NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Kiến Văn.....


Kiến văn rất quan trọng trong đời sống chúng ta. Kiến Văn là những điều mình trông thấy (kiến) và nghe thấy (văn), tức là sự hiểu biết của mình nhờ kinh nghiệm thực tế mà có. Kiến văn cần phải có thời gian và sự từng trải ở đời mới trau giồi tới nơi tới chốn được. Nó bao gồm tất cả tài trí của con người. Tài trí của con người phần lớn là do sự mẫn tiệp, sự duy nghĩ nghiên cứu tìm hiểu qua sách vở, và sự chuyên cần học tập ở nhà trường mà có. Tuy nhiên, tài trí cần phải nhờ có kiến văn mới trở nên hoàn hảo được. Nhân tài có thể là những người còn trẻ (tài không đợi tuổi), nhưng người có kiến văn rộng thì thường là những người từng trải việc đời. Người xưa có nói “Ði một ngày đàng học một sàng khôn” là vậy.

Ở Việt Nam ta đã từng có rất nhiều vị thần đồng, tức là những người ít tuổi (đồng) mà thông minh như thần (thần), chẳng hạn như Lê Quý Ðôn, Trạng Quỳnh, và Lương Thế Vinh, v.v.

Một số người học giỏi và có bằng cấp cao cứ tưởng rằng như thế là nhất và tỏ ra khinh đời ngạo vật. Nhưng thực tế thì khác hẳn, muốn thành công và được mọi người kính phục nể vì, ta còn cần có kiến văn quảng bác nữa.

Ðể thấy kiến văn quan trọng như thế nào trong đời sống chúng ta, xin mời các bạn hãy thưởng thức giai thoại văn chương sau đây.

Ngày xưa có một danh sĩ làm quan đến chức Tể Tướng của Trung Hoa, đời Tống Thần Tông, năm 1074 dương lịch. Ðó là Tể Tướng Vương An Thạch (1021-1086). Vương An Thạch đậu tiến sĩ năm 21 tuổi, đời Nhân Tông, năm 1041. Ngoài việc lo cai trị đất nước cho hùng mạnh, Vương An Thạch còn dành thì giờ để sáng tác thơ văn. Ông là người đọc nhiều và từng trải nên kiến văn của ông rất rộng.

Tô Thức (1036-1101) đỗ tiến sĩ năm 22 tuổi, đời Tống Nhân Tông, năm 1057. Vào năm 1080, Tô Thức bị giáng làm Ðoàn Huyện Phó Sứ tại Hoàng Châu, thuộc Hồ Bắc. Ở đây, ông cất nhà ở làng Ðông Pha và lấy hiệu là Ðông Pha Cư Sĩ và đã làm ra hai bài Tiền và Hậu Xích Bích Phú (1082). Người ta thường gọi ông là Tô Ðông Pha.

Trong những bài thơ quan Tể Tướng Vương An Thạch làm, có một bài được viết theo lối thư họa treo ở sảnh đường. Một hôm, danh sĩ Tô Ðông Pha được mời vào dinh Tể Tướng để cùng quan Tể Tưởng luận bàn thi thơ và chính sự. Trong khi ngồi chờ để được quan Tể Tướng tiếp kiến, Tô Ðông Pha nhìn thấy bài thơ này trên vách sảnh đường. Bài thơ được viết với một bút pháp rất linh hoạt, niêm luật rất chặt chẽ, và tứ thơ rất sâu sắc. Tuy nhiên, trong bài thơ này có hai câu mà họ Tô thấy thật là phi lý như sau:

Minh Nguyệt sơn đầu khiếu, (Trăng sáng hót đầu núi)
Hoàng Khuyển ngọa hoa tâm. (Chó vàng nằm trong hoa.)

Cứ trong ý của từ ngữ mà suy thì họ Tô thấy tại sao mặt trăng sáng (minh nguyệt) mà lại hót trên đỉnh núi (sơn đầu khiếu) được và con chó vàng (hoàng khuyển) sao có thể nằm trong lòng bông hoa (ngọa hoa tâm) được? Sau khi suy nghĩ, họ Tô mới nảy ra ý sửa lại hai câu thơ này như sau:

Minh Nguyệt sơn đầu chiếu, (Trăng sáng soi đầu núi)
Hoàng Khuyển ngọa hoa âm. (Chó vàng nằm dưới bóng bông hoa)

Sửa hai câu thơ xong, họ Tô cảm thấy thật đắc ý vì chỉ sửa có hai chữ (khiếu thành chiếu và tâm thành âm) mà hai câu thơ lại rõ hẳn ý nghĩa ra và vẫn giữ được nguyên vận của bài thơ. Theo họ Tô thì mặt trăng sáng (minh nguyệt) đi với động từ chiếu mới đắc ý vì trăng sáng thì chiếu chứ không bao giờ khiếu được, còn hoàng khuyển tức là con chó vàng thì phải nằm dưới bóng của bông hoa (hoa âm) mới có lý chứ không thể nào con chó lại nằm trong lòng bông hoa (hoa tâm) được. Chữ âm trong nghĩa của hoa âm là chỗ không có ánh nắng mặt trời.

Ðang mải mê với sáng kiến của mình, họ Tô rất hứng khởi khi thấy quan Tể Tướng bước vào sảnh đường. Sau khi chào hỏi và phân ngôi chủ khách, Tô Ðông Pha có ngỏ ý với quan Tể Tướng Vương An Thạch về việc sửa hai câu thơ nói ở trên. Quan Tể Tướng cười và gật gù tỏ ra ưng ý. Sau đó ngài không nói thêm gì về hai câu thơ này cả mà chỉ cùng Tô Ðông Pha đàm luận về quốc sự.


Khi Tô Ðông Pha bị giáng chức đi trấn thủ ở miền Nam, nhân vào tuần trăng sáng, ông bèn đi ngắm cảnh dưới trăng và thấy có nhiều điều lạ. Ðêm nào cũng vậy, cứ đến khi trăng tỏa ánh sáng khắp núi rừng, ông đều nghe thấy những tiếng chim hót thật du dương thánh thót và thơ mộng. Rất lấy làm hứng thú, ông mới cố tìm hiểu xem đây là giống chim gì mà hót hay như vậy. Sau khi hỏi thăm dân chúng trong vùng, Tô Ðông Pha mới biết tiếng hót thánh thót ấy là của giống chim tên là Minh Nguyệt. Chim Minh Nguyệt chỉ hót ở đỉnh núi vào những đêm có trăng sáng mà thôi. Tìm hiểu chỉ để thỏa mãn sự tò mò của mình chứ Tô Ðông Pha cũng chẳng có ý gì khác.

Hết thưởng thức tiếng chim hót, họ Tô lại đi dạo ngắm hoa dưới trăng. Thật là thú vị khi thấy trong vùng ông trấn đóng có nhiều loại hoa đóa lớn và hương thơm ngào ngạt. Tò mò ngắm mỗi bông hoa, họ Tô nhận thấy đóa hoa nào cũng có một con sâu to nằm trong lòng hoa. Ông lấy làm lạ mới hỏi thăm dân trong vùng về hiện tượng này. Dân làng cho ông ta biết ở vùng này có loại sâu tên là Hoàng Khuyển sống bằng cách hút nhụy hoa. Vì thế trong mỗi bông hoa đều có con sâu Hoàng Khuyển. Nghe đến đây họ Tô mới giật mình và liên tưởng tới hai câu thơ của Vương An Thạch mà ông ta đã tự ý sửa.

Với những gì đã tai nghe và mắt thấy ở đây, Tô Ðông Pha cảm thấy xấu hổ về sự suy luận nông nổi của mình khi tự ý sửa hai câu thơ của Tể Tướng Vương An Thạch nên đã dâng thư về tạ tội với quan Tể Tướng. Họ Tô tự nhủ là việc ông ta bị bổ ra trấn thủ ở miền Nam này là do Tể Tướng đã cố ý dạy cho mình một bài học thực tiễn. Quả đúng là tai nghe không bằng chính mắt mình thấy, thấy không bằng chính mình dự vào việc luận bàn cho ra nhẽ rồi tự mình thực hành công việc đã nghe, đã thấy, và đã thảo luận. Ðây cũng là phương giáo dục nhân bản, khoa học, và tân tiến vậy.

Sau đó ít lâu, họ Tô được triệu về làm quan tại Kinh Ðô. Quan Tể Tướng rất niềm nở tiếp đón Tô Ðông Pha. Và từ đó Tô Ðông Pha rất kính phục quan Tể Tướng cả về tài năng, đức độ, và kiến văn quảng bác của ngài.Cái thâm thúy của Vương An Thạch là ông ta không cần phải biện bạch gì với Tô Ðông Pha khi họ Tô tự ý sửa hai câu thơ của ông. Ðiều tốt nhất là để cho Tô Ðông Pha phải tự mình tìm hiểu bằng cách va chạm với thực tế. Có thấy mới tin là đúng. Nghe nói hay đọc được mà biết thì cái biết đó cũng còn mơ hồ.

Ngày nay, các nhà giáo dục đã và đang áp dụng phương pháp giáo dục tân tiến để dạy học trò ngay từ lớp mẫu giáo trở lên. Ðó là phương pháp thầy cô hướng dẫn để giúp trẻ tự tìm ra những điều mà chúng phải học. Ở các lớp lớn hơn, học trò được dạy cách nghiên cứu và sưu tầm để tự mình tìm ra những gì cần phải học.

Những câu “Ngoài bầu trời này còn có bầu trời khác,” “cao nhân tất hữu cao nhân trị,” “ biển học mênh mông sức người có hạn,” và “đi một ngày đàng học một sàng khôn” quả là những bài học về kiến văn rất thâm thúy vậy.

Có đi ra ngoài và va chạm với đời, ta mới mở mắt ra được. Phải từng trải, ta mới hiểu ý nghĩa của cuộc sống. Tài quả có quí thật, nhưng phải nhờ có kiến văn rộng, ta mới làm cho cái tài của mình hữu dụng hơn hầu phục vụ cộng đồng đất nước đắc lực hơn. Kiến văn giúp cho những điều chúng ta học hỏi được ở nhà trường trở thành tinh nhuệ hơn và hữu dụng hơn.

Muốn trau giồi kiến văn, ta phải tham gia mọi sinh hoạt cộng đồng xã hội, phải dấn thân tình nguyện làm việc nghĩa, phải giao thiệp rộng, và phải đi đây đi đó khi có khả năng và phương tiện. Người xưa đã nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn” và “đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ (hay ở nhà với vợ) biết ngày nào khôn” là vậy. Có ra sinh hoạt với đời ta mới có dịp hiểu người và sự việc và nhờ đó ta mới có thể phân biệt được điều hay lẽ phải và kẻ dở người hay. 

Không có nhận xét nào: