NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Em quên mặc quần lót...



Sáng nay, ra khỏi nhà, nếu quên mặc quần lót, thì em cũng đừng ngại ngùng. Em sẽ cảm thấy mát mẻ, thoải mái hơn mọi lần. Tôi biết nhiều người không bao giờ quên mặc quần lót. Họ siêng năng che đậy, bên ngoài và cả ở bên trong. Họ mẫu mực và cẩn trọng. Họ nói năng từ tốn, khiêm cung. Có lần em nhận xét: “Họ nói chuyện, với hai hàm răng khít rịt.” Rồi em nói thêm: “Những người đó nham hiểm.” Em nói đúng. Và tôi muốn cho em biết thêm rằng: Họ không bao giờ dám quên mặc quần lót.
Em cứ quên. Mặc dù có khi em đang mặc chiếc áo đầm thật dễ thương. Gió sẽ thổi, và em cần phải mỉm cười. Em giữ nụ cười thật tự nhiên; nhớ rằng mình xinh đẹp. Người đẹp, càng đẹp thêm nếu thỉnh thoảng quên mặc chiếc quần lót. Chiếc quần lót sẽ không làm em đàng hoàng, hay đạo đức thêm. Những nhà đạo đức, thường hay mắc bệnh che đậy. Họ thích mặc quần lót thật kín. Nếu có người thấy cái bên trong của họ, thì họ sẽ không sống nổi.
Em hãy hãnh diện thỉnh thoảng mình quên mặc quần lót. Em sẽ ghé tai cô bạn nói nhỏ: “Ê nhỏ, tao quên mặc quần lót.” Rồi che miệng cười khúc khích. Cô bạn sẽ ngạc nhiên, hỏi: “Vậy hả? Mày để quên ở đâu?” Em trợn mắt: “Dĩ nhiên là ở nhà chứ ở đâu nữa.” Và vui vẻ đấm thùm thụp vào lưng cô bạn. Cả hai đứa đều đỏ mặt và cười nắc nẻ. Tình bạn, sẽ vui hơn nếu thỉnh thoảng em quên chiếc quần lót. Sự sống thường hay quên. Con sóc bỏ quên hạt hồ đào chôn sâu trong lòng đất; để hạt hồ đào lại trổ mầm, lớn lên thành một cây đại thụ. Có khi, trong một thoáng, em quên yêu anh, nói một câu đầy giận hờn, và trách móc. Để rồi sau đó anh và em lại làm hoà, hạnh phúc với nhau hơn.
Cho nên em đừng sợ hãi khi biết mình quên chiếc quần lót. Biết đâu, em lãng quên cố ý. Em muốn làm khác hơn mọi lần, để thấy rằng mình đang sống. Những nhà đạo đức ưa thích mặc quần lót. Để khỏi quên, họ mặc hai, ba cái quần lót chồng lên nhau. Làm như vậy, họ cảm thấy yên tâm, mà dạy dỗ về những gì thật đẹp, thật lành, và sâu sắc. Họ nói hay lắm, nhưng không bao giờ biết đến cái thú vui quên mặc quần lót. Họ không biết sống, và chết ở trong những ý tưởng cao đẹp của mình. Họ che đậy, vì không bao giờ làm những điều họ từng rao giảng. Họ có chức vị. Họ được ca ngợi và tôn vinh. Đó cũng là những thứ quần lót, mà không khi nào họ dám bỏ quên, không mặc.
Em cứ tự nhiên quên mặc quần lót.

Kiến Văn.....


Kiến văn rất quan trọng trong đời sống chúng ta. Kiến Văn là những điều mình trông thấy (kiến) và nghe thấy (văn), tức là sự hiểu biết của mình nhờ kinh nghiệm thực tế mà có. Kiến văn cần phải có thời gian và sự từng trải ở đời mới trau giồi tới nơi tới chốn được. Nó bao gồm tất cả tài trí của con người. Tài trí của con người phần lớn là do sự mẫn tiệp, sự duy nghĩ nghiên cứu tìm hiểu qua sách vở, và sự chuyên cần học tập ở nhà trường mà có. Tuy nhiên, tài trí cần phải nhờ có kiến văn mới trở nên hoàn hảo được. Nhân tài có thể là những người còn trẻ (tài không đợi tuổi), nhưng người có kiến văn rộng thì thường là những người từng trải việc đời. Người xưa có nói “Ði một ngày đàng học một sàng khôn” là vậy.

Ở Việt Nam ta đã từng có rất nhiều vị thần đồng, tức là những người ít tuổi (đồng) mà thông minh như thần (thần), chẳng hạn như Lê Quý Ðôn, Trạng Quỳnh, và Lương Thế Vinh, v.v.

Một số người học giỏi và có bằng cấp cao cứ tưởng rằng như thế là nhất và tỏ ra khinh đời ngạo vật. Nhưng thực tế thì khác hẳn, muốn thành công và được mọi người kính phục nể vì, ta còn cần có kiến văn quảng bác nữa.

Ðể thấy kiến văn quan trọng như thế nào trong đời sống chúng ta, xin mời các bạn hãy thưởng thức giai thoại văn chương sau đây.

Ngày xưa có một danh sĩ làm quan đến chức Tể Tướng của Trung Hoa, đời Tống Thần Tông, năm 1074 dương lịch. Ðó là Tể Tướng Vương An Thạch (1021-1086). Vương An Thạch đậu tiến sĩ năm 21 tuổi, đời Nhân Tông, năm 1041. Ngoài việc lo cai trị đất nước cho hùng mạnh, Vương An Thạch còn dành thì giờ để sáng tác thơ văn. Ông là người đọc nhiều và từng trải nên kiến văn của ông rất rộng.

Tô Thức (1036-1101) đỗ tiến sĩ năm 22 tuổi, đời Tống Nhân Tông, năm 1057. Vào năm 1080, Tô Thức bị giáng làm Ðoàn Huyện Phó Sứ tại Hoàng Châu, thuộc Hồ Bắc. Ở đây, ông cất nhà ở làng Ðông Pha và lấy hiệu là Ðông Pha Cư Sĩ và đã làm ra hai bài Tiền và Hậu Xích Bích Phú (1082). Người ta thường gọi ông là Tô Ðông Pha.

Trong những bài thơ quan Tể Tướng Vương An Thạch làm, có một bài được viết theo lối thư họa treo ở sảnh đường. Một hôm, danh sĩ Tô Ðông Pha được mời vào dinh Tể Tướng để cùng quan Tể Tưởng luận bàn thi thơ và chính sự. Trong khi ngồi chờ để được quan Tể Tướng tiếp kiến, Tô Ðông Pha nhìn thấy bài thơ này trên vách sảnh đường. Bài thơ được viết với một bút pháp rất linh hoạt, niêm luật rất chặt chẽ, và tứ thơ rất sâu sắc. Tuy nhiên, trong bài thơ này có hai câu mà họ Tô thấy thật là phi lý như sau:

Minh Nguyệt sơn đầu khiếu, (Trăng sáng hót đầu núi)
Hoàng Khuyển ngọa hoa tâm. (Chó vàng nằm trong hoa.)

Cứ trong ý của từ ngữ mà suy thì họ Tô thấy tại sao mặt trăng sáng (minh nguyệt) mà lại hót trên đỉnh núi (sơn đầu khiếu) được và con chó vàng (hoàng khuyển) sao có thể nằm trong lòng bông hoa (ngọa hoa tâm) được? Sau khi suy nghĩ, họ Tô mới nảy ra ý sửa lại hai câu thơ này như sau:

Minh Nguyệt sơn đầu chiếu, (Trăng sáng soi đầu núi)
Hoàng Khuyển ngọa hoa âm. (Chó vàng nằm dưới bóng bông hoa)

Sửa hai câu thơ xong, họ Tô cảm thấy thật đắc ý vì chỉ sửa có hai chữ (khiếu thành chiếu và tâm thành âm) mà hai câu thơ lại rõ hẳn ý nghĩa ra và vẫn giữ được nguyên vận của bài thơ. Theo họ Tô thì mặt trăng sáng (minh nguyệt) đi với động từ chiếu mới đắc ý vì trăng sáng thì chiếu chứ không bao giờ khiếu được, còn hoàng khuyển tức là con chó vàng thì phải nằm dưới bóng của bông hoa (hoa âm) mới có lý chứ không thể nào con chó lại nằm trong lòng bông hoa (hoa tâm) được. Chữ âm trong nghĩa của hoa âm là chỗ không có ánh nắng mặt trời.

Ðang mải mê với sáng kiến của mình, họ Tô rất hứng khởi khi thấy quan Tể Tướng bước vào sảnh đường. Sau khi chào hỏi và phân ngôi chủ khách, Tô Ðông Pha có ngỏ ý với quan Tể Tướng Vương An Thạch về việc sửa hai câu thơ nói ở trên. Quan Tể Tướng cười và gật gù tỏ ra ưng ý. Sau đó ngài không nói thêm gì về hai câu thơ này cả mà chỉ cùng Tô Ðông Pha đàm luận về quốc sự.


Khi Tô Ðông Pha bị giáng chức đi trấn thủ ở miền Nam, nhân vào tuần trăng sáng, ông bèn đi ngắm cảnh dưới trăng và thấy có nhiều điều lạ. Ðêm nào cũng vậy, cứ đến khi trăng tỏa ánh sáng khắp núi rừng, ông đều nghe thấy những tiếng chim hót thật du dương thánh thót và thơ mộng. Rất lấy làm hứng thú, ông mới cố tìm hiểu xem đây là giống chim gì mà hót hay như vậy. Sau khi hỏi thăm dân chúng trong vùng, Tô Ðông Pha mới biết tiếng hót thánh thót ấy là của giống chim tên là Minh Nguyệt. Chim Minh Nguyệt chỉ hót ở đỉnh núi vào những đêm có trăng sáng mà thôi. Tìm hiểu chỉ để thỏa mãn sự tò mò của mình chứ Tô Ðông Pha cũng chẳng có ý gì khác.

Hết thưởng thức tiếng chim hót, họ Tô lại đi dạo ngắm hoa dưới trăng. Thật là thú vị khi thấy trong vùng ông trấn đóng có nhiều loại hoa đóa lớn và hương thơm ngào ngạt. Tò mò ngắm mỗi bông hoa, họ Tô nhận thấy đóa hoa nào cũng có một con sâu to nằm trong lòng hoa. Ông lấy làm lạ mới hỏi thăm dân trong vùng về hiện tượng này. Dân làng cho ông ta biết ở vùng này có loại sâu tên là Hoàng Khuyển sống bằng cách hút nhụy hoa. Vì thế trong mỗi bông hoa đều có con sâu Hoàng Khuyển. Nghe đến đây họ Tô mới giật mình và liên tưởng tới hai câu thơ của Vương An Thạch mà ông ta đã tự ý sửa.

Với những gì đã tai nghe và mắt thấy ở đây, Tô Ðông Pha cảm thấy xấu hổ về sự suy luận nông nổi của mình khi tự ý sửa hai câu thơ của Tể Tướng Vương An Thạch nên đã dâng thư về tạ tội với quan Tể Tướng. Họ Tô tự nhủ là việc ông ta bị bổ ra trấn thủ ở miền Nam này là do Tể Tướng đã cố ý dạy cho mình một bài học thực tiễn. Quả đúng là tai nghe không bằng chính mắt mình thấy, thấy không bằng chính mình dự vào việc luận bàn cho ra nhẽ rồi tự mình thực hành công việc đã nghe, đã thấy, và đã thảo luận. Ðây cũng là phương giáo dục nhân bản, khoa học, và tân tiến vậy.

Sau đó ít lâu, họ Tô được triệu về làm quan tại Kinh Ðô. Quan Tể Tướng rất niềm nở tiếp đón Tô Ðông Pha. Và từ đó Tô Ðông Pha rất kính phục quan Tể Tướng cả về tài năng, đức độ, và kiến văn quảng bác của ngài.Cái thâm thúy của Vương An Thạch là ông ta không cần phải biện bạch gì với Tô Ðông Pha khi họ Tô tự ý sửa hai câu thơ của ông. Ðiều tốt nhất là để cho Tô Ðông Pha phải tự mình tìm hiểu bằng cách va chạm với thực tế. Có thấy mới tin là đúng. Nghe nói hay đọc được mà biết thì cái biết đó cũng còn mơ hồ.

Ngày nay, các nhà giáo dục đã và đang áp dụng phương pháp giáo dục tân tiến để dạy học trò ngay từ lớp mẫu giáo trở lên. Ðó là phương pháp thầy cô hướng dẫn để giúp trẻ tự tìm ra những điều mà chúng phải học. Ở các lớp lớn hơn, học trò được dạy cách nghiên cứu và sưu tầm để tự mình tìm ra những gì cần phải học.

Những câu “Ngoài bầu trời này còn có bầu trời khác,” “cao nhân tất hữu cao nhân trị,” “ biển học mênh mông sức người có hạn,” và “đi một ngày đàng học một sàng khôn” quả là những bài học về kiến văn rất thâm thúy vậy.

Có đi ra ngoài và va chạm với đời, ta mới mở mắt ra được. Phải từng trải, ta mới hiểu ý nghĩa của cuộc sống. Tài quả có quí thật, nhưng phải nhờ có kiến văn rộng, ta mới làm cho cái tài của mình hữu dụng hơn hầu phục vụ cộng đồng đất nước đắc lực hơn. Kiến văn giúp cho những điều chúng ta học hỏi được ở nhà trường trở thành tinh nhuệ hơn và hữu dụng hơn.

Muốn trau giồi kiến văn, ta phải tham gia mọi sinh hoạt cộng đồng xã hội, phải dấn thân tình nguyện làm việc nghĩa, phải giao thiệp rộng, và phải đi đây đi đó khi có khả năng và phương tiện. Người xưa đã nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn” và “đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ (hay ở nhà với vợ) biết ngày nào khôn” là vậy. Có ra sinh hoạt với đời ta mới có dịp hiểu người và sự việc và nhờ đó ta mới có thể phân biệt được điều hay lẽ phải và kẻ dở người hay. 

Người đàn bà có ma lực..


02/2011 12:25 am
                                        
        
Một người đàn bà phù phiếm, ngỡ rằng tình yêu là một trò đùa, và suốt đời, nàng đã thử sức hút của mình bằng trò chơi đó.
Bây giờ người đàn bà ấy đã có tuổi. Trên cái thân thể bắt đầu đẫy ra còn ghi lại dấu ấn của thời trẻ trung tự do phóng đãng. Mặt không đẹp, các đường nét mờ nhạt. Hạnh phúc được lo toan cho một gia đình riêng không hề có trên khuôn mặt ấy. Một mình với cuộc sống đã ở phía dốc bên kia, người đàn bà càng có nhiều thời gian để than thở: "Ta là một người đàn bà, một người đàn bà rất hoàn hảo nhưng tại sao ta lại không có được cái kết quả của sự hoàn hảo ấy". Cùng với tiếng than thở, tiếng lao xao, tiếng dao, thớt lách cách bên hàng xóm vọng sang như tiếng mõ nguyện. Người đàn bà ngồi mơ màng lắng nghe thầm nghĩ: "Nếu như mình là người chủ căn nhà bên kia nhỉ. Mình sẽ băm thịt thật nhuyễn. Mấy đứa con xăng xái chạy bên cạnh, mình sẽ sai chúng. Đức ông chồng đọc báo cho mình nghe hay ngồi đun củi, khói sẽ cay xè...".
 - Ra kia đi nào, mẹ bảo có nghe không? Con cái nhà đến là khổ!
Tiếng quát làm dứt luồng suy nghĩ của người đàn bà. Người đàn bà nhìn quanh mình. Chiếc nồi còn bắc trên bếp. Nước đã sôi từ lâu mà vẫn chưa đổ gạo. Người đàn bà với chiếc rá, tự giễu mình. Thấy chưa, suốt ngày chỉ quát với tháo, cứ như thế này mà chẳng hơn ư? E rằng lại chẳng đánh đổi nỗi đau khổ này để chuốc lấy nỗi đau khổ khác!
Bữa ăn được dọn ra ngay bên cạnh cái bếp dầu. Trên mảnh gỗ nhỏ kê làm mâm chỉ có một chiếc bát, một đôi đũa, còn thức ăn vẫn để nguyên trong nồi. Xới một bát cơm đầy, chưa và được miếng nào thì bên hàng xóm lại vẳng sang tiếng trẻ con thánh thót: "Con mời ba mẹ ăn cơm ạ". Người đàn bà bê nguyên chiếc bát lắng nghe tiếp. Chỉ có tiếng bát đũa va vào nhau, tiếng va chạm của một cuộc sống bình thường khiến người đàn bà không còn cảm giác muốn ăn nữa.
Buổi trưa, cả khu tập thể đã im lìm trong giấc ngủ, người đàn bà trăn trở và tự trách mình: dạo này thần kinh ta rệu rã quá rồi, chỉ hay xúc động những chuyện không đâu. Cái gia đình bên hàng xóm ấy. Hừ, con cái thì nheo nhóc, vợ chồng thì như dùi đục chấm mắm cáy. Ta mà là chủ gia đình ấy... Nhưng sao dạo này ta cảm thấy trống trải ghê gớm.
Càng nghĩ đến hiện tại, người đàn bà càng trăn trở, bắt suy nghĩ của mình quay về với quá khứ. Quá khứ của một thời trẻ, sống động, dàn trải như một cuốn phim mầu với những lời ca êm dịu, ngọt ngào. Phải, đã bao lần người đàn bà ấy dập tắt được con sóng lòng trăn trở, khắc khoải.
Phương tiện để quay trở lại quá khứ là một cái tráp khá to mầu đỏ đã phai sắc qua năm tháng. Người đàn bà bê cái tráp xuống để cạnh mình và chọn tư thế thoải mái nhất. Người đàn bà lấy ra những chồng kỷ niệm của cả một quãng đời. Cũng có khi người đàn bà chỉ lấy giữa quãng, về một năm tháng và một người nào đó. Cái tráp kỷ niệm này càng về gần đây càng hay được vuốt ve. Mặc dù chẳng cần có chúng, người đàn bà vẫn còn nhớ tất cả những gì như mới xảy ra ngày hôm qua.
Này đây là quyển sổ nhật ký năm mười bảy tuổi. Trang đầu tiên là một tấm ảnh đã bị ố vàng nhưng vẫn rõ nét. Cô gái không xinh đẹp nhưng tươi mát và sinh động bởi đôi mắt đen láy và đôi lông mày cong vút. Ở phía dưới tấm ảnh, là mấy vần thơ của Tagorơ:
 "Tôi không thích tình yêu và hạn độ
 Mà chỉ thiết tình yêu như rượu mạnh sục sôi
 Trong phút chốc làm nổ tung chai
 Và chảy phí ra ngoài."
 Người đàn bà lật tiếp trang thứ ba và đọc.
 Ngày...
Mười bảy tuổi bước vào trường đại học, ta là một cô gái không xinh đẹp, cũng không có duyên. Để bù lại, ta thông minh và học giỏi. Tạo hóa đã rất công bằng khi ban cho cô gái này sắc đẹp nhưng lại ít thông minh. Cô gái kia thông minh nhưng ít xinh đẹp. Nhưng tạo hóa lại không có cách nào để cho người ta hiểu ngay được rằng người ta chỉ có một hoặc vài khả năng nào đó thôi. Bởi thế người xinh đẹp cứ ngỡ mình là người thông minh. Và kẻ thông minh lại tưởng lầm mình là xinh đẹp. Điều này đôi khi cũng đúng. Bởi vì người xinh đẹp thường chinh phục điều họ muốn bằng sắc đẹp. Người thông minh dĩ nhiên là bằng trí tuệ. Nhưng, có lẽ điều này chỉ đúng với đàn bà mà thôi.
Mười bảy tuổi, ngưỡng cửa của cuộc đời: sự nghiệp và tình yêu. Sự nghiệp dường như dang rộng cánh tay để đón ta. Thầy giáo, bạn bè ai cũng yêu mến và có phần khâm phục nữa. Thế nhưng ta vẫn cảm thấy chưa đủ và còn bực tức. Đó là khi đi dạo phố hoặc đến các cuộc vui ta đã không được các chàng trai để ý. Trong lòng ta, ta lại muốn rằng, ở trong lĩnh vực nào ta cũng nổi lên như một người duy nhất. Thế rồi một hôm có một người biết xem bói tới phòng chơi. Bạn bè ta giơ tay ra và đều tấm tắc rằng đúng. Vốn bản tính nghịch ngợm, ta không tin nhưng cũng giơ tay ra:
 - Chị bói cho em xem, liệu em có được ai yêu không?
 - Được rồi, khá lắm!
 - Cô bé này có tài chinh phục đàn ông đấy.
 Cả phòng phá lên cười, ta cười to hơn cả.
 - Hừ, chinh phục. Chị thân mến ơi, em xấu như ma lem thế này thì chinh phục được ai kia chứ!
- Cô bé ngốc nghếch ạ, bây giờ có phải cứ xinh đẹp mà chinh phục được họ đâu. Bây giờ là thời đại mới, thời đại của chúng ta. Chúng ta làm chủ tình thế chứ đâu như thời phong kiến mà đàn bà chỉ biết đứng e lệ một chỗ như những bông hoa trong luống hoa ấy, mặc cho người ta khen, người ta chê. Đấy, cái thời ấy mới cần đến sắc đẹp chinh phục.

- Có lẽ cô bé chẳng tin tôi đâu nhưng chắc điều này thì cô bé hiểu chứ.Có nhiều người đàn bà xinh đẹp nhưng tại sao họ không được đàn ông chú ý đến. Ngược lại, có những người đàn bà rất bình thường, đôi phần xấu xí nữa là khác thế mà lại được nhiều người vây quanh y như một minh tinh màn bạc. Đấy chính là duyên ngầm cô bé ạ. Mà ở cô còn hơn thế nữa kia, đó là ma lực! Tất cả bọn họ sẽ bị hút vào cô cho mà xem.
 - Gớm, chị nói gì mà khiếp thế.
 - Thật đấy, nhưng... thôi, đừng tin. Chị nói nhảm đấy!
Tất cả như một trò đùa nhưng ta lại nửa tin, nửa ngờ. Ta tin bởi vì tâm hồn ta tràn đầy những mơ mộng về những điều như chị thầy bói kia nói. Có nghĩa rằng ta muốn bọn họ, tức là đàn ông ấy sẽ bị hút vào ta ngay từ những phút đầu gặp mặt. Từ lúc ta bắt đầu nói, cười. Còn ngờ là bởi vì ta thông minh nên ta biết ngay rằng ta là một cô gái không đẹp. Ta ham đọc sách vở. Ta chẳng thấy có chỗ nào miêu tả rằng, chàng trai ấy xao xuyến cả tấm lòng khi bắt gặp một cô gái xấu xí. Nhưng cho đến một ngày niềm tin của ta bắt đầu được củng cố...
 Ngày 1-7
Trên chuyến tàu hôm ấy ta và cô bạn gái, một cô bé xinh xắn, dịu dàng thoạt trông rất đáng yêu đi về nhà nghỉ hè. Cô bạn gái bình thản ngồi nhìn qua cửa sổ toa tàu. Còn ta, trong lòng rộn ràng bao sắp đặt cho kỳ nghỉ hè đầu tiên trong đời sinh viên. Tuy thế ta cũng đã nhận thấy một cái nhìn nào đó. Ta cố tạo một bộ mặt phớt và lạnh bằng cách nhìn trân trối lên trần toa tàu. Rồi sau đó ta có vẻ khó chịu. Ta nhìn lại cái nhìn kia bằng cái nhìn thẳng và hơi giễu cợt một chút. Cái nhìn đó là của một người đàn ông trẻ. Gặp cái nhìn như thách thức của ta, người đàn ông hơi cúi mặt xuống. Sau một hồi như trấn tĩnh lại, người đàn ông tới bắt chuyện với ta. Ta lảng tránh và nghĩ thầm: chắc lại muốn làm quen với cô bạn xinh xắn của mình đây mà. Ta thừa biết thóp các người rồi! Sau đó người đàn ông quay sang bắt chuyện, với cô bạn gái của ta thật, cô bạn gái vui vẻ bắt chuyện. Mặc dù có vẻ chăm chú ngắm phong cảnh chạy dài hai bên đường, ta vẫn lắng nghe câu chuyện của họ. Câu chuyện qua lại vẫn đậm đà dần lên. Ta cảm thấy bị lãng quên như bao lần đã không được chú ý đến. Rồi ta nghe thấy người đàn ông đang dò hỏi cô bạn gái về ta. Ta tự răn mình đừng quá lên gân bèn quay lại mượn người đàn ông kia tờ báo phụ nữ. Tàu lắc lư nhè nhẹ. Cô bạn gái vô tư của ta đã ngủ khì. Người đàn ông quay sang hỏi ta:
- Xin lỗi, tôi trông bạn quen quá. Hình như chúng ta đã gặp nhau ở đâu rồi thì phải.
-  Vâng, có lẽ trên một đoạn đường nào đó - Ta hơi dài giọng như hát cải lương.

 -  Nhà bạn ở Nam Ninh phải không?
 -  Vâng ở xã ấy đấy.
 -  Xã nào cơ?
 -  Trên tháp Phổ Minh ấy mà.
 -  Bạn là một cô gái ưa khiêu khích.
 Ta phá lên cười. Điệu cười ròn rã, vô tư.
 - Tôi ấy ư? Anh thấy thế à? Trời ơi thật là uổng công tôi quá! Tôi đang tập để trở thành một cô gái dịu dàng.
 - Tại sao thế?
- Bởi vì đa số đàn ông các anh họ thích thế.
- Bạn là cô gái khác lạ đấy.
- Anh tò mò hả. Có thích tìm hiểu tôi không?
 Ta phá lên cười...
Tàu hôm ấy có vẻ chạy nhanh hơn mọi lần. Hành khách đã tản ra trên các hè phố. Ta dắt tay cô bạn gái bước nhanh để chóng về nhà. Ta đã quên người đàn ông trên tàu. Câu chuyện tầm phào như mọi lần trước, ta cho là thế. Đến ngã tư ta chia tay với cô bạn. Chỉ còn vài bước nữa là về đến nhà. Bỗng nhiên trước mặt ta là người đàn ông trên tàu đang nhìn ta cười.
-  Nhà bạn ở chỗ kia phải không?
- Sao anh biết?
- Vì tôi thích tìm hiểu về bạn. Tôi đã nói, bạn là một cô gái khác lạ. Sáng mai tôi sẽ đến thăm bạn nếu như qua đêm nay tôi còn nhớ bạn. Còn sáng mai tôi không đến có nghĩa là chẳng có gì đáng nói nữa cả. Thế nhé, tạm biệt.
Người đàn ông rảo bước đi. Ta bị đột ngột vài giây. Người đàn ông ấy cũng thật lạ lùng. Ta bước đi chầm chậm. Bây giờ thì lại chưa muốn về nhà vội. Hình như trong một câu chuyện nào đó cũng có một tình huống như thế này rồi. Kể ra thì cũng hay đấy. Người đàn ông kia cũng khá: cao to, đẹp trai và hình như mạnh mẽ. Ờ, mà tại sao anh ta lại không đi theo cô bạn gái của ta nhỉ? Duyên ngầm và ma lực. Cầu Chúa ngày mai anh ta sẽ đến...
 - Chị đã về, chị đã về...
Tiếng cô em út lanh lảnh báo tin cho cả nhà. Bố mẹ, các em ta chạy ùa ra cửa đón. Lúc đó ta quên tất cả. Sự đầm ấm, bữa cơm ngon lành và ánh mặt trời trìu mến bao quanh ta.
Sáng hôm sau, sự hứng khởi làm một bà nội trợ đảm đang làm ta quên đi lời hẹn. Ta quấn một chiếc khăn đỏ ngang đầu, mặc chiếc áo blu trắng của mẹ. Ta mê mải quét những tổ ấm nhà nhện trên tường. Vừa làm vừa hát vui vẻ. Chợt tiếng cậu em vang lên:

 - Chị ơi, có ai hỏi chị đây này.
Ta chạy ra sân. Nắng buổi sáng dịu dàng tỏa quanh ta, vẫn cầm chiếc chổi trong tay, ta ngạc nhiên một chút.
 - Chào anh, anh vẫn nhớ à?
 - Vẫn nhớ.
 Người đàn ông thở mạnh như cố nén từ lâu.
 - Mời anh vào nhà chơi.
 - Bạn đang bận mà.
Ta mở to đôi mắt nhìn người đàn ông. Ta như chờ đợi điều gì đó. Và quả nhiên:
- Buổi sáng bạn đẹp quá. Chiều chắc bạn không bận chứ? Tôi đến nhé.
Người đàn ông nói giọng trầm trầm rồi quay lưng đi luôn. Ta đứng nhìn theo im lìm như pho tượng. Ta chẳng kịp phản ứng ra sao. Người đàn ông đi khuất, ta rùng mình chợt tỉnh. Một cảm giác thật lạ lẫm ập vào ta. Cơ thể nhẹ nhàng như không trọng lượng. Trái tim thì rộn ràng đập. Ta đi vào nhà và ngồi xuống ghế. Không nghĩ được điều gì rõ rệt. Ngồi thừ ra một lúc ta mới nhớ ra rằng: mình vừa được khen là đẹp. Ta để nguyên quần áo như thế, gỡ chiếc gương chạy ra chỗ nắng lúc nãy và soi. Trong gương, một cô gái rất trẻ trung đang nhìn lại ta bằng ánh mắt thật trìu mến. Nắng tô hồng và làm rạng rỡ thêm khuôn mặt cô gái; khuôn mặt bầu bầu trẻ lâu. Chiếc khăn đỏ trùm hết trán chỉ để lại đôi lông mày như hai cánh cung đang bắn những ánh mắt rộn ràng của đôi mắt mầu đồng hun. Phải, có lẽ lời khen chẳng nịnh chút nào.
Từ lúc người đàn ông về, ta chẳng làm được việc gì nữa. Ta trở nên vụng về. Suy nghĩ tản mạn, đứt đoạn. Rơi vỡ và vấp váp. Cứ một lúc ta lại mang gương ra nắng soi và tự hài lòng.
Buổi chiều, người đàn ông đến. Anh ta ngồi điềm tĩnh trước mặt ta. Ta cảm thấy bối rối. Ta kể chuyện liến thoắng, em, các bạn em, môn học của em. Có lẽ lúc ấy ta đã bối rối vô cùng. Ta kể một mạch hết mọi chuyện. Người đàn ông ngồi im lắng nghe và chăm chú nhìn ta. Ta chợt cảm thấy sợ hãi. Nỗi mơ hồ vì đã không làm chủ được bản thân. Ta cúi mặt lảng tránh cái nhìn của người đàn ông. Rồi người đàn ông khẽ khàng bảo ta:
 - Em đi dạo phố với anh được không?
  - Vâng.
 Chiều tà. Ánh hoàng hôn hắt xuống mặt hồ đỏ au. Gió từ hàng dừa thổi nhè nhẹ.
  - Anh yêu em.
 Chỉ như gió thoảng bên tai. Ta lắng nghe và rùng mình tan biến vào không gian. Ta không còn nhìn thấy gì nữa, nghe thấy gì nữa. Ta cảm giác được lần đầu tiên được nghe tiếng yêu. Rồi cảm giác ấy qua đi nhường chỗ cho sự ngang bướng.
 - Anh yêu em? Vì lẽ gì? Anh đã biết gì về em đâu?
- Anh yêu em, chỉ biết vậy thôi. Còn vì lẽ gì thì anh không cần biết. Em cũng yêu anh chứ?
 - Vâng. "Người với người sống để yêu nhau".
- Chà!
 Người đàn ông tỏ vẻ không hài lòng:
- Vậy em lại yêu người đàn ông đánh giậm kia đi?
- Nếu có thể, khi ông ta tỏ tình với em.
- Em...
 Người đàn ông đã bắt được sự ngang bướng của ta. Anh ta đột ngột ôm lấy vai ta kéo vào ngực.
- Em cũng yêu anh có phải không?
- Vâng.
 Cây cối chao đảo trên đầu. Đất như nghiêng sang một phía.
Thế đấy, người đàn bà vừa mỉm cười vừa lau những giọt nước mắt lăn trên gò má. Mối tình đầu, người yêu đầu tiên còn như ngân vọng mãi đến bây giờ. Người đời vẫn thường ca ngợi những cảm giác mới mẻ và nguyên vẹn. Nhưng tại sao ta lại rời bỏ anh ấy nhỉ? Giữa anh ấy và ta không hề có kỷ niệm buồn nào cả. Ngọt ngào và êm đềm. Hình ảnh anh ấy vẫn còn trọn vẹn trong ta. Nụ cười của anh bao giờ cũng như có lỗi một chút. Anh hay lắng nghe ta nói như đứa bé con say sưa nghe con chim bé bỏng hót trong lồng mà chẳng hiểu nó nói gì với mình. Rồi anh ấy khẽ khàng ôm lấy hai vai ta. Có cảm giác dịu dàng, đê mê lan từ bàn tay anh ấy thấm vào cơ thể ta... Đã bao năm tháng rồi mà ta cứ giữ cảm giác về anh như mới hôm qua. Đã bao lần ta trốn vào giấc ngủ cố quên hiện tại bằng sự nhớ về anh. Vậy mà sao lại phải từ bỏ. Hừ, ma lực, chinh phục!
Rồi thì đến ai nào? Người đàn bà lại lật tiếp trang sổ...
Ngày...
Hồi ấy là mùa ôn thi thứ tư trong đời sinh viên. Ta và Sơn, người đàn ông trên tàu, vẫn yêu nhau tha thiết. Mùa thi ấy ta vẫn bảo anh đừng đến. Nếu không em sẽ trượt hết cho mà xem. Anh vẫn đến nhưng đến sau khi ta thi xong một môn. Còn môn cuối cùng là hóc búa nhất. Mặc dù mang tiếng học tài tử song hôm nào ta cũng phải vác sách lên giảng đường. Trường ta học mang tiếng là "mọt sách" cũng phải. Giảng đường tự tu mà chật ních những sinh viên. Cả phòng học im phăng phắc. Chỉ nghe tiếng sách giở sột soạt và tiếng ngòi bút cày trên giấy. Khoảng 10 giờ đêm mọi người bắt đầu ra về. Hôm ấy ta hứng học ghê gớm nên chưa muốn về. Ta gục mặt xuống bàn nghỉ vài phút. Khi ngẩng lên ta thấy trước mặt ta là một tờ giấy có viết: "Cô bé ơi có người muốn làm quen với cô đấy".

Ta phẩy tay cho tờ giấy bay ra chỗ khác. Một tờ giấy khác lại đưa lên từ bàn dưới: "Xin lỗi vì đã làm phiền nhưng ta hãy làm quen nhau đi, chỉ 15 phút thôi mà".
Ta quyết định đứng dậy thu xếp sách vở ra về. Ôm gọn sách vở trước ngực, ta quay lại nhìn thẳng vào mắt người con trai phía sau. Lúc đó ta cảm thấy đầy sức mạnh. Sức mạnh của người đàn bà đang được đàn ông chú ý đến. Ta nhìn thẳng vào mặt anh chàng. Rồi xảy ra một cuộc đọ mắt. Ta đã thắng và bước khỏi giảng đường để lại anh chàng ngơ ngác mất vài giây rồi chạy theo ta.
- Xin lỗi bạn. Tôi không chú ý. Tôi chỉ... Bạn hãy ở lại học bài tiếp đi. Tôi về.
Ta phá lên cười. Còn người con trai thì run bắn lên. Ta dừng lại một chút nhìn sâu vào đôi mắt đang bối rối cực điểm của anh ta.
Thế rồi ta bắt đầu tìm hiểu về người con trai kia. Phòng ở của ta đối diện với khoa toán. Đêm hè khuya lắm cả trường mới đi ngủ. Khi không gian đã vắng lặng thì tiếng đàn ai đó vang lên. Tiếng đàn rất hay, lúc buồn rầu, lúc náo động. Sáng hôm sau cả phòng ta xôn xao hỏi nhau:
- Đêm qua bọn mày có nghe thấy tiếng đàn không? Hay tuyệt!
- Đúng rồi. Lúc ấy tao ngủ rất say mà cũng phải tỉnh giấc.
- Bọn toán 4 đấy.
Đêm hôm sau cả phòng ta thức chờ nghe tiếng đàn. Còn ta căng mắt nhìn trong bóng đêm tìm người đánh đàn.
Người con trai khoa toán ấy sau hôm giáp mặt ở giảng đường, có vẻ rất ghét ta thì phải. Thậm chí có những lúc ta chào hỏi như một người quen biết:
- Anh đi học về đấy à?
Người con trai ấy đã gườm mắt xuống không thèm đáp lại. Nhưng lại hay giáp mặt ta để gườm gườm.
Sơn vẫn đến đều đều. Ta bắt đầu có cảm giác là Sơn nhạt nhẽo thế nào ấy. Sao ánh mắt Sơn lúc nào cũng dịu dàng mà lại không gườm gườm? Sao Sơn không biết đánh đàn nhỉ? Ta giở trò ngang bướng, Sơn chỉ nhẹ nhàng. Đừng nên thế. Giận dỗi hay sinh ra lỗi lầm lắm đấy. Sao Sơn không giáng cho ta một cái tát tai nhỉ? Ta sẽ khóc, và sẽ dỗi, cố nhiên, nhưng sau đó ta sẽ hôn anh nồng thắm hơn cho mà xem!
Một đêm trăng rất tỏ ta và Sơn đi dạo chơi quanh bãi cỏ sau trường. Mặc dù chẳng hề dỗi hờn, cãi nhau nhưng lòng ta dửng dưng đến kỳ lạ. Ta bình thản đi bên cạnh anh. Chợt tiếng đàn quen thuộc vang lên. Tiếng đàn ấm áp và gần gũi, ta để Sơn đứng đó và chạy lại nơi có tiếng đàn. Người con trai khoa toán. Anh chàng không nhận thấy ta đang ngước nhìn vầng trăng dịu hiền và tiếp tục gảy những nốt nhạc buồn tẻ. Ta cảm thấy rõ rệt rằng ta chẳng thể yêu Sơn được nữa. Ta đi lại bên Sơn.
- Anh Sơn ơi, em không yêu anh nữa đâu.
- Đã đến lúc rồi đấy à? Anh tưởng anh giữ được em. Con chim lạc loài.
- Bọn mình chia tay nhau nhé. Đừng giận em nhưng em không thể dối lòng mình.
-  Cảm ơn em vì sự thật... Tiễn anh lần cuối nhé. Ta tiễn anh ra cổng trường. Anh bắt tay ta rồi  cầm tay áp lên má anh.

- Anh chẳng nói với em gì cả nếu như em thấy lòng em muốn thế. Nhưng bao giờ em sẽ dừng lại hở cô bé?
- Em không cần anh phải nghĩ hộ em đâu.
- Em hãy biết dừng lại ở một người đàn ông nào đó.
Sơn về, ta chạy lại phía người con trai đang đánh đàn, ta lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh anh:
- Anh không đuổi tôi chứ?

 -  Chị cần gì?
 -  Cần nghe đàn. Mà đừng có gườm gườm nhìn tôi như thế, hãy dịu dàng đi.
 -  Xin lỗi chị, chị cứ việc ngồi, tôi về.
-  Đừng. Anh hãy đánh đàn tiếp đi. Đêm nào tôi cũng nghe anh đàn thành ra nghiện đấy. Tôi đã bảo rồi, đừng gườm gườm như vậy. Mà thôi cứ việc gườm gườm, tôi yêu cái nhìn của anh.
Người con trai sợ hãi buông rơi cây đàn cứ như là chàng hoàng tử đi săn gặp mụ phù thủy.
- Tôi xin chị đừng có giễu.

- Không, tôi nói thật đấy. Tôi muốn anh dạy tôi đánh đàn. Tối mai tôi đợi anh ở đây nhé.
Tối hôm sau ta ra bãi cỏ. Người con trai đã đứng đợi ta ở đấy rồi.

 - Thế là bạn không đùa.
 - Tất nhiên, anh thấy đấy.
Người con trai ấy đã dạy ta đánh đàn. Ta hát cũng khá hay. Thường thường người con trai đánh đàn cho ta hát. Ôi, cái bãi cỏ mượt mà ở sau trường. Cho đến tận bây giờ mỗi lần đi qua một bãi cỏ xanh, ta vẫn cứ phải ngồi xuống đó một chút và bên tai ta cứ văng vẳng tiếng đàn. Và ta đã rời bỏ người con trai ấy khi anh chàng vừa kịp thổ lộ yêu ta. Mà cũng chính tại anh ta thôi. Anh ta đã dạy ta hát, đàn tận tình quá. Ta vừa đàn vừa hát. Một tài năng hiếm ở đàn bà. Một nhà văn nào đó đã viết được điều hay ho này: "Ở người đàn bà hát hay, hay đàn giỏi chỉ là sự làm duyên làm dáng thêm để kiếm tấm chồng tốt hơn". Anh ta đã không biết điều đó nên tối hôm ấy đã mời ta đi dự sinh nhật bạn anh, một nhà văn trẻ. Hôm ấy ta vừa đàn vừa hát một bài ca độc đáo. Ta được hoan hô như với một nhạc sĩ tài ba. Và anh nhà văn, đã tặng ta thơ và những quyển sách do chính anh ấy viết. Ta vốn hâm mộ thơ văn như hâm mộ tiếng đàn. Rồi sau nữa? Đó là hôm ta đến chỗ anh ấy. Ta bắt được trên bàn viết của anh ấy một lá thư viết dở. Ta đã tò mò đọc và yên trí rằng đó là lá thư viết cho ta. Lời lẽ trong thư âu yếm như được chép lại từ những lời anh ấy nói với ta. Đến cuối thư ta mới giật mình đọc tên bà nữ chúa của lòng anh ấy. Ta đã hiểu rằng, ta chỉ là một rung động nho nhỏ như bao điều rung động đã giúp anh ấy viết lên những tác phẩm của mình...
Sau đó là giai đoạn trống. Ta tự nhìn lại bản thân mình. Nhưng đó không phải là cái nhìn để biết dừng lại, mà lại là cái nhìn thấu đáo để tu sửa bản thân cho thêm phần hấp dẫn. Ta sửa lại mái tóc cho thật hợp với khuôn mặt hơi bị gãy. Đôi mắt vốn đã đen và sâu tô mầu đậm cho thật sâu hun hút. Ta chọn loại kem nâu xoa mặt. Mầu trắng kể ra có hấp dẫn hơn nhưng không được khỏe khoắn. Ta thích mặc các loại áo thun bó sát lấy người để khoe những nét đẹp của tạo hóa. Ta tạo nụ cười duyên dáng và điệu cười ròn rã lôi cuốn. Duy có cái nhìn ta vẫn giữ nguyên: thẳng và sâu.
Khi đã kịp sửa sang xong thì bản "trường ca" lại tiếp diễn. Một cậu bé thi rớt đại học lên ở với anh là một chàng sinh viên cùng lớp với ta. Cậu bé con mới lớn thật đáng yêu. Tất cả ở cậu bé đang là thời kỳ quá độ, chuyển từ một chú thiếu niên lên một trang nam nhi. Và đôi mắt thì quả là tuyệt, trong veo và đen láy. Nhìn cậu bé ta ưa ngay. Ta hay bảo ban cậu bé bài vở. Còn cậu thì chẳng hiểu sao lại quý chị quá vậy. Chẳng khó khăn gì mà không nhận thấy điều đó. Ta có thể gạt phắt ra ngoài lề, để chẳng bao giờ phải nghe những từ ngữ chưa phải lúc thốt ra. Ồ, nhưng mà với ai kia chứ, hãy nhìn cậu bé mà xem kìa: cặp mắt trong veo đến là thương, má thì đỏ dậy.
- Em rất thích chị. Không phải, hơn thế nữa kia. Em yêu chị - Một lần cậu bé nói.
 -  Chị cũng yêu em.
 -  Không phải, chị cố tình không hiểu em.
Nói xong, cậu bé lấy hai tay ôm chặt khuôn mặt nóng bừng sợ hãi. Ta suýt nữa thì phá lên cười như điên nhưng may sao kìm được. Ôi! Tình yêu từ thuở mới bắt đầu! Ước gì hồi ấy ta không lớn hơn cậu bé nhiều đến thế. Thực ra ba năm chẳng phải là khoảng cách lớn lắm. Nhưng cậu bé ơi, lúc ấy ta đã ý thức được tất cả những gì ta làm rồi. Cậu nhận thấy ở ta những nét sinh động nhí nhảnh, thật đáng yêu như những cô bạn cùng lớp với cậu phải không? Những cô ấy không ý thức được nét nhí nhảnh, đáng yêu ấy có tác dụng gì đâu. Họ xuất phát từ tâm hồn trong trắng tràn đầy sinh lực về cuộc sống đẹp đẽ trước mắt, về những cái họ sắp được trải qua. Riêng ta, ta ý thức được những nét nhí nhảnh đáng yêu kia sẽ lôi cuốn được các cậu như thế nào? Và các cô gái, sau hành động nhí nhảnh đáng yêu ấy họ sẽ hướng về phía trước, rung động. Còn ta, ta ngoảnh lại phía sau để xem kết quả.
Cậu bé quá ư rụt rè và trân trọng. Một chút quà nho nhỏ, một sự âu yếm nho nhỏ cũng phải dùng biết bao sức lực. Thế mà ta phải cố tạo ra vẻ nghiêm trang, thành thực. Sự ghen tuông của cậu mới đáng nói chứ. Đến phòng ta gõ cửa, thấy ta đang tiếp các bạn trai. Cậu bé đứng đợi ngoài phòng. Khoảng 15 phút sau ta chạy ra tìm không thấy cậu bé đâu. Ta chạy ra con đường hay đi dạo, thấy cậu bé đứng úp mặt vào gốc cây xà cừ khóc thổn thức. Ta phải dỗ dành:
- Thôi đừng khóc nữa. Nín đi nào. Bây giờ thì đi dạo nhé.
Tâm hồn trong trắng và dễ tin quá. Cậu bé cứ nhất định đòi cưới ta làm vợ. Chà, cậu bé mười tám tuổi... Ha... Ha. Cưới ư? Hừ, đấy với ta. Ma lực và chinh phục! Thực ra mi đã mất đi một nửa cuộc đời. Mi tưởng rằng mi được nhiều ư? Cũng khá đấy nhưng mi chẳng bao giờ biết đến cái hạnh phúc được một người đàn ông hỏi mà làm vợ. Vậy mà còn cười được ư?
Thế rồi gia đình cậu bé biết chuyện. Họ ra sức khuyên can cậu bé. Vô hiệu. Đối với cậu bé ấy, cuộc sống chỉ có ta. Cuối cùng họ phải chạy vạy cho cậu bé đi xuất khẩu lao động mặc dù cậu bé đã đủ điểm vào đại học, nhằm mục đích tách khỏi ta nhưng họ sẽ chẳng có kết quả gì nếu như ta không bị lương tâm cắn rứt. Hãy thôi cái trò đùa ấy đi. Ta khuyên cậu bé: mình hãy cứ đi đi, ba năm có gì là lâu đâu, ba năm lúc ấy mình mới ra dáng một đức phu quân chứ - Cậu bé ra đi, ta thở phào nhẹ nhõm - Đỡ phải day dứt lòng.
Thời sinh viên trôi nhanh như một cuộc vui. Thấm thoát đã đến năm học cuối cùng. Ta nhớ lại lời chia tay của Sơn. Hãy biết dừng lại ở một người đàn ông nào đó. Các bạn gái chung quanh ta thì đã yên vị cả rồi. Đấy là các quy luật truyền qua các khóa sinh viên: một điệu, hai kiêu, ba yêu, tứ liều. Có nghĩa là năm thứ nhất mới vào trường thì còn điệu. Năm thứ hai nhiều anh "xô" nên kiêu căng. Năm thứ ba thì chọn được một chàng ưng nhất và yêu. Năm thứ tư, ra trường phải liều mọi cách để được về công tác cùng một nơi. Nhưng cái quy luật ấy chẳng ngấm đến ta. Ta vẫn cứ bị trượt dài.
Ngày...
Một chiều đẹp sau khi cậu bé ra đi ta đi dạo phố. Qua Hà Đông ta rẽ vào xem ca nhạc, trên sân khấu có một nhạc công rất đẹp, vẻ đẹp người La Mã. Chắc hẳn phải có dòng máu pha trộn. Ta đã ngắm nhìn anh ta. Càng nhìn càng thán phục vẻ đẹp rất hoàn mỹ. Lúc ra về ta đứng đợi ở cổng với hy vọng được nhìn anh ta gần hơn. Và hôm ấy ta gặp may. Anh ta đi qua nơi ta đứng. Anh ta bước đi hững hờ, chiếc kèn ô-boa vác trên vai càng tôn thêm chất nghệ sĩ ở anh. Ta nhìn anh ta chăm chú. Linh cảm được cái nhìn rất nhạy, anh ta quay lại:

 - Cô bé nhìn gì thế, chiếc kèn này chăng?
 -  Nhìn anh. Ta đáp.
 -  Cô hãy ngắm kỹ đi. Này, nhưng cô được cái gì chứ, khi tôi đi rồi.
 -  Đẹp đấy nhưng có lẽ tâm hồn chẳng được như cái vẻ bên ngoài.
 -  Lạy Chúa, cô là phù thủy à?
 -  Tôi muốn làm quen với anh.
- Thôi được. Nếu chúng ta làm quen. Tên tôi là Trung. Tôi có thể đưa cô về được chứ?
Ta đã làm quen với anh ta như thế. Tối hôm sau anh ta đến mời ta đi xem phim. Tan phim khoảng 9 giờ tối. Anh ta rủ ta đi dạo quanh công viên. Công viên ven sông vắng vẻ. Trăng mờ ảo rọi qua các kẽ lá. Anh ta khá hiểu biết về cuộc sống, về văn hóa nghệ thuật. Nói chung đó là cái vốn để anh ta giao tiếp với các cô gái. Câu chuyện xoay vần đến cái mấu chốt cuối cùng giữa đôi trai gái là tình yêu. Anh ta nói đến cái quan niệm yêu đương. Anh ta kể rằng có những cô gái đã hâm mộ anh ta tới mức chỉ cần có với anh ta một đứa con. Rồi bất ngờ anh ta ôm chặt lấy ta. Ta chỉ đợi một cái hôn dội xuống nhưng anh ta đã đi xa hơn. Ta chống cự nhẹ nhàng nhưng buộc anh ta phải buông ra ngay:

 - Xin lỗi, tôi tưởng cô cũng thích thế.
 - Thích thế nào? Tôi hỏi anh: anh hành động với tôi như thế là do cái gì? Có phải là do yêu tôi không?
- Yêu á? - Anh ta phá lên cười - Yêu á? À thế ra cô thuộc loại cần tiếng yêu đi trước. Nhưng thưa cô bây giờ hiện đại hơn rồi. Người ta chỉ cần nắm bắt qua cử chỉ và ánh mắt thôi, chứ cần gì phải nói đến yêu.
- Chà, hành động vừa rồi chỉ có thể tha thứ được bằng sự thúc giục của con tim, anh biết chứ. Bây giờ thì anh nhận lấy.
Ta giáng cho anh ta hai cái tát. Anh ta định nổi khùng nhưng trấn tĩnh lại ngay.
- Thôi được rồi. Nhưng tại sao sau khi tôi kể chuyện cô không phản đối gì. Tôi tưởng cô cũng nông cạn như những cô gái khác. Được, tôi sẽ kể chuyện của tôi cho cô nghe. Ngày ấy cách đây 10 năm, khi tôi còn là một chàng thanh niên mới lớn, tôi bị một người đàn bà yêu say đắm. Đấy là do bà ta thổ lộ với tôi như thế chứ tôi đã biết yêu là gì đâu mà say đắm. Và cũng trên công viên này tôi suýt nữa bị bà ta túm cổ quẳng xuống sông vì đã không biết cách yêu lại bà ta - Thôi nhé, tạm biệt cô. Chắc cô đã chán tôi rồi! - Ta đã thấy ghê tởm và hoảng sợ. Ta hoảng sợ ở chỗ ta thấy rằng ta có những cái gì đó giống như anh chàng nhạc công kia. Đó là cái bản năng núp dưới bóng tình yêu. Không phải thế, ta đã tự bao biện. Ta đều yêu họ đấy chứ, yêu thật sự, bắt đầu từ chính con tim rung động. Tình yêu của ta thật đẹp đẽ và trong sáng. Và họ toàn đến trước với ta đấy thôi!
- Này cô bạn - Tiếng nói thứ hai cãi lại - Cô đã tự bao biện bằng những lời lẽ quá ngây thơ. Chính cô, cô cũng đã phát tín hiệu trước kia mà.
- Dĩ nhiên, ta đã phát tín hiệu nhưng tín hiệu ấy xuất phát từ con tim ta.
- Này cô bạn. Con người ai cũng có những nét đáng yêu riêng. Cô phải chọn những rung động nào là mạnh mẽ nhất thì cô mới có được một tình yêu chân chính bền vững. Nếu không cô sẽ yêu tất cả mọi người đàn ông mất.

Ngày...
Ta đã tốt nghiệp đại học. Ta ra công tác, sống ở một môi trường mới nhưng không thay đổi gì về quan niệm yêu đương. Ở cơ quan thấy ta chưa có người yêu, mọi người xô vào làm mối cho ta. Ta nổi cáu - mối với lái. Mình có phải là một món hàng ế đâu cơ chứ. Hãy cứ đến với tôi đi. Nghe thấy tôi nói cười, tôi hát, rồi say mê. Tôi cũng sẽ yêu lại thôi.
Khi ra công tác, những người đàn ông họ đều trở nên rụt rè cả hay sao ấy. Hoặc là họ nhờ người này, người nọ nhắn nhe lên tiếng. Hoặc là họ hỏi dò hết người này, người khác xem ý kiến thế nào? Có thể họ không còn muốn yêu mà chỉ muốn lấy vợ? Nhưng ta đã có ma lực kia mà. Hãy lôi họ ra khỏi sự sợ hãi. Hãy chiếm lấy tình yêu của họ bằng tình yêu của ta. Tình yêu của ta - có lẽ chưa thật đúng, sở thích thì đúng hơn. Hãy thể nghiệm những điều linh cảm đi. Được lắm, họ đã từng đến trước với mình kia mà. Vậy thì ta càng có thể đến trước với họ được lắm chứ!

Ngày...
Ta hay đi dạo chơi một mình. Phải chăng nhiều chuyện bắt đầu từ những cuộc dạo chơi đó? Ta lững thững đi trên hè phố và chiều nay là một chiều đông ảm đạm. Phía trước ta là một người đàn ông to cao vạm vỡ dắt một đứa con gái bé xíu. Đứa bé thật xinh xắn trong chiếc áo len đỏ. Con bé nhũng nhẵng quay ngang quay ngửa. Nó phát hiện thấy ta cũng mặc chiếc áo len đỏ như nó. Nó rút tay ra khỏi tay cha nó, chạy lại phía ta. Người đàn ông quay lại mỉm cười:

- Con lên đây với ba, đừng làm phiền cô.
- Ứ ừ con thích cô cơ.
Ta hơi rùng mình một chút bởi cảm giác được tạo nên khi người đàn ông kia gọi con gái mình. Tiếng gọi rất đỗi dịu dàng ấy được phát ra từ người đàn ông trông rất dữ tợn. Tuy thế ta vẫn nắm chặt tay con bé và cố tạo bộ mặt phớt lạnh như bao lần khác:
- Con đi với cô, ba về nhà đây.
- Ứ ừ.
- Thế đi lên đây với ba.
- Nhưng con thích cô cơ!
Người đàn ông đi chậm lại. Ta phát hiện trên ngực người đàn ông lạ kia có một băng tang đen. Lúc ấy ta có linh cảm rằng chiếc băng để tang, để thương nhớ người vợ đã khuất. Bởi thế khi đi qua nhà, người đàn ông mời ta vào, ta đã không ngần ngại:
- Xin mời chị vào nhà.
- Cô ơi nhà cháu đây này!
Căn nhà rộng rãi nhưng trễ nải, biết ngay là thiếu sự có mặt của người phụ nữ. Để củng cố nhận định cho chắc ta tìm kiếm trong căn nhà chiếc bàn thờ nhang khói nhưng không thấy. Người đàn ông lạ đã tiếp ta lịch sự nhưng không hề tỏ ý cởi mở thân thiện. Cô bé mang ra khoe với ta một hộp đồ chơi. Như không nhìn thấy thái độ lạnh lùng của người đàn ông, ta đã ngồi chơi rất dịu dàng với con bé. Điều này ta chẳng phải lên gân lắm. Ta vốn yêu con trẻ và biết cách chơi với chúng. Người đàn ông kiếm quyển sách và ngả mình trên đi văng. Ta nhận thấy người đàn ông thỉnh thoảng có liếc mắt về phía ta khó hiểu và khó chịu nữa. Chơi được một lúc ta định đứng lên về thì con bé níu ta lại:
- Cô ơi cháu buồn ngủ lắm.
- Nhưng cô phải về. Ba cô sẽ đóng cửa không cho cô vào đâu.
- Nhưng cháu buồn ngủ.
- Lại đây với ba. Con làm phiền cô như thế là đủ rồi đấy.
- Ứ ừ, nhưng con thích cô bế con cơ. Cô bế cháu như thế này rồi cô ru như thế này đi.
Cô bé nhắc đến mẹ nó. Một sự thương cảm nhói lên vì sự nhận định lúc trước của ta, thế là ta bế con bé. Mọi người vẫn hay khen ta ru trẻ con khéo. Chẳng mấy chốc con bé đã ngủ say trên tay ta. Ta ngắm nó ngủ, con bé xinh quá.

- Chà, xin lỗi, chị đã có gia đình chưa? - Người đàn ông thốt lên làm ta giật mình bối rối. Ta lắc đầu.
- Vậy ra bản tính làm mẹ là phản xạ bẩm sinh ở phụ nữ. Chị ru trẻ con mới khéo làm sao!
Ta đặt con bé xuống giường. Được lời khen của người đàn ông, trong ta chợt bừng lên ý nghĩ làm ta thích thú. Ta sẽ làm cho người đàn ông ngạc nhiên nữa. Ta nhanh nhẹn đi thu gọn nhà cửa. Chỉ một loáng, căn nhà trở nên gọn gàng, sạch sẽ. Dọn xong trên nhà ta đi xuống bếp. Người đàn ông như chết lặng trên đi văng không hiểu ra sao? Dọn dẹp xong xuôi ta rửa chân tay và đứng giữa nhà chắp tay quan sát kết quả lao động của mình. Người đàn ông nhìn ta thân thiết và bất giác thu gọn người lại trên đi văng như ta sắp sửa ngồi xuống bên cạnh. Ta hiểu cử chỉ đó và bật cười khanh khách.

- Chào tạm biệt ba con anh nhé.
- Chị về ư?
- Chẳng lẽ tôi cứ ở đây mãi?
- Chị sẽ lại đến đây nữa chứ.
- Cảm ơn, nhưng tôi còn có việc của tôi.
Ta ra về với ý nghĩ rất vui thích là đã để lại trong lòng người đàn ông kia đầy rẫy những câu hỏi. Ta là ai? Ta là người như thế nào?... Và ý nghĩ ta sẽ không còn bao giờ gặp lại họ nữa để cho họ nhiều phen đi dạo phố và ước ao. Kể cũng hay thật!
Nhưng chỉ vài hôm sau, khi ta vừa kịp quên câu chuyện cũ, đột nhiên người đàn ông và con bé xuất hiện ở chỗ ta.
- Cháu chào cô. Cô đến nhà cháu chơi nữa đi.
- Xin lỗi! - Người đàn ông lúng túng. Ta phải chiều con trẻ thôi chị ạ.
- Cô đến nhà cháu đi.
Ta vui vẻ và vô tư đi đến nhà họ. Người đàn ông đã mua sẵn nhiều thức ăn tươi. Như lần trước ta lại chơi thật thân thiết với con bé. Sau đó ta và con bé xuống bếp làm cơm. Con bé vui quá. Ta định dò hỏi nó về mẹ nó xem sao? Có phải mẹ nó chết rồi không? Nhưng ta sợ nó khóc, đành thôi. Sau đó bữa ăn được dọn ra, sạch sẽ và ngon lành.
- Ba ơi ngon quá. Con chưa bao giờ được ăn ngon như thế này.
- Cảm ơn. Bữa ăn ngon thật!
Quả là họ ăn ngon, như chưa bao giờ được ăn ngon như vậy. Người đàn ông rất ít nói. Ông ta chỉ nói phụ họa con gái. Ông ta không hề hỏi han ta và cũng chẳng hề có ý định cởi mở tấm lòng.
Những lần sau ta đến chơi và ta tự nhận thấy ở ta có một cảm xúc đến tự bao giờ, không hề báo trước. Đó là cái cảm giác ấm cúng trong căn nhà. Và đôi khi ta bắt gặp ta nhìn say đắm cái hình ảnh con bé ngồi nũng nịu trên lòng ba nó. Có lẽ ta muốn dừng lại ở người đàn ông này chăng? Thế nhưng người đàn ông cứ một mực im lặng. Ta thường ra về khi đã ru con bé ngủ.

Thời gian đã trôi đi khá lâu kể từ cái chiều đông ảm đạm nọ. Ta cảm thấy ta đã quen lắm với ngôi nhà nhỏ kia. Một buổi tối con bé hỏi ta:

- Cô ơi, cô có phải là mẹ cháu không?
Ta rùng mình và có cảm giác tan biến đi. Có thể ta lại trở nên nhẹ bỗng như bao lần. Ta nghĩ rằng đó là lời của cha nó. Sau đó ta kín đáo quan sát vẻ mặt người đàn ông xúc động hơn ngày thường. Ông ta chú ý quan sát ta ru con bé hơn mọi bận. Con bé ngủ rồi ta đặt con bé xuống giường và kéo ghế ngồi đối diện với người đàn ông. Ta nhìn rất thẳng vào mặt người đàn ông. Ông ta cũng có vẻ nhìn ta chăm chú nhưng đó là đôi mắt không có hồn, ta hỏi người đàn ông:
- Anh có muốn cưới em không?
Người đàn ông giật mình như tỉnh cơn mơ.
- Không, tôi sợ người đàn bà như chị. Người đàn bà có sức quyến rũ ma lực. Mà lại không phải là sức quyến rũ tự nhiên. Ngay từ đầu đã kìm người khác vào cái vòng phong tỏa của mình. Rồi sau đó lại ý thức được cái mà chị đang làm. Chị sẽ tha hồ mà giật mà kéo... Chị tưởng tôi không nhận ra những cái hoàn hảo nơi người đàn bà như chị ư? Nhưng tôi đã phải như không nhìn thấy. Mẹ của bé Vân Anh cũng thế, chị tưởng cô ta chết ư? Không phải thế. Cô ta ru con còn khéo hơn chị nữa kia. Cô ta còn dịu dàng hơn chị nữa kia. Nhưng cô ta đã bỏ đi rồi. Không, tôi sợ, chị hiểu không. Tôi đã để tang đàn bà.
- Cảm ơn anh về sự thật. Nào, chúng ta chia tay đi.
Người đàn ông giơ tay ra bắt và cứ thế nắm chặt tay ta một lúc lâu.
- Không, em đừng đi, tôi sẽ cưới em, dù cho sẽ phải chịu đau khổ một lần nữa. Trời ơi, tôi đã cố tình im lặng và gạt bỏ đi, thế mà em còn nói làm gì. Hãy cứ để cho tôi được im lặng và tận hưởng cái hạnh phúc được nhìn em dịu dàng ru con là đã đủ lắm rồi.
- Đàn ông các anh thật tính toán. Muốn có hạnh phúc lại sợ đau khổ? Anh không biết rằng tạo hóa đã rất công bằng đấy ư? Thôi, chấm hết. Chào anh.
- Em không quay lại với bé Vân Anh nữa ư?
Ta không đến căn nhà nhỏ nữa nhưng ta cứ ngóng chờ ba con họ đến tìm. Ta chỉ mong họ đến lần nữa. Ta cứ chờ, thành ra ta không có được cái cảm giác khắc khoải khi chia tay. Ta cứ chờ và họ đã không đến.
Rồi thế nào nữa? Cái ý định dừng lại nung nấu ở trong ta chẳng phải chỉ còn là trong mộng tưởng mà chính là do sự thật đã dạy cần phải như thế. Những công việc ở cơ quan không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Ta không thể phàn nàn hoặc tìm nơi an ủi ở bố mẹ được. Chính bố mẹ còn nhiều nỗi buồn phiền hơn ta. Còn các bạn gái thì câu an ủi muôn thuở - hãy chịu đựng cho quen. Ta đành câm lặng với vết chém trong lòng. Ta trở nên bẳn gắt, hoài nghi. Một lần sau khi phải chịu đựng sự ngang trái của bà tổ trưởng, ta không sao giữ lại được trong lòng, liền tìm đến người bạn đã lớn tuổi hơn của ta. Chị ấy nghe hết nỗi niềm tâm sự của ta. Chị ấy bảo:
- Em nên lấy chồng đi em ạ. Tất nhiên không phải người chồng nào cũng được như ý mình, cũng mang lại hạnh phúc, sự sung sướng cho mình cả đâu.
Nhưng chị tin rằng những lúc như thế này em sẽ tìm được sự thông cảm nơi chồng em và sự vuốt ve âu yếm sẽ làm dịu đi cơn đau trong lòng. Em có thấy không, những bà cô quả đấy, họ khô khan, họ bẳn tính là bởi họ thiếu sự đồng cảm, họ thiếu sự âu yếm mà họ cần đến như em lúc này. Em ạ, hãy nghe chị.
- Đúng đấy - Chồng chị ấy lên tiếng - Những ngày đầu khi chị ấy mới đi làm anh đã bị rách bao nhiêu là áo nhé, mà chỉ rách ở vai thôi. Nếu không có anh, khéo chị ấy bỏ nghề đi buôn rồi.
- Anh thì chỉ...

Ta ra về lòng chất nặng những suy nghĩ của họ. Có lẽ họ nói đúng. Họ đã trải qua kinh nghiệm sống hơn ta nhiều. Ta muốn dừng lại. Nhưng... liệu ta có đi quá đà rồi không? Vì ở tuổi ta lúc đó duyên số không còn mặn mà chào đón nữa. Và sự làm mai mối thì người ta sợ, hoặc họ muốn trừng phạt ta cho đáng đời.
Nhưng vẫn chưa phải là hết. Một người đàn ông nữa đến với ta. Đó là người đàn ông cuối cùng ta đặt hết thảy hy vọng để dừng lại. Ta đã thật chân thành và nghiêm túc.
Anh ta mới đi thực tập sinh ở nước ngoài về. Như bao cách gặp nhau để xây lên một mối tình mơ mộng, ta và anh ta gặp nhau ở nhà một người bạn. Ngay từ đầu anh ta không làm ta hấp dẫn vì cái mẽ bề ngoài. Dáng người nhỏ bé tuy không quắt. Mắt đeo kính cận nặng, khuôn mặt bầu bĩnh trắng trẻo như con gái, tóc dài mượt như tóc trẻ con. Anh ta có một chút gì đó giống nghệ sĩ và bị hút ngay vào điệu cười ròn rã của ta.
- Chị cười hay quá!
- Xin lỗi, tôi làm phiền anh.
- Không, thành thực tôi chưa bao giờ được nghe điệu cười ròn rã vô tư như thế ở người lớn.
- Xin lỗi, đây không tiện đàm thoại về những điệu cười. Nếu có thời gian anh hãy qua chỗ tôi chơi nhé.

- Vâng, rất hân hạnh.
Anh ta đến. Nhưng không phải đàm thoại tiếp về những điệu cười. Đến để kể về chuyến đi "làm giàu" ở nước ngoài của anh ta. Chắc là anh ta chưa có dịp kể cùng ai. Hơn 10 tháng anh ta đã kịp mang về 100 chậu nhôm to, 40 phích vĩnh cửu, 2 đầu máy khâu, 2 tủ lạnh Xaratốp,v.v. Bao nhiêu là thuốc men. Anh ta kể anh ta được ở khách sạn du lịch. Đủ các khách du lịch ngoại quốc đều đến ở khách sạn này: Tiệp Khắc, Bungari, Hungari, Ba Lan, Nhật Bản... Những người khách du lịch mang theo hàng hóa để đổi. Anh ta chỉ việc ngồi ở bàn quay tê lê phôn. Anh ta dùng thứ tiếng Anh thông dụng.
- Hê lô. Anh từ đâu đến.
- Ba Lan.
- Tuyệt vời. Tôi muốn có một đôi giày. Anh có mang đi chăng?
- Chỉ có thế thôi em ạ. Anh nói số phòng thế là họ mang đến. Có thể họ sẽ lấy tiền nhưng thường thì họ đổi bằng những cái làn cói, lẵng hoa hồng, đồng hồ điện tử... những thứ anh mang ở Việt Nam sang. Anh treo la liệt những thứ đó ở trong phòng như để trang trí. Lúc mang ra khỏi khách sạn thì cũng khó đấy nhưng anh đã kết thân được với hai cô phục vụ viên to gấp ba anh đây này. Cao hơn anh hẳn từ vai lên. Em biết không? Ở bên ấy có tục lệ rất hay nhé. Muốn kết bạn với nhau thì phải uống rượu. Nếu đã mời rượu rồi thì có thể ngủ... à hôm anh và các cô ấy nhảy với nhau đến gần sáng. Anh lọt thỏm trong vòng tay cô ta quay cuồng. Buồn cười thật. Anh cố dang cả hai tay thế này cũng không vòng hết eo cô ta. Anh mệt muốn chết mà cô ta lại cứ hăng hái. Sau cùng anh tặng cô ta một chiếc áo phông Thái. Cô ta sướng tưởng chết ngất. Ngay lập tức tối sau cô ta mặc vào mời anh đi xem phim. Đến lúc tan buổi chiếu, anh thấy mặt cô ta xám lại. Anh vội gọi ta-xi đến bệnh viện. Thì ra cô ta suýt ngạt vì nịt chặt quá... Ha ha...
- Ngoài ra, anh còn có đường dây sinh viên. Bên ấy buôn bán đâu phải đi lại cho nặng nhọc. Ở thành phố anh ở có mặt hàng gì mới, anh tê-lê-phôn đi các nơi khác hỏi giá cả. Họ thông báo. Nếu hơn, anh lập tức đi mua... Tất nhiên mua cũng khó. Mua được rồi anh gửi vào toa hàng hóa của đoàn tàu tốc hành. Sau đó anh quay tê-lê-phôn nói số tàu và số hành lý. Mấy ngày sau họ gửi bưu điện trả lại tiền cho anh.
- Số anh hay gặp vận đỏ em ạ. Nhất là đàn bà. Họ hay cho anh lắm. Bà chị nuôi cho anh chiếc đồng hồ này. Cô con gái ông bảo vệ viện tặng anh chiếc xe đạp.
- Em hãy tính hộ anh xem nhé, 1 chiếc chậu nhôm 6.000 đồng, một chiếc phích vĩnh cửu 36.000 đồng. Em xem anh sẽ có gần 2 cây. Anh sẽ mua thành vàng hết.
- Anh còn phải phấn đấu để đi Dupna một chuyến. Chà! Có em nữa. Em sẽ làm những việc này cho anh. Thì sau đó, xem nào bọn mình sẽ có vài chục cây. Anh sẽ xin về hưu luôn, chẳng phải đi làm gì cho vất vả...
Đúng, anh ta sẽ chẳng phải đi làm gì cho vất vả, khi đã giàu có. Nhưng hãy xem kẻ giàu có đã xử sự như thế nào.
Một lần anh ta rủ ta đến chỗ cô em gái chơi. Anh ta nhảy vội lên xe buýt và chiếm được một chỗ tốt. Anh ta ngồi ung dung và mắng ta về tội lề mề không chịu nhanh nhẹn nên bây giờ phải đứng. Sau đó anh ta say sưa kể rằng ở bên Tây, đến những chỗ công cộng bao giờ cũng được đối xử rất lịch sự như được nhường chỗ chẳng hạn. Ta thấy gai hết người muốn châm chọc anh ta đôi lần nhưng ta cứ im lặng. Ta muốn mình dịu dàng.
Lúc xuống bến ô-tô buýt trời nắng oi ả. Anh ta mời ta vào quán giải khát rất lịch sự. Anh ta gọi hai cốc trà đá. Ta không sao nuốt được cái thứ nước ngang ngang, lành lạnh ấy.
- Sao em không uống đi, thứ nước này giải khát tốt lắm.

- Em không biết uống, anh cứ uống đi.
- Ừ, người Tây bao giờ cũng rất tiết kiệm em nhé. Họ đã mua gì thì họ chẳng bao giờ để phí đến một giọt.
Bà chủ quán nhìn cảnh anh ta uống hết hai cốc trà đá, còn ta thì ngồi không bèn như muốn nhắc nhở:
- Sao chú?
Ta đã nhăn mặt, cố xua tay để bà chủ quán đừng nói tiếp. Ta sợ bà ta nói ra thì ta sẽ không có cơ hội dừng lại vì ta sẽ vượt qua "rào chắn" của ta mất. May sao anh ta quá chăm chú vào việc uống hết hai cốc nước. Uống xong anh ta đỡ nách ta đứng dậy như kiểu đã no say không thể tự đứng lên.
- Đi thôi em, cảm ơn bà chủ quán nhé!
Trong khi đó hai con người trong ta đang đánh lộn nhau khủng khiếp. Một con người muốn dừng lại cứ lảo đảo đi theo anh ta. Còn con người mơ mộng trước kia thì xỉ vả:
- Hãy quay về đi. Mi không còn chút nhận thức nào ư? Hắn là thằng cha bần tiện!
- Chưa chắc anh ta đã bần tiện - Con người kia cãi lại. Có lẽ anh ta nhiễm quá sâu phong cách sống của Tây.

Cho đến một lần ta không thể nào biện bạch nổi cho con người của ta được nữa. Đó là một lần trong lúc đùa vui nhí nhảnh ta và anh ta đã chơi một trò vui đánh đố nhau.
- Nếu em được cuộc, em sẽ được một chiếc mũ nồi nhé. Còn thua, anh có thể đòi bất kỳ cái gì ở em.

Anh ta bị thua. Anh ta cứ lờ đi, coi đó là một câu nói đùa nhưng ta đã cố ý đòi để xem thực bản chất của anh ta. Cuối cùng đã đến lúc cực đại của lòng "sĩ diện", anh ta phải đèo ta đi mua mũ. Tìm mãi mới có một chiếc mũ nồi đỏ. Hỏi giá thì đắt gấp đôi mũ nồi đen. Anh ta sững sờ cả người. Mắt anh ta như đứng lại sau cặp kính trắng. Điều này ngoài ta, thì chỉ có chủ hàng biết. Ta đứng sau anh ta giữ xe đạp. Sau phút kinh hoàng, anh ta cứ mân mê số tiền cầm trong tay. Anh ta cứ đắn đo mãi, muốn mua chiếc mũ nồi đen rẻ hơn. Người chủ hàng mỉm cười:
- Mua tặng "bồ" à? Giá thế có đắt là bao. Tôi mà được phép tặng bồ của tôi, tôi tặng cả gia sản.
- Im đi, đồ ngốc. Phù phiếm, cái trò vớ vẩn. Chỉ quăng tiền vào những trò vớ vẩn!

Cùng với tiếng hét cho hả giận, anh ta quăng tiền lên trên mặt tủ kính. Ông chủ hàng quăng trả tiền:
- Anh hãy cầm lấy tiền của anh. Đồ bần tiện. Hãy cầm ngay những đồng tiền bẩn thỉu của mi. Mi không xứng đáng mua chiếc mũ nồi đỏ này. Rồi mi sẽ làm hỏng cô gái ưa thích nó! Cút đi!
Tiếng ông chủ quát to làm ta giật mình và nghe thấy hết. Vừa lúc ta quay lại thì bắt gặp cảnh: ông chủ quán đã quá mạnh tay vung tiền của anh ta xuống vỉa hè. Anh ta cúi gập để nhặt tiền vì thế rơi mất kính. Tay anh ta quờ quạng trên mặt đất tìm tiền như người mù. Mấy đứa trẻ con đi qua dừng lại trêu: "A bắt được tiền". Anh ta sợ hãi đứng phắt dậy la to: "Công an, công an giữ chúng lại, nó lấy tiền của tôi". Mặt anh ta tái ngắt, méo mó. Ông chủ quán và những nhà bán hàng bên cạnh chạy đổ xô ra xem và phá lên cười. Ta đã làm đổ chiếc xe đạp đang giữ và co cẳng chạy. Tiếng cười của họ cứ như bám theo ta. Trên đường phố đông đúc đâu mà chẳng có tiếng cười. Ta cứ ngỡ tiếng cười của họ đang đuổi theo. Ta kinh khủng quá. Kinh khủng đến nỗi không khóc được. Ta không ngờ bản chất con người trong một phút mà được lột tả đầy đủ đến như vậy.
Ta còn nhớ một lần khác, trong lúc anh ta hôn ta, ta đã nép đầu vào ngực anh ta âu yếm, tay ta xoa dịu nơi trái tim anh ta đang đập rộn rã. Đang say sưa, anh ta bỗng gạt phắt tay ta ra một cách thô bạo và nắm chặt lấy miệng túi áo. Ta tưởng anh ta mắc bệnh đau tim. Thì ra, chao ôi, người thợ may! Tại sao cứ phải may túi áo ngực làm gì. Anh ta tưởng mình lung lạc ý chí anh ta bằng những cái hôn rồi thò tay vào túi móc tiền.
Thế nào? Còn nữa hay không? Thế vẫn chưa đủ sao hỡi con quỷ nhỏ? Mi hành hạ ta như thế vẫn còn chưa đủ sao?
Tiếng ồn ã của bọn trẻ chơi ngoài sân trong buổi chiều tà làm cho người đàn bà dứt mình khỏi quá khứ. Cái đầu nặng trịch, chân tay rã rời, cơ thể như cứ lún sâu, chìm xuống. Người đàn bà cảm thấy như chẳng còn một chút sinh lực nào. Cái cảm giác thật là dễ sợ.
Người đàn bà cố vùng dậy nhưng không sao đứng lên được, choáng váng đến nỗi không thể nào đưa tay rút nổi chiếc khăn mặt. Thấp thoáng bên cửa sổ bóng một đứa bé.
- Thu ơi vào đây với bác - Người đàn bà gọi yếu ớt.

- Bác ơi cháu đã thuộc bài hát bác dạy cháu rồi đấy.
- Ừ, hát cho bác nghe đi.
Con bé tròn mồm hát: "Tình mẹ rộng bao la. Con tặng mẹ nhiều bông hoa"... Người đàn bà rùng mình. Bàn tay đỡ trên mái tóc con bé cứ siết dần. Từ khóe mắt người đàn bà lăn xuống hai giọt nước mắt tròn to. Người đàn bà vội quay vào tường để giấu đứa trẻ. Rồi vội vã đưa tay lên quệt khô nước mắt. Người đàn bà cố cười và nhẩm hát theo con trẻ. Nước mắt bỗng lại ứa ra lần nữa. Tiếng hát con trẻ vẫn thảnh thót:
"Tình mẹ rộng bao la"...
- Bác dạy cháu bài khác nữa đi.
- Ừ bác sẽ dạy cho cháu. Nhưng bác cháu mình hát lại bài hát này nhé.
- Bác để cháu bắt nhịp, hai ba:
"Mẹ vui là mẹ rất vui"...
Người đàn bà hát theo con trẻ. Cái mệt nhọc, chán chường dần dần bay đi theo tiếng hát. Người đàn bà cảm thấy các mạch máu lại chạy giật giật trong huyết quản. "Quá khứ là dĩ vãng, phía trước là tất cả".
- Hát hết bài hát này bác cháu mình đi dạo phố nhé.
- Vâng ạ, thế thì thích lắm ạ.
Truyện ngắn: "Chuyện người đàn bà"  
Y BAN đoạt giải nhất cuộc thi của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1989 - 1990;

65 bản nhạc thính phòng bất hủ...


65 bản nhạc bất hủ của thế giới mà tất cả chúng ta đều quen thuộc, do các dàn nhạc lớn và nghệ sĩ hàng đầu thế giới trình tấu.
Walts (Johanne Brahms), Tristess (Chopin), Moonlight Sonata (Beethoven), Romeo & Juliette (Andre Rieu), A Summer Place (Paul Mauriat), La Paloma v.v…
Rất hay để nghe ban đêm hay nơi tĩnh lặng. Nghe các bản nhạc này cũng làm cho tâm mình tĩnh lặng và an lạc được một lúc.
 Xin click vào link dưới đây để nghe cả 65 bản thâu đêm
:-)
 . Bạn cũng có thể lựa bản để nghe khi danh sách hiện trên màn ảnh.

http://www.saigonocean.com/nghenhacHoaTau/jukebox.swf

Tình hèn....



Trong nhiều cuộc tình, cao thượng và hèn hạ không chỉ cách nhau một sợi tóc mà đôi khi chúng còn lẫn lộn vào nhau. 


Có một dạo ở Hà Nội, hình như vào cái thời bao cấp đã xa vắng, khách đến chơi những nhà mà nhà ấy lại có một thiếu nữ xinh xinh, thì rất hay gặp cảnh ông bố chủ nhà đang cắm cúi bên bàn cờ tướng với một thanh niên chắc chắn là ứng cử con rể. Gã trai vừa hầu cờ vừa nhớn nhác nhìn ra cửa, đã quá chín giờ tối mà cô bé đi học thêm ngoại ngữ vẫn chưa về. “Chiếu tướng”, ông bố chủ nhà hớn hở reo, dạo này cờ ông lên tay hay thắng quá. Gã trai nịnh nọt tỏ vẻ thán phục, đê tiện cung kính châm điếu “Tam Đảo” mời cái ông hy vọng sẽ là bố vợ. Rồi cô bé cũng về, “chào bố”, miễn cưỡng“chào anh”, bần thần ngồi vào góc nhà ăn cơm muộn. Lúc nãy, người yêu cô bé đưa cô về đến tận cửa nhưng không dám vào vì bị ông bố ghét. Còn gã trai mặt dày làm ra vẻ không biết, khúm núm bày ván mới. Đại loại, đây là một cảnh điển hình của một thứ tình hèn được kha khá đàn ông với triết lý “đẹp giai không bằng chai mặt” triệt để áp dụng.

Và Chúa ơi, không hiểu làm sao, bọn họ thường liên tục thành công. Những kẻ đại diện lỗi lạc cho một kiểu ái tình hèn hạ rất hay lẩm nhẩm mấy câu thành ngữ đẫm đầy dung tục vỉa hè: “Đồn nào mà chẳng có địch” hoặc “Thứ nhất cự ly, thứ nhì cường độ”. Bọn họ tin chắc rằng, cứ lì lợm lê la trước cửa nhà nàng thì tình yêu sẽ chín, sẽ lãng mạn rụng vào mồm. Họ không thèm biết một điều đơn giản, đa phần những trái rụng là những trái thối. Bởi tất cả những người biết yêu tử tế, chẳng bao giờ đi giành giật, đi xếp hàng để nhẫn nhục chờ tới lượt mình. Tình yêu chứ đâu phải tình báo màẩn núp mưu mẹo. nếu vì lý do nào đó mà không được yêu (trong đám thiếu nữ trắng trong kia, cũng đông kẻ ngu ngốc lắm) thì họ âm thầm chung thủy ôm một mối tình câm, chỉ mong có lồng lộng trời cao chứng giám.

Có một phẩm chất tuyệt vời mà tất cả những kẻ đang mê mệt yêu rất khó giữ, đó là sự cao thượng. Bởi trong những bình thường ái tình, luôn kết tụ khá nhiều những cặn đọng ích kỷ, thậm chí những hoang tưởng sở hữu tham lam tới mức chiếm hữu. người ta thương xót cảm thông cho nỗi niềm nhức buốt ghen tuông của dũng tướng Othello bao nhiêu thì càng không khỏi rùng mình ghê tởm bấy nhiêu cho cái hành vi cục cằn bóp gẫy cổ vợ của “gã mọi đen ngu xuẩn”. (Tuyển tập kịch Shakespeare - “Othello”, hồi 5, cảnh 2). Có điều, tội ác ở đây bi tráng thăng hoa lên tầm vĩ đại bi kịch là hoàn toàn nhờ vào đức hạnh của thiếu phụ Desde-mona, một người vợ trinh bạch cuối cùng của nhân loại. Có thể nói, lòng cao thượng giúp cho tình yêu đang say đắm dung tục bay bổng khỏi bị sa chân trượt xuống đố kỵ hạ tiện.

Nhưng đương nhiên, lòng cao thượng là thứ vốn dĩ không thể học được lại càng không thể dạy được. Hoặc nó là bẩm sinh, một quà tặng của Chúa. hoặc nó được hình thành từ vô vàn vất vả trải nghiệm thăng trầm rồi được sự trung thực khoan dung chân thành vị tha nuôi dưỡng cưu mang che chở. những người biết yêu cao thượng trong cư xử thường nhật đã hiếm, còn trong tình yêu nam nữ đáng kể là tuyệt hiếm.

Có phải vậy chăng mà cao thượng rất hay bị hèn hạ làm“hàng nhái”. Tin được không, khi có cô ca sĩ nức nở kể về người chồng cũ rằng, một lần bắt gặp mình trong khách sạn với nhân tình thì ông chồng cao thượng chỉ tiến đến nghiêm mặt cao đạo dạy cho hai đứa một bài học về luân lý. Tin được không khi có chàng nhạc sĩ rưng rưng trả lời phỏng vấn, thì luôn cố dành những lời có cánh tốt đẹp nhấtcho người vợ đã bỏ con lại để mình nuôi. hoang mang quá, đây là cao thượng hay cao... con khỉ. Chỉ biết rằng ở những người tử tế khi đã hết duyên không còn ở được với nhau, thường thì họ đau đớn im mồm.

Trong nhiều cuộc tình, cao thượng và hèn hạ không chỉ cách nhau một sợi tóc mà đôi khi chúng còn lẫn lộn vào nhau.

Kiệt tác tiểu thuyết “Thiên Long bát bộ” (được dựng thành phim truyền hình tuyệt hay) có kể về anh chàng Du Thản Chi “chỉ biết yêu thôi chẳng hiểu gì”. Là một thế gia công tửsa sút phải lưu lạc giang hồ, anh ta ngẫu nhiên gặp rồi đơn phương yêu một lưu manh thiếu nữ. Khát khao mong mình có chỗ trong trái tim nàng, không điều gì bần tiện mà anh ta không dám làm. Khúm núm nịnh nọt giả nai chơi cờ hầu bố vợ chẳng là cái đinh. Tuy nhiên, mối tình hèn của anh ta luôn lấp ló một sự cao thượng, đó là sự xả thân vô bờ bến cho người yêu của mình. Khi biết người mình yêu bị mù, Du công tử sẵn sàng móc mắt tình nguyện đi vào tối đen nhường lại sự sáng cho cô bé. Đám đương đại đang hèn hạ yêu khác làm sao có thể làm nổi điều này. Cao thượng lắm thì bọn họ cũng chỉ bỏ tiền ra mua kính dâm Cartier hàng hiệu cho nàng đeo là cùng.

Nhiều nam nữ doanh nhân thành đạt của ngày hôm nay cũng cho rằng, hèn tiền hiển nhiên sinh hèn tình và khi yêu mà hèn thì thật đáng xấu hổ. Ví như thằng kia cầu hôn bằng xe hơi “au đì”, còn mình chỉ tủi thân xe máy LX. Hèn bỏ mẹ!

Lòng người là giấy..


Tôi muốn được kể một câu chuyện:

Chuyện xưa kể rằng, có một đạo sĩ nổi tiếng thần thông, trong một lần ngao du sơn thuỷ, thấy một phụ nữ đang quỳ bên một ngôi mộ mới, vừa khóc vừa quạt. Lấy làm lạ, đạo sĩ kia mới đến hỏi sự tình. Mới hay rằng, người dưới mộ là người chồng vừa khuất của thiếu phụ.

Ngán thay, trước khi chết có trăng trối lại rằng đến khi mộ khô thì người vợ trẻ hãy tái giá. Người thiếu phụ vì thế mới ở đây, quạt cho mộ nhanh khô. Người đạo sĩ động lòng, mới hoá phép giúp cho thiếu phụ, ngôi mộ thoắt cái đã khô như những ngôi mộ cũ. Người thiếu phụ vui vẻ cảm ơn đạo sĩ để về nhà, nơi người tình mới của mình mong đợi.

Người đạo sĩ về nhà, đem chuyện kể với vợ của mình. Vợ của đạo sĩ chê cười người đàn bà kia thật bạc tình. Được một thời gian, bỗng dưng người đạo sĩ mắc phải bạo bệnh, liệt giường và tạ thế. Trước khi nhắm mắt mới trăng trối lại rằng hãy giữ quan tài đủ 7x7 là 49 ngày rồi hãy an táng. Người vợ khóc vâng lời.
Một ngày kia, có một người xưng là học trò đến xin ở lại chịu tang người đạo sĩ. Dung mạo người học trò thật khôi ngô tuấn tú. Thế rồi, chỉ 3 ngày sau, người vợ đạo sĩ đã ăn nằm với người học trò.

Thế rồi được 7 ngày sau, người học trò lăn ra ốm. Bệnh ngày một nặng. Mới nói với người vợ đạo sĩ rằng, ta mắc phải bạo bệnh, chỉ có ăn óc người mới khỏi được. Người vợ liền lấy vồ, bật nắp quan tài định đập vỡ đầu xác chết để lấy óc cho nhân tình ăn.

Nào ngờ, vừa bật nắp quan tài thì vị đạo sĩ tỉnh lại. Người thiếu phụ quay lại thì chàng trai trẻ đã biến mất tự khi nào. Mới hay, đó là do phép thuật phân thân của người đạo sĩ cao tay. Người vợ xấu hổ quá, mới tự tử mà chết.

Người đạo sĩ đó là Trang Chu (còn gọi là Trang Tử), cũng là một hiền triết của Phương Đông chúng ta. Câu chuyện đó, câu chuyện “vợ thầy Trang Chu” lưu truyền gần 2000 năm để chê cười cái gọi là “lòng dạ đàn bà”.

Ngày nay, lại có chuyện anh đảng viên nọ sau khi “hoàn thành kế hoạch” (2 con), mới giấu vợ đi đình sản. Người vợ thì lại muốn sinh thêm con cho vui cửa vui nhà nên “tích cực cố gắng” mà mãi không thấy “kết quả”. Người chồng vẫn giấu vợ, thậm chí bởi vì cái khoản đình sản kia không ảnh hưởng đến khả năng đàn ông của anh, nên anh lại còn làm ra vẻ tích cực “phụ giúp” vợ mình…

Thế rồi, một hôm người vợ vui vẻ thông báo những “nỗ lực cố gắng” của 2 vợ chồng đã có “kết quả tốt đẹp”, cô đã có thai 3 tháng. Choáng váng, nhưng người chồng giấu đi để đi “kiểm định lại”. Kết quả biểu đồ của anh là 0%… Cuộc tiểu phẫu đình sản đã thành công tốt đẹp.

Ấy, cái câu chuyện thời nay cũng đang nói đến cái lòng dạ con người…

Lại có người lấy email giả, để chính mình chat và “thử lòng” người chồng mà mình hết mực thương yêu. Để đến khi anh ta trở nên lạnh nhạt tình cảm vì cho rằng người vợ thiếu tin tưởng tình yêu của mình. Rồi lấy bạn gái của mình để thử chồng… và rồi rước đau khổ vào mình khi người chồng chẳng “trước sau như một”…

Còn bao nhiêu câu chuyện trớ trêu nữa mới đủ để chúng ta hiểu rằng, lòng người ta là giấy, chứ nào đâu phải vàng đá… Vì là giấy, nên sao ta cứ nghĩ là vàng để đem đi thử lửa? Đến lúc cháy mất rồi lại thất vọng lòng dạ bạc đen? Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy, nên cái cần và nên làm là chúng ta phải nâng niu, giữ gìn cho nhau để tránh khỏi nắng mưa của
cuộc đời?

Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy nên đẹp xấu là do ta vẽ nên, tốt lành là do ta viết nên mà thù hận cũng là do ta đặt bút. Sao ta không viết lời hay, vẽ lấy bức tranh yên bình để xây dựng, gìn giữ lấy cái hạnh phúc mong manh của gia đình?

Tôi chẳng cho cách làm của thầy Trang Chu là hay, tôi chẳng cho người đảng viên kia là không có lỗi. Tôi cũng chẳng ủng hộ việc thử lòng của các chị thời nay với email và các phương tiện khác. Thời gian thì trôi đi, nhưng lòng người thì vẫn vậy thôi, vẫn là giấy… Mà đá cũng mòn, vàng cũng phai, huống hồ là giấy…

Người ta, cùng là một người, sao có lúc nhân từ đáng yêu, lại có lúc cay nghiệt thế? Ấy bởi ai cũng có 2 mặt tốt xấu trắng đen lẫn lộn.

Là những người thề non hẹn biển với nhau, cam kết gắn bó với nhau để xây dựng tổ ấm của mình, tôi thiết nghĩ việc nên làm là ta mang cái mặt tốt ra để đối đãi với nhau. Lấy mặt trắng mà đối đãi với nhau (phu phụ tương kính như tân - vợ chồng kính nhau như khi còn mới). Đó mới là cái kế vạn toàn. Chứ nếu cứ mang cái mặt trái để đối đãi với nhau, mang cái xấu để dành cho nhau, như thế thì đồng sàng mà dị mộng, người hiền lành mà đối xử với nhau như trộm cướp. Cái đó gần với sự tan vỡ lắm.

Ai ơi, nếu còn thương nhau, chớ có thử lòng nhau. Và hãy hiểu, lòng con người là giấy. Ai không động lòng trước một cử chỉ ân cần? Ai vô cảm bởi một lời khen? Ai vắng nhau lâu ngày mà không hề ham muốn? Chẳng phải lòng mình cũng vậy ư? Vậy nên, nâng niu bao nhiêu vẫn chưa đủ. Một chút nghi kỵ đã là thừa.

Em không thèm cám ơn anh đâu!..-Thơ Cát Du



Em không thèm cám ơn anh đâu!
Vì anh là cỏ dại
thấy gió cứ lay
Gió thổi phương em thì em biết
Chứ gió thổi phương nào em có biết đâu?

Em không thèm cám ơn anh đâu!
Vì anh là cỏ dại
Cứ đong đưa theo chuồn
Đâu ngó ngàng chi cát
Mòn dẹt dưới chân anh

Em mòn dẹt dưới chân anh cả đời
để chờ
nụ hôn mòn dẹt
Vậy mà
chẳng bao giờ anh xòa xuống để hôn em?
Em ghét người đàn ông cỏ dại
Em không thèm cám ơn anh đâu!
Không thèm!

THÍT CHẶT

Em thít chặt vào anh
Tưởng không gì lèn qua cho được
Vậy mà
Có một hạt cát đã lèn giữa chúng mình
Hạt cát lớn thành viên gạch
Viên gạch hoá thành bức tường
Bức tường hoá thành Vạn lý
Cứu em !
Em không cách gì bíu anh cho được
Em rơi
Ngã phịch xuống chân tường


Đi hoang    
     
 
Đêm qua có một cuộc chia ly
Cuộc chia ly vĩnh hằng của hai trái tim không thuộc về nhau nữa
Trái tim lớn lạnh lùng quay quắt
Trái tim nhỏ se thắt buồn đau
Nàng quay lưng đi về phía không có ánh mặt trời
Vứt tình vào tối
Đêm đông
Cành khô buốt
Có chú dế rủ rê đi hoang
” Ừ, thì đi !”

Gió đông gì cũng mặc
Nàng buông !

Bỏ cuộc là điều dễ làm nhất........



Bỏ cuộc là điều dễ làm nhất trên đời! Ai cũng có thể bỏ cuộc mà không cảm thấy chút khó khăn nào. Trong thực tế có rất nhiều người bỏ cuộc. Nếu như trên đời này ai cũng bền chí, cần mẫn và có nhiều quyết tâm thì chắc chắn sự thành công của một vài người không phải là đề tài để báo chí ca ngợi nữa.
Theo Joseph French Johnson, nhà sáng lập Alexander Hamilton Institute, với 100 người khoẻ mạnh ở độ tuổi 25, khi đến độ tuổi 65 thì trong đó có đến 54 người sống phụ thuộc vào tiền trợ cấp của chính phủ, 36 người chết, 5 người còn đang làm việc, 4 người có cuộc sống tự do hơn, thoải mái hơn và chỉ duy nhất có một người giàu.
Sự không thành công của hầu hết mọi người đa phần là do họ không chịu nổi sự cố gắng dai dẳng nhằm đạt được điều họ muốn. Nếu bạn đủ dũng cảm và sức mạnh tinh thần để nỗ lực phấn đấu và quyết không bỏ cuộc, cơ hội thành công của bạn sẽ nhiều hơn và xác suất thành công sẽ cao hơn.
Có một vài lý do khuyên bạn không nên bỏ cuộc. Lý do thứ nhất, sự bỏ cuộc hay thắng cuộc đều là những thói quen. Những người hay bỏ cuộc là những người thường hay thất bại, đôi khi thảm hại nữa là khác. Vì nếu một lần bạn bỏ cuộc, bạn sẽ dễ dàng bỏ cuộc lần thứ hai và lần thứ ba lại càng dễ hơn nữa. Và dần dần, bỏ cuộc sẽ trở thành một thói sống, mà thói sống thì khó có thể sửa được.
Thứ hai, và cũng là quan trọng nhất, bạn có thể trở thành một con người hoàn toàn khác, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi bạn tự tạo cho bạn nhiều cơ hội thành công bằng cách không bỏ cuộc. Và nó chỉ đơn giản như thế! Nếu bạn không chấp nhận một đời sống bình thường, thậm chí tầm thường thì hãy tập thói quen ngược lại với sự bỏ cuộc, xem như là bạn đang thực hiện những điều tốt đẹp nhất cho tương lai của bạn. Nếu bạn bỏ cuộc, cơ hội để biến ước mơ của bạn thành hiện thực sẽ vuột mất. Và kết quả là, chỉ một lần bạn bỏ cuộc thôi cũng đủ để bạn không bao giờ có lại được cơ hội đó. Và suốt cuộc đời bạn sẽ chỉ sống một cuộc sống với ngày với ba buổi ăn, làm việc quần quật quanh năm suốt tháng, không có một chút cơ hội nào để vươn lên những mức nhu cầu cao hơn của cuộc sống. Vì nếu những mức nhu cầu cơ bản chưa được đáp ứng, đáp ứng một cách đúng nghĩa thì bạn sẽ không bao giờ bước lên được bậc thang cao hơn (Maslow). Bạn sẽ chỉ sống với những cảm giác rất tầm thường, niềm vui sống không khởi nguồn từ ý nghĩa thật sự của nó mà chỉ duy nhất sản sinh từ mức nhu cầu cơ bản đôi khi được đáp ứng. Cảm giác tệ hại nhất là bạn sẽ suốt đời cảm thấy mình thất bại, vô dụng.
Đừng bao giờ bỏ cuộc. Đôi khi chỉ cần thêm một ngày, một giờ hay thậm chí vài giây nữa là bạn sẽ thành công nhưng bạn lại bỏ cuộc. Dễ thế đấy! Đừng bao giờ bỏ cuộc! Bạn có thể sửa thói quen này khi bắt đầu ngày mai. Không bao giờ là quá trễ!