NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Loay hoay trưởng thành..


Trưởng thành nghĩa đen là cụm từ chỉ sự phát dục đầy đủ của cả con đực lẫn con cái, đại loại là có thể kết hợp với người phối ngẫu để sản sinh ra thế hệ kế tiếp. Còn nghĩa bóng thì khá nhiều nghĩa, nhưng đại thể là là kẻ đã lớn khôn, đã tự lập được, đã lớn khôn về mọi mặt.

Tuy nhiên, có rất nhiều người về mặt thể xác đã khuỳnh khoàng như người lớn nhưng tâm trí vẫn như trẻ con. Họ có khi đã là cha mẹ của trẻ con hay có khi còn là cả phó giáo sư tiến sĩ (đúng ra là phó tiến sĩ nhưng nhà nước đã bỏ cái học vị phó tiến sĩ nên giờ họ đều là tiến sĩ cả. Có ông là tiến sĩ thật, mặc dù cũng chỉ là tiến sĩ hữu nghị của các bạn, nhưng vẫn tự nhận mình là tiến sĩ khoa học để tránh việc đánh đồng với mấy vị phó tiến sĩ hay mấy ông tiến sĩ nội địa khác), nhưng đôi khi vẫn ngây thơ vạch chim đứng giữa đường đái hay phồng mồm trợn má chửi từ cụ cao nhất đến mấy ông thâm thấp ở trên bàn thờ nhà người ta chỉ vì nhà hàng xóm nó xây lấn ở tầng hai ra vài phân…

Những kẻ đang loay hoay trưởng thành như vậy nhan nhản ở các công sở, họ là quan chức, họ là giảng viên, họ là trí thức, họ là nghệ sĩ, có khi họ còn là các đại gia hay mấy anh trung lưu trọc phú mới nổi.

Theo M. Scot Peck, tác giả cuốn sách best-seller “The Road Less Traveled” (mà có người dịch là “Hành trình trưởng thành đích thực” bán mãi không hết nên đành cho ông khác dịch thành “Con đường chẳng mấy ai đi” thì lại bán ầm ầm trong khi nội dung dịch bên trong chả khác gì) cho rằng: phần lớn những người loay hoay tìm cách trưởng thành là họ đã không biết cách trì hoãn cái sự sung sướng lại. Họ cứ phải sướng ngay sướng luôn, có một ông say rượu lè nhè bảo kiểu đó là kiểu “Mì ăn luồn” (ăn liền và ăn luôn nên viết tắt là ăn luồn ).

Vì tính cách cái dân tộc này là không bao giờ biết trì hoãn cái sự sung sướng lại, nên câu cửa miệng của nhân vật Chu Văn Quyềnh: “Không việc gì phải hoãn cái sự sung sướng lại!” trong bộ phim “Đất và người” trở thành câu cửa miệng của rất nhiều người. 

Học sinh đi thi người ta cũng bày cho cách chọn bài dễ làm trước, bài khó làm sau, nếu bài mà có khó quá thì bỏ luôn, để đảm bảo điểm được tối đa. Người lớn đi làm thì tranh nhau chọn việc dễ đến nỗi có một ông nhạc sĩ chán quá mới viết ra ca khúc “Một đời người một rừng cây” trong đó có một đoạn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”

Vì vậy bây giờ ai cũng chỉ thích chọn việc nhẹ nhàng cả, thanh niên vô công rồi nghề thì còn việc nhẹ nhàng nhất là sáng bảnh mắt mới dậy, rủ nhau í ới dưỡn dẹo đi ăn sáng rồi café phố cổ, thanh niên có công ăn việc làm thì buổi sáng đến sớm quẹt thẻ, dí vân tay rồi cũng í ới dưỡn dẹo café ăn sáng. Mấy cụ già già nhìn thấy ngứa măt hỏi thì họ hỏi ngược lại đầy bí ẩn triết lý là:

“Thế làm việc để làm gì?”

“Để có tiền, để chứng tỏ bản thân, để phấn đấu….”

“Thế có tiền, phấn đấu, chứng tỏ bản thân để làm gì?”

“Để sung sướng, để hạnh phúc, để nhàn hạ….”

“Ơ, Thế bọn tôi đang sung sướng, hạnh phúc, nhàn hạ như thế này còn gì nữa?”

Và cứ như thế họ tiếp tục loay hoay trưởng thành!

Không có nhận xét nào: