NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Người ngu..OSHO


Một số người có ngu hơn người khác không?
Tâm trí là ngu. Chừng nào bạn còn chưa đi ra ngoài tâm trí, bạn không đi ra ngoài ngu; tâm trí chừng nấy, là ngu.
Và tâm trí có hai kiểu: thông thái và không thông thái. Nhưng cả hai đều ngu. Tâm trí thông thái được coi là thông minh. Nó không phải vậy. Tâm trí ít thông thái bị coi là ngu, nhưng cả hai đều ngu.
Trong ngu xuẩn của mình bạn có thể biết nhiều - bạn có thể thu thập nhiều thông tin; bạn có thể mang tải trọng kinh sách theo bạn; bạn có thể huấn luyện tâm trí, ước định tâm trí; bạn có thể ghi nhớ; bạn có thể gần như trở thành cuốn từ điển bách khoa toàn thư Britannica - nhưng điều đó không tạo ra khác biệt nào trong cái ngu của bạn. Thực ra nếu bạn bắt gặp một người không còn tâm trí nào, cái ngu của bạn sẽ là nhiều hơn cái ngu của những người không có thông tin, người đơn giản dốt nát. Biết nhiều hơn không phải là trở thành việc biết, và biết ít hơn không phải là ngu xuẩn.
Ngu xuẩn là một loại ngủ, vô nhận biết sâu. Bạn cứ làm các thứ mà chẳng biết tại sao. Bạn cứ tham gia vào cả nghìn lẻ một tình huống mà chẳng biết tại sao. Bạn đi qua cuộc sống mà ngủ say. Việc ngủ đó là ngu xuẩn. Bị đồng nhất với tâm trí là ngu xuẩn. Nếu bạn nhớ, nếu bạn trở nên nhận biết và sự đồng nhất với tâm trí bị mất, nếu bạn không còn là tâm trí, nếu bạn cảm thấy siêu việt lên trên tâm trí; thông minh nảy sinh. Thông minh là một loại thức tỉnh. Ngủ, bạn ngu. Thức, ngu xuẩn đã biến mất: lần đầu tiên, thông minh đi vào.
Có thể biết nhiều mà không biết tới bản thân bạn; thế thì biết đó toàn là ngu xuẩn. Chính điều đảo lại cũng là có thể: biết bản thân mình - và không biết cái gì khác. Nhưng biết bản thân mình là đủ để là thông minh; và người biết tới bản thân mình sẽ cư xử thông minh trong bất kì và mọi tình huống. Người đó sẽ đáp ứng một cách thông minh. Đáp ứng của người đó sẽ không là phản ứng; người đó sẽ không hành động từ quá khứ. Người đó sẽ hành động trong hiện tại; người đó sẽ ở đây-bây giờ.
Tâm trí ngu bao giờ cũng hành động từ quá khứ. Thông minh không cần phải bận tâm tới quá khứ. Thông minh bao giờ cũng trong hiện tại: tôi hỏi bạn một câu hỏi - thông minh của bạn trả lời nó, không từ kí ức của bạn. Thế thì bạn không ngu. Nhưng nếu chỉ kí ức trả lời nó, không thông minh - thế thì bạn không nhìn vào câu hỏi. Thực ra bạn không bận tâm về câu hỏi; bạn đơn giản mang câu trả lời làm sẵn.
Chuyện kể về Mulla Nasruddin là hoàng đế định tới thăm thị trấn của ông ấy. Dân làng sợ đối diện với hoàng đế lắm, cho nên tất cả họ đều đề nghị Nasruddin, "Xin ông đại diện cho chúng tôi. Chúng tôi là người ngu, dốt. Ông là người khôn ngoan duy nhất ở đây, cho nên xin ông xử trí cho tình huống này bởi vì chúng tôi không biết cung cách của triều đình, và hoàng đế lần đầu tiên tới."
Nasruddin nói, "Dĩ nhiên rồi. Tôi đã gặp nhiều hoàng đế rồi và tôi đã tới thăm nhiều triều đình rồi. Đừng lo."
Nhưng người ở triều đỉnh bản thân họ cũng lo về làng này, cho nên họ tới chỉ để chuẩn bị cho toàn thể tình huống. Khi họ hỏi ai sẽ đại diện cho dân làng, dân làng nói, "Mulla Nasruddin sẽ đại diện cho chúng tôi. Ông ấy là người lãnh đạo của chúng tôi, người hướng dẫn của chúng tôi, triết gia của chúng tôi."
Thế là họ huấn luyện cho Mulla Nasruddin, nói, "Ông không cần phải lo lắng nhiều quá. Nhà vua sẽ hỏi chỉ ba câu hỏi thôi. Câu hỏi thứ nhất sẽ là về tuổi của ông. Ông bao nhiêu tuổi?" Nasruddin nói, "Bẩy mươi."
"Vậy nhớ điều đó. Đừng kinh sợ quá bởi hoàng đế và triều đình. Khi ngài hỏi ông bao nhiêu tuổi, nói, 'Bẩy mươi' - không một lời thêm hay bớt; bằng không thì ông có thể bị khó khăn đấy. Thế rồi ngài sẽ hỏi ông đã phụng sự cho đền thờ làng được bao lâu rồi, ông đã là thầy giáo tôn giáo ở đây được bao lâu rồi. Vậy nói đích xác số năm ra. Ông đã phụng sự được bao lâu rồi?" Ông ấy nói, "Trong ba mươi năm."
Những câu hỏi đại loại thế này. Thế rồi hoàng đế tới. Những người đã huấn luyện cho Nasruddin, họ cũng đã huấn luyện cho hoàng đế nữa, nói, "Người ở làng này rất giản dị, và người lãnh đạo của họ có vẻ hơi ngu, cho nên xin bệ hạ rủ lòng thương và không hỏi cái gì khác. Đây là những câu hỏi...."
Nhưng nhà vua quên khuấy. Cho nê trước khi hỏi, "Ông bao nhiêu tuổi rồi?" nhà vua lại hỏi, "Ông đã hướng dẫn tâm linh cho thị trấn này được bao lâu rồi?"
Bây giờ, Nasruddin có câu trả lời cố định. Ông ấy nói, "Bẩy mươi năm."
Nhà vua nhìn với chút phân vân bởi vì người này trông không quá bẩy mươi, vậy mà ông ta đã là thầy giáo tôn giáo từ chính lúc lọt lòng sao? Thế rồi nhà vua nói, "Ta rất lấy làm ngạc nhiên. Vậy thế ông bao nhiêu tuổi?"
Nasruddin nói, "Ba mươi." Bởi vì đây là điều đã cố định: rằng đầu tiên ông ấy phải nói "bẩy mươi," thế rồi ông ấy phải nói "ba mươi." Nhà vua nói, "Ông điên sao?"
Nasruddin nói, "Thưa ngài, cả hai ta cùng điên - theo cách riêng của chúng ta! Ngài hỏi câu hỏi sai - và tôi phải trả lời câu trả lời đúng! Đây là vấn đề. Tôi không thể thay đổi được, bởi vì những người kia ở đây, những người đã huấn luyện cho tôi. Họ đang nhìn tôi. Tôi không thể thay đổi được, và ngài đang hỏi câu hỏi sai. Cả hai ta đều điên theo cách riêng của chúng ta. Tôi bị buộc phải trả lời câu hỏi đúng - đó là cái điên của tôi. Giá mà không có câu trả lời làm sẵn tôi chắc đã trả lời ngài đúng rồi, nhưng bây giờ có rắc rối. Và ngài đang hỏi câu hỏi sai, theo trình tự sai."
Điều này xảy ra cho tâm trí ngu xuẩn. Liên tục, quan sát trong bản thân bạn đi: Mulla Nasruddin là một phần của bạn đấy. Bất kì khi nào bạn trả lời một câu hỏi vì bạn có câu trả lời làm sẵn, bạn hành xử ngu xuẩn. Tình huống có thể thay đổi, tham chiếu có thể đã thay đổi, hoàn cảnh có thể đã thay đổi - và bạn hành động từ quá khứ.
Hành động từ hiện tại đi. Hành động từ việc không chuẩn bị đi. Hành động từ nhận biết của hiện tại; đừng hành động từ quá khứ. Thế thì bạn không ngu.
Bây giờ bạn có thể hiểu tại sao tôi nói tâm trí là ngu: bởi vì tâm trí chỉ là quá khứ. Tâm trí là quá khứ được tích luỹ, mọi điều bạn đã biết trong quá khứ. Cuộc sống liên tục thay đổi. Tâm trí vẫn còn như cũ - nó mang kí ức chết, thông tin chết. Hoàn cảnh thay đổi mọi khoảnh khắc, câu hỏi thay đổi mọi khoảnh khắc, hoàng đế thay đổi mọi khoảnh khắc - và bạn mang những câu trả lời cố định. Bạn bao giờ cũng sẽ trong rắc rối. Tâm trí ngu xuẩn là trong rắc rối, khổ sở. Chẳng vì cái gì. Duy nhất chỉ lí do này: rằng người đó quá sẵn sàng, quá được chuẩn bị.
Mọi khoảnh khắc vẫn còn không được chuẩn bị đi. Thế thì bạn vẫn còn hồn nhiên. Thế thì bạn không mang cái gì đó. Bất kì khi nào bạn có câu trả lời làm sẵn, bạn đều không nghe câu hỏi đích xác như nó vậy. Trước khi bạn nghe câu hỏi, câu trả lời đã bật ra trong tâm trí rồi; câu trả lời đã đứng giữa bạn và câu hỏi rồi. Trước khi bạn nhìn quanh và quan sát tình huống, bạn đã phản ứng.
Tâm trí là quá khứ, tâm trí là kí ức - đó là lí do tại sao tâm trí là ngu, mọi tâm trí. Bạn có thể là một dân làng, chẳng biết gì mấy về thế giới. Bạn có thể là giáo sư ở Đại học Pune, biết nhiều. Điều đó không tạo ra khác biệt gì. Thực ra thỉnh thoảng chuyện xảy ra là dân làng thông minh hơn - vì họ chẳng biết gì. Họ phải dựa vào thông minh. Họ không thể dựa vào thông tin của họ, họ chẳng có gì. Nếu bạn tỉnh táo bạn có thể thấy phẩm chất của hồn nhiên trong dân làng. Người đó như trẻ con.
Trẻ con thông minh hơn người lớn, thông minh hơn người già. Đó là lí do tại sao trẻ con có thể học dễ dàng thế. Chúng thông minh hơn. Tâm trí còn chưa có đó. Chúng là vô tâm trí. Chúng không mang quá khứ nào; chúng không có. Chúng đang di chuyển, vẩn vơ, ngạc nhiên với mọi thứ. Chúng bao giờ cũng nhìn vào tình huống. Thực ra chúng chẳng có gì khác để nhìn - không câu trả lời làm sẵn. Thỉnh thoảng trẻ con trả lời theo cách hay và sống động thế mà người già không thể trả lời được. Người già bao giờ cũng có tâm trí ở đó để trả lời cho chúng. Họ có kẻ phục vụ, cái máy, cái máy tính sinh học; và họ dựa trên nó. Bạn càng trở nên già, bạn càng trở nên ngu hơn.
Tất nhiên, người già nghĩ họ đã trở nên rất khôn ngoan, bởi vì họ biết nhiều câu trả lời. Nếu đây là khôn ngoan thì máy tính sẽ là kẻ khôn ngoan nhất. Thế thì không cần bạn nghĩ về Phật và Jesus và Zarathustra, không. Máy tính sẽ khôn ngoan hơn bởi vì chúng biết nhiều hơn. Chúng có thể biết tuốt; chúng có thể được nạp cho mọi thông tin. Và chúng sẽ vận hành tốt hơn vì chúng là máy.
Không, trí huệ không liên quan chút nào tới tri thức. Nó liên quan tới nhận biết, thông minh, hiểu biết. Tỉnh táo hơn đi. Thế thì bạn không trong nắm bắt của tâm trí. Thế thì bạn có thể dùng tâm trí bất kì khi nào được cần nhưng bạn không bị tâm trí dùng. Thế thì tâm trí không còn là người chủ - bạn là chủ và tâm trí là tớ. Bất kì khi nào bạn cần đầy tớ bạn hỏi, nhưng bạn không bị cai trị, bạn không bị tâm trí thao túng.
Tình huống bình thường của tâm trí là tới mức dường như chiếc xe thao túng người lái. Chiếc xe nói, "Đi theo đường này," và người lái xe phải tuân theo. Thỉnh thoảng chuyện xảy ra: phanh hỏng, bánh xe không chạy tốt, bạn muốn đi xuống nam còn xe đi lên bắc. Máy đã hỏng; điều đó là ngẫu nhiên. Nhưng ngẫu nhiên đó đã trở thành bình thường với tâm trí con người. Một cách liên tục bạn muốn đi đâu đó và tâm trí muốn đi đâu đó khác. Bạn muốn đi tới đền chùa và tâm trí nghĩ tới rạp hát, và bạn thấy bản thân bạn ở rạp hát. Có thể bạn đã ra khỏi nhà để đi tới đền chùa để cầu nguyện... bạn đang ngồi ở rạp hát - bởi vì xe muốn đi theo đường đó và bạn không có khả năng điều khiển.
Thông minh là tính làm chủ - làm chủ mọi cái máy bên trong bạn. Thân thể là cái máy, tâm trí là cái máy: bạn trở thành người chủ. Không ai thao túng bạn; tâm trí đơn giản nhận lệnh của bạn. Đây là thông minh.
Cho nên nếu bạn hỏi, "Một số người có ngu hơn người khác không?" - điều đó còn tuỳ. Như tôi thấy, mọi người thông thái đều là người ngu thông thái, người ngu không thông thái. Đây là hai phân loại bình thường, bởi vì phân loại thứ ba là duy nhất tới mức bạn không thể làm cho nó thành phân loại được. Hãn hữu, thỉnh thoảng, vị Phật xảy ra: vị Phật là thông minh. Nhưng thế thì ông ấy có vẻ như nổi dậy vì ông ấy không cho bạn câu trả lời quá khứ, câu trả lời cố định. Ông ấy đi xa khỏi đường cao tốc; ông ấy có con đường riêng của mình. Ông ấy làm ra con đường riêng của mình. Thông minh bao giờ cũng đi theo bản thân nó. Nó không theo bất kì ai. Thông minh làm ra con đường riêng của nó. Chỉ người ngu mới đi theo.
Nếu bạn ở đây với tôi bạn có thể ở đây theo hai cách. Bạn có thể ở đây một cách thông minh với tôi: thế thì bạn sẽ học từ tôi, nhưng bạn sẽ không đi theo. Bạn sẽ theo thông minh riêng của bạn. Nhưng nếu bạn ngu bạn không bận tâm về việc học: bạn đơn giản theo tôi. Điều đó có vẻ đơn giản, ít rủi ro, ít nguy hiểm, an ninh hơn, an toàn, bởi vì bạn bao giờ cũng có thể đổ trách nhiệm lên tôi; nhưng nếu bạn chọn cách thức an toàn an ninh, bạn đã chọn chết. Bạn đã không chọn sống. Sống là nguy hiểm và rủi ro. Thông minh bao giờ cũng sẽ chọn sống - với bất kì giá nào, bất kì cái gì rủi ro - bởi vì đó là cách duy nhất để sống động.
Thông minh là phẩm chất của nhận biết. Người thông minh không ngu.

The Most Important Minutes In Your Lives ....Phút quan trọng nhất trong đời bạn..

 

Những gì tôi nói sẽ hơi phô trương nhưng đó là sự thật. Những gì tiếp theo đây có thể là những phút quan trọng nhất trong cuộc đời của bạn. Nếu bạn nắm vững được điều này, bạn có thể đạt đến bí mật của tỉnh thức. Bạn có thể sẽ hạnh phúc mãi mãi. Bạn có thể chẳng bao giờ đau khổ nữa. Chẳng có gì có thể đủ sức làm bạn đau nữa.
Tôi nói là, tuyệt đối chẳng có gì. Giống như bạn ném sơn đen lên trời, trời không thể vì thế mà bị vấy bẩn. Bạn chẳng bao giờ tô màu bầu trời thành đen được. Cho dù có chuyện gì xảy ra với bạn, bạn vẫn không bị bẩn. Bạn vẫn bình an.
Có những người đạt đã được điều này, điều mà tôi gọi là làm người. Không phải là làm con rối vô nghĩa lý, bị giật chiều này chiều kia, để sự việc hay người khác bảo bạn phải cảm xúc như thế nào, rồi bạn bắt đầu cảm xúc như thế đó, và bạn nói đó là bạn dễ bị tổn thương. Aha! Tôi gọi đó là một con rối. Bạn có muốn thành một con rối không? Bấm một cái nút và bạn gục xuống, bạn có thích thế không? Nhưng nếu bạn từ chối tự đồng hóa mình với bất kỳ danh hiệu nào, thì phần lớn những lo lắng của bạn sẽ chấm dứt.
Ở đoạn sau, chúng ta sẽ đến nói đến nỗi sợ bệnh tật và cái chết, nhưng thường thì bạn lo lắng về những gì sẽ xảy ra với sự nghiệp của bạn. Một doanh nhân nhỏ, 55 tuổi, đang nhấm nháp từng ngụm bia tại quán bar ở một nơi nào đó, ông nói: “Ồ, nhìn những bạn cùng lớp với tôi đi, họ thực sự đã thành công.” Thật là ngốc nghếch! Ý ông ấy là gì khi ông ấy nói “Họ đã thành công?” Tên họ được lên báo? Bạn có nói như vậy là thành công không? Một người là chủ tịch một công ty, một người là chánh án, ai đó đã thành ông này bà kia. Trò khỉ, tất cả chỉ có vậy.
Ai là người xác quyết cái gì là thành công? Xã hội này thật ngớ ngẩn! Mối bận tâm chính của xã hội là tiếp tục giữ chính nó bị bệnh! Bạn càng sớm nhận ra điều đó thì càng tốt cho bạn. Bệnh, tất cả mọi người. Tất cả đều điên, khùng. Bạn trở thành giám đốc bệnh viện tâm thần và bạn tự hào về điều đó mặc dù nó chẳng nghĩa lý gì hết. Làm chủ tịch công ty thì cũng chẳng liên quan gì đến thành công trong cuộc sống. Có rất nhiều tiền cũng chẳng liên quan gì đến thành công trong cuộc sống.
Bạn đã thành công trong cuộc sống mỗi khi bạn thức dậy! Rồi bạn không phải xin lỗi bất kỳ ai, bạn không phải giải thích bất kỳ điều gì cho bất cứ ai, bạn cóc cần ai đó nghĩ hay nói về bạn thế nào. Bạn không có chút lo lắng nào, bạn vui vẻ. Đó là những điều tôi gọi là thành công.
Có một công việc tốt hoặc là người nổi tiếng hoặc có danh tiếng tốt, hoàn toàn chẳng liên quan gì tới hạnh phúc và thành công. Tuyệt đối không! Hoàn toàn không liên quan. Mọi lo lắng của hắn ta thực sự chỉ là lo lắng bọn trẻ nghĩ gì về hắn, hàng xóm nghĩ gì về hắn, vợ hắn nghĩ gì về hắn, lý ra hắn phải nên nổi tiếng…
Xã hội và văn hóa chúng ta đã nện những điều này vào đầu óc chúng ta ngày đêm. Những người đã thành đạt! Đạt cái gì?! Đạt trò cười cho chính họ. Vì họ đã cháy cạn năng lượng để đạt điều chẳng giá trị gì cả. Họ hoảng sợ và bối rối, họ là con rối như những người khác. Hãy nhìn họ khệnh khạng qua sân khấu. Hãy nhìn họ bức xúc như thế nào nếu có một vết bẩn trên áo họ. Bạn có cho đó là thành công không? Hãy nhìn họ sợ hãi như thế nào trong viễn cảnh họ có thể không được bầu lại lần nữa. Bạn có cho đó là thành công không? Họ quá bị kiểm soát, quá bị điều khiển. Họ là những người bất hạnh, những kẻ khốn khổ. Họ không tận hưởng cuộc sống. Họ luôn căng thẳng và lo lắng. Bạn có cho đó là làm người không? Và bạn có biết tại sao điều đó lại xảy ra không? Chỉ có một lý do duy nhất: họ đồng hóa chính mình với nhãn hiệu nào đó. Họ đồng hóa “Tôi” với tiền bạc hay công việc hay nghề nghiệp của họ. Đó là sai lầm.
Bạn đã nghe kể về một luật sư nhận hóa đơn của người thợ ống nước chưa? Ông ta nói với người thợ ống nước là: “ Này anh, anh tính phí cho tôi là 200$ một giờ. Tôi đâu có kiếm được chừng đó tiền trong nghề luật sư đâu.” Người thợ ống nước nói: “Tôi cũng đâu kiếm được chừng đó tiền khi tôi hành nghề luật sư trước đây đâu!”
Bạn có thể là người thợ ống nước, luật sư, doanh nhân hay linh mục nhưng điều này không ảnh hưởng tới bản chất “tôi”- Nó chẳng ảnh hưởng gì đến bạn. Nếu tôi đổi nghề vào ngày mai thì điều đó cũng giống như tôi thay áo quần vậy. Tôi vẫn còn nguyên. Bạn có phải là áo quần của bạn không? Bạn có phải là tên của bạn không? Bạn có phải là nghề nghiệp của bạn không? Đừng đồng hoá mình với những nhãn hiệu đó. Chúng nó đến, chúng nó đi.
Khi bạn thực sự hiểu điều này thì chẳng còn sự chỉ trích nào có thể ảnh hưởng tới bạn được nữa. Chẳng có lời xu nịnh cũng như lời ca ngợi nào có thể ảnh hưởng tới bạn được nữa.
Khi có ai đó nói: “Anh thật là một chàng trai tuyệt vời”, Hắn ta đang nói gì thế nhỉ? Hắn đang nói về “tôi đối tượng” ( “me”), chứ hắn không nói về “tôi chủ thể” (“I”).
“Tôi chủ thể” chẳng vĩ đại cũng chẳng nhỏ bé. “Tôi chủ thể” chẳng thành công cũng chẳng thất bại. Nó chẳng là cái nhãn hiệu nào cả. Những thứ nhãn hiệu này đến rồi đi. Những thứ này phụ thuộc vào các tiêu chuẩn mà xã hội đã thiết lập. Những thứ này lệ thuộc vào bạn đã được điều kiện hóa thế nào. Những thứ này lệ thuộc vào tâm trạng của người đang nói với bạn ngay lúc này.
Nhãn hiệu chẳng liên quan gì với “tôi chủ thể”. “Tôi chủ thể” chẳng là nhãn hiệu nào cả. “Tôi đối tượng” thì nói chung là ích kỷ, dại dột, trẻ con.. – một con lừa lớn. Vì thế khi bạn nói: “Mày là con lừa. Tao biết điều này lâu rồi!” Con người bị điều kiện hóa của bạn – bạn mong gì hơn được? Tự điều chỉnh mình – bạn đang mong đợi điều gì thế? Tao đã biết điều này lâu rồi! Tại sao bạn lại tự đồng hoá với hắn ta? Thật lố bịch! Đó không phải là “tôi chủ thể” mà là “tôi đối tượng”.
Bạn có muốn hạnh phúc không? Hạnh phúc vĩnh cửu luôn có sẵn. Hạnh phúc thực sự là có sẵn. Bạn không thể làm tôi hạnh phúc. Bạn cũng không phải là hạnh phúc của tôi. Bạn nói với một người tỉnh thức rằng: “Tại sao anh hạnh phúc đến thế?” và người tỉnh thức sẽ trả lời: “Thế tại sao lại không?”
Hạnh phúc là trạng thái bẩm sinh của chúng ta. Hạnh phúc là trạng thái bẩm sinh của trẻ em, những thần dân của vương quốc hạnh phúc, cho đến khi sự ngu dại của xã hội và văn hoá làm các em bị ô nhiễm và đầu độc. Để đạt được hạnh phúc, bạn không cần phải làm gì, bởi vì hạnh phúc không cần phải giành được mới có. Có ai biết tại sao không? Bởi vì chúng ta đã có sẵn hạnh phúc rồi. Làm thế nào mà bạn có thể đi lấy thứ mà bạn đã có sẵn rồi? Vậy thì, tại sao bạn lại không trải nghiệm về hạnh phúc? Bởi vì bạn phải bỏ đi một điều. Bạn phải xóa bỏ ảo tưởng. Bạn không phải lấy thêm bất kỳ điều gì để có được hạnh phúc, bạn chỉ phải bỏ đi vài thứ. Cuộc đời thật dễ dàng và thú vị. Cuộc đời chỉ khó khăn đối với ảo tưởng, tham vọng, tham lam, thèm muốn của bạn . Và bạn có biết chúng đến từ đâu không? Chính từ sự đồng hoá bạn với tất cả mọi thể loại nhãn hiệu đấy!
Tác giả: Anthony De Mello
Việt dịch: Phạm Thu Hương

Những nỗi sợ hãi của loài người..


08/02/2012 12:00 am

Chúng ta sợ phải nghèo khổ ngay khi đứng giữa những của cải tài nguyên phong phú.
Chúng ta sợ đau yếu mặc dù thiên nhiên đã cung ứng cơ thể một hệ thống tự động bảo trì, sửa chữa và giữ mọi cái luôn hoạt động điều hòa.
Chúng ta sợ chỉ trích khi không có một nhà bình phẩm nào ngoại trừ chính lời chỉ trích trong tâm trí vì chúng ta đã sử dụng một cách tiêu cực trí tưởng tượng của mình.
Chúng ta sợ mất tình yêu của bạn hữu và những người thân quyến mặc dù chúng ta biết chắc chắn rằng sự lãnh đạo của riêng chúng ta cũng đủ để duy trì tình yêu trong mọi tình huống bình thường của nhân sinh hệ lụy.
Chúng ta sợ tuổi già trong khi chúng ta phải chấp nhận nó như một kẻ trung gian để đạt tới khôn ngoan và hiểu biết hơn.
Chúng ta sợ mất tự do dù chúng ta biết rằng tự do chỉ là vấn đề hòa hợp thân hữu với người khác.
Chúng ta sợ chết khi chúng ta khi đã biết chuyện đó không thể tránh đươc, vì nó ở ngoài phạm vi kiểm soát của chúng ta.
Chúng ta sợ thất bại mà không nhận ra rằng mọi thất bại đều mang một lợi ích tương đương.
Chúng ta sợ sấm chớp cho đến khi Franklin và Edison và một số người khác, những người dám tin tưởng nơi mình, chứng minh rằng chớp chỉ là một hình thức của năng lực vật lý có thể lôi dụng và dùng vào những việc hữu ích cho con người.
Chúng ta than phiền vì thiếu cơ hội và gào hét chống lại những ai dám tin tưởng nơi tâm trí mình mà không nhận ra rằng mọi người đều có một tâm trí lành mạnh có quyền và có khả năng tự cung ứng mọi sự mình cần hoặc có thể dùng tới.
Chúng ta sợ sự khó chịu gây ra bởi sự đau đớn của thể xác mà ko nhận ra rằng đau đớn là ngôn ngữ của vũ trụ mà nhờ đó con người được báo trước những nguy hiểm và điều xấu cần phải sửa chữa.
Phần đông chúng ta vẫn không cố gắng để kiểm soát tâm trí mà chúng ta bị những sợ hãi và khó khăn đe dọa, những sợ hãi và khó khăn do trí tưởng tượng sản xuất 

Hiện tượng tạo cảm xúc hay cảm xúc tạo hiện tượng?...



Vì hai người đánh nhau nên có cảm xúc ghét nhau? Hay vì hai người có cảm xúc ghét nhau nên đánh nhau?
Nếu bạn đi ra đường thấy một người đi ngược chiều, bạn và anh ta chẳng có cảm xúc ghét nhau gì cả, nhìn nhau cứ như là nhìn… người lạ, thì làm sao hai người đáng nhau được?
Nhưng nếu hai câu đã ghét nhau từ trước, như là dành nhau một cô chẳng hạn, bây giờ đi ăn cưới ai đó, gặp nhau, ngồi uống vài chai bia là có thể có ẩu đả, đâm chém không biết chừng.
Thế giới hiện tượng của ta thường được tạo ra vì cảm xúc cuả ta, chứ rất ít khi ngược lại.
Nhưng chúng ta thường không biết điều này và thường lẫn lộn nguyên nhân và hậu quả.
Thấy anh chàng Hải Phòng này ghét quá—nhưng sự thật không phải vì anh ta đáng ghét, và vì mình đã có máu kỳ thị Hải Phòng. Chính thành kiến ghét Hải Phòng trong ta tạo nên cái ghét của ta đối với anh này, và từ đó có thể sinh ra gây lộn và đâm chém không biết chừng.
Truyện Thiền “Kẻ cướp thành môn đệ” kể thế này:
Một buổi tối khi Shichiri Kojun đang tụng kinh, một tên cướp cầm một thanh gươm bén vào nhà, đòi tiền, nếu không thì chết.
Shichiri bảo tên cướp: “Đừng làm rộn tôi. Anh có thể tìm tiền trong hộc tủ đó.” Rồi thiền sư tiếp tục tụng kinh.
Một lúc sau thiền sư ngừng và gọi: “Đừng lấy hết tiền. Tôi cần một ít để đóng thuế ngày mai.”
Kẻ gian lấy gần hết số tiền và sửa soạn ra về. “Cám ơn khi nhận được quà,” Shichiri nói thêm. Chàng cướp cám ơn thiền sư rồi đi mất.
Vài ngày sau chàng cướp bị bắt và thú tội, ngoài các tội khác, còn có tội với Shichiri. Khi được gọi ra làm chứng, Schichiri nói: “Anh này chẳng phải là trộm cướp, ít ra là đối với tôi. Tôi cho anh ta tiền và anh ta cám ơn tôi về việc đó.”
Sau khi mãn hạn tù, anh chàng này đến gặp Shichiri và thành đệ tử của Thiền sư.”
Hiên tượng đầu tiên ở đây là một vụ cướp. Hiện tượng tiếp theo thường là người nhà sợ cướp và ghét cướp nên hô hoán lên, và hiện tượng tiếp theo có thể là một màn đánh cướp.
Nhưng ở đây thiền sư có cảm xúc nhân ái với cướp và do đó hành xử với cướp như người thân, và nhờ đó chẳng có gì rầm rộ xảy ra, mà sau này lại có thêm một đệ tử Thiền.
Đó là cảm xúc bên trong tạo ra hiện tượng bên ngoài.
Các bạn, bạn buồn khổ bức xúc thường không phải vì hiện tượng bên ngoài làm bạn buồn khổ bức xúc, nhương thường là vì bạn rối rắm bực dọc bên trong nên hiện tượng bên ngoài thành buồn khổ rối rắm.
Nếu tâm của bạn tĩnh lặng an lạc bên trong thì các hiện tượng bên ngoài cũng sẽ tĩnh lặng an lạc cho bạn.
Đó là một bí mật giữa ban ngày, mà chỉ những người tỉnh thức mới thấy.Trần Đình Hoành 

Ta phải lòng một đôi môi đầy khói...


Sau tất cả ngổn ngang hờn giận và những tổn thương cũ mới, tôi trở lại, bên tuổi thơ bằng không ít vết thương chẳng lành lặn. Thời gian đã làm nhiệm vụ của nó, buộc tôi lớn lên nhưng đâu biết đã khó khăn thế nào mới giam giữ sự cằn cỗi nơi mình trong cơ thể bé dại chật chội ấy để không bị lạc lõng.
Bảng màu, giá vẽ, bút chì, những cuộn chỉ đủ màu, vài tấm vải cắt dở, cuộn len thừa, trang giấy dang dở câu thơ, bầu trời trong sân, ô cửa sổ biết khép lại nỗi sợ non nớt, cây bàng có thể với tới từng vì sao, ...
Trước đây, dù chỉ xa khoảng cách rất nhỏ, tôi cũng muốn về nhà, vì không đủ tình cảm để yêu một nơi chốn khác.  Chưa bao giờ hết yêu tuổi thơ của mình, nên cũng không ước phép màu nào có thể thay đổi dù chỉ một khoảnh khắc thuộc về tháng ngày ấy. Giờ còn lại đâu đó, chỉ có thể đôi lần ngắm nhìn, về thăm, có thể đánh thức ngây ngô cũ rồi ru ngoan mà không được phép ở bên quá lâu, không thể lớn lên từ những vụng dại đó nữa.
Tháng Hai bắt đầu bằng triền miên nắng, khiến người ta nhầm lẫn cảm xúc giữa mùa này với mùa nọ, rồi giận dữ mưa như muốn rũ bỏ, gột rửa điều gì. Nắng chết, mưa có thể chảy theo mái hiên vào tới đôi mắt ngác ngơ ngay cả khi đớn đau đến tột độ. Ngày đến rất sớm, ném bận rộn vào những ngày cuối năm tất bật. Kiên nhẫn dọn dẹp những bề bộn cố hữu trong không gian vô hình và hữu hình, cuối cùng thì cũng ngăn nắp theo một vị trí tạm chấp nhận. Xuân vẫn khẳng khiu trên hàng cây, con đường để tang mình, đưa tiễn những lang thang hẹn hò chưa kịp xanh đã tàn tạ.
Ở nơi mà tôi sinh ra, sự chăm sóc, nâng niu làm tôi từng tin rằng chẳng cần điều gì ngoài bản thân và cuộc sống quanh mình, những người trong gia đình. Nhưng cho đến lúc này đây, cũng chính tại nơi đó, sự ích kỷ gọi tên một người - người dưng, tôi biết, đã phải lòng một đôi môi đầy khói ...
Anh chưa bao giờ hút thuốc khi có tôi sát cạnh, cũng không muốn tôi nếm dư âm còn sót lại trên phiến máu hồng đào. Có lẽ không bởi chịu đựng, mà bởi tôi chưa đủ nồng cay để thấm đẫm màu xám u uất ấy, chưa có lý do gì để mượn từng lọn vô thức ấy mà buông lòng.
Đã phản bội lại mình, ngay khi hay tin lòng kiêu hãnh này thừa nhận rằng đã nghiện ngập người đàn ông ấy. Chối từ đơn côi - thứ tín ngưỡng từng tôn thờ để lao vào người - người có thể khiến ta bất chấp cả đường chỉ tay. Thấy rằng đã quá nhầm lẫn về sự tương đối của thời gian, lâu dài hay ngắn ngủi, đều do sự có mặt của người quyết định. Không được ở bên, còn đơn độc hơn cả một mình. Hẳn người không biết, chôn mình hàng ngàn lần dưới nụ hôn xanh như bầu trời ấy muôn đời không đủ. Nên đôi khi, tự hỏi rằng đã đi qua những tháng ngày đã xa kia thế nào mà không có người.
        Yêu những lọn khói mê hoặc thai thoát từ đôi môi biết nín lại hận thù.
        Yêu ánh mắt biết hát về bão tố bâng khuâng.
        Yêu cách hờn giận vừa bất cần, vừa bé bỏng.
        Yêu từng nhịp đập trên lồng ngực vùi trái tim miệt mài chịu đựng...
        Yêu người đàn ông không có tuổi ấy, lênh đênh !
        Ta yêu người, người yêu ta mỗi ngày, bình minh lên, tựa như lại được bắt đầu yêu lần nữa.
        Cứ thế, cứ thế, trộn vào nhau, chẳng thể dừng lại...
Hà Mây