NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Khi người yêu cũ gõ cửa



Chúng ta yêu nhau chỉ cần một lý do, là tình yêu. Nhưng chúng ta chia tay lại cần rất nhiều lý do!
1. Vì sao chia tay tình yêu?
- Mẹ anh không thích em.
- Em quá phiền hà và ghen tuông.
- Anh quá bận, chúng ta tạm chia tay một thời gian.
- Chúng ta ở quá xa nhau, không thể chăm sóc nhau thường xuyên.
- Chúng ta không hợp nhau…

Những đôi chia tay tình yêu thường lịch sự viện ra những cớ nghe có vẻ nhẹ nhàng và hợp lý nhất, có vẻ ít làm tổn thương người kia nhất. Rất ít người nói thẳng ra lý do quan trọng nhất, là chúng ta đã không còn yêu nhau được như ngày xưa mới quen. Và càng ít người dám nói thẳng ra rằng, anh đã chán (chán chê) em rồi. Hoặc em đã chán (chán chường) anh rồi!
Tôi từng được nghe tâm sự của một người bạn gái, bạn ấy nói, anh người yêu cũ đến với bạn ấy chẳng cần lời tỏ tình. Hai người làm cùng nhau, gần nhau, thân nhau, rồi phải lòng nhau. Sau đó chẳng cần rào đón hồi hộp gì, tự nhiên cầm tay ôm nhau và trao cái hôn đầu. Và tự ngầm hiểu rằng đã yêu nhau, chẳng cần tỏ tình hay tặng hoa theo nghi thức gì cho rườm rà.
Sau đó cũng tự nhiên và lẳng lặng lên giường, trao gửi. Rồi đến lúc chia tay, anh kia cũng lừ lừ mà đi, không cần tuyên bố gì! Thật là một người đàn ông nhất quán và cá tính!
Phụ nữ đều biết rằng, có những lý do quan trọng khiến người đàn ông ta yêu tha thiết, một ngày kia trở thành… anh người yêu cũ! Những rạn nứt trong tình yêu khi đã lớn đến mức độ không thể hàn gắn, sẽ khiến chúng ta buộc phải lựa chọn một cách sống khác dễ thở hơn cho cả hai. Có điều, sau khi chia tay, phim ảnh vẫn thường xuất hiện màn sướt mướt, khi một đêm mưa, anh con trai tới gõ cửa nhà cô gái và nói, em ơi, anh vẫn còn yêu em tha thiết!
Rất nhiều cô gái đã ảo tưởng rằng, người yêu cũ sẽ quay lại tìm mình trong tình huống ấy. Hoặc vào lúc anh buồn rầu thất vọng vì cô người yêu mới quá lạnh lùng thực dụng. Hoặc vào lúc anh ấy thất bại trong sự nghiệp. Hoặc vào lúc anh ấy quá hối hận vì lỡ chia tay tình yêu. Và cô gái trở thành nơi trao gửi tin cậy, chỉ cô mới hiểu anh.
Họ quên béng rằng vì sao mà họ chia tay nhau!
2. Khi người yêu cũ tìm đến nhà người yêu cũ
Một lần bạn tôi đã chạy khỏi nhà anh người yêu đầu tiên chỉ bởi, nhìn thấy anh ấy đang ôm hôn mối tình đầu của… anh ấy! Tất nhiên anh này về sau có thanh minh, đó chỉ là một phút xúc động, khi người con gái ngày xưa quay lại khóc lóc van nài!
Bạn tôi tha thứ, thậm chí sau này họ còn cưới nhau. Nhưng bản tính đàn ông thật khó thay đổi. Sau khi lục đục và chia tay, người đàn ông ấy dù đã lấy vợ mới nhưng thỉnh thoảng vẫn quay lại đòi ngủ với cô bạn tôi. Ngủ với vợ cũ đâu có bị pháp luật cấm? Và mấy ai dám đưa chồng cũ ra tòa kiện chỉ vì tội dám đòi quay lại tòm tem?
Thì ra có những người đàn ông coi người yêu cũ là bạn tình thích hợp nhất. Trong khi phụ nữ luôn ảo tưởng về thứ tình yêu còn sót lại sau phút chia tay!
Nhiều cô gái sau khi chia tay người yêu, vẫn còn chấp nhận mỗi khi anh kia đòi thân mật. Cô ấy vẫn hy vọng mỗi lần thân mật là một lần níu kéo. Còn anh kia, chỉ đơn giản là tháng đôi lần, quen mui bén mùi!
Mình có quen một cô gái trẻ xinh đẹp, cô ấy nói, bi kịch của cô ấy là anh đàn ông mà cô vẫn còn yêu, chỉ khi nào say rượu mới đến gõ cửa nhà cô, ôm cô, yêu cô. Còn khi tỉnh rượu, anh ấy lại trở về với người yêu hiện tại! Và cô ấy vẫn hy vọng, một lần nào đó, người đàn ông ấy quay lại không phải vì cơn say, vì quen đường, vì cô đã từng thuộc về anh ấy nên thêm một lần nữa, hẳn cũng không ai từ chối!
Và nhiều người phụ nữ cũng đã tha thứ khi người yêu trót có lúc mềm lòng với bạn gái cũ, thậm chí, ngủ với vợ cũ của anh ấy. Bởi nói cho cùng, trước đây anh ấy đã từng làm việc ấy, có thể lý giải được. Miễn rằng mình vẫn là “thì hiện tại” của anh!
3. Nhưng một khi tình yêu chỉ còn là cớ!
Có người phụ nữ từng bị phản bội nói chua chát rằng, tình yêu chỉ là cớ để những thằng đểu chơi gái khỏi tốn tiền! Còn tôi, tôi cho rằng, một người đàn ông đàng hoàng tử tế, họ chắc chắn sẽ không bao giờ lợi dụng người con gái này trong khi mồm nói yêu người con gái khác!
Ngay cả trong lúc say rượu, ngay cả trong lúc người yêu cũ chạy tới khóc lóc cầu xin, ngay cả trong lúc cơn mưa đêm lang thang dồn chân họ tới trước cửa nhà bạn, hay khi cuộc sống tàn nhẫn đẩy họ tới chân tường, hay họ thất vọng với tình yêu mới, và bạn là chốn trú ẩn bình yên cuối cùng trên đời này của họ.
Bởi vì với bất cứ lý do gì để họ quay lại gõ cửa tình yêu cũ, cái đầu tiên họ phải làm, là phải chinh phục lại bạn từ đầu! Phải xây lại mối quan hệ từ đầu với bạn! Bởi vì, chúng ta đã chia tay nhau, tình yêu đã ở lại trong quá khứ. Chứ không phải, vì đã từng hôn nhau, nên lúc nào anh quay lại gõ cửa, cũng có thể hôn ngay lần nữa! Hoặc vì đã từng thắm thiết với nhau, nên anh cứ ngỏ ý quay lại, là anh có thể trèo lên giường em!
Hãy nhớ lại lý do vì sao chúng ta chia tay nhau. Chứ đừng nhớ lại rằng chúng ta đã từng thắm thiết yêu đương ra sao. Quá khứ không lẽ đã không dạy được phụ nữ chúng ta bài học nào đáng giá hay sao?
Và đôi khi, tôi không biết vì sao, nhiều cô gái đã mủi lòng mở cửa, ngay khi người yêu cũ gõ cửa!
Bởi bạn đâu phải cái thảm chùi chân để sẵn ở cửa, mà khi nào muốn, người đàn ông có thể quay lại?

Này anh, em ghét..


Này anh….
Em ghét những ngày mưa tầm tã. Ghét nhìn những vòng xe quay vội vã trong màn mưa. Em đi đường, nước mưa quất vào mặt rát bỏng, vào mắt cay xè. Cố gắng lắm mới có thể nhìn đường qua cặp kính. Và em ghét mưa, vì mưa làm em nhớ…. Nhớ nụ hôn đầu đời trong mưa và bờ vai ướt đẫm của một người.
Này anh….
Em ghét nắng. Em ẩm ương nhỉ? Nắng cũng ghét mà mưa cũng chẳng tha. Em ghét cái rát bỏng của nắng hè. Giữa trưa đi làm về, mặt trời chói chang. Cái nóng từ mặt đường nhựa phả vào mặt đôi lúc làm em lạc tay lái. Em ghét cái thời tiết nóng nực khiến em không muốn ăn. Mùa hè thường khiến em xuống cân không phanh. Em ghét nắng vì làm em nhớ đến cái nhìn xót xa mỗi lần bát cơm em ăn còn hơn nửa.
Này anh….
Em ghét hương hoa sữa. Em đã từng là cô gái chỉ thích hương hoa sữa mùa thu. Em đã từng bỏ qua những đóa hoa hồng , những cành hoa ly,… người ta tặng để lựa chọn cho mình những chùm hoa sữa trắng. Em ghét… vì chính những chùm hoa ấy, giúp anh xộc thẳng vào cánh cửa trái tim em không ngập ngừng, do dự.
Này anh….
Em ghét những tin nhắn lúc nửa đêm khiến giấc ngủ của em cứ chập chờn. Em ghét phải nghi ngờ, phải dằn vặt. Một thời, không có những tin nhắn của anh vào lúc 11 giờ đêm em không tài nào ngủ được. Phải khi tin nhắn đến, mới mỉm cười vào giấc ngủ ngon. Nhưng bây giờ, em ghét phải giật mình tỉnh giấc vì tin nhắn đến. Những tin nhắn nhớ nhung, tin nhắn ân hận, tin nhắn yêu thương…. Tất cả hóa ra chỉ là giả dối như một trò đùa vô duyên của một người nào đó.
Này anh….
Em ghét những bữa cơm tối gia đình. Ghét bên mâm cơm chỉ có em, có con, và bố mẹ chồng già khó tính. Ghét sự đủ đầy của những gia đình bên cạnh. Bữa cơm khiến em nhận ra những khiếm khuyết của hôn nhân.
Này anh….
Em ghét những ngày đông. Ghét không gian u ám, lá cành trơ trụi và tiết trời lạnh buốt. Ghét nhìn những đôi tình nhân tay trong tay dạo bước. Ghét những đêm đông, chăn đệm có dày vẫn không thấy ấm. Ghét đông, vì làm em nhớ một vòng tay.
Này anh….
Em ghét những nghi ngờ, những ghen tuông. Là đàn bà có gia đình, em luôn có ý thức giữ gìn bản thân mình cho thật tốt. Nhưng không biết có phải có tật giật mình nên anh luôn muốn kiểm tra, luôn dằn vặt?
Này anh….
Em ghét phải đợi chờ, phải hi vọng vào những điều viển vông. Bởi với em, đợi chờ chưa bao giờ là hạnh phúc. Ngày còn bé, em có nghe bà kể chuyện Ngưu Lang -  Chức Nữ. Thất tịch mưa rơi chứng minh cho lời hẹn thề chung thủy. Nhưng… một ngày gặp gỡ đổi lại một năm đợi chờ đằng đẵng. Không biết có khi nào, người tiên giới, kẻ hồng trần không tin tưởng vào nhau?
Này anh….
Em ghét những lời tán tỉnh, những câu nói bông đùa. Ghét những người đàn ông thấy em cô đơn rồi buông lời trêu ghẹo. Ghét những cái nắm tay, những liếc mắt đưa tình chộp giật. Ghét những cuộc điện thoại, những tin nhắn, những bó hoa… của những người đàn ông có vợ. Chỉ khiến em nhớ đến phận đàn bà của mình cũng như vợ họ mà thôi.
….
Nhưng em ghét nhất vẫn là anh. Em ghét người đàn ông mang cho em yêu thương rồi lại sẻ chia cho người khác. Em ghét những lời thề hẹn lại quên ngay sau khi thoát ra khỏi bờ môi. Em ghét phải quay quắt với những lo toan cơm áo gạo tiền. Ghét phải đợi chờ, ghét phải thứ tha và hi vọng. Ghét bàn tay đã nắm tay em giờ ủ ấm cho bàn tay khác. Ghét vòng tay đã ôm người đàn bà khác nay lại chạm vào em….
Và anh này, dù em là đàn bà nhưng không nói ghét là thương. Không nói có là không như những cô nàng đỏng đảnh. Thế giới của em không đơn giản chỉ hai sắc màu đen và trắng. Nhưng em lại phân biệt rạch ròi trong tình cảm. Đàn bà ba mươi, nhờ anh mà tỉnh táo lắm giữa đường đời. Nên… em ghét anh thật rồi, anh biết, đúng không?

Ả đàn bà tầm thường..


Ả là một người đàn bà tầm thường lắm. Thật là vậy đấy. Nếu đứng giữa đám đông hay đi trên con đường tấp nập người và xe cộ, sẽ chẳng có ai đứng lại hay ngoảnh đầu nhìn ả. Bởi ả không đẹp để khiến người ta rung động. Ả không đủ dịu dàng, mong manh, dễ vỡ để khiến người ta muốn chở che. Không đủ xấu để người ta ghét bỏ. Không đủ đanh đá, chua ngoa để khiến người ta né tránh…. Ả chỉ là người đàn bà nhạt nhòa trên phố nếu người ta liếc mắt nhìn qua.
Ả là một người đàn bà tầm thường lắm vì ả thích tiền. Không đủ để yêu tiền mê muội. Nhưng ả biết tiền quan trọng lắm đối với cuộc đời của ả. Có tiền, ả sẽ được thảnh thơi. Ả sẽ không phải ăn bữa nay, lo bữa mai. Ả sẽ không phải lo mùa đông này, quần áo con ả không đủ ấm. Ả không cần phải để con ả chịu cảnh đi ở nhờ như ả, để con rơi những giọt nước mắt tủi hờn…. Ả đã nếm trải cuộc sống vợ chồng dằn vặt nhau chỉ vì tiền. Tiền làm cho hôn nhân của ả đi vào ngõ cụt.
Ả là một người đàn bà tầm thường lắm dù người ta bảo rằng ả vị tha. Người ta thắc mắc sao ả lại để cho hắn ta đi dễ dàng như vậy? Sao ả lại để những năm tháng tuổi xuân trong mỏi mòn chờ đợi? Sao ả lại chịu những thiệt thòi mà đáng nhẽ phải đòi lại gấp đôi? Nhưng ả biết, ả tha thứ vì tình yêu trong ả không còn. Mỗi ngày trôi qua là một lần tình yêu trong ả nhạt bớt đi một chút. Thế thì sao lại làm tổn thương lòng tự trọng của bản thân ả bằng một con người không đáng? Sao không để con trai ả có thể tự hào về một người bố được bôi vẽ bằng những nét bút của hư vinh?
Ả là một người đàn bà tầm thường lắm vì ả không tin vào một tình yêu thủy chung. Với ả, tình yêu chỉ tồn tại và đẹp trong một khoảng thời gian nhất định. Khoảnh khắc ấy, khiến tình yêu lung linh như trái tim pha lê. Khiến ả muốn với tay nắm lấy mà lại sợ những ngón tay phàm tục của ả làm vấy bẩn.
Ả là một người đàn bà tầm thường lắm vì ả cũng hư vinh. Ả cũng thích mình được người ta nhắc đến. Ả thích những cố gắng của mình được công nhận. Ả vào blog hàng ngày, để xem bài viết của mình có được lên trang chủ không?
Ả là một người đàn bà tầm thường lắm vì ả luôn muốn yêu và được yêu. Ả không thể giả vờ rằng với ả tình yêu là cơn gió. Ả muốn một lần yêu hết mình không hối hận. Ả muốn một lần bất chấp hậu quả ra sao để rồi sau đó quay về sống một cuộc sống ngày qua ngày lặng lẽ.
Ả là người đàn bà tầm thường lắm vì ả cũng nhỏ nhen. Ả cũng hay tự ti vì chân mình không dài, eo mình không thon gọn, ngực ả không lớn. Ả cũng muốn có làn da trắng mịn và mái tóc mượt mà như suối đổ. Ả cũng có lúc ghen tị vì sự may mắn, hạnh phúc của những người đàn bà khác xung quanh.
Ả là một người đàn bà tầm thường lắm vì ả không kiên cường như người ta vẫn tưởng. Ả không thể luôn luôn gồng lên để tỏ ra mình mạnh mẽ. Ả muốn được thật sự là đàn bà. Ả muốn dựa dẫm vào một người đàn ông. Ả muốn mình mềm yếu, được là chính mình trong vòng tay của họ. Ả muốn có thể khóc, có thể cười, có thể hét to, có thể giận dữ. Ả sợ… vô cảm như những ngày qua.
Ả đàn bà tầm thường đó… là tôi….

Phan Hoàng Ngân


HÃY SỐNG...ĐỂ KHÔNG HỐI HẬN..



 

Cái khó ở đời là định được ranh giới. Tới đâu thì dân tộc tính dừng lại, hiện tại tính bắt đầu? Cả đến đạo đức cũng vậy. Đi quá ranh giới, TỐT sẽ thành XẤU. Tiết kiệm quá thành keo kiệt, chân thật quá thành thô lỗ. 

Càng thêm kinh nghiệm ở đời, tôi càng thấy thấm thía câu nói của Đức Khổng Tử: "Dư dục vô ngôn": ta chẳng muốn nói gì hết. Muốn được tiếng đạo đức, dễ nhất là nên nói ít. Người tầm thường, nói dở nên ít nói, do vậy mà những ý nghĩ xấu không lộ ra, không ai biết. Người khôn tự mãn hay nói, nên phanh phui hết cái xấu của mình. 

Hoặc là trắng hoặc là đen, anh phải dứt khoát chọn một.
- Nhưng thưa ông, màu trắng tự nó cũng không phải là một. Nó gồm tới bảy màu. 

Lên 60 tuổi, ta gặt những gì đã gieo suốt một đời người. Trễ rồi nếu chỉ có cỏ. Đâu còn thì giờ để gieo hột giống khác tốt hơn? 

Chúng ta hiểu người khác qua từ ngữ. Nhưng những từ ngữ chính xác nhất vẫn không diễn tả đúng ý, huống chi còn có người dùng từ ngữ sai, từ ngữ hời hợt và cả từ ngữ dối trá. 

Hãy liệt kê những trường hợp bất hạnh của những người mà bạn biết. Thỉnh thoảng đọc lại. Chúng như bài thuốc giải khổ, giúp bạn an nhiên chấp nhận cuộc sống. Hãy liệt kê những may mắn bạn từng gặp được trong đời. Đọc lại, khi bạn gặp những điều bất như ý, những điều buồn khổ. Không có một cuộc đời hạnh phúc, chỉ có những ngày, những giờ hạnh phúc. 

Này bạn, bạn đang tự hành hạ mình, bạn có biết không? Luôn luôn bạn để thường trực nơi tâm hồn bạn, không một nỗi khổ tâm lớn thì một nỗi bực bội vừa hoặc một bất như ý nhỏ. Sao bạn hào phóng nét nhăn mặt mà bủn xỉn nụ cười vậy? 

Ta thích nghe Sự hơn Lý. " Sự " để ta thong dong. " Lý " bắt ta mệt trí. Sự, ta có thể tin. Lý, thường hay dối trá. 

Có đau nhức quằn quại về thể xác, u buồn tuyệt vọng về tinh thần mới thấy cái chết là êm đềm, là ân nhân giải thoát. Khỏi cần cầu xin, khỏi phải cố gắng. Không đòi hỏi phải nhớ tạ ơn, cái chết từ bi nhẹ nhàng gỡ hết mọi khổ đau. 

Khi nghĩ rằng mỗi con người chỉ ghé lại cõi đời này trong một thời gian rồi vĩnh viễn tuyệt tích, ta sẽ chân thành thương mọi người và cầu ơn phước cho mọi người. 

Sau khi mệt mỏi với xã hội con Người, ta tìm sự hồn nhiên cạnh những con vật. Rồi sự im mát cạnh những cây lá. Rồi sự vắng lặng trong chính tâm hồn mình. 

Có những hạnh phúc ngẫu nhiên, ta không hiểu nhờ đâu mà có. Nhưng khỏi phải bỡ ngỡ lâu bởi nó sẽ bất ngờ ra đi như đã bất ngờ vụt đến. 

Khoảnh khắc bị những việc vụn vặt bao vây.

* Bi kịch của đời người phần nhiều là do mình gây nên.

* Đời người thành công thường thường không phải là do bạn làm nên cái gì, mà là do bạn vứt đi cái gì.
 

 


Phàm những người hay làm? những việc vụn vặt rốt cuộc không làm nên việc gì. 

Công việc không phân lớn nhỏ, không phân chủ yếu thứ yếu, không xét đến giới hạn của thời gian, tinh lực và năng lực, việc gì cũng đều nắm lấy tất vào tay mình, việc gì cũng phải tự mình đi làm, luôn luôn làm việc hăng say như thế, luôn luôn vất vả một phút không dừng như thế. Anh ta nhiều nhất có thể giành được mức no ấm, không có thể làm nên việc lớn, càng không thể có cuộc đời thực sự vui vẻ thoải mái. 

Nhưng mong bạn không phải là như thế. 

Thường thường vì một số việc linh tinh không có gì quan trọng mà tất tả ngược xuôi, suốt ngày bị nhấn chìm vào trong hàng đống những việc vụn vặt hàng ngày, như thế thì thời gian dùng vào sự nghiệp bạn theo đuổi, thời gian dùng vào những sự việc quan trọng to lớn quan tâm đến thiết kế cuộc đời của bạn, tất nhiên sẽ giảm bớt rất nhiều. Nếu như bạn là lãnh đạo của một đơn vị, một công ty nào đó, một khi bị những việc vụn vặt linh tinh bao vây không thể tự bứt ra được, thậm chí bạn không thể bớt ra được bao nhiêu thời gian dùng vào việc trù liệu những việc chính đáng. Tôi có quen biết một ông giám đốc một nhà xuất bản thời gian chủ yếu và tinh lực của ông đều bị ràng buộc vào trong một mớ mâu thuẫn nhân sự không rõ ràng, làm cho thân thể và tâm trí tiều tụy. Còn việc vạch kế hoạch chọn đề tài, tổ chức xuất bản phát hành, thẩm tra bản thảo và sách, lại trở thành công việc nghiệp dư của ông. Kết quả là ông giám đốc này không thể tiếp tục đảm nhận được nữa, cuối cùng vẫn là do mâu thuẫn về phương diện nhân sự làm ông bị đổ. 

Nếu như bạn suốt ngày bận rộn công việc vụn vặt rất ít nghỉ ngơi, rất ít vui chơi, rất ít đi chơi đây đó, luôn luôn bận, luôn cho người ta cảm giác ứng tiếp không xuể, làm đến nỗi mệt mỏi không thể chịu được nữa, như thế thì trí lực và tài năng của bạn sẽ bị hao mòn dần, theo đó hiệu suất công việc cũng giảm đi nhiều. Bạn làm việc 8 tiếng đồng hồ có thể không bằng người khác làm 4 tiếng đồng hồ. 

Phàm những người suốt ngày bận với những việc lặt vặt đều có gánh nặng tâm lý rất nặng nề, tinh thần mệt mỏi, khó có thể sản sinh ý thức sáng tạo cái mới, không có cách gì thực hiện được những công tích dựng nên và sáng tạo độc đắc của mình. Bạn chỉ có thể bò ở phía sau người khác, chỉ có thể theo nề nếp cũ, một đời của bạn tất sẽ bình thường mà thôi. 

Có thể bạn vốn không phải là lớp người bình thường, có tiềm năng sáng tạo to lớn và tài trí thông minh xuất sắc, chỉ vì bạn không thể thoát khỏi vòng bao vây của công việc vụn vặt, quanh năm suốt tháng ngổn ngang trăm mối trong lòng, bận bịu với một số việc vụn vặt hàng ngày, thể xác và tâm hồn bạn suốt cả thời gian dài không được chăm sóc đầy đủ, không thể giữ được tâm trạng nhẹ nhõm vui vẻ thoải mái, không thể giữ được tình cảm mãnh liệt bột phát với công tác nữa. Như thế, tài trí thông minh của bạn tất sẽ bị mai một đi một cách vô hình dẫn đến giảm sút gần hết, tiềm năng sáng tạo của bạn cũng sẽ vĩnh viễn không được phát huy. Điều đó lại càng đáng tiếc đáng buồn hơn, mà tất cả những cái đó bạn thường khó cảm nhận ra. 

Lại có một loại người khác bị những công việc vụn vặt bao vây không thể tự rút ra được, chỉ vì anh ta không thể phân biệt rõ ràng mình rút cuộc nên làm gì, trong lòng không có chí lớn, không có mục tiêu, không có kế hoạch và sách lược, chỉ có thể làm "một ngày làm hòa thượng một ngày đấm chuông". Người như thế là tương đối nhiều trong quần thể người, do tâm tính chí thú của họ đã quyết định họ chỉ có thể đem thời gian và tinh lực dùng để ứng phó những việc vụn vặt hàng ngày, để phát ra sinh mệnh buồn chán, vô vị. Đến cuối cùng trống không chẳng có gì, không thu nhận được kết quả gì, đây đương nhiên là một cuộc đời không làm nên một việc gì cả. 

Chính vì thế, bạn cần phải bứt ra khỏi vòng vây của những việc vụn vặt, trước tiên phải có mục tiêu phấn đấu của cuộc đời rõ ràng. Phải xác định rõ mình làm cái gì không làm cái gì, theo đuổi cái gì vứt bỏ cái gì. 

Mục tiêu phấn đấu của bạn có thể là trừu tượng, chứa đựng rất nhiều, rất nhiều nội dung, còn trên mỗi một chặng trên đường đời, thế giới bên ngoài sẽ luôn luôn nổi lên những cám dỗ mới mẻ đối với bạn, sẽ làm lung lay niềm tin và sự theo đuổi của bạn. 

Lúc này, nhận sự cám dỗ hoặc không nhận cám dỗ có thể làm cho bạn sản sinh tự giải thoát mãnh liệt. Nếu như bạn là một người có khả năng làm nên việc lớn, có phẩm cách kiên cường bạn sẽ có thể có được sự lựa chọn hợp tình hợp lý. Vứt bỏ những cái bạn nên vứt bỏ, theo đuổi những cái bạn nên theo đuổi. Chỉ có điều là có cái vứt bỏ mới có thể có cái theo đuổi, có cái vứt bỏ mới có thể thực hiện được cái theo đuổi. 

Nếu như bạn tầm thường không có năng lực, tâm tính dễ thay đổi, bạn sẽ đứng núi này trông núi nọ, đem niềm tin và sự theo đuổi ban đầu quăng theo vứt bỏ những cái không đáng vứt bỏ, theo đuổi những cái vốn không nên theo đuổi, thậm chí đắm đuối say mê sa ngã trong mọi cám dỗ, không phân rõ trái phải phương hướng biến đổi mình đến nỗi không nhận ra mình nữa. 

Bi kịch của đời người phần nhiều là do mình tạo nên. 

Dù cho có được mục tiêu rõ ràng và phẩm cách kiên cường, mà không có kỹ xảo điều khiển cuộc đời đúng đắn, cũng không thể thoát ra khỏi vòng vây của những việc vụn vặt. 

Bạn còn phải hiểu rằng con người ngoài làm việc ra, còn cần phải có vui chơi giải trí nữa. Một người lớn tuổi thân thể và tâm hồn kiện toàn có đặc trưng tâm lý quan trọnglà: giữ được tâm lý thời trẻ con ham thích vui chơi. Có được tâm lý này, ngoài công tác ra thường thường tham gia vào các cuộc vui chơi bạn sẽ có thể xông ra khỏi vòng vây của công việc vụn vặt. 

Có người tưởng vui chơi chỉ là việc của trẻ con, đó sẽ là sai lầm vô cùng lớn. Thật ra tâm trạng vui chơi mới là tâm trạng thực của con người, tâm trạng người ta cần phải có. Người ta thường dùng tâm trạng thanh thản, thư thái để hưởng thụ cuộc đời, trên thực tế đây chính là vui chơi. Vui chơi hoàn toàn không có ý niệm xấu mà có tính chân lý, hoàn toàn nhẹ nhàng mà không phải là việc làm nhân tạo. Nó là việc chân thành nhất mà lại giàu đức tính nhất, là quần chúng hóa lớn nhất mà lại rất có sức sống. 


Lão Tử - ông thánh am hiểu đường đời nhất đã lớn tiếng hô hào mọi người: 

- Hãy trở về thời trẻ con 

Chính là muốn người ta không nên tự tìm kiếm khổ nào, không nên xem cuộc sống, xem đời người nặng nề đến như thế, không nên vứt bỏ tâm hồn trẻ thơ, không nên xa rời tinh thần vui chơi, cũng chính là muốn người ta tự bứt khỏi cái bận rộn của cuộc sống, tự cứu thoát từ những điều phiền não của những việc vụn vặt. 

Một cuộc đời chưa được thưởng thức mùi vị vui chơi thì được xem là cuộc đời gì?

Đời người thành công, thường thường không phải là do bạn làm nên cái gì, mà là do bạn vứt bỏ cái gì.

- Có cái không làm mới có thể có cái làm nên. Không làm mới dẫn đến có triển vọng. 

"Vô vi nhi vi", dùng thuật ngữ triết học đơn giản dễ hiểu để biểu diễn là "không" và "có". Sự vật mà thế giới mênh mông xem như là không, kỳ thực chính là lấy cái không của nó để làm cái có. Lão Tử có nêu ra ví dụ để minh chứng, đại ý như sau: 

Chỗ trống rỗng của những chỗ trung gian của vành xe và nan hoa, chỗ trống rỗng ở trong các bình chứa, chỗ trống không trong không gian cửa sổ căn phòng đều xem như là không (trống rỗng) mà tác dụng của chúng chính là dùng cái "không" để thực hiện. 

Cho nên, trong toàn bộ quá trình tổ chức vận động của cuộc đời, cần phải vứt bỏ một số cái, lưu lại một số cái ?trống không?, tức có cái không làm, những cái vứt bỏ kia, những chỗ trống không kia, xem như là không (có), nhưng kỳ thực chính là dùng cái không có của nó để thực hiện mục

đích của sinh mệnh, vứt bỏ là để có được, lưu lại chỗ trống không là để bổ khuyết thêm.

Cho nên các nhà hiền triết các đời trước khi mở mang trí tuệ của chúng ta luôn luôn ân cần nhắc nhở mãi không chán: đừng nên mưu toan quá nhiều, đừng nên có ý nghĩ mờ ám quá nặng, đừng nên ham muốn quá tham, đừng nên bị việc vụn vặt bao vây. 


Bạn thoát ra khỏi vòng vây của việc vụn vặt, tự giác vứt bỏ một số, giữ lại một số chỗ "trống rỗng", chăm chú vào việc làm, đừng nên để ý đến điều mong cầu, thì tâm tình của bạn sẽ luôn luôn nhẹ nhõm vui vẻ, cuộc đời của bạn sẽ càng thêm đầy đủ, càng thêm giàu có.
  

Nguyên nhân..


Thầy lang bắt mạch xong hỏi người bệnh:
- Cô có bị sốc lần nào không?
- Sốc ạ?
- Có hay lo buồn, sợ hãi, bất an không?
- Nhưng… có liên quan gì đến bệnh ngoài da ạ? - Bệnh nhân ngạc nhiên.
- Nó liên quan đến máu trong người cô. Bệnh này có nhiều nguyên nhân. Có thể do máu của cô có độc tố. Loại chất độc này sinh ra từ những lần bị sốc hoặc lo buồn giận dữ, kết hợp với độc tố trong thức ăn từ ngoài đưa vào. Nếu đúng là nguyên nhân này thì thuốc xức ngoài da chỉ là chữa ngọn. Còn muốn chữa tận gốc thì… Cô làm nghề gì?


Người bệnh ngập ngừng.
- Nghề nghiệp cũng liên quan đến bệnh tật. Tôi đang tìm nguyên nhân - Thầy lang nói.
- Con biết, nhưng tại con nhiều nghề quá.
- Có kể ra được không?
- Dạ được, nhưng dài lắm. Con đi Tây lúc 28 tuổi. Cái quốc gia đảo này thầy không biết đâu. Con cũng chưa từng nghe người nào ở trong nước nói là đã tới đó du lịch hay học tập, hội thảo bao giờ. Thế mà đám nhà quê chúng con lại biết đường sang đấy nhiều lắm nhá. Con là đứa con gái xấu nhất nhà, thua xa cả mẹ con. Vậy mà sang đó con lại là đứa nhan sắc nhất trong cộng đồng. Bà chủ nhà cứ bảo con không phải người Việt. Bà ta nói: “Mày phải là người Hoa, người Phi (Philippines) hay In-đô (Indonesia), không phải Việt Nam đâu. Con gái Việt xấu”.  “Sao bà biết? - con cãi - Ở Việt Nam con gái đẹp có đầy, nhưng họ lên thành phố cả rồi. Họ có chỗ của họ. Chỉ có nhà quê chân đất mắt toét như chúng tôi mới sang đây làm những việc này thôi”. Chắc chắn bà ta không hiểu hết, nhưng bà ta biết con phản ứng. Con lôi xấp ảnh dưới đáy vali ra làm chứng: “Đây là mẹ tôi, đây là các em tôi, đây là con tôi. Bà thấy chưa! Họ đều đẹp. Chỉ mỗi tôi là xấu nhất thôi”. Bà chủ cầm ngắm mấy tấm ảnh, nói: “Ồ! Người Việt chúng mày cũng đẹp thế này à! Nhưng nhìn ảnh không đúng đâu, không tin. Khi môi giới đem ảnh tới chào hàng thấy đứa nào cũng được. Lúc người sang thì khác. Sao người Việt răng xấu thế!”.
Đó là bà chủ nhà tốt với con nhất. Để con kể thứ tự thầy nghe. Nhà đầu tiên môi giới đưa con đến là phục vụ một người đàn ông cụt một chân. Lương 400 đô một tháng. Nó bắt con dìu đi. Nó nặng 136 ký lô mà con chỉ có năm chục ký. Một tay nó quàng lên vai con bắt dìu, tay kia liền sờ soạng. Người nó thì hôi. Con giãy ra làm nó ngã ngồi xuống kéo theo cả con. Thế là đi tong một điều ước.
Nhà thứ hai môi giới đưa con đến là trông trẻ. Mỗi lần đổi chỗ làm con phải trả công cho môi giới một tháng lương đầu. Trông trẻ thì được. Hai đứa trẻ con Tây đẹp lắm thầy ạ. Chỉ khổ nỗi con không ăn được đồ ăn của nhà chủ. Nó suốt ngày ăn súp đậu. Nó thường cho con ăn những hộp súp thừa để tủ lạnh đã nhiều ngày, có khi chỉ mỗi một cái xương đầu cá không còn ăn được chỗ nào. Bánh mì cũng chỉ có bơ mặn bào ra rắc lên. Con không ăn được bơ cũng không thích bánh mì. Một tháng đầu con sút hết 10 ký lô. Làm hơn một tháng, sang tháng thứ hai vẫn không thấy nhà chủ nói gì tới tiền lương. Khi môi giới tới lấy tiền công không có, nó nói chuyện với nhà chủ một lúc rồi bảo con: “Thôi thu xếp đồ đạc đi chỗ khác. Bỏ mấy trăm tiền công ở đây đi”. Con vào thu xếp quần áo định sẽ hỏi môi giới sau. Nhưng con mới xách vali ra đến sân thì chủ nhà chạy ra túm lấy con giữ lại. Nó bảo muốn đi phải đưa cho nó năm trăm mới được ra khỏi nhà, nếu không nó sẽ gọi cảnh sát nói là con đã hành hạ đánh đập con nó, bắt trục xuất về nước!
- Tây mà cũng thế à. Cuối cùng thế nào?
- Chưa cuối cùng thầy ạ. Lúc ấy con chỉ biết cầu cứu môi giới, nhưng nó định đi bỏ mặc con. Con hoảng quá bảo nó: “Mày có muốn tao gọi về bên nhà nói cả họ nhà tao đến đập nát cái nhà mới xây của chồng con mày không?”. Thế là môi giới phải móc điện thoại gọi người mang tới đủ 500 đô đưa cho nhà chủ cho con thoát ra.
- Sao không báo cho tổ chức đã đưa mình đi?
- Làm gì có tổ chức nào hở thầy. Chúng con đi theo đường dây lậu tự phát. Ở đó không có sứ quán Việt Nam, không có hiệp hội bảo vệ người lao động Việt Nam. Người của Philippines, Indonesia sang đấy giúp việc cũng nhiều, nhưng họ có sứ quán, có hiệp hội nên không bị bắt nạt.
Môi giới lại đưa con đến nhà thứ ba. Nhà này có hai vợ chồng ông bà chủ và ba thằng con trai. Thằng con lớn bằng tuổi con lúc ấy, khoảng gần ba mươi. Bà chủ suốt ngày ở siêu thị, nhà họ có hẳn một siêu thị cỡ nhỏ. Ở đây con gặp được một chị cũng người Việt, 38 tuổi, đã làm ở nhà này hai năm rồi. Lúc đầu vui lắm. Hai chị em ở chung trong một cái container, mua gạo Thái Lan về nấu cơm ăn, chuyện trò cả đêm. Nhưng về sau lão chủ già với thằng con lớn cứ rình rập gạ gẫm con. Lão già có hôm tắm xong không mặc quần áo quấn mỗi cái khăn tắm đi ra bảo con: mày sờ vào đây một cái tao cho mười “ơ”. Lão lại hay ở nhà vì đã đến tuổi nghỉ hưởng trợ cấp. Con không biết phải làm sao, chỉ thấy sợ. Con kể với chị cùng làm người Việt. Nhưng hôm sau chị ta bỗng dưng dở chứng bịa đặt nói xấu con với bà chủ. Lúc ấy con chưa nói được nhiều nên không cãi được. Điên quá, con lao vào túm lấy chị ta giã cho một trận tơi bời. Thế là con bị đuổi.
Thầy lang khẽ lắc đầu. Bệnh nhân cười ngượng: Vâng, nhục lắm thầy ạ. Lúc ra đến ngoài đường con không nghĩ được gì, không biết đi đâu. Luật ở đây chỉ cho người giúp việc được phép chuyển nhà chủ ba lần. Nhà này đã là nhà thứ ba, hết ba điều ước rồi. Lúc ấy con cứ tưởng thế là hết mọi cánh cửa. Con chỉ nghĩ đến cái chết chứ không thể về nước được. Con đã bảo với thầy là chúng con đi theo đường dây tự phát, người này dắt dây người kia. Chi phí làm visa với vé máy bay tất tật hết có một nghìn đô, thế mà môi giới nó lấy của con bảy nghìn, cộng với lãi vay và chi phí đi lại tàu xe trong nước nữa, tới lúc đó con đã nợ tám nghìn. Về thì làm sao. Mà chết thì con con ai nuôi.
- Không nghĩ được gì mà nghĩ nhiều thế. Thế bố chúng nó đâu?        
- Vâng - bệnh nhân lại cười - nói là nghĩ chứ nó chỉ thoáng qua đầu nhanh lắm thầy ạ. Chồng con á? Lúc sắp đi con có mua cho nó một cái di động bảo để thỉnh thoảng nhắn tin cho đỡ tốn tiền. Nhưng nhắn không được gọi mãi cũng không được, thì ra nó bán rồi. Sốt ruột con gọi máy bàn nhắn cả ba bố con ra quán net nói chuyện, để con nhìn thấy bọn trẻ. Nhưng có nói được gì đâu. Nó chỉ khóc thôi. Hỏi gì cũng không nói, chỉ khóc. Sau con nghe tin nó cặp với một đứa ở gần đấy, bỏ bê con cái. Con gọi về hỏi nó cũng không giấu. Nó vốn là đứa hiền lành, nó không chịu được cô đơn. Nghĩ vậy nên con bảo thôi chuyện đã xảy ra rồi không nói đến nữa, chỉ cần dứt khoát với con kia. Nhưng khổ, nó không bỏ được con kia. Con gọi về nhà con kia gặp chồng nó tính bàn chuyện “hợp tác”, nhưng thằng chồng nát rượu ấy bảo: “Tôi chỉ cần mỗi ngày nó mang về cho tôi một chai là được, còn nó muốn làm gì thì làm!”. Mệt quá, con bảo thằng chồng con hãy lựa chọn đi. Thế là cắt đứt, nó tay không ra khỏi nhà để hai đứa trẻ ở lại nhà ngoại. Chúng con chưa có nhà riêng, vẫn ở nhà của bố mẹ con với vợ chồng cậu em. Vì vậy con mới phải đi, tính cố cày vài năm kiếm lấy mấy trăm nghìn về mua miếng đất làm cái nhà riêng ở.
- Không biết chờ đợi. Phải cho nó thời gian chứ.  
- Dạ? Vâng, để con kể tiếp. Khi trời sắp tối con mới cuống lên gọi điện cho những người sang cùng chuyến bay hỏi xem có ai có chỗ cho con trú nhờ một đêm không. Những người thuê nhà thường chung nhau bốn, năm người thuê một phòng nên ở nhờ cũng phiền, chỉ dám tá túc mỗi chỗ một, hai ngày. Con vất vưởng mất đúng 10 ngày. 10 ngày dài chui nhủi không làm ra tiền, ra đường thì sợ cảnh sát. Con bắt đầu hoảng loạn gọi điện tứ tung. May cuối cùng con tìm được một đứa tên Mận, lúc đó cũng đang bất hợp pháp nhưng có chỗ làm. Nó giúp việc cho ba nhà nhưng chỉ ăn một lương. Tức là ba nhà họ chung tiền lại thuê một mình nó làm cho đỡ tốn. Họ cho nó một cái container làm chỗ ở và nó cho con ở nhờ.
Mận giới thiệu cho con một chỗ làm chui, cũng như nó, không cần hợp đồng. Gia đình này có ba người, hai ông bà già với anh con trai 37 tuổi. Mận nói ở đó tuy chỉ làm cho một nhà nhưng phải ở trong nhà họ suốt ngày đêm không được thò mặt ra ngoài. Nó thà làm cho ba nhà nhưng hết giờ được về chỗ của mình, muốn cười thì cười muốn khóc thì khóc. Nhưng với con lúc ấy là may lắm rồi. Hai ông bà già lại rất tử tế, thấy con quen ăn đồ ăn thừa như ở nhà chủ trước, hai ông bà nói như vậy không được. Dù làm gì mình cũng là con người, phải yêu cầu được đối xử như với con người. Con cảm ơn, phục vụ họ hết mình để đáp lại. Bất cứ giờ nào không kể ngày đêm họ yêu cầu gì con cũng làm. Đêm con ngồi chờ khi nào họ ngủ con mới đi ngủ… Được nửa năm thì ông bà chủ tự nhiên lại nảy ý muốn con lấy anh con trai của họ. “Nó thích mày”, họ cứ bảo vậy. Con nói con còn hai đứa con ở bên nhà. Họ bảo cứ đưa cả hai đứa con mày sang đây. Nhưng, đưa con mình sang đấy rồi sao? Mình chả có gì, nhà cửa mọi thứ đều lệ thuộc vào họ. Thà làm thuê còn được trả lương, chứ làm con dâu nhà họ vẫn phải làm hết mọi việc mà còn không có lương. Con từ chối, nói là con không có ý định ở lại đây. Thuyết phục mãi không được, sau bà chủ sinh ra cáu gắt, cứ hành con bảo rửa đĩa chưa sạch, lau nhà còn vết bắt làm lại. Anh con trai lúc trước đi về còn hay cười đùa sau cũng lầm lì. Trong nhà mất hẳn không khí vui vẻ. Mà con cũng bắt đầu sốt ruột. Nghe những người khác họ đi hái cam, hái ô-liu kiếm tiền ầm ầm. Còn con một tháng chỉ có đúng 400 đô tiền lương gửi về, biết bao giờ mới hết nợ. Gọi về nhà lần nào cũng chỉ nói chuyện tiền. Tiền nợ tiền lãi đã tới kỳ, tiền con vào năm học mới, rồi người nọ người kia trong gia đình khó khăn cần tiền chạy việc, làm nhà… đủ thứ.
Một lần bà chủ lại gây sự, bảo cà phê sáng nay không ngon, rồi bếp lau chùi chưa sạch bắt làm lại. Con nghĩ cứ thế này thì không được rồi. Lúc đó con không còn sợ như hồi đầu nữa. Cứ ra ngoài làm chưa chắc đã bị bắt. Có bị bắt cũng chưa chắc bị trục xuất. Như cái Mận đấy, nó cũng bị bắt nhưng nhờ có người lo cho vẫn ở lại được. Thế là con vào thu xếp quần áo rồi ra nói chuyện với ông bà chủ. Con nói con rất cảm ơn, nhưng đã đến lúc con không ở đây được nữa. Đây là vali của con, ông bà kiểm tra đi. Bà già khóc. Con rất yêu quý bà ấy nhưng con không thể ở lại được.   
Ra ngoài, con nhận được điện thoại gọi đến làm cho một trang trại trồng rau, công 35 đô một ngày, nghe mừng quá. Nhưng lúc vào làm mới biết, chủ vườn hễ muốn là ông ta dằn người làm xuống ngay tại vườn. Con chắp tay lạy bảo xin hãy đối xử với tôi như với một con người. “What?”, ông ta cười hố hố, rồi bỏ đi không ép. Nhưng con bị mất việc.
Cũng may đã đến mùa thu hoạch nho. Nho ở đó trái to, ngọt lịm, gốc cây to bằng bắp chân mình ấy, vừa cắt vừa ăn ngon ơi là ngon! Bữa trưa chủ vườn cho ăn bánh mì tại vườn, chiều tối trả luôn tiền công 35 đô, lại còn cho một túi nho to xách về ăn. Làm mười ngày con đã có 350 đô. Mận thấy vậy cũng muốn ra ngoài làm, không muốn làm trong nhà nữa. Vậy là phải thuê nhà ở. Hai đứa thuê chung một phòng nhỏ 500 đô một tháng, trong phòng có một cái tivi. Một tối hai đứa mua mề gà về đang hí hoáy xào nấu thì thấy trên tivi hiện ra cảnh năm người Việt đi cắt nho bị cảnh sát bắt, thế là ăn mất ngon.
Mấy ngày sau tivi lại phát cảnh con gái Việt đi làm gái, đứng đón xe, nhảy lên xe con đi khách ngay trên xe. Rồi cảnh những người Việt buổi tối ra bờ biển bán những thứ tai mũi lưỡi với lòng gia súc, bán rau, bán cơm hộp cho người Việt, bị họ quay lên truyền hình. Toàn dân nhà quê mặc đồ mô-đen bản xứ mua ở hàng đồ cũ, nhìn người đi đằng người quần áo đi đằng quần áo, thấy mà xấu hổ. Rồi lại một đứa con gái Việt dở chứng đập phá đồ đạc nhà chủ rồi nhảy múa la hét cười ghê rợn. Cảnh sát đến lôi lên xe chở ra sân bay tống lên máy bay, vậy là xong. Nhưng… từ đấy về Việt Nam còn chuyển máy bay một chặng nữa, điên điên dở dở vậy chả biết có về được đến nhà không? Cái Mận bảo con: “Mày phải kiếm một lão già làm chỗ dựa đi, nếu có gặp rắc rối gì còn có người đứng ra lo cho”.
Thì ra Mận đã cặp với một ông già ngoài sáu mươi, đã đến tuổi hưởng trợ cấp. Người già ở đây cứ tới tuổi 63 trở đi đều có tiền trợ cấp hằng tháng. Ông già trả tiền nhà cho nó, cho nó tiền cạc điện thoại để gọi về bên nhà, cái tivi trong phòng cũng là của ông già mang tới. Cứ vài ngày ông ấy lại lái xe đến chở nó đi chơi đi ăn vào buổi tối. Ban ngày nó vẫn đi cắt nho với con. Chủ vườn cho xe tới chở đi đón về tận nhà, chỉ cần thận trọng lúc lên xe xuống xe. Những người bị cảnh sát tóm đều bị tóm vào lúc này. Nhờ ông già của Mận giới thiệu, con có thêm việc rửa bát đĩa ban đêm ở một nhà hàng. Các chủ nhật con gần như làm 24/24, tay con trắng bợt ra, nhăn nhúm vì ngâm xút, lưng mỏi nhừ. Có ngày ngủ dậy lưng đau không nhúc nhích được, phải một lúc thật lâu mới bò được xuống giường, nhưng làm có tiền nên cũng lướt qua hết thầy ạ.
Hết hai vụ nho tím nho xanh con đã kiếm được khá khá gửi về. Nhưng càng ngày cảnh sát càng truy bắt gắt gao những người Việt bất hợp pháp. Con và Mận phải chuyển đến làm trong một trang trại trồng hoa ở xa hơn. Chủ vườn hoa đã có một đứa con gái Việt đang sống chung nên không có chuyện như chủ vườn rau kia. Nhưng bà chủ hờ người Việt nó quá hiểu người mình nên chỉ trả công ngày 30 đô, lại không đi rửa bát đêm được. Tuy vậy, muốn an toàn hơn thì phải chịu thôi. Hằng ngày chúng con dậy thật sớm cắt đủ một xe ô tô hoa để chủ vườn kịp chở đi bán lúc bảy giờ. Xong thì làm cỏ, phun thuốc, tưới phân, chả lúc nào hết việc. Chủ cũng cho hai đứa một cái container để ở ngoài vườn, không có điện. Bình ắc-quy chỉ thắp được một bóng đèn nhỏ bằng đốt ngón tay, muốn sạc pin điện thoại cũng không được, con phải sắm hai cái điện thoại để luân phiên sạc nhờ trong nhà chủ. Những ngày nóng 45 độ buổi trưa không thể ở trong nhà nổi 15 phút, chúng con phải lang thang ngoài vườn hoa. Hoa đẹp lắm thầy ạ. Hoa hồng, hoa lyz bông to, thơm nức. Vậy mà có ngày bán không hết bị ế đổ đi cả đống, con cứ nhìn mà tiếc.
Tối ba mươi tết năm ấy chả biết làm gì con ôm một mớ hoa ế về để ngâm trong thùng nước, thơm nức khắp nhà. Cái Mận nhìn bảo: “Ừ. Giá có hương mà đốt nhỉ”. Rồi nó uốn éo múa hát chầu văn. Con quát lên: “Này, làm gì đấy?”. Nó vẫn cứ nhảy múa. Con chạy ra ngoài đứng khóc nó mới cười bảo mày tưởng tao điên à? Tao đang vui đấy chứ. Tết này nữa là tao hết nợ rồi. Sướng quá. Sướng quá. Lúc ấy con mới thở phào. Trước tết con đã vay trước nó một tháng lương để gửi về cho thành một món, đến lúc ấy coi như con cũng trả được hết nợ ở nhà rồi. Chỉ có hai năm con đã trả sạch nợ mà vẫn có tiền ăn tiền học cho bọn trẻ nữa. Lẽ ra con cũng phải vui chứ.
Lúc trước con nghĩ chỉ cần trả hết nợ là về, về ngay. Nhưng bây giờ nghĩ lại, định đi kiếm tiền về xây nhà, chả nhẽ giờ về tay không. Làm ở đây một tháng cũng để dành ra được năm trăm, cũng bằng chục triệu tiền mình, về nhà làm gì cho được chục triệu một tháng. Thế là lại ở lại, bao giờ bị tóm hãy hay. Con vẫn đau lưng, rồi đau cổ tay, tê các đầu ngón tay. Mùa đông có lúc đau quá con phải đi chữa lấy thuốc hai lần, rồi thôi. Ở đấy đi chữa bệnh tốn nhiều tiền lắm, mà cũng không diễn tả cho bác sĩ hiểu hết được. Thế là thôi cứ gắng làm, cũng chả còn nghĩ đến nhan sắc nữa. 
Vậy nhưng khi Mận vừa nói ở bên nhà muốn nó đưa sang một bà chị họ, con đã hỏi ngay: “Nó có xấu lắm không?”. Cái Mận bảo có xấu thì bà ấy mới phải tính chuyện sang đây. Con vẫn chưa quên câu “con gái Việt Nam xấu” của bà chủ nhà lúc trước… Nhưng chị họ của Mận chưa kịp sang thì nghe tin người ta đã đóng cửa không cho người Việt Nam sang, không cấp visa cho người Việt nữa.
Con thấy lo, cũng liều cho số điện thoại nhờ người kiếm cho một ông già làm chỗ dựa như Mận. Nhưng lúc nhìn thấy lão già râu tóc bạc thếch, tay run lẩy bẩy, con lại không thể, nghĩ thế này thì khổ quá. Thôi cứ đến đâu thì đến vậy.
- Cô có nhà riêng chưa?
- Rồi thầy ạ. Cũng may lúc bị trục xuất con cũng đã để ra được hơn chục nghìn đô. Đất ở quê bấy nhiêu cũng mua được một mảnh, con xây vài chục mét ở, còn để trồng rau ăn - Bệnh nhân nhìn quanh - Thầy cũng ế nhỉ. Từ sáng tới giờ chả thấy ai đến, có mỗi mình con.
- Thế ai chỉ cô tới đây?
- Có ai chỉ đâu. Con đi chữa khắp nơi mà vẫn không dứt hẳn được, chán quá, tự nhiên đi ngang qua đây thấy có thuốc phơi ngoài sân, con nghĩ hay vào đại đây xem sao, biết đâu gặp thầy gặp thuốc.
- Cô gặp thầy gặp thuốc rồi đấy. Nhưng có chữa hết được không còn do cô.
- Nhiều tiền lắm hở thầy?
- Không nhiều, thuốc rẻ lắm, rẻ như rau như cám thôi. Đây là thuốc uống trong, đây là thuốc xức ngoài. Nhưng khi uống thuốc phải kiêng ăn những thứ ghi trong này.
- Kiêng nhiều thế này cơ ạ? Phải ăn kiêng bao lâu ạ?
- Đến bao giờ hết hẳn bệnh. Còn nữa, trong thời gian uống thuốc tinh thần phải vui. Làm gì cứ làm nhưng quẳng hết mọi lo nghĩ buồn phiền đi. Không nghĩ đến tiền. Ăn thế này chỉ cần ngày chục nghìn cũng đủ rồi, đúng không?
- Vâng. Nhưng ... 
- Khi nào bệnh hết hẳn thì quay lại đây, còn nếu không hết được thì thôi.
- Dạ vâng. Con biết tại sao thầy ít khách rồi.  

Lòng người....- Khổng Tử




Lòng người nham hiểm hơn núi sông, biết người còn khó hơn biết trời.Trời còn có xuân hạ thu đông và sáng tối, còn người, bên ngoài tỏ ra chân thực, nhưng thế giới nội tâm lại giữ kín, ẩn tàng không lộ, mấy ai lường được đáy lòng.Có người bên ngoài ôn hậu hiền lành, hành vi lại kiêu căng ngạo mạn, không có việc gì lợi là không làm; có người bộ dạng như trưởng giả, thực ra là tiểu nhân; Có người bên ngoài nhu mì, nhưng nội tâm cương trực; Có người xem có vẻ kiên trinh, thực tế lại nhút nhát; Có người bên ngoài thế gian các hiện tượng chân chân giả giả, hư hư thực thực như vậy, nếu không phải là người minh trí của thiên hạ thì ai mà phân biệt rõ được? Bình tĩnh ung dung, nhưng trong lòng lại phiền não bất an.
Có người trông vẻ trang trọng, thực tế lại không đứng đắn; có người trông vẻ hiền lành, đôn hậu nhưng lại đi trộm cắp; có người bên ngoài cung cung kính kính, trong lòng lại nguyền rủa miệt thị người khác; có người trông bộ chuyên tâm thành ý, thực ra lòng dạ thay đổi thất thường; có người trông vẻ xông xáo, thực ra chẳng làm nên việc gì; có người xem có vẻ quả cảm quyết đoán, thực ra do dự không quyết được việc gì; có người trông bộ ngu ngơ, ngược lại rất chân thực trung thành; có người trông chậm chạp, nhưng làm việc lại có hiệu quả; có người bên ngoài hung dữ mà trong lòng nhát gan; có người không biết gì nhưng lại coi thường người khác; có người không gì không làm được, không gì không thông, nhưng người đời lại coi thường họ, chỉ có thánh nhân rất coi trọng họ, người bình thường không thể hiểu rõ về họ, chỉ có người rất hiểu biết mới nhìn rõ chân tướng. Ở trên đều là hiện tượng phức tạp không thống nhất giữa diện mạo bên ngoài và bên trong.
Người tùy tiện hứa hẹn làm đẹp lòng người khác, trên thực tế loại người này lại ít giữ chữ tín; người việc gì cũng nhúng tay vào giống như đa tài đa nghệ, một khi cần họ thể hiện tài năng thực sự thì không thể hiện được; người quyết chí tiến thủ trông vẻ kiên quyết một lòng một dạ, nhưng loại người này lòng nhiệt tình không bền lâu; người bới lông tìm vết trông vẻ rất rạch ròi, trên thực tế chỉ chuốc thêm rắc rối; người hay đáp ứng thế này thế kia với người khác tợ như thích ban ân huệ cho người, nhưng loại người này thường nói không nghĩ tính; người ở trước mặt ngoan ngoãn phục tùng có vẻ trung thành, nhưng loại người này đa số đều có lòng phản trắc. Đó đều là những hình tượng điển hình về "tợ phải mà không phải", các đại chính trị gia trông có vẻ gian trá, nhưng lại là những người có thể làm nên đại sự; người có trí tuệ trông tợ như ngu ngốc, nhưng trong lòng lại mang chí nguyện lớn.
Nếu sự khác biệt giữa thông tuệ và ngu muội dễ phân biệt giống như hoa qùy và rau rền vậy, thì có gì mà không nhận ra? Nhưng thông tuệ và ngu dốt lại giống như cỏ sâu róm và mầm mạ vậy, thường tợ phải mà không phải, rất khó phân biệt.
Nếu sự khác biệt giữa người và người giống như núi Thái Sơn và con kiến, như biển cả và lục địa, thì quá dễ phân biệt. Nhưng trên thực tế, muốn phân biệt người ngay kẻ gian rất khó. 

Khổng Tử