NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Bạn có biết nghe không?


Bạn là một kỹ sư vi tính trong một công ty IT lớn. Làm việc chăm chỉ, bận rộn quanh năm. Vợ bạn ở nhà lo cho cậu con yêu của hai người, mới 3 tuổi. Bạn lo lắng đầy đủ cho vợ con. Mỗi năm cả nhà đi nghỉ hè một lần. Ngày Phụ Nữ đưa vợ con đi ăn, đi chơi… Nói chung là bạn làm tốt bổn phận làm chồng. Nhưng một ngày bạn nghe vợ bạn nói là nàng không vui với cuộc sống hiện tại. Có lẽ là bạn sững sốt. Bạn hỏi lý do và nàng nói là cảm thấy cuộc đời thiếu ý nghĩa. Bạn bực mình và cảm thấy xúc phạm vì “Tại sao một người vợ lại có thể nói thế với một người chồng luôn làm tròn bổn phận như mình?”

Hiện tượng này xảy ra thường hơn là chúng ta bằng lòng xác nhận. Không những giữa vợ chồng, mà còn giữa bố mẹ con cái, thầy cô học trò, bạn bè, anh chị em, nhân viên cùng phòng, xếp và nhân viên… Nói chung là giữa mọi loại người. Vấn đề căn bản là: Một người nói đến cảm xúc của mình, người kia lập tức cảm thấy xúc phạm và trả lời bằng cách chứng minh là người nói đã sai!
Các bạn, đó gọi là điếc. Không nghe. Hay, không biết nghe–cứ như là nghe tiếng ngoại quốc.
Trong ngôn ngữ loài người của mọi nền văn hóa có từ “mù”. Si mê, ngu dốt, không hiểu không thấy, là “mù”. Nhưng “điếc”, tuy vẫn có trong mọi nền văn hóa, lại rất ít được nhắc đến như là một yếu kém thường trực của con người. Sự thật là, chúng ta bị điếc thông thường như bị mù, và trong đại đa số trường hợp, ta bị mù vì ta điếc—ta không hiểu được sự thật vì ta không biết nghe sự thật.
Hãy nghe các câu nói thường nghe và các câu trả lời thường nghe:
• Con không thích đến trường. Trả lời: Đồ ngu si, lười biếng.
• Em không muốn ngày nào cũng ăn tối một mình. Trả lời: Công việc mà. Sao em đòi hỏi quá vậy?
• Em thích tờ báo này. Trả lời: Sao em cứ tốn tiền cho mấy chuyện nhảm về ca sĩ và người mẫu vậy?
• Tại sao thành phố cứ đào lô cốt hoài vậy? Trả lời: Phát triển kinh tế thì phải thế.
Các bạn, điểm chung nào chúng ta nhận thấy trong các câu trả lời này? Thưa, luôn luôn là một tấn công trở lại với người nói.
Điểm chung nào vắng bóng trong các câu trả lời? Thưa, một câu hỏi tiếp theo để tìm hiểu tại sao người nói lại nói thế, lại cảm xúc như thế. Mọi câu trả lời đều thiếu một từ giản dị, nền tảng cho mọi kiến thức của nhân loại—WHY? TẠI SAO?
Hỏi TẠI SAO để hiểu thêm về cảm xúc và tư duy của người kia, để ta có thể hiểu và chia sẻ cảm xúc và tư duy đó, để ta thực sự hiểu được lòng người kia như chính người ấy tự hiểu về chính mình. Đó gọi là BIẾT NGHE.
Trong liên hệ giữa 2 người, hay giữa một nhóm nhỏ như là một nhóm bạn trong lớp, hay một nhóm lớn như một quốc gia (nhân dân và nhà nước), hay thế giới (giữa các quốc gia), có lẽ là 99% của mọi vấn đề xảy ra vì mọi người không muốn nghe hoặc/và không biết nghe.
Cái “điếc” đưa đến cái “mù”.
Các bạn, khi ta nghe vợ, chồng, bạn, anh em, công dân của mình, nói một điều gì đó về nhận xét hay cảm xúc của họ, (1) hãy dập tắt ngay trong đầu của ta phản ứng kiêu căng hay chống đối vốn là bản tính si mê của ta—nói bậy, thế là sai rồi, chẳng hiểu gì cả, chẳng logic gì cả, nhiều cảm tính quá, tham lam quá, đòi hỏi quá—và (2) hỏi ngay lập tức TẠI SAO, với một thái độ chân thành trong tâm là muốn biết sự thật để cùng chia sẻ, không phải để biết để tranh luận thắng thua.
Biết nghe là biết tập trung tư tưởng vào việc tìm hiểu thêm các tầng sâu thẳm của điều mình vừa nghe. Tức là, hiểu được các cảm xúc sâu thẳm đã khiến người kia nói câu mình vừa nghe (để có thể chia sẻ trái tim của người nói, để có thể cùng nhau có một giải pháp tối ưu chung cho cả hai).
“Nghe” là nghe được và hiểu được tình cảm sâu thẳm của người nói, như chính họ đang cảm xúc.
Cái điếc đưa đến cái mù. Không biết nghe, đưa đến sự ngu dốt. Đừng quên điều đó.

Không có nhận xét nào: