NGỤ NGÔN

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng

Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

Nên tương lai bằn bặt ở lòng mình

Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội

Người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi

Vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu ?

Biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều

Chuyên đội lốt thánh nhân đi ... lường gạt

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

EROS -Tình Yêu Và Triết Học..

                                                                                                                                                                           
Thần thoại hay huyền thoại là câu chuyện có tính bịa đặt, không thực, mục đích giải thích những hiện tượng thiên nhiên, giải thích một ý nghĩa, một thái độ trước cuộc sống. Trong thần thoại các nhân vật thường là thần linh. Mối liên hệ, các hành động của các nhân vật đều buộc ta chấp nhận bằng niềm tin, không phải bằng lý trí, khoa học.
Thần thoại Việt Nam có khi còn được gọi là truyện cổ tích, các nhân vật có thể là người thường, nhưng hành động của các nhân vật, hậu quả của hành động lại vượt lên trên các nguyên tắc của lý trí, như truyện Âu Cơ và Lạc Long Quân, truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, Truyện Phù Đổng Thiên Vương, Truyện Trầu Cau,…
Lịch sử triết học Hy Lạp để lại cho chúng ta nhiều thần thoại, mỗi thần thoại dưới nhãn quan triết học thường mang một ý nghĩa.
Cụ thể là triết gia Platon.
Platon sinh vào khoảng năm (427-347?), trước công nguyên, ông là học trò của Socrate .
Trong tác phẩm Le Banquet , Platon giải thích sự ra đời của Eros như sau:
Poros, vị thần tượng trưng cho sự hoàn mỹ (sắc đẹp, đạo đức, chân lý, sự thông minh),  bửa nọ thần đi dự tiệc về, do uống rượu nhiều, say quá, thần nằm ngủ dưới một gốc cây. Vừa lúc đó, có nàng Pénia, xấu xí, ngu dốt, đi ăn xin, ngang qua, bắt gặp. Nàng nghĩ rằng: “Đây là cơ hội để ta có một đứa con với chàng”
Thế là nàng đến nằm cạnh chàng, thoát y, ôm lấy chàng…
Poros say quá, biết gì, chàng làm tình với nàng Pénia, xấu xí, ngu đần.
Eros là kết quả của sự trao đổi thể xác giữa Poros và Pénia.
Ý nghĩa của thần thoại kể trên? Hay nói cách khác qua Eros, Platon muốn giải thích điều  gì?
Bản chất Eros là lai tính, giữa thông minh và ngu dốt, giữa đẹp đẽ và xấu xí, giữa thiện và ác. Do đó Eros là tình yêu, là khát vọng hướng tới một sự tuyệt đối, hoàn mỹ. Eros là sức bật nâng lên từ khả giác sang khả tri.
Trong ý nghĩa đó triết gia là những người si tình nhất.
Bởi vì trong tình yêu, chủ thể luôn luôn khát vọng một đối tượng hoàn mĩ, một người tình tuyệt đối mà không bao giờ chiếm hữu được. Mọi chiếm hữu đều thất bại. Bởi vì loài chim ấy đang bay trên một đường bay xa tít (xem : Như cánh vạc bay hay sự thất bại cua tình yêu).
Triết gia khát vọng chân lý tuyệt đối mà không bao giờ khả hữu. Trong câu trả lời của khoa học cho một câu hỏi của triết lý, thì lại phát sinh ra một câu hỏi mới. Do đó hành trình của triết lý  là vô cùng.

Như vậy tình yêu và triết lý chỉ là hai mặt của một thực thể: Eros
Có nhiều khó khăn trong vấn đề định nghĩa . Tình yêu là gì? Triết lý là gì?
Tình yêu là gì?
Đây là một định nghĩa thường gây lúng túng cho các bạn trẻ, cho mọi người. Trong đời ai chẳng có kinh nghiệm tình yêu, ai chẳng cảm nhận được tình yêu, nhưng khi tìm cách định nghĩa nó thì không đơn giản.
Như Xuân Diệu: “Làm sao định nghĩa được tình yêu. Có nghĩa gì đâu một buổi chiều. Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt. Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…”
Yêu có nghĩa là gặp gỡ một người khác giới, thấy nhớ, không quên được và mong gặp mặt trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ thời gian nào, bất cứ, bất cứ, …
Nói như thế vẫn chưa được, chưa diễn tả được đúng nghĩa động từ yêu.
Như trong Love story: “yêu có nghĩa là không bao giờ nói lời rất tiếc”
Như trong một ca khúc: “tình cho không biếu không”
Như vậy khó để có một định nghĩa tình yêu, người ta có thể nêu lên tính chất của tình yêu.
Trong tiếng Việt có 3 động từ diển tả 3 mức độ hoạt động tình cảm:
Thương / Thích / Yêu.
1) Thương: Bao hàm những giá trị tinh thần thuần nhất. Chúa nhân từ, thương tất cả mọi chúng sinh. Bác ái. Trong tình thương chủ thể không chiếm hữu đối tượng.
2) Thích: Bao hàm những giá trị vật chất. chủ thể khát vọng chiếm hữu đối tượng. Thích một chiếc xe hơi, bao hàm muốn chiếm hữu chiếc xe đó. Thích một cô gái, bao hàm ý định muốn chiếm hữu cô gái.
3) Yêu: Bao hàm giá trị vừa tinh thần vừa vật chất. Chủ thể yêu đối tượng có nghĩa là chủ thể vừa nâng tầm bình đẳng với đối tượng như hai tâm hồn đồng điệu,  vừa muốn chiếm hữu đối tượng. Yêu có nghĩa là vừa hòa hợp tinh thần vừa hòa hợp với thể xác.
Tuy nhiên, một nghịch lý trong tình yêu, tình yêu dẫn  đến sự hòa điệu giữa hai tâm hồn, hai thân xác, kết hợp thành vợ chồng thì tình yêu lại thoái hóa, những người tình trở thành người vợ, người chồng và chỉ còn là bổn phận và những va chạm đời thường giết chết tình yêu hay tình yêu chỉ còn là hoài niệm.
Vì vậy những người tình hạnh phúc nhất là những người tình đau khổ nhất. Bạn hãy đừng bao giờ để mình trở thành vật sở hữu của đối tượng, như cây bút máy, chiếc xe. Trong tình yêu, càng xa bao nhiêu thì càng gần bấy nhiêu, ngược lại càng gần bao nhiêu thì càng xa bấy nhiêu.
Tình yêu, nếu không có sự trao đổi thể xác (tình dục) chỉ thuần túy là tinh thần thì dễ rơi vào tình thương. Hay nếu gọi là tình yêu thì chỉ có tình yêu dâng lên Thiên chúa.

Kierkegaard chính là người đã dâng trọn tình yêu lên Thiên chúa khi chàng từ hôn người tình Régine Olsen. Chàng đã thực hiện trọn vẹn thông điệp của tình yêu: Eros, sự vươn lên từ khả giác (thế giới cảm tính) đến khả tri (thế giới ý niệm).
Vấn đề đặt ra cho tình yêu cũng là vấn đề đặt ra cho triết lý.
Định nghĩa triết lý là một vấn đề không đơn giản.  Bởi vì trong triết lý đã bao hàm câu hỏi.
Khi ta nói: Triết lý là gì? Thì chẳng khác gi ta nói: Là gì là gì?
Theo ông Nguyễn Văn Trung trong cuốn “Đưa vào triết học”, thì câu hỏi : Triết lý là gì? Là câu hỏi nền tảng, khác hẳn với câu hỏi thông thường: Cái bàn là gì?, cây bút là gì?, …Bởi vì câu hỏi triết lý là gì? biểu lộ khả năng tra hỏi của con người, khác với hòn đá, rễ cây trơ lì ra đó.
Về bản chất, khát vọng của triết lý là vô cùng, chủ thể luôn hướng về sự tuyệt đối, hoàn mĩ. Khát vọng tình yêu cũng là khát vọng vô cùng. Trong tình yêu, chủ thể hướng tới vẻ đẹp của thế giới ý niệm, thế giới mẫu mực.
Do đó tình yêu là một sự nhớ lại,. nhớ lại một nửa của mình, nhớ lại tiền kiếp của mình, như Trịnh Công Sơn: Ta thấy em trong tiền kiếp.
Trong triết học, triết gia chỉ là người nhớ lại. Sở dĩ anh không biết là vì anh quên. Quên những gì trong thế giới ý niệm, mà bây giờ bản thân anh chỉ là bản sao của thế giới ý niệm đó (xem huyền thoại về cái hang, mythe de la caverne). Trong thế giới cảm tính. Thân xác bị đánh lừa, dẫn đến sai lầm.
Khi Socrate kêu gọi: Các anh hãy tự biết mình, có nghĩa là chân lý mỗi người ai cũng có thể nhận ra, nhưng vì anh quên. Vì vậy với sự giúp đỡ của nhà triết học hay người thầy, người học trò có thể biết được chân lý.
Mặt khác, kinh nghiệm tình yêu là kinh nghiệm thất bại, và vì thất bại, người tình lại càng bị cuốn hút càng lao đầu vào cuộc tình. Cho rất nhiều nhưng chẳng nhận được bao nhiêu.
Triết lý bắt đầu từ sự vấp ngã, thất bại. Khi ta  tự hỏi: Tại sao? Cũng có nghĩa là ta xét lại vấn đề và hành trình của triết lý là hành trình của những chuỗi vấp ngã.
Người ta so sánh triết gia như là người đánh bắt cá ngoài biển khơi đầy gió bão suốt đêm nhưng chẳng bắt được con cá nào.
Và Eros -  trên đường bay ngút ngàn nghiệt ngã, vẫn luôn luôn là một khát vọng vươn lên từ thế giới khả giác đến thế giới khả tri . 

Không có nhận xét nào: