NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Nguyên nhân..


Thầy lang bắt mạch xong hỏi người bệnh:
- Cô có bị sốc lần nào không?
- Sốc ạ?
- Có hay lo buồn, sợ hãi, bất an không?
- Nhưng… có liên quan gì đến bệnh ngoài da ạ? - Bệnh nhân ngạc nhiên.
- Nó liên quan đến máu trong người cô. Bệnh này có nhiều nguyên nhân. Có thể do máu của cô có độc tố. Loại chất độc này sinh ra từ những lần bị sốc hoặc lo buồn giận dữ, kết hợp với độc tố trong thức ăn từ ngoài đưa vào. Nếu đúng là nguyên nhân này thì thuốc xức ngoài da chỉ là chữa ngọn. Còn muốn chữa tận gốc thì… Cô làm nghề gì?


Người bệnh ngập ngừng.
- Nghề nghiệp cũng liên quan đến bệnh tật. Tôi đang tìm nguyên nhân - Thầy lang nói.
- Con biết, nhưng tại con nhiều nghề quá.
- Có kể ra được không?
- Dạ được, nhưng dài lắm. Con đi Tây lúc 28 tuổi. Cái quốc gia đảo này thầy không biết đâu. Con cũng chưa từng nghe người nào ở trong nước nói là đã tới đó du lịch hay học tập, hội thảo bao giờ. Thế mà đám nhà quê chúng con lại biết đường sang đấy nhiều lắm nhá. Con là đứa con gái xấu nhất nhà, thua xa cả mẹ con. Vậy mà sang đó con lại là đứa nhan sắc nhất trong cộng đồng. Bà chủ nhà cứ bảo con không phải người Việt. Bà ta nói: “Mày phải là người Hoa, người Phi (Philippines) hay In-đô (Indonesia), không phải Việt Nam đâu. Con gái Việt xấu”.  “Sao bà biết? - con cãi - Ở Việt Nam con gái đẹp có đầy, nhưng họ lên thành phố cả rồi. Họ có chỗ của họ. Chỉ có nhà quê chân đất mắt toét như chúng tôi mới sang đây làm những việc này thôi”. Chắc chắn bà ta không hiểu hết, nhưng bà ta biết con phản ứng. Con lôi xấp ảnh dưới đáy vali ra làm chứng: “Đây là mẹ tôi, đây là các em tôi, đây là con tôi. Bà thấy chưa! Họ đều đẹp. Chỉ mỗi tôi là xấu nhất thôi”. Bà chủ cầm ngắm mấy tấm ảnh, nói: “Ồ! Người Việt chúng mày cũng đẹp thế này à! Nhưng nhìn ảnh không đúng đâu, không tin. Khi môi giới đem ảnh tới chào hàng thấy đứa nào cũng được. Lúc người sang thì khác. Sao người Việt răng xấu thế!”.
Đó là bà chủ nhà tốt với con nhất. Để con kể thứ tự thầy nghe. Nhà đầu tiên môi giới đưa con đến là phục vụ một người đàn ông cụt một chân. Lương 400 đô một tháng. Nó bắt con dìu đi. Nó nặng 136 ký lô mà con chỉ có năm chục ký. Một tay nó quàng lên vai con bắt dìu, tay kia liền sờ soạng. Người nó thì hôi. Con giãy ra làm nó ngã ngồi xuống kéo theo cả con. Thế là đi tong một điều ước.
Nhà thứ hai môi giới đưa con đến là trông trẻ. Mỗi lần đổi chỗ làm con phải trả công cho môi giới một tháng lương đầu. Trông trẻ thì được. Hai đứa trẻ con Tây đẹp lắm thầy ạ. Chỉ khổ nỗi con không ăn được đồ ăn của nhà chủ. Nó suốt ngày ăn súp đậu. Nó thường cho con ăn những hộp súp thừa để tủ lạnh đã nhiều ngày, có khi chỉ mỗi một cái xương đầu cá không còn ăn được chỗ nào. Bánh mì cũng chỉ có bơ mặn bào ra rắc lên. Con không ăn được bơ cũng không thích bánh mì. Một tháng đầu con sút hết 10 ký lô. Làm hơn một tháng, sang tháng thứ hai vẫn không thấy nhà chủ nói gì tới tiền lương. Khi môi giới tới lấy tiền công không có, nó nói chuyện với nhà chủ một lúc rồi bảo con: “Thôi thu xếp đồ đạc đi chỗ khác. Bỏ mấy trăm tiền công ở đây đi”. Con vào thu xếp quần áo định sẽ hỏi môi giới sau. Nhưng con mới xách vali ra đến sân thì chủ nhà chạy ra túm lấy con giữ lại. Nó bảo muốn đi phải đưa cho nó năm trăm mới được ra khỏi nhà, nếu không nó sẽ gọi cảnh sát nói là con đã hành hạ đánh đập con nó, bắt trục xuất về nước!
- Tây mà cũng thế à. Cuối cùng thế nào?
- Chưa cuối cùng thầy ạ. Lúc ấy con chỉ biết cầu cứu môi giới, nhưng nó định đi bỏ mặc con. Con hoảng quá bảo nó: “Mày có muốn tao gọi về bên nhà nói cả họ nhà tao đến đập nát cái nhà mới xây của chồng con mày không?”. Thế là môi giới phải móc điện thoại gọi người mang tới đủ 500 đô đưa cho nhà chủ cho con thoát ra.
- Sao không báo cho tổ chức đã đưa mình đi?
- Làm gì có tổ chức nào hở thầy. Chúng con đi theo đường dây lậu tự phát. Ở đó không có sứ quán Việt Nam, không có hiệp hội bảo vệ người lao động Việt Nam. Người của Philippines, Indonesia sang đấy giúp việc cũng nhiều, nhưng họ có sứ quán, có hiệp hội nên không bị bắt nạt.
Môi giới lại đưa con đến nhà thứ ba. Nhà này có hai vợ chồng ông bà chủ và ba thằng con trai. Thằng con lớn bằng tuổi con lúc ấy, khoảng gần ba mươi. Bà chủ suốt ngày ở siêu thị, nhà họ có hẳn một siêu thị cỡ nhỏ. Ở đây con gặp được một chị cũng người Việt, 38 tuổi, đã làm ở nhà này hai năm rồi. Lúc đầu vui lắm. Hai chị em ở chung trong một cái container, mua gạo Thái Lan về nấu cơm ăn, chuyện trò cả đêm. Nhưng về sau lão chủ già với thằng con lớn cứ rình rập gạ gẫm con. Lão già có hôm tắm xong không mặc quần áo quấn mỗi cái khăn tắm đi ra bảo con: mày sờ vào đây một cái tao cho mười “ơ”. Lão lại hay ở nhà vì đã đến tuổi nghỉ hưởng trợ cấp. Con không biết phải làm sao, chỉ thấy sợ. Con kể với chị cùng làm người Việt. Nhưng hôm sau chị ta bỗng dưng dở chứng bịa đặt nói xấu con với bà chủ. Lúc ấy con chưa nói được nhiều nên không cãi được. Điên quá, con lao vào túm lấy chị ta giã cho một trận tơi bời. Thế là con bị đuổi.
Thầy lang khẽ lắc đầu. Bệnh nhân cười ngượng: Vâng, nhục lắm thầy ạ. Lúc ra đến ngoài đường con không nghĩ được gì, không biết đi đâu. Luật ở đây chỉ cho người giúp việc được phép chuyển nhà chủ ba lần. Nhà này đã là nhà thứ ba, hết ba điều ước rồi. Lúc ấy con cứ tưởng thế là hết mọi cánh cửa. Con chỉ nghĩ đến cái chết chứ không thể về nước được. Con đã bảo với thầy là chúng con đi theo đường dây tự phát, người này dắt dây người kia. Chi phí làm visa với vé máy bay tất tật hết có một nghìn đô, thế mà môi giới nó lấy của con bảy nghìn, cộng với lãi vay và chi phí đi lại tàu xe trong nước nữa, tới lúc đó con đã nợ tám nghìn. Về thì làm sao. Mà chết thì con con ai nuôi.
- Không nghĩ được gì mà nghĩ nhiều thế. Thế bố chúng nó đâu?        
- Vâng - bệnh nhân lại cười - nói là nghĩ chứ nó chỉ thoáng qua đầu nhanh lắm thầy ạ. Chồng con á? Lúc sắp đi con có mua cho nó một cái di động bảo để thỉnh thoảng nhắn tin cho đỡ tốn tiền. Nhưng nhắn không được gọi mãi cũng không được, thì ra nó bán rồi. Sốt ruột con gọi máy bàn nhắn cả ba bố con ra quán net nói chuyện, để con nhìn thấy bọn trẻ. Nhưng có nói được gì đâu. Nó chỉ khóc thôi. Hỏi gì cũng không nói, chỉ khóc. Sau con nghe tin nó cặp với một đứa ở gần đấy, bỏ bê con cái. Con gọi về hỏi nó cũng không giấu. Nó vốn là đứa hiền lành, nó không chịu được cô đơn. Nghĩ vậy nên con bảo thôi chuyện đã xảy ra rồi không nói đến nữa, chỉ cần dứt khoát với con kia. Nhưng khổ, nó không bỏ được con kia. Con gọi về nhà con kia gặp chồng nó tính bàn chuyện “hợp tác”, nhưng thằng chồng nát rượu ấy bảo: “Tôi chỉ cần mỗi ngày nó mang về cho tôi một chai là được, còn nó muốn làm gì thì làm!”. Mệt quá, con bảo thằng chồng con hãy lựa chọn đi. Thế là cắt đứt, nó tay không ra khỏi nhà để hai đứa trẻ ở lại nhà ngoại. Chúng con chưa có nhà riêng, vẫn ở nhà của bố mẹ con với vợ chồng cậu em. Vì vậy con mới phải đi, tính cố cày vài năm kiếm lấy mấy trăm nghìn về mua miếng đất làm cái nhà riêng ở.
- Không biết chờ đợi. Phải cho nó thời gian chứ.  
- Dạ? Vâng, để con kể tiếp. Khi trời sắp tối con mới cuống lên gọi điện cho những người sang cùng chuyến bay hỏi xem có ai có chỗ cho con trú nhờ một đêm không. Những người thuê nhà thường chung nhau bốn, năm người thuê một phòng nên ở nhờ cũng phiền, chỉ dám tá túc mỗi chỗ một, hai ngày. Con vất vưởng mất đúng 10 ngày. 10 ngày dài chui nhủi không làm ra tiền, ra đường thì sợ cảnh sát. Con bắt đầu hoảng loạn gọi điện tứ tung. May cuối cùng con tìm được một đứa tên Mận, lúc đó cũng đang bất hợp pháp nhưng có chỗ làm. Nó giúp việc cho ba nhà nhưng chỉ ăn một lương. Tức là ba nhà họ chung tiền lại thuê một mình nó làm cho đỡ tốn. Họ cho nó một cái container làm chỗ ở và nó cho con ở nhờ.
Mận giới thiệu cho con một chỗ làm chui, cũng như nó, không cần hợp đồng. Gia đình này có ba người, hai ông bà già với anh con trai 37 tuổi. Mận nói ở đó tuy chỉ làm cho một nhà nhưng phải ở trong nhà họ suốt ngày đêm không được thò mặt ra ngoài. Nó thà làm cho ba nhà nhưng hết giờ được về chỗ của mình, muốn cười thì cười muốn khóc thì khóc. Nhưng với con lúc ấy là may lắm rồi. Hai ông bà già lại rất tử tế, thấy con quen ăn đồ ăn thừa như ở nhà chủ trước, hai ông bà nói như vậy không được. Dù làm gì mình cũng là con người, phải yêu cầu được đối xử như với con người. Con cảm ơn, phục vụ họ hết mình để đáp lại. Bất cứ giờ nào không kể ngày đêm họ yêu cầu gì con cũng làm. Đêm con ngồi chờ khi nào họ ngủ con mới đi ngủ… Được nửa năm thì ông bà chủ tự nhiên lại nảy ý muốn con lấy anh con trai của họ. “Nó thích mày”, họ cứ bảo vậy. Con nói con còn hai đứa con ở bên nhà. Họ bảo cứ đưa cả hai đứa con mày sang đây. Nhưng, đưa con mình sang đấy rồi sao? Mình chả có gì, nhà cửa mọi thứ đều lệ thuộc vào họ. Thà làm thuê còn được trả lương, chứ làm con dâu nhà họ vẫn phải làm hết mọi việc mà còn không có lương. Con từ chối, nói là con không có ý định ở lại đây. Thuyết phục mãi không được, sau bà chủ sinh ra cáu gắt, cứ hành con bảo rửa đĩa chưa sạch, lau nhà còn vết bắt làm lại. Anh con trai lúc trước đi về còn hay cười đùa sau cũng lầm lì. Trong nhà mất hẳn không khí vui vẻ. Mà con cũng bắt đầu sốt ruột. Nghe những người khác họ đi hái cam, hái ô-liu kiếm tiền ầm ầm. Còn con một tháng chỉ có đúng 400 đô tiền lương gửi về, biết bao giờ mới hết nợ. Gọi về nhà lần nào cũng chỉ nói chuyện tiền. Tiền nợ tiền lãi đã tới kỳ, tiền con vào năm học mới, rồi người nọ người kia trong gia đình khó khăn cần tiền chạy việc, làm nhà… đủ thứ.
Một lần bà chủ lại gây sự, bảo cà phê sáng nay không ngon, rồi bếp lau chùi chưa sạch bắt làm lại. Con nghĩ cứ thế này thì không được rồi. Lúc đó con không còn sợ như hồi đầu nữa. Cứ ra ngoài làm chưa chắc đã bị bắt. Có bị bắt cũng chưa chắc bị trục xuất. Như cái Mận đấy, nó cũng bị bắt nhưng nhờ có người lo cho vẫn ở lại được. Thế là con vào thu xếp quần áo rồi ra nói chuyện với ông bà chủ. Con nói con rất cảm ơn, nhưng đã đến lúc con không ở đây được nữa. Đây là vali của con, ông bà kiểm tra đi. Bà già khóc. Con rất yêu quý bà ấy nhưng con không thể ở lại được.   
Ra ngoài, con nhận được điện thoại gọi đến làm cho một trang trại trồng rau, công 35 đô một ngày, nghe mừng quá. Nhưng lúc vào làm mới biết, chủ vườn hễ muốn là ông ta dằn người làm xuống ngay tại vườn. Con chắp tay lạy bảo xin hãy đối xử với tôi như với một con người. “What?”, ông ta cười hố hố, rồi bỏ đi không ép. Nhưng con bị mất việc.
Cũng may đã đến mùa thu hoạch nho. Nho ở đó trái to, ngọt lịm, gốc cây to bằng bắp chân mình ấy, vừa cắt vừa ăn ngon ơi là ngon! Bữa trưa chủ vườn cho ăn bánh mì tại vườn, chiều tối trả luôn tiền công 35 đô, lại còn cho một túi nho to xách về ăn. Làm mười ngày con đã có 350 đô. Mận thấy vậy cũng muốn ra ngoài làm, không muốn làm trong nhà nữa. Vậy là phải thuê nhà ở. Hai đứa thuê chung một phòng nhỏ 500 đô một tháng, trong phòng có một cái tivi. Một tối hai đứa mua mề gà về đang hí hoáy xào nấu thì thấy trên tivi hiện ra cảnh năm người Việt đi cắt nho bị cảnh sát bắt, thế là ăn mất ngon.
Mấy ngày sau tivi lại phát cảnh con gái Việt đi làm gái, đứng đón xe, nhảy lên xe con đi khách ngay trên xe. Rồi cảnh những người Việt buổi tối ra bờ biển bán những thứ tai mũi lưỡi với lòng gia súc, bán rau, bán cơm hộp cho người Việt, bị họ quay lên truyền hình. Toàn dân nhà quê mặc đồ mô-đen bản xứ mua ở hàng đồ cũ, nhìn người đi đằng người quần áo đi đằng quần áo, thấy mà xấu hổ. Rồi lại một đứa con gái Việt dở chứng đập phá đồ đạc nhà chủ rồi nhảy múa la hét cười ghê rợn. Cảnh sát đến lôi lên xe chở ra sân bay tống lên máy bay, vậy là xong. Nhưng… từ đấy về Việt Nam còn chuyển máy bay một chặng nữa, điên điên dở dở vậy chả biết có về được đến nhà không? Cái Mận bảo con: “Mày phải kiếm một lão già làm chỗ dựa đi, nếu có gặp rắc rối gì còn có người đứng ra lo cho”.
Thì ra Mận đã cặp với một ông già ngoài sáu mươi, đã đến tuổi hưởng trợ cấp. Người già ở đây cứ tới tuổi 63 trở đi đều có tiền trợ cấp hằng tháng. Ông già trả tiền nhà cho nó, cho nó tiền cạc điện thoại để gọi về bên nhà, cái tivi trong phòng cũng là của ông già mang tới. Cứ vài ngày ông ấy lại lái xe đến chở nó đi chơi đi ăn vào buổi tối. Ban ngày nó vẫn đi cắt nho với con. Chủ vườn cho xe tới chở đi đón về tận nhà, chỉ cần thận trọng lúc lên xe xuống xe. Những người bị cảnh sát tóm đều bị tóm vào lúc này. Nhờ ông già của Mận giới thiệu, con có thêm việc rửa bát đĩa ban đêm ở một nhà hàng. Các chủ nhật con gần như làm 24/24, tay con trắng bợt ra, nhăn nhúm vì ngâm xút, lưng mỏi nhừ. Có ngày ngủ dậy lưng đau không nhúc nhích được, phải một lúc thật lâu mới bò được xuống giường, nhưng làm có tiền nên cũng lướt qua hết thầy ạ.
Hết hai vụ nho tím nho xanh con đã kiếm được khá khá gửi về. Nhưng càng ngày cảnh sát càng truy bắt gắt gao những người Việt bất hợp pháp. Con và Mận phải chuyển đến làm trong một trang trại trồng hoa ở xa hơn. Chủ vườn hoa đã có một đứa con gái Việt đang sống chung nên không có chuyện như chủ vườn rau kia. Nhưng bà chủ hờ người Việt nó quá hiểu người mình nên chỉ trả công ngày 30 đô, lại không đi rửa bát đêm được. Tuy vậy, muốn an toàn hơn thì phải chịu thôi. Hằng ngày chúng con dậy thật sớm cắt đủ một xe ô tô hoa để chủ vườn kịp chở đi bán lúc bảy giờ. Xong thì làm cỏ, phun thuốc, tưới phân, chả lúc nào hết việc. Chủ cũng cho hai đứa một cái container để ở ngoài vườn, không có điện. Bình ắc-quy chỉ thắp được một bóng đèn nhỏ bằng đốt ngón tay, muốn sạc pin điện thoại cũng không được, con phải sắm hai cái điện thoại để luân phiên sạc nhờ trong nhà chủ. Những ngày nóng 45 độ buổi trưa không thể ở trong nhà nổi 15 phút, chúng con phải lang thang ngoài vườn hoa. Hoa đẹp lắm thầy ạ. Hoa hồng, hoa lyz bông to, thơm nức. Vậy mà có ngày bán không hết bị ế đổ đi cả đống, con cứ nhìn mà tiếc.
Tối ba mươi tết năm ấy chả biết làm gì con ôm một mớ hoa ế về để ngâm trong thùng nước, thơm nức khắp nhà. Cái Mận nhìn bảo: “Ừ. Giá có hương mà đốt nhỉ”. Rồi nó uốn éo múa hát chầu văn. Con quát lên: “Này, làm gì đấy?”. Nó vẫn cứ nhảy múa. Con chạy ra ngoài đứng khóc nó mới cười bảo mày tưởng tao điên à? Tao đang vui đấy chứ. Tết này nữa là tao hết nợ rồi. Sướng quá. Sướng quá. Lúc ấy con mới thở phào. Trước tết con đã vay trước nó một tháng lương để gửi về cho thành một món, đến lúc ấy coi như con cũng trả được hết nợ ở nhà rồi. Chỉ có hai năm con đã trả sạch nợ mà vẫn có tiền ăn tiền học cho bọn trẻ nữa. Lẽ ra con cũng phải vui chứ.
Lúc trước con nghĩ chỉ cần trả hết nợ là về, về ngay. Nhưng bây giờ nghĩ lại, định đi kiếm tiền về xây nhà, chả nhẽ giờ về tay không. Làm ở đây một tháng cũng để dành ra được năm trăm, cũng bằng chục triệu tiền mình, về nhà làm gì cho được chục triệu một tháng. Thế là lại ở lại, bao giờ bị tóm hãy hay. Con vẫn đau lưng, rồi đau cổ tay, tê các đầu ngón tay. Mùa đông có lúc đau quá con phải đi chữa lấy thuốc hai lần, rồi thôi. Ở đấy đi chữa bệnh tốn nhiều tiền lắm, mà cũng không diễn tả cho bác sĩ hiểu hết được. Thế là thôi cứ gắng làm, cũng chả còn nghĩ đến nhan sắc nữa. 
Vậy nhưng khi Mận vừa nói ở bên nhà muốn nó đưa sang một bà chị họ, con đã hỏi ngay: “Nó có xấu lắm không?”. Cái Mận bảo có xấu thì bà ấy mới phải tính chuyện sang đây. Con vẫn chưa quên câu “con gái Việt Nam xấu” của bà chủ nhà lúc trước… Nhưng chị họ của Mận chưa kịp sang thì nghe tin người ta đã đóng cửa không cho người Việt Nam sang, không cấp visa cho người Việt nữa.
Con thấy lo, cũng liều cho số điện thoại nhờ người kiếm cho một ông già làm chỗ dựa như Mận. Nhưng lúc nhìn thấy lão già râu tóc bạc thếch, tay run lẩy bẩy, con lại không thể, nghĩ thế này thì khổ quá. Thôi cứ đến đâu thì đến vậy.
- Cô có nhà riêng chưa?
- Rồi thầy ạ. Cũng may lúc bị trục xuất con cũng đã để ra được hơn chục nghìn đô. Đất ở quê bấy nhiêu cũng mua được một mảnh, con xây vài chục mét ở, còn để trồng rau ăn - Bệnh nhân nhìn quanh - Thầy cũng ế nhỉ. Từ sáng tới giờ chả thấy ai đến, có mỗi mình con.
- Thế ai chỉ cô tới đây?
- Có ai chỉ đâu. Con đi chữa khắp nơi mà vẫn không dứt hẳn được, chán quá, tự nhiên đi ngang qua đây thấy có thuốc phơi ngoài sân, con nghĩ hay vào đại đây xem sao, biết đâu gặp thầy gặp thuốc.
- Cô gặp thầy gặp thuốc rồi đấy. Nhưng có chữa hết được không còn do cô.
- Nhiều tiền lắm hở thầy?
- Không nhiều, thuốc rẻ lắm, rẻ như rau như cám thôi. Đây là thuốc uống trong, đây là thuốc xức ngoài. Nhưng khi uống thuốc phải kiêng ăn những thứ ghi trong này.
- Kiêng nhiều thế này cơ ạ? Phải ăn kiêng bao lâu ạ?
- Đến bao giờ hết hẳn bệnh. Còn nữa, trong thời gian uống thuốc tinh thần phải vui. Làm gì cứ làm nhưng quẳng hết mọi lo nghĩ buồn phiền đi. Không nghĩ đến tiền. Ăn thế này chỉ cần ngày chục nghìn cũng đủ rồi, đúng không?
- Vâng. Nhưng ... 
- Khi nào bệnh hết hẳn thì quay lại đây, còn nếu không hết được thì thôi.
- Dạ vâng. Con biết tại sao thầy ít khách rồi.  

Không có nhận xét nào: