NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Đâu là nguyên nhân, đâu là hậu quả?



Một trong những lỗi lầm lớn nhất trong lý luận của đa số mọi người, trong đời sống cá nhân cũng như trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, triết lý, xã hội…, là lẫn lộn liên hệ nhân quả giữa các sự vật.
Liên hệ nhân quả là liên hệ giữa nguyên nhân và hậu quả: Như là “trời mưa ướt áo”. Trời mưa là nguyên nhân, ướt áo là hậu quả.
Ba lỗi lầm thường xuyên nhất trong liên hệ nhân quả mà mọi người thường vấp phải là: (1) lẫn lộn nguyên nhân và hậu quả, (2) tưởng là có liên hệ nhân quả, trong khi chẳng có liên hệ gì cả, và (3) tính sai “trọng lượng” của liên hệ nhân quả.
1. Lẫn lộn nguyên nhân và hậu quả: Đảo ngược hậu quả thành nguyên nhân, và nguyên nhân thành hậu quả.
Vì mưa buồn nên tôi buồn. Hay, vì tôi buồn nên mưa buồn?
Vì nó kiêu căng nên tôi ghét nó. Hay, vì tôi ghét nó nên tôi thấy nó kiêu căng?
Vì ta nghèo nên ta nhiều tham nhũng. Hay, vì ta nhiều tham nhũng nên ta nghèo?
Vì em lạnh nhạt với anh nên anh lạnh nhạt với em. Hay vì anh lạnh nhạt với em nên em lạnh nhạt với anh?
Vì mọi người tồi cả nên tôi không thích nói chuyện với ai. Hay, vì tôi không thích nói chuyện với ai nên tôi thấy mọi người đều tồi cả?
Vì anh nghèo nên anh bi quan. Hay, vì anh bi quan nên anh nghèo?
2. Tưởng là có liên hệ nhân quả, nhưng thật ra không có: Cái mà ta nghĩ là nguyên nhân thực ra không phải là nguyên nhân, mà thực ra là có một nguyên nhân khác.
Rất nhiều con nhà nghèo học dốt, cho nên người nghèo sinh con dốt. Nhưng có đúng vậy không, hay chỉ vì hệ thống giáo dục kỳ thị người nghèo?
Những người tin vào Giêsu thường rất cực đoan, Giêsu dạy họ cực đoan. Nhưng đó là Giêsu dạy cực đoạn, hay giáo hội của họ dạy họ cực đoan?
Trẻ em vị thành niên phá thai nhiều vì không hiểu giáo dục sinh l‎ý. Nhưng đó là không hiểu hay không quan tâm, vì phá thai quá dễ dàng?
Thầy cô không biết dạy nên không cho học sinh suy nghĩ tự do và bắt học sinh học thuộc câu trả lời. Nhưng đó là vì thầy cô không biết dạy hay vì các bài thi của Bộ Giáo Dục bắt buộc học sinh phải trả lời “đúng” câu trả lời của Bộ?
Vi nông dân được mùa lúa, lúa thặng dư, nên giá lúa xuống thấp làm nông dân lỗ. Nhưng đó là vì nông dân được mùa, hay là vì nhà nước không thu mua lúa dư mang vào kho dự trữ để quân bình giá cả thị trường?
Anh có vấn đề với em vì em suy nghĩ chẳng hợp luận lý tí nào. Nhưng đó là vì em thiếu luận lý hay vì anh không biết suy nghĩ kiểu tình cảm như em?
Thành phố ngập lụt vì mưa nhiều. Hay thật ra là vì thành phố không có hệ thống thoát nước mưa?
3. Tính sai trọng lượng của liên hệ nhân quả: Nguyên nhân nhẹ thì cho là nặng và nguyên nhân nặng thì cho là nhẹ.
Trong các trường hợp sau đây, nguyên nhân nào nặng nhất, nguyên nhân nào nhẹ nhất?
Hoc sinh hay đánh nhau bằng hung khí trước cổng trường, vì (1) học sinh học bạo động trên TV, (2) nhà trường không trừng phạt nặng nề các học sinh bạo động, (3) học sinh không còn biết đạo đức vì thầy cô không cư xử đạo đức với học sinh.
Thỉnh thoảng dân xúm lại đánh cảnh sát, vì (1) cảnh sát thường không tôn trọng nhân dân, (2) nhân dân thường là bất trật tự và bất hợp pháp, (3) nhân dân không tin vào luật của nhà nước nên phải tự “làm luật”.
Anh có bồ ngoài đường vì (1) anh không yêu em đủ, (2) đó là mốt của các ông thời thượng, (3) anh không biết tôn trọng phụ nữ (nhất là vợ mình).
Giáo dục ta yếu vì (1) giáo chức không đủ tiền, (2) ngân sách không đủ tiền, (3) quản lý giáo dục tồi.
Khỏi nói thì chúng ta cũng biết, tư tưởng và hành động của chúng ta sẽ thành điên đảo đảo điên nếu ta hiểu sai liên hệ nhân quả, giải vấn đề nào cũng làm cho nó thành tồi tệ thêm vì chỗ phải giải (nguyên nhân) thì không làm, nhưng chỗ không phải giải (hậu quả) thì cứ cắm đầu cắm cổ vào đó. Như đau gan thì có mặt mụn, không thể cứ bôi kem thoa mặt mà không chữa gan đau.
Nhưng các liên hệ nhân quả này, trong rất nhiều trường hợp rất khó thấy, và người ta hay lẫn lộn đầu đuôi. Và đôi khi vì lý do tuyên truyền hay ăn thua, người ta cố tình bóp méo và đảo ngược nhân quả để lừa thiên hạ.
Cho nên trong tiến trình tư duy của ta, rất nhiều khi ta phải suy nghĩ rất kỹ và rất cặn kẻ để có thể biết được đâu là đầu đâu là đuôi, đâu là nguyên nhân chính đâu là nguyên nhân phụ, đâu là lý do nặng đâu là lý do nhẹ.
Sai lầm nguyên nhân và hậu quả là sai lầm số một trong lý luận và tư duy. Và luôn luôn đưa đến các giải pháp tốn phí và tai hại, dù đó là đời sống vợ chồng hay chính sách kinh tế cho quốc gia.
Suy nghĩ nhân quả luôn phải cẩn thận.

Không có nhận xét nào: