NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Đối thủ của bạn là ai?


Ngày xửa ngày xưa, có một con chuột nhỏ sống trong một cái hang trong thân cây, cách đó không xa có một con chồn sóc đang rình ăn thịt nó. Vì vậy, mỗi lần ra ngoài kiếm thức ăn, con chuột nhỏ đều hết sức cẩn thận nên đã nhiều lần thoát chết.Vào một buổi sáng, khi chuẩn bị ra ngoài kiếm ăn, nó phát hiện con chồn sóc hung dữ đang đi đi lai lại cách đó không xa. Con chuột nhỏ nghĩ bụng " Nguy hiểm quá! ta phải để cho nó đi trước, nếu không ta sẽ trở thành bữa sáng của nó mất". Nhưng đột nhiên một con mèo xám nhảy vồ lấy con chồn sóc và ăn thịt nó. Con chuột nhỏ lúc nãy còn hoảng sợ bây giờ không kìm nổi vui mừng: hôm nay mình thật là may mắn, bây giờ nguy hiểm đã qua rồi, từ nay về sau ta có thể hiên ngang đi tìm kiếm thức ăn chứ không phải chui lủi như trước nữa. Nó vui mừng chạy nhảy hát ca trong khu rừng. Nhưng con chuột hạnh phúc đó chưa vui mừng được bao lâu thì đã thiệt mạng bởi con mèo xám tham ăn. Trước kia, khi có sự đe dọa của con chồn sóc, con chuột nhỏ rất cảnh giác nên đã thoát chết, nhưng khi địch thủ không còn nữa, nó quên đi tất cả, buông lỏng cảnh giác và đương nhiên sẽ bị rơi vào cạm bẫy và thất bại.

Đối thủ của bạn là ai vậy các bạn? trong nhiều trường hợp, đối thủ của bạn chính là người đã từng làm cho bạn trưởng thành và ngày càng trở lên hoàn mỹ. Có lẽ bạn nên cảm ơn cả những đối thủ đã luôn mang đến sự phiền toái, thậm chí cả đau khổ cho bạn, tức là mang đến thách thức cho bạn. Chỉ có như thế, bạn mới có thể đi xa hơn và dài hơn.

Hãy nhìn nhận đối thủ như những người bạn, hãy nhìn nhận mỗi lần bị phê bình và chỉ trích là những cơ hội tốt để sửa chữa khuyết điểm. Đấy là con đường tốt nhất để dẫn tới thành công. Chợt nhớ ra một nghiên cứu của một nhà động vật học. Nhà động vật học nghiên cứu đời sống của những con linh dương ở hai bờ sông Orange trên một cao nguyên ở châu Phi. Ông phát hiện ra rằng khả năng sinh sản của những con linh dương ở phía đông mạnh hơn những con linh dương ở phía bờ tây, tốc độ chạy của chúng cũng khác nhau, mỗi phút những con linh dương ở phía đông chạy nhanh hơn 13 mét. Về sự khác biệt này, nhà động vật học đã trăn trở suy nghĩ nhưng vẫn chưa tim ra câu trả lời. Bởi vì điều kiện sinh sống và chủng loại của những con linh dương này hoàn toàn giống nhau, nguồn thức ăn cũng giống nhau vì chúng đếu ăn một loại cỏ giống nhau trên thảo nguyên. Có một năm, nhờ sự giúp đỡ của hiệp hội bảo vệ động vật, ông bắt ở mỗi bờ 10 con linh dương, sau đó đưa chúng sang bên bờ bên kia. Kết quả cho thấy, 10 con linh dương được đưa sang bờ phía tây sau một năm đã tăng lên 14 con. Còn 10 con linh dương được đưa sang bờ phía đông, nay chỉ còn lại 3 con, 7 con kia đều bị sói ăn thịt. Nhà động vật này cuối cùng đã hiểu ra. Những con linh dương bờ phía đông khỏe mạnh,sung sức bởi vì chúng sinh sống gần một bầy sói, còn những con linh dương bờ phía tây sở dĩ yếu ớt bởi vì chúng thiếu những địch thủ truyền kiếp.

Vì sao tôi nghèo mà anh lại giàu..?


Ở đời người ta thường hỏi “Làm giàu thế nào?” chứ ít ai chịu hỏi “Vì sao tôi nghèo?”. Chính vì vậy nhiều người không bao giờ nhìn thấy những nhược điểm của mình để tự khắc phục và cuối cùng nghèo vẫn hoàn nghèo.

Chuyện anh nông dân

Có anh nông dân tên Nghèo, ông bà để lại cho 3 thửa ruộng. Mỗi năm ba vụ bán mặt cho đất bán lưng cho trời, sau khi trừ tiền giống, tiền phân, tiền phơi … và không bị lũ lụt, sâu rầy thì chỉ kiếm đủ tiền chi tiêu ăn uống. Năm ngoái xã mở đường nhựa qua ruộng Nghèo, tiền đền bù cũng được kha khá, nhưng chỉ ăn được hơn năm thì lại…nghèo.



Một anh nông dân khác tên Giàu, nhà cũng 3 thửa ruộng, cũng làm quần quật như anh Nghèo. Cuối vụ đập lúa xong anh hốt trấu về om bếp, xin người ta rơm rạ rồi bó lại thuê xe thồ đến bán cho nhà người xóm trên nuôi bò. Tối nằm vắt tay lên trán anh chợt nghĩ, sao nông dân thì cứ phải bán thóc nhỉ?

Thế rồi anh học người ta lấy gạo làm sợi bún, đem bỏ mối ngoài thị xã. Anh thấy hạt gạo chỉ chế biến chút thôi đã bán được giá gấp 5 lần. Thấy Nghèo mất ruộng, Giàu cho thuê ruộng cày, mua gạo của Nghèo về làm bún bán, không làm ruộng nữa.

Chuyện cô thợ dệt

Cô thợ dệt tên Nghèo, làm công nhân trên tỉnh, một ngày đạp máy 12h, đã 4 năm nay cô chỉ may cái túi vào áo. Vật giá leo thang, tiền lương vẫn thế, khó sống quá, cô rủ chị em đình công đòi tăng lương, chủ bảo 4 năm cô cũng chỉ làm được từng ấy việc, sao tôi phải tăng lương?

Một cô thợ may khác tên Giàu, làm cùng khâu với cô Nghèo. Giàu làm được 3 tháng biết việc rồi là xin sang tổ khác, cứ thế 2 năm sau đã thạo làm hết các khâu. Chủ đưa cô lên làm trưởng ca, lo chỉ bảo đôn đốc chị em trong xưởng.

Cuối năm rồi Giàu xin nghỉ về quê 3 tháng, dạy chị em trong làng xỏ kim may áo, vay tiền mua máy rồi lên tỉnh nói với chủ “chị giao áo cho em may, thợ em ở nhà không phải ăn cơm ở trọ nên em giao hàng giá rẻ hơn cho chị”. Còn Nghèo đâu biết vì có những người như Giàu mà Nghèo chả được tăng lương.

Chuyện anh họa sĩ

Một anh họa sĩ tên Nghèo, làm công ở xưởng chép tranh. Nghèo khéo tay vẽ đẹp, tranh của danh họa nào vẽ cũng giống một chín một mười. Nhưng đã sáu năm rồi, Nghèo vẫn cứ ... chép tranh.

Còn anh họa sĩ tên Giàu, chép tranh chả đẹp bằng Nghèo, chủ bán không được nên cho nghỉ việc. Giàu ngẫm tranh chép cũng là đồ giả mà lại đắt, chỉ bọn trọc phú mới mua. Giàu phóng tranh thành ảnh, lồng khung sang trọng rồi bán giá chỉ bằng 1/4 tranh của ông chủ nơi Nghèo làm việc. Thấy Giàu phất nhanh Nghèo hỏi cách nào, Giàu bảo “tại tớ bán khung mà người thì lại mua tranh”.

Ngẫm ở đời người ta thường hỏi “Làm giàu thế nào?” chứ ít ai chịu hỏi “Vì sao tôi nghèo?”

Loay hoay trưởng thành..


Trưởng thành nghĩa đen là cụm từ chỉ sự phát dục đầy đủ của cả con đực lẫn con cái, đại loại là có thể kết hợp với người phối ngẫu để sản sinh ra thế hệ kế tiếp. Còn nghĩa bóng thì khá nhiều nghĩa, nhưng đại thể là là kẻ đã lớn khôn, đã tự lập được, đã lớn khôn về mọi mặt.

Tuy nhiên, có rất nhiều người về mặt thể xác đã khuỳnh khoàng như người lớn nhưng tâm trí vẫn như trẻ con. Họ có khi đã là cha mẹ của trẻ con hay có khi còn là cả phó giáo sư tiến sĩ (đúng ra là phó tiến sĩ nhưng nhà nước đã bỏ cái học vị phó tiến sĩ nên giờ họ đều là tiến sĩ cả. Có ông là tiến sĩ thật, mặc dù cũng chỉ là tiến sĩ hữu nghị của các bạn, nhưng vẫn tự nhận mình là tiến sĩ khoa học để tránh việc đánh đồng với mấy vị phó tiến sĩ hay mấy ông tiến sĩ nội địa khác), nhưng đôi khi vẫn ngây thơ vạch chim đứng giữa đường đái hay phồng mồm trợn má chửi từ cụ cao nhất đến mấy ông thâm thấp ở trên bàn thờ nhà người ta chỉ vì nhà hàng xóm nó xây lấn ở tầng hai ra vài phân…

Những kẻ đang loay hoay trưởng thành như vậy nhan nhản ở các công sở, họ là quan chức, họ là giảng viên, họ là trí thức, họ là nghệ sĩ, có khi họ còn là các đại gia hay mấy anh trung lưu trọc phú mới nổi.

Theo M. Scot Peck, tác giả cuốn sách best-seller “The Road Less Traveled” (mà có người dịch là “Hành trình trưởng thành đích thực” bán mãi không hết nên đành cho ông khác dịch thành “Con đường chẳng mấy ai đi” thì lại bán ầm ầm trong khi nội dung dịch bên trong chả khác gì) cho rằng: phần lớn những người loay hoay tìm cách trưởng thành là họ đã không biết cách trì hoãn cái sự sung sướng lại. Họ cứ phải sướng ngay sướng luôn, có một ông say rượu lè nhè bảo kiểu đó là kiểu “Mì ăn luồn” (ăn liền và ăn luôn nên viết tắt là ăn luồn ).

Vì tính cách cái dân tộc này là không bao giờ biết trì hoãn cái sự sung sướng lại, nên câu cửa miệng của nhân vật Chu Văn Quyềnh: “Không việc gì phải hoãn cái sự sung sướng lại!” trong bộ phim “Đất và người” trở thành câu cửa miệng của rất nhiều người. 

Học sinh đi thi người ta cũng bày cho cách chọn bài dễ làm trước, bài khó làm sau, nếu bài mà có khó quá thì bỏ luôn, để đảm bảo điểm được tối đa. Người lớn đi làm thì tranh nhau chọn việc dễ đến nỗi có một ông nhạc sĩ chán quá mới viết ra ca khúc “Một đời người một rừng cây” trong đó có một đoạn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”

Vì vậy bây giờ ai cũng chỉ thích chọn việc nhẹ nhàng cả, thanh niên vô công rồi nghề thì còn việc nhẹ nhàng nhất là sáng bảnh mắt mới dậy, rủ nhau í ới dưỡn dẹo đi ăn sáng rồi café phố cổ, thanh niên có công ăn việc làm thì buổi sáng đến sớm quẹt thẻ, dí vân tay rồi cũng í ới dưỡn dẹo café ăn sáng. Mấy cụ già già nhìn thấy ngứa măt hỏi thì họ hỏi ngược lại đầy bí ẩn triết lý là:

“Thế làm việc để làm gì?”

“Để có tiền, để chứng tỏ bản thân, để phấn đấu….”

“Thế có tiền, phấn đấu, chứng tỏ bản thân để làm gì?”

“Để sung sướng, để hạnh phúc, để nhàn hạ….”

“Ơ, Thế bọn tôi đang sung sướng, hạnh phúc, nhàn hạ như thế này còn gì nữa?”

Và cứ như thế họ tiếp tục loay hoay trưởng thành!

Khen hay chửi đều là MỘT!..




Người Tàu có một câu: "Khen ta khen đúng là bạn ta! Chửi ta chửi đúng là thầy ta! Còn nịnh bợ ton hót với ta là kẻ thù của ta vậy!". Câu ấy, nhiều người xem là kim chỉ nam để sống, và lấy làm thú vị lắm lắm! Cũng có lúc ta nghĩ câu ấy nói đúng, nhưng ngó cái thực tế xã hội, nhất là dòm cái nhân tâm con người thì xem chừng, chả có lời chết tiệt nào trên đời này đúng cả. Có chăng chỉ là tiệm cận một góc độ nào đó mà thôi.

Từ cổ chí kim, con người vốn ưa được khen, mấy ai ưa bị chửi. Con người ta, dù đàn ông hay đàn bà đều có 9 cái lỗ. Từ 9 cái lỗ ấy, khi nhận vào đều muốn những thứ mát mẻ, ngon ngọt, dễ chịu, nhưng khi phun ra thì toàn là hôi thối và tanh khắm. Cái lỗ mồm thích hôn hít và tợp đồ ngon, nhưng khi nhổ ra thì toàn vi trùng. Hai cái mũi thích ngửi mùi thơm, nhưng khi xịt ra thì toàn hen suyễn. Hai cái lỗ mắt muốn nhìn toàn thứ đẹp, nhưng khi rỉ ra toàn thứ cay đắng mặn mòi. Hai cái lỗ dưới vừa đào thải vừa có chức năng duy trì sinh sản thì muốn ngoáy chỗ ngon lành, nhưng khi phun ra thì khai rình bẩn thỉu. Hoá ra, lão tạo hoá đã an bài cho cái giống người và các giống súc vật đều như nhau, tức ưa ngon ngọt và dễ chịu, chả ưa khai rình và tanh khắm. Nên từ đó mà suy ra cái bản chất ưa lời nịnh, thích lời khen, ghét bỏ lời chê là hoàn toàn có lý.

Bản chất con người, đứa nào cũng có cái sự tráo trở, lật lọng, nhưng mồm thì cứ muốn làm điều nghĩa hiệp, rằng ta đây ghét bỏ điều xấu truy cầu điều tốt. Nhưng chỉ cần quẳng một mẫu xương xuống sàn nhà là nhận ra ngay đâu là người đâu là chó. Người-chó, chó-người vốn dĩ là một, chung nguồn gốc phận kiếp cả mà thôi. Có người nào trên đời này vỗ ngực rằng, ta oách hơn chó, xin thưa một tiếng cho thơm đi! Cái giống người là giống phản phúc nhất trên đời, bất trung, bất nghĩa, phụ tình nhất trong sáu cõi. Chìa đồng bạc lẻ ra là cắn xé lẫn nhau. Chìa cái mặt son phấn loe loẹt ra cái là tranh nhau ghen tỵ. Chìa cái lợi nhỏ ra cái là xăm xỉa bon chen. Chả ai tốt đẹp gì nhưng mở mồm là rêu rao đạo đức. Càng đứa trông bề ngoài oai phong bệ vệ thì bên trong cái dục tính lại càng rất tầm thường. Toàn những đứa miệng thở ra là kinh kệ, thì làm chả được trò trống gì. Toàn những con rêu rao chung tình thì phản phúc đầu tiên. Cái sách đầu tiên nên đốt mẹ nó đi chính là sách dạy làm người, cái câu vớ vẩn nhất là câu đầu tiên: "Nhân chi sơ tính bổn thiện" của Mạnh Tử. Nên Tuân Tử đã nói lại là: "Nhân chi sơ tính bổn ác". Thiện cái mẹ gì, phải là ác mới đúng. Mới đẻ ra biết cái gì mà thiện? Cứ thử đưa tay vào mồm con ít đi xem nó có cắn cho một miếng không? Nhưng khi lớn lên, được dạy dỗ và giáo dục, thì thú tính giảm dần, ý thức người được nâng lên, nên sẽ chỉ cắn khi tự vệ mà thôi. Chẳng hạn như có ai đó chửi mình, là chuẩn bị để chửi lại. cái đó gọi là tự-vệ-tính của mỗi con người. Cái gọi là tự-vệ-tính này nó xuất khởi từ chỗ sợ người ta nghĩ xấu về mình, nghĩ sai về mình. Nên lồng lộn lên để giải thích, để phân bua. Chết tiệt, làm đếch gì có cái thứ đúng sai trên đời. Sai hay đúng đều do con người ta tự vạch ra thôi. Mọi sự vốn nhất nguyên, rồi vì quyền lợi thống trị, họ vạch ra cái gọi là nhị nguyên, để dễ bề phân định thế này và thế khác. Cái làm người ta sướng nhất trong cuộc đời là LÀM TÌNH thì bị coi là xấu xa. Vớ va vớ vẩn. Cứ chửi ai đó mà lôi cái bộ phận sinh sản ra để chửi thì cho là đau, là tục. Vớ va vớ vẩn. Thử hỏi trên đời có thằng đàn ông nào không chui ra từ cái chỗ đó của đàn bà? Ai dẫn ra được có thằng nào không chui ra từ chỗ đó, ta xin quỳ xuống xin lỗi. Trừ ba cái loại ngổ ngáo từ trong trứng, phải đẻ bằng dao mổ thì không tính, hay sinh sản vô tính trong ống nghiệm thì cũng khỏi cần bàn.

Cụ Jesu khi đi giảng đạo, cũng khuyên con người ta đại ý rằng, nếu bị tát má bên phải thì chìa nốt má bên trái ra cho họ tát. Cụ Thích Ca Mâu Ni cũng không kém, nói đại ý rằng, kẻ cắt thịt ta và kẻ đem sữa cho ta đều là một. Thôi thì, thế gian giờ có 2 cụ ấy là ông lớn trong thiên hạ, có nhiều người tin theo, ta cũng tin theo, nên cứ thế mà suy ra rằng, chả cái đếch gì trên đời này là hoàn thiện cả, ghét ta và yêu ta đều là một, khen ta và chửi ta đều là một. Không hơn không kém. Đều giả vờ lừa nhau và giả vờ tin nhau cả mà thôi. Không tin á? Nghĩ lại đi, nghĩ lại xem mình đã từng yêu ai chưa? Khi yêu thì thề non hẹn biển, được ba bữa nửa tháng rồi ghét nhau như chó với mèo. Nghĩ lại đi xem mình đã từng món lợi lộc nào đó, mà đánh đổi cả nhân tâm chưa? Có khi chửi cha mắng mẹ, đập chú chém anh, quăng dì đạp mợ để mà cướp cho được cái lộc về mình ấy chứ! Gớm, biết tỏng còn cứ giả vờ!

Nên từ đó ta chẳng còn tin ai khen mình cả, chẳng còn ghét ai chửi mình cả. Khen hay chửi đều ở mồm người cả, người thích thì người sủa, người nói, người ca, người ngợi v.v... Ta vẫn là ta, kệ con mẹ cái phong vân tuế nguyệt nó chìm nổi sụt trồi ra sao cũng mặc. Đời chẳng qua là một mớ tuồng, ai cũng là diễn viên giỏi cả. Welcom tất! Hãy nhập tuồng mà khuấy cái nồi cám cuộc đời cho xôm. Khen chê mắng chửi cho đủ bi hài. Có cái chết tiệt gì trên đời này đáng giá để tung hô đâu! Có chăng chỉ là sự vờ vịt và dối trá hiện hình trong từng chi tiết nhỏ nhất của cuộc sống, mà ai cũng cố để nhịn cho nó "dĩ hoa vi quý" mà thôi.

Vớ va vớ vẩn!

Gái ế làm gì lúc 11 giờ đêm?


Vào giờ này ra khỏi nhà, phụ nữ thường bước vào đêm với ý chí sắt đá làm sao cho mình khỏi phải lẻ loi chơi đêm. Chuyến xuyên đêm đen của cô nàng có khi kết thúc bằng bình minh trong chăn ấm nệm êm nhà người khác. Bởi đàn ông khác hẳn, đàn ông night-out thường vẫn quay về lúc rạng sáng để ngủ trên cái giường của mình, bất chấp ngủ một mình hay hai mình.

Nên nếu không muốn sáng sớm đi bộ một mình ra khỏi căn hộ của chàng, người phụ nữ xinh đẹp buộc phải có một cuộc sống với những quy tắc vàng để giữ gìn sự độc thân của mình, như thế này:


Nàng hãy coi tình yêu là một thứ đồ vật xa xỉ nhất đời. Mà xa xỉ phẩm là thứ người ta có cũng được, không có cũng chẳng chết ai. Không có xa xỉ phẩm, nàng vẫn có quyền sống điềm nhiên, quần quần áo áo, xúng xính xinh đẹp và làm bất cứ điều gì mình muốn mà không cần xin phép.


Nếu buổi tối phải lựa chọn xem, ngồi nhà gõ máy tính vì công việc dồn quá nhiều, hay đi chơi với bạn trai, thì lời khuyên là hãy ngồi nhà làm việc và tranh thủ cơ hội để thăng tiến ngay trong lúc kẻ khác ngồi bar và tiệc tùng nhảy nhót. Vì công việc và sự nghiệp không bao giờ phụ lòng nàng, nàng càng phấn đấu thì càng có cơ hội lương cao và thăng chức (Trừ phi nàng làm nghề… gái nhảy, càng già càng xuống giá!) Trong khi đó, nàng càng cố gắng với một người đàn ông, nguy cơ bị bỏ rơi càng cao. Theo tình – tình bỏ chạy, ráng chịu!


Tiệc đêm, sàn nhảy, đèn quán bar nhấp nháy đỏ còn rượu trong ly lại xanh lét, kế bên một chàng đẹp trai, những thứ đó chỉ để dành cho lũ con gái mới lớn mà thôi! Chỉ có lũ gái bốc đồng và nhẹ dạ ấy mới phải dùng rượu, thuốc lá, son môi và lũ con trai để chứng tỏ mình đã trải đời. Còn nàng, nàng độc thân, nàng quyến rũ, nên việc gì nàng còn phải night-out để chứng tỏ bản thân từng trải, sành điệu nữa?


Và kể cả nếu lỡ nhẹ dạ nhận lời đi chơi đêm trong một dịp vui, nàng tự đi bằng xe mình, chứ không để ai chở. Cái xe sẽ chờ nàng và chở nàng, sẽ không bỏ rơi nàng dọc đường như… một số người đàn ông khi lên cơn giận dỗi ghen tuông. Đó là chưa kể, nàng độc thân có thể mua bảo hiểm cho cái xe cưng, chứ còn đàn ông cưng, nàng không cách nào mua bảo hiểm cho họ.


Trong túi nàng độc thân khi ra khỏi nhà luôn có kem chống nắng, viên sủi vitamin để bổ sung canxi và đẹp da, một thỏi son và cái bình xịt bọt mini phòng khi có kẻ tấn công, nhưng chưa bao giờ dùng tới. Kỳ quặc là, nếu đi chơi đêm, đôi khi trong túi nàng vẫn có lọ kem chống nắng! Và khư khư không chịu cho chàng đẹp trai mới quen trong quán bar biết số di động của mình.


Giường của cô nàng độc thân rất khác người, vì có tới… ba bốn chiếc đồng hồ báo thức, phòng khi phải dậy sớm! Độc thân tức là phải tự mình gọi mình thức dậy!


  Nàng né các thủ tục làm vợ mà vẫn được tận hưởng đầy đủ lạc thú của lứa đôi. Vì thế, chồng – mẹ chồng – làm dâu là từ kỵ húy của một phụ nữ thành phố xinh đẹp. Khi ký hợp đồng (bé tẹo) làm ăn với đối tác, nàng còn phải xem xét nhiều lần xem mình có hớ khoản nào không. Huống hồ giấy đăng ký kết hôn lại là bản hợp đồng lắm rủi ro nhất.


Nên tốt nhất, 11:00 PM, nàng ở nhà, nhảy nhót một mình, lầm bầm hát, lên mạng rình mò hay uống rượu say mềm, ngủ với mèo và chó cưng. Đó là cách để an toàn và độc thân, mãi mãi.


Vả lại, nếu một cô nàng ba mươi tuổi độc thân, tối ôm gối ngồi xem hết đĩa phim này tới kênh tivi khác, tay trái là chai vang uống dở, tay phải là cuốn sách đọc dở, trước mắt  có đĩa đồ ăn vặt vung vãi, quần áo xộc xệch tóc tai luộm thuộm, đích thị một cô nàng ế và nhạt nhẽo. Nhưng nếu có ba cô nàng độc thân cùng ngồi nằm ngả ngốn trong khung cảnh đó, ôm gối xem phim liền tù tì hai ngày, ta sẽ gọi đó là… những phụ nữ thành phố có cá tính độc lập đang tận hưởng niềm hạnh phúc độc thân và tự do !!!


Để giảm stress, tất nhiên nàng độc thân sẽ nuôi chó mèo cưng. May quá, không thấy ai thống kê lượng chó mèo bị stress khi phải sống với chủ độc thân!


Trang Hạ