NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Tôi là thiên thần, trừ khi ai làm tôi xù lông..



    I am an angel, unless someone ruffles my feather
Chào các bạn, lúc bình thường ai trong chúng ta cũng hợp lý, vui vẻ, dịu dàng, đáng yêu, như những thiên thần. Tuy nhiên, khi đụng chuyện, bị ai phê phán gì đó, lúc đó mới có sự khác biệt giữa các thiên thần. Lúc này có thiên thần nhảy đổng lên gầm thét. Có thiên thần thì chằm bặm, không nói, nhưng tẩy chay người phê phán. Có thiên thần thì ngoài mặt cười vui nhưng có vẻ gượng gạo, và trong lòng thì “để đó ông sẽ tính với mày sau.” Có thiên thần thì mỉm cười và thề trong lòng “ông sẽ đì mày cả đời.” Có thiên thần thì vui vẻ, cám ơn, đã nhận được đóng góp từ người phê phán.
rufflemyfeather

Cho nên, chúng ta đừng đo lường mình bằng những lúc bình thường. Bình thường thì mình và ông hàng xóm, và 7 tỉ người khác trên thế giới cũng đều là thiên thần như nhau cả; có đo lường thì cũng chẳng nói lên được điều gi. Hãy đo lường mình bằng con người của mình lúc đụng chuyện. Đó mới là lúc sức mạnh của mình hiện ra tới đâu.

Nếu bị phê phán mình có bị đau không? Nhiều hay ít? Mình có vui tí nào không? Nhiều hay ít? Và phản ứng của mình có nhẹ nhàng, lễ độ, tươi cười và tri ân không? Hay là mình lồng lộn chống lại?
Lúc này là lúc phân biệt thầy và trò, người chín chắn và người chưa trưởng thành, người hướng thiện và người hướng ác.
Trong các tôn giáo thần quyền người ta hay nói, Thượng đế dùng tay người khác để nhắn lời cho mình. Người khác đó có thể là cha mẹ thầy cô, nhưng cũng có thể là người điên hay kẻ cướp. Theo truyền thống suy tư này, thì người nói hay cách nói đối với mình không quan trọng. Đúng thì vẫn là đúng, dù là ai nói và nói cách nào. Điều quan trọng là mình có thể nghe sự thật, nghe lời nhắn nhủ của Thượng đế, trong câu nói đó hay không.
Dĩ nhiên là lúc đụng chuyện thì không thể như lúc bình thường được, vì nếu cũng như lúc bình thường thì đó là bình thường mất rồi, đâu phải là “đụng chuyện” hay “khủng hoảng”. Bị phỏng lửa thì chắc là ai cũng rát, nhưng người thì bình yên thâm trầm chịu phỏng, người thì la lối chưởi bới lung tung.
Cho nên, chúng ta có thể tự lừa dối mình rất dễ dàng khi ta nhìn ta lúc bình thường. Hoặc khi ta chỉ một mình không ai quấy nhiễu. Chỉ khi ta bị đụng chạm với xã hội, bị mất mát, bị thất bại, bị sỉ nhục, bị lăng mạ, bị coi thường, bị tấn công một cách bất công… lúc đó ta còn yêu người, yêu đời, còn dịu dàng, còn hiền hậu, còn trung thành, còn đạo đức không? Đó mới là thước đo thực sự.
rufflemyfeather1

Bạn có thể hùng hổ, dữ tợn khi bi lăng mạ hay mất mát, và bạn sẽ có đủ l‎y’ do chính đáng để làm thế, như là bảo vệ quyền lợi, bảo vệ công l‎ý, chống người gian ác v.v…

Nhưng hùng hổ, dù là có l‎ý do đúng, vẫn là hùng hổ, vẫn là không hiền dịu.
Điều này chẳng có gì sai cả. Và bạn hoàn toàn có quyền hùng hổ như thế. Chỉ xin nhớ rằng, khi bạn phản ứng như thế thì bạn chẳng khác gì 7 tỉ người khác trên thế giới đã chẳng tốn một phút nào để học tư duy tích cực, đã chẳng tốn một giây nào để thiền, hay một giây nào để thực hành hạnh khiêm tốn và nhẫn nhục.
Và cũng đừng ảo tưởng rằng mình là người hiền dịu, hay đã trưởng thành tâm linh.
Và cũng xin nhớ rằng tất cả những người trong những cuộc chiến điên rồ giết nhau đều thề với bạn là họ có lý do chính đáng, là thượng đế đứng về phe họ, là họ bảo vệ công l‎ý… để làm việc giết nhau. Chúng ta đang ở trong thời đại có nhiều người trong những cuộc chiến điên rồ thề thốt như nhế. Chỉ cần mở TV lên là bạn sẽ có ngay thông tin về họ.
Phúc cho những người khiêm nhu, vì họ sẽ thừa hưởng quả đất.

Không có nhận xét nào: