NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013



Các bạn đã kinh nghiệm du lịch nhiều hẳn nhiên biết rất rõ luật “đi nhẹ” (travel light). Người càng nhẹ thì đi càng xa, chàng khỏe. Nếu bạn du lịch với 5 vali đồ đạc 30 ký một vali thì hỏng. Kẹt cứng trong khách sạn, và đi xe hay đi máy bay cũng rất mệt, nhất là qua các cửa an ninh phi trường và các cửa khẩu. Nếu chỉ có một balô trên vai với các vật dụng cần thiết tối thiểu, thì tha hồ đi mọi chỗ bất kỳ lúc nào. Sướng ơi là sướng!

Du hành qua cuộc đời cũng vậy. Càng mang nhẹ trên người, ta càng du hành nhanh và xa, trèo đèo vượt suối, thám hiểm được mọi hang hốc dễ dàng. Thông thường thì ở đời, càng lớn tuổi ta càng khó đi. Nếu là sinh viên mới ra trường khố rách áo ôm, có công việc gọi bất kỳ đâu đó, từ Cà Mâu đến ải Nam Quan, hay cả đến nước ngoài, thì trong vòng 24 tiếng là có thể khăn gói quả mướp lên đường. Nhưng người đã có gia đình, một căn nhà, một vợ và 3 đứa con chẳng hạn, thì công việc gọi cũng phải suy tính lại xem có thể di chuyển được không, bán nhà được không, con cái bỏ học chuyển trường tiện không, đồ đạc đưa đi được không… Cả một lô câu hỏi, nếu thấy không tiện thì không đi, tìm công việc khác ngay tại địa phương vậy.
Sở dĩ người lớn tuổi di chuyển khó khăn vì càng sống lâu ta càng “thu góp” (collect) nhiều. Con người là một con vật thu góp—thu góp kiến thức, bằng cấp, tiếng tăm, danh vọng, tài sản… Càng sống lâu càng thu góp nhiều, càng nặng nề, càng khó di chuyển.
Về phương diện tâm linh cũng thế, càng sống lâu ta càng đụng chạm nhiều người, càng làm mất lòng nhiều người, càng bị nhiều người xúc phạm, càng có nhiều điều để ghét, nhiều người để cay cú, nhiều thứ để hận… Con nít 3 tuổi thì chưa có ai làm gì để hận đời, 30 tuổi thì cả có hàng trăm người mạo phạm ta đủ điều trong 30 năm, đến 60 thì con số đó đã lên đến hàng nghìn.
Cho nên nếu ta không thông minh đủ đề vất bỏ rác rến trên người, đến 30 ta đã oằn oại dưới vài trăm ký‎ rác trên mình, lết không nổi. Đến 60 chỉ còn nằm dưới rác mà thoi thóp thở. Sống sao được!
Cho nên buông xả là nguyên lý sống thông thái.
1. Lỗi lầm người khác: Đây có thể là rác loại căn bản nhất. Bạn đã thực sự buông xả lỗi lầm cho bao nhiêu người? Người ta xúc phạm ta, ta không xúc phạm lại, không đạp cho vài đạp, đó là nhịn, nhưng không là buông xả, nếu trong bụng ta vẫn hận thù người đó, đôi khi kéo dài cả đời. Buông xả thực sự là nghĩ đến người đó cũng như nghĩ đến hàng trăm người khác ta biết mà không thù oán bực bội. Đó mới là buông xả. Nếu không buông xả, thì dù ta có nhịn, cái bực bội vẫn nằm đó với sức nặng nguyên thủy. 20kg thì vẫn là 20kg, mang theo mỗi ngày, cả đời. Chịu gì nổi!

2. Lỗi lầm của chính mình: Đây mới là cái khó buông xả. Nhiều người chúng ta tha thứ cho người khác thì được, nhưng đến tội của mình thì không bỏ qua được, cứ mang nó kè kè, cho nên lúc nào cũng thấy mình tồi, mình tội lỗi, mình không có năng lực… và mình mất tự tin và tự trọng. Đây mới là chết người. Một lỗi của người khác nặng 5kg, mình mà có cũng lầm lỗi đó, nhiều khi nặng tới 20kg trên vai mình, chỉ vì mình xử với mình quá nặng. Mình cũng chỉ là một người như triệu người khác. Nếu mình có thể buông xả cho người khác được thì cũng có thể buông xả cho người này được.
3. Kỷ niệm đớn đau: Những kỷ niệm quá đớn đau, không bỏ qua được. Ví dụ: Nhiều người đã từng phải đi cải tạo thời 1975, bị đối xử quá tàn tệ và đau đớn cho chính họ và gia đình họ, nên đến ngày nay không bỏ qua được. Chính họ xác nhận một cách khách quan và thành thật như thế. Họ cũng biết như thế là không nên, và trái với lời Chúa Phật, nhưng họ không đủ sức mạnh để vượt qua các cảm xúc quá mạnh bên trong.
4. Kỷ niệm đẹp: Đây là một trong những điều khó buông xả nhất, và chẳng ai nghĩ là nên buông xả. Kỷ niệm đẹp thì mắc mớ gì mà buông xả? Thưa, vì cái đẹp khi trước thường là cái đau bây giờ. Ngày xưa nơi đây là một vùng quê hẻo lánh nên thơ, ngày nay xe cộ inh ỏi, cướp bóc tràn lan, những ai đã gây ra điều này? Ngày xưa mới quen, em hiền như ma sơ, bây giờ ma sơ đâu? Ngày xưa bạn bè trung học dễ thương, bây giờ nhiều đứa là ma đầu tham nhũng, cuộc đời thật tồi tệ!
Cuộc đời vô thường, mọi thứ điều thay đổi, đó là qui luật. Sao lại cứ ôm khư khư vào quá khứ?
4. Kiến thức: Kiến thức là cái thường làm cho ta mù nhất. Ví dụ: Kiến thức về Thiên chúa giáo có khả năng cao sẽ làm bạn mù về Hồi giáo và Phật giáo, nếu bạn không biết buông xả kiến thức đó, it ra là một lúc nào đó, để mà học thêm cái mới. Kiến thức cao về luận l‎ý học có thể làm bạn rất yếu trong lãnh vực am hiểu cảm xúc và trực giác. Bằng cấp cao có thể làm bạn quên cách thông cảm với người nghèo khổ.
5. Danh lợi: Bao nhiêu người làm quan kiểu gọi dạ bảo vâng, bưng mắt bưng tai, không cần biết sự thật, không muốn nghe sự thật, không muốn nói sự thật, chỉ vì muốn giữ tí lợi danh đang có?

6. Cái tôi: Cái làm chúa tất cả mọi thứ kể trên là “cái tôi.” Cái tôi dễ hiểu nhất là sự tự cao, nhưng đó là mức thấp, dễ thấy. Tại mức thâm sâu, cái tôi là “chấp vào tôi” – ngã chấp – bám vào “tôi” như một hiện hữu vĩnh viễn cho đời sống này. Không buông xả “cái tôi” thì buông xả mọi cái khác cũng chỉ là hời hợt bên ngoài. Công phu tu tập thực sự là buông xả cái tôi. Nếu buông xả tất cả thứ khác mà còn cái tôi, thì chỉ cái tôi thôi đủ là bao gạo 100 kg mang trên lưng rồi.
Dù là tôi quan trọng thế nào trong cuộc đời này, so với toàn cảnh, toàn vũ trụ của ta, tôi chỉ là một cái chớp mắt trong cõi vô cùng, chẳng nghĩ lý gì hơn vậy cả. Cho nên dù ta có đóng một vai quan trọng trong gia đình hay trong tổ quốc ta, thì đó cũng chỉ là sự quan trọng của cái chớp mắt trong cõi vô cùng. Không nên quên sự thật này.
Nếu ta có thể buông xả hết các điều này. Tức là, nếu cần thì dùng, nhưng đừng bám vào chúng, và khi nào xả được thì xả ngay, thì ta sẽ rất nhẹ nhàng để đi qua cuộc đời một cách thoải mái, khỏe khoắn, và đầy hiệu năng. Bằng không thì ta sẽ chỉ có thể bò lết ì ạch dưới gánh nặng từng giây đồng hồ.
Nếu bạn hay căng thẳng, buồn giận, bực bội… thử xét lại xem bạn đang mang bao nhiều quả tạ đủ loại trên mình.