ma của chính y thế vào đó. Y chạy trở lại ngôi hầm mộ với một nỗi tuyệt vọng ghê gớm. Y thuật lại cho người tình của y nghe mọi chuyện vừa xảy ra, kể cả cái số phận cay nghiệt đang đón chờ y.

- Tuy tôi đã đánh mất danh dự quân nhân - Y than thở với nàng - song tôi không muốn bị treo cổ bên cạnh bọn bất lương kia. Em yêu, hãy cho tôi được gục đầu trong cánh tay em cho đến sáng, sau đó tôi sẽ gục ngã dưới mũi giáo của chính tôi. Song hãy cho tôi một ân huệ cuối cùng là sau khi tôi chết, nàng hãy để thi thể của tôi nằm lại tại đây và hãy dành ra một ngày ngồi cầu nguyện cho tôi.

Người thiếu phụ kinh hoàng khi được biết mối tình vừa mới chớm nở, đang tràn trề hi vọng, thế mà lại sắp sửa tuột khỏi tay nàng. Nàng lại bám riết người tình, nức nở rền rĩ, trong lúc đó người hầu gái cũng đang vừa đấm ngực, vừa kêu khóc ầm ĩ, góp thêm những lời kêu than cùng với bà chủ của mình. Khi người thiếu phụ đã tới chỗ tuyệt vọng cao độ, nàng bỗng ngưng khóc lóc. Nàng buông cánh tay đang bíu chặt lấy cổ người lính trẻ, rồi bằng một động tác dứt khoát, quay lại chỗ bàn đặt thi hài, cuộn tấm phủ đang che cái tử thi.

- Cần phải làm ngay bây giờ để bảo đảm an toàn tính mạng cho anh. - Nàng nói.

Người lính trẻ đứng sững sờ, phân vân, song ánh mắt y bỗng lóe lên một điều khi y chợt hiểu ra. Lúc người thiếu phụ quay nhìn đi chỗ khác, người đầy tớ lay cánh tay y. Cô ta nắm lấy chân cái xác chết và ra hiệu cho người lính nâng đầu xác chết lên. Y làm theo. Hai người khiêng cái xác lên những bậc tam cấp. Chậm chạp và mệt nhọc, bởi cái xác cũng rất nặng, họ khiêng qua khu nghĩa địa rồi tới chỗ chân cột xử giảo bị khuyết một cái xác. Sau khi cột xiềng xích quanh xác và được người đầy tớ gái bạo gan giúp sức, y trèo lên cột xử giảo và treo cái xác vào chỗ khuyết. Rồi khi trời sáng, người lính mới đến nhận gác thay y, thấy y vẫn đứng ở vị trí gác với đủ năm cái xác bị hành hình trên năm cột xử giảo.

Còn người lính trẻ, bị mê hoặc trước một người đàn bà mà tình cảm đột ngột thay đổi ghê gớm như y đã từng được chứng kiến, lúc này đã được giải ngũ và chuyển về sống ở một thành phố khác cùng với người vợ mà y chinh phục được trong một tình huống hết sức dị kỳ.

Câu chuyện thật về Sad Movies.


Đôi khi có những câu chuyện được người ta tưởng tượng ra, y như thật. Sad Movies cũng là một câu chuyện như thế.
Sad Movies được nhạc sĩ Loudermilk sáng tác từ câu chuyện của một cô bạn. Cô này kể lại, sau khi cô xem bộ phim Spartacus tại rạp, người ta đã bất ngờ bật đèn lên và cô phát hiện người phụ nữ bên cạnh cô đang khóc. Người phụ nữ ấy chỉ nói: “Sad movies make me cry” (phim buồn làm tôi khóc). Chỉ là một câu chuyện nhỏ không có ý nghĩa nhưng Loudermilk với trí tưởng tượng phong phú đã biến nó thành một câu chuyện về …nhân tình thế thái.
Được phát hành năm 1961, Sad Movies của nhạc sỹ John D. Loudermilk gắn liền với tên tuổi của ca sỹ Sue Thompson.
Sad Movies là tiếng thở dài thất vọng của một con người khi phát hiện sự giả dối vây quanh mình trong xã hội. Bài hát thể hiện khao khát của một con người được sống giữa những người người hơn, tốt hơn, tử tế hơn nhưng không được. Phần nhạc mang tính kể chuyện, tiết tấu mang tính châm biếm. Riêng khúc điệp khúc nghe như tiếng than vãn, càng nghe càng thấy buồn “Ôi, phim buồn luôn làm tôi khóc”. Đấy là tiếng khóc của một con người trung thực dù không muốn nhưng phải chứng kiến sự giả dối. Cái hay của bài hát là câu này có thể hiểu theo nghĩa đen (phim ở rạp buồn nên tôi khóc) hay nghĩa bóng (người ta giả dối, đóng phim, đời là phim, nên tôi khóc) thì đều ăn nhập với phần lời còn lại.
Ngày xưa mình thường nghe qua bản tiếng Pháp: “Quand le film est triste”, hôm nay các bạn nghe lại Sue Thompson hát nhé:
SAD MOVIES
Sad movies always make me cry.
He said he had to work, so I went to the show alone.
They turned down the lights and turned the projector on.
And just as the news of the world started to begin,
I saw my darling and my best friend walking in.

Although I was sitting right there they didn’n see me.
And so they both sat right down in the front of me.
And when he kissed her lips then I almost died.
And in the middle of the colour cartoon I started to cry.

Oh Sad movies always make me cry
Sad movies always make me cry

And so I got on up and slowly I walked on home,
And Mama saw the tears and said “Baby what is wrong”.
And so just to keep from telling her a lie,
I just said “Sad movies makes me cry”.

Oh Sad movies always make me cry
Sad movies always make me cry
Sad movies always make me cry
Sad movies always make me cry…

Nghệ Thuật Đen - Thanh Tâm Tuyền


Gọi nghệ thuật đen là thứ nghệ thuật bi đát phẫn nộ, thứ nghệ thuật dục tình suồng sã, thứ nghệ thuật vô luân trắng trợn. Thứ nghệ thuật bị các nhà đạo đức lên án, bị con người văn minh chối nhận, bị những người Mác-xít dè bỉu – những hạng người rất nghịch nhau lại gặp nhau ở điểm này.
Gọi nghệ thuật đen là nghệ thuật bị hắt hủi, một nghệ thuật “mọi” của những tên “mọi” trong xã hội. Nhưng này, tất cả những nhà đạo đức, những người văn minh, những người Mác-xít, hãy nhận lấy một sự thực: “mọi” cũng là người và nghệ thuật của “mọi” cũng là nghệ thuật của người. Và bọn “mọi” ấy cũng muốn được phát biểu ý kiến như các ngài vậy.
Tại sao lại có nghệ thuật đen?
Các nhà đạo đức: Tình trạng suy đồi của tinh thần con người mất đức tin nơi Thượng Đế, mất hết ý niệm Thiện Ác, hoang mang lạc lõng không tìm được ánh sáng chân lý trong cơn khủng hoảng tột độ của một xã hội vật chất.
Người văn minh: Phản ứng ngu muội thoái hoá của bọn người lạc hậu không thích ứng được với cuộc tiến triển của xã hội nhân loại, một khuynh hướng phản động luyến tiếc một thứ tự do ấu trĩ phát động bởi bản năng (gọi người văn minh là người tin tưởng chắc chắn vào lẽ tiến hoá của xã hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn trong mọi địa hạt: những nhà xã hội học, triết gia, khoa học, cách mạng chuyên nghiệp v.v… và họ là những người trông thấy tường tận, nắm giữ phần nào cái động lực tiến hoá của xã hội).
Những người Mác-xít: Sản phẩm của xã hội tư sản trụy lạc, dấu hiệu giờ phút lâm chung của xã hội ấy, “ngày mai đang ca hát” dưới ngòi bút của những người góp công với lao động xây dựng xã hội chủ nghĩa, còn bọn này – bọn làm nghệ thuật đen – là bọn người “đào huyệt” chôn mình và chôn luôn cái xã hội thối nát của chúng.
Tóm lại mọi người đồng ý nghệ thuật đen là phản động, phản tiến hoá, phản nhân loại.
Trong sự phân tích tìm hiểu lý do phát sinh nghệ thuật đen, ba hạng người đại diện kể trên chỉ nhìn thấy vấn đề trên bình diện xã hội. Đành rằng nghệ thuật nào cũng chỉ là biểu thức của một xã hội, nhưng nó lại được phát biểu bởi những cá nhân. Bởi thế trên lộ trình dẫn từ xã hội vào cá nhân, không nói đó là một con đường quanh co khúc khuỷu khó dò tìm, thực tế xã hội đã bị chuyển hoá, biến dạng, hơn nữa với sự chủ động của cá nhân (lại không nói đến những nội quy của thế giới nghệ thuật) phản ảnh của xã hội có thể bị mờ nhạt hoặc biệt tích mở ra những chân trời mới trong tác phẩm. Lối giải thích văn chương nghệ thuật bằng xã hội chỉ giữ người ta đứng ở bên ngoài mà la lối hò hét với những thiên kiến và chỉ nạt nộ được những kẻ yếu bóng vía hay vô thức. Ba quan điểm kể trên giải thích và phê phán nghệ thuật đen là ba cấp độ rời xa dần trong sự tìm hiểu nghệ thuật. Nếu chịu đặt câu hỏi như thế này: Tại sao trong một tình trạng xã hội như thế lại sản sinh ra thứ nghệ thuật ấy? Sẽ thấy được điều trình bày như tất yếu, như luật nhân quả rơi vỡ và có một khoảng trống của vực sâu thăm thẳm mà lý luận của người ta đã nhảy vọt lấp liếm.
Nghệ thuật bắt nguồn nơi đời sống biểu diễn của đời sống – hãy mở rộng hai chữ đời sống theo nghĩa thông dụng, đời sống cụ thể, hằng ngày, phức tạp, đừng giản lược vào trong sự vận động của xã hội, hay nghèo nàn hơn nữa trong sự vận động của kinh tế – đồng thời cũng là sự biểu thị của một tự do của một con người giữa đời sống trước xã hội. Muốn hiểu được nghệ thuật, khoan dán nhãn hiệu xã hội cho nó: đó là việc sau của lịch sử (trường hợp của cộng sản thường làm bởi họ có quan niệm lịch sử biện chứng, một quan niệm lịch sử đường thẳng, nên họ dám tin lịch sử ở trong tay họ nhào nặn) bởi cái ý nghĩa xã hội của nghệ thuật cũng chính là ý nghĩa lịch sử của nó; phải bắt đầu tìm hiểu ý nghĩa phát sinh của nghệ thuật, cái ý nghĩa trong tự thân nó, rồi nếu vẫn còn muốn hiểu cái ý nghĩa xã hội của nó thì từ đó suy ra mới may tránh được những sai lầm tai hại vì thiên kiến vu vơ không liên lạc chút nào tới nghệ thuật.
° ° °
Nghệ thuật trước hết là một lối nhận thức đời sống. Nhận thức nào cũng bắt đầu bằng sự chia lìa cần thiết giữa một ý thức và đối tượng của nó. Cấp độ của sự nhận thức cao thấp là tùy theo sự chia lìa ấy sâu xa hay hời hợt. Hằng ngày người ta sinh sống trong một thế giới nhân loại được xếp đặt quy định trong một trật tự được tự nhiên hoá không nghi ngờ không dò hỏi, người ta sống yên ổn thoải mái với những thói quen, tiếp nhận hạnh phúc cũng như sự phiền muộn như những trái cây ngon ngọt hay đắng chát của Tạo Hoá ban cho, nhưng rồi một cơ hội nào đó trật tự kia bị xô lệch bởi những người khác, người ta có thể ngạc nhiên rồi quên đi khi trật tự vãn hồi, người ta có thể hoảng kinh vì không quên được trước cái trật tự giả tạo. Người ta cảm thấy từ đấy sự chia lìa giữa mình với đời sống xung quanh, giữa mình với mình, người ta tự hỏi, người ta cố gắng tìm cách trả lời, người ta hoài nghi. Như một cơn địa chấn – nói theo Nietzsche – con người lúc bấy giờ thấy mặt đất điên đảo dưới chân mình, một mình mình gánh nặng cả đời sống trên hai vai, nỗi hoảng kinh thất thần của chàng Roquentin trong tác phẩm của Sartre lan tràn ra bên ngoài như thế đó, chàng nhìn lọ mực để trên bàn, nhìn bàn tay của mình, cái mặt cái miệng của kẻ khác, cái rễ cây nơi công viên, những sinh vật hết sức tự nhiên đối với mọi người trở nên hãi hùng đối với chàng.
Nghệ thuật đen bắt đầu bằng một ý thức chia lìa ghê gớm đó. Chia lìa ghê gớm thế nghĩa là gì? Đó là một bệnh trạng của trí thức thời nay chăng? Không. Đó là khởi nguyên của ý thức là mầm mống của thay đổi, của sáng tạo. Sự chia lìa ghê gớm kia là điều kiện cho một nhận thức sâu xa hơn về đời sống, rũ bỏ những huyễn ảnh của kẻ bấy lâu ngồi trong hốc đá chỉ nhìn những bóng chiếu in trên vách mà tưởng là sự thật. Triết lý luôn luôn là một sự khởi đầu, kẻ tới sau muốn lật đổ áp lực người thuở trước. Nghệ thuật đối với các tác giả lớn cũng là một sự khởi đầu. Nghệ thuật gần gũi với triết lý ở điểm này. Bởi thế không lấy làm lạ thứ nghệ thuật tầm thường là thứ nghệ thuật không có một nhận thức về đời sống, hay nhận thức đời sống theo những giản đồ được quy định từ trước. Khi Dostoievsky nói người ta chỉ sáng tạo được trong đau khổ, hãy hiểu nỗi đau khổ ấy là sự chia xé tan hoang của một ý thức tận trong phần sâu hút của nó bơ vơ trơ trọi ngoài đời sống muốn trở về gia nhập nhưng không thỏa mãn với trật tự hiện hữu và chưa nhìn thấy cái trật tự tìm kiếm.
Sự khác biệt giữa lối nhận thức nghệ thuật và lối nhận thức triết lý là: lối nhận thức thứ nhất thiên về cụ tượng, cố gắng thâu tóm lấy sự toàn thể của thực tế lúc xuất hiện trong một ý thức khởi nguyên thông suốt – một thứ trực giác, theo ngôn ngữ thông thường -; lối nhận thức thứ hai thiên về quan niệm, cố gắng vượt từ những kinh nghiệm riêng tư đạt tới những ý tưởng chân xác phổ biến nhờ sự can thiệp của lý tính trong ý thức bằng sự sử dụng luận lý. Lối nhận thức của nghệ thuật, so với lối nhận thức triết lý, tất nhiên là mơ hồ hẹp hòi, nhưng lại giữ được tính cách cụ thể mạnh mẽ xúc động, tránh xa sự trừu tượng, cuộc phiêu lưu tách rời khỏi thực tế của một ý thức mãi đuổi theo sự tuyệt đối mà ra khỏi thế giới nhân loại lúc nào không biết. Nhận thức triết lý về đời sống ở một triết gia bao giờ cũng đến sau một nhận thức theo lối nghệ thuật đen ở nơi người ấy, nghĩa là một sự đột khởi xé toang ý thức dìm nó vào một cơn khủng hoảng đảo điên trong một thời khắc đặc biệt nào mà một kinh nghiệm rất nhỏ bé đơn giản hiện lên tóm thâu cả ý nghĩa của một đời một cách chập chờn kỳ lạ, trong bóng tối đến đặc của giao động đã rực rỡ ánh sáng; nhận thức triết lý sau này tới để phân giải để khơi sáng cái nhận thức khởi đầu ấy. Như thế sẽ không ngạc nhiên khi thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của Lão Trang trong nguồn cảm hứng của thi ca xưa – bởi lối nhận thức của hai triết gia này rất gần với lối nhận thức của Sartre là người có “khiếu thực tế” (sens du réel) bởi bên cạnh những tác phẩm triết học công trình xây dựng thuần trí thức, ông thường quay về với lối nhận thức khởi đầu bằng những tác phẩm văn chương.
Vậy nghệ thuật là một lối nhận thức đời sống riêng, có nguồn giống triết lý, những nghệ thuật lớn từ ngàn xưa vẫn phảng phất cái không khí siêu hình là thế. Nhưng từ đây có thể nhìn rõ sự phân ly giữa nghệ thuật đen và nghệ thuật xưa.
Bởi nghệ thuật gần gũi với triết lý, chỉ cần một bước cố gắng của ý thức là có hy vọng tới (nhưng là một bước tự sát của nghệ thuật) nên nghệ thuật xưa có khuynh hướng muốn đồng hoá với triết lý. Phải đặt sang bên hội họa và âm nhạc, những nghệ thuật mà sự đồng hoá với triết lý là điều không thể quan niệm nổi, những người trong hai ngành này có thể có ý thức siêu hình nhưng sự thể hiện qua những chất liệu đặc thù là màu sắc cùng âm thanh đã giới hạn rõ ràng phạm vi của họ; chỉ còn văn chương vì cùng sử dụng ngôn ngữ nên sự tràn lấn giữa hai phạm vi thật dễ dàng. Nhưng ngay trong lĩnh vực văn chương, cái tham vọng của nhà văn muốn đồng hoá văn chương với triết lý bao giờ cũng dẫn tới sự thất bại trên bình diện nghệ thuật – không kể đến thứ vach đồng hoá với luân lý hay với chính trị là thứ phản-văn-chương, bởi nó chẳng mang tới một nhận thức nào về đời sống, nó chỉ minh họa cho một nhận thức đã được quy định giản lược từ trước. Người ta đã chẳng thường trách tư tưởng triết lý của Nguyễn Gia Thiều, của Nguyễn Du là thứ chắp nhặt vá víu gượng ép đó hay sao? Nếu có tìm được ý nghĩa gì về đời sống này qua tác phẩm của những tác giả ấy là ở chỗ khác ngoài ý muốn của tác giả – đây là điểm quan hệ của văn chương của nghệ thuật –: chính là ở chỗ biểu diễn đời sống bằng nghệ thuật, một nhận thức nghệ thuật về đời sống. Giải thích được sự thất bại này là xác định được phạm vi của nghệ thuật, vai trò của người làm nghệ thuật trong đời sống. Chẳng nên để tâm tới sự phê bình vội vã thô tục, bắt nguồn từ một mặc cảm tự tôn nơi các triết gia, là triết lý vốn là phần trí thức cao cả mà bọn nghệ sĩ tầm thường chưa bao giờ đạt tới được, nếu có cố gắng vươn lên may thành mô đất bên những đỉnh non chót vót. Mỗi ngành hoạt động tinh thần của con người đều dựa trên một năng khiếu riêng, phải biết tự đặt mình vào trong phạm vi chuyên môn để nhận định rõ vai trò, trách nhiệm của ngành hoạt động mình trong xã hội loài người. Nếu một người có thể hoạt động cùng một lúc trong nhiều ngành khác nhau, người ấy khi làm phải vạch những biên giới cho từng địa hạt để khỏi xâm lấn sang nhau. Văn chương gần gũi với triết lý, liên hệ với triết lý nhưng chẳng thể đồng hoá với triết lý.
Trước hết người viết văn là người ràng buộc mật thiết với đời sống, một đời sống cụ thể hằng ngày đụng chạm quanh người hắn ngay khi hắn nhìn vào sự vật để tìm lấy cái bản thể hay đạt tới sự vĩnh viễn, cái khuynh hướng của hắn vẫn là phải chụp lấy trong những tình thế nhất định bằng những kinh nghiệm độc nhất; không giống như các triết gia, đối tượng chỉ là khởi điểm không quan trọng, họ tước bỏ tất cả những tính cách vô thường (nghĩa là cụ thể) để đạt cho được yếu tính của sự vật, nghĩa là đặt đời sống vào trong ngoặc, để dễ dàng theo đuổi những ý niệm tuyệt đối vượt ngoài thời gian và không gian. Cái ý nghĩa vĩnh cửu của đời sống trong văn chương, nếu đạt tới, vẫn bị giữ rịt giữa một hiện tại rõ ràng hiển hiện, gọi nó là một hiện tại bất diệt vậy, không bao giờ nó là một thứ tuyệt đối khách quan như cái ý niệm của Platon, của Hegel, hay – Thượng Đế (hoặc sự Siêu hoá) của các nhà hiện sinh Công giáo như Kierkegaard, Jaspers, hay Tự Do (viết hoa) của Sartre.
Sau đó, vì sự tự vẫn trong triết lý – danh từ của Camus – mà nghệ thuật chẳng thể đồng hoá với triết lý. Sự như thế nào hãi hùng đầu tiên nói ở trên, nguồn gốc sáng tạo của nghệ thuật cũng như triết lý, đối với triết gia bao giờ cũng phải chấm dứt, phải tìm sự thăng bằng sáng suốt cho ý thức dẫn họ tới sự giải thích tất cả bằng một hệ thống hay một câu trả lời (những triết gia phi hệ thống). Khi một hệ thống hoàn thành, một câu trả lời được thốt ra là triết gia bị giam luôn trong ấy, hắn chẳng những chỉ đóng cửa với quá khứ mà còn luôn cả với tương lai nữa, cùng với hệ thống hắn bay ra ngoài đời sống ngự ở trên các thư viện đại học uy nghi. Một là hắn tin tưởng một cách hồn nhiên ngây thơ như Hegel là lịch sử đời sống nhân loại sẽ tuần tự thực hiện theo cái quá trình biện chứng của ý niệm tuyệt đối đã tìm thấy chẳng còn điều gì đáng để nói thêm nữa, một là hắn phải nhận như Marx là triết gia cần phải biến cải thế giới nghĩa là dựng xong hệ thống hắn sẽ xuống đường dùng võ lực bạo động cưỡng ép mọi người sống theo hệ thống của hắn. Cả hai thái độ ấy chẳng phải là thái độ của nghệ thuật. Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một sự khởi đầu, một ý thức siêu hình (chữ siêu hình hiểu theo nghĩa thời nay không phải thuộc những địa hạt cao xa tách lìa với đời sống như trong triết học cổ điển, tính cách siêu hình có thể tìm thấy trong mọi hình thái sinh hoạt của con người hằng ngày) trong một khoảnh khắc nhất định, là sự dò hỏi của một tự do đối đầu với cảnh ngộ, chẳng bao giờ ý thức ấy muốn trói mình vào một hệ thống hay một câu trả lời dứt khoát. Người làm nghệ thuật chấp nhận cái thế chông chênh hãi hùng của ý thức sáng tạo không rút mình vào trong sự tự vẫn triết lý, bởi khi tiến tới một hệ thống hay một câu trả lời dứt khoát người ta đã nhắm mắt nhảy vọt qua cái vực mâu thuẫn hun hút trước mặt, quay lưng lại với những câu hỏi thúc bách lúc đầu vẫn còn theo đuổi, chặt đứt liên lạc với thực tế để đặt chân tới mảnh đất của tuyệt đối. Mà tuyệt đối là một ý niệm rỗng tuếch một ảo ảnh lừa dối, nó cho phép người ta giải thích được tất cả và vẫn chẳng giải thích được điều gì ráo.
Nghệ thuật đen chính là cái ý thức siêu hình trước những cảnh ngộ trong đời sống hôm nay, là biểu thị sự tự do của những con người bằng xương thịt trong những tình thế có thực của kiếp người, là lời kêu gọi cất lên cùng mọi người trong cuộc hành trình lịch sử phải sống.
Bởi đó nó bi đát phẫn nộ, nó suồng sã dục tình, nó vô luân trắng trợn. Tại sao vậy?
Đã có một thời nghệ thuật chỉ là ý thức thưởng ngoạn trước đời sống. Người làm nghệ thuật tách mình ra khỏi đời sống để nhìn ngắm nó một cách khách quan tìm lấy cái lý tuyệt đối vượt ngoài tính cách vô thường của vạn vật. Nghệ thuật này thường tìm về gần với tạo vật thiên nhiên vì ở đấy người ta tìm được một trật tự tự nhiên, dẹp được nỗi bàng hoàng của ý thức, thả cho ý thức được thảnh thơi ghi nhận lấy những vẽ Đẹp kín đáo vẫn có sẵn ở quanh mình. Nếu trước thiên nhiên tạo vật nỗi kinh hoàng của ý thức vẫn trỗi dậy, bước thêm bước nữa nghệ thuật này tìm tới tôn giáo, ở đấy những lý lẽ tuyệt đối tạo trong một trật tự đời đời không còn phải hoài nghi nữa. Tóm lại, nghệ thuật thoát từ đời sống cụ thể ra ngoài tự nhiên rồi bay bổng lên trời. Từ cái ngôi cao vút nhìn xuống đời sống – bởi nghệ thuật này vẫn không quên nổi đời sống – nghệ thuật làm hiển hiện cái lý tuyệt đối, tinh lý của đời sống chỉ là phản ảnh của cái thế giới tuyệt đối trên kia mà thôi. Người làm nghệ thuật bấy giờ đứng ở quan điểm Tạo Hoá, từ nhận thức cho đến cách thể hiện. Người ta đặt những quy luật chặt chẽ cho nghệ thuật, tìm ra những ước lệ – những yếu tố lý tưởng vĩnh viễn – mà ở nơi ấy đời sống bị tước bỏ nghèo nàn chỉ còn là một mớ ý niệm ký hiệu xếp đặt theo một khuôn mẫu bất biến. Ở nghệ thuật này, đời sống thường nhật, những sự vật nhỏ nhặt cụ thể, những cá nhân hèn mọn, những con người có xúc cảm có bản năng chỉ là những sinh vật mang theo những ước muốn những khát khao sát trên mặt đất, bị khinh bỉ, bị gạt bỏ. Nếu đôi lúc nghệ thuật có nhìn tới nơi này, là với một lòng xót xa của kẻ bề trên, nghệ thuật này có diễn tả sự xấu xa ghê tởm của xã hội cũng cố tạo những rung động thuần khiết, nhưng rung động có tác dụng đẩy thêm con người xa lìa sự sống hiện hữu, một rung động rất Đẹp. Người làm nghệ thuật không còn là một tự do biểu diễn đời sống, với một nhận thức thành nề néep hoá ra không còn là nhận thức nữa, hắn chỉ còn biết theo đuổi cố gắng đạt tới bằng mọi xảo thuật cái thế giới lý tưởng, thế giới Nghệ Thuật (viết hoa), thế giới Đẹp không dính dáng tới cái kiếp người hèn mạt của chính hắn và của người quanh hắn. Nếu chẳng may trong thời kỳ này, một vài hiện tượng đặc biệt xảy ra: Có những người ngoảnh mặt với cái thế giới tuyệt đối kia để nhìn thẳng vào đời sống đang ngọ nguậy xung quanh da thịt mình, thì thái độ của những kẻ bảo vệ thứ nghệ thuật viết hoa nói trên hoặc là mang con ngáo ộp luân lý ra để nạt nộ hoặc không thể chối cãi được về giá trị của công trình sáng tạo, họ chỉ còn cách kéo nó vào cái thế giới Đẹp của họ và làm ngơ trước cái sự sống ghê tởm (theo ý họ) chứa đựng trong nó. Chưa thấy ai phân tích tác phẩm của Nguyễn Gia Thiều hay của Nguyễn Du như một nhận thức mới lạ trước đời sống, một ý thức siêu hình trong nghệ thuật của tác giả Cung oán ngâm khúc và tác giả Đoạn trường tân thanh (không phải là triết lý mà các tác giả ấy trình bày một cách minh bạch, cái ý thức siêu hình nằm trong sự nhận thức đời sống khi diễn tả vượt ngoài cả ý định của tác giả). Chưa thấy ai đả động đến cái ý nghĩa của sự thèm muốn nhục dục ghê gớm, được diễn tả bằng những câu thơ nặng những cảm xúc bằng giác quan, sự thái quá của tình ý đưa tới những phẫn uất những tuyệt vọng thê lương trong Cung oán ngâm khúc, tạo cho tác phẩm cái không khí căng thẳng dồn ép đáng sợ, như một ý thức siêu hình nơi Nguyễn Gia Thiều; nếu có nhắc tới một điểm nào ở trên người ta sẽ vội vã giải thích bằng sự lạc lõng trong tinh thần, sự sa đọa đáng được khoan dung (!) của cá nhân tác giả. Với Nguyễn Du cũng vậy, cái nhận thức sâu sắc, khởi từ một ý thức chia xé hãi hùng với kiếp sống, biểu diễn ra một tác phẩm phức tạp như Đoạn trường tân thanh chỉ được người ta nhận định đơn giản là một mối tâm sự bất mãn của Tố Như, một dấu hiệu của sự trụy lạc của đẳng cấp Tố Như, hay vô lễ hơn nữa là một dâm thư hay một công trình Nghệ thuật tinh tuý. Với quan niệm nghệ thuật như thế, người ta hủy diệt hết cái nội dung sống thực của tác phẩm để chỉ giữ lại cái vỏ hình thức rỗng không mỹ lệ một cách trâng tráo thô bỉ.
Cho nên cũng chẳng thèm phiền trách những người khư khư với quan niệm nghệ thuật kia khi họ lên tiếng phê bình phán đoán nghệ thuật đen, chỉ muốn nói giúp họ nhận định lại một hiện tượng của thời đại bằng cặp mắt rộng rãi đứng đắn hơn, tránh những thiên lệch thiển cận dẫn họ tới cái thế bảo thủ vô ý thức một cách đáng ghét.
Cái tính chất đen đầu tiên của nghệ thuật hiện nay là sự bi đát đến phẫn nộ ít thấy ngày trước. Đừng giải thích vội vàng bằng sự bệnh hoạn của cá nhân, cũng không hẳn hoàn toàn là một tâm trạng của thời đại. Cũng đừng vội chê trách nghệ thuật đen là thứ chỉ đưa ra sự bế tắc, một thứ thuốc độc giết mòn tinh thần của người đọc. Khi nghệ thuật đen nhất định trói mình vào trong đời sống thực, nhất định trung thành với cái ý thức siêu hình phát động nguồn sáng tạo; không chịu dấn thân vào cuộc phiêu lưu thuần lý để đi tới chốn tự sát trong triết lý, nhận thức trực tiếp toàn diện một cảnh ngộ cụ thể bằng ý thức khởi đầu ấy, tất nhiên đối với những người vẫn quen tìm ở nơi nghệ thuật sự biểu diễn một trật tự sẵn có hay tìm thấy, một lời giải đáp minh bạch – nói theo tiếng thông dụng trong giới văn nghệ ngày nay: một lối thoát, tính cách xây dựng lành mạnh của nghệ thuật – thì nghệ thuật đen là bi quan lạc lõng. Nhưng nếu người ta chịu hiểu sâu xa hơn một chút rằng nhận thức nào cũng là một sự khẳng định và trong sự khẳng định đã giúp cho con người tìm lấy những phương tiện thích ứng để hoạt động trong thế giới sự vật – ngay sự nhận thức một tình thế tuyệt vọng qua tác phẩm cũng là sự khẳng định đối đầu với thực tế phũ phàng đòi tìm cách ứng phó, không trốn chạy bằng những ngõ ngách quắt quéo của cái thói tự gạt mình vô ích. Sở dĩ nghệ thuật đen không đưa lại một lời giải đáp thì chỉ có tính cách cá nhân của tác giả, là một trong rất nhiều lời giải đáp khác nhau, không thể tìm tính cách chung bởi như thế phản nghệ thuật. Nói rõ: nghệ thuật đen đứng lại là một lời kêu gọi, ý thức siêu hình sáng tạo của nó cố gắng đạt đến một nhận thức càng rộng rãi đầy đủ bao nhiêu càng hay bấy nhiêu, phô bày qua tác phẩm những thực kiện phức tạp cho thật cụ thể chân xác, nỗ lực trong nhận thức triệt để về một cảnh ngộ là đã mở ra những tầm chân trời để tùy sự lựa chọn từng cá nhân đường lối thích hợp cho riêng mình giải phóng mình khỏi cảnh ngộ. Đối với xã hội, nghệ thuật đen giữ vai trò là một ý thức dò hỏi phát hiện những vấn đề có liên quan đến kiếp sống con người, một ý thức siêu hình luôn luôn thức tỉnh hoạt động trong phạm vi của nó, không có tham vọng giải quyết. Giải quyết thuộc phần vụ của các ngành hoạt động khác trong xã hội nhân loại, nói cho đúng là công trình của cả một xã hội trong sự vận dụng hết mọi khả năng của xã hội ấy. Làm sao lại bắt người làm nghệ thuật, một cá nhân chỉ có năng khiếu dễ gần gũi gắn liền với thực tế xã hội trong một đời sống văn minh phát triển ghê gớm về mọi mặt như ngày nay phải có được sự hiểu biết thông thái về mọi ngành để đúc kết tiên đoán về tương lai, phải làm một việc vượt ngoài khả năng của hắn? Người làm nghệ thuật hôm nay rất khiêm nhượng không muốn khoác cái bộ dạng lố bịch của một người thầy đời bằng những câu giải đáp nông cạn lý tưởng vô ích và hào nhoáng chỉ lòe được đám học sinh hay bọn trí thức một dúm; hắn biết rõ hắn chỉ là một cá nhân hèn mọn, cái kiến thức chuyên môn về các địa hạt tinh thần khác, nếu có, chỉ là một mớ kiến thức phổ thông sở đẳng so với những bậc thức giả mỗi ngành, trước mắt các bậc ấy những câu giải đáp của hắn chỉ là một trò múa rối của kẻ tự kiêu ngu ngốc, hắn tự định rõ vị trí của hắn trong hoạt động tinh thần nhân loại là tận dụng hết năng khiếu thực tế của mình để biểu diễn cái đời sống tầm thường hiện thực hằng ngày nơi ấy vẫn ẩn nấp trong mỗi thời khắc những vấn đề siêu hình (vẫn hiểu theo nghĩa rộng) mà ngày nay ảnh hưởng tới từng khía cạnh vụn vặt nhất của cuộc sinh hoạt. Nghệ thuật đen là ý thức siêu hình của xã hội, có thể là thô sơ, nhưng chắc chắn là thực tế nhất.
Người làm nghệ thuật khi muốn vượt cái tính cách đen ấy của nghệ thuật là bước xa nghệ thuật, là thất bại trông thấy. Trường hợp của nhà văn quá cố Camus là một. Những tác phẩm đầu tiên của nhà văn này là những lời kêu gọi thống thiết một nhận định mới về cảnh ngộ sống của con người trước thời đại này là những tác phẩm giá trị. Nhưng khi ông biến sự phi lý của một cảnh ngộ có thực là con người trong xã hội Âu châu khủng hoảng, nhất là con người trí thức, thành sự phi lý của kiếp sống người đời, để rồi ông chọn lấy cái thế thăng bằng rất chông chênh của một kẻ Juste, đóng vai trò một nhà văn luân lý, làm nghèo nàn hẳn những tác phẩm về sau của ông. Từ La Peste đến La Chute nghệ thuật của Camus giản lược dần chỉ còn là kỹ thuật văn chương trau chuốt, đời sống thu hẹp vào trong cái ý niệm trừu tượng quen thuộc ở ông – cái kỹ thuật của La Chute cũng tố cáo sự tù túng của Camus trong một chuỗi độc thoại mà chủ đề được trình bày sáng sủa đơn giản mạch lạc như một tác phẩm luận thuyết – La Chute là sự khai triển cực độ của nghệ thuật Camus, thành công nhất nhưng cũng là dấu hiệu của sự tận cùng. Nhận thức về sự phi lý cụ thể của xã hội Âu châu trong cơn khủng hoảng đã khởi từ Malraux 1, nhưng Malraux không hề đẩy đưa nó tới thành triết lý. Sự phi lý của kiếp người qua nhận thức của Camus chính là ở những người đòi hỏi sự tuyệt đối mà vẫn biết không đạt tới được đành quay trở về đời sống làm công việc vác đá leo núi của Sisyphe, “phải tưởng tượng rằng Sisyphe sung sướng” câu kết thúc tác phẩm luận thuyết về sự phi lý của ông thật là chua chát. Sự thực cuộc đời tự nó không phi lý, chỉ có những cảnh ngộ con người phải chịu đựng trong những thời điểm nào đó phi lý mà thôi. Đúng như Camus đã thú nhận sở dĩ có sự phi lý là ở nơi con người nhiều hơn ngoại vật, sự phi lý mà Camus mang trùm lên cho kiếp người vĩnh viễn chỉ có ở những người như Camus đã mất huyễn ảnh của tuyệt đối nhưng vẫn không ngừng luyến tiếc nó, sống giữa đời vẫn bị nó ám ảnh khiến cho thấy mọi việc làm ở đời đều vô ích luống công. Không muốn tự sát trong tư tưởng giống như những triết gia khác ở Tây phương tìm lối trở về với Tuyệt Đối do chính mình phóng tưởng, không phải là Thượng Đế cụ thể của tôn giáo, nhưng cũng không có can đảm dứt bỏ tuyệt đối trở về hẳn với đời sống thế tục, Camus đã chọn một bình diện trung gian giữa thế tục và Thiên Đường đã mất, đứng làm một kẻ Juste ở lưng chừng trời cảm thông vào việc đời biết là chẳng đi đến đâu mà vẫn hành động, hành động để nhắc nhở đến một thế giới tuyệt đối mà chính Camus biết rõ là không thể có, sự phi lý nằm sỗ sàng trong thái độ của Camus đó vậy. Đứng ở bình diện trung gian – làm gạch nối giữa tuyệt đối hư vô và cuộc đời hiện thực – tất nhiên sẽ nhìn thấy kiếp người vĩnh viễn chỉ là một chuỗi hành động vô nghĩa; những kẻ tìm được cái thế giới tuyệt đối cho họ cũng không nhìn đời phi lý như thế, từ trên cao ấy họ có thể trông thấy cái ý nghĩa của kiếp sống qua những phản ảnh của tuyệt đối ở nơi ấy. Khi đã chối nhận tuyệt đối, không thèm luyến tiếc bởi đã biết nó không có và chẳng bao giờ có, sống trong những cảnh ngộ hiện thực thì ý nghĩa của mỗi hành động tương quan với một cảnh ngộ trong sự giải phóng ra ngoài cảnh ngộ, giá trị của hành động không quy định bởi cái mù mịt của trống không. Người ta chẳng quyết định được tương lai để chứng thực hành động nhưng cũng chẳng phải người ta không có tương lai, tương lai sẽ đến bằng hành động của mình cùng với mọi kẻ khác và hành động ngoài ý nghĩa quy định bởi cảnh ngộ hiện thời còn có một ý nghĩa quy định bởi tương lai đã thành hình, quy định bởi kẻ khác, có thể là ngoài ý hướng của mình: ý nghĩa thứ nhất là ý nghĩa xã hội của hành động; ý nghĩa thứ hai là ý nghĩa lịch sử vậy. Camus thường thanh minh rằng ông không phải là một triết gia, đúng. Ông là một nhà văn luân lý kiểu Tây phương đó vậy, cho nên có gọi ông là nhà văn cổ điển ở thế kỷ XX cũng không phải là quá. Khi ông viết L’homme révolté, thuật lại cuộc phiêu lưu ý thức của ông cũng là lúc chấm dứt cuộc phiêu lưu ấy, những tác phẩm sau không mang thêm nhận thức nào mới lạ, chỉ củng cố cho một địa vị đã vững vàng trong các tủ sách của các bậc trí thức muốn học đòi theo ông, của các thư viện đại học rất bảo thủ, đưa ông tới diẽn đàn Hàn lâm viện Thụy Điển nhận lấy vòng hào quang trao tặng đứa con hoang đàng trở về ngoan ngoãn dưới mái nhà đã có lần nó vùng vằng bất mãn bỏ đi. Cái chết bất ngờ nhốt luôn Cmus vào quá khứ.
Bởi nghệ thuật đen khởi đi từ một ý thức siêu hình bắt nguồn từ kiếp sống hiện hữu và chỉ là một nhận thức mở ngỏ kết cấu nên sau quá trình của một ý thức dò hỏi hết nghĩa một cảnh ngộ, và chẳng vội chịu tiến tới một kết luận nào nên nó bi đát. Và phẫn nộ. Phẫn nộ với chính nó. Nhưng nó không thể tự thỏa thuận, tự làm yên lòng bằng cách kết thúc sự dò hỏi bướng bỉnh bằng lời giải đáp dứt khoát, bởi như thế nó đã rời xa đời sống, bởi như thế nó đã vượt quá giới hạn của nó, bởi như thế nó đã đánh lừa nó đóng một vai trò không phải của mình, bởi như thế nó đã tự vẫn nó.
Sự bi đát phẫn nộ hiển hiện trong cái ý thức siêu hình phiêu lưu không ngừng nghỉ của nghệ thuật đen vì quá ràng buộc với sự vận động thường trực của cõi thế phải chăng là dấu hiệu của sự suy đồi bạc nhược của tinh thần ở một cá nhân cũng như xã hội? Cớ sao không nhận định trái ngược lại, đó là dấu hiệu sự cường tráng đặc biệt của tinh thần khiến cho ý thức không biết mệt mỏi chán ngán tìm nơi ẩn trú ngơi nghỉ ở cõi tuyệt đối? Đối với xã hội, cái ý thức dò hỏi bướng bỉnh, chối nhận những giá trị đã lập thành, cớ sao không thấy đó là sự cố gắng mãnh liệt của con người tìm đường thoát thân trong cuộc đảo lộn toàn diện của một thời đại mà các giá trị cần được xét định lại, khởi đầu bằng những nhận thức mở ngỏ dũng cảm một giai đoạn phát triển hoá kiếp của xã hội. Nghệ thuật đen chỉ đóng vai trò cất lên lời kêu gọi, cuộc giải quyết là công trình của xã hội của lịch sử, thành hay bại không tính trước được, cho nên cũng có thể nó trở thành một sản phẩm của một xã hội mạt kiếp, nhưng cũng có thể nó là sự giác ngộ thúc đẩy trong công cuộc lột xác của một xã hội. Đó là một vấn đề thuộc lịch sử mà nghệ thuật đen tự nó không giải quyết cho nó được.
Nghệ thuật đen là một ý thức siêu hình về đời sống thế tục, ý thức ấy có những nguồn mạch chằng chịt hút xuống trái đất. Nghệ thuật lý tưởng của một thời – là ý thức thưởng ngoạn bay bổng ngoài cõi tục – đã loại trừ ra khỏi nó cái đời sống mà nó cho là ô trọc, cụ thể, “vật chất”. Trong nghệ thuật này người ta khinh bỉ sợ hãi cái “xác thịt”, những “thực phẩm của địa cầu”, tất cả những gì còn mang nặng cái chất của một sự sống hữu hình, e rằng những thứ ấy là những vật nặng cản trở sự tinh tuý của ý thức đang muốn bay bổng lên cõi hư không. Bởi thế những quy luật chặt chẽ, những ước lệ kiểu mẫu trong phép thể hiện của nghệ thuật lý tưởng là những màng lọc cái chất sống tầm thường đến ghê tởm bám ý thức không cho lọt vào, tính cách nghiệt ngã của hình thức chỉ bằng lòng cho phép nhập nội cái phần tinh tuý của ý thức đã bị tước lược hết hình hài còn lại là những ý niệm.
Nhận thức, nhất là nhận thức bằng nghệ thuật, không phải là công trình của một năng khiếu thuần lý. Không có ý thức nói trống không bay lượn trong không không, nói ý thức là nói ý thức của một người, người bằng xương bằng thịt với những điều kiện sinh hoạt trong xã hội trong lịch sử và trong cảnh ngộ. Ý thức phát động để cấu thành nhận thức tiếp xúc ngoại vật không độc nhất bằng đường lối tư duy; bởi ý thức của một người chính là người ấy với mắt mũi chân tay đầu tóc cho nên một người có thể ý thức và nhận thức, một cách mù tối nhưng cụ thể nguyên vẹn hơn, bằng da thịt bằng cảm xúc giác quan. Nghệ thuật đen chuộng sự cụ thể, trong phép thể hiện của nó thường dùng lối nhận thức thô sơ này bởi ở đấy ngoại vật còn giữ được nguyên hình thể, tính chất của nó. Do đó trong nghệ thuật đen dẫy đầy những xúc cảm đứng lại ở giác quan còn thô kệch xù xì khó chịu, ý thức “thuần tuý” băng hoại bám vào mở rộng ngoài da thịt thành một thứ dục tình 2 suồng sã. Sở dĩ sự nhận thức về cảnh ngộ tuyệt vọng của người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc trở nên mãnh liệt ghê gớm khiến nàng phải thốt kêu những tiếng phản kháng đớn đau bởi tác giả đã trói buộc nhân vật của mình vào trong cái “xác thịt” của nó để cho nó không thoát lên được mà tìm những mối an ủi hứa hẹn lừa dối của “tinh thần” của lý trí để rồi phải chết dần mòn trong cảnh ngộ vẫn còn khư khư ôm lấy huyễn ảnh được giải phóng, cách thể hiện đầy xúc cảm trần tục nhầy nhụa trong tác phẩm của Nguyễn Gia Thiều phát hiện hết cái thân phận cung nữ. Nghệ thuật Nguyễn Gia Thiều là nghệ thuật đen vậy. Xin nhường công việc phân tích tìm hiểu cái nhận thức siêu hình của Nguyễn Gia Thiều về kiếp sống qua sự thể hiện bằng thân phận của nhân vật cung nữ, bằng tác phẩm của ông cho các nhà phê bình văn học. Cái nhận thức của Nguyễn Gia Thiều tất nhiên là cấu thành bởi cái ý thức dò hỏi của ông trong cảnh ngộ sống, là thời Lê Mạt của thế kỷ XVIII.
Dục tình trong nghệ thuật đen là một phương cách của nhận thức siêu hình, hiển nhiên không phải là phương cách độc nhất. Nếu nghệ thuật đen có thường dùng đến luôn chỉ bởi phương cách ấy từ xưa vẫn bị nghiêm cấm khinh rẻ, dục tình trong nghệ thuật ở xứ ta là một khu đất hoang chưa được khai thác trong khi thật sự nơi ấy, cũng nh ưở những hình thái sinh hoạt nhân loại khác, tiềm ẩn cái ý nghĩa siêu hình của kiếp sống mà nhận thức nghệ thuật có thể phơi mở. Không tuyệt đối tin theo Freud rằng cuộc sinh hoạt nhân loại bị quy định thầm kín bởi dục tình bởi bản năng – sự sai lầm hư hỏng của Freud là muốn biến khoa tâm phân bệnh học của ông thành một triết lý toàn diện giải thích tất cả – nhưng cũng không thể chối rằng bản năng, dục tình không giữ vai trò gì đáng kể trong cuộc sinh hoạt nhân loại. Nghệ thuật đen không ngoảnh mặt với đời sống, đối diện với nó trong mọi mặt xuất hiện để theo đuổi dò hỏi ý nghĩa của nó. Hơn nữa, dục tình lại là điểm phát khởi của đời sống nhân loại lúc sơ khai và còn dự phần mãi mãi trong đời sống ấy, trong nó có chứa đựng cái ý nghĩa siêu hình thiết thực của thế tục. Không nhận thức nào cụ thể mạnh mẽ hơn về sự sầu khổ hay hân hoan bằng sự sầu khổ, hân hoan hiển hiện trong da thịt của một người, người ta không còn thể chối cãi rằng đó chỉ là tưởng tượng. Đáng thương cho những kẻ mà sự nhận thức mới nằm trong địa hạt của lý tính trong con người, nó làm cho họ trở thành kẻ lạ mặt giữa cuộc sống, kẻ lạ mặt trong chính thân xác họ. Đối với một vài cảnh ngộ, dục tình còn có thể và sự yêu mến tất cả. Trong dục tình người ta yêu cái chết cùng một lúc với sự sống. Nói như Sartre, “dục tình ném con người vào trong lòng sôi sục của tự nhiên và đồng thời nâng nó vượt khỏi tự nhiên do sự khẳng định cái quyền hạn của nó không được thỏa mãn” 3.
Chính từ khởi điểm nghệ thuật đen cố gắng là một nhận thức sâu xa linh động về sự vật, vượt ngoài những khuôn sáo tĩnh chết đã bị thực tế chối bỏ, nên nó chấp nhận dục tình xưa nay bị nghiêm cấm làm phương tiện trong công cuộc theo đuổi khám phá ý nghĩa của sự vật. Và vì thế nó hiện ra trước mắt những người mà nhận thức được chết dí ở một nơi là thứ nghệ thuật vô luân trắng trợn. Trong xã hội, cái đồn lũy luân lý bao giờ cũng là nơi phòng vệ cuối cùng của khuynh hướng bảo thủ trốn tránh sự tấn công của những lực lượng cấp tiến đòi thay đổi, riêng trong xã hội cộng sản cái đồn phòng vệ ấy còn kiên cố hơn nữa gồm cả một hệ thống giáo điều của chủ nghĩa. Không muốn nhắc lại rằng nhận thức nghệ thuật khởi đi từ sự cảm nhận mạnh mẽ một cảnh ngộ có thực, mà những tiêu chuẩn của luân lý có tính cách khái quát và lý tưởng chỉ là chướng ngại cho nhận thức nghệ thuật chân thực. Đối với luân lý của một xã hội, nghệ thuật đen không phải tất yếu là phải nhắm vào đấy để công phá, cái ý hướng ấy cũng đã thu hẹp một phần nào nhận thức, nó chỉ gạt sang bên len lỏi không đếm xỉa tới khi nhận thức. Rất có thể đôi khi nghệ thuật đen phù hợp với một nền luân lý nào đó thì không phải là nó có dụng ý thuyết minh cho nền luân lý ấy mà chính nền luân lý kia đã tìm được ở nó cái ý nghĩa, cái lý do tồn tại của mình; và thường khi nó phản nghịch lại luân lý xã hội, đó không phải là nó vô luân mà chính bởi luân lý xã hội đã bắt đầu mất ý nghĩa, thiếu lý do tồn tại. Bởi một nền luân lý chỉ là một kiến trúc những quy ước tinh thần trên một trật tự lý tưởng để bảo vệ cho trật tự ấy. Khi cái trật tự lý tưởng con người dựng lên trước mặt để noi theo không còn thích ứng với những cảnh ngộ nó sống thì luân lý mất ý nghĩa ban đầu là con đường sáng cho nó noi theo chỉ còn là một nhà giam chật hẹp giết mòn đời sống của nó một cách vô nhân đạo. Cái ý thức siêu hình phát khởi nghệ thuật đen không kèm theo một ý thức luân lý để giới hạn nó lại trong sự thâu tóm ghi nhận cảnh ngộ, bởi cái ý thức trên có thể là khởi điểm cho một ý thức luân lý mới, nhưng nghệ thuật đen không muốn tiến tới đó. Sự sử dụng luân lý trên những đòi hỏi mới của con người là công việc của nhà luân lý học. Riêng đối với người tiếp thu nghệ thuật, nghệ thuật đen mở rộng tầm chân trời để tùy cá nhân nhận định lấy trong phần cá biệt của mình cái luân lý của một cảnh ngộ nhất định – sự thực vấn đề này chỉ là một phần trong vấn đề nhận thức mà không tiến đến kết luận của nghệ thuật đen đã nói đến ở trên. Vậy nghệ thuật đen là biểu thị một tự do trước cảnh ngộ, kêu gọi những tự do khác trong cuộc gặp gỡ xúc tiếp. Có thể bảo nghệ thuật đen là phi luân lý thì đúng.
Nói kết lại nghệ thuật đen đóng vai trò khích động sự thức tỉnh của xã hội trước những câu hỏi cụ thể thúc bách thế tục, ném sự dò hỏi trâng tráo vào giữa mắt mọi người vẫn ngủ mê trong sự tin tưởng vu vơ trừu tượng ở cõi tuyệt vời càng ngày càng mất hút, kêu gọi mọi người trông thẳng vào cảnh ngộ đang sống, vận động trước hết cho một ý thức dũng cảm táo bạo nhận thức cho đầy đủ thực tế.
Và sau đó chiều hướng của lịch sử, ý nghĩa của một kiếp sống tìm thấy vươn tới, là thuộc về mọi người định đoạt thực hiện.
Gọi nghệ thuật đen không phải vì những ý nghĩa suy đồi lầm lạc người ta gán cho nó. Gọi nghệ thuật đen bởi liên tưởng tới một màu da của nhân loại, màu da đen. Đen có thể là một màu đẹp như đêm tối trong suốt vô cùng, như tròng mắt của người thiếu nữ Á Đông. Nhưng hiện thời đen tiêu biểu hết nghĩa cho một cảnh ngộ trong ấy con người chịu đựng sức nặng đè ép của sự vật, của một trật tự mấy nghìn đời.
“Cớ sao tôi xanh, tôi sầu và tôi đen thế này?”. Hãy nghe tiếng kêu ấy của chàng nhạc sĩ da đen, hãy nghe những âm thanh đổ vỡ lổng chổng hay mệt mỏi thê thiết của chàng như hình ảnh của một thế giới dục tình bi đát.
Danh từ nghệ thuật đen được tạo thành từ hình ảnh một màu da lại luôn luôn là thân phận của người, một thân phận mọi. Bởi thế nghệ thuật đen chính là nghệ thuật hôm nay vậy.
--------------------------------
1. Xem Malraux par lui-même của Picon hay La Tenlation de l’Occident của Malraux.
2. Chữ dục tình hiểu theo nghĩa rộng như chữ Désir của tiếng Pháp.
3. …Du désir qui (…) replonge Phomme au sein bouillonnant la Nature et l’élève en même temps au-dessus de la Nature par l’afirmation de son Droit à l’insatista
ction (Situations, trang 255).
BÀI NGỢI CA TÌNH YÊU
1.
Tôi chờ đợi
lớn lên cùng giông bão
hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai
tìm cánh tay nước biển
con ngựa buồn
lửa trốn con ngươi

Đất nước có một lần
tôi ghì đau đớn trong thân thể
những giòng sông những đường cầy núi nhọn
những biệt ly rạn nức lòng đường
hút chặt mười ngón tay ngón chân da thịt
như người yêu từ chối vùng vằng

Tôi chờ đợi
cười lên sặc sỡ
la qua mái ngói
thành phố ruộng đồng
bấu lấy tim tôi
thành nhịp thở
ngõ cụt đường làng cỏ hoa cống rãnh
cây già đá sỏi bùn nước mặn nồng
chảy máu
tiếng kêu

2.
Tôi chờ đợi
phổi đầy lửa cháy
môi đầy thẹn thùng
vục xuống nhục nhằn tổ quốc
nhìn gót giầy miệng uống tro than
nghe tiếng ca của một người không quen
của cuộc đời tình nhân

3.
Trang sách khởi đầu viết
mắt người cần ánh sáng
môi người cần mặt trăng
bàn tay đòi mặt trời
và ngực em tự do
của anh của anh tất cả

Em gối đầu sương xuống
chuyện trò bằng bóng hình

Tôi đẹp như hình tôi
như cuộc đời
như mọi người
như chút thôi
anh yêu lấy em

Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát
sớm mai khuya thức nhiều nhớ thương
em là cánh hoa là sương khói
đêm màu hồng

Vòng tay dĩ vãng và bát ngát
chỗ yên nghỉ cuối cùng
dưới mắt sao dưới bàn chân những đứa con

4.
Tôi chờ đợi
một người không
nhiều người
ở thành phố thiếu thốn
ở làng mạc đọa đầy
tôi là tiếng nói là tiếng khóc
những người bỏ đi hẹn trở về
những người mím hơi thừa chịu đựng
tôi chờ đợi
tôi là tiếng thơ là tiếng cười
mai Việt Nam hỡi mai Việt Nam

*
 
BÀI THƠ CỦA THÁNG GIÊNG

Con đường chưa ai tới
Màu hoa nào chưa ai trao nhau
Những chữ nghĩa còn hoang
Câu thề thốt lạ thường
Nơi không gian còn tuyết trinh

Lửa ấm cho lời nói
Những đêm sao ở mắt nhìn
Bắt đầu từ trao tặng
Bắt đầu từ một lần hò hẹn
Cách nắm tay nghẹn ngào
Ngón tay âm thầm trò chuyện
Những bước chân thỏ rừng
Chạy trên cỏ sắc
Sợi tóc đen như một chuỗi cười
Trên chúm môi lá biếc
Những chòm hôn vội vàng
Làm những vì sao đổi ngôi
Anh muốn làm mới tình yêu

Thuở nhớ nhung chất ngất
Tưởng khoảng đường liên hành tinh
Giữa phố đông đón đợi
Những ước mơ hiền đi cùng mọi người
Trong vòng tay ôm xiết
Ý nghĩa những ước mơ
Những ảnh hình nghĩ chết

Anh phải làm mới tình yêu
Như sửa sang nhà cửa
Như xây dựng thành phố
Như vun bón ruộng vườn
Như nhìn vào vũ trụ
Khi thế giới vừa dựng
Sẽ mời mọc tình nhân
Khi mặt trời vừa thức
Đòi gặp mùa xuân
Cho làn mi lá ngủ
Cho khóe mắt biển sâu
Cho đồi hoa bát ngát
Bài thơ tình đã bỏ
Ngôn ngữ thiên nhiên của mọi tình duyên là một
Phải làm mới tình yêu
Coi chúng ta là những người thứ nhứt
Trên trái đất này biết yêu nhau
Để những cặp tình nhân khác bắt chước
Để con cái sau này không khổ đau.

Thong dong giữa đôi dòng thuận nghịch..

 
Ta làm và nói sai, nhưng ta lại được nhiều người khen ngợi mỗi ngày, như vậy mỗi ngày đi qua đời ta là mỗi ngày đưa đời sống của ta đi dần vào bóng đêm và từ bóng đêm này dẫn ta đi tới bóng đêm khác.


Ta làm đúng và nói đúng, nhưng ta lại bị nhiều người chỉ trích mỗi ngày, và như vậy mỗi ngày đi qua đời ta là mỗi ngày đưa ta từ bóng đêm bước ra ánh sáng và từ ánh sáng này, ta bước tới ánh sáng khác.


Chân lý không thuộc về sự khen ngợi hay chỉ trích, mà thuộc về ở nơi người nào thấy và biết đúng, nghe và cảm nhận đúng, sống đúng, nói và làm đúng.

Lằn mức giữa đúng và sai thật vô cùng vi tế và thẳm sâu, nên có những suy nghĩ, có những việc làm của ta, ở độ tuổi nầy thì đúng, mà bước qua độ tuổi khác lại là sai; ở buổi sáng thì đúng, mà ở buổi chiều thì sai; ở phút trước thì đúng, mà ở phút sau thì sai; đối với hoàn cảnh nầy thì đúng, nhưng ở hoàn cảnh khác thì sai; đối với người nầy thì đúng, mà đối với người khác thì sai, và cùng một vấn đề, mà ta nhìn nó từ góc độ nầy, thì nó đúng, nhưng ta nhìn nó với một góc độ khác thì sai.

Nên, đúng và sai là tùy theo mức độ hiểu biết của ta, liên hệ đến ô nhiễm hay thanh tịnh, sâu hay cạn, rộng hay hẹp của tâm ta.

Hễ tâm ta càng ít ô nhiễm và càng ít bị xáo động, thì cái biết của ta đi dần tới với cái đúng và ta có thể thường trú ở trong cái đúng. Hễ tâm ta bị ô nhiễm và xáo động, thì cái biết của ta càng lúc càng đi dần tới với cái sai lầm và ta có thể cộng trú thường trực với cái sai lầm ấy.

Ta thấy đúng và biết đúng đối với mọi sự hiện hữu, là do tâm ta yên lắng, không bị xáo động bởi các vọng tưởng, hoàn toàn không bị lay động và thụ động bởi các ngã tưởng và các dục. Ta sống với tâm như vậy, thì lúc nào và ở đâu, ta cũng không bị hoàn cảnh sai sử và không bị các hình tướng đánh lừa. Ta nghe với tâm yên lắng, không bị xáo động bởi các tưởng, thì ở đâu và lúc nào, ta cũng có sự tự do đối với cái nghe và ta không bị mọi ngôn ngữ và âm thanh đánh lừa. Ta cảm nhận từ mọi sự xúc chạm với tâm yên lắng và không bị xáo động đối với các vọng tưởng, thì sự cảm nhận của ta là sự cảm nhận đúng, nên lúc nào và ở đâu, ta cũng không bị các cảm giác và tri giác đánh lừa.

Ta nuôi dưỡng đời sống bằng tâm yên lắng và không bị xáo động, thì lúc nào và ở đâu, ta cũng có tự chủ, không bị các loại ăn mặc và các thực phẩm ăn uống đánh lừa. Ta nuôi dưỡng đời sống bằng tâm chân thực, bằng sự hiểu biết sáng trong, bằng những hành động và những lời nói đúng đắn, thì lúc nào và ở đâu, ta cũng có đảm lực để sống, ta không bị thời gian khuất lấp, không bị những sự sợ hãi chi phối và không bị những sự hư dối đánh lừa.

Ta làm đúng, thì nhân quả đến với ta đúng như những gì ta đã làm. Ta làm sai, thì nhân quả cũng đến với ta đúng như những gì ta đã làm sai.

Ta muốn ăn cam, ta trồng cam, hội đủ nhân duyên, cam sẽ cho ta trái ngọt. Ta muốn ăn cam mà gieo hạt quýt, hội đủ nhân duyên, quýt sẽ ra trái cho ta mà không phải là cam.

Như vậy, ta thấy đúng, biết đúng và làm đúng, thì nhân quả đúng tự đến với ta. Ta thấy biết sai và làm sai, thì nhân quả đúng như với cái sai cũng tự đến với chúng ta.

Ta muốn ăn cam mà lại trồng quýt và chăm sóc quýt, hội đủ nhân duyên, thì ta chỉ có thành quả của quýt mà không phải là thành quả của cam, như vậy ta bị rơi vào tình trạng khổ đau là do ta mơ ước mà không thành.

Mơ ước không thành là do tâm ta, mà không phải do nhân quả hay do cuộc đời. Cuộc đời của ta chính là tâm ta và nhân duyên, nhân quả của cuộc đời ta là tùy thuộc vào tâm ta mà biểu hiện. Không có nhân duyên và nhân quả nào tách rời khỏi tâm ta mà hình thành và biểu hiện cả. Tâm ta chính là nguồn gốc cho nhân duyên, nhân quả của cuộc đời ta hình thành và biểu hiện.

Do ta không nhận biết cụ thể và chính xác nhân duyên, nhân quả giữa những hạt giống cam và quýt; do ta không biết phương pháp để chăm sóc; và do ta không biết thời vụ và chất đất để gieo trồng, nên ta mong muốn một đường, mà kết quả đến với ta một nẻo.

Không có nhân duyên, nhân quả nào, khi ta gieo hạt giống cam mà quả lại cho ta là quýt và cũng không có nhân duyên, nhân quả nào, ta gieo hạt giống quýt mà quả lại cho ta là cam.

Cũng vậy, không có thành quả của an lạc và hạnh phúc nào đến với người tâm nghĩ ác, miệng nói ác, thân làm ác. Và cũng không có thành quả khổ đau và thất vọng nào đến với người tâm nghĩ thiện, miệng nói thiện và thân hành thiện.

Nếu vì bản thân ta, mà nghĩ đến điều thiện, miệng nói điều thiện và nỗ lực làm việc thiện, thì thiện ấy chưa phải là thiện của thiện, nên an lạc đến với ta rất ít, mà khổ đau và thất vọng đến với ta rất nhiều.
Vì vậy, ta không ngạc nhiên gì, ở giữa đời đã có nhiều người tự cho mình là hành thiện, nhưng trong đời sống của họ chỉ sinh ra những trái đắng và khổ đau.

Nếu không vì bản thân ta mà tâm nghĩ đến điều thiện, miệng nói điều thiện và nỗ lực làm thiện mỗi ngày, thì thiện ấy mới đích thực là thiện. Thiện ấy là điểm để cho niềm tin và an lạc trong tâm ta phát sinh và nhân duyên, nhân quả tốt đẹp hình thành trong đời sống của ta.

Một người biết sống yêu thương và tử tế với chính mình, người ấy không phải chỉ biết khắc phục hậu quả khổ đau, mà còn phải biết cách lấy những hạt giống khổ đau ra khỏi tâm thức của chính họ, khiến cho mọi nhân duyên, nhân quả khổ đau không còn có điều kiện sinh khởi ở trong đời sống của họ nữa. Và một người thông minh, giàu lòng nhân ái, người ấy không phải chỉ biết giúp người khác khắc phục hậu quả khổ đau, mà còn phải biết cách giúp cho người khác, thoát ra khỏi những hạt giống khổ đau ở nơi tâm thức của chính họ nữa.

Khổ đau hay hạnh phúc đến với chúng ta là từ nơi tâm thức của mỗi chúng ta. Nên, mỗi khi đối diện với khổ đau hay hạnh phúc là ta có cơ hội để tiếp xúc với những hạt giống thiện, ác ở nơi tâm ta. Tiếp xúc với những hạt giống bất thiện ở nơi tâm ta, không phải để đối phó, mà để nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa, khiến chúng đi về theo hướng hiền thiện. Và tiếp xúc với những hạt giống thiện ở nơi tâm ta không phải để tự mãn, mà để tiếp tục nuôi dưỡng và thăng hoa chúng đến chỗ thuần thiện.

Tiếp xúc và làm chủ tâm ta mỗi ngày, điều ấy không phải là dễ, tại sao? Vì tâm ta không có hình tướng. Nó vĩ đại thì trong thế gian nầy không có gì vĩ đại cho bằng; nó tinh vi, thì ở trong thế gian nầy, không có cái gì tinh vi cho bằng; nó bén nhạy và linh hoạt, thì ở trong thế gian nầy không có cái gì bén nhạy và linh hoạt cho bằng; nó độc ác thì ở thế gian nầy không có cái gì độc ác cho bằng; nó thánh thiện thì ở trong thế gian nầy không có cái gì thánh thiện cho bằng.

Vì vậy, tiếp xúc và làm chủ tâm là cả một công trình tu luyện liên tục và miên mật.

Và cũng vì vậy, ai tiếp xúc và làm chủ được tâm, người ấy mới có khả năng làm chủ được nhân duyên, nhân quả của đời mình, làm chủ được sự sống chết và tự tại giữa muôn ngàn diệt sinh, ảo hóa của vạn duyên và vạn hữu.

Nếu ta không làm chủ được tâm ta, thì ta sống với ai, ta cũng sẽ buồn chán, sống với xứ sở nào ta cũng sẽ thất vọng. Và nếu ta làm chủ được tâm ta, thì ta sẽ làm chủ được vạn duyên trong đời sống của ta, nên sống với ai ta cũng vui. Ta sống với thiện hữu tri thức ta vui đã đành, mà sống với ác tri thức cũng không làm cho niềm vui của ta bị suy giảm. Sống với thiện tri thức ta cũng có điều kiện để học hỏi và thăng hoa, mà sống với ác tri thức ta cũng có điều kiện để nhìn lại mình, mà phòng hộ và chuyển hóa. Sống trong thuận cảnh, ta vui đã đành mà sống trong nghịch cảnh, niềm vui của ta cũng không hề bị tổn giảm. Sống trong thuận cảnh, ta cũng có điều kiện để thăng hoa, mà sống trong nghịch cảnh, ta cũng có điều kiện để tôi luyện và phát huy nội lực.

Nghiệm cho cùng, sống giữa đời không có ai tồn tại trong thuận cảnh đơn thuần và cũng không có một ai tồn tại đơn thuần giữa nghịch cảnh. Nghịch và thuận là hai mặt tương sinh trong đời sống của mỗi chúng ta. Cũng như hai cánh tay phải và trái là hai khía cạnh của một thân thể lành mạnh, linh hoạt và tháo vát. Một thân thể lành mạnh, linh hoạt và tháo vát không bao giờ chỉ biết hoạt động một tay hay một chân.

Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, ta thuận với cái nầy, thì ta nghịch với cái khác và ta nghịch với cái nầy, thì ta thuận với cái khác.

Ta chỉ có hạnh phúc và có khả năng hướng thượng, khi ta nhận ra được sự thật của lẽ thuận nghịch ấy trong đời sống của ta và chung quanh ta. Ta phải biết tác dụng thực tế của hai mặt thuận nghịch, ngay trong đời sống của mỗi chúng ta. Và ta phải biết làm chủ tâm ta ngay trong cái lẽ thuận nghịch ấy của cuộc sống.

Ta cần nhìn thật trầm tĩnh và sâu sắc để thấy rằng, ở trong đời có những cái thuận với ta cũng có khi giúp ta, nhưng cũng có khi hại ta và có những cái nghịch với ta cũng có khi là hại ta, nhưng cũng có khi giúp ta rất nhiều.

Nên, vấn đề an lạc và hạnh phúc của ta không phải là ở nơi sự từ chối nghịch chạy theo thuận, mà ta phải biết làm chủ tâm ta giữa hai lẽ thuận và nghịch ấy của cuộc sống. Ta cần phải nhìn sâu để biết rằng, chân lý của cuộc sống là bao gồm cả hai lẽ thuận và nghịch, nếu từ chối thuận hay từ chối nghịch, thì ta không có lý do gì để hiện hữu.

Cũng như ánh sáng là chân lý và tác dụng của ngọn đèn, nếu ngọn đèn chỉ chấp nhận điện tử dương, mà từ chối điện tử âm hoặc chỉ chấp nhận điện tử âm mà không chấp nhận điện tử dương, thì ánh sáng và tác dụng của ngọn đèn không bao giờ phát ra, khiến cho sự có mặt của cây đèn trở thành vô dụng và vô nghĩa. Ánh sáng của ngọn đèn chỉ phát ra và có tác dụng lợi ích cho cuộc sống, khi nào bản thân ngọn đèn có khả năng tiếp nhận và làm chủ hai dòng âm dương, thuận nghịch đến với nó và hoạt động trong nó.

Cũng vậy, mỗi khi ta đã làm chủ được tâm ta, khiến tâm ta hoàn toàn không bị chi phối bởi các vọng tưởng, thì hai lẽ thuận nghịch trong đời sống của mỗi chúng ta, giúp cho ta đi tới với đời sống tự do và khiến cho ta thong dong giữa đôi dòng thuận nghịch.

Thuận và nghịch trong đời sống của mỗi chúng ta, chẳng khác nào đôi cánh phải và trái của chú chim đại bàng đã giúp cho chú bay liệng giữa bầu trời cao rộng và tự do.

Thuận và nghịch trong đời sống của mỗi chúng ta, cũng phải thường trực quán chiếu như vậy, để lúc nào và ở đâu, ta cũng làm chủ được tâm ta, để ta có khả năng chế tác ra hạnh phúc và an lạc cho ta và cho mọi người, khiến cho ai cũng có thể thực hiện đời sống thong dong giữa đôi dòng thuận nghịch


Thích Thái Hòa 

Nếu mai đời là một đoá hư không.


Vén lại muôn trùng muộn đời cơn bão tố, em ngồi đó. Tìm một vầng trăng vô lượng  trốn trong tâm. Em hỏi tâm sao cứ vất vưởng vô thường. Cuộc sống vốn dĩ là bất toàn, vậy em đi tìm gì trong ngày tháng.
    Em hỏi Người “Đời sống là gi?” và có thể nắm chặt trong lòng bàn tay được hay không?
    Người trả lời: Bàn tay em mềm và tâm em nhỏ quá. Chỉ đủ để ôm chất phù du lãng mạn. Nếu em đếm được bước chân vô thường trên dốc đồi của trò đời, em sẽ thấy vô cùng trong hiện tại. Tiếng nói bình yên đang ở đây
 
Đời  vẫn trôi trong tịch mặc, em không thể nhìn thấy những gì sắp xảy ra trước mặt bằng đôi mắt bình thường. Mà hãy nhìn bằng ánh sáng của từ tâm một cách thiền quán và hiền ngoan hơn. Trong từng mỗi một phút giây bảng ngã của sự sống, ai cảm nhận được thanh tịnh đến từ nhiễm uế, rời bỏ những bon chen ảo vọng, mỉm cười dung dị với những hờn ghen, đố kỵ...Người đó là đang sống.
   Em tiếp tục hỏi Người. Sao vô thường là những gì không nắm bắt được.
   Người chỉ tay về hướng sương rơi, một chiếc là vàng trên cây vừa rụng xuống, người nhìn một thoáng mây bay, một cơn sóng gợn nhẹ trên mặt hồ rồi tan biến. Vô thường là vậy đó. Như trò huyễn thuật, như bóng lồng sương, như anh chớp ban chiều. Có đó rồi mất đó. Cuộc sống không chỉ bung ra, rồi dừng chân hiện hình tồn tại vĩnh cữu. Trong lòng tay huyễn mộng, ngút ngàn “sắc là không, không tức là sắc”.
   Em nghe chừng hơi thở như ngưng bặt, nghe một nổi hao mòn trong thoáng chốc. Thế giới đang quay cuồng với bao biến động, đầy rẫy những thị phi, cám dỗ, toan tính ái ngã và tiếng vọng tâm thúc dục giữa thế giới thực và hư. Vậy trong ảo giác tìm đầu ra thực nữa.

 
 Đã bao năm rong ruỗi trên đường đời đi khất thực tìm hạnh phúc, uy tín, danh lợi, trên đôi vai oằn gánh nặng cuộc đời, chốn trần gian là bão tố. Cũng bởi sắc, bởi hương, bởi thanh, bởi giai tầng vị xúc pháp, cuối cùng có được những gì trên đường về bình yên, điều gì còn lại khi buông xuôi đôi tay, mắt khép vào miên viễn. Khi nếu mai đời là một đóa hư vô?
   Lại một ngày nữa em trở về thanh tịnh, và đã nhận ra cái còn lại sau tất cả mà em có thể nắm bắt được, thì phải chăng đó là tấm lòng. Vì con người cần tấm lòng nhân bản bao dung, chia sẻ.
    Hãy ngồi lại và lắng nghe lòng mình đi em. Cuộc đời là dòng sông tuôn chảy bất tận, có bao lớp phù sa dù nhơ dù sạch, dù tận cùng của đỉnh sóng hay rả rời, buông mình theo cơn sóng, rơi hoà tan trong biển cả. Dù mưa gió cuộc đời có là cuồng phong bão tố, dậy sóng nhân gian, nhưng em sẽ trở về lắng nghe tâm mình hát bản giao hưởng của cõi luân hồi.
   Lặng nghe sông đời hát, em sẽ chạm sâu vào âm ngân đó, vào tận cùng của đáy tâm, em đã cảm thấu được hết những chất đề hồ từ bi lực.
 Cám ơn vô thường, làm ta thức tỉnh
 Cám ơn cơn đau, cảm niệm được phận người
 Cám ơn bốn đại, có hình hài huyễn mộng
 Cám ơn Người, em đã tỏ đường đi.

 
    Thùy Dương.

Khuôn mặt của sự tử tế.






Tôi có đọc đâu đó rằng, có ba điều người đàn ông tử tế không được phép làm: bất hiếu với bố mẹ, lừa dối người mình yêu và không thừa nhận con cái. Sự trung thực, với người đàn ông, chính là một trong những biểu hiện đó. Đối diện với những sự cố lớn của cuộc đời, người đàn ông sẽ bộc lộ tâm tính của mình rõ nhất. 

Steve Job có nói rằng, người thợ mộc tài hoa là người không bao giờ dùng miếng gỗ xấu làm mặt sau chiếc tủ của mình. Bởi có thể người khác không biết, nhưng chính bạn thì biết rất rõ điều đó… Sự thật do chính mình tạo nên, có lẽ hơn ai hết, chúng ta tự thấu hiểu. Cách biểu đạt sự thật ra sao với người đối diện là tuỳ vào cách chúng ta ứng xử. Nhưng mỗi cách ứng xử của chúng ta cũng thể hiện bản chất con người. Người thợ mộc tài hoa có thể có đủ cách lấp liếm để biện minh rằng, tấm gỗ ấy phù hợp với chiếc tủ ấy. Nhưng anh ta sẽ biết, nó có thực sự xứng đáng với một chiếc tủ đẹp hay không. Và người tử tế thì sẽ không chấp nhận điều đó, ngay từ khi ý định đó chưa hình thành.

Trong kịch “Trai đẹp lắm chiêu” ở sân khấu Thế giới trẻ, có một anh chàng lái taxi nói dối hoàn hảo, đến mức có hai cô vợ ở cách nhau hai dãy phố mà vẫn rất êm ấm. Anh ta lên lịch chăm sóc vợ cả, âu yếm vợ hai hoàn hảo. Cho đến một ngày anh ta vô tình bắt cướp trên đường phố và báo chí đưa tin. Từ đó, phần còn lại của vở kịch chỉ là cuộc trốn chạy và lấp liếm của chàng nói dối, với những tình huống cười ra nước mắt. Kịch bản hợp lý đến mức, ai cũng tin rằng, kẻ nói dối thì chẳng bao giờ có thể… sống sót, nhất là xung quanh anh ta toàn những người tử tế và thật thà…

Trong những bộ phim xã hội đen của Hồng Kông, những bộ phim dành cho giới bình dân với những câu chuyện tình – tiền – tù – tội có phần thảm khốc. Người ta luôn làm ra những mâu thuẫn triệt để rồi thanh trừng, báo thù, tạo nên những cảnh huống gay cấn và hồi hộp. Tôi vẫn nhớ rất rõ, hình ảnh những người đàn ông chính trực trong bộ phim ấy, dù có thể gặp những sự cố chết người nhưng với những gì là rường cột của cuộc sống, của lý tưởng sống, đó là gia đình, ông chủ và những đứa con, họ sẽ bảo vệ đến cùng!.

Người cha đi ra đường chém đối thủ hay thủ tiêu kẻ thù, nhưng sẽ cố gắng không cho con mình biết điều đó. Không phải đó là sự dối trá, mà cố gắng giữ cho con cuộc sống yên lành. Hay người đàn ông có thể bỏ trốn hay tháo chạy khỏi các cuộc đua, nhưng anh ta sẽ không bao giờ bỏ rơi người phụ nữ mình yêu. Và đặc biệt, dù chính hay tà, thì sự hiếu đễ với cha mẹ là điều mà các nhà làm phim đặc biệt đề cao. Đó tất nhiên chỉ là phim ảnh, nhưng nói theo cách khác thì phim ảnh chính là nơi thể hiện khát vọng của con người. Người ta luôn có niềm tin rằng, người đàn ông sẽ là trụ cột của một tổ chức hay trụ cột gia đình. Và khán giả sẽ phẫn nộ khi nhận ra rằng, người hùng mà họ đặt niềm tin hoá ra lại là kẻ hèn nhát và vô nhân.

Tôi từng gặp những người đàn ông (mà không biết có thực sự là đàn ông không) ngoài mặt toàn nói những điều tốt đẹp, nhưng khi đối tác vừa quay đi đã xọc thẳng một nhát dao sau lưng. Có những người rất trí thức, làm giám khảo nhiều cuộc thi, đã từng ngồi trước mặt tôi nói những lời khen ngợi hết lời, nhưng trong một đám gặp với người khác lại chê tôi không còn một lời nào xấu xa hơn thế. Một người đàn ông tử tế có lẽ không bao giờ làm những việc hạ lưu như thế. Và tuyệt đối không sống hai mặt. Và người đàn ông quan trọng nhất là phải giữ chữ tín của mình, không bao giờ dùng sự dối trá để hành nghề và ứng xử trong đời. Khi nghe được tất cả những điều đó, bị đâm sau lưng đến đau điếng, tôi chọn giải pháp im lặng. Xoá bỏ tất cả những điều đó ra khỏi cuộc sống của mình. Bởi nói như đức Phật, im lặng chính là cấp độ cao nhất cho sự phỉ báng.

Người đàn ông trung thực không có nghĩa là người đàn ông ngờ nghệch và ngô nghê. Sự trung thực không bao hàm nghĩa của sự ngu dốt. Trung thực là thước đo phẩm chất của một con người trong xã hội hiện đại. Và sự trung thực đó được thể hiện trong những việc làm cụ thể, ứng với những quy chuẩn chung của xã hội. Những kẻ láu cá có thể có được những thành công nhanh chóng, nhưng sự nghiệp lâu bền của một con người không thể đi tắt và cũng không thể xây dựng bằng những xảo ngôn.

Một trong những nguyên tắc để sống, là thành thật với mình và với người. Sự khôn ngoan của một con người, là làm sao dung hoà được những điều mình muốn và người muốn. Trong nguyên tắc kinh doanh mới, sự hợp tác không chỉ bao hàm ý nghĩa kẻ nào mạnh là kẻ chiến thắng mà còn có hàm nghĩa rằng, khi chúng ta hợp tác chúng ta cùng có lợi, cùng là những người chiến thắng. Mà không có sự hợp tác lâu bền nào dựa trên sự dối trá.

Có những người đàn ông nho nhã và luôn “chém gió” ngoài đường, nhưng ứng xử với người thân như người dưng nước lã, bạc bẽo với bạn bè và thường xuyên đè ép nhân viên, đồng nghiệp, vậy thì đó có phải là người đàn ông trung thực và tử tế? Sự tử tế phải bắt đầu từ gốc rễ cuộc sống, từ trong căn nhà của bạn, trong tổ ấm hay trong cả một lời nói với người lạ mà bạn bắt gặp trên đường.

Đôi khi chúng ta phải tỉnh thức để biết mình nên làm gì cho đúng với chính mình, để khỏi bị vướng vào những cái bẫy của những lời nói dối.

Hãy chọn con đường nào gần gụi, để sống thật và sống khoẻ…

Vì cuộc sống này đã quá bề bộn rồi…

Khoảnh khắc bị những việc vụn vặt bao vây..

* Bi kịch của đời người phần nhiều là do mình gây nên.

* Đời người thành công thường thường không phải là do bạn làm nên cái gì, mà là do bạn vứt đi cái gì.
 

 


Phàm những người hay làm những việc vụn vặt rốt cuộc không làm nên việc gì.

Công việc không phân lớn nhỏ, không phân chủ yếu thứ yếu, không xét đến giới hạn của thời gian, tinh lực và năng lực, việc gì cũng đều nắm lấy tất vào tay mình, việc gì cũng phải tự mình đi làm, luôn luôn làm việc hăng say như thế, luôn luôn vất vả một phút không dừng như thế. Anh ta nhiều nhất có thể giành được mức no ấm, không có thể làm nên việc lớn, càng không thể có cuộc đời thực sự vui vẻ thoải mái.

Nhưng mong bạn không phải là như thế.

Thường thường vì một số việc linh tinh không có gì quan trọng mà tất tả ngược xuôi, suốt ngày bị nhấn chìm vào trong hàng đống những việc vụn vặt hàng ngày, như thế thì thời gian dùng vào sự nghiệp bạn theo đuổi, thời gian dùng vào những sự việc quan trọng to lớn quan tâm đến thiết kế cuộc đời của bạn, tất nhiên sẽ giảm bớt rất nhiều. Nếu như bạn là lãnh đạo của một đơn vị, một công ty nào đó, một khi bị những việc vụn vặt linh tinh bao vây không thể tự bứt ra được, thậm chí bạn không thể bớt ra được bao nhiêu thời gian dùng vào việc trù liệu những việc chính đáng. Tôi có quen biết một ông giám đốc một nhà xuất bản thời gian chủ yếu và tinh lực của ông đều bị ràng buộc vào trong một mớ mâu thuẫn nhân sự không rõ ràng, làm cho thân thể và tâm trí tiều tụy. Còn việc vạch kế hoạch chọn đề tài, tổ chức xuất bản phát hành, thẩm tra bản thảo và sách, lại trở thành công việc nghiệp dư của ông. Kết quả là ông giám đốc này không thể tiếp tục đảm nhận được nữa, cuối cùng vẫn là do mâu thuẫn về phương diện nhân sự làm ông bị đổ.

Nếu như bạn suốt ngày bận rộn công việc vụn vặt rất ít nghỉ ngơi, rất ít vui chơi, rất ít đi chơi đây đó, luôn luôn bận, luôn cho người ta cảm giác ứng tiếp không xuể, làm đến nỗi mệt mỏi không thể chịu được nữa, như thế thì trí lực và tài năng của bạn sẽ bị hao mòn dần, theo đó hiệu suất công việc cũng giảm đi nhiều. Bạn làm việc 8 tiếng đồng hồ có thể không bằng người khác làm 4 tiếng đồng hồ.

Phàm những người suốt ngày bận với những việc lặt vặt đều có gánh nặng tâm lý rất nặng nề, tinh thần mệt mỏi, khó có thể sản sinh ý thức sáng tạo cái mới, không có cách gì thực hiện được những công tích dựng nên và sáng tạo độc đắc của mình. Bạn chỉ có thể bò ở phía sau người khác, chỉ có thể theo nề nếp cũ, một đời của bạn tất sẽ bình thường mà thôi.

Có thể bạn vốn không phải là lớp người bình thường, có tiềm năng sáng tạo to lớn và tài trí thông minh xuất sắc, chỉ vì bạn không thể thoát khỏi vòng bao vây của công việc vụn vặt, quanh năm suốt tháng ngổn ngang trăm mối trong lòng, bận bịu với một số việc vụn vặt hàng ngày, thể xác và tâm hồn bạn suốt cả thời gian dài không được chăm sóc đầy đủ, không thể giữ được tâm trạng nhẹ nhõm vui vẻ thoải mái, không thể giữ được tình cảm mãnh liệt bột phát với công tác nữa. Như thế, tài trí thông minh của bạn tất sẽ bị mai một đi một cách vô hình dẫn đến giảm sút gần hết, tiềm năng sáng tạo của bạn cũng sẽ vĩnh viễn không được phát huy. Điều đó lại càng đáng tiếc đáng buồn hơn, mà tất cả những cái đó bạn thường khó cảm nhận ra.

Lại có một loại người khác bị những công việc vụn vặt bao vây không thể tự rút ra được, chỉ vì anh ta không thể phân biệt rõ ràng mình rút cuộc nên làm gì, trong lòng không có chí lớn, không có mục tiêu, không có kế hoạch và sách lược, chỉ có thể làm "một ngày làm hòa thượng một ngày đấm chuông". Người như thế là tương đối nhiều trong quần thể người, do tâm tính chí thú của họ đã quyết định họ chỉ có thể đem thời gian và tinh lực dùng để ứng phó những việc vụn vặt hàng ngày, để phát ra sinh mệnh buồn chán, vô vị. Đến cuối cùng trống không chẳng có gì, không thu nhận được kết quả gì, đây đương nhiên là một cuộc đời không làm nên một việc gì cả.

Chính vì thế, bạn cần phải bứt ra khỏi vòng vây của những việc vụn vặt, trước tiên phải có mục tiêu phấn đấu của cuộc đời rõ ràng. Phải xác định rõ mình làm cái gì không làm cái gì, theo đuổi cái gì vứt bỏ cái gì.

Mục tiêu phấn đấu của bạn có thể là trừu tượng, chứa đựng rất nhiều, rất nhiều nội dung, còn trên mỗi một chặng trên đường đời, thế giới bên ngoài sẽ luôn luôn nổi lên những cám dỗ mới mẻ đối với bạn, sẽ làm lung lay niềm tin và sự theo đuổi của bạn.

Lúc này, nhận sự cám dỗ hoặc không nhận cám dỗ có thể làm cho bạn sản sinh tự giải thoát mãnh liệt. Nếu như bạn là một người có khả năng làm nên việc lớn, có phẩm cách kiên cường bạn sẽ có thể có được sự lựa chọn hợp tình hợp lý. Vứt bỏ những cái bạn nên vứt bỏ, theo đuổi những cái bạn nên theo đuổi. Chỉ có điều là có cái vứt bỏ mới có thể có cái theo đuổi, có cái vứt bỏ mới có thể thực hiện được cái theo đuổi. 

Nếu như bạn tầm thường không có năng lực, tâm tính dễ thay đổi, bạn sẽ đứng núi này trông núi nọ, đem niềm tin và sự theo đuổi ban đầu quăng theo vứt bỏ những cái không đáng vứt bỏ, theo đuổi những cái vốn không nên theo đuổi, thậm chí đắm đuối say mê sa ngã trong mọi cám dỗ, không phân rõ trái phải phương hướng biến đổi mình đến nỗi không nhận ra mình nữa.

Bi kịch của đời người phần nhiều là do mình tạo nên.

Dù cho có được mục tiêu rõ ràng và phẩm cách kiên cường, mà không có kỹ xảo điều khiển cuộc đời đúng đắn, cũng không thể thoát ra khỏi vòng vây của những việc vụn vặt.

Bạn còn phải hiểu rằng con người ngoài làm việc ra, còn cần phải có vui chơi giải trí nữa. Một người lớn tuổi thân thể và tâm hồn kiện toàn có đặc trưng tâm lý quan trọnglà: giữ được tâm lý thời trẻ con ham thích vui chơi. Có được tâm lý này, ngoài công tác ra thường thường tham gia vào các cuộc vui chơi bạn sẽ có thể xông ra khỏi vòng vây của công việc vụn vặt.

Có người tưởng vui chơi chỉ là việc của trẻ con, đó sẽ là sai lầm vô cùng lớn. Thật ra tâm trạng vui chơi mới là tâm trạng thực của con người, tâm trạng người ta cần phải có. Người ta thường dùng tâm trạng thanh thản, thư thái để hưởng thụ cuộc đời, trên thực tế đây chính là vui chơi. Vui chơi hoàn toàn không có ý niệm xấu mà có tính chân lý, hoàn toàn nhẹ nhàng mà không phải là việc làm nhân tạo. Nó là việc chân thành nhất mà lại giàu đức tính nhất, là quần chúng hóa lớn nhất mà lại rất có sức sống.

Lão Tử - ông thánh am hiểu đường đời nhất đã lớn tiếng hô hào mọi người:

- Hãy trở về thời trẻ con

Chính là muốn người ta không nên tự tìm kiếm khổ nào, không nên xem cuộc sống, xem đời người nặng nề đến như thế, không nên vứt bỏ tâm hồn trẻ thơ, không nên xa rời tinh thần vui chơi, cũng chính là muốn người ta tự bứt khỏi cái bận rộn của cuộc sống, tự cứu thoát từ những điều phiền não của những việc vụn vặt.

Một cuộc đời chưa được thưởng thức mùi vị vui chơi thì được xem là cuộc đời gì?

Đời người thành công, thường thường không phải là do bạn làm nên cái gì, mà là do bạn vứt bỏ cái gì.

- Có cái không làm mới có thể có cái làm nên. Không làm mới dẫn đến có triển vọng. 

"Vô vi nhi vi", dùng thuật ngữ triết học đơn giản dễ hiểu để biểu diễn là "không" và "có". Sự vật mà thế giới mênh mông xem như là không, kỳ thực chính là lấy cái không của nó để làm cái có. Lão Tử có nêu ra ví dụ để minh chứng, đại ý như sau:

Chỗ trống rỗng của những chỗ trung gian của vành xe và nan hoa, chỗ trống rỗng ở trong các bình chứa, chỗ trống không trong không gian cửa sổ căn phòng đều xem như là không (trống rỗng) mà tác dụng của chúng chính là dùng cái "không" để thực hiện.

Cho nên, trong toàn bộ quá trình tổ chức vận động của cuộc đời, cần phải vứt bỏ một số cái, lưu lại một số cái ?trống không?, tức có cái không làm, những cái vứt bỏ kia, những chỗ trống không kia, xem như là không (có), nhưng kỳ thực chính là dùng cái không có của nó để thực hiện mục

đích của sinh mệnh, vứt bỏ là để có được, lưu lại chỗ trống không là để bổ khuyết thêm.

Cho nên các nhà hiền triết các đời trước khi mở mang trí tuệ của chúng ta luôn luôn ân cần nhắc nhở mãi không chán: đừng nên mưu toan quá nhiều, đừng nên có ý nghĩ mờ ám quá nặng, đừng nên ham muốn quá tham, đừng nên bị việc vụn vặt bao vây. 


Bạn thoát ra khỏi vòng vây của việc vụn vặt, tự giác vứt bỏ một số, giữ lại một số chỗ "trống rỗng", chăm chú vào việc làm, đừng nên để ý đến điều mong cầu, thì tâm tình của bạn sẽ luôn luôn nhẹ nhõm vui vẻ, cuộc đời của bạn sẽ càng thêm đầy đủ, càng thêm giàu có.  



99 khoảnh khắc đời người

ZHANG ZI WEN