NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

BƯỚC LÊN VÀ CÚI XUỐNG..




Nhiều người biết rằng bước lên là để tìm thấy cái gì đó tốt đẹp hơn cho cuộc sống. Nhưng ít người thật sự bước. Ai cũng ôm ấp cho mình một vài điều lý tưởng. Nhưng từ lý tưởng đến cuộc sống là cả một quãng đường dài. Không phải ai cũng đủ can đảm để sống với những điều mà mình cho là đẹp. Càng không phải ai cũng có khả năng để theo tới cùng điều mà mình cho là đúng...
Em,
Có lạ không nhỉ, khi bảo rằng người ta bước lên để nhìn xuống? Có kỳ cục không nhỉ, khi người ta bị thúc để bước lên, và cũng cùng lúc bị nhắc phải biết nhìn xuống?
Chắc em biết rằng người ta thường thích sự an toàn và ổn định. Ai cũng muốn được ở yên trong cái vị thế của mình. Thế nên bước lên không phải lúc nào cũng dễ. Nhìn xuống không phải lúc nào cũng dễ. Bước lên rồi mà còn nhìn xuống nữa thì lại chẳng dễ tí nào. Phải không?
Có những người không muốn bước. Bởi vì bước nghĩa là phải rời khỏi cái vị thế hiện tại của mình. Để bước, người ta phải bỏ lại đằng sau nhiều thứ. Có nhiều người không muốn bước lên. Để bước lên người ta phải cố gắng. Ai cũng có sức nặng. Bước lên là lúc người ta nhận ra và chiến đấu với nhiều sức nặng đang trì kéo mình xuống.
Sống trên mặt đất, con người phải chịu sức hút của trọng lực. Sức hút ấy giữ họ an toàn, nhưng cũng đồng thời cản chân họ bước lên. Mỗi lần vươn lên cao là mỗi lần người ta bị kéo xuống. Vươn càng cao thì bị kéo càng mạnh. Giống như trèo càng cao thì té càng đau vậy.
Nhưng con người không chỉ là một vật thể giữa vô vàn vật thể khác trên hành tinh này. Trong lòng con người lại tồn hữu nhiều sức ghì kéo khác. Sức kéo từ bên trong giữ con người ở yên với cái hiện tại, bất chấp hiện tại ấy như thế nào. Bao nhiêu lần người ta muốn thay đổi là hầu như bấy nhiêu lần người ta cảm được cái trở lực từ bên trong mình. Có những lúc vượt ra khỏi cái sức hút của trái đất còn dễ hơn là vượt ra khỏi những sức ì nội tại ấy. Có những lúc phải sống trong cái hiện tại dội vào lòng họ bao nhiêu là tù túng ấm ức, còn dễ hơn là phải bắt đầu một cái gì đó mới mẽ lạ lẫm. Người ta tưởng rằng mình sẽ quen dần. Họ không nhận ra rằng mình đang trở nên chai sạn dần.
Chung quanh con người cũng có nhiều sức kéo khác nữa. Con người luôn sống trong một cộng đồng. Đôi khi chính cộng đồng ấy là chướng ngại cho việc bước lên. Tại sao tôi phải bước lên, trong khi chung quanh tôi người ta vẫn cứ tàn tàn mà sống? Tại sao tôi phải lao mình vào chuyến phiêu lưu, trong khi những người quanh tôi vẫn cứ lây lây lất lấy với cái quỹ đạo sống đều đặn thường ngày? Tại sao tôi vẫn tìm cách vượt thoát để bước lên trong khi phần lớn thế giới loài người vẫn cứ ngồi yên một chỗ?..
Bước lên nghĩa là tự vơ vào mình một chút thách đố nào đó. Bước lên, người ta dễ mệt mỏi và cô đơn. Thế nhưng bước lên cũng hứa hẹn cho người ta một điều gì đó, em nhỉ !
Nhiều người biết rằng bước lên là để tìm thấy cái gì đó tốt đẹp hơn cho cuộc sống. Nhưng ít người thật sự bước. Ai cũng ôm ấp cho mình một vài điều lý tưởng. Nhưng từ lý tưởng đến cuộc sống là cả một quãng đường dài. Không phải ai cũng đủ can đảm để sống với những điều mà mình cho là đẹp. Càng không phải ai cũng có khả năng để theo tới cùng điều mà mình cho là đúng.
Có những người đã can đảm bước lên, đã để lại một điều gì đó thật đẹp… Đáng buồn là cái đẹp của họ chỉ đủ để biến họ trở thành gương mẫu cho nhiều người khác nghĩ về, chứ không đủ để mời nhiều người khác bước theo. Có những lúc người ta thích làm khán giả hơn là diễn viên. Có những lúc người ta thích làm cổ động viên hơn là cầu thủ. Họ nại lý do rằng mình không đủ khả năng để bước vào cuộc chơi.
Nhưng em ạ, cuộc đời đâu phải là một cuộc chơi ! Làm sao người ta có thể nhường trách nhiệm trình tấu cuộc đời mình cho người khác ! Làm sao người ta có thể chỉ làm khán giả với chính cuộc đời mình.
Thế nên cần biết bao những người dám bước lên. Bước lên để hướng đến một điều gì đó tốt đẹp hơn. Bước lên để đảm nhận cuộc đời mình. Nhưng quan trọng hơn nữa, bước lên là để nhìn xuống.
Bước lên để nhìn xuống là một điều dị thường.
Có rất nhiều người khi đã bước lên rồi thì chẳng bao giờ thèm liếc con mắt của mình xuống dưới. Dường như trong hành trình bước lên, họ đã tập cho mình thói quen chỉ dán mắt về phía trước. Như cô gái làng đã quen đỏng đảnh với phồn hoa đô thành, dễ gì còn mơ về cánh đồng xa với những con người chân bùn tay lấm. Như những người đã tìm được cho mình vùng đất hứa, dễ gì họ quay về với vùng hoang mạc mà từ đó mình đã cất bước ra đi.
Bước lên để nhìn xuống là một lý tưởng đẹp, một lối sống đẹp. Có những người đã dám bước lên, dám đi tìm ánh sáng cho nhiều hy vọng ấp ủ trong lòng mình. Họ mong một ngày nào đó, khi đã có thể bay thật cao, họ sẽ trở về để sống và xây dựng cho chính chốn thấp đã sinh ra mình.
Thế nhưng khi đã lên cao thật cao, người ta ngại hạ xuống thấp thật thấp. Yên vị ở chốn thấp người ta đã ngại bước lên cao. Yên vị ở trên cao, dễ gì người ta không ngại ngần hạ mình xuống thấp. Có những người mê mải với đường bay có thèm đoái hoài gì đến những nơi đã được mình dùng như là một bước đệm…

Em biết không? Phải có một lý tưởng đẹp và một động lực mạnh lắm, thì người ta mới dám bước lên. Phải có một tình yêu lớn lắm, thì người ta mới dám cúi mình xuống. Phải có một con tim quảng đại lắm thì người ta mới btrên cao để hạ xuống với chính những người đang còn ở dưới thấp. Phải có một cái gì đó đặc biệt lắm thì người ta mới không một mình tận hưởng chốn cao, nhưng lại chấp nhận hạ mình xuống để làm lại từ đầu với những cái long đong bất định nơi chốn thấp. 
Cuộc sống này sẽ trở nên phong phú biết bao nhờ những chuyển động như thế. Chẳng phải khi có một người cúi xuống và một người vươn lên, con người sẽ gặp gỡ nhau mặt giáp mặt sao?
Này em, em đang muốn bước lên, hay đang cần cúi mình xuống?

Tại vì…

  Các bạn có biết là khoảng 90% các câu “Tại vì…” đều là những chấn song tù ngục cho tâm trí của bạn không?
• Tại vì hắn kiêu căng nên tôi mới đập một trận cho chừa.
• Tại vì cô ta xử với tôi rất tệ nên tôi phải đì lại cho công bình.
• Tại vì hắn chửi bố mẹ tôi nên tôi phải cho hắn một bài học.
• Tại vì hắn không tin được nên tôi bảo bạn bè đừng chơi với hắn.

• Tại vì… Tại vì… Tại vì…
                                                           
   
          Hãy suy nghĩ về các câu “Tại vì…” này. Đây là một câu l‎ý luận thuộc lại nhân quả (causation). Vì có A nên có B. A là nhân (cause), B là quả (effect).
Tại vì hắn…. nên tôi…
Tức là, nếu hắn làm A thì đương nhiên tôi làm B. Hóa ra, tôi chỉ là cái máy computer–ấn nút thì tôi chạy. Hơn nữa “hắn” ấn nút, nên tôi chạy, chứ tôi cũng chẳng ấn nút. Hóa ra, tôi là cái máy, chạy theo mệnh lệnh ấn nút của mọi người chung quanh. Mỗi câu “Tại vì…” là một cái ấn nút của người khác.
Các bạn,
Ta không thể dốt hoài được.
Ta phải làm chủ ta. Không thể để người khác giật dây, ấn nút ta như thế.
Đừng sống theo theo ngón tay ấn nút của người khác như thế.
Ai làm gì thì mặc họ. Đó là chuyện của họ.
Nổi giận, trầm cảm, mất bình tĩnh, chửi bới, đánh đập… là việc của ta. Đừng để việc của ta thành nô lệ cho cái ấn nút của họ.
Nếu bạn thức sự muốn đánh ai, chửi ai, thì hãy để TỰ NHIÊN bạn muốn đánh muốn chửi (nếu bạn tự nhiên được như thế), nhưng đừng bao giờ để bị người khác ấn nút rồi nổi điên đi đánh người, như cái máy vô tri không hơn không kém.

Góc vườn...



                                    
Mình chỉ còn bao nhiêu đó thôi; một góc vườn nho nhỏ. Em hãy ra vườn và hạnh phúc với những luống đất màu xanh, tím, đỏ, vàng... Bầu trời của chúng ta không còn màu sắc nữa. Từng khối đá nặng nề đang di chuyển trên bầu trời. Từ lâu, tiếng chim hót đã trở thành vô thanh. Em chỉ còn được tưởng tượng đến âm thanh của những con chim xinh đẹp. Nắng rơi xuống góc vườn thành từng sợi nho nhỏ, mong manh, yếu ớt.Chúng ta vẫn còn góc vườn. Em hiểu không? Tôi nói là chúng ta vẫn còn một thế giới xinh đẹp. Tôi sẽ ra vườn cùng em. Tôi sẽ cùng em nhận diện những đổi thay kỳ diệu trong góc vườn nho nhỏ. Hôm qua, khi ngồi chơi trong vườn, một chú sóc ốm o chạy đến gần bên tôi. Chú có một cái đuôi thật linh hoạt. Chú chạy tới, chạy lui, kêu chít chít, rồi dừng lại, đưa đôi mắt nhìn về phía trước. Tôi nhìn theo chú và khám phá ra một đại dương. Góc vườn em có một đại dương bao la. Trong đó, có một đàn sóc đang bơi lội. Chúng bơi nhịp nhàng với nhau như một đàn cá heo, vui lắm.Góc vườn của em đã thay đổi một ít. Tôi sợ em buồn vì không còn tìm ra những hình bóng năm xưa. Nếu không nhìn thấy cây anh đào nơi góc vườn thì em cũng đừng khóc nhé. Cây anh đào của em đã biến thành một con trăn đẹp lắm. Nó vừa trườn mình đi chơi đâu đó thôi. Gặp con trăn, nhất định em sẽ nhận ra cây anh đào. Còn những cây trà mi của mẹ hả? Chúng nó thì hoá bướm. Em phải cho chúng lớn lên với chứ. Em cứ đòi cây trà mi phải là cây trà mi muôn đời hay sao? Có vậy mà em cũng rơi nước mắt. Em nhớ những cây trà mi. Nhưng tôi nói rồi: chúng đã hoá bướm.                          
Chúng ta vẫn còn góc vườn để mà hạnh phúc. Em đi ra vườn với tôi. Đó, đôi mắt của em đã bắt đầu cười rồi kìa. Trái núi cao ngất kia đến từ đâu em biết không? Nó là pho tượng Phật ngày xưa.  Pho tượng với nụ cười bình an luôn thu hút ánh mắt của chúng ta. Trái núi vẫn còn giữ được nụ cười của pho tượng. Em nhìn thật kỹ đi. Nụ cười đã không biến mất, mà còn trở nên trầm tĩnh và bao dung hơn.Tôi nói với em bao nhiêu lần rồi, rằng không có gì mất đi. Và cũng không có gì tồn tại mãi mãi. Góc vườn của em cũng vậy thôi; nó biến hoá liên tục. Lần này thì em có cả một đại dương và một trái núi ở trong góc vườn. Chúng ta có thể lên đỉnh núi chơi tuyết. Tuyết phủ đầy đỉnh núi như một mái tóc bạc thật đẹp. Để thưởng thức cảnh tượng tuyệt diệu như vậy, em phải biết buông bỏ những hình ảnh hạnh phúc của quá khứ. Em phải buông bỏ được pho tượng Phật, thì mới tiếp xúc được với trái núi.Góc vườn nhỏ xíu đã cho em bao nhiêu hạnh phúc. Mà hạnh phúc thì không bao giờ nhỏ cả. Hạnh phúc là cái gì thật lớn; lớn hơn cả trái núi trước mặt em. Cho nên trong góc vườn nhỏ, em có thể tìm thấy những gì to lớn nhất của sự sống. Một đại dương mà thấm vào đâu hả em. Em đừng ngạc nhiên khi thấy một đại dương mênh mông trong góc vườn.              
 
 

Em nhớ những áng mây trắng lắm phải không? Trời xanh và mây trắng. Bầu trời của góc vườn ta không xanh, và mây không trắng nữa. Nhưng ta không mất mát gì cả. Tất cả vẫn còn đó khi em nở được một nụ cười. Tôi đã bắt đầu thấy vẻ đẹp của những khối đá nặng nề đang bay trên trời. Có những khối đá to như một toà nhà lầu trăm tầng, bay chầm chậm bên cạnh những khối đá nhỏ hơn. Bầu trời có một nét đẹp hùng tráng.Góc vườn, là để cho em mỉm cười; là để cho đôi chân em tung tăng. Nơi đó em luôn trở thành một đứa trẻ thơ. Em đừng trách góc vườn thay đổi. Em đừng giận góc vườn đã phản bội em. Không, không ai phản bội em cả. Hạnh phúc của em vẫn còn nguyên vẹn đó như những năm xưa, năm qua. Những biến hoá, thay đổi trong khu vườn chỉ là nho nhỏ như một chút xíu khác biệt giữa áng mây và khối đá. Bầu trời vẫn luôn luôn xinh đẹp khi đôi môi em biết nở một nụ cười.                       
Khi hạnh phúc, khu vườn là nơi em có thể ngồi yên và uống trà. Tôi sẽ ngồi bên em mà chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sự sống. Hoặc chúng ta rủ nhau leo núi, đem theo bánh mì và nước uống. Leo đến trưa, chúng ta ngồi xuống đâu đó ở lưng chừng núi, vừa nghe tiếng suối chảy, vừa ăn bánh mì. Ăn xong, thế nào tôi cũng kể em nghe một câu chuyện ngắn. Sau đó, chúng ta cùng tìm một phiến đá lớn mà ngả lưng nghỉ trưa.Hoặc chúng ta kiếm một chiếc thuyền, chèo ra biển khơi. Chiếc thuyền của hai ta sẽ quay vòng vòng giữa sóng nước. Em sẽ ngạc nhiên, khám phá ra mình đã dại dột tin tưởng một chàng thuỷ thủ không biết chèo. Em la lớn: “Có ai nghe tôi không? Xin đến cứu chúng tôi!” Giọng của em chứa đầy sự sợ sệt. Tôi ngồi yên nghe em gào thét một hồi, rồi mới nói: “Này em, chúng ta vẫn còn ở trong góc vườn. Đừng sợ hãi. Hãy hạnh phúc đi em.”
Dù chuyện gì xảy ra trong góc vườn, em hãy nhớ lời tôi căn dặn: “Góc vườn này là nơi em luôn luôn có quyền hạnh phúc. Đó là tổ ấm của riêng em.” Mình chỉ còn bấy nhiêu tấc đất đó; em hãy cố gắng giữ gìn, chăm sóc. Tôi đặt hết niềm tin nơi em. Và em hãy đặt hết niềm tin vào nụ cười của mình. Trong góc vườn này, còn hạnh phúc, là em vẫn còn tất cả.



pig and his girl...







Mỗi ngày bạn đều cho một đứa trẻ ăn kẹo. Bạn làm điều ấy rất thường xuyên và vui vẻ. Đứa trẻ ấy cũng có vẻ rất yêu bạn. Mỗi ngày thấy bạn, nó đều cười tươi và chạy đến nhận kẹo.
Nhưng rồi một ngày, bạn xoa đầu nó và bảo: “Hết kẹo rồi”. Bỗng dưng bạn thấy nó rất khác. Nó gào ầm lên rằng bạn keo kiệt, bạn xấu xa. Hoặc nó đi khắp nơi để nói xấu bạn.
Triết lý cục kẹo có nghĩa là khi bạn cho ai khác một thứ gì, nhiều khi họ sẽ không nghĩ ấy là món quà, họ nghĩ đó là bổn phận, là trách nhiệm. Và khi bạn không cho thứ mà họ muốn nữa, họ sẽ lập tức trở mặt thôi. Với nhiều người, cho dù bạn có cho họ kẹo mỗi ngày, thì họ cũng chỉ nhớ có mỗi một ngày mà bạn đã không cho…

Người ta sẵn sàng chấp nhận 80% cái không hay của bạn nếu bạn có 20% cái làm người ta thích thú.
.
Ngược lại, nếu bạn không có 20% cái làm người ta thích thú thì người ta sẽ ghét luôn 80% cái còn lại mặc dù không đến nỗi nào.
.
Đặc biệt, nếu bạn có 80% cái làm người ta thích thú thì 20% cái còn lại sẽ khiến họ thần tượng hóa.


Làm sao để quên....


Sau khi thất tình, chúng ta cứ thích hỏi : "Tôi làm sao để có thể quên anh ta? Tôi rất muốn quên anh ta nhưng tôi lại không có cách nào quên anh ta được".Nếu không có cách nào quên được thì thôi đừng quên.

***
Sao lại phải đau khổ như vậy để quên một người chứ? Rồi thời gian sẽ khiến bạn quên anh ta.
lamsaodequen
Này, bây giờ tôi yêu cầu bạn đừng có nghĩ đến một con voi to xác màu hồng nhé.
Xin hỏi, bạn đang nghĩ đến cái gì thế?
Bạn lập tức nghĩ ngay đến một con voi to xác mà hồng cho mà xem.
Bạn càng cố quên thì càng không thể quên.
Vẫn còn yêu anh ta, không thể quên anh ta, đó là lẽ thường, có gì mà cắn rứt?
Bạn nói: "Tôi đã quên anh ta", nhưng hễ cứ có người nhắc đến anh ta thì bạn lại không kìm chế được bản than.
Có ngày bạn sẽ quên anh ta thôi.
Quên thực sự là không cần phải cố gắng.
Có một ngày, bạn tắm xong, vặn máy hát nghe bài hát mình ưa thích, tự nhiên bạn nhớ rằng đã từng yêu một người. Ồ, hóa ra là bạn từng yêu người này, chuyện đó dường như xa xôi lắm, và bạn dường như chẳng còn cảm giác gì. Đó mới là quên.
Có một ngày, người ta nhắc tới cái tên nào đó, bạn nghe rồi mới nghĩ lại, ồ, bạn đã từng yêu người ấy, thế mà bây giờ chẳng còn nhớ. Đó mới là quên.
Nếu thời gian cũng không thể làm bạn quên đi những người không đáng nhớ thì những năm tháng mà chúng ta đi qua liệu còn ý nghĩa gì cơ chứ?