NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Tình yêu hay sân hận?



Bố mẹ yêu con, thỉnh thoảng cho con ăn đòn. Bố mẹ không yêu con, bạo hành đối với con cái, thỉnh thoảng cho con ăn đòn. Nói chung là mọi bố mẹ tốt xấu đều cho con cái ăn đòn. Thế thì làm sao ta phân biệt được bố mẹ nào đánh đòn vì tình yêu, bố mẹ nào đánh con là bạo hành đối với con cái?
Hai từ “đánh đòn” chung chung chẳng nói lên được điều gì cả, phải không các bạn? Nhưng có lẽ là chúng ta đều có thể phân biệt tình yêu với bạo hành, chỉ qua quan sát hành vi của bố mẹ khi đánh đòn:
Khuôn mặt của người vì tình yêu luôn hiền dịu, khuôn mặt người bạo hành có sát khí, mắt đổ lửa như sắp giết người.
• Lời nói người vì tình yêu luôn hiền dịu, người bạo hành chửi rủa dữ dằn thô tục.
• Người vì tình yêu đánh con mà mặt có vẻ như mình đau, người bạo hành vẻ mặt thỏa mãn khi đánh.
• Người vì tình yêu đánh nhẹ, người bạo hành đánh như đánh cho chết.
• Người vì tình yêu thỉnh thoảng lâu lâu mới đánh đòn, khi có việc rất hệ trọng cần nhắc nhở; người bạn hành có lẽ trung bình mỗi ngày đánh một lần.
Nếu chúng ta quan sát hành động của hai người kỹ càng một chút, các chi tiết trong hành động của họ cho ta biết rất rõ, không thể sai lạc, ai là thiên thần ai là ác quỷ.
Và điều này đúng trong mọi hoạt động khác của con người: Thầy cô giáo dục học sinh, công an dùng vũ lực với dân, tổ chức nhà nước cưỡng chế đất đai cho các dự án phát triển, người phê phán nhà nước để xây dựng và kẻ phê phán để đánh cho nhà nước sập, dùng quân sự để phòng vệ đất nước hay hành động như cao bồi ngứa tay súng đối với nước khác…
Các bạn, chúng ta hay nói là lòng ta ta biết, người khác không biết được. Đó là nói chung chung cho những người không muốn quan sát hay không biết quan sát. Đối với người biết quan sát, trừ các vấn đề rất tế nhị với các khác biệt rất vi tế, hầu như ta luôn luôn có thể đọc được tâm ý của một người qua các hành động của họ bên ngoài.
Chúng ta cần quan sát tâm ta để suy tư của ta luôn đặt căn bản trên tình yêu và thiện tâm. Và đặc biệt là quan sát chính hành động của ta bên ngoài để biết chắc là hành động đó đặt căn bản trên tình yêu và thiện tâm.
Và quan sát hành động, lời ăn tiếng nói cử chỉ của người khác, để nhận ra là họ làm việc vì tình yêu và thiện tâm, hay vì ác tính và hủy diệt.
Thông thường thì, người có tình yêu trong lòng luôn nói năng và hành động với ngôn ngữ của tình yêu, hiền dịu, thông cảm, ngay cả đối với kẻ địch của mình. Người có ác tính thường dùng ngôn ngữ nhằm kích thích thù hận, ghét bỏ, và khuyến khích cãi nhau, kình nhau, đánh nhau…
Đừng lẫn lộn.
Mục tiêu tối hậu mà người ta nói ra như là yêu con cái, yêu tổ quốc, yêu đồng bào, yêu Chúa, bảo vệ đạo Chúa, bảo vệ chánh pháp, yêu kính Phật… chẳng nghĩa l‎ý gì hết. Người “yêu” thật sự luôn có ngôn ngữ và hành động của “tình yêu”.
Ví dụ: “Yêu dân và lấy đất lập dự án cho dân nhờ.” Nếu yêu dân thật như thế thì người nhà nước sẽ có rất nhiều biện pháp nói chuyện với dân, giải thích, khuyến khích, điều đình, giá đền bù đúng giá thị trường (không phải giá “luật định” chỉ bằng 1/10 giá thị trường. “Luật” mà phi l‎ý thì người nhà nước sẽ biết cách sửa luật, nhà nước lãnh lương để làm luật và sửa luật), lo tổ chức công ăn việc làm mới cho dân… Nói chung là tất cả mọi việc mà một viên chức nhà nước yêu dân sẽ làm, cho đến mức là nếu có một vài người dân không đồng ý, đại đa số dân chúng trong vùng sẽ đồng ‎ý là đó là những phần tử rất cực đoan và vô lý. Và ngay cả khi đó, quan chức vẫn có những biện pháp pháp lý đứng đắn như là xin tòa án cho phép di dời, khuyến khích dân tự di dời, cuối cùng mới nhờ công an làm việc tử tế trước mắt báo chí…
Đất nước chúng ta có rất nhiều bạo hành. Internet thì toàn là tin tức với ngôn ngữ bạo hành, nhằm gây thù hận và chia rẽ, được chúng ta chuyền tay thoải mái. Bạo hành gia đình, bằng vũ lực và bằng ngôn ngữ bạo hành, là chuyện tự nhiên. Tại một số địa phương, thỉnh thoảng có tin người chết trong tay công an. Dân quê thường xuyên phải biểu tình đòi công lý về việc cưỡng chế đất đai…
My God! Nếu chúng ta không bảo nhau có tác phong đứng đắn, đặt trên tình yêu và hiểu biết mà xử với nhau, thì ta cứ sống theo kiểu vàng thau lẫn lộn, thánh quỷ như nhau mãi. Làm sao mà tiến hóa thành đại cường được?

Hài hước.



 
Trong số các hình thức của sự can đảm, khả năng hài hước là khả năng cơ bản nhất...

Với tất cả sự quan tâm đúng mực tới những khái niệm hai chiều, người ta rất khó để chấp nhận đồng thời những cảm xúc như vậy. Ví dụ, một trong những phương cách thông thường chống lại thái độ lo âu là hoàn toàn thả lỏng cơ bắp. Nếu ai đó dạy cho những người đang sầu não cách thư giãn xương cốt, thì họ đã có một thứ công cụ để có thể sử dụng khi chính họ lâm vào những tình thế như vậy với dấu hiệu toát mồ hôi, tim đập nhanh, thở gấp và có cảm giác nghẹt thở và tìm ra các cách thông thường để tấn công sự hoảng sợ.
Điều này bộc lộ khi ta hỏi những người đang ở tận cùng của nỗi tuyệt vọng về lần cuối cùng họ có tiếng cười sảng khoái. Thậm chí còn hữu ích hơn khi yêu cầu các thành viên trong gia đình cố nhớ lại lần cuối cùng họ nhìn thấy người bệnh vui vẻ. Tôi đã quen nghe những câu trả lời rằng điều đó đã xảy ra nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm trước đây rồi.
Nhưng thế thì sao? Tiếng cười quan trọng ra sao đối với cuộc sống của ta? Vài người coi óc hài hước như là một trò tiêu khiển thứ yếu để ta có thể quên đi những vấn đề nghiêm trọng của cuộc sống hơn là một thành tố quan trọng, một kim chỉ nam của cuộc sống hạnh phúc. Nếu bạn hỏi ai đó thậm chí ngay cả lúc họ tuyệt vọng rằng họ có khiếu hài hước hay không, thì câu trả lời gần như đồng nhất là «Có» (Người ta thường coi mình như những tài xế tốt, mặc dù có đầy chứng cớ cho điều ngược lại). Nếu người nào đó có vẻ như rất khổ đau nhưng cứ tuyên bố là mình có sở hữu óc hài hước thì đôi lúc tôi sẽ bảo họ kể cho nghe một câu chuyện tếu táo. Tôi biết rằng như vậy, đối với nhiều người, đây một đòi hỏi quá đáng, bởi vì khả năng tập trung và ghi nhớ nhiều thứ mà làm ta vui vẻ rất dễ thay đổi. Nhiều người tỏ ra lúng túng. Vì thế tôi kể cho họ một chuyện hài như là «câu chuyện buồn cười nhất thế giới» hiện nay được một trang Web của Anh thiết lập và bình chọn:
«Hai người chăn bò cái ở vùng NewJersey đang đi ngang qua một khu rừng. Bỗng nhiên một người ngã gục xuống và nghẹt thở. Người kia rút điện thoại và gọi 991: «Bạn tôi chết mất». Anh ta nói với người trực tổng đài. Cô này đáp, «Bình tĩnh, tôi có thể giúp anh. Trước hết, anh phải chắc chắn rằng anh ta đã chết chưa?». Có một sự yên lặng và rồi cô ta nghe thấy tiếng súng nổ. Người đàn ông quay lại ống nghe, «Chết rồi! Bây giờ thì sao nữa?».
Người ta phản ứng rất khác nhau. Nhiều người không quen với việc tìm kiếm niềm vui vẻ đến nỗi mà họ mất hẳn khả năng ngạc nhiên trước bản chất của óc hài hước. Những người khác, tất nhiên, đơn giản không sẵn sàng cho ý tưởng rằng bác sĩ tâm lý sẽ làm họ vui. Thỉnh thoảng tôi có đưa cho những người mà rốt cuộc vẫn tỏ ra không biết đùa một bài tập về nhà là kiếm cho tôi một câu chuyện hài trước khi chúng tôi gặp nhau vào hôm sau.
Tất cả điều này dường như hết sức bình thường khi đối mặt với việc những vấn đề nan giải về nỗi tuyệt vọng và sự lo âu thường dẫn người ta tới các liệu pháp tâm lý. Nhưng cái mang lại sức mạnh cho óc hài hước trong cuộc sống của ta chính là khả năng vui cười, một trong hai đặc điểm giúp phân biệt chúng ta với loài vật. Ngoài ra, như chúng ta biết, đó còn là khả năng dự tính về cái chết của bản thân. Có mối liên hệ giữa hai thuộc tính duy nhất tồn tại ở con người tạo nên cái nghịch lý đau lòng: Hoàn toàn có thể hạnh phúc khi đứng trước cái chết của chính mình. Cái khiến ta làm như vậy ắt không phải là «sự khước từ sức khoẻ». Tất cả óc hài hước, trong cách nào đó, đều hướng vào hoàn cảnh của con người. Cười chính mình là để thừa nhận những nỗ lực vô ích cuối cùng trong việc ngăn chặn sự phá phách của thời gian. Như người săn bò cái vùng New Jersey, chúng ta đang ở trong thế bị quyền lực o ép mà không thể kiểm soát nổi, bao gồm cả sự ngu ngốc của bản thân; tuy nhiên, chúng ta vẫn không thể từ bỏ.
Để có thể kinh qua trọn vẹn niềm đau khổ và sự ngu xuẩn mà cuộc đời thường xuyên ban tặng và nhất định kiếm tìm lý do để tiếp tục sống là một hành động can đảm, nó có được là nhờ khả năng biết yêu và biết cười của chúng ta. Trên hết, việc chấp nhận sự không chắc chắn mà ta vẫn cảm thấy ở phía trên hàng loạt câu hỏi về sự tồn tại, đòi hỏi chúng ta phải trau dồi năng lực đề tận hưởng những khoảnh khắc thoải mái. Theo ý nghĩa này, tất cả sự hài hước đều là «điềm gở», là tiếng cười thẳng vào cái chết.
Ngoài ra còn có một chứng cớ hiển nhiên rằng hài hước chữa khỏi bệnh tật. Norman Cousins đã dành một cuốn sách viết về kinh nghiệm tự cứu mình khỏi căn bệnh suy nhược không thể chẩn đoán bằng cách ăn ít hơn cả trong phim «Anh em ông Marx». Ta phải hiểu rằng những thay đổi hoá học ở bên trong cơ thề là do tiếng cười có một ảnh hưởng tích cực. Nó là loại phụ gia của những lợi ích tốt đẹp bắt nguồn từ niềm lạc quan, điều hoà thái độ. Mối quan hệ giữa thể xác và tâm hồn luôn được đặt ở trung tâm của mọi lý thuyết về việc chúng ta có thể tác động tới sự hồi phục sức khoẻ trong cách ta nghĩ và cảm thấy về những cái làm ta đau khổ như thế nào. Khá lâu trước y học hiện đại xuất hiện, mọi phương cách hàn gắn niềm tin đều động viên con người đấu tranh với bệnh tật. Việc tiếp cận này không còn có thể nghi ngờ gì nữa. Người ta vẫn còn tới Lourdes và hàng dãy những chiếc nạng và xe lăn ở phía ngoài hang để chứng nhận cho sức mạnh của niềm tin.
Cái bạn không nhìn thấy ở đó, đương nhiên, là chân tay giả. Đó là giới hạn đối với «các phép màu» bị chuyển hoá. Những gì dường như đang xảy ra ở dạng nào đó của sự khôi phục nhanh chóng đều dựa chủ yếu vào niềm tin rằng Chúa sẽ phù hộ cho những ai còn khổ sở sẽ có hạnh phúc. Kết quả nhiều khi cũng khá là thần diệu.
Hài hước cũng còn là một dạng của niềm chia sẻ một bài tập giữa các cá nhân với nhau. Chia sẻ tiếng cười là một cách để khẳng định rằng tất cả chúng ta đang cùng nhau trên chiếc thuyền cứu hộ. Biển cả bao vây ta; giải thoát là không thể; quyền lực là ảo ảnh. Ta vẫn lênh đênh - cùng nhau.
Gần đây tôi có gặp một bệnh nhân cùng với vợ anh ta. «Anh ấy chẳng bao giờ cười cả». Người vợ phàn nàn. Anh chồng cũng đồng ý: «Óc hài hước của tôi đã biến đi đâu rồi ấy». Họ vừa đi một chuyến du lịch và cô vợ bị mất ví và thẻ tín dụng. «Điều tương tự cũng xảy đến với vợ tôi». Tôi bảo họ: «Cô ấy bị mất cắp thẻ tín dụng. Nhưng cho tới nay tôi vẫn chưa trình báo việc này bởi vì tên ăn cắp tiêu xài còn ít hơn cô ta». Người đàn ông cười phá lên. Vợ tôi, khi nghe tôi kể chuyện này, cô ấy chẳng thèm cười.
Những người bi quan, giống như những kẻ mắc chứng bệnh tưởng, quả có đúng sự thật về lâu về dài là không ai ra khỏi thế giới này mà còn sống sót cả. Nhưng sự bi quan, giống như bất kỳ một thái độ nào khác, chứa đựng trong nó một loạt những lời tiên tri tự hoàn thiện. Nếu chúng ta tiếp cận người khác với một thái độ nghi ngờ và thù địch, họ chắc chắn sẽ đáp lại chúng ta tương tự như vậy do đó càng khẳng định sự mong đợi được hạ thấp đi của chúng ta. May mắn thay, điều ngược lại cũng đúng. Như tất cả các luật khác, nó cũng có ngoại lệ và những cái chúng ta biết không phải lúc nào cũng là tấm gương về thái độ của chúng ta. Nếu sự lạc quan theo thói quen không thể bảo vệ chúng ta để chống lại những lúc thất vọng thì sự bi quan là anh em gần gũi của sự tuyệt vọng.
Chúng ta luôn mỉm cười khi chúng ta gặp một người lần đầu tiên. Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta muốn chứng tỏ một điều gì đó còn hơn cả sự thân thiện. Mỉm cười là dấu hiệu của óc hài hước và bạn hãy nhớ một câu nói rất đúng về bản chất của con người như sau: «Mọi thứ có thể rất ảm đạm nhưng bạn không cần phải quá nghiêm túc».

Làm thế nào hất được bạn gái xuống giường?



Đưa được bạn gái lên giường là kỳ tích của một cậu trai mới lớn, là thành công của một chàng trai đôi mươi, nhưng sẽ làm đàn ông ba mươi cười khẩy.

Bởi đưa được bạn gái lên giường kể cũng khó, nhưng sau đó, tống cổ được bạn gái ra khỏi giường mình còn khó hơn! Mà đa số đàn ông, bạn biết rồi đấy, … (tôi không nói nốt sợ bị họ ném đá!)
Thường có các tình huống đại loại thế này:

Chàng vừa gặp nàng đã phải lòng. Rồi lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Rồi gái phải hơi giai như thài lài phải cứt chó (!), rồi chữ trinh đáng giá ngàn vàng, rồi đến thề thốt yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua. Xong, sẽ đến giai đoạn yêu nhau trong sáng – phang nhau trong tối. Rồi đến giai đoạn lợn kêu con khóc chồng đòi tòm tem. Rồi, đến giai đoạn ông ăn chả bà ăn nem, gian phu dâm phụ hay cái gì đại loại mà vốn từ của tôi đã gạn hết kho cũng không thể mô tả nổi! => Đó là phương pháp hất bạn gái xuống giường một cách phổ thông nhất, tức là để bạn ấy tự trèo xuống, sau chục năm hôn nhân mỏi mệt. Hình như đa số chúng ta đều thế này!
"Gối chăn" lạnh lùng (Ảnh: google)

Chàng yêu nàng tha thiết, bỗng nhiên hai gia đình thù ghét đâm chém nhau hay vứt rác sang cổng nhà nhau, đứng ở ngõ chửi đổng v.v… đại khái thế khiến tình nhân chia lìa. Hai gia đình trở mặt, đôi trẻ bị tách ra, chàng được gửi vào Sài Gòn bán đinh sắt và tay nắm cửa, nàng bị tống lên thành phố đi bưng phở. Oái oăm thay nàng có mang. Bèn cắn răng không cho gia đình biết, lặng lẽ sinh con một mình, nuôi cho nó lớn. Một ngày kia chàng ở tuổi trung niên ra Hà Nội rình xem rùa Hồ Gươm, bỗng gặp lại nàng năm xưa giờ thành bà chủ quán xôi xéo. Hai người ngỡ ngàng nhìn nhau, và chàng ôm ngực cao huyết áp tăng xông vì biết mình bỗng dưng làm cha. Nàng nắm tay chàng, hai người nước mắt rưng rưng trong tuổi đã về bên kia dốc đời. => Nghe rẻ tiền như kịch bản phim truyền hình trên VTV3 bây giờ. Khốn nỗi, những chuyện thế này đầy rẫy. Chẳng cần đưa nàng xuống giường vì đã bao giờ phải nhọc lòng đưa nàng lên giường đâu. Tình một đêm đâu phải là Tình, chỉ là Một Đêm mà thôi. Vào cái thời táo tợn của tuổi trẻ và điên rồ của “tình cho không”, thì xó xỉnh nào chẳng có thể… Nhưng, bi kịch chỉ ở chỗ, nhiều người đàn bà cứ nghĩ tình một đêm hoàn toàn không phải là Một Đêm, mà là Tình!

Chàng yêu nàng tha thiết nóng bỏng, nàng yêu lại cũng long trời lở đất. Móc chìa khóa của chàng phải là hình nàng cười như hot-girl. Nàng phải đeo dây chuyền có lồng tên cả hai người. Đến nỗi, áo cũng phải mặc áo đôi của tình nhân, đi giầy cùng màu, hòm thư điện tử dùng chung, tên nhau trong máy di động phải là vợ yêu, chồng yêu. Đùng một cái, một ngày chàng biến mất trong không khí. Chàng dằn vặt bao năm, lòng đau như cắt, nghĩ rằng mình đã như thể mất luôn nửa con tim, nửa đời người. Chàng nghĩ mình nên cao thượng ra đi để nàng có cơ hội gặp được người yêu nàng hơn, gặp người con trai xứng đáng hơn, tuyệt vời hơn. Chàng sẵn sàng hy sinh để cho nàng được hạnh phúc! => Chàng nghĩ thế trong lúc xóa tên nàng trong máy di động và vứt cái áo tình nhân cho cún nhá! Còn nàng gọi lại tên chính xác cho người yêu cũ là thằng Sở Khanh! Trách đời mình bạc, “thằng” nào cũng chỉ mặn nồng lúc đầu, đến khi lên giường vài lần là đánh bài chuồn! Lần này, là đàn ông xuống giường, đàn bà ở lại, có muốn xuống hay không, đàn ông cũng chẳng thèm bận tâm nữa. Thật là bẽ bàng.

Nếu yêu một người đàn ông, hãy lôi anh ấy lên giường, thiên đường của bạn!

Nhưng trước lúc đó, hãy nghĩ xem, bạn sẽ xuống khỏi cái giường bằng cách gì, trong tư thế nào!
Trang Hạ 

Áp Đảo Đối Phương Trước Là Sách Lược Hay..


Có một nhà hiền triết từng nói: “ý nghĩ là người mở đường cho hành động“, người phát ngôn trước sẽ truyền cho đối phương những nhận thức của mình nên đối phương sẽ đi theo phương hướng mà người đó vừa chỉ ra. Điều này là hợp với quy luật tâm lý, kết quả thực nghiệm tâm lý học có liên quan cũng cho thấy, trong những kích thích xã hội (tin tức) như nhau kế tiếp tác dụng đối với mọi người, kích thích xã hội nào xuất hiện trước sẽ gây được ấn tượng mạnh nhất đối với mọi người, đây cũng là điều mà tâm lý học gọi là hiệu ứng nhân tố đầu tiên. 
Trong giao tiếp, người cạnh tranh của bạn sẽ tìm cơ hội hạ thấp, bêu giễu bạn trước mặt lãnh đạo, nếu bạn cảm nhận được sự nguy hiểm này, thì nên áp đảo đối phương trước, hãy tuyên truyền một ý nghĩ vào đầu lãnh đạo trước, nói một người nào đó hận ghét bạn như thế nào, có thể sẽ chia rẽ quan hệ giữa lãnh đạo và bạn. Trước khi chuyện đó xảy ra, nếu bạn trấn áp đối phương trước, gặp gỡ trước với lãnh đạo, tạo được sự coi trọng của lãnh đạo, khi sau này thực sự có kẻ muốn bôi nhọ bạn, thì trong lòng lãnh đạo đã vững tin rồi, sẽ không làm khó bạn, thế là bạn có thể bình an vô sự rồi . 

Tuyệt chiêu thắng lợi của Trần Chẩn 
Trần Chẩn là thuyết khách nổi tiếng thiên hạ, trứ danh tung hoành khắp nơi thời Chiến Quốc. Con người này về mưu lược ngoại giao và chính trị đều có những kiến giải rất độc đáo, nhưng lại không trung thành với một nước nào. 
Trong suốt cuộc đời chính trị của mình, Trần Chẩn không được hài lòng lắm. 
Ban đầu, Trần Chẩn và Trương Nghi đều ở trong cung Tần Huệ Văn Vương và đều được trọng dụng. Cả hai là những cao thủ về mưu lược ngoại giao và rất có tài ăn nói. Điều này cũng phản ánh câu tục ngữ “Hai hổ không thể nhốt chung một chuồng“, Trương Nghi du thuyết Tần vương với thuật liên hoành, đã được vua Tần sủng tín, đồng thời còn được phong chức thừa tướng, quyền lực khuynh đảo thiên hạ một thời. Trương Nghi lợi dụng sự tín nhiệm của Tần vương đã dụng kế phản gián, hãm hại rất nhiều quần thần cũ của nước Tần, để củng cố địa vị thêm cao của mình. Trần Chẩn biết Trương Nghi từ lâu đã muốn hãm hại mình nên không đợi Trương Nghi ra tay, Trần Chẩn đã trấn áp đối phương trước, nhờ Điền Cách tâu với Tần vương: “Nước Sở có thể sẽ gây nguy hại cho nước Tần chúng ta, nước Sở biết Hoành Môn Quân giỏi dùng binh; Trần Chẩn tinh thông mưu lược, tất để cho Trương Nghi tới hãm hại hai người, xin đại vương đừng tin lời Trương Nghi“. 
Không ngờ, sau đó quả nhiên Trương Nghi đến nói xấu Trần Chẩn, nhưng ông ta vừa mở miệng thì Tần vương nổi cơn thịnh nộ không thèm nghe. 
Ở đây, Trần Chẩn đã biết việc sớm muộn Trương Nghi sẽ hãm hại mình, thế là liền chủ động xuất kích, áp đảo đối phương trước, nhờ Điền Cách ra tay, truyền cho Tần Vương ý nghĩ của mình, đó là diệu pháp giành được thắng lợi của Trần Chẩn. Nếu đích thân Trần Chẩn tuyên truyền cho Tần vương ý nghĩ này thì chắc chắn sẽ không đạt hiệu quả bằng nhờ người khác làm hộ. Mọi người thường cho rằng, khi mình nói cho mình thì sẽ bị thiên kiến, không khách quan, chẳng phải là mọi người thường nói “Bà Hoàng bán dưa, vừa bán vừa khoe“ đó sao. Còn lời nói của người bên cạnh mình, gần như thay mặt cho một kiểu dư luận xã hội, bất luận điều đó có chính xác hay không, ấn tượng đối với người khác là, người nói ấy không phải nói cho bản thân họ nên quan điểm đó sẽ tương đối khách quan. Trần Chẩn đã khéo léo vận dụng kiểu tâm lý này của mọi người, vì vậy đã đạt hiệu quả cao. 
Trương Nghi gặp khó khăn như vậy nhưng vẫn không từ bỏ ý đồ của mình, tiếp tục tâu điều giả dối với Tần vương: “Trần Chẩn làm đại thần nước Tần, nhưng lại thường tiết lộ chuyện cơ mật quốc gia với nước Sở, thần không muốn cùng làm chuyện đó, mong đại vương hãy cho bắt ông ta, xử tội chết.“ Có đại thần theo địch phản quốc thật là việc tày trời, vì vậy, Tần Vương cho gọi riêng Trần Chẩn lại hỏi. “Nghe nói, ngươi sắp đến nước Sở, có chuyện đó không?“ Trần Chẩn trả lời đúng sự thực: “Thưa, đúng“, sau đó liền kể cho Tần vương câu chuyện: 
Một người nước Sở có hai vợ, có kẻ tán tỉnh người vợ cả, bị người vợ đó chửi mắng thậm tệ, hắn liền xúi giục, dụ dỗ người vợ bé kia, được cô ta hứa hẹn. Sau này, người Sở kia chết, người ngoài hỏi kẻ dụ dỗ đó: “Anh muốn lấy cô vợ cả hay cô vợ bé đó ?“ Kẻ dụ dỗ trả lời: “Tôi muốn lấy cô vợ cả làm vợ.“ Người ngoài không hiểu hỏi anh ta: “Người vợ cả đó mắng anh, còn người vợ bé kia lại lấy thân mà hẹn thề cùng anh, tại sao anh lại muốn lấy người vợ cả kia?“ Kẻ dụ dỗ trả lời: “Vì tôi muốn vợ của tôi là một người trung trinh, cô ấy có thể vì tôi mà chửi mắng thậm tệ kẻ muốn tán tỉnh cô ấy.“ 
Kể xong câu chuyện, Trần Chẩn nói: “Sở vương và Sở tướng đều rất hiền minh, bây giờ làm thần của nước Tần mà thần lại bất trung với đất nước, đi - bán chuyện cơ mật quốc gia với nước Sở, vậy thì liệu nước Sở có tin tưởng được ở nhân phẩm của thần không?“ 
Trần Chẩn lại nói tiếp: “Thần sắp đến nước Sở, chuyện này ngay kẻ đi đường cũng biết. Bệ hạ biết không, bởi vì con người Hiếu Kỉ rất hiếu kính với cha mẹ mình, vì vậy cha mẹ trong thiên hạ đều mong muốn có được người con như ông ta; Tử Cốt trung thành với vua của mình nên minh chủ trong thiên hạ đều muốn có được đại thần như ông ta; người con gái tốt thì ai cũng muốn lấy, thần bất trung với nước Tần thì nước Sở sao có thể đón làm trung thần? Trung thành với nước mình thì bị từ chối, thần không đến nước Sở thì còn cách nào khác nữa đây?“ 
Trần Chẩn đã thông qua câu chuyện trên để “nói với Tần vương một đạo lý: “Kẻ không trung trinh sẽ không thực sự được người khác hoan nghênh, mà chỉ có người trung thành kiên định mới được tôn trọng, để ngầm cho Tần vương biết chuyện này không thể xảy ra với con người tài năng trí tuệ, đầu óc tỉnh táo như ông. Còn những lời nói sau bỗng có ý khác, từ việc mình được hoan nghênh tới nước Sở để nói bản thân là trung thần của nước Tần. Trần Chẩn nhờ có ảnh hưởng của chiến thắng lần trước lại thêm tài ăn nói xuất sắc của mình mới tiếp tục giành được sự tín nhiệm của Tần vương, làm cho Trương Nghi bị trúng thương, âm mưu hãm hại Trần Chẩn bị phá vỡ, thậm chí Tần Huệ Văn vương phải cảm khái nói với Trương Nghi: “Trần Chẩn là người hùng biện biệt tài trong thiên hạ.“ 
Vận dụng sách lược áp đảo đối phương trước chủ yếu tức là trước tiên thông qua lời nói để được lãnh đạo coi trọng, nếu như có người gièm pha bạn, lãnh đạo có thể sẽ lấy những lời nói trước của bạn làm cơ sở xem xét sự việc, đem ra đối chiếu với nhau, vì “hiệu ứng nhân tố trước tiên“ của tâm lý con người luôn rất quan trọng và giành chiến thắng. Như thế, bạn có thể bình an vô sự rồi. Tuy nhiên, dùng sách lược áp đảo đối phương trước cần phải tận dụng mọi khả năng để thu thập các tin tức tình hình của đối thủ, chỉ có “Biết người biết ta“ thì mới có thể “Trăm trận trăm thắng“. 


Bí mật giữ mình của Cam Mậu
 
Cam Mậu là người Hạ Tễ thời Chiến Quốc, người này rất thạo nói giỏi biện, nhiều mưu lược, được Trương Nghi tiến cử với Tần Huệ vương. Sau khi Huệ vương qua đời, Vũ vương kế vị, Cam Mậu vì có công bình định nước Sở phản bội, được lên chức làm Tả thừa tướng. 
Cam Mậu sau khi đảm nhiệm chức Tả thừa tướng, có bất hoà với hai đại thần Sơ Lý Tật và Công Tôn Diễn nước Tần. Ông lo sợ Lý Tật, Công Tôn Diễn nói xấu mình trước mặt vua Tần, bất lợi cho mình, liền trấn áp đối phương trước, tìm một cơ hội nói với Tần vương về nỗi lo lắng của mình. Cam Mậu tâu với Tần vương: 
“Thần kể câu chuyện Tăng Tham giết người cho đại vương nghe nhé. Tăng Tham là đệ tử của Khổng Tử, nổi danh thiên hạ vì hiếu kính song thân. Tại quê nhà của ông ta, có một người cùng tên cùng họ với ông. Người đó không biết tại sao đã giết người. Có người nghe được tin này, đã lầm đệ tử Tăng Tham của Khổng Tử giết người. Mọi người sau một hồi áy náy cũng đem tin “Tăng Tham giết người“ nói với mẹ của ông. Tại nhà của Tăng Tham, có người tìm thấy mẹ Tăng Tham đang bận khâu vá, nói với bà: “Tăng Tham giết người rồi“. “Đứa con này không thể giết người.“ Chẳng ai hiểu con bằng mẹ, mẹ của Tăng Tham vẫn cứ thản nhiên khâu vá như lúc đầu. Một lúc sau, lại có người khác đến, nói với mẹ của Tăng Tham “Tăng Tham giết người rồi“. Mẹ Tăng Tham vẫn không tin con trai mình có thể giết người, không hề động lòng, cứ im lặng khâu vá tiếp. Không ngờ, một lúc sau đó, lại có người đến, trịnh trọng nói với bà: “Tăng Tham giết người rồi“. Lần này mẹ của Tăng Tham không thể không tin rồi! Tục ngữ nói: lời bất quá tam. Mẹ Tăng Tham nghe xong lời của người thứ ba, vội bỏ ngay công việc, chạy đi tìm hiểu sự tình.“ 
Sau khi kể xong câu chuyện, Cam Mậu tiếp tục bình luận: “Thực ra, với nhân cách của Tăng Tham, thêm sự tin tưởng giữa hai mẹ con Tăng Tham, đáng lẽ rất khó tin những lời nói đó. Song, từ xưa đến nay, lời rêu rao đều đáng sợ, lời rêu rao năm lần bảy lượt truyền đến, ngay đến mẹ Tăng Tham hiểu Tăng Tham đến vậy còn tin vào nó, huống chi người bình thường. Thần là kẻ tầm thường, nhân cách của thần đương nhiên không thể cao thượng như Tăng Tham, mức tin tưởng của đại vương với thần không thể nhiều như của mẹ Tăng Tham đối với ông ấy. Cho nên, hiện giờ thần không lo lắng gì khác ngoài một điều, có một ngày nếu như có người tố cáo thần với đại vương, đại vương chắc hẳn sẽ tin lời người đó. Như vậy, lẽ nào thần không......?“ 
Cam Mậu nói một mạch nhiều như thế, Vũ vương cứ im lặng chăm chú nghe. Đợi Cam Mậu vừa ngừng, Vũ vương bèn sốt sắng nói ngay: “Ta có thể thề với trời, ta hoàn toàn tin tưởng ngươi, ta tuyệt đối sẽ không nghe theo lời của hai đại thần bên cạnh ta, huống hồ bọn họ có tư giao rất sâu đậm với nước khác.“
Vũ vương sợ Cam Mậu không tin, bèn trịnh trọng cùng thề với Cam Mậu. 
Sau này, Sơ Lý Tật, Công Tôn Diễn dù nói xấu Cam Mậu trước mặt Vũ vương như thế nào, Vũ vương đều không nghe. Có thể thấy uy lực của việc Cam Mậu áp đảo đối phương trước, truyền bá trước cho Vũ vương suy nghĩ của mình rất có hiệu quả. 
Cam Mậu còn rất biết lợi dụng một số tin tức tình báo để áp dụng sách lược áp đảo đối phương trước. 
Cam Mậu nhiệm chức Tả thừa tướng cho Tần Vũ Vương, nhưng Tần Vũ Vương cũng vô cùng sủng ái Công Tôn Diễn. Có một lần, Vũ vương vui mừng nói với Công Tôn Diễn: “Không lâu nữa, ta muốn lập ngươi làm tướng quốc.“ 
Đúng lúc đó, câu này không sót một từ lọt vào tai Cam Mậu. Ông ta nhận thấy địa vị của mình có thể bị uy hiếp. Để giữ được chức thừa tướng quí báu, ông nghĩ phải có hành động áp đảo đối phương trước. Nếu không, sẽ đúng như lời Vũ vương nói, không lâu sau Tể tướng của nước Tần không phải là ông - Cam Mậu, mà là Công Tôn Diễn. 
Cam Mậu cuối cùng đã nghĩ ra một kế sách, trong một cơ hội ông cho là thích hợp, ông đi bái kiến Vũ vương trước. Cam Mậu áp dụng kế áp đảo đối phương trước, sau khi hàn huyên đôi chút, liền chúc mừng Vũ vương: “Nghe nói đại vương có một hiền tướng, thật là một hỉ sự vô cùng!“ 
Tần Vũ vương bất giác giật mình, hỏi Cam Mậu: “Đại sự quốc gia đều nhờ ngươi cả. Việc có được hiền tướng, ngươi muốn chỉ ai?“ 
Cam Mậu không chờ Vũ vương nói hết, tiếp lời luôn: “Đại vương chẳng phải đã định sau một thời gian nữa sẽ lập Công Tôn Diễn làm tướng quốc đó sao?“ 
Vũ Vương giật mình, vội nói: “Ngươi nghe ai nói vậy?“ 
Cam Mậu trả lời: “Là Công Tôn Diễn buột miệng nói với thần, nếu không thần không tin đâu! Ông ta nói đại vương sau một thời gian nữa sẽ lập ông ta làm tướng quốc, cho nên thần đến để chúc mừng đại vương?“ 
Chỉ là những câu đối thoại đơn giản này đã làm mất hết sự tín nhiệm của Vũ vương đối với Công Tôn Diễn. Tần Vũ vương nghĩ trong lòng, hoá ra Công Tôn Diễn là kẻ không biết giữ bí mật, thì sao mình lại còn trọng dụng hắn chứ ? Ít lâu sau, Vũ vương bèn tìm cớ, trục xuất Công Tôn Diễn ra khỏi nước. Cam Mậu áp đảo đối phương trước như vậy, chỉ bằng những câu nói dối lung tung, chẳng tốn hơi sức gì đã đánh bại được đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của mình, từ đó yên tâm với chức tể tướng. 
Bàng Thông khéo can gián Nguỵ vương 
Thời Chiến Quốc, Bàng Thông ở nước Nguỵ phải dẫn thái tử Nguỵ đến nước Triệu Hàn Đan làm con tin. Bàng Thông nghĩ, lần này thái tử ra đi, không biết ngày nào trở lại trong lòng vô cùng buồn bã. Để dự phòng sau khi ông đi, Ngụy vương sẽ nghe theo những lời dối trá vu khống mình, ông nhận thấy phải nên cảnh tỉnh Nguỵ vương trước. Thế là trước khi đi xa, Bàng Thông nói với Nguỵ vương: “Nếu bây giờ có người đến báo trên đường có hổ, đại vương có tin không?“ 
Nguỵ vương trả lời: “Không tin.“ 
Bàng Thông hỏi tiếp: “Nếu bây giờ có hai người đến báo trên đường có con hổ lớn xuất hiện, đại vương có tin không?“ 
Nguỵ vương nói: “Thế thì ta có chút hoài nghi.“ 
Bàng Thông lại hỏi: “Giả dụ có ba người đến báo với đại vương trên đường có hổ lớn, đại vương có tin không ?“ 
Nguỵ vương nói: “Nếu ba người đều nói như vậy, thì ta không thể không tin rồi.“ 
Bàng Thông nói: “Trên đường sẽ không có hổ, đây là việc hiển nhiên, nhưng một rồi hai, hai lại ba người nói trên đường có hổ, thực sự đúng là có hổ rồi. Hiện nay, Hàn Đan cách Đại Lương còn xa hơn nhiều so với ở ngoài đường mà người trách mắng thần trước mặt đại vương chắc chắn không chỉ có ba người, mong đại vương phải minh xét mới được.“ 
Nguỵ vương gật đầu nói: “Tự ta sẽ xem xét cẩn thận.“ 
Bàng Thông thông minh ở chỗ đã liệu được trước sau này có kẻ thù địch của mình sẽ nói xấu ông trước mặt Nguỵ vương, mà ông lại không thể ở bên Nguỵ vương, ngay đến cơ hội giải thích cũng không có, chi bằng áp đảo đối phương trước, nói lời cảnh tỉnh trước, để Nguỵ Vương chú ý. Cơ hội cũng phải chọn được lúc thích hợp, chọn ngay trước đêm đưa thái tử đến Hàn Đan làm con tin, càng khiến cho Nguỵ vương có ấn tượng với những điều ông nói, nếu như sau này có kẻ nói xấu Bàng Thông, Nguỵ vương tất sẽ nhớ đến lời Bàng Thông nói trước khi ra đi, lấy đó làm cơ sở để đối chiếu, hơn nữa, vào lúc không nỡ rời xa này, lời nói càng dễ khiến lòng người cảm động. Nguỵ vương đã quá xúc động nên hứa: “Ta sẽ xem xét cẩn thận.“ Đó tất nhiên là lời hứa mà Bàng Thông hy vọng đạt được sau khi bày tỏ suy nghĩ của mình với Nguỵ vương. 
Quán triệt sách lược áp đảo đối phương trước tức là chủ động xuất kích, giành quyền chủ động về phía mình, khiến cho đối phương phải thuận theo hướng suy nghĩ của mình, từ đó buộc đối phương phải thay đổi hành vi hoặc quan điểm bất lợi cho mình. Xin hãy nghe mẩu chuyện sau. 

Roberpier mưu trí cứu cô gái trẻ

Roberpier là nhà cách mạng kiệt xuất của giai cấp tư sản nước Pháp. Thời kì đại cách mạng, ông là lãnh tụ chính quyền của phái Yagebin, trước khi tham gia hoạt động cách mạng, là một luật sư ưu tú, vừa thông thạo pháp luật, lại rất công trực, dám lên án những thói xấu và hủ tục, dám bảo vệ cho những người bị ức hiếp lăng nhục. Mưu trí cứu được cô gái trẻ này chính là minh chứng cho việc dám bảo vệ những người bị ức hiếp của ông. Câu chuyện như sau:
Một hôm, một người thiếu nữ tìm cách tự tử, vừa hay bị Roberpier phát hiện, khéo léo khuyên giải, cuối cùng đã khiến cho thiếu nữ đó từ bỏ ý nghĩ đi tìm cái chết, thiếu nữ Morna kể cho Roberpier, khi cô tới giáo đường cầu nguyện, cha cố có ý đồ xâm phạm cô, cô rất tức giận đã tát cho cha cố mấy bạt tai, cha cố ngượng quá hoá khùng, kiện lên pháp đình, vu tội cho Morna nhục mạ Chúa. Morna cảm thấy không thể tự giải thích, nên mới nghĩ đến lấy cái chết để chống lại.
Nghe lời kể của Morna, Roberpier không nén nổi sự tức giận, nói với Morna là mình sẽ bào chữa cho cô ấy.
Moma còn cho Roberpier biết một chi tiết quan trọng: Khi cha cố khiển trách cô đã xâm phạm đến Chúa, cô đã tháo chiếc nhẫn đá, đưa ra trước “Tượng thánh bằng vàng“, để xin chúa bớt giận. Chiếc nhẫn đó có giá trị rất lớn. Cha cố lại nhân lúc cô cầu nguyện, xảo quyệt cho ngay vào túi áo chiếm làm của riêng. Trên chiếc nhẫn có đánh dấu mà cha cô khi mua nó đã dặn người thợ vàng làm. Roberpier đã nhớ kĩ chi tiết này.
Trước toà án, trận giao chiến giữa chính nghĩa và ác tà đã bắt đầu. Nguyên cáo cha cố khởi tố trước: “ Morna hôm đó vừa xông vào giáo đường đã chạy ngay tới trước tượng chúa mắng chửi ầm lên, tội này Chúa thật khó tha.“
Roberpier nói: “Thượng đế đã từng nói: Trên đời này tội ác lớn nhất không gì bằng là tội nói dối. Morna đứng trước Thượng đế, chưa từng nói dối một câu nào.“ (Đây là câu nói áp đảo đối phương trước để nắm ngay quyền chủ động, vấn đề Morna nhục mạ thánh thần trong chốc lát sẽ chuyển thành vấn đề ai là người nói dối, hơn nữa, vì là lời của Chúa nên càng dễ khiến mọi người chú ý. Như thế, sẽ gây chú ý rất mạnh đối với nhiều người, mọi người sẽ hành động theo ý muốn của ông ta, quả thực không hổ là cao thủ trong việc áp đảo đối phương trước.)
Thẩm phán nói: “Ngài, có phải là ngài đã nói cha cố đã đánh lừa Chúa không?“
Roberpier trả lời: “Không chỉ Chúa, mà còn đánh lừa cả chính nghĩa của toà án, coi thường thánh địa toà án này.“ (Lần này càng nắm chắc quyền chủ động hơn, từ vấn để Morna lừa dối Chúa bỗng chốc đã chuyển thành vấn đề cha cố lừa dối Chúa, đánh lừa cả sự chính nghĩa của toà án và coi thường thánh địa toà án.)
“Xin mời nguyên cáo đưa ra chứng cớ trước!“. Roberpier khinh thường liếc nhìn cha cố có vẻ đạo mạo trang nghiêm lắm.
“Vu khống ? Dối trá trước Chúa chính là ngươi! Việc này chính mắt ta đã chứng kiến.“ Cha cố tức giận nói.
“Xin hỏi, Morna vì cớ gì mà nhục mạ Chúa?“ Roberpier hỏi.
Cha cố không biết trả lời ngay thế nào, một lúc sau mới nói: “Điều này, điều này, điều này phải hỏi kẻ nhục mạ Chúa, Morna!“
Morna trả lời: “Tôi không biết tội là ở chỗ nào, chỉ có cha cố hiểu rõ, nên để chính cha cố trả lời.“
Trước sự bác bỏ chính đáng của Morna, cha cố cảm thấy khó có thể ứng phó được, bèn giả bộ thành kính ngước mắt lên trần nhà, sau khi cầu nguyện vài câu, rồi lẩm bẩm: “Thượng đế thực sự biết, Morna không thể nguỵ biện bào chữa và tiếp tục lừa dối Thượng đế!“
“Thượng đế tốt bụng nhất thực sự hiểu Morna là thiếu nữ đáng thương bất hạnh. Xin toà án hãy thẩm tra, Morna không hề nhục mạ Chúa, tội danh lẽ nào lại do kẻ khinh thường toà án định?“
Roberpier nói xong, đưa cho ban bồi thẩm những căn cứ biện hộ. Ban bồi thẩm xét duyệt nửa tiếng, đưa cho từng bồi thẩm viên phân tích, thẩm tra cẩn thận căn cứ biện hộ của Roberpier.
Nửa tiếng sau, cuộc phúc thẩm bắt đầu.
Thẩm phán hỏi cha cố: “Người có nhân chứng nghe thấy Morna nhục mạ Chúa không?“
“Chỉ có một mình tôi.“
“Morna thần trí tỉnh táo, người nhận thấy chứ?“ Thẩm phán hỏi.
“Thần trí của cô ấy tương đối tỉnh táo.“ Cha cố đáp, ông ta cho rằng trả lời như vậy thì khó có thể biện minh cho tội nhục mạ Chúa của cô ta.
Không ngờ thẩm phán hỏi: “Lẽ nào một người đầu óc tỉnh táo, lại vô duyên vô cớ chạy đến trước mặt Chúa mà nhục mạ Chúa? Đây đâu phải là người điên trong viện tâm thần.“
Câu hỏi của thẩm phán, thực là một lý lẽ mà hai cái khó, vì: Nếu như thần trí Morna tỉnh táo, tất sẽ không vô duyên vô cớ nhục mạ Chúa. Nếu như Morna thần trí không tỉnh táo, tất không nên xét tội cho hành vi của cô ta. Bất kể câu trả lời như thế nào, đều có lợi cho Maria. Cha cố cho rằng Morna thần trí tỉnh táo, lại không đưa ra được lý do Morna nhục mạ Chúa, nên đã khiến cho cha cố rơi vào thế khó xử. Cha cố quả thực không có lời nào để đáp lại câu hỏi của thẩm phán.
Roberpier lại hỏi: “Giả như tất cả điều đó là có thật, xin hỏi, cha đã làm những gì ?“
“Ta lập tức đuổi cô ta ra khỏi giáo đường” Cha cố trả lời
“Lẽ nào những cái tát đó chỉ là phản kháng lại khi bị cha đuổi?“ Roberpier hỏi.
Cha cố há miệng mắc quai, mặt đỏ bừng.
Roberpier dồn ép từng bước: “Như lời thẩm phán nói, Moma không phải người điên, Thượng đế sẽ không tin lời dối trá của ông? Morna vì mẹ bệnh nặng nên đã đến cầu nguyện Chúa, không ngờ Morna xinh đẹp như hoa, Chúa không nhìn thấy, mà lại dẫn đến một con ong độc!“
Roberpier mời ban bồi thẩm đưa ra kết luận tại chỗ.
Thẩm phán vốn tưởng sẽ không bại lộ “chuyện chiếc nhẫn“, định xử nhẹ cha cố, nhưng không tránh được lời yêu cầu kịch liệt của Roberpier, đành phải cho người đưa chiếc nhẫn ra. Cha cố còn muốn giảo biện, Roberpier lập tức tiết lộ: chỗ vòng xoắn của chiếc nhẫn có ba chữ “ Morna“. Thẩm phán kiểm tra ngay tại chỗ vòng xoắn quả nhiên như thế thật. Đến lúc đó, nỗi oan của Morna mới được xoá bỏ.
Morna được minh oan, lại còn được một khoản tiền bồi thường của cha cố, cô tìm lại được hạnh phúc của đời mình.
Trong vụ xét xử ở toà án này, Roberpier đã chọn sách lược áp đảo đối phương trước, ông ta không bị đối phương xỏ mũi, không nhằm vào “tội danh“ mà đối phương đã định. Ông theo hướng chứng minh Morna vô tội, trong sạch, đã xỏ mũi được đối phương là cha cố, khiến cho cha cố phải vất vả ứng phó với tội lỗi của mình. Thế là, Roberpier đã hoàn toàn nắm quyền chủ động về phía mình, cuối cùng chân tướng vụ án đã rõ,vì vậy đã cứu được một thiếu nữ thanh bạch vô tội. 

Trên thương trường, để mình có thể đứng vững hơn, cũng cần phải vận dụng sách lược “áp đảo đối phương trước“, làm cho đối phương cuối cùng phải dựa vào mình, từ đó mà đạt được thoả thuận. Sau đây xin nghe cuộc trò chuyện tiếp thị, vận dụng tuyệt vời sách lược “áp đảo đối phương trước“ của một nhân viên tiếp thị: 
Nhân viên tiếp thị: Trọng lượng hàng trung bình các anh vận chuyển mỗi lần là bao nhiêu? 
Khách hàng: Rất khó nói, khoảng hai tấn! 
Nhân viên tiếp thị: Có lúc nhiều, có lúc ít, đúng không? 
Khách hàng. Đúng vậy. 
Nhân viên tiếp thị: Vậy thì cần loại xe chở hàng nào, một mặt phải xem chở hàng gì, mặt khác phải xem đi trên đường gì đúng không ? 
Khách hàng: Anh nói đúng, song,... 
Nhân viên tiếp thị: Giả như anh đi qua khu đồi núi, hơn nữa mùa đông ở đó tương đối dài, lúc này máy móc của xe và xe phải chịu áp lực chẳng phải là lớn hơn rất nhiều so với bình thường sao? 
Khách hàng: Đúng là như vậy. 
Nhân viên tiếp thị: Số xe các anh xuất đi vào mùa đông nhiều hơn mùa hè đúng không? 
Khách hàng: Nhiều hơn nhiều, mùa hè làm ăn không được lắm. 
Nhân viên tiếp thị: Có khi hàng nhiều quá, lại đi qua vùng đồi núi trong mùa đông, có phải xe thường rơi vào tình trạng quá tải.
Khách hàng: Đúng, đó là sự thực. 
Nhân viên tiếp thị: Khi các anh chọn mua loại xe, thì phải tính khoảng dư lớn, đúng không? 
Khách hàng: Ý của anh là.... 
Nhân viên tiếp thị: Về lâu về dài, nhân tố gì quyết định mua một loại xe là đáng hay không? 
Khách hàng: Đương nhiên phải xem tuổi thọ sử dụng cua nó. 
Nhân viên tiếp thị: Một chiếc xe luôn chở quá tải, một xe khác chưa từng chở quá trọng lượng, anh thấy chiếc xe nào có tuổi thọ dài hơn? 
Khách hàng: Đương nhiên là chiếc xe mã lực lớn, trọng tải nhiều. 
Nhân viên tiếp thị: Cho nên, ý của tôi là mua chiếc xe trọng tải bốn tấn tốt hơn. 
Trong ví dụ này, nhân viên tiếp thị đã dùng sách lược áp đảo đối phương trước, khiến cho khách hàng cứ thuận theo ý mình, nên đã đạt được mục đích tiêu thụ thành công. 
Rõ ràng, trước những khách hàng do dự chưa quyết định, bạn nên chủ động xuất kích, áp đảo đối phương trước, dẫn dắt khách hàng đưa ra quyết định có lợi cho bạn, như vậy, bạn mới có thể đứng vững trên thương trường và ngày càng phát triển. 
Trong thương trường, bạn muốn ngồi đợi khách hàng vào cửa hay là muốn chủ động xuất kích, sớm tìm được khách hàng ? 
Tuy cơ hội trong thương trường là rất nhiều, nhưng còn phải phụ thuộc vào bạn có chủ động khai thác hay không. Nên nhớ, trên đời sẽ có vô số cạm bẫy, cũng chẳng có bữa ăn miễn phí. Hãy chủ động xuất kích! Thành công thuộc về bạn !

Thuật Nói Chuyện

ĐIỀU BÍ ẨN CỦA NÀNG


Nàng rất đẹp, nàng biết rõ lợi thế của thứ vũ khí mà trời ban cho nàng. Xinh đẹp -duyên dáng - hấp dẫn. Nàng có quyền mưu cầu cái thứ hạnh phúc toàn vẹn mà nàng hằng khát khao : một người tình tuyệt vời.

Người yêu đầu tiên của nàng là một họa sỹ, kẻ biết chiêm ngưỡng nàng hơn ai hết. Hắn đã vẽ cho nàng bao nhiêu là tranh, nhưng hắn vẫn chưa vừa ý. Hắn cho rằng tài nghệ của hắn còn thấp kém, sắc đẹp của nàng còn vượt xa tầm với của hắn. Hắn khiến nàng nghĩ rằng, mãi mãi hắn sẽ là một tên nô lệ trung thành cho riêng nàng, và chỉ nàng mà thôi .

Hắn ghen như quỷ ấy ! Hắn cứ như một thằng nhãi ranh bám lấy gấu nàng. Để chìu lòng hắn, nàng đã để cho hắn xâm khuôn mặt của hắn lên bầu ngực trái của nàng. Nơi mà hắn quả quyết rằng không gì trên cõi đời này tuyệt mỹ hơn .

Nhưng rồi cái tình yêu khốn khổ ấy cũng phai lạt. Dần dần nàng nhận ra rằng, hắn chỉ mê những đường cong quyến rũ trên người nàng chứ không phải con tim nàng. Nàng chủ động bỏ rơi hắn như người ta bỏ rơi một chiếc áo đã cũ...

Người yêu thứ hai là một thi sỹ, nàng chết mê chết mệt những vần thơ điên dại của hắn. Bằng những vần thơ ướp đầy mật ngọt hắn đã biến nàng thành một nữ vương. Một bà chúa của uy quyền và sắc đẹp. Nhưng thơ của hắn không bán được tiền, mà hắn lại cao ngạo như một ông hoàng. Mỗi lần nhìn thấy tác phẩm của gã họa sỹ trên ngực nàng lòng hắn lại sục sôi vì ghen tức. Để chìu lòng hắn, một lần nữa nàng lại phải chịu đau đớn tìm đến những nghệ nhân xâm mình, để được xâm khuôn mặt của chàng thi sỹ lên bầu ngực bên phải .

Cũng chỉ được hơn năm, nàng thấy chán ngấy những bài thơ sáo rỗng. Hắn yêu những bài thơ ca tụng nàng hơn là chính con người thật của nàng bằng xương bằng thịt. Tâm hồn nàng một lần nữa lại nức nở, nàng phải chia tay hắn thôi .

Sau hai lần vấp ngã đau thương, nàng hết sức thận trọng với những mối quan hệ. Nàng rèn luyện mình thành một người đàn bà đoan trang, diễm lệ và thần bí. Một người đàn bà cực kỳ quyến rủ !

Lần này, là một ông giáo sư rất đạo mạo. Một người mà nàng rất tôn trọng vì tài lẫn nhân cách. Nàng thầm mơ ước cho mình một hạnh phúc bền lâu. Ông giáo sư đã có tuổi chưa từng kết hôn, chắc là một người chồng lý tưởng dành cho nàng đây. Giáo sư cứ thủng thỉnh mà hò hẹn, đưa nàng đi bất cứ đâu nàng thích, nhất nhất chìu theo ý nàng. Nàng rất hãnh diện vì phong cách lịch thiệp của ông ta .

Sau một buổi tối thật lãng mạn tại nhà riêng, ông đã cầu hôn nàng. Nàng cứ như một con thỏ con run lẩy bẩy trong tay ông. Ông nhẹ nhàng âu yếm cởi bỏ xiêm y nàng, rất từ tốn, rất chuẩn mực yêu thương. Ánh đèn cầy bập bùng, tiếng nhạc cổ điển du dương êm ái, bàn tay ông rất ấm áp điệu nghệ, khoan nhặt đầy đam mê ...Nàng thấy mình như một con chim hoàng anh đang vỗ cánh bay lên...bay lên thật cao...

Ông ngắm những tác phẩm trên thân thể nàng, mơn trớn những tác phẩm đó. Rất nhẹ nhàng, điệu đàng và cứ thế ...cứ thế ...

Ông say sưa ngắm nhìn quên bẵng cái điều mà nàng đang chờ đợi...
- Anh yêu à ! Có phải là anh đang bất mãn không ? Đã là quá khứ mà anh .

Bỗng nhiên ông lại bật cười thành tiếng .

Nàng ngạc nhiên quá, cứ tưởng là ông sẽ giận dỗi, sẽ chất vấn , sẽ điều tra cho ra lẽ . Hoặc chí ít cũng tham lam tàn bạo như những gã đàn ông khác. Nhưng không ! Ông vẫn cứ say mê ngắm và tủm tỉm cười .
- Anh à, em thật không hiểu là anh nghĩ gì ! Sao lại cười em ?
- À không ! Không phải cưng đâu, em yêu quý. Em thật tuyệt vời ! Anh đang tưởng tượng... khoảng chừng mười năm nữa thôi, gương mặt của hai thằng cha đó sẽ nhăn nhúm đến cỡ nào .
 


Mưa phố núi 

KỀN KỀN CHỜ ĐỢI…


09/07/2011 12:34 am
Có một lần tôi đã nhìn thấy một bức ảnh, đó là bức ảnh tôi không thể nào quên. Đó là lý do tôi viết câu chuyện này. Tôi mong bạn sẽ cảm thấy thật may mắn vì chúng ta được ăn, được uống và được tận hưởng cuộc sống. Tôi đã viết đi viết lại câu chuyện này đến bốn lần và tôi mong bạn sẽ thích nó, cũng như tôi vậy… (tất cả những chi tiết trong truyện đều có thật)


KỀN KỀN CHỜ ĐỢI….

          Thình thịch… thình thịch…
          Tiếng tim đập mỗi lúc một nhẹ hơn.
          Thở hổn hển, nó cố gắng lên từng bước, từng bước bằng bàn tay của mình. Chúng sắp đến, chúng sắp đến rồi. Nó có thể cảm thấy. Chúng sắp giết chết nó. Cha mẹ, anh em, nhưng người xung quyanh hay thậm chí những khuôn mặt mà nó từng nhìn thấy đã có kết cục như thế. Nó biết, nó không còn sống được.

     Bây giờ ngay cả hai bàn tay nó cũng mất dần cảm giác. Cái chết đang gặm nhấm cơ thể nó. Nó không muốn chiến đấu nữa, không muốn chịu đựng thêm nữa. Chỉ cần nằm lại nơi này, nhắm mắt lại thì mọi đau khổ sẽ chấm dứt. Nhưng nó không muốn thế, nó không muốn chết, nó vẫn muốn sống tuy biết cái thế giới khủng khiếp đến thế nào – cái thế giới phải chung sống với chúng.

     Đã ba ngày nay, nó chưa gặp một ai cả, chúng đã giết chết tất cả mọi người. Nó cảm giác như mình hoàn toàn cô độc, lạc long trong thế giới này. Và mỗi lần ánh nắng gay gắt của hoang mạc chiếu thẳng vào khuôn mặt nứt nẻ vì thiếu nước, nó lại nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ cả tuổi thơ của mình trước khi gặp chúng.




     Nó sinh ra trong một gia đình hồi giáo ở phía nam Sudan – một trong những nơi khắc nhiệt nhất của con người. Đối với người phương Tây, Sudan là nốt ung nhọt lớn của châu Phi với những con người già nua và lạc hậu, chỉ sống như những cái xác khô ngày ngày vật lộn với cái chết và đói khổ. Một mảnh đất cằn cỗi và mục nát với cuộc sống khốn khổ, bần hàn, đáng sợ hơn cả một giấc mơ khốn cùng có thật.







     Khi còn nhỏ, mẹ nó từng bảo. Nó cất tiếng khóc chào đời cùng với một đứa trẻ khác. Một đứa trẻ có mái tóc xoắn ngắn, đôi mắt đen huyền và cơ thể gày gò đen đúa giống nó như đúc. Đó là chuyện chưa bao giờ xảy ra ở đây. Tất cả mọi người trong làng đều nhìn gia đình nó bằng ánh mắt khinh miệt kì thị: “Đó là điểm báo xấu, có một con quỷ nào đó đang ở trong cơ thể của một trong hai đứa trẻ này và nó phải chết”. Vì vậy, ngay ngày hôm sau, Katum – vị trưởng lão đáng kính nhất làng, sau khi tế lễ, đã bế nó và đứa trẻ kia lên một cái chòi cao ba mươi mét và thả xuống dưới. Như một phép màu, nó đã được mẹ đỡ kịp, còn đứa trẻ kia thì không được may mắn như thế. Và nó phải trả giá cho lòng tin của mọi người và cái vị thánh của họ.

     Đôi khi, nó cảm thấy mình có thực sự may mắn khi thoát chết. Tuy đứa bé giống nó phải chịu đựng nhiều đau đớn nhưng chỉ là trong thoáng chốc chứ không phải hàng ngày vật lộn với cuộc đời khắc nghiệt trong một hoang mạc như nó. Cái cuộc sống tưởng như không có bất cứ cái gì. Khi mỗi sang thức dậy trên một tấm ván gỗ.




     Nơi mà cằn cỗi đến nỗi những thứ kinh tởm nhất cũng là thứ đáng thèm muốn. Đôi khi nó phải giành giật với những đứa trẻ khác để có chỗ vùi mặt vào lỗ đít của một con bò.




Ăn và uống những thứ tởm lợm để làm dịu đi cái đói dai dẳng. Ngày ngày đi hàng chục cây số để tranh nhau một sô nước bẩn hay ngồi lê lết cả ngày ở những nơi bẩn thỉu nhất để xin ăn mà chỉ nhận được những ánh mắt vô cảm và khinh bỉ.




Cái đói nghèo khổ đau không những gặm nhấm con người nơi đây, mà còn làm vẩn đục tâm hồn họ.

     Lên năm tuổi, lần đầu tiên nó hiểu cái chết là gì. Hôm ấy, vì tranh nhau cái giếng nước mà một người đã cãi nhau khiến một nhóm thanh niên đã trở nên điên loạn. Đầu óc của chúng chứa đầy thù hận đến nỗi chỉ trong buổi sáng, những căn lều tạm bợ đã bị đốt sạch. Đâu đâu cũng có tiếng hò hét, chửi rủa cùng với tiếng cầu xin đứt qoãng. Ngay cả là một đứa trẻ, nó cũng cảm thấy buồn nôn trước cảnh tượng dã man này. Sau đó, trong cơn phấn khích, chúng trói chặt mọi người và ném vào trong lều và thiêu sống họ, kể cả nhà nó. Tiếng khóc, tiếng gào thét, nỗi đau đớn quằn quại hiện diện khắp nơi. Nhìn ngọn lửa rừng rực đang cháy liếm sạch “ngôi nhà” của mình, tiếng nói của cha nó lại văng vẳng bên tai: “Sự tính toán, lòng đố kị, tính hiếu chiến, bạo lực là bản chất của con người”. Lúc ấy, mắt ráo hoảnh, nó đã không khóc.

          Phành phạch… phành phạch…

     Tiếng vỗ cánh của một con chim kéo nó về thực tại. Thở hổn hển, nó cố ngóc đầu lên. Một con chim xấu xí, với hai cái chân to đầy cáu bẩn đang đâu cách nó nửa mét. Nổi bật nhất là bộ lông nhuốm đầy máu khô đến sơ xác và đôi mắt to tổ bố đảo qua đảo lại chòng chọc nhìn nó như muốn ăn tươi nuốt sống. Con ăn xác thối đáng ghét! Chắc con kền kền đã cảm thấy không khí chết chọc ở quanh đây, cảm nhận con mồi đang ở ngay trước mắt. Nó đã từng nhìn thấy hàng chục con kền kền tranh nhau ăn xác chết. Máu, nội tạng, xương xẩu rải rác khắp nơi. Cái mùi tanh nồng của máu và mùi thịt thối rữa càng làm cho cái nắng gay gắt của ban ngày trở nên ngột ngạt hơn. Nhưng mọi người, ngay cả người thân của cái xác ấy cũng không thèm đuổi chúng đi. Họ đã quen với cái chết – nỗi sợ hãi lớn nhất của con người. Đến nỗi họ cũng không thèm quan tâm đến điều hiển nhiên như thế. Và khi tính hiếu chiến, sự thù hận đi qua để lại những xác chết ấy thì mọi người chỉ đơn giản kết luận: “Chúng lại đến đấy”. Và giờ, nó sắp trở thành đống xương khô ấy. Trút nốt tàn lực cuối cùng, nó phẩy mạnh tay về phía con kền kền: “Cút đi, đồ ăn xác thối gớm ghiếc”. Nhìn thấy con mồi của mình còn động đậy, con kền kền bay ra đằng sau, cách nó một quãng rồi đứng im, chờ đợi.

     Nó biết mình không còn cầm cự được lâu nữa. Nó có thể cảm thấy cái chết gần mình hơn bao giờ hết nhưng nó chưa đến đích. Nó nghe nói có một tổ chức từ thiện Liên Hợp Quốc gì đó ở đây và họ sẽ cho nó thức ăn, nước uống – những thứ mà nó thèm muốn cả tuần nay. Nhưng điều duy nhất mà nó mong muốn bây giờ là được cứu sống. Nó chưa muốn chết, chí ít là về với đất Mẹ chứ không phải làm mồi cho thứ rác rưởi kia.

     Như nghe thấy lời cầu nguyện của nó, một vị thần xuất hiện.


Đó là một người đàn ông cao lớn, da trắng, tóc xoăn. Không thể tin vào mắt mình, nó cố lết về phía anh ta, thầm cầu xin sự giúp đỡ. Đống bụi đất mà nó hít phải đang làm cho nó khó thở hơn nhưng nó không buồn quan tâm. Đối với nó, từng khoảnh khắc giờ đây trở nên quý giá.

     Song có vẻ như người đàn ông không hề để ý đến sự tồn tại của nó. Anh ta ngồi gần đó, mân mê một cái hộp màu đen, hết xoay cái ống gắn trên hộp sang phải rồi lại vặn sang trái, không hề ngước mắt lên nhìn nó. Một lúc sau, anh ta đứng dậy và “Tách” – một thứ ánh sáng trắng loé lên. “Một vị thần” – nó ngước lên cố cảm nhận thứ ánh sáng ấy, nghĩ rằng điều kì diệu đã xảy ra, sẽ cho nó sự sống, sẽ xua tan cái đói, cái khát, nỗi thống khổ mà nó phải trải qua.
          Nhưng nó chẳng có cảm giác gì mà chỉ có lớp bụi mờ quanh mắt nó đang làm mọi thứ tối dần, tối dần. Người đàn ông tiến lại gần hơn khiến con chim bay đi.
          Một chút chờ đợi.
          Một chút hi vọng.
          Một chút hạnh phúc.
Tiếng bước chân đang gần hơn. Nó không còn đủ sức để ngầng đầu lên nữa. Nhưng tiếng bước chân đang nhỏ dần, xa dần làm nó cũng đủ hiểu giờ anh ta đang nghĩ gì: TRỐNG RỖNG. Lần đầu tiên trong đời, nó thực sự muốn khóc. Lần đầu tiên nó thực sự căm ghét, ghê tởm nơi nó sống đến như vậy. Nếu mà chỉ có mặt trên đời này mà không có yêu thương, không có lòng trắc ẩn. Thì đâu phải là sống, mà là tồn tại. Nỗi đau đớn càng làm nó khó thở. Từng hạt bụi luồn sâu vào mũi nó. Nó có thể cảm thấy cơn tức ngực và phổi ngày càng đau rát. Màn đêm đột ngột kéo xuống. Cảm giác thật thanh thản. Hình ảnh cuối cùng mà nó nhìn thấy là một đôi chân to, đầy cáu bẩn.






Bức hình của Kevin Carter đoạt giải Pulitzer năm 1994. Theo chú giải của Kevin Carter thì bức hình thuộc loại ảnh tài liệu phản ánh hiện thực, mô tả một bé gái sắp chết vì đói, cố bò về phía trại cứu đói của Liên Hiệp Quốc cách chỗ em chỉ vài trăm thước. Đi sau em là một con chim kên kên chuyên ăn xác như để chờ đợi em bé chết thì ăn thịt theo bản năng nó vẫn làm.

Tấm hình làm rúng động cả thế giới, và nhờ đó nạn đói ở Châu Phi được thế giới chú tâm hơn, một chiến dịch cứu đói Châu Phi được mở ra, có hàng triệu người được cứu. Nhưng sau đó người ta không thể quên đi cô bé trong bức hình. Người ta hỏi Kevin Carter về số phận của bé gái sau đó ra sao? Kevin Carter không trả lời được vì sau khi chụp bức hình anh thì cũng đi ngay…

Người ta tìm cách truy tìm thông tin về số phận của cô bé sau khi tấm hình được chụp, nhưng vô ích, em chỉ là một trong vô số thân phận các em bé bị bỏ rơi trong nạn đói, mà cha mẹ, người thân của em đã chết trước…

Nhưng chẳng nhẽ Kevin Carter lại vô tâm đến thế? Sao không nỡ đưa cô bé đến trại cứu trợ cách đó có vài trăm thước? Sao không đuổi con chim kên kên đó đi? Dẫu cho em chết nhưng để mặc con chim kên kên ăn thịt thì thật là nhẫn tâm, loài vật (Loài voi chẳng hạn) còn bảo vệ xác đồng loại sau khi chết, không cho các loài thú ăn thịt đến cắn xé phương chi con người ? Và người ta lên án Kevin Carter.

Có một bài báo đã viết về Carter: “The man adjusting his lens to take just the right frame of her suffering, might just as well be a predator, another vulture on the scene.” . Dịch nghĩa: “Kẻ chỉ chú tâm chụp ảnh, nhưng lại vô cảm trước thảm cảnh của cô bé da đen, thì cũng chỉ là một con vật ăn thịt, một con kên kên thứ hai trong bối cảnh tàn bạo ấy mà thôi” . Kevin Carter đọc được bài báo này, anh đã tự sát.

Một tấm hình của Kevin Carter mà hàng triệu người được cứu khỏi chết đói. Nhưng hành động tác nghiệp báo chí một cách máy móc, cố sao cho làm được nhiều thao tác, lấy được nhiều tin… Đã làm một sinh linh bé nhỏ biến mất không thể tìm lại được nữa. Chắc khi phát hiện ra sai lầm, Kevin Carter cũng cố gắng tìm kiếm khắc phục… Nhưng vô vọng. Mặc dù cứu được hàng triệu người khỏi nạn đói đe doạ tính mạng, nhưng dù chỉ vô tình mà bỏ mặc một sinh linh bé bỏng trong nguy hiểm rình rập mà Kevin Carter đã tự sát. Anh là người có lương tâm, anh nhận ra sai lầm của mình, và rất đau đớn khi sai lầm đó không thể khắc phục được hậu quả… Dẫu là tự sát, nhưng người công chính vẫn muốn thắp một ngọn nến mà cầu nguyện cho anh – Cho lương tâm của nhân loại. 

Có cần đến thiên thần..?


“Ầm”, giật mình tỉnh dậy, theo phản xạ, thiên thần tình yêu mắt nhắm mắt mở thả dây cung. Mũi tên lao vút vào không trung. “Thế là xong” nhìn trước nhìn sau, thần tình yêu thở phào nhẹ nhõm “May quá, chẳng ai nhìn thấy mình ngủ gật trong lúc làm việc”. “À, mà mũi tên ấy bay về đâu nhỉ?” Thiên thần lại nhớn nhác nhìn theo hướng mũi tên hồi nãy. 
- Thế cái chân bà đã đỡ chưa ? Người đàn ông trạc 80 tuổi hỏi bà bạn ngồi bên cạnh với hàm răng đung đưa nhịp nhàng theo câu nói đượm sự quan tâm đặc biệt.
- Khổ quá, nó có thèm nghe tôi đâu, tôi bảo nó đội mũ vào, trời lạnh lắm. Thế mà nó cứ cắm cổ đạp xe. Cháu với chả chắt.
- Thế sáng nay bà đã ăn gì chưa?
- Phải rồi trời này mà có ấm trà sen nóng thì tuyệt vời.
- Tôi mời bà đi ăn phở với tôi, có được không bà?
- Nhưng mà tôi thích trà nhài hơn, mùi nó dịu hơn ông nhỉ.
- Thôi thì tôi nhịn vậy chứ bà ăn rồi thì tôi còn đi làm gì nữa. ăn một mình chán lắm.
Ông từ từ rút trong túi áo ra một gói nhỏ rồi lặng lẽ đặt vào tay bà và hỏi nhỏ:
- Hôm qua bà đã ăn hết chưa?
- Ai luyên thuyên, tôi nói ông luyên thuyên bao giờ? 
Bà nguýt lườm ông một cái thật dài qua đôi mắt đục mờ khá kèm nhèm. Bà mở gói nhỏ, bên trong là một múi bưởi Diễn, thứ mà bà rất thích.
- ơ thế vẫn còn cơ à?
Bà bóc và chia cho ông một nửa với nụ cười trìu mến. “Mình vẫn còn mấy quả nữa mà bà ấy chẳng biết” ông nhìn bà với nụ cười lém lỉnh đầy hạnh phúc.
“À, nó đây rồi” Thiên thần đã thấy mũi tên của mình, nó nằm lăn lóc bên cạnh ông già, trên đường bay đến đây, nó đã vô tình va vào cột điện gãy mũi nên đã trở thành vô tác dụng.

Đàn ông Việt đã "yếu" còn “thiếu" đủ đường..

Sự xấu xa, tệ hại của đàn ông Việt thì khỏi phải nhắc nhiều rồi. Nhưng tôi còn nhận ra, đàn ông Việt 100 người thì 80 người yếu - kém và lệch lạc nặng về “chuyện ấy”.
Tôi cũng biết là đã có nhiều bài chị em "than phiền" về đàn ông Việt rồi. Nhưng hôm nay tôi vẫn muốn góp thêm vài lời chê nữa với cánh đàn ông Việt này. Bởi thực sự tôi rất "ngứa mắt" và bất bình với các quý ông Việt Nam.

Tôi không hề nói suông hay vơ đũa cả nắm mà nói có sách, mách có chứng hẳn hoi. Tôi đã từng yêu qua vài anh và trải qua quá hai đời chồng. Vì thế tôi hiểu quá rõ, quá tường tận bản chất của đàn ông Việt.

Đàn ông Việt yếu kém đủ mọi đường từ mặt tâm đến sinh lý.

Chị em có thấy các quý ông Việt thần kinh không được bình thường, tâm lý bất ổn định không?

Biểu hiện đầu tiên là tính tự sướng, hay nói cách khác là hoang tưởng. Tôi tiếp xúc với 10 ông thì cả 10 đều có tính ngạo mạn, tự cho là mình giỏi. Tài năng có hạn nhưng tinh vi tinh tướng thì không ai bằng.

Biểu hiện thứ hai là tính gia trưởng và xu hướng bạo lực. Không thể nói lý được với các ông chồng Việt Nam. Khi họ sai và bị người khác vạch cái sai ra cho mà biết, chẳng mấy người mở miệng nhận lỗi, xin lỗi một câu. Lúc nào đàn ông Việt cũng trong trạng thái chuẩn bị phát hỏa và cứ nóng lên là “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” để giải tỏa bức xúc.

Biểu hiện thứ ba là tâm lý của họ không lớn được, suốt đời làm trẻ con ỷ lại vào mẹ. Bên Tây 18 tuổi là ra khỏi nhà, sống riêng tự lập. Bên ta không có truyền thống ấy, nhưng phụ nữ Việt từ 20 tới 30 tuổi là bắt đầu đi lấy chồng, làm dâu nên cũng tự lập, chững chạc. Còn đàn ông Việt, suốt đời ở cùng mẹ nên lúc nào cũng là thằng bé lớn xác bám váy mẹ.

Hơi một tí là “Mẹ anh bảo là…”. Cứ chuyện gì dù bé bằng cái móng tay cũng phải “Mẹ ơi,…”. Khi nào mẹ các bố ra đi, các bố mới trở thành người đàn ông đích thực. Và khi ấy thì các bố cũng già khú đế, đã 40 - 50 tuổi chuẩn bị xuống lỗ đến nơi.

Vì thế, phụ nữ Việt luôn khổ. Phụ nữ Việt dù chân yếu tay mền nhưng luôn trưởng thành hơn đàn ông Việt vì họ phải cả đời lo lắng đủ điều cho đàn ông. Nhưng đàn ông Việt lại vô ơn, coi thường phụ nữ Việt và cho rằng phụ nữ đang lệ thuộc, ăn bám họ. Thế mới điên tiết chứ!

Đã xấu xa, tệ hại thế, đàn ông Việt 100 người thì 80 người còn yếu - kém và lệch lạc về sinh lý nặng.

Ở mục Tâm sự này, tôi thấy phần nhiều chị em đã có gia đình nên cũng xin nói thẳng vào vấn đề. Hơi thô thiển một tí nhưng tôi xin được hỏi “Có mấy phụ nữ Việt nào trèo lên được đỉnh khi mây mưa cùng chồng?”. Đảm bảo con số không đạt được 80%. Lý do là vì các quý ông Việt quá “yếu”, không biết chiều chuộng vợ, không để ý đến kỹ thuật tác chiến trong phòng the.

“Yếu” ở đây thể hiện ở điều gì? Thứ nhất, “cái ấy” quá nhỏ theo nghĩa đen 100% luôn. Thứ hai, kỹ năng làm chuyện đấy kém quá.

Vế thứ nhất thì khỏi phải nói rồi. So với đàn ông châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, đàn ông châu Á trong đó Việt Nam chúng ta có “biểu tượng nam tính” quá khiêm tốn. Điều này ai cũng biết, không phải bàn cãi nhiều.

Tôi đã từng đọc một bài báo mạng phỏng vấn cô gái gọi hạng sang. Và em ấy bảo rằng “70% đàn ông Việt yếu sinh lý”. Em ấy bảo các quý ông cứ chém gió về sex thế thôi chứ chả làm ăn được gì. Vì vậy nghề của em ấy rất nhàn, rất sướng, chẳng phải làm gì mà tiền về đầy tay.
Đàn ông Việt đã "yếu" còn “thiếu" đủ đường 1
Đọc xong bài báo ấy, nhìn lại hai cuộc hôn nhân của mình, tôi thấy sao mà chuẩn thế. Cả hai lão chồng của tôi đều “tí hon” cả về bề ngang và bề dọc. Nếu như các anh Tây là đại bàng mạnh mẽ thì các anh Việt chắc chỉ là chim sẻ, chim cút bé nhỏ. Người ta bay vạn dặm vẫn còn khỏe khoắn bừng bừng, còn đây các bố mới bay được vài phút thì ngủm củ tẻo, thở không ra hơi.



Dở một cái là nhiều ông lại thích xem phim đen và rủ rê vợ xem cùng. Thử hỏi sau khi nhìn thấy “đại bàng” của các anh Tây trong phim tung cánh, ai mà muốn dây với “chim sẻ” của mấy bố Việt?

Người chồng thứ nhất của tôi chính là điển hình của mẫu này. Hắn đã yếu còn bệnh hoạn, lệch lạc sinh lý. Thích xem phim sex và làm theo, nhưng không tới được vì yếu kém, chưa đến chợ đã hết tiền.

Vốn bản thân có đã ít ỏi thì chớ, các ông còn không thèm bù đắp thêm bằng kỹ năng. Đằng này, ông nào cũng chỉ biết hùng hục cho sướng cái thân, rồi mặc kệ vợ. Do đó, rất nhiều chị em phải lâm vào hoàn cảnh phải giả vờ thỏa mãn cho chồng vui, chứ chẳng cảm nhận được cảm giác sung sướng, lên đỉnh gì sất.

Vì nhiều lý do không hợp, tôi ly dị ông chồng đầu. Được hơn một năm thì có người mai mối tôi lấy tấm chồng thứ hai. Bố này yếu đủ mọi đường, nếu không muốn nói là nhàm chán, vô vị.

Vợ mà có tí hoang dại trong sex là không chịu, quy chụp là vợ hư, chẳng ngoan hiền. Lão chỉ cho phép “yêu” cùng chồng trong tư thế truyền thống, bó hẹp phạm vi trên chiếc giường ở phòng ngủ. Chỉ cần tôi diễn tập tư thế khác lạ, muốn đổi mới tư thế hay gợi ý đổi địa điểm để “đổi gió” chuyện ấy là y như rằng bị lão quy vào loại đàn bà hư hỏng.

Hồi mới về, tôi cứ nghĩ là cố gắng chiều chồng, giúp chồng được thoải mái thì cuộc sống hôn nhân sẽ hạnh phúc hơn. Tôi rủ lão đổi mới, “oral sex”, yêu trong bếp, trong nhà tắm. Nhưng lão giãy nảy không chịu, còn ầm ĩ lên chửi và bảo tôi “Không biết cô và thằng chồng cũ cô bệnh hoạn thế nào. Nhưng về với tôi rồi cô bỏ bớt cái tính dâm loạn đó đi”.

Ừ thì chồng không thích, tôi cũng chẳng ép. Nhưng có mấy lần, thấy lão không lên được, làm được chút thì thở hồng hộc, tôi đề nghị đổi ca, để tôi lên trên cho chồng đỡ mệt. Tôi có ý tốt như vậy mà lão cũng khó chịu, tức tối, bực dọc chửi vợ “Cô coi thường tôi à?” rồi thì “Đàn bà đâu mà dâm đãng, lăng loàn,…”

Đã sinh lý yếu mà tính lão sĩ hão lại cao. Lão bị bệnh yếu tinh trùng nên 3 năm kết hôn, hai vợ chồng tôi mãi không đẻ con được.

Kết hôn 3 năm không có con cái, cả chồng và nhà chồng đều quay sang xỉa xói, chửi tôi điếc. Tôi đi khám đủ kiểu, từ Đông đến Tây người ta đều nói tôi hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường, lỗi chắc chắn là ở phía chồng.

Nhưng chồng tôi và gia đình chồng vẫn tinh vi, khăng khăng là lỗi của tôi và còn đòi đi gái, lập phòng nhì, lấy vợ hai để kiếm đứa con. Tôi để cho đi thoải mái, đi vô tư xem có kiếm được mụn con nào về không. Đi chán chê rồi vẫn không đẻ được, chồng tôi mới chịu đi khám. Kết quả y như rằng lão bị hiếm muộn.

Thế rồi lão sinh ra bất cần. Bác sĩ đưa phương pháp chữa trị, cho uống thuốc rồi bảo yêu theo lịch nhưng chỉ được một thời gian là chán vì kết quả không ra sao. Cuối cùng, lão bỏ bê, không chịu chữa trị gì nữa.

Những ngày sau đó là địa ngục với tôi vì lão ra sức giữ vợ, sợ vợ cặp bồ, ghen tuông đủ kiểu. Ban đầu tôi thông cảm, cũng thương thương vì chồng “yếu” sinh ra tâm lý bất ổn định, cũng muốn dùng tình cảm để động viên chồng. Nhưng lão ngày càng khùng điên, dở chứng. Hết chịu nổi tôi đành ly hôn.

Còn nhiều lắm những câu chuyện, bằng chứng đàn ông Việt đã yếu kém còn bệnh hoạn mà tôi đã gặp, đã biết. Nhưng kể ra thì có hết cả ngày.

Vì trót dây vào hai đời chồng Việt mà giờ tôi cạch, sợ đến già. Tôi có cặp thêm với một người đàn ông nữa nhưng cũng nhanh chóng tách ra vì không chịu nổi.

Hiện, tôi sống một mình, rất thoải mái, tự do, vui vẻ. Chẳng bị ai bó buộc, chẳng phải hầu hạ phục dịch ai. Nói thật, phụ nữ sống một mình cũng hơi "đói" sex nhưng thà như vậy còn hơn phải chịu cảnh sex nửa vời, rồi phải vờ vịt như là sướng lắm để làm vừa lòng chồng. Nói chung giờ thấy ai chê bai đàn ông Việt, tôi thấy là lẽ đương nhiên.